Đúng hẹn, buổi sáng ngày làm việc thứ hai Trại sáng
tác văn học nghệ thuật huyện Ea H’Leo tháng 6 năm 2018, chúng tôi đến quán uống
cà phê theo lời mời của ông Lê Thăng Long - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện
Ea H’Leo. Qua câu chuyện, ông hỏi việc
khai mạc Trại và ngày đầu làm việc của đoàn kết quả ra sao, khó khăn, thuận lợi
thế nào, có yêu cầu gì với địa phương nữa không… anh em trong đoàn vui vẻ tâm sự
như những người bạn lâu ngày gặp lại. Tôi trao đổi thêm một số công vệc cần thiết,
nghe xong ông Lê Thăng Long nói:
-Hôm qua tôi bận công tác đột xuất không dự khai mạc
Trại với các anh được, tiếc quá. Để thuận tiện cho đoàn làm việc trong những
ngày ở đây, tôi mời anh và toàn thể anh chị em văn nghệ sỹ trong đoàn, 14 giờ chiều
nay về Văn phòng UBND huyện hội ý. Bên huyện sẽ mời đồng chí Bí thư Huyện ủy và
cán bộ đầu ngành của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cùng thống nhất xem đoàn cần
gì, các bộ phận của huyện sẽ bố trí, sắp xếp.
Lời đề nghị của ông Chủ tịch Huyện với đoàn làm tôi bị
bất ngờ; bất ngờ ở chỗ, ông không những rất quan tâm đến đoàn mà còn am hiểu
công việc của các văn nghệ sỹ khi đi thực tế sáng tác. Chỉ mới lần đầu tiếp xúc
nhưng tôi có ấn tượng về phong cách làm việc của ông khi xử lý công việc một
cách quyết đoán. Để chuẩn bị mở trại, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Huyện ủy
đã có công văn thống nhất chủ trương, lãnh đạo Hội về làm việc, thống nhất kế
hoạch với Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện. Trong buổi làm việc đầu tiên có Bí
thư, Phó bí thư Huyện ủy; Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã và một số cán bộ đầu
ngành liên quan, còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bận họp trên tỉnh không về
kịp, kế hoạch mở trại nhận được sự đồng thuận cao.
Buổi chiều đúng
hẹn, đoàn chúng tôi tới hội trường UBND huyện đã thấy đồng chí Nguyễn Đình Viên
– Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng hai Phó bí thư Huyện ủy; Chủ tịch UBND huyện
Lê Thăng Long cùng ba ông Phó chủ tịch UBND huyện và cán bộ chủ chốt các phòng
ban của Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung đợi đoàn. Ông Lê Thăng Long chủ trì
cuộc họp, nghe báo cáo một số nét chính về thành tựu kinh tế xã hội, an ninh quốc
phòng của huyện Ea H’Leo trong ba năm gần đây. Sau báo cáo, ông xin ý kiến đề
xuất của đoàn với Huyện; ý kiến của các thành viên ở huyện dự họp. Kết thúc hội
nghị, ông nhấn mạnh: Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để đoàn làm
việc, anh em cần đi cơ sở lấy xe của Văn phòng UBND huyện, thiếu xe nữa điều xe
của Văn phòng Huyện ủy…
Huyện Ea H’Leo là cửa ngõ phía bắc của tỉnh Đắk Lắk,
phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía nam giáp huyện Cư M’Gar và huyện Krông Buk,
phía đông giáp thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện thuộc tỉnh Gia Lai, phía tây
giáp huyện Ea Sup. Huyện được thành lập theo quyết định số
110/CP ngày 8/4/1980 trên cơ sở tách các xã phía Bắc thuộc huyện Krông Buk. Huyện
lấy tên là Ea H'Leo – tên con sông lớn nhất chảy qua địa bàn huyện. Diện tích tự nhiên của huyện có 133.409 ha, dân số
trên 137.000 người, có 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu
số chiếm khoảng 41%.Toàn huyện có 11 xã, 01 thị trấn với 197 thôn, buôn, tổ dân
phố, trong đó có 53 buôn của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ea H’leo có thế
mạnh về tài nguyên đất, rừng, khoáng sản… Thị trấn Ea Drăng – cách thành phố
Buôn Ma Thuột 82 km về phía bắc, tính theo đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai. Một
vài con số thống kê về điều kiện tự nhiên và xã hội cho ta thấy đây là một vùng
đất có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Phạm Văn Khôi – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Văn
hóa Thông tin huyện giới thiệu thêm với chúng tôi một số địa danh nổi tiếng của
huyện như: đèo Cư Đruê, Khu bảo tồn sinh vật cảnh thông nước, thác Bảy Tầng,
thác Mỏ Đen, Khu xây dựng nhà máy điện gió, Khu di tích nơi công bố quyết định
thành lập Quân đoàn Tây Nguyên, Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm
1975 của Đại tướng Văn Tiến Dũng… Chỉ mới nghe thôi mà lòng đã thấy háo hức lạ
thường.
Vùng đất tận cùng phía bắc của tỉnh Đắk Lắk, nhiều núi
cao, vực sâu, đi lại khó khăn nên ta đã chọn nơi đây làm điểm quyết chiến chiến
lược tiêu diệt kẻ thù xâm lược như trận đánh trên đèo Cư Đruê ngày 17/7/1954,
tiêu diệt binh đoàn cơ động 42 của Thực dân Pháp đang trên đường từ Plây Ku về
tiếp ứng cho Buôn Ma Thuột; góp phần quan trọng buộc thực dân Pháp phải rút khỏi
Tây Nguyên. Trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, chiến thắng quận lỵ Thuần Mẫn -
Cẩm Ga ngày 8/3/1975 là nhát dao chí mạng cắt đường 14 và đường 7 nối Đắk Lắk với
đồng bằng ven biển miền Trung, góp phần quan trọng vào chiến dịch giải phóng Buôn
Ma Thuột… Những chiến thắng vang dội ấy đã nói lên phần nào khí phách hào hùng
của quân và dân vùng đất Ea H’Leo. Hòa bình lập lại Đảng và Nhà nước ta phong tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Huyện Ea H’Leo.
Trong chiến tranh giữ nước, vùng đất linh thiêng của đại
ngàn Tây Nguyên có những chiến công hiển hách là vậy; hòa bình lập lại, đảng bộ
và nhân dân huyện Ea H’Leo tiếp tục phát huy trên mặt trận mới: xóa đói, giảm
nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân nơi
đây. Từ một vùng đất được xếp vào loại nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk sau khi thành lập
huyện; đất rộng, người thưa, trình độ dân trí thấp, trên 50% dân số ở độ tuổi
đi học không biết chữ, kinh tế nhỏ lẻ… Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính
quyền nhân dân các cấp, vùng đất Ea H’Leo từng bước phát triển, gặt hái được những
thành quả hết sức rực rỡ và trở thành một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh với
tốc độ tăng trưởng hàng năm liên tục đạt trên 10%, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 34,360 triệu đồng/năm…
Dưới sự lãnh đạo
của Đảng và chính quyền nơi đây, người dân được định hướng trồng cây gì, nuôi
con gì và kết quả những cánh rừng cà phê, tiêu, cao su… bạt ngàn xanh tốt, năng
suất ổn định. Trang trại nuôi heo, gà được định hình phát triển; đàn trâu bò của
các hộ gia đình ở buôn không ngừng phát triển làm thay đổi cuộc sống của người
dân nơi đây. Nhiều hộ gia đình đã trở thành tỷ phú, thu nhập hàng năm trên cả tỷ
đồng. Ea H’Leo một thời công nghiệp chế biến lâm sản phát triển, nổi tiếng trên
cả nước và hôm nay đang phát động trồng rừng, phủ xanh lại những quả đồi đã được
khai thác.
Đạt được kết quả như thế là cả một quảng đường dài phấn
đấu của cả tập thể lãnh đạo các cấp biết đoàn kết nội bộ, hoạch định được chiến
lược phát triển từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 20 năm… và từng bước thực
hiện.
Chúng ta đến huyện Ea H’Leo hôm nay không chỉ thấy những
con đường nối các thôn buôn đa số được nâng cấp, đổ bê tông, trải thảm nhựa;
trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia. Bên đường đi, những ngôi nhà mái ngói,
mái tôn xây kiên cố thấp thoáng sau những vườn tiêu, vườn cà phê, lô cao su
xanh tốt… mới hiểu và cảm nhận được vùng đất bình yên đang trở mình thành vùng
đất đáng sống.
Trên đỉnh đồi Gió và vùng phụ cận thuộc xã Dliê Yang rộng
hơn 50 ha, nơi đang xây dựng khu điện gió có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, khởi
công năm 2014, nhiều thiết bị đã được lắp đặt xong. Những cây cột điện khổng lồ
vươn thẳng lên bầu trời, mang tua bin và cánh quạt nặng trên 15 tấn đón gió,
chuyển thành dòng điện phục vụ con người. Thật khâm phục những người kỹ sư đã
tìm được vùng đất đắc địa; khảo sát, thiết kế xây dựng những cây cột khổng lồ
vây quanh quả đồi Gió, hứng gió sản sinh ra dòng điện phục vụ con người. Hy vọng
thời gian không xa, khu điện gió thân thiện với môi trường sẽ hòa lưới điện quốc
gia và vùng đất này sẽ mở cửa đón các đoàn du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Một tiềm năng du lịch rất lớn nếu chúng ta biết tổ chức khai thác tốt, đang rộng
mở nơi đây.
Nếu khu vực xây dựng công trình nhà máy điện gió, đường
đi lại tương đối thuận tiện, dẫn ta đến quang cảnh hùng vĩ do con người tạo nên
trên một vùng đất đẹp có thể phóng tầm mắt nhìn gần như gần hết địa bàn huyện
vào một ngày nắng đẹp thì Khu bảo tồn sinh vật cảnh thông nước lại đưa ta về với
đầm lầy và những gốc cây cổ xưa. Đoàn chúng tôi phải dừng xe cách Khu bảo tồn gần
một ki lô mét vì đường đất, dốc, lại quá hẹp, xe không xuống được. Anh em văn
nghệ sỹ lội trên con đường đất đỏ trơn trượt, lần từng bước xuống đầm lầy, nơi
những cây thông nước có từ thời tiền sử còn tồn tại duy nhất trên thế giới. Gọi
là thông nước, vì giống loài thông bình thường, nhưng những cây thông này lại mọc
dưới đầm lầy. Để vào trong rừng xem cây, người ta phải làm đường lát bằng ván nổi
trên mặt sình. Mỗi tấm ván dài hơn một mét, rộng hai mươi phân kê lên trên các
thùng phi rỗng, tạo thành cầu phao đi sâu vào khu đầm lầy đến tận từng gốc cây.
Trong đầm có những cây thông nước cao đến hai chục mét, gốc cây lớn nhất phải bốn
người ôm mới hết. Bên mỗi gốc cây lớn lại có thêm một chiếc lán lợp tạm bằng
tôn, thưng ván xung quanh, sàn lát ván rộng chừng 4 mét vuông để cán bộ thay
nhau ngày đêm ngủ bảo vệ cây. Trong đầm lầy, muỗi, độ ẩm cao, không biết các
anh làm công tác bảo vệ khu bảo tồn này làm sao để đảm bảo sức khỏe khi sống
trong những chòi canh tạm như konet thế nay?
Ngày hôm sau, ông Phạm Văn Khôi tiếp tục đưa chúng tôi
vào thăm địa danh mới được quy hoạch: Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân
1975 nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng từng ở, chỉ huy chiến dịch giải phóng thị xã
Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975 và địa danh công bố Quyết định thành lập Quân
đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên).
Xe qua trụ sở Ủy ban nhân xã Ea Tir chừng 2 km bắt đầu
đi vào con đường đất đỏ bazan rải đá dăm, thêm khoảng 5 km nữa hết đường đá là
con đường đất, xe máy cày chạy nhiều, thành từng vũng lầy. Chiếc xe hai cầu của
huyện chở 4 người đi như người say rượu; hết trượt qua trái lại ngoặt qua phải,
anh Sơn lái xe của Phòng Văn hóa thông tin huyện cũng phải thốt lên: Đường xấu
lắm, các bác ngồi cẩn thận không bị sưng đầu đấy. Hết lên dốc đá cao vút, lởm
chởm những hoàn đá tảng như lưng trâu lại lao xuống khe ngập nước; lái xe phải
xắn quần, lội suối, lăn gốc cây mở lối cho xe vượt qua. Gần trưa chúng tôi đến
được vùng đất dốc thoai thoải về phía bắc, cây cối chỉ mọc cao ngang đầu người;
thỉnh thoảng mới thấy một gốc cây to cháy đen thui - dấu vết của đại ngàn còn lại.
Xe dừng bên cột mốc bê tông gắn tấm biển ghi: KHU DI TÍCH NƠI CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH
THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 (BINH ĐOÀN TÂY NGUYÊN).
Khu rừng hoang vắng, chỉ có cây cộng sản xanh rì mọc xanh
tốt, chúng tôi đi rộng ra xung quanh phát hiện thêm một số cột bê tông được
chôn cẩn thận, đánh dấu địa điểm các hầm – nơi làm việc của các đơn vị trực thuộc
sở chỉ huy. Theo anh Phạm Văn Khôi, nếu xuôi theo triền đồi
khoảng hơm 1 km đến suối lớn, băng qua suối 1 km là đến Sở chỉ huy chiến dịch
Tây Nguyên của Đại Tướng Văn Tiến Dũng; nhưng suối sâu, xe không qua được, còn
đi bộ thì… mấy anh em đã quá mệt, không bước nổi nữa.
Một vùng đất rộng, hoang vu chắc xưa kia nơi đây là rừng
già của đại ngàn nay đã bị tàn phá hết, giao đất cho Công ty TNHH trồng rừng; rừng
chưa trồng, chỉ có cỏ dại và le mọc um tùm. Thoảng trong gió của thảo nguyên lồng
lộng thổi, tôi nghe như có cả tiếng xe tăng gầm, tiếng đại bác réo của một thời
“gian lao mà anh dũng” của Quân Giải phóng Miền Nam vọng về. Các thế hệ cha anh
đi trước không tiếc máu xương và lòng mưu trí, dũng cảm chiến thắng kẻ thù,
mang lại thống nhất trọn vẹn lãnh thổ cha ông để lại. Đứng tại địa điểm của mảnh
đất lịch sử nơi đây ta mới cảm nhật hết được cái rộng lớn của Tây Nguyên; cái đẹp,
sự hùng vĩ của vùng đất phía tây của Tổ Quốc mà cha anh chúng ta chọn làm địa
điểm chỉ huy chiến lược, quyết chiến với kẻ thù. Chúng ta mong và tin, một ngày
không xa Khu di tích này sẽ được khởi công xây dựng và sớm hoàn thành để con
cháu đến thăm và chiêm ngưỡng.
Huyện Ea H’Leo không chỉ có công trình điện gió duy nhất
xây dựng trên vùng Tây Nguyên sẽ là điểm thu hút khách du lịch mà còn nhiều địa
danh nổi tiếng khác như: thác Bảy Tầng, thác Mỏ Đen, Hồ Ea Đrăng, Khu bảo tồn
sinh vật cảnh thông nước… và đặc biệt Khu di tích lịch sử: Nơi công bố Quyết định
thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); Sở Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên,
giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975 đã được quy hoạch. Trong tương lại gần,
nếu ta biết tổ chức khai thác tốt thì đây là những “khu công nghiệp không khói”
mạng lại nguồn lợi vô cùng to lớn góp phần quan trọng nâng cao vị thế của vùng
đất nơi đây. Tuy nhiên để đạt được điều ấy là cả một chặng đường còn hết sức
gian nan phía trước, đặc biệt kinh phí đầu tư vào các hạng mục công trình. Một
số địa danh cơ sở hạ tầng gần như bằng không, đang cần một cơ chế quản lý,
chính sách phù hợp thu hút đầu tư, nhưng điều này lại vượt tầm của địa phương.
Đây là một thách thức lớn với chính quyền địa phương nơi đây.
Vùng đất địa linh, nhân kiệt – Ea H’Leo, đã gặt hái được
những thành tích vô cùng rực rỡ sau gần 40 năm thành lập và phát triển, chắc chắn
sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới. Mừng với Ea H’Leo được một tập
thể đảng bộ đoàn kết, nhất trí cao, có những cá nhân xuất sắc đảm nhiệm những
chức vụ chủ chốt lãnh đạo huyện ngày càng phát triển về mọi mặt, vươn lên thành
điểm sáng của tỉnh Đắk Lắk về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Vui với Ea H’Leo cuộc sống người dân đang dần một nâng cao, họ không những biết
làm giàu trên vùng đất màu mỡ của mình mà còn tin tưởng vào đường lối, chủ
trương của Đảng, chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp
hơn. Nhưng cũng còn đó nỗi lo về chính sách, cơ chế đầu tư, quy hoạch phát triển
du lịch – một thế mạnh của Ea H’Leo đang đợi lời giả đáp của các cấp có thẩm
quyền để đánh thức vùng đất huyền diệu của đại ngàn phục vụ cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI