Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Truyện dài SÓC VÀNG NÚI THẦN CỌP ra mắt bạn đọc và cảm nhận của bạn đọc

 





GIÁNG NGỌC - HỘI ĐỌC SÁCH KIM ĐỒNG

Mình rất thích đọc những cuốn sách mang phong vị địa phương, càng đậm nét địa phương mình càng thích. Những chi tiết ấy, dù đọc nhiều năm dù quên cốt tryện mình vẫn rất nhớ. Kiểu như hôm trước đọc cuốn "Tia cầu vồng màu chàm" của Nguyên Hương, mình thích nhất không phải là câu chuyện mà lại là những chi tiết tả món măng hấp của người H'Mông, cách làm món khâu nhục và những đoạn nói về cây chè Tà Xùa nữa. Nhất định nếu có dịp đi Sơn La mình sẽ đến thăm Tà Xùa để được tận mắt thấy đồi chè ngập trong sương sớm đợi những tia nắng mặt trời.
Cái thú ấy gặp cuốn "Sóc vàng núi Thần Cọp" lại càng thích hơn. Cuốn sách là một loạt câu chuyện về những phong tục tập quán của đồng bào Ê đê Tây Nguyên. Những phong tục ấy diễn ra trong mắt của các bạn nhỏ cả người Kinh và người Ê đê. Đó là những tục Nối dây, là Lễ Đạp, chuyện con Ma lai, chuyện sinh con, chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện bữa cơm người Ê đê đón khách...
Người già kể khan bên bếp lửa- đó là những câu chuyện nối dài những bí ấn linh thiêng của rừng già bạt ngàn qua biết bao nhiêu đời người, thế hệ truyền tai thế hệ. Con Sóc vàng sứ già của Yang của rừng xanh ẩn hiện trong mỗi trang sách trong mỗi câu chuyện. Đó là linh hồn của rừng, nhắc nhở mỗi chúng ta về sức mạnh của thiên nhiên, sức mạnh của tâm linh.
"Sóc Vàng núi Thần Cọp" có được nét háo hức trong sáng giống như cô bé Hồng khi được tiếp xúc với văn hóa của người Thượng qua những người bạn Ê đê cùng lớp, đó là Y Thịnh, đó là H'Liêm...
Nhưng hấp dẫn nhất trong Sóc vàng vúi Thần Cọp là những chi tiết đậm đặc nét địa phương. Đó là cách câu cá bống, cách đổ rổ cá bống tươi rói lên mặt sân gạch nóng rẫy để cá giãy lên mà sạch vẩy và khô se da khiến món cá kho tiêu được ngon hơn. Đó là cách buôn người Ê đê tìm bến nước, cách người con gái đưa chiếc vòng cầu hôn cho người con trai, cách lấy mật ong rừng, cách đàn voi đi ăn, ...
Những chi tiết thú vị đó đầy ắp trong "Sóc vàng núi Thần Cọp" và quyến rũ trí tưởng tượng của chúng ta về vùng đất Tây Nguyên kì vĩ.
Nhất định dịp nào được đặt chân đến mảnh đất này, mình sẽ xin được thử ngay món cà đắng mà nhà văn Hồng Chiến có tả như này: "Đúng như tên gọi: đắng, cay và chua chua nữa; cả ba hương vị ấy như muốn đốt luôn đầu lưỡi, nhưng mùi thơm của thịt, vị ngọt là lạ của quả cà, buộc người ta phải nhai, nuốt; mặc cho nước mắt trào ra"...









1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI