Đường lên núi dốc gần như thẳng đứng, mỗi
bước đi phải phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân; tay nắm chắc cây nhỏ hoặc
dây phía trên rồi mới đu người, đặt chân lên mặt đất phía trước, kéo người lên theo.
Mới đi được một đoạn, mồm mũi Duy tranh nhau thở. Y Mang đi trước dẫn đường, chợt
reo to:
-Có bứa chín đây, mời
mọi người lại thưởng thức nào!
-Đâu?
-Trên này nè.
Nghe Y Go trả lời,
Duy mừng quá bước thêm mấy bước, thấy hai bạn đi cùng đứng bên bụi cây cao
ngang đầu người; trên cành treo đầy quả to bằng ngón chân cái; có quả màu xanh,
quả màu vàng và rất nhiều quả màu đỏ tươi, trông đẹp như tranh vẽ. Duy reo lên:
-Ôi, đẹp quá!
-Lại đây ăn nào.
Y Go cười, làm rạng
rỡ khuôn mặt dài, trán dô, lông mày hơi xếch; khi nói to để lộ hàm răng không đều
nhau màu vàng nhạt. H’Lan đến bên, đặt gùi xuống đất, lấy quả bầu khô đựng nước
đưa cho Duy, bảo:
-Uống ngụm nước thấm
giọng trước rồi hãy ăn quả cây cho ngon miệng.
Duy đỡ quả bầu khô,
ngữa cổ làm một hơi; H’Lan thấy vậy bật cười, bảo:
-Đi rừng khi uống
nước nên nhấp từng ngụm nhỏ thôi, cơn khát sẽ từ từ dịu lại; còn uống ừng ực
như vậy thì nặng bụng, mồ hôi ra nhiều, chóng mệt mà không hết khát đâu.
-Sao Lớp trưởng
không nói trước?
Duy trả lời bạn mà
như có ý trách; H’Lan nói:
-Mình quên đây là lần
đầu Duy leo núi nên không dặn.
H’Lan trả lời bạn,
trong đầu nghĩ: Duy là người Kinh duy nhất mới nhập lớp được ba tháng nay, lại
là con một; da trắng như cục bột, khác hẳn các bạn cùng lớp da màu chiêng đồng
mới đúc. Bố là bộ đội Biên phòng, đóng quân ngoài biên giới cả tháng mới về một
lần; mẹ trước làm ở bệnh viện thành phố, mới xin chuyển về bệnh viên huyện cho
gần chồng. Vì dịch bệnh COVID-19, mẹ trực trong khu cách ly chống dịch, Duy ở
nhà một mình, phải tự lo mọi chuyện sinh hoạt hằng ngày. Theo gợi ý của cô chủ
nhiệm, Ban cán sự lớp mới nghĩ ra cách giúp bạn, chuẩn bị đón Tết đầu tiên trên
quê mới có thêm hương vị Tây Nguyên nên tổ chức chuyến đi rừng này. Hôm nay đã
hai tám Tết rồi, nhanh thật.
***
Cầm quả bứa to bằng
ngón chân cái, đỏ như ớt chín Y Go đưa, Duy định bỏ luôn vào miệng; Y Mang kêu
lên:
-Không phải ăn như
thế!
-Ăn cả quả cũng
ngon mà.
Duy trả lời làm cả
ba bạn cười ngã nghiêng. H’Lan bứt một quả, bóc lớp vỏ màu đỏ bên ngoài để lộ
những múi bên trong mọng nước giống y như quả măng cụt nhỏ, Duy ngạc nhiên kêu
lên:
-Ô măng cụt rừng à?
Y Mang bật cười, giải
thích:
-Duy nhìn cây bứa
đây nhé: lá như lá chè dùng nấu nước uống, nhưng viền lá bứa không có răng cưa,
màu xanh cũng đậm hơn vì cây chỉ sống dưới tán rừng già. Các cành cây mới mọc
có đốt như cành tre màu tím; cành non, vỏ và lá cây ăn được, vị chua như chanh.
Còn quả: chưa chín màu xanh thẩm, ăn chua lắm; quả mới chín tới vỏ chuyển qua
màu vàng tươi, ăn đã có vị ngọt nhưng vị chua còn nhiều; những quả màu đỏ thì vị
chua còn một chút để tăng thêm vị ngọt hấp dẫn của quả. Đi rừng may mắn mới gặp
được một bụi có quả chín nhiều như thế này đấy. Ăn quả phải nhả hạt ra vì hạt đắng
lắm.
Y Mang nói mà miệng
như cười, khoe hai hàm răng trắng đều nhau như răng con gái; nói xong giơ tay
vuốt ngược mái tóc xoăn tự nhiên khoe vầng trán cao. H’Lan tay bứt quả bỏ vào
gùi như múa, mắt nhìn cây, miệng nói:
-Các loại quả người
dân trồng trong vườn đều có nguồn gốc từ rừng này ra cả đấy. Duy ngồi xuống rễ
cây nghỉ cho đỡ mỏi chân và ăn quả trong gùi ấy.
Y Mang và Y Go cũng
ngồi xuống cạnh gùi, lấy quả bóc, tranh nhau đặt vào tay Duy. Duy kêu lên:
-Ơ, các bạn cũng ăn
đi chứ, giành hết cho mình à?
-Bọn mình ăn nhiều
rồi, Duy lần đầu được ăn mà.
H’Lan trả lời thay
hai bạn rồi đặt vào tay Duy quả vừa bóc xong. Cách bóc quả của H’Lan cũng khá đặc
biệt: tách nhẹ lớp vỏ từ phía cuống quả làm bốn phần bằng nhau, kéo cho vỏ tách
khỏi quả và cong cong về phía dưới tạo thành một bông hoa có nhụy màu vàng nhạt
như mật ong nổi bật giữa bốn cánh hoa màu đỏ tươi. Duy đưa quả lên ngang mắt ngắm
rồi reo lên:
-Một bông hoa tuyệt
đẹp; không, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lần đầu tiên mình chiêm ngưỡng.
Được khen, khuôn mặt
của H’Lan đỏ lên một chút, giọng nói nghe như gió ban mai chạy trên đồng cỏ:
-Con gái Êđê ai
cũng làm được như thế chứ đâu phải riêng mình. Hai bạn cùng ăn với Duy cho vui,
quả nhiều mà.
Nhìn quả bạn bóc,
nhìn người và nghe giọng nói, đầu Duy thoáng nghĩ: cô bạn lớp trưởng cao hơn bọn
con gái cùng tuổi đến nửa cái đầu; khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, hàm răng trắng
đều nhau như được đúc từ một khuôn làm tăng thêm vẻ đẹp của đôi môi lúc nào
cũng đỏ như đánh son, nói nghe như hát. Mái tóc quăn tự nhiên hình như cố tình
buông xuống che cho vừng trán cao mà bọn con trai trong lớp thường chế giễu:
“H’Lan hói”; đã nói điều gì thì thực hiện bằng được. Thông minh, có chút dí dỏm
ra giáng thủ lĩnh lắm.
Thấy Duy nhìn mình,
quên cả ăn, H’Lan bóc thêm quả nửa đặt vào tay bạn, bảo:
-Duy ăn đi. Quả rừng
Tây Nguyên có mùi vị riêng mà không nơi nào có được. Chỉ khi nào ngồi trong rừng
già, dưới tán cây đại thụ, ta mới cảm nhận được hết hương vị đặc biệt của quả
cây rừng.
-H’Lan nói hay như
cô giáo ấy. Cả ba bạn leo núi cao cả một đoạn dài như thế mà không ai thấy mệt
à?
H’Lan bật cười
thành tiếng, không giấu được ngạc nhiên trước câu hỏi của Duy, trả lời:
-Từ trong bụng
amí(1) bọn mình đã quen leo núi rồi. Lên bảy tuổi thì núi rừng là bạn thân, là
tủ đựng thức ăn và đồ chơi cho chúng mình khám phá; lớn chút nữa có thêm cái
gùi be bé trên lưng khi vào rừng để đựng những thứ mà “mẹ” rừng cho. Leo núi
cũng giống như Duy đi dạo hàng ngày trên hè phố thôi mà.
Duy nghe bạn trả lời
xong, reo lên:
-Hay!
-Trẻ con vùng này
ai cũng vậy thôi: yêu rừng, gắn bó với rừng. Ta nghỉ một chút rồi tản ra đi hái
nấm; sau đó tìm cây mai nào có cành đẹp chặt một cành cho Duy mang về trưng Tết.
Được chưa?
H’Lan nói dự định của
mình, hai bạn đi cùng gật đầu tán thành.
***
Trời ngã qua chiều,
cả nhóm quay về đến bụi cây bứa buổi sáng ăn quả ngồi nghỉ. H’Lan bảo:
-Hôm nay may, chúng
mình hái được gần đầy gùi mộc nhĩ mà còn chặt được cành mai đẹp.
H… ùm!
H’Lan vừa dứt lời,
bất ngờ tiếng hổ gầm nghe rất gần. Duy sợ quá, ngồi phịch xuống đất, người run
như lên cơn sốt. Ba bạn đứng bên cạnh vội cầm xà gạc giơ lên cao như chuẩn bị
chém, mắt chăm chăm nhìn về phía con đường mòn phía sau các gốc cây. Một lúc
sau Y Go lên tiếng:
-Tại sao hôm nay có
hổ ra đây săn mồi buổi chiều nhỉ?
-Chuyện này lạ đây.
Y Mang cũng không
giấu được ngạc nhiên nói với bạn như nói với chính mình. H’Lan bước lại bên cạnh
Duy, ngồi xuống, nói:
-Chuyện của lũ thú
rừng kệ chúng, không việc gì phải sợ.
Duy run run nói:
-Hổ đói mới đi kiếm
ăn ban ngày, giờ nó chặn đường về rồi ta làm sao đây?
-Chắc nó chỉ đuổi mồi
chạy qua thôi, không dám bắt người đâu.
Y Mang trả lời, Y
Go quả quyết:
-Ta có xà gạc, nó
phải sợ ta chứ.
-Hổ đang đói mà gặp
lũ chúng mình thì làm sao chống lại, phải nghĩ cách khác thôi.
Duy vẫn ngồi bệt dưới
đất góp chuyện. H’Lan vơ lá khô, bật lửa đốt rồi kiếm thêm cành cây khô xung quanh bỏ lên
trên. Trời nắng, củi khô lại gặp gió nên ngọn lửa bốc cao. Duy ngạc nhiên hỏi:
-Tại sao bạn đốt lửa.
Ô có mùi gì hôi thế?
-Đốt lửa để xua hổ
đấy.
Y Mang trả lời, bước
lại gần đống lửa mà mắt vẫn căng ra, nhìn xuôi phía dưới rồi nói thêm:
-Đốt lửa chỉ là
cách tạm thời thôi, ta không thể ở đây mãi được. Con hổ núp phía dưới nên hơi
thối mới theo gió bay lên đây; hay chúng ta đi tránh đường khác?
Nghe Y Mang nói vậy,
Y Go không đồng ý:
-Đi đường nào mà
tránh khi không biết nó chặn ở đâu?
-Y Go nói cũng có lý đấy.
H’Lan trả lời, mắt nhìn ra xung quanh không dấu được vẻ lo lắng. Duy run run hỏi:
-Các bạn đi rừng nhiều, có lần
nào gặp hổ chặn đường thế này chưa?
Y Mang trả lời:
-Chưa.
Nghe bạn trả lời,
Duy rụt rè nói:
-Chỗ kia có bụi nứa,
nếu ta chặt làm đuốc, mỗi người cầm một bó đốt lên thì hổ không dám vồ ta đâu.
-Hay, dân đường nhựa
lần đầu đi rừng mà nghĩ được cách đuổi hổ giỏi quá.
Y Go reo lên, H’Lan cũng góp
lời:
-Làm sao bạn nghĩ được ý hay
thế?
-Của H’Lan đấy!
-Của mình?
H’Lan ngạc nhiên hỏi lại, Duy nhìn bạn trả lời:
-Bạn đốt lửa để hổ không dám
đến gần làm mình chợt nghĩ ra chuyện hổ sợ lửa nên ta có thể vác lửa đi đuổi hổ,
giành đường về nhà.
Y Mang vui vẻ bảo:
-Hai bạn đều thông
minh, trong khó khăn đã nghĩ ngay ra cách giải quyết đơn giản. H’Lan ngồi đây với
Duy để mình với Y Go đi chặt nứa khô làm đuốc nhé.
-Đồng ý!
H’Lan trả lời rồi
quay lại nhìn Duy, nói:
-Duy uống nước nhé.
Đưa quả bầu đựng nước
cho bạn, H’Lan thầm nghĩ: cùng học lớp chín với nhau, lần đầu vào rừng gặp hổ sợ
bước không nổi mà cái đầu còn nghĩ ra được điều hay; đúng là người có bản lĩnh.
Uống nước xong, Duy
đứng dậy nói:
-Mình thấy đỡ sợ hơn
rồi.
Y Mang và Y Go, mỗi
người cầm hai bó đuốc to như bắp chân, dài hơn sải tay quay lại, H’Lan bảo:
-Bây giờ ta đốt hai
bó, Y Mang đi đầu cầm một bó, mình đi sau cầm một bó; còn hai bó chưa đốt Y Go
vác dùm, khi nào cháy hết ta châm tiếp.
Y Go kêu lên:
-Không được đâu!
-Tại sao?
H’Lan ngạc nhiên hỏi
lại, Y Go nói:
-Duy và H’Lan đi giữa,
mình đi sau cùng cầm đuốc mới phải đàn ông chứ.
H’Lan bật cười,
nói:
-Đồng ý.
Hòa khánh, mùa khô
năm 2022
câu chuyện rất hay
Trả lờiXóa