Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

BẠN MỚI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO HẢI PHÒNG CUỐI TUẦN SỐ RA NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2022


 

Đêm hôm qua trời bất ngờ đổ cơn mưa rào khá to nên bao nhiêu mây hình như tan thành nước hết cả. Sáng ra trời trong xanh. Ông mặt trời thức giấc leo lên đỉnh núi phía đông, rắc những tia nắng vàng mềm mại lên mọi cảnh vật. Bầy chim sẻ hình như cũng muốn tận dụng khoảng thời gian buổi sáng mát mẻ, kéo nhau lên nóc nhà tíu tít trò chuyện và ngắm nhìn những lá cây mỡ màng như đang cười vì được cơn mưa tối hôm qua tắm gội.

Sân trường trồng hai hàng cây phượng xen bàng thẳng tắp từ cổng vào, cây nào cây ấy to bằng một vòng tay người lớn. Gốc các cây được xây bồn bằng gạch bao quanh hình tròn, cao hơn mặt sân một gang tay. Trong bồn trồng thêm những cây hoa nhỏ trông giống như hoa viên thành phố. Hai bên cổng có hai cây lạ Sơn chưa thấy bao giờ. Không biết loại cây gì, lá giống nhau mà một cây cành lá sum sê xanh tốt, tán cây trải rộng, đường kính đến hai chục mét; còn cây bên cạnh, tuy gốc cũng to như vậy, nhưng nhìn xác xơ, cành thì cứ như đua nhau chọc thẳng lên trời.

- Chào bạn!

Đang mãi ngắm sân trường, Sơn giật mình khi nghe tiếng chào phía sau lưng, vội ngoái đầu nhìn lại. Một cậu bé chắc cùng tuổi, nước da nâu đen, tóc quăn tít, trán dô, mặt hơi dài; đứng nhìn mình từ lúc nào rồi, Sơn trả lời:

- Chào cậu!

- Bạn ở nơi xa đến phải không?

- Ừ, mình ở Hải Phòng, mới vào thăm bác tối hôm qua, lúc trời đổ cơn mưa to ấy. Nhà bác mình sơn màu xanh phía trước cổng nhà máy Đường. Cậu học trường này phải không?

- A, cháu Giám đốc không trách nhìn trắng như con gái lại mập nữa; tướng này chắc là mọt sách. Trường của mình đấy, sang năm mình lên lớp 7 rồi.

- Thế à, giống tớ nhỉ. Sao hôm nay cậu lại đến trường?

- Tên mình là Y Minh, nhà mình kia kìa. Thấy người lạ vào trường nên chạy qua thôi. Bạn thấy thích trường mình không?

- Trường bạn đẹp lắm, nhưng hai cây to trồng gần cổng là cây gì vậy?

- A, cây kơ nia đấy, bạn không biết à?

- Nghe trong sách vở nói nhiều nay mới thấy lần đầu. Sao hai cây mà hình giáng khác nhau quá vậy?

- Bạn không biết thật à? Cây cành lá tươi tốt, cành đâm ngang tạo nên tán rộng là cây kơ nia cái; còn cây cành ít lại không xòe ngang mà vươn thẳng lên trời như muốn kéo mây xuống là cây kơ nia đực.

- Cây mà cũng có cây đực cây cái à?

- Người già dạy thế. Cây cái đến mùa cho nhiều quả lắm, còn cây đực rất ít quả, có năm chẳng có quả nào.

- Ôi lạ nhỉ, quả cây này ăn được không?

-Hạt kơ nia đã được chế biến thành món đặc sản của Tây Nguyên rồi đó, bạn không biết à? Hy vọng một ngày không xa vùng này sẽ có những khu rừng trồng toàn cây kơ nia phục vụ khách du lịch đến thăm quan và lấy quả xuất khẩu ra thế giới.

Y Minh nói với bạn mà mắt nhìn lên cây kơ nia không giấu được niềm tự hào về quê mình. Sơn nghe Y Minh nói, ngạc nhiên hỏi lại:

-Quả ăn có ngon không?

- Để mình mời bạn ăn thử.

Mồm nói, tay kéo Sơn đi lại bên cạnh gốc cây kơ nia, chọn một quả khô rụng từ lâu đã bong hết vỏ, hạt trông gần giống hạt bàng; đặt hạt cây lên viên đá bên cạnh bồn hoa rồi nhặt viên khác to hơn nắm tay để bên cạnh, vung lên, đập mạnh, hạt cây vỡ ra; Y Minh nhặt lên, tách lớp xơ vỏ cứng bên ngoài, lấy nhân phía trong đưa cho Sơn, nói:

- Bạn ăn thử xem thế nào!

- Ngon hơn hạt bàng quê mình lại có mùi thơm dễ chịu quá.

Sơn vui vẻ reo lên rồi nói thêm:

-Để mình đập thử xem có được không.

-Bạn đập đừng mạnh quá, mạnh quá sẽ nát hạt phía trong, ăn mất ngon mà nhẹ quá lại không vỡ vỏ cứng đâu.

-Yên tâm, ở quê bọn mình cũng thường nhặt quả bàng chín, đập lấy nhân phía trong ăn mà.

Nói xong, Sơn nhặt ngay hai hạt kơ nia để lên mặt đá rồi cầm hòn đá thứ hai đang định vung tay lên đập thì thấy Y Minh cười ngặt ngẽo, liền ngưng lại, hỏi:

- Cậu cười gì thế?

- Bạn định làm gì vậy?

- Đập hạt cây kơ nia như cậu làm lúc nãy đấy thôi!

- Ôi người thành phố, không phải hạt nào cũng ăn được đâu; bạn nhìn này.

Y Minh nhặt cả hai hạt mà Sơn định đập đưa lên chỉ vào phía đầu hạt, chúng đã bị gậm một lỗ từ lúc nào rồi. Sơn ngạc nhiên hỏi:

- Con gì mà lại cắn được hạt cứng như vậy nhỉ?

- Trên đầu cậu ấy, ngửng mặt nhìn lên sẽ rõ.

Trên các cành cây kơ nia, gia đình nhà sóc đang chơi trò đuổi bắt, chạy nhảy thoăn thoắt từ cành này qua cành khác. Chúng to bằng cổ tay, mình có lông màu nâu sọc vàng chạy từ cổ xuống tận đuôi; cái đuôi khá đặc biệt, dài hơn thân một chút nhưng lông mọc xù ra trông rất đẹp.

- Lũ sóc làm sao chỉ gậm có cái lỗ tý tẹo này mà ăn hết cả hạt được nhỉ?

- Chúng khéo lắm, chỉ cần một lỗ như thế là đủ để lôi nhân bên trong ra nhấm nháp rồi.

          - Kơ nia có nhiều quả không? Sao có nhiều hạt xếp dưới gốc cây thế này?

          - Đến mùa quả rụng thì ôi thôi, cứ một buổi mà không quét, chúng rụng đầy sân, đi không cẩn thận ngã như chơi. Bọn mình lượm quả khô xếp vào gốc cây tặng bầy sóc đấy. Bạn thấy chúng đẹp không?

          - Tuyệt vời!

          - Mấy hôm nay nghỉ hè bọn mình chưa nhặt những hạt chúng ăn rồi bỏ ra hố rác nên bạn mới bị nhầm đấy.

          Vừa nói, Y Minh vừa lấy trong túi quần ra bịch ni lông nhặt những hạt đã bị sóc ăn bỏ vào; thấy bạn làm Sơn cũng cúi xuống nhặt giúp và bất ngờ reo lên:

          - Có con dế to đây này!

          - Làm sao Sơn biết là dế to?

          - Nó có hang mới đào, lỗ lớn lắm.

          - Sơn có bắt dế bao giờ không?

- Ở quê, mình cũng hay đi bắt lắm. Ngoài đồng đi men theo bờ ruộng, khi thấy hang dế chỉ cần một cái thuổng hay cuốc là đào được ngay; chỗ nào không đào đựơc thì múc nước đổ vào, cu cậu ngạt thở chắc chắn phải bò ra.

- Đất Tây Nguyên mùa khô cúng lắm, như chỗ này lại không được phép đào vì làm hỏng hoa; nước không có làm sao bạn bắt được?

Y Minh tủm tỉm cười hỏi lại, Sơn băn khoăn trả lời:

- Ừ nhỉ, làm sao bây giờ?

- Sơn xem này!

Y Minh lôi từ trong túi áo ra một chiếc lọ có đựng một bầy kiến đen, con nào cũng to bằng que tăm, nhe răng có vẻ hung dữ lắm. Sơn ngạc nhiên hỏi:

- Cậu dùng kiến này làm gì vậy?

- Bạn nhìn sẽ biết.

Y Minh lại móc trong túi áo ra một vòng que tre vút nhỏ như que tăm dài độ hai gang tay, tháo ra uốn cho thẳng lại rồi nhúng một đầu vào bầy kiến trong lọ. Một con kiến leo ngay lên que, Y Minh nhẹ nhàng rút que ra, nhấc đầu que có  con kiến đẩy vào trong hang dế. Sơn tròn mắt nhìn bạn thao tác và như không tin ở mắt mình, kêu lên:

- Sao lại bỏ kiến vào hang dế thế?

- Từ từ khắc biết mà!

Y Minh rút que ra, con kiến không còn trên que nữa, chắc chúng đã nằm lại trong hang dế rồi. Bổng Y Minh kêu lên:

- Nó ra rồi, bắt đi!

Con dế vàng ươm, to như ngón tay cái bò ra khỏi miệng lỗ, hai cái râu trên đầu rung rung; Sơn vội vung tay chộp lấy đưa cho Y Minh. Y Minh không cầm mài còn giảng giải thêm:

- Bạn tìm thấy hang dế nên con dế này của bạn. Loại kiến đen này bị nhốt lâu trong lọ dữ lắm, khi đưa vào hang thấy dế là cắn ngay, dế chịu không đựơc phải chui ra thôi. Hàng ngày mình vẫn dùng cách này bắt dế đấy.

- Thông minh!

- Chuyện thường ngày thôi mà!

Y Minh nhìn Sơn cười rồi nói:

- Mời bạn qua nhà mình chơi nhé!

- Cảm ơn bạn.

Lần đầu tiên vào Tây Nguyên chơi lại được quen người bạn mới, Sơn bị bất ngờ với những điều mới lạ, khác hẳn vùng quê bên dòng sông quê nhà. Sân trường ở quê cũng trồng bàng, trồng phượng; đến mùa cũng rủ nhau nhặt hạt bàng đập ra để ăn nhân nhưng chưa bao giờ có chuyện thấy cả đàn sóc nhảy nhót trên cây thân thiện với con người đến thế. Còn cách bắt dế của người bạn mới cũng tinh tế đến không ngờ. Trường đã đẹp mà con người Tây Nguyên cũng thân thương dễ mến biết bao. Đến rồi được biết bao điều mới lạ, về kể với bạn cùng trường chắc bọn bạn phải tròn mắt ngạc nhiên đây - Sơn thích thú nghĩ thầm rồi bước theo Y Minh.

Trên ngọn cây phượng, tiếng chim cu gáy bất ngờ vọng đến: cúc cù cu, cúc cù cu… như chung vui với đôi bạn mới.

2 nhận xét:

  1. Cuộc sống Tây Nguyên thân thiện thuần phác:
    Kơ nia, trò bắt dế bằng kiến đen.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI