Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

CÂU CÁ BỐNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ ÁO TRẮNG THẦY CÔ TÔI Nhà xuất bản Trẻ năm 2020

 






Buổi trưa Y Thịnh vào nhà Hồng ăn cơm, thấy cô giáo Lan dạy cùng trường với mẹ Hồng mang đến một rổ cá bống có nhiều con còn nhảy lách tách. Cá bống hồ chỉ to bằng đầu đũa, nửa phía trên lưng màu nâu đen, phía bụng màu trắng, con nào con ấy bụng chứa đầy trứng. Y Thịnh nhìn rổ cá, ngước mắt nhìn cô giáo hỏi:

-Cô ơi, cá này tát ao bắt được hả cô?

-Chú câu trên hồ buổi sáng đấy.

-Ô, cá bé tẹo thế này mà câu thì đến bao giờ cho đầy một chén ạ?

-Có cách câu riêng cháu ạ, chiều cháu vào câu cho biết.

Nghe cô Lan trả lời, Y Thịnh quay lại nhìn Hồng, Hồng hiểu ý nói với mẹ:

-Mẹ ơi, chiều cho chúng con vào nhà cô câu cá bống nhé.

-Ừ, cuối giờ chiều mẹ đưa đi.

-Cuối giờ chiều thì tối mất, câu được bao nhiêu!

Hồng phụng phịu, cô Lan bảo:

-Trời mùa khô, gần bảy giờ mới tối, các con vào câu một tiếng là được rồi.

-Dạ!

Hồng vui lên ngay, sáng nay thi xong môn cuối cùng; chiều cô giáo chủ nhiệm tập trung bồi dưỡng riêng cho mấy bạn chuẩn bị đi thi học sinh giỏi. Mẹ Hồng bảo mời Y Thịnh về nhà ăn cơm, nghỉ trưa rồi chiều đi học tiếp. Nhà Y Thịnh cách xa trường đến sáu cây số, ba mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau. 

Hôm nay, lần đầu tiên Y Thịnh ở lại ăn cơm trưa nhà bạn mới, thấy cái gì cũng lạ, cũng vui. Bất ngờ nghe cô Lan bảo đi câu cá bống, Y Thịnh băn khoăn: Từ bé theo bạn bè đi câu, đến nay đã mười ba tuổi đầu, ăn bao nhiêu là gạo mà chưa thấy ai đi câu loại cá chỉ to bằng đầu đũa. Cá như vậy thì lưỡi câu thế nào cho cá ăn được? Lấy mồi gì câu cá đây? Băn khoăn với suy nghĩ thế, buột miệng hỏi:

-Cô ơi câu cá bằng mồi gì để cháu chuẩn bị ạ?

-Mồi giun bình thường thôi mà.

-Ô, thế con giun bằng bao nhiêu mà con cá này ăn được?

-Chiều vào rồi biết, giờ đi ăn cơm trưa đã. 

Mẹ Hồng nhắc, cô Lan cười bảo:

-Mồi chú đã chuẩn bị rồi, chỉ chờ các cháu vào câu thôi.

-Dạ!

Hồng bưng cả rổ cá đổ xuống sân gạch. Những con cá bống chắc bị nóng, nhảy dựng lên một chút rồi nằm im. Chỉ một chốc hơi nước bay đi hết, trên mặt sân chỉ còn những chú cá bống, thân cong lại như một dấu hỏi. Y Thịnh ngạc nhiên hỏi:

-Sao Hồng lại đổ cá xuống sân như thế?

-Để cá bị nóng, giãy dụa tự làm sạch vảy, nhớt bám xung quanh. Chờ khô lớp da bên ngoài đem rửa sạch mang kho tiêu mới ngon.

-Lạ quá!

Y Thịnh thốt lên ngạc nhiên, vì lần đầu tiên trong đời thấy cách làm thịt cá của người Kinh khác với người Êđê..

*

**

Tan học, Y Thịnh về nhà giúp Hồng quét dọn nhà cửa xong, mang sách ra bàn ngồi đọc chờ mẹ Hồng về dẫn đi. Y Thịnh mắt nhìn chữ mà chữ cứ như chạy đi đâu mất ấy, trong đầu chỉ thấy hình ảnh chiếc cần câu và con cá bống tí tẹo nhảy múa. Thời gian chờ đợi sao mà lâu thế. Gần năm giờ chiều mẹ Hồng đạp xe về, hai đứa chạy ra sân đón, Hồng khoe:

-Con xong hết việc nhà rồi ạ, chỉ chờ mẹ về đi thôi.

Nhìn nhà cửa gọn gàng, rổ rau chuẩn bị bữa ăn chiều được rửa sạch để trên giá, đậy cẩn thận; mẹ Hồng vui vẻ nói:

-Đợi mẹ thay đồ chút nhé.

Hồng ngồi sau xe cho mẹ đèo đi trước, Y Thịnh đạp xe theo sau. Ba người đi trên con đường đất đỏ chạy giữa những lô cà phê cao hơn đầu người một chút, trên cành cây xuất hiện những chùm quả nhỏ li ti còn dính những cánh hoa đen sì, khô quắt lại. Thỉnh thoảng từng bầy chim ngói đi kiếm ăn xa bay về lượn vòng tròn trên không trước khi đáp xuống hàng muồng trồng ven lô cà phê. Cu gáy đậu trên cây cà phê thả vào không gian tiếng gọi bạn: Cúc cu, cúc cu, cúc cu… nghe đầm ấm lạ, không khí những ngày giáp Tết hình như cũng trong lành hơn lên.

K… ít! Chiếc xe của mẹ Hồng đang lao băng băng, bỗng nhiên kêu lên rồi dừng lại; xe Y Thịnh đi sau, lao tới, suýt tông vào chân Hồng. Y Thịnh ngạc nhiên hỏi:

-Có chuyện gì vậy cô?

-Rắn!

-Ô, rắn to quá, sao cô không lao luôn xe lên người nó, dừng lại làm gì?

-Nếu cán qua mình nó, nó quay đầu lại cắn vào chân thì làm thế nào?

- Hi hi, cô nói cũng đúng ạ.

-Đi đường gặp các loại thú, tránh được thì tránh, không tránh được thì dừng lại cho nó qua rồi mình đi. Chậm một tý không sao, còn không thì… hậu quả thật khó lường.

-Dạ, cháu hiểu rồi ạ!

Y Thịnh trả lời, mặt hình như đỏ lên một chút vì bài học bất ngờ trong xử lý tình huống đi đường.

*

**

Nhà cô Lan mái lợp ngói đỏ tươi, xây theo kiểu Thái nổi bật giữa nền xanh của các trụ tiêu và sầu riêng trồng xen nhau. Trên cành, sầu riêng sai quả quá, nhiều như được chủ nhà gắn vào làm cảnh, trông thật đã mắt. Cô Lan trong nhà bước ra sân đón, vui vẻ nói:

-Chị và hai cháu vào rồi ạ.

-Cháu chào cô, cô ơi đi đường nào ra hồ.

Y Thịnh chào cô rồi hỏi luôn, có vẻ sốt ruột.

-Đi theo cô.

Theo cô Lan, đi xuyên qua vườn xuống bờ hồ. Hồ nước rộng mênh mông, đứng bên này hồ nhìn về phía bên kia hồ, người lớn chỉ to bằng nắm tay. Trên hồ nhiều thuyền đi lại ngược xuôi trông như trong lễ hội. Từ bờ rào vườn nhà cô Lan xuống đến mép nước cũng phải đến trăm bước chân. Ven bờ toàn đá sỏi, sóng nước theo gió vỗ vào bờ tung bọt trắng phau. Chú Long, chồng cô Lan người to, cao, đôi mắt sáng; mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, thấy mọi người ra, vui vẻ chào:

-Chị và các cháu vào chơi!

-Cháu vào đi câu cá bống đấy ạ, thế cần câu đâu chú?

Y Thịnh trả lời và hỏi luôn, không kiềm chế được sự tò mò về kiểu câu kỳ lạ, mong được thấy. Chú Long hình như hiểu được sự nôn nóng của Y Thịnh, cười độ lượng, trả lời:

-Đây cháu.

Chú Long chỉ vào mấy cái vó làm bằng vải màn, có cạnh khoảng một mét để ngữa trên bờ. Y Thịnh ngạc nhiên kêu lên:

-Ô, cái này là vó chứ đâu phải cần câu?

-Câu cá bống phải vậy đấy. Cháu nhìn nhé: giữa vó có sợi cước và lưỡi câu. Ta mắc con giun vào lưỡi câu, đặt xuống nước; mồi câu lơ lững trong nước dụ lũ cá bống đến ăn, khoảng vài phút kéo lên là được. Đây cháu nhìn chú làm nhé.

Chú Long cầm cây cán vó to bằng ngón chân cái, dài hơn hai sải tay làm bằng cây le đặt vó xuống mặt nước. Dây cước có lưỡi câu được buộc vào gọng vó, chắc chỉ chìm cách mặt nước hơn một gang tay. Sợi cước lung lay, xung quanh sủi những bọt bong bóng nhỏ li ti. Chú Long nhấc vó rất nhanh làm gọng vó cong lại, lôi theo bốn góc vó lên khỏi mặt nước. Trong vó lũ cá bống phải đến cả vốc tay cuống cuồng chạy trốn nhưng rồi không kịp, chúng cong đuôi nhảy một cách tuyệt vọng. Cầm một góc vó nghiêng lại cho lũ cá nhảy vào xô để bên cạnh, chiếc mồi mắc trên lưỡi câu vẫn còn nguyên. Y Thịnh reo lên:

-Câu thế này thì dễ quá, chú cho cháu làm thử.

-Đây, cháu cầm lấy.

Bắt chước chú Long, Y Thịnh cũng cầm cây sào đặt vó cách xa bờ chừng hai mét rồi chờ đợi, mắt chăm chú nhìn vào sợi cước gắn mồi treo giữa vó. Một lúc sợi cước đong đưa như có ai đó đang trêu đùa, bong bóng nước lăn tăn nổi lên, Y Thịnh thích thú thì thào:

-Cháu kéo lên được chưa ạ?

-Được rồi đấy.

Y Thịnh dùng hết sức, kéo mạnh, miệng reo to:

-Ôi, nhiều cá quá, nhiều hơn của chú lúc nãy rồi. 

Chiếc vó được lôi lên khỏi mặt nước, lũ cá bống hoảng hốt bỏ chạy nhưng không sao ra khỏi vó. Vút, theo đà kéo quá mạnh khi vó lên khỏi mặt nước lao luôn lên không trung, làm Y Thịnh mất thăng bằng ngồi bệt xuống đất, hất lũ cá bống bay luôn ra ngoài, rơi mỗi con một nơi làm mọi người bật cười. Hồng đứng bên cạnh cười ré lên như bị chọc lét. Y Thịnh đỏ mặt đứng dậy, miệng làu bàu:

-Con cũng làm giống chú mà sao…

-Lúc đầu khi cất vó, cháu phải dùng hết sức kéo thật nhanh để bốn góc vó nhô lên trên mặt nước, lũ cá bống không chạy trốn được. Khi các cạnh vó lên khỏi mặt nước, phải giảm lực, kéo từ từ thôi để không bị gió thổi bay mất cá.

-Sao chú không dạy cháu trước.

-Tại khi nãy bạn bảo dễ quá mà, cần ai phải bảo nữa.

Hồng trả lời, Y Thịnh đỏ mặt trả lời:

-Chỉ được cái giỏi ăn hiếp người khác!

-Hồng nói thật đó, làm lại đi.

Lần này Y Thịnh đặt vó xuống nước, đợi; rồi cẩn thận làm đúng như chú Long dạy, lúc đầu kéo mạnh để bốn cạnh vó nhô khỏi mặt nước, sau đó kéo từ từ. Lũ cá bống trong vó nhiều quá, lúc đầu còn có nước trong vó chúng hoảng sợ chạy lung tung tìm cách thoát thân, nước trong vó cạn dần, lũ cá dồn lại thành một đống giữa vó, trông đã con mắt quá. Y Thịnh kêu toáng lên:

-Hồng giúp mình bắt cá với.

-Có ngay đây.

Hồng trả lời rồi bước tới cầm góc vó nghiêng lại cho cá nhảy vào xô. Chú Long khen:

-Cháu khéo tay lại sát cá, mẻ này được nhiều hơn cả của chú rồi đấy.

-Dạ!

-Cá này kho tiêu mà có chút lá chanh non thái nhỏ trộn vào thì… hết cả xoong cơm luôn đấy cô chú nhỉ.

Nghe Hồng nói vậy, cô Lan cười:

-Đúng là con gái có tâm hồn… nội trợ, chốc nữa vào vườn cô hái lá bưởi non thay lá chanh về nấu xem mùi vị thế nào nhé. 

-Dạ!

*

**

Mặt trời đỏ hồng từ từ sà xuống vườn cà phê phía tây. Mặt hồ như được dát vàng lên đầu những ngọn sóng theo nhau đùa dỡn leo lên bờ. Bất ngờ, một đàn vịt trời đông đến cả ngàn con bay qua đầu mọi người rồi đáp xuống mặt hồ. Chú Long nói:

-Hồ thủy điện này mới làm xong chưa được hơn năm mà lũ vịt trời ở đâu bay đến nhiều thế không biết.

-Nhìn chúng đẹp quá chú nhỉ.

Hồng reo lên thích thú, chú Long gật đầu xác nhận:

-Đúng vậy cháu gái.

Chú Long trả lời, mắt dõi theo bầy vịt trời đang nô đùa với những con sóng, thỉnh thoảng có con đứng hẳn lên trên mặt nước, vỗ cánh như chào mọi người.

Bỏ tất cả số cá vừa bắt được vào túi, cô Lan đưa cho Hồng, bảo:

-Cầm lấy về trổ tài kho tiêu nhé.

-Trưa nay Lan cho cá mình ăn chưa hết, cá này để Y Thịnh mang về cho amí(1) Y Thịnh.

Nghe mẹ Hồng nói vậy Y Thịnh giãy nảy, kêu lên:

-Cả nhà đi câu sao lại một mình cháu lấy, không công bằng cô ạ.

-Hôm nay một mình Y Thịnh “câu” thôi mà, còn mọi người chỉ giúp. Sản phẩm đầu tay mang về cho ami mừng.

Nghe mẹ Hồng nói thế, Y Thịnh chỉ còn biết “dạ”, nghe theo. Lần đầu tiên đi “câu” cá bống kiểu mới và cũng học được nhiều điều thú vị để ứng xử trong cuộc sống theo kiểu Yoăn(2) khác với tục lệ trong buôn – Y Thịnh thầm nghĩ, chắc ami sẽ vui nhiều khi biết chuyện này. Phía tây, mấy đám mây vàng từ từ kéo lên, soi bóng xuống mặt hồ trông như một bức tranh.


Chú thích tiếng Êđê:

1. Amí: mẹ.

2. Yoăn: người Kinh .

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

LỜI DẠY CỦA BÁC LÀ PHƯƠNG CHÂM SỐNG ghi chép của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 340 THÁNG 12 NĂM 2020

 


 

Ông Nguyễn Ước tuổi Kỷ Sửu, theo vị trí 12 con giáp thì con trâu đứng vị trí thứ hai, đại diện cho sức mạnh về cả thể chất và tinh thần. Người tuổi Sửu đa số sống tự lập, trưởng thành sớm, có tính cách mạnh mẽ kiên định, có nhiều ước mơ hoài bão. Ông là một cán bộ y tế tổ dân phố 3, mà cách gọi thân thiện thì vị trí đó là “Bà đỡ thôn bản”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với tấm lòng nhân ái ông sẵn sàng giúp đỡ chăm lo mọi người về sức khỏe. Người chỉ đau đáu nghĩ đến việc giúp người khác không những nhân dân phường Thống Nhất, cả thị xã Buôn Hồ mà tiếng thơm lan xa hơn, Năm 2016 ông Nguyễn Ước vinh dự nhận bằng khen của thủ tướng Chính phủ “Đã có thành tích Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quôc”, tấm bằng được lồng khung kính treo trân trọng dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tự hào nhưng không khoe khoang, chỉ từ tốn với tâm niệm ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau riêng; gộp những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của tôi”.

Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, còn nhỏ ông đã phải cùng gia đình xa quê hương Hưng Nguyên cùng đồng bào giáo dân Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào Đăk Lak và định cư sinh sống dưới chân đèo Hà Lan từ những ngày nơi đây còn rừng thiêng nước độc. Lúc ấy muốn đi học tiểu học phải xuống Quy Nhơn (Bình Định), lên trung học phải vào Sài Gòn. Với lòng ham học và quyết tâm có kiến thức để tự tin với đời, ông đã xa gia đình khăn gói vào Sài Gòn đi tìm con chữ; thế nhưng thời thế đã cản bước chân của chàng thanh niên với những ước mơ cháy bỏng; giữa lúc quân lính quốc gia vào trường học bắt họa sinh đi quân dịch, không đợi đến lượt mình ông đã tính toán nhanh trong đầu xung phong đi học trường sĩ quan quân y, có hai lợi ích cho bản than, thứ nhất không phải cầm sung ra trận bắn lại đồng bào mình, thứ hai học được nghề cứu người sẽ giúp ích cho đời. Ra trường ông phục vụ trong lực lượng không quân quốc gia và trở thành thành viên Hội Hồng Thập tự quốc tế (tiền thân của Hội Chữ thập đỏ).

Đất nước thống nhất, sau khi đi học tập cải tạo trở về lại có thời gian phục vụ trong quân đội ông đã nhận tức đúng sai về cuộc chiến tranh, và đất nước là bị thiệt hại nhất, nhân dân là những người chịu tiệt thòi mất mát hơn cả; từ đó ông hăng say đóng góp sức mình xây dựng quê hương được nhân dân bầu ông làm đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã toàn xã Thống Nhất. Có sẵn chuyên môn ngành y, ông kiêm luôn y tế thôn, sau này thành lập thị xã Buôn Hồ, xã Thống Nhất thành phường, thôn thành tổ dân phố vậy là ông làm y tế tổ dân phố Ba cho đến nay, có điều kiện tiếp xúc với người dân ông nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, và điều làm ông day dứt là những người có hoàn cảnh khó khăn lại thường gặp phải bệnh hiểm nghèo, những căn bệnh mà khoa học thế giới còn bó tay thì y tá thôn như ông làm gì nổi. Ông Ước đánh vận dụng thế mạnh sự đoàn kết tương than tương ái của chức năng Hội Chữ thập đỏ. Thương hoàn cảnh của những người nghèo khó gặp bệnh trọng, ông đã trao đổi tâm ý của một người có trái tim “làm việc thiện” với nhà xe Thảo Lan, và may mắn được sự đồng cảm của nhà xe có tuyến xe khách chạy Buôn Hồ - TP Hồ Chí Minh, từ đó những bệnh nhân có căn bệnh hiểm nghèo được Nhà xe Thảo Lan chở miễn phí vào các bệnh viện thành phố. Chữa bệnh cần có tiền, bệnh trọng như ung thư, gan, thận càng cần nhiều tiền hơn, những gia đình khó khăn thì lấy đâu ra tiền để chi phí, ông Ước lại đi vận động các gia đình có điều kiện trong phường, các doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp ủng hộ. Những bệnh nhân quá nặng được bệnh viện trả về gia đình thì lúc này ông Ước mới có thể vận dụng chuyên môn và trách nhiệm của lương tâm, ông thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc và cấp phát thuốc, chích thuốc miễn phí do ông tự lo. Mỗi ngày không đến thăm người bệnh được là người ông bần thần nôn nao; thăm cho thuốc rồi, theo dõi bệnh tình trở về ông lại trăn trở tìm cách giúp. Cứ thế thành lệ, hễ trong địa bàn có người đau yếu là ông lại có mặt; dân tình cũng thành quen, gia đình nào có người đau thì điện thọai cho ông. Bà Nguyễn Thị Cần, người bạn đời kém ông bốn tuổi, nay cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, người chia sẻ đồng hành từng bước đi của ông, người sát cánh đồng cảm trong suy nghĩ việc làm cùng ông, từng quen với việc ông thức khuya dậy sớm, bất kể nửa đêm, mùa mưa gió hay mùa khô giá lạnh, hễ nghe có điện thoại ai đó cần đến ông là ông bà cùng bật dậy; ông chuẩn bị xe, túi thuốc, bà lấy cái áo ấm khoác cho ông, lấy lọ dầu xoa chống cảm để ông rong ruổi đi giúp người. Cảm được tấm lòng của ông mà ông Trời đã cho ông sức khỏe, bảy mươi mốt tuổi đời, hơn năm mươi năm làm nghề cứu giúp người, trong đó có gần bốn mươi năm hoạt động công tác xã hội, ông chưa hề từ bỏ một trường hợp nào cần đến sự giúp đõ của ông; Ông Ước thuộc nằm lòng những mảnh đời, phận người khó khăn, bệnh tật trên địa bàn phường mà thường xuyên đến với họ. Những gì ngoài khả năng kinh tế thì ông lại vận dụng công tác dân vận. Anh Nguyễn Văn Trung thuộc tổ dân phố Tân Hà, là đối tượng gia đình nghèo, đi khám biết bị đau thận nhưng không có tiền để đi bệnh viện chữa, bệnh ngày một nặng lên, đến khi đau quá anh phải cầu cứu tới ông Ước, không nề hà, ông Ước liền bố trí nhờ xe khách Thảo Lan chở đi bệnh viện Chợ Rẫy, để yên tâm ông Ước đi cùng bệnh nhân, bà Cần vợ ông Ước chỉ lo được cho chồng số tiền ít ỏi để thuê xe ôm từ bến xe vào Bệnh viện và tiền ăn uống chực chờ, ông Ước sốt sắng gặp giám đốc bệnh viện trình bày hoàn cảnh và bệnh tình của bệnh nhân. Được giám đốc bệnh viện chia sẻ đã chấp nhận mổ miễn phí cho anh Trung cắt đi một bên thận bị hỏng. Ông Ước mừng như chính người thân của mình đã qua được căn bệnh hiểm nghèo đeo đẳng bấy lâu; những ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy được bệnh viện miễn phí điều trị và ăn ở. Xuất viện về nhà, ông Ước lại hằng ngày bố trí đến nhà anh Trung theo dõi diễn biến bệnh tật, có những lúc đau lại vết mổ ông Ước trực lại đêm để chăm sóc bệnh nhân. Để giúp gia đình anh Trung vượt qua khó khăn lúc người trụ cột ốm đau, ông Ước đã nhờ Cha xứ vận động giáo dân ủng hộ giúp gia đình anh Trung vượt qua những ngày thiếu thốn để điều trị khỏi bệnh.

Đang tiếp khách thì ông Ước nhận được cú điện thoại vẻ lo lắng, ông vội vã mong khách thông cảm vì ở xã Ea Siên có người bệnh cần ông. Thì ra không riêng tổ dân phố Hợp Thành 3 hay phường Thống Nhất mà bất kỳ xã nào, phường nào ai đó cần đến ông là ông lại tất tả ngồi lên chiếc xe máy cũ kỹ chạy đến ngay. Được biết, một lần đến xã Ea Siên vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải dùng nguồn nước suối sinh hoạt, ông Ước đã về vận động lòng hướng thiện của các doanh nghiệp được nguồn kinh phí 70 triệu đồng cho đồng bào Ea Siên có nguồn nước sạch để dùng. Ở đâu thấy người dân còn nghèo khó sống trong thiếu thốn là ông lại động lòng trắc ẩn muốn giúp đỡ, bản thân ông gia đình cũng không khá giả gì, mỗi lần có bạn bè nước ngoài về mời ông đi nhậu, ông đều tranh thủ lòng từ thiện, trong buổi nhậu hôm nay dùng 2 thùng bia thì chỉ dùng một thùng thôi, còn lại để giúp người nghèo, tất cả những người được ông thuyết phục đều nhất trí, và họ gửi ông tiền nhờ đưa giúp người nghèo nhưng ông đã dẫn họ cùng đi đến trao số tiền giúp đỡ tận tay người cần giúp. Từ nguồn kinh phí như vậy ông đã giúp được nhiều gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống, trong đó có gia đình anh Nguyễn Đình Sơn, tổ dân phố Tân Hà 3 bị tàn tật, gia đình nghèo đói phải sống trong căn nhà tạm bợ có được 70 triệu để làm lại ngôi nhà ở. Trong mỗi câu chuyện về mỗi hoàn cảnh ông luôn nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. “Làm một cán bộ phải có lòng yêu thương nhân dân tha thiết, làm được điều gì có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ thì làm…”. Ông vận động bạn bè là bác sĩ ở quận 9 thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi hằng năm về phường Thống Nhất tổ chức khám phát thuốc miễn phí cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng nghèo. Không những vậy, ông còn vận động con em phường Thống Nhất đang học tập, lao động các nơi quan tâm đến người nghèo, hằng năm vào dịp đón năm mới ông tập hợp những người nghèo đến để các cháu phát quà.

Suốt 38 năm hoạt động xã hội, kinh qua nhiều trách nhiệm, là y tế thôn buôn, thành viên Hội Chữ thập đỏ luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo, phụ trách dân số vận động giáo dân sinh đẻ kế hoạch, ban công tác Mặt trận tuyên truyền giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, làm chủ tịch Hội Người cao tuổi phường xứng đáng gương ông bà cha mẹ mẫu mực để con cháu noi theo; có điều cơ chế thù lao dành cho cấp tổ dân phố hoặc phường chưa xứng đáng với công lao ông bỏ ra, đến nay đã 71 tuổi, ông vẫn như con ong cần mẫn chăm lo cho người nghèo mà không nghĩ đến mình, không đòi hỏi gì cho riêng mình. Ông thực sự xứng đáng là một cán bộ vì dân đúng như lời Bác Hồ căn dặn. Luôn đem lòng nhân hậu chia sẻ làm việc thiện. Hai ông bà có 4 người con đều học đại học và xây dựng gia đình sinh sống làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, các con cháu không gần gũi chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già, nhưng tất cả đều đồng cảm giúp đỡ ông vận động các hoạt động từ thiện hướng về quê hương. Ông Nguyễn Ước thực sự là nhân tố để mọi người có thể liên hệ đến việc suốt đời là tấm hương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng cuộc sống, góp phần vào xây dựng quê hương trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

 


Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ SUỐI REO SỐ: 187 tháng 12 năm 2020

 


Ông mặt trời nhô lên trên bức tường rào phía đông, ghé con mắt đỏ lừ nhìn xuống trần gian và không quên gieo xuống mặt đất những sợi nắng vàng óng ánh. Làn gió ban mai lướt qua các mái nhà, vườn cây như một bàn tay người mẹ vuốt ve cảnh vật. Cây hồng được gió đi qua thức dậy, nhìn ra xung quanh, chợt reo lên:

-         Ô, hôm nay trời đẹp quá!

-         Đúng vậy rồi bạn.

Một con chim lạ không biết từ đâu sà ngay xuống bên cạnh bụi hoa hồng, mắt chăm chú nhìn nụ hoa, lá cây, cành cây… như tìm kiếm vật gì đó. Con chim có bộ lông màu xanh nhạt như lá cây già thiếu nước, chiếc đuôi cụt ngủn trông xấu hoắc. Chim nghiêng nghiêng cái đầu có đôi mắt tròn xoe, phía dưới mắt một chút có chiếc mỏ bé tẹo  hơi cong cong, nhìn thấy mắc cười. Hình như con chim không nhận ra vẻ khó chịu của bụi Hồng, nên nói tiếp:

-Bạn khỏe không?

Cây Hồng tảng lờ như không nghe, cố tình ngữa mặt nhìn lên khoảng trời xanh cao vút không một gợn mây, lòng chợt nghĩ: “Không biết lượng sức, xấu thế mà còn dám đến làm quen với mình”. Hình như nhận ra vẻ khó chịu của cây Hồng, con chim lạ cất tiếng kêu: “chích, chích, chích…” rồi vỗ cánh bay đi.

*

Cơn gió lớn ào ào chạy đến làm xao động những chiếc lá trên cành, mang theo một đôi bướm vàng bay đến. Nhìn thấy nụ Hồng, cô Bướm reo lên:

-Ô, một nụ hồng tuyệt đẹp!

-Những hạt sương đêm đọng lại quanh nụ hoa, óng ánh dưới ánh nắng trông giống như chuỗi ngọc trời ban tặng; đẹp quá!

Nghe anh Bướm khen, cây Hồng nở nụ cười hạnh phúc, bụng thầm nghĩ: Phải vậy chứ, cũng có kẻ nhận ra vẻ đẹp của ta; liền cất tiếng:

-Chào anh chị Bướm!

-Chào cây Hồng!

-Chúng tôi đã bay qua bao nhiêu vườn cây, ao hồ mà chưa thấy một ai xinh đẹp như bạn.

-Thật ư?

Cây Hồng nghe anh Bướm khen mừng lắm, hỏi lại; chị Bướm trả lời ngay:

-Đúng vậy, một sắc đẹp tuyệt vời chỉ có những ai may mắn lắm mới được thiên nhiên ban tặng như thế.

-Anh chị cũng rất xinh đẹp đấy ạ.

Nghe cây Hồng nói, đôi Bướm liền trả lời gần như đồng thanh:

-Thật ư!

-Thật ạ.

Anh Bướm nở một nụ cười thân thiện, nói:

-Chúng ta là những báu vật của trời đất, vậy cùng kết bạn nhé.

-Cảm ơn anh chị không chê em xấu mà còn đồng ý kết bạn.

Đôi bướm đậu xuống một chiếc lá, tâm sự. Những câu nói như rơi ra từ trong tận đấy lòng làm cây Hồng cảm động lắm. Cô Bướm đưa hai chân trước lên vút râu, thủ thỉ:

-Em biết không, anh chị đang phải đi làm một việc rất quan trọng, việc ấy là “bí mật quốc gia”, là “đại sự”… nên chưa thể nói được. Nay gặp em xinh đẹp thế này, anh chị tin tưởng muốn nhờ em giúp một việc, không biết có được không?

-Đã là bạn bè thì giúp được gì em sẽ gắng hết sức ạ.

-Ôi, em tốt quá, anh chị quả là không nhầm. Trên đường đi xa làm việc “quan trọng” nên anh chị không thể mang theo, phải nhờ em giữ dùm cho anh chị mấy quả trứng. Đây là thứ quý nhất cuộc đời anh chị, mong em không từ chối.

-Thứ quan trọng như vậy em biết cất giữ ở đâu để không bị kẻ trộm lấy mất?

-Để ngay dưới chiếc lá xinh đẹp này của em là được.

Nghe chị Bướm nói vậy, cây Hồng đồng ý ngay.

*

Chục quả trứng màu trắng, bé tý ti, trông thật đáng yêu. Cây Hồng tự hào mình đã làm được việc tốt, có ích cho bạn. Hôm sau, vỏ trứng cong lại rồi nở ra một lũ sâu non. Chúng vừa chui ra khỏi vỏ, bám ngay vào chiếc lá và ngấu nghiến nhai, nuốt… Lúc đầu cây Hồng tự nhủ: “Mình đang làm việc tốt, chăm sóc những đứa con giúp bạn, có bị đau đớn một chút cũng không sao”. Nhưng rồi lũ sâu lớn nhanh quá, càng lớn chúng ăn càng khỏe; lá hồng, cành hồng non rồi cả nụ hoa cũng bị chúng lần lượt đưa tuốt vào bụng. Cây Hồng đau đớn lắm nhưng phải cố chịu đựng và xen chút tự hào vì mình... đang hy sinh vì tình bạn!

Hôm trước, cây Hồng tràn đầy sức sống, chuẩn bị khoe với mọi người những cánh hoa tươi thắm của mình thì giờ đây… cành lá xác xơ, ngay cả nụ hoa cũng bị gầy tóp lại; có con sâu còn trèo lên nhấm nháp cánh hoa. Cây Hồng chỉ còn biết ứa máu, rơi lệ, cam chịu.

*

Lại đến một buổi sáng, gió nhẹ lướt qua. Ánh nắng ban mai như những sợi tơ vàng rãi khắp mặt đất. Cây Hồng cố vươn mình đứng lên nhưng rồi lại gục xuống. Những hạt sương đêm bám vào nụ hoa theo nhau rơi xuống mặt đất như những hạt lệ. Bỗng có tiếng nói vọng đến:

-Chào bạn!

Cây Hồng gắng gượng, nhìn qua. Đứng bên cạnh gốc cây từ lúc nào lại là con chim xấu xí ngày nào, giương đôi mắt tròn xoe ra nhìn. Giọng chim tỏ ra lo lắng:

-Bạn bị đau à?

-Không, tôi, tôi… bình thường.

-Cành lá xác xơ, đến nụ hoa cũng có lỗ thủng, chắc là bị lũ sâu gây nên rồi. Để tôi giúp bạn bắt bọn chúng.

-Không được đâu, lũ sâu ấy nở ra từ trứng, mà trứng là của anh chị Bướm gửi lại nhờ tôi giữ dùm.

-Trời đất, bạn cả tin quá. Lũ sâu này là con của bướm, không bắt chúng thì không những nụ Hồng mà cả cây cũng sẽ bị chết đấy.

-Cây Hồng ơi, đừng tin vào con ác thú có cánh ấy. Chúng tôi là con của những người bạn tốt mà.

Lũ sâu không biết bằng cách nào đã tụt xuống, núp sau các cuống lá; toàn thân chúng đổi thành một màu xanh, trông như một phần của cành cây. Nghe lũ sâu nói, cây Hồng lắc lư ngã theo chiều gió thổi, cố vớt vát:

-Tôi đã hứa giữ trứng cho bướm mà!

-Bạn bị lừa rồi. Bướm gửi trứng, trứng nở thành sâu ăn hết, lá, hoa của cây để lớn; khi trưởng thành chúng lột xác thành bướm. Chỉ vì cả tin mà bạn bị lừa, không những làm hại mình mà còn hại cả những cây xung quanh nữa đấy.

Nói dứt lời, chim nhảy lên từng cành cây, quan sát kỹ từng cọng lá, tìm nhặt từng con sâu đang ẩn nấp trong đó nhốt tuốt vào bụng. Có con sâu giả vờ chết, rơi xuống mặt đất cũng không thoát.

*

Mấy hôm sau, con chim “xấu xí” lại bay đến, nụ hồng giờ đã bung hoa, trên một vài cánh hoa vẫn có những lỗ thủng nhỏ, dấu vết bọn sâu để lại. Dưới nách lá trước đây chỉ còn trơ những cọng, giờ đã thấy nhú lên những chồi non xinh xinh. Không đợi chim chào, cây Hồng đã vội cất tiếng:

-Cảm ơn bạn, không có bạn chắc tôi đã…

-Không phải cảm ơn đâu, bạn bè giúp nhau là chuyện thường tình thôi mà. Có điều, trước khi làm một việc gì cũng phải cân nhắc cẩn thận, nhất là tìm bạn. Giữ chữ tín là tốt, tốt với bạn bè cũng đáng khen; nhưng cả tin mà bị kẻ xấu lừa dối thì sẽ rất ân hận.

-Cảm ơn bạn, mình đã được bài học nhớ đời rồi!

 

Mùa mưa năm 2020