Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

CHƯ YANG SIN SỐ 268 tác giả H' SIÊU BYA


Tác giả H’SIÊU BYĂ



TAO WAO MÙA NINH NÔNG

Truyện ngắn



Tôi tức ngực khi chim Tao Wao báo tin Tự không quay về bon Lê nữa. Tự sợ chiếc xà gạc sáng lóa của cha kề vào cổ nên đã theo xe chở mía chạy miết qua đoạn đường vòng vèo về biển. Đôi chân tôi đứng trơ nhìn đôi chân Tự thoăn thoắt. Nó run run dưới tấm váy, ngả nghiêng và khuỵu xuống không muốn dậy.
Cũng qua lâu rồi, bây giờ tôi đã là tảng đá rầu rĩ bên đường, đen khăm khẳm màu rong rêu cũ kĩ.
Cơn mưa miên man, mênh mông, bất tận đã đi ngang qua vùng Chư Prông vài tháng trước. Trong hốc cây, người ta đã thấy chùm nắng vàng tươi ngóc đầu hé nụ. Tao wao, tao wao “Ninh Nông thông atâu, Ninh Nông thông atâu” - tiếng chim líu ríu trên cành mai già cạnh dòng suối trắng đục. Mùa Ninh Nông đến rồi. Bon làng rục rịch chuẩn bị làm lễ Pơ Thi cho mẹ con tôi. Tôi nhớ Tự. Mẹ con tôi chờ Tự, người con trai da trắng, môi hồng về xây cầu Ia Wy vào mùa Ninh Nông năm nào. Tôi sợ lễ Pơ Thi. Lời cầu khấn, đường diềm vẽ máu lợn trên cây cột, điệu múa xoang,… sẽ làm linh hồn mẹ con tôi tan biến.
Không! Tôi rú lên như heo bị chọc tiết. Chiếc ché trong ngôi nhà mồ vỡ vụn. Chùm rung reng khua mạnh, đứt, văng ra nhiều chỗ. Người dọn nhà mồ vứt cuốc bỏ chạy. Linh hồn bay vút treo ngược cành cây blông, con mắt mở to, mái tóc lòa xòa rũ xuống.
Nói rồi mà. Tôi ghét lễ Pơ Thi. Nhỡ đâu một ngày, Tự từ phương xa tìm về. Tôi gói ghém hình của Tự cẩn thận, dắt khắp nơi, trong hốc đá, trong lá cây và trong bếp củi. Cha giận dữ, nước miếng theo lời nói tung mạnh như bọt thác khi mang cơm trắng cá suối đặt trong nhà mồ trước ngày ăn cơm mới “Ăn đi, cơm còn dẻo, cá còn thơm, ăn xong ngày mai, ngày mốt hãy đi theo mẹ mày ở rừng. Đừng nhớ người nhà gái chưa hỏi đã ăn cơm trong nồi ba, nhà gái chưa cưới đã ăn cơm trong nồi bảy, bụng nổi vú thâm đen rồi đi miết.” Cha ngồi khum, đặt hai tay lên trán, nước mắt dính ướt mặt, nước mũi dính ướt môi. Lời khóc bay xa xa, sương trên hai mắt tượng nhà mồ của bà chảy xuống, sương trên hai mắt tượng nhà mồ của mẹ chảy xuống. Con kiến bò đen bụng con cá trắng. Chân con thằn lằn bơi bơi trên nắm cơm cha đã nặn thành cục. Tao Wao vỗ cánh, chao liệng quanh nghĩa địa. Nó không muốn hót, nó sợ tiếng nấc của cha. Nó chờ cha cầm xà gạc đứng dậy, bụi rậm che khuất lưng, gió mạnh xóa dấu chân to trên đường mòn ngăn bon của người sống và người chết. Bấy giờ miệng nó mới la lớn “tao wao, tao wao, tao wao”, nó kể cho tôi nghe. Lời nó rù rì nhẹ như gió. Tôi lại tức ngực. Cha chưa bao giờ quên tôi. Cha thương tôi, đứa con gái mất mẹ khi còn chưa biết cuốn váy. Vậy mà khi treo mình lơ lửng trên cây m’nút trong rừng Tơ Klơng suy nghĩ tôi không có cha. Tôi giận mình và ghét Tự. Tôi đã níu chân, lè lưỡi trước mặt chục thằng con trai tóc xoăn, da trắng giống Tự lúc nhập nhoạng tối. Ai biểu trái tim tôi đưa hết cho Tự. Bơ So bà già trong bon hay nói với bọn con gái khi kết thúc câu chuyện H’ Bia Lúi: “Tình yêu như lá thuốc độc. Chớ có đưa nó cho ai bậy bạ. Con mắt cứ ném về phía trước mà không nhìn phía sau, mang dây cột trâu mà không biết trâu đực hay trâu cái, đo dây bẫy nai không biết nai lớn hay nhỏ, sẽ khổ nhiều, khổ lâu, khổ cho đến chết”. Tôi để lời Bơ So lọt tai này sang tai kia như nước chảy rò rò hai đầu ống nứa. Tiếng xe cày bịch bịch đưa con trai con gái vào rừng. Họ cười nói khi qua tảng đá rong rêu phủ kín. Tôi nhìn con mắt không chớp, nhớ ngày xưa mùa Ninh Nông ghê! Gió thổi nghe mùi lá rừng âm ẩm. Dưới chân mọc nhiều bông hoa trắng nhỏ xíu còn dính sương đêm. Mùa hoa đến rồi, mùa Ninh Nông đến rồi “tao wao, Ninh Nông thông atâu, Ninh Nông thông atâu”.
Cha bình thản trước tiếng chim Tao Wao. Cha mài dao, vót tre dưới sàn. Sàn nhà thấp, lưng khom khom. Tóc dài rũ rượi xõa trắng vai. Cha không cắt tóc ba năm nay. Phải thôi, ai nhắc cha điều đó chứ. Bóng cha đổ dài theo chiều nắng, gầy và buồn. Con heo ngứa chà mình xàn xạt lên cây cột nhà, ủi ủi dưới đất đòi ăn, rúc dưới chân cha nhai cây chuối rau ráu. Cha đứng loạng choạng, bước chân lên cầu thang không vững. Mây thả mưa hoa li ti phủ khắp mái nhà, lên lưng con heo, lên tán lá chuối, long lanh màu nước suối trong veo. Tao Wao nói: “Cha nhớ chị, nhóm bếp mãi chẳng lên lửa”. Tối hôm đó tôi về nhà, cửa khép hờ như mọi khi. Cha luôn để cửa chờ tôi đi chơi chung với Tự về. Tôi sững người khóc nấc. Linh hồn khóc không ra nước mắt chỉ nghe tiếng rên hừ hự. Con mèo đen như nghe thấy, nó trèo ngược lên cột nhà chạy trốn. Ngôi nhà bụi quá, mạng nhện kéo bên này bên kia. Cha nằm nghiêng đầu đặt trên cánh tay phải, tiếng thở nhẹ hơn tiếng dế, nhìn rất thương.
Chiều, cha nói với dì Blơng:“Chưa làm lễ Pơ Thi cho mẹ con nó được đâu chị, tui vẫn thường mơ thấy nó mang gùi ra giếng múc nước, nó khóc, nó nói chờ thằng làm cầu trở về, cọp bắt, đá đập bể đầu con người xấu tính ấy đi, gặp nó tui cho một nhát xà gạc lên cổ, nó chết, tui chết”. Dì Blơng chưa già, nhưng lưng còng, miệng móm mém. Dì rít qua kẽ răng mắng nhiếc: “Anh rể nó nói vậy là trái với ý Yang, trái với ý bon làng. Người chết không được ở chung, ăn cơm chung, uống nước chung với người sống. Dấu chân của người sống đã mất ba năm nay. Phải làm lễ Pơ Thi đưa tiễn linh hồn nó về với rừng chớ, đâu để nó quấn quýt trong hốc cây, tảng đá người sống được.” Cha lặng im, quay mặt đi như con gà vào chuồng. Cha biết mình sai. Cha đâu phải người trong dòng họ này, sợi dây ràng buộc duy nhất giữa cha và dòng họ Siu là mẹ cũng đã đứt. Cha không nên nói lời không trúng ý dì Blơng.
Tiếng thở cha nhẹ hơn tiếng dế. Cha trở mình cựa quậy. Hôm nay miệng trăng chúm chím cười nhỏ, ngày mai nó sẽ cười to múa hát, uống rượu, ăn thịt, nhảy những điệu rậm rịch với bon làng. Tiếng gà trống giục tôi về tảng đá. Tôi ngồi đó ngó những bước chân vội vàng lướt qua. Tôi đã chết và chờ trăng gọi về với ông bà! Tôi không muốn chờ Tự nữa.
Bước chân lạ, giọng nói lạ men theo đường mòn vào buôn Lê. Họ cõng con, cõng cháu, gùi cả gạo và mền, gạo cho chủ nhà làm lễ, mền cho người chết đem theo. Họ ở bon Păh, bon Krăm sang bon Lê uống rượu. Đàn bà đi trước, đàn ông chạm gót đàn bà theo sau như con kiến đi thẳng thành hàng. Mùa Ninh Nông là thế, rước Mẹ Lúa về, đóng cửa để im cho Mẹ Lúa ngủ, rủ nhau đi chơi bon này, bon nọ, say rượu thì ở lại nhảy múa và hát ca.
Đêm nay, trăng cười lớn dưới lớp mây mỏng màu chuối chín. Ai cũng chộn rộn vui mừng. Mùa mưa ở Chư Prông đã gột sạch trí nhớ về người chết khi họ còn sống. Họ không nhớ, nhớ làm gì, Bơ So nói: “Đừng để giọt nước mắt kéo chân người chết. Cứ để họ đi, linh hồn họ hóa giọt sương qua bảy lần rồi trở lại làm người họ Siu, Rơchâm, Ksor ấy mà. Hãy trồng nhiều lúa, nhiều thuốc, nuôi con heo chắc thịt, nuôi con bò mập chân đến khi tìm được tiếng nói chung bon làng sẽ làm lễ Pơ Thi mùa Ninh Nông như ông bà đã dạy”. Bo So nói trúng tai lắm nhưng tôi vẫn buồn Bơ So ơi! Tôi muốn nghe tiếng khóc thật chớ không phải tiếng khóc hờ đặt tay lên trán che đầu. Bởi vậy giữa nhiều tiếng khóc, tôi nhận ra ngay giọng khóc của cha mình. Trầm buồn và u uất. Tôi nhớ miết đôi mắt cha khi người ta đỡ tôi từ trên cây m’nút xuống, đó là dòng K’rông Pa và K’rông Hoa mùa lũ, xối xả, cuốn hết lúa Hkê, lúa Bla, lúa Đrô, cuốn luôn con heo, con bò ra sông lớn. Kẽ tay cha dính đầy phân bò, gấu quần cha dính nhiều cỏ may, cái tay, cái chân chạy đi lung tung không nghe lời cái đầu nói nữa. Cha vơ đồ đạc cạnh gốc cây bỏ hết vào gùi, cả hòn đá và lá khô. Dáng người ngả nghiêng, cha đi theo tiếng khóc của dì Blơng mang người chết về nhà. Chiều bon Lê nhuộm màu vàng cháy, đàn chim Tao Wao ở đâu bay về, chúng xòe cánh che tối vùng đất Chư Prông. Bơ So đang ngồi nhét lá vào tẩu thuốc, nghiêng tai lắng nghe tiếng trống thùng thình, tim Bơ So cũng đập thùng thình, “Ai? Ai mới về bên kia núi hả Plưi. Ai không muốn uống nước mẹ, không muốn ăn cơm cha mà đòi đi ăn cơm Mặt Trăng, uống nước Vì Sao thế?”. Thằng cháu Plưi nhỏ thó, mới trèo lên cầu thang đã hét om sòm: “Cháu bà Blơng, Bơ So ơi! Nó treo sợi dây quanh cổ nó hồi chiều. Người ta mới khiêng nó như khiêng một con heo. Mắt Bơ So thấy không, tay nó, chân nó nhũn như con rắn bị rút hết xương kia kìa”. Bơ So nghe thấy rồi, Plưi, lấy khăn mới, váy mới, mở cửa cho bà đi nhìn mặt lần cuối cháu bà Blơng.
Tao Wao kêu to đến nỗi ngồi tuốt trên đỉnh Chư Prông còn nghe thấy: “tao wao, tao wao, tiếng chiêng đầu tiên đã nổi, lời kêu Yang Atâu đã vang, dậy búi tóc phía sau, đeo vòng bạc phía trước, uống nước trong nồi ba, ăn cơm trong nồi bảy, bỏ dao vào gùi, bỏ hạt lúa vào ống chuẩn bị đi xa ơi linh hồn”. Tôi lượn nhẹ nhàng ra khỏi tảng đá, không muốn đánh thức những bông hoa nhỏ xíu màu trắng đang ngủ quên lỗ tai dưới chân. Trăng treo mình trên cây, xuyên ánh sáng lờ mờ qua kẽ lá, chen hốc đá, trăng dẫn gió đi nhảy xoang với con trai, con gái Jơrai bên khu nhà mồ. “Đến đây nắm tay em nè Tự, bước chân thế này, nhún thế này, đi vòng quanh, vòng quanh”, tôi nhớ lời nói với Tự vào ngày lễ Pơ Thi ba năm trước. Đêm đó Tự thủ thỉ vào tai: “Anh yêu hết con người em. Em là người con gái Jơrai đẹp nhất mà anh từng gặp, làm vợ anh nhé, mai mốt anh dẫn em về thấy mặt bố mẹ, dòng họ anh ở bon miền con sông lớn.” Tôi choáng váng say sưa, không phải say rượu cần sóng sánh trong ché, không phải say điệu xoang, xoay xoay nhiều vòng quanh khu nhà mồ. Tôi say lời nói của Tự, có con gái Jơrai nào không say khi nghe lời ngọt hơn con ong mật rót vào tai kia chớ. Tôi nhắm mắt u mê, áo nằm trên váy, váy nằm trên cỏ. Tôi cho Tự len vào người, con chim trong tổ ngóc đầu ngồi dậy, nó che mặt, che luôn nửa con trăng. Mùa gieo hạt, tôi nói với Tư: Lưng tôi đã cong, núm vú đã chuyển màu đen sẫm. Miệng không nói, Tự tức tối ném mạnh cục đá xuống vực. Sáng, Tự leo lên chiếc xe chở mía ở đường cái lớn, bụi chạy theo ánh đèn tù mù. Tôi chới với gọi khàn cả tiếng. Tự bỏ lời nói ngoài tai. Tôi thả mình rơi mạnh xuống đất, nước mắt rớt nhiều vào tay, sợi dây quấn quanh cột và rừng Tơ Klơng thấp thoáng hiện trong đầu.
Pơ Thi năm nay không to, trận lụt mang nhiều của cải đem cho sông lớn. Váy con gái bon Lê bàng bạc, áo con trai bon Lê sứt chỉ, đã lâu không nghe tiếng xe cày chở người ra chợ. Nhịn ăn được, nhịn mặc được nhưng không nhịn được chơi lễ Pơ Thi. Pơ Thi vui rộn ràng, gieo hạt trên rẫy mà đôi tai cứ nghĩ đến nó miết, miệng muốn hát, chân muốn múa múa theo điệu xoang.
Nửa đêm, tiếng nói lẫn tiếng khóc, tiếng khóc lẫn tiếng chiêng, tiếng chiêng hòa mình vào ngọn lửa đưa lời nói con người đến tai các Yang Atâu. Cha mệt mỏi nhóm bếp lửa nhỏ bên cạnh bếp lửa lớn. Nhìn tượng nhà mồ và lầm rầm nói chuyện. Bốn tượng khỉ mặt sầu héo quắt, mủ cây còn dính trên mặt, trên mũi như nước mắt quẹt ngang, như nước mũi quẹt dọc. Bốn tượng nhà mồ được Kjan đẽo hồi chiều. Kjan yêu lén tôi, hay đưa con mắt nhìn tôi thật lâu khi hai đứa ngồi chung trên xe cày. Hôm trước tôi chặn lối, khóc tỉ tê đòi chàng tạc tượng nhà mồ cho mình. Kjan thương tôi lắm, chàng sẽ gửi linh hồn của chàng trong bốn tượng nhà mồ để bảo vệ tôi khi người nhà vĩnh viễn không đoái hoài nữa. Đêm nay thấy cha không muốn vô đám đông để ngồi một mình, Kjan kéo khúc cây bla ngồi bên cạnh. Đất trời hôm nay sao mênh mang quá, gió thổi tiếng chiêng đi xa, Pơ Thi dập dềnh trong nỗi nhớ dài vô tận.

Ba lần con trăng lên. Trong suy nghĩ của tôi không còn Tự nữa. Hình ảnh của cha, dì Blơng, Bơ So, Kjan nhạt nhòa dần theo tiếng trống thùng thình tiễn biệt. Pơ Thi đóng cửa chuẩn bị cho một mùa gieo hạt mới. Từ phía núi, tôi thấy dáng bà nhỏ khom lưng, dáng mẹ cao đứng thẳng, chúng tôi nắm lấy tay nhau đi qua nhiều thung lũng và quả đồi. Tao Wao đã ngừng hót, nó bay khỏi vùng Chư Prông, không hẹn bon Lê ngày trở về…

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 268 - tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG

Tác  giả ả




CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI ĐẢNG VIÊN

 
Sau hơn 30 năm công tác trong lực lượng vũ trang, tháng 10 năm 2007, ông Nguyễn Ngọc Thịnh có quyết định nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá; chuyển về sinh hoạt đảng tại Chi bộ thôn 1B, thuộc Đảng bộ xã Cư Ni, huyện Ea Kar, nơi vợ con của ông đang an cư lập nghiệp từ năm 1991.
Tháng 4 năm 2008, sau gần sáu tháng rời quân ngũ, ông Nguyễn Ngọc Thịnh đã được các đảng viên trong chi bộ tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2008-2010. Từ đó cho tới nay, ông đã giữ chức vụ Bí thư chi bộ thôn 1b hơn ba nhiệm kỳ. Trong suốt ba nhiệm kỳ đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh đã cùng với cấp uỷ  lãnh đạo chi bộ thôn 1b từ một chi bộ hàng năm chỉ được đảng uỷ cấp trên đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ được giao thì từ năm 2008 đến nay Chi bộ luôn đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Năm 2009, Chi bộ vinh dự được Huyện uỷ Ea Kar tặng giấy khen Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 3 năm liền (từ năm 2007-2009). Năm 2012, Chi bộ vinh dự được Tỉnh uỷ Đăk Lăk tặng giấy khen Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2008-2012).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con  tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tháng 12 năm 1974 ông nhập ngũ. Trong hơn 30 năm phục vụ trong quân đội, ông đã tham gia chiến đấu và công tác tại các chiến trường B3, quân khu 5 và chiến trường Campuchia với các chức vụ được giao từ chiến sỹ đến tiểu đoàn trưởng, đội trưởng đội công tác. Quá trình công tác trong lực lượng vũ trang, dù phải trải qua nhiều đơn vị, cũng như gánh vác nhiều trọng trách khác nhau; nhưng ông luôn xác định: “Dù ở vị trí nào, cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảng, tổ chức giao. Dù ở vị trí nào cũng phải luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người cán bộ, đảng viên”. Vì vậy nghỉ hưu được về sinh hoạt Đảng tại nơi ở mới của mình, với tinh thần, trách nhiệm của người “Bộ đội cụ Hồ” hơn 30 năm phục vụ trong quân đội; ông Nguyễn Ngọc Thịnh đã không ngần ngại tiếp tục phục vụ cho Đảng với vai trò Bí thư chi bộ thôn 1B.
Đúng thời điểm nhận nhiệm vụ mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã Cư Ni, ông Nguyễn Ngọc Thịnh đã nghiêm túc triển khai, quán triệt và đưa Cuộc vận động không chỉ đến được với cán bộ, đảng viên của chi bộ mà còn đến cả từng hộ dân trong thôn 1B. Đối với ông việc học tập và làm theo lời Bác không phải xa vời như mọi người nghĩ. Học tập và làm theo lời Bác cũng không phải chỉ bằng lời nói, bằng băng rôn, khẩu hiệu mà phải bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Đó trước hết là phải giữ mình luôn có lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi được mọi người tin yêu, quý mến; đó là lối sống tiết kiệm, là sự cần cù, chăm chỉ, hăng say trong học tập và lao động; là luôn có trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; là yêu thương đồng chí, đồng đội, yêu thương con người. Chính từ cách học tập và làm theo lời Bác giản dị, đời thường như vậy mà ông Nguyễn Ngọc Thịnh đã vinh dự được là một trong hai gương cá nhân tiên tiến điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng bộ xã Cư Ni được tham gia buổi gặp gỡ giao lưu “Gương tiên tiến điển hình trong học tập và  làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do huyện uỷ Ea Kar tổ chức tháng 8 năm 2012. Ông cũng vinh dự là gương tiên tiến điển hình duy nhất của xã và là một trong 6 gương tiên tiến điển hình của huyện được tham gia buổi tôn vinh những gương tiên tiến điển hình do Tỉnh uỷ Đăk Lăk tổ chức tháng 10 năm 2012. Cũng trong năm 2012, Chi bộ thôn 1B đã được Huyện uỷ Ea Kar tặng giấy khen cho tập thể chi bộ đã có những thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, từ tháng 11 năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, ông cùng với cấp uỷ chi bộ và đội ngũ đảng viên trong chi bộ tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Nông thôn mới để nhân dân trong thôn tích cực cùng với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương chung tay xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, thôn 1B đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới.
Nhận xét về ông Nguyễn Ngọc Thịnh, ông Phạm Ngọc Dẫn - Bí thư Đảng ủy xã Cư Ni cho biết: “ Đồng chí Thịnh không chỉ là người đảng viên gương mẫu, gần gũi, giản dị được mọi người tin yêu, quý mến mà còn là một bí thư chi bộ giỏi, có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc được giao và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì vậy đồng chí xứng đáng là một trong những gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã nói riêng và của huyện nói chung”.
Trong cuộc sống thường nhật của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thịnh, ông là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc vợ con, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm. Cũng như nhiều gia đình bộ đội cùng thời, gia đình ông cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Để ổn định cuộc sống, xây dựng tổ ấm nhỏ của mình vững chắc ông bà dạy dỗ hai con phải luôn phấn đấu là con ngoan, trò giỏi và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.  Không phụ lòng cha mẹ, hiện nay hai người con của ông đã lớn, trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học và là những người con ích cho xã hội. Một người là cô giáo dạy trung học phổ thông và một người con trai đang làm việc trong Công ty Cây xanh tỉnh Bình Phước.
Hiện nay dù cuộc sống không còn khó khăn, nhưng ông vẫn gắn bó với đồng ruộng, với đất đai để hằng năm cứ mỗi độ tết đến, xuân về những chậu quất, chậu hoa, chậu cây cảnh đủ loại sắc màu từ ruộng vườn của hai vợ chồng ông lại được mang đi bán khắp đây đó góp phần tô thắm thêm mùa xuân của đất nước. Và chính ông cũng là một bông hoa đẹp trong vườn hoa đang toả hương thơm ngát dâng lên Bác!



Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC QUA NHỮNG TRANG VIẾT tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 268 THÁNG 12 NĂM 2014





Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tạp chí Chư Yang Sin mở chuyên mục mang tựa đề nói trên và được hội viên, công tác viên từ khắp mọi miền đất nước gửi bài hưởng hứng. Chỉ tính riêng trong năm 2014, chuyên mục đã nhận được gần 400 tác phẩm gửi về cộng tác, Ban biên tập đã chọn giới thiệu trên 12 số của Tạp chí trong năm 2014 được 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình… Đây là một con số hết sức ấn tượng đối với một cuốn tạp chí chỉ xuất bản mỗi tháng một số.
Về thơ, đây là một mảng rất khó để thể hiện, nhưng hội viên và công tác viên đã chắt lọc ngôn từ từ chính trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tình cảm thiêng liêng đối với lãnh tụ kính yêu để dệt nên những vần thơ sinh động thể hiện được một cách nhìn mới mẻ về tác phong, tình cảm và lòng thành kính của mọi ngươi đối với Bác:
“Bốn bốn năm tròn Bác đã đi xa
Bác hiện hữu trong lòng mỗi người dân đất Việt
Kính nhớ Bác, người người sống và làm theo Bác
Đạo đức Bác Hồ thấm đẫm mỗi buồng tim…”
(Chúng con học đạo đức Bác Hồ - Nguyễn Văn Chương số số 257 và 258)
Nhớ Bác, thể hiện lòng kính yêu Bác, mọi người dân nước Việt nguyện hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo Bác với những kỷ niệm đẹp về người:
Bác dạy: “Cán bộ là đày tớ nhân dân”
Về với dân, Bác lội bùn, guồng nước
Thăm người nghèo, nhường áo cơm ngày lụt
Bác khóc khi dân còn đói khổ, bần cùng
  (Chúng con học đạo đức Bác Hồ - Nguyễn Văn Chương số 257 và 258)
Một cách nhìn không mới, nhưng có sức lôi cuốn người đọc về sự giản dị của Người đối với cán bộ và nhân dân, qua đó tác giả nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, cảnh giác với những cám dỗ vật chất của cơ chế thị trường đang tác động đến mọi mặt của đời sống hàng ngày.
Năm mươi năm Bác xa quê nhà
Bác vẫn nói rạch ròi tiếng Nghệ
Vẫn đôi dép cao su, áo ka ki giản dị
Bác thăm xóm thăm làng
thăm lại mái nhà xưa
(Ngày Bác về làng Sen - Nguyễn Trọng Tuất số 261)
Bác là vĩ nhân, nhưng tác phong lại rất bình dị, gần gũi với mọi người xung quanh. Hình ảnh công việc thường nhật của Người được nhà thơ khắc họa làm người đọc rưng rưng với những chi tiết sống động tràn ngập tình người:
Bác  đứng giữa sân đình nắng sớm chiều mưa
Bác nói chuyện quây quần ấm áp
Bác hỏi cố Điền: Cố có nhớ ngày xưa
cái lưỡi câu ngoắc vào tai đau rát?
Cố Điền cười: Năm mươi năm xa rồi...
    Tôi vẫn nhớ Bác ơi!
Bác ôm hôn cố Điền nước mắt Bác rơi
Bác nhớ lại một quãng đời thơ ấu...
(Ngày Bác về làng Sen - Nguyễn Trọng Tuất số 261).
Thế mạnh của thơ là cảm xúc của tác giả được chuyển tải qua ngôn từ làm toát lên hình tượng của Bác như đang hiện hữu bên cạnh chúng ta và kín đáo nhắc nhở mọi người kính yêu Bác, nghĩa là phải học và làm theo Bác. Các bài viết ở mảng lý luận phê bình lại dẫn người đọc, người nghe đến những vấn đề sâu sắc hơn để mọi người nghiền ngẫm thấu hiểu về con người và tư tưởng Bác:
“Yêu nước luôn gắn liền với nhân ái, thương dân là điều nổi bật của truyền thống dân tộc nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Sinh thời người luôn khao khát: “Tôi chỉ có một ham muốn, một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.. ( Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa lớn - Nguyễn Thanh Tuấn số 261).
Hiện nay, nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc “mở cửa, hội nhập”, vai trò và uy tín của các nhà báo được xã hội tin tưởng, tôn trọng.  
Để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân nhà báo phải thấm nhuần lời dạy của Bác “Nhà báo phải đi sâu, đi sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật đó là phong cách làm báo của Bác. Bác dạy rằng: “Viết báo không những chỉ viết những cái tốt mà còn phải viết những cái xấu để phê phán một cách đúng đắn, chân thành…” (Đổi mới báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước - Võ Hoàng Nam số 262).
Có những tác phẩm đi sâu phân tích tình hình chung của thế giới và sự ảnh  hưởng của các trào lưu hải ngoại đối với văn học nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh những mặt mạnh, mặt tiến bộ thì không ít tác phẩm độc hại, ngấm ngầm chống phá công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo; người nghệ sĩ phải nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững lập trường , quan điểm giai cấp để sáng tác phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc:
“Hơn lúc nào hết, các văn nghệ sĩ chúng ta phải thấy được âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách bội nhọ Đảng, chống phá Nhà nước ta, thực hiện kế hoạch “diễn biến hòa bình” nhằm làm sụp đổ chế độ. Hội Văn học Nghệ thuật là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; các hội viên tự nguyện đứng trong tổ chức của Đảng phải thấm nhuần tư tưởng của Đảng, thực sự là người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” (Vững vàng bản lĩnh người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng - Hồng Chiên số 265).
Thành công nhất phải kể đến mảng văn xuôi, với mười tác phẩm của sáu tác giả được đăng tải đã phát hiện và giới thiệu nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh nhà. Trong số mười tác phẩm văn xuôi có tới bảy tác phẩm viết về đề tài vũ trang và đặc biệt có sáu các tác phẩm tập trung khai thác hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tác giả H’Xíu Hmok giới thiệu một tấm gương điển hình về anh bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng vượt lên chính mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có tác động lớn đến cả địa bàn mình phụ trách và được nhân rông nhiều đơn vị làm theo: “Đỗ Văn Diện, người chiến sĩ quân y tận tụy – số 259). Hay những tấm gương là cán bộ, chiến sĩ đã về hưu vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội tại đại phương. Những người cựu chiến binh ấy vẫn giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành tấm gương sáng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trong vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như: “Nghị lực của người thương binh - số 263, Người Đại tá “hưu” nhưng không nghỉ – số 266 của tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt; Biển Đông cồn sóng trong tôi - số 264 của Hữu Chỉnh...” Bên cạnh những tác phẩm khắc họa thành công hình tượng cá nhân anh bộ đội cho dù ở cương vị nào, đang tại ngũ hay xuất ngũ, về hưu... vẫn là tấm gương sáng để khơi dậy phong trào, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế mà cấp trên giao; hay hình ảnh cả một tập thể thuộc Bộ Quốc phòng trước đây, khi được chuyển qua làm kinh tế, phục vụ công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, tập thể những người cựu chiến binh ấy lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được tác giả xây dựng thành công qua tác phẩm: “Xứng danh anh hùng – số 267, của Hông Chiến”.
Hình tượng bộ đội được chú trọng tìm hiểu, khai thác, khắc họa và giới thiệu qua ngòi bút của hội viên và công tác viên từ khắp mọi miền đất nước gửi về tòa soạn được đăng tải trên Tạp chí Chư Yang Sin năm 2014 cho chúng ta thấy tình cảm văn nghệ sĩ đối với “Anh bộ đội Cụ Hồ” là hết sức thiêng liêng, chân thành; đó cũng chính là những bông hoa đẹp nhất trong một rừng hoa đẹp mà văn nghệ sĩ tìm tòi, phát hiện, thể hiện gửi đến cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng nhân dịp 70 năm ngày thành lập như một lời tri ân, ngưỡng mộ.
Số cuối cùng của năm 2014 đã đến tay bạn đọc, đánh dấu một chặng đường gian nan vất vả, nhưng cũng thành công của tập thể Tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin nói chung và chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có chất lượng. Năm 2015 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, chúng ta hy vọng có nhiều tác phẩm giới thiệu tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Vì nước quên thân vì dân phục vụ! Ban biên tập chuyên mục rất mong tiếp tục nhận được nhiều tác phẩm của hội viên và công tác viên gửi về cộng tác.
                                                                    Hà Nội, tháng 12 năm 2014


Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

CUỐI NĂM NHÌN LẠI tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 185+186 THÁNG 1&2 NĂM 2008





CUỐI NĂM NHÌN LẠI




   T

heo phong tục của người phương Đông, cứ vào đêm giao thừa, người ta quây quần cùng gia đình điểm lại công việc làm ăn qua một năm để xem cái gì được, cái gì chưa được. Công việc “bếp núc” của Ban biên tập tạp chí Chư Yang Sin sau một năm bận rộn, có lẽ cũng đến lúc phải ngồi lại xem sau 12 tháng cái gì được, cái gì chưa được để còn rút kinh nghiệm.
Không biết có phải do duyên phận hay không, năm 2007 này cả Quyền Tổng biên tập Khôi Nguyên và tôi đều là người được đào tạo ra làm nghề dạy học, nhưng vốn say mê nghiệp viết nên từ bỏ nghề làm Thầy cao quý để dấn thân vào con đường văn chương và làm báo. Công việc mới nhưng xem ra cũng có nhiều điều hay, thú vị. Điều quý nhất là hàng ngày Toà soạn tạp chí nhận được rất nhiều bài vở của các cộng tác viên từ khắp mọi miền đất nước gửi về, hôm nào ít cũng tám chín cái, hôm nhiều thì vài chục chiếc phong bì, có phong bì chỉ 1 bài, nhưng cũng có phong bì chứa gần như là 1 tập thơ; nhiều cộng tác viên thường xuyên hàng tháng gửi bài đến toà soạn. Khôi Nguyên thấy tôi căm cụi làm việc mỗi buổi sáng sau khi cô văn thư mang thư từ đến thường hay hỏi đùa: “Đã mỏi tay chưa bác!” Hàng ngày chỉ bóc phong bì, đọc, ghi tên, địa chỉ tác giả vào sổ cũng toát mồ hôi hột, nhưng thật vui.  Bên cạnh những bài gửi đăng báo còn có cả những bức thư góp ý với Ban Biên tập về những điểm mà bạn đọc cho là được và chưa được. Điều đó chứng tỏ Tạp chí “đứng được” trong lòng bạn đọc. Nhưng vui hơn nữa phải kể đến sự quan tâm của anh chị em hội viên và các bạn viết, bạn đọc trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến phòng Biên tập tạp chí thăm hỏi trò chuyện, nhiều hội viên đêm sáng tác được bài thơ, bản nhạc hay, đầu giờ làm việc buổi sáng đã có mặt tại phòng Biên tập để “khoe” và trình bày luôn, tiện thể đề nghị góp ý hoặc “nộp quyển”. Có nhạc sĩ hội viên cao hứng trình bày luôn nguyên nhân đặt một nốt nhạc, và tâm đắc với nốt nhạc ấy và lí giải nhờ có nốt nhạc ấy mà bài hát có hồn hơn. Thế là căn phòng Tạp chí đầy ắp tiếng cười, nhiều hôm “say” văn - thơ - nhạc - hoạ, chủ khách giật mình khi đồng hồ báo đúng ngọ mà chuyện chưa dứt ra được. Văn phòng Tạp chí thực sự trở thành điểm hẹn cho tất cả anh chị em sáng tác văn học nghệ thuật đến gặp gỡ, giao lưu; điều đó thật đáng quý biết bao. Bên cạnh những câu chuyện văn chương, Ban Biên tập còn được nghe nhiều ý kiến đóng góp nhằm xây dựng tạp chí văn nghệ địa phương ngày một nâng cao chất lượng, bám sát cuộc sống, phát hiện và giới thiệu những điển hình tiên tiến trên con đường phát triển và hội nhập của đất nước trong thời kì mới. Đặc biệt, sưÏ góp ý chân thành của GS-TS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội trong những lần vào Dak Lak công tác và thăm Tạp chí, là nguồn động viên rất lớn đối với anh chị em công tác trong Toà soạn và cũng đặt ra nhiều vấn đề để lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak cũng như lãnh đạo Tạp chí Chư Yang Sin cần xem xét trong thời gian tới.
Nhưng bên cạnh những niềm vui như đã nêu trên, công việc của người biên tập cũng không tránh khỏi những nỗi buồn. Điều đầu tiên phải kể đến những bạn đọc từ dưới huyện lên hay các tỉnh bạn đến đều hỏi: “Củ Chư Yang Sin nó như thế nào có tốt bằng sẫm Ngọc linh không?” hoặc “Chư Yang Sinh có nghĩa là gì?”… Quả thật nhiều người không biết Chư Yang Sin là đỉnh núi cao nhất tỉnh Dak Lak, rặng Chư Yang Sin trải dài qua hai huyện Lak và Krông Bông của tỉnh Dak Lak và một phần của tỉnh Lâm Đồng. Ngay cái tên của tạp chí còn không hiểu thì thật… buồn. Lại có cộng tác viên tỉnh bạn, gửi cùng một bài cho hai, ba tờ báo khác nhau,  khi lên ma két rồi mới phát hiện ra báo bạn đã đăng; ấy là chưa kể còn có trường hợp cá biệt “đạo” thơ của người khác ký tên mình gửi đến. Riêng anh chị em Hội viên cũng nhiều chuyện nhiêu khê lắm lắm… Bài gửi không được dùng, hay chưa dùng đến vì không phù hợp với chủ đề của tháng, hùng hổ lên văn phòng chất vấn ban biên tập: “Bài của tôi hay như thế sao các anh không đăng?” “Tại sao không đăng bài của tôi?” Có người bài đăng rồi nhưng thấy ban biên tập cắt sửa, cũng lên la ban biên tập: “Bài tôi hay thế sao các anh lại cắt!”, “Sao lại sửa chữ mà tôi tâm đắc nhất?”… Chỉ đến khi cùng nhau ngồi phân tích, cân nhắc từng từ, từng chữ mời à lên và… cười. Ấy là chưa kể  đối với những người làm công tác biên tập khi gặp các tác phẩm dùng tiếng địa phương, nhưng ngay cả nhà văn là người dân tộc đó cũng không biết nghĩa là gì. Thật khổ! Nhưng khổ nhất là gặp những bậc “Vĩ nhân” đến toà soạn gửi bài và yêu cầu đăng ngay, thậm chí bài đã lên ma két rồi còn đòi gỡ bài người ta ra bỏ bài mình vào; bài đăng phải đăng ở những trang đầu, không được đăng ở nửa cuối tạp chí… Đặc biệt hơn có người gửi bài đến còn ghi thêm một dòng phía trên “Đăng không sửa - sửa không đăng”! Quả thật đến khi bắt gặp những bài có dòng “chua” như thế làm chúng tôi cũng thấy thật chua! Vì nếu không sửa quả thật không thể dùng được, muốn dùng thì phải sửa nhưng tác giả đã đề vậy nên đành… báo Tổng Biên tập. Tổng Biên tập thấy có dòng chữ đầy trịnh thượng kia liền cười và viết ngay lên đầu trang nhất: “Không phải đọc, không phải sửa, không phải đăng!”.
Làm anh biên tập chẳng khác gì làm dâu trăm họ, người khen ít, người chê nhiều, nhiều lúc còn bị giận lẫy vì không đăng bài cho người ta. Nhưng biết làm sao được, đã trót mang cái nghiệp vào thân nên đành phải chèo chống cho đến bến. Cái còn lại, cái để mọi người hôm nay và cả ngày mai đánh giá nhận xét là những trang tạp chí in ra có sống được trong lòng người đọc hay không và nó đã giúp gì cho cuộc sống hôm nay và cả ngày mai.
Năm cũ đã trôi qua, một năm mới lại đến, những người làm công tác tại toà soạn Tạp chí Chư Yang Sin chỉ mong sao được anh em hội viên cũng như độc giả xa gần đọc và cộng tác thường xuyên như năm vừa qua, đó là điều hạnh phúc nhất.

Nhân dịp năm mới thay mặt những người làm công tác ở toà soạn xin gửi tới bạn đọc, cộng tác viên của tạp chí Chư Yang Sin lời cầu chúc: một năm mới mạnh khoẻ, thành đạt  trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống, đoàn kết và sáng tạo…


Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 267 - tác giả THANH VÂN

Tác giả THANH VÂN



H’XÍU VÀ NHỮNG TÁC PHẨM ĐÁNG YÊU



Độc giả yêu mến tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, chắc hẳn sẽ không xa lạ với những tác phẩm của tác giả trẻ H’Xíu Hmok – hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Bằng những tác phẩm của mình, tác giả đã tạo được một hiệu ứng riêng trong lòng bạn đọc bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ dân tộc Kinh và dân tộc Êđê qua các tác phẩm: Người đợi bên hiên nhà dài, Tin tưởng nơi anh…
Dạo lướt trên những trang văn của tác giả trẻ này, ta có cảm giác như đang thưởng thức một đóa lan rừng với một vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm và thuần khiết nhưng vẫn bám thật chặt vào cội nguồn, hút những tinh hoa của gốc rễ, để dưỡng nuôi cho đóa hoa sáng tạo càng trở nên tươi đẹp hơn. Với những tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên tác giả đã tạo cho mình cách viết mang đặc điểm riêng về ngôn ngữ và văn phong, làm cho bức tranh của miền sơn cước trở nên lung linh hơn nhờ.
Tác giả H’Xíu Hmok đã gây ấn tượng cho người đọc bằng một chất men say được chưng cất từ tâm hồn của một nhà văn mang dòng máu Êđê nhưng lại được hấp thu trong môi trường mát lành của ngôn ngữ dân tộc Kinh. Tác giả đã khai thác thành công chất liệu cuộc sống, vốn văn hóa về Tây Nguyên để tạo nên những trang viết hấp dẫn đầy chất trữ tình: “Chiều nay, amí thấy trong lòng nặng trĩu. Đằng tây, mặt trời đang chầm chậm trở về sau rặng núi, đàn gà dưới sàn lục đục tìm về chuồng sau một ngày đi kiếm ăn, tiếng gà mẹ gọi đàn con vọng lại. Amí ngồi tựa vào cây cột bên hiên nhà dài, cảm thấy khó thở, khoảng trời trước mặt loang dần một màu tối trầm mặc. Bóng tối cứ lan ra mãi, lan mãi lấn chiếm khoảng không gian trước mặt khiến amí thấy nặng nề. Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên sáng một vùng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng dáng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí” (Người đợi bên hiên nhà dài). Đoạn văn trên chủ yếu là gợi chứ không tả, nhằm nói lên tâm trạng của một người mẹ nhớ con với nỗi lòng da diết thông qua hình ảnh gà mẹ gọi đàn con trong buổi hoàng hôn; qua đó còn nói lên sự chờ đợi người yêu trong vô vọng, hình ảnh người mẹ hiện ra như thực như mơ, mờ mờ ảo ảo trước giờ phút lâm chung.
Ở nhiều đoạn tác giả dùng chất văn của người Kinh nhưng không làm mất đi vẻ duyên dáng mộc mạc của các cảnh sắc Tây Nguyên. Cũng giống như việc sử dụng nhiều thanh âm trong một cây đàn chẳng những không làm lạc điệu mà trái lại còn làm cho âm thanh của nó vút lên vang vọng và lan tỏa hơn: Một ngày đẹp trời, nắng trải vàng trên các con đường vào buôn, H’My bước chân sáo với nụ cười tươi hớn hở, trên tay phất phơ tờ giấy màu trắng trắng in chữ gì đó. Cô thoăn thoắt bước đi trên con đường quen dẫn lối vào ngôi nhà dài của aduôn, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ êm đềm những ngày thơ bé. H’My bước hai bước một lên cầu thang, aduôn đang ngồi lụi hụi bên bếp củi, miệng ngậm cái tẩu thuốc, vừa rít thuốc vừa chụm lửa. Dáng aduôn thu lại trở nên nhỏ bé trong không gian ngôi nhà dài sâu hun hút, ánh lửa vừa nhen sáng lấp lóe đo đỏ, tiếng lửa nổ lách tách bắn ra những đốm sáng nho nhỏ lơ lửng trong không gian (Người đợi bên hiên nhà dài). Hai bút pháp vừa kể vừa tả được kết hợp trong đoạn văn đã làm nổi bật tâm trạng của cô sơn nữ và những hình ảnh thân thiết của dân tộc Êđê trong căn nhà dài truyền thống. Thể hiện tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho nguồn cội.
Với những câu văn giản dị mà vẫn đầy sức gợi sau đây người đọc có thể suy ngẫm để tái tạo cho mình miền cảm xúc riêng: “Mặt trời tà tà trôi về hướng tây, tỏa màu nắng vàng dìu dịu. Vài con bò thong thả bước đi trên con đường hướng vào buôn, đủng đỉnh vừa đi vừa ầm ọ gọi nhau. Có con bò nhà ai được đeo chuông ở cổ, tiếng chuông kêu leng keng theo từng nhịp bước. Trên đường ra bến nước, những trái bầu khô nhấp nhô nhịp nhàng theo bước đi của các amai amí” (Bộ đồ mới của Aduôn Đing). Cảm xúc thật trong trẻo, nhẹ nhõm, cho người đọc thấy một bức tranh khỏe khoắn, đầy sức sống và thật gần gũi. Đó là cách biểu đạt mang tính đặc trưng hai dân tộc hai nền văn hóa, góp phần làm nên sắc thái riêng cho những trang văn của tác giả.
Tác giả còn trẻ nhưng tác phẩm không bó buộc trong một chủ đề mà gồm nhiều mảng đề tài khác nhau. Điều đó cho thấy sự trải nghiệm và vốn sống của tác giả khá phong phú.
Là người dân tộc Êđê được sinh ra và lớn lên ở thành phố Buôn Ma Thuột, thông thạo cả hai thứ tiếng Kinh và Êđê nên hành văn của H’Xíu khá mượt mà, câu chữ được chọn lựa khá kỹ, đa số tác phẩm của H’Xíu đều lấy bối cảnh của buôn làng với những con người mộc mạc và dung dị sống hiền hòa đằm thắm nhưng rất mãnh liệt. Giá như H’Xíu dụng công hơn trong cách dựng chuyện, ít đi lối nói, lối nghĩ của người Kinh trong truyện của mình, thì chắc chắn truyện của H’Xíu sẽ còn hấp dẫn hơn..
Hy vọng với tuổi đời còn trẻ năng lực sáng tạo dồi dào trong thời gian tới, H’Xíu sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa.



Tháng 10 năm 2014

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 267 tháng 11 năm 2014 - tác giả NGUYỄN THANH HẢI



Tác giả NGUYỄN THANH HẢI



Dấu chân và con đường



Người đi dấu chân ở lại
Thời gian phủ trắng mái đầu
Chốn xa tháng ngày nhớ mãi
Con đường và dấu chân qua

Dẫu cho bao mùa nắng gió
Vẫn còn xanh cỏ tươi hoa
Người đi khi nào trở lại
Lối xưa tìm dấu chân mình.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHUYANGSIN SỐ 267 - tác giả LÊ THÀNH VĂN

Tác giả LÊ THÀNH VĂN



Nhớ thầy

Ngày vui năm nay em không về thăm thầy
Bè bạn cũ cũng xa quê gần hết
Mỗi đứa một nơi, bộn bề công việc
Không biết bây giờ có nhớ đến thầy không?

Chữ nghĩa thầy cho có thể chẳng còn nguyên
Chúng em đánh rơi giữa dòng đời tất bật
Manh áo - miếng cơm - tình yêu - lẽ sống
Cứ oằn lên theo năm tháng rộng dài

Vẫn giữ riêng cho mình ấm áp một khoảng trời
Khoảng trời ấu thơ được gặp thầy mỗi buổi
Vai áo bạc màu tóc pha sương muối
Thầy vẫn ân cần dạy dỗ sớm hôm

Đêm nay ngồi thao thức giữa Cao Nguyên
Em lại miệt mài soạn từng trang giáo án
Chợt nhói lòng trước những điều sâu thẳm
Có được phút giây này em đã nhận từ đâu?

Biết đến bao giờ em trả hết ơn sâu!