Buổi trưa Y Thịnh vào nhà Hồng ăn cơm, thấy cô giáo Lan dạy cùng trường với mẹ Hồng mang đến một rổ cá bống có nhiều con còn nhảy lách tách. Cá bống hồ chỉ to bằng đầu đũa, nửa phía trên lưng màu nâu đen, phía bụng màu trắng, con nào con ấy bụng chứa đầy trứng. Y Thịnh nhìn rổ cá, ngước mắt nhìn cô giáo hỏi:
-Cô ơi, cá này tát ao bắt được hả cô?
-Chú câu trên hồ buổi sáng đấy.
-Ô, cá bé tẹo thế này mà câu thì đến bao giờ cho đầy một chén ạ?
-Có cách câu riêng cháu ạ, chiều cháu vào câu cho biết.
Nghe cô Lan trả lời, Y Thịnh quay lại nhìn Hồng, Hồng hiểu ý nói với mẹ:
-Mẹ ơi, chiều cho chúng con vào nhà cô câu cá bống nhé.
-Ừ, cuối giờ chiều mẹ đưa đi.
-Cuối giờ chiều thì tối mất, câu được bao nhiêu!
Hồng phụng phịu, cô Lan bảo:
-Trời mùa khô, gần bảy giờ mới tối, các con vào câu một tiếng là được rồi.
-Dạ!
Hồng vui lên ngay, sáng nay thi xong môn cuối cùng; chiều cô giáo chủ nhiệm tập trung bồi dưỡng riêng cho mấy bạn chuẩn bị đi thi học sinh giỏi. Mẹ Hồng bảo mời Y Thịnh về nhà ăn cơm, nghỉ trưa rồi chiều đi học tiếp. Nhà Y Thịnh cách xa trường đến sáu cây số, ba mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau.
Hôm nay, lần đầu tiên Y Thịnh ở lại ăn cơm trưa nhà bạn mới, thấy cái gì cũng lạ, cũng vui. Bất ngờ nghe cô Lan bảo đi câu cá bống, Y Thịnh băn khoăn: Từ bé theo bạn bè đi câu, đến nay đã mười ba tuổi đầu, ăn bao nhiêu là gạo mà chưa thấy ai đi câu loại cá chỉ to bằng đầu đũa. Cá như vậy thì lưỡi câu thế nào cho cá ăn được? Lấy mồi gì câu cá đây? Băn khoăn với suy nghĩ thế, buột miệng hỏi:
-Cô ơi câu cá bằng mồi gì để cháu chuẩn bị ạ?
-Mồi giun bình thường thôi mà.
-Ô, thế con giun bằng bao nhiêu mà con cá này ăn được?
-Chiều vào rồi biết, giờ đi ăn cơm trưa đã.
Mẹ Hồng nhắc, cô Lan cười bảo:
-Mồi chú đã chuẩn bị rồi, chỉ chờ các cháu vào câu thôi.
-Dạ!
Hồng bưng cả rổ cá đổ xuống sân gạch. Những con cá bống chắc bị nóng, nhảy dựng lên một chút rồi nằm im. Chỉ một chốc hơi nước bay đi hết, trên mặt sân chỉ còn những chú cá bống, thân cong lại như một dấu hỏi. Y Thịnh ngạc nhiên hỏi:
-Sao Hồng lại đổ cá xuống sân như thế?
-Để cá bị nóng, giãy dụa tự làm sạch vảy, nhớt bám xung quanh. Chờ khô lớp da bên ngoài đem rửa sạch mang kho tiêu mới ngon.
-Lạ quá!
Y Thịnh thốt lên ngạc nhiên, vì lần đầu tiên trong đời thấy cách làm thịt cá của người Kinh khác với người Êđê..
*
**
Tan học, Y Thịnh về nhà giúp Hồng quét dọn nhà cửa xong, mang sách ra bàn ngồi đọc chờ mẹ Hồng về dẫn đi. Y Thịnh mắt nhìn chữ mà chữ cứ như chạy đi đâu mất ấy, trong đầu chỉ thấy hình ảnh chiếc cần câu và con cá bống tí tẹo nhảy múa. Thời gian chờ đợi sao mà lâu thế. Gần năm giờ chiều mẹ Hồng đạp xe về, hai đứa chạy ra sân đón, Hồng khoe:
-Con xong hết việc nhà rồi ạ, chỉ chờ mẹ về đi thôi.
Nhìn nhà cửa gọn gàng, rổ rau chuẩn bị bữa ăn chiều được rửa sạch để trên giá, đậy cẩn thận; mẹ Hồng vui vẻ nói:
-Đợi mẹ thay đồ chút nhé.
Hồng ngồi sau xe cho mẹ đèo đi trước, Y Thịnh đạp xe theo sau. Ba người đi trên con đường đất đỏ chạy giữa những lô cà phê cao hơn đầu người một chút, trên cành cây xuất hiện những chùm quả nhỏ li ti còn dính những cánh hoa đen sì, khô quắt lại. Thỉnh thoảng từng bầy chim ngói đi kiếm ăn xa bay về lượn vòng tròn trên không trước khi đáp xuống hàng muồng trồng ven lô cà phê. Cu gáy đậu trên cây cà phê thả vào không gian tiếng gọi bạn: Cúc cu, cúc cu, cúc cu… nghe đầm ấm lạ, không khí những ngày giáp Tết hình như cũng trong lành hơn lên.
K… ít! Chiếc xe của mẹ Hồng đang lao băng băng, bỗng nhiên kêu lên rồi dừng lại; xe Y Thịnh đi sau, lao tới, suýt tông vào chân Hồng. Y Thịnh ngạc nhiên hỏi:
-Có chuyện gì vậy cô?
-Rắn!
-Ô, rắn to quá, sao cô không lao luôn xe lên người nó, dừng lại làm gì?
-Nếu cán qua mình nó, nó quay đầu lại cắn vào chân thì làm thế nào?
- Hi hi, cô nói cũng đúng ạ.
-Đi đường gặp các loại thú, tránh được thì tránh, không tránh được thì dừng lại cho nó qua rồi mình đi. Chậm một tý không sao, còn không thì… hậu quả thật khó lường.
-Dạ, cháu hiểu rồi ạ!
Y Thịnh trả lời, mặt hình như đỏ lên một chút vì bài học bất ngờ trong xử lý tình huống đi đường.
*
**
Nhà cô Lan mái lợp ngói đỏ tươi, xây theo kiểu Thái nổi bật giữa nền xanh của các trụ tiêu và sầu riêng trồng xen nhau. Trên cành, sầu riêng sai quả quá, nhiều như được chủ nhà gắn vào làm cảnh, trông thật đã mắt. Cô Lan trong nhà bước ra sân đón, vui vẻ nói:
-Chị và hai cháu vào rồi ạ.
-Cháu chào cô, cô ơi đi đường nào ra hồ.
Y Thịnh chào cô rồi hỏi luôn, có vẻ sốt ruột.
-Đi theo cô.
Theo cô Lan, đi xuyên qua vườn xuống bờ hồ. Hồ nước rộng mênh mông, đứng bên này hồ nhìn về phía bên kia hồ, người lớn chỉ to bằng nắm tay. Trên hồ nhiều thuyền đi lại ngược xuôi trông như trong lễ hội. Từ bờ rào vườn nhà cô Lan xuống đến mép nước cũng phải đến trăm bước chân. Ven bờ toàn đá sỏi, sóng nước theo gió vỗ vào bờ tung bọt trắng phau. Chú Long, chồng cô Lan người to, cao, đôi mắt sáng; mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, thấy mọi người ra, vui vẻ chào:
-Chị và các cháu vào chơi!
-Cháu vào đi câu cá bống đấy ạ, thế cần câu đâu chú?
Y Thịnh trả lời và hỏi luôn, không kiềm chế được sự tò mò về kiểu câu kỳ lạ, mong được thấy. Chú Long hình như hiểu được sự nôn nóng của Y Thịnh, cười độ lượng, trả lời:
-Đây cháu.
Chú Long chỉ vào mấy cái vó làm bằng vải màn, có cạnh khoảng một mét để ngữa trên bờ. Y Thịnh ngạc nhiên kêu lên:
-Ô, cái này là vó chứ đâu phải cần câu?
-Câu cá bống phải vậy đấy. Cháu nhìn nhé: giữa vó có sợi cước và lưỡi câu. Ta mắc con giun vào lưỡi câu, đặt xuống nước; mồi câu lơ lững trong nước dụ lũ cá bống đến ăn, khoảng vài phút kéo lên là được. Đây cháu nhìn chú làm nhé.
Chú Long cầm cây cán vó to bằng ngón chân cái, dài hơn hai sải tay làm bằng cây le đặt vó xuống mặt nước. Dây cước có lưỡi câu được buộc vào gọng vó, chắc chỉ chìm cách mặt nước hơn một gang tay. Sợi cước lung lay, xung quanh sủi những bọt bong bóng nhỏ li ti. Chú Long nhấc vó rất nhanh làm gọng vó cong lại, lôi theo bốn góc vó lên khỏi mặt nước. Trong vó lũ cá bống phải đến cả vốc tay cuống cuồng chạy trốn nhưng rồi không kịp, chúng cong đuôi nhảy một cách tuyệt vọng. Cầm một góc vó nghiêng lại cho lũ cá nhảy vào xô để bên cạnh, chiếc mồi mắc trên lưỡi câu vẫn còn nguyên. Y Thịnh reo lên:
-Câu thế này thì dễ quá, chú cho cháu làm thử.
-Đây, cháu cầm lấy.
Bắt chước chú Long, Y Thịnh cũng cầm cây sào đặt vó cách xa bờ chừng hai mét rồi chờ đợi, mắt chăm chú nhìn vào sợi cước gắn mồi treo giữa vó. Một lúc sợi cước đong đưa như có ai đó đang trêu đùa, bong bóng nước lăn tăn nổi lên, Y Thịnh thích thú thì thào:
-Cháu kéo lên được chưa ạ?
-Được rồi đấy.
Y Thịnh dùng hết sức, kéo mạnh, miệng reo to:
-Ôi, nhiều cá quá, nhiều hơn của chú lúc nãy rồi.
Chiếc vó được lôi lên khỏi mặt nước, lũ cá bống hoảng hốt bỏ chạy nhưng không sao ra khỏi vó. Vút, theo đà kéo quá mạnh khi vó lên khỏi mặt nước lao luôn lên không trung, làm Y Thịnh mất thăng bằng ngồi bệt xuống đất, hất lũ cá bống bay luôn ra ngoài, rơi mỗi con một nơi làm mọi người bật cười. Hồng đứng bên cạnh cười ré lên như bị chọc lét. Y Thịnh đỏ mặt đứng dậy, miệng làu bàu:
-Con cũng làm giống chú mà sao…
-Lúc đầu khi cất vó, cháu phải dùng hết sức kéo thật nhanh để bốn góc vó nhô lên trên mặt nước, lũ cá bống không chạy trốn được. Khi các cạnh vó lên khỏi mặt nước, phải giảm lực, kéo từ từ thôi để không bị gió thổi bay mất cá.
-Sao chú không dạy cháu trước.
-Tại khi nãy bạn bảo dễ quá mà, cần ai phải bảo nữa.
Hồng trả lời, Y Thịnh đỏ mặt trả lời:
-Chỉ được cái giỏi ăn hiếp người khác!
-Hồng nói thật đó, làm lại đi.
Lần này Y Thịnh đặt vó xuống nước, đợi; rồi cẩn thận làm đúng như chú Long dạy, lúc đầu kéo mạnh để bốn cạnh vó nhô khỏi mặt nước, sau đó kéo từ từ. Lũ cá bống trong vó nhiều quá, lúc đầu còn có nước trong vó chúng hoảng sợ chạy lung tung tìm cách thoát thân, nước trong vó cạn dần, lũ cá dồn lại thành một đống giữa vó, trông đã con mắt quá. Y Thịnh kêu toáng lên:
-Hồng giúp mình bắt cá với.
-Có ngay đây.
Hồng trả lời rồi bước tới cầm góc vó nghiêng lại cho cá nhảy vào xô. Chú Long khen:
-Cháu khéo tay lại sát cá, mẻ này được nhiều hơn cả của chú rồi đấy.
-Dạ!
-Cá này kho tiêu mà có chút lá chanh non thái nhỏ trộn vào thì… hết cả xoong cơm luôn đấy cô chú nhỉ.
Nghe Hồng nói vậy, cô Lan cười:
-Đúng là con gái có tâm hồn… nội trợ, chốc nữa vào vườn cô hái lá bưởi non thay lá chanh về nấu xem mùi vị thế nào nhé.
-Dạ!
*
**
Mặt trời đỏ hồng từ từ sà xuống vườn cà phê phía tây. Mặt hồ như được dát vàng lên đầu những ngọn sóng theo nhau đùa dỡn leo lên bờ. Bất ngờ, một đàn vịt trời đông đến cả ngàn con bay qua đầu mọi người rồi đáp xuống mặt hồ. Chú Long nói:
-Hồ thủy điện này mới làm xong chưa được hơn năm mà lũ vịt trời ở đâu bay đến nhiều thế không biết.
-Nhìn chúng đẹp quá chú nhỉ.
Hồng reo lên thích thú, chú Long gật đầu xác nhận:
-Đúng vậy cháu gái.
Chú Long trả lời, mắt dõi theo bầy vịt trời đang nô đùa với những con sóng, thỉnh thoảng có con đứng hẳn lên trên mặt nước, vỗ cánh như chào mọi người.
Bỏ tất cả số cá vừa bắt được vào túi, cô Lan đưa cho Hồng, bảo:
-Cầm lấy về trổ tài kho tiêu nhé.
-Trưa nay Lan cho cá mình ăn chưa hết, cá này để Y Thịnh mang về cho amí(1) Y Thịnh.
Nghe mẹ Hồng nói vậy Y Thịnh giãy nảy, kêu lên:
-Cả nhà đi câu sao lại một mình cháu lấy, không công bằng cô ạ.
-Hôm nay một mình Y Thịnh “câu” thôi mà, còn mọi người chỉ giúp. Sản phẩm đầu tay mang về cho ami mừng.
Nghe mẹ Hồng nói thế, Y Thịnh chỉ còn biết “dạ”, nghe theo. Lần đầu tiên đi “câu” cá bống kiểu mới và cũng học được nhiều điều thú vị để ứng xử trong cuộc sống theo kiểu Yoăn(2) khác với tục lệ trong buôn – Y Thịnh thầm nghĩ, chắc ami sẽ vui nhiều khi biết chuyện này. Phía tây, mấy đám mây vàng từ từ kéo lên, soi bóng xuống mặt hồ trông như một bức tranh.
Chú thích tiếng Êđê:
1. Amí: mẹ.
2. Yoăn: người Kinh .
hay quá
Trả lờiXóa