Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ Xuân - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN



Chú thích ảnh: Tác giả Đặng Bá Tiến - Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin


NHÌN LẠI MỘT NĂM THƠ


Vậy là năm 2013 đã đi qua, có cảm giác rất chóng vánh. Nhiều điều ta ấp ủ vẫn chưa làm được; vì nhiều lẽ, có lý do chủ quan, có lý do khách quan. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã công tâm, dành tất cả tâm huyết vì sự nghiệp chung...
Với người biên tập thơ của Tạp chí Chư Yang Sin cũng vậy. Những khát vọng đặt ra từ đầu năm cho trang thơ của Tạp chí và những gì đã làm được vẫn còn khoảng cách… khá xa. Dĩ nhiên, không vì thế mà buồn. Ta vẫn có quyền vui và không chỉ vui mà còn có quyền tự hào; bởi trong điều kiện kinh phí dành cho Tạp chí của chúng ta “eo hẹp” vào hàng bậc nhất trong cả nước, nhưng Chư Yang Sin, trong đó có phần thơ vẫn tiến bộ so với năm trước, được nhiều bạn bè xa gần có lời chúc tụng; nhiều nhà văn, nhà thơ trung ương, một số cán bộ lãnh đạo các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật trung ương khen ngợi và gửi tác phẩm cộng tác.
Vậy sự tiến bộ của trang thơ trên Chư Yang Sin như thế nào?
Trước tiên cần khẳng định: Tính chuyên nghiệp trong các tác phẩm thơ đã cao hơn, nhiều hơn, đã giảm hẳn những bài thơ ở tầm… câu lạc bộ huyện, xã. Nhiều bài thơ có thi tứ, thi ảnh mới mẻ, cách dùng từ ngữ sáng tạo; viết theo lối thơ truyền thống thì niêm, luật, vần, điệu nhuần nhuyễn; viết theo lối thơ hiện đại thì thể hiện được sự  sâu xa, câu chữ ngỡ dễ dãi, bâng quơ nhưng đầy sức gợi… Có được điều này là nhờ sự “trở lại” của các cây bút trong tỉnh đã khẳng định được mình, nhưng đã có một thời gian khá dài “xa”  Chư Yang Sin, như Lê Vĩnh Tài, Vũ Dy; đồng thời là sự gắn bó mật thiết hơn của các cây bút trước đây đã gắn bó với Tạp chí, năm qua càng gắn bó hơn và thơ đang ngày càng “chắc tay” hơn, như Huệ Nguyên, Tiến Thảo, Quách Thành, Trần Văn Hội, Trần Chi, Vương Văn Bạng, Trần Phố, Lê Thị Minh Nghiệm, Sơn Thúy…; cùng với các “chỗ dựa” trên là việc ban biên tập đã quyết tâm siết chặt hơn khâu chọn bài, lấy chất lượng cao làm trọng, không nể nang, không vì các mối quan hệ riêng tư. Nhờ vậy mà Tạp chí có nhiều hơn những bài thơ, câu thơ tinh tế, để người đọc được cảm nhận nhiều hơn, được ngẫm nghĩ nhiều hơn những cảm xúc mới mẻ, ví như:
Ta đã qua những đêm hoang vu
đến bao giờ ngủ bù cho Hà Nội
ngủ bù cho đêm
nằm tưởng tượng hương hoa sữa
tưởng tượng vị sấu ngâm
tưởng tượng em
đến sáng còn thèm…
(Hà Nội nhớ - Lê Vĩnh Tài)
Đêm đóng vai bóng tối, thế giới đóng vai giấc ngủ, thơ
đóng vai giấc mơ… cho đến khi mọi thứ biến mất…
 (Những ý rời - Lê Vĩnh Tài)  
con lật luống cày ngôn ngữ cằn khô
chẳng thể trồng nổi câu thơ trên mảnh vườn của mẹ
ngày cứ mòn như câu chữ
câm lặng từng nếp nhăn
 (Mòn ngày - Huệ Nguyên)
những con nắng ngoạm đêm
đói từng ngụm gió
giấc mơ chập chờn sũng vạt nắng loang!
                                           (Ngày khê màu mắt – Huệ Nguyên)
Đời đau vì những ba đào
Ba trăm năm… trả lời sao cho đành
Phận người vẫn cứ mong manh
Rửa bao nhiêu lệ cho lành vết thương?
(Ngẫm Kiều - Trần Phố)
                   
Bên cạnh các tác giả nêu trên, năm qua trên Tạp chí cũng xuất hiện một số gương mặt mới, có người còn rất trẻ, có người đã trên 50, nhưng tất cả đều đang sinh sống và làm việc tại Đắk Lắk. Có thể kể tên: H’Xíu H’Môk, Hồ Hồng Lĩnh, Nguyễn Duy Xuân, Nguyễn Quý, Trịnh Vĩnh Phú (TP Buôn Ma Thuột), Tuyết Trinh (Ea Kar), Lê Thành Văn, Huỳnh Bích Loan, Lê Thị Đức (Buôn Hồ), Quảng Minh Tiến (Cư M’gar), Kiều Thành (Krông Pắk) và Nguyễn Văn Thiện lâu nay viết văn xuôi, nhưng trên Tạp chí số gần đây đã “ló ra” một bài thơ lấy được lời khen của nhiều người. Đây là một điều rất đáng mừng, bởi đội ngũ thơ “khá chuyên nghiệp” của chúng ta đang mỏng dần, hầu hết đã vào tuổi thất thập, sức sáng tạo đã không còn “mơn mởn” nữa. Chính nhờ sự đóng góp của những gương mặt mới này mà chúng ta được đọc những câu thơ khá ấn tượng:
…khúc nhạc âm dương ngày cũ
em đánh rơi mấy hạt thanh âm
chiều liêu xiêu la cà buổi gió
em sa sương lội giữa xuân thầm
            (Khúc thơ Xuân – Nguyễn Quý)
Trăng và đêm hôn phối hương huệ hương quỳnh
những đứa con thi ca xông đêm sinh nở                                                                                              
gót son nàng Kiều nhúng nẻo vườn đêm
                                           (Đêm – Hồ Hồng Lĩnh)
Em xoay trái đất
Đi tìm anh giữa tám tỷ người
(Không đề - Tuyết Trinh)
Chăn đơn chỉ đắp nửa chừng
nửa dành hương rẫy, hương rừng đắp cho
(Đêm ở rẫy – Lê Thị Đức)

Ngoài các cây bút thơ là hội viên và không hội viên ở trong tỉnh, mảng thơ trên Tạp chí Chư Yang Sin còn có sự đóng góp tích cực của nhiều cây bút thơ ở các tỉnh bạn. Mỗi số Chư Yang Sin dùng khoảng 12 - 14 bài thơ của các tác giả ngoài tỉnh/ tổng số 25 – 28 bài. Nhờ các tác giả tỉnh bạn góp sức mà trang thơ của chúng ta đa dạng hơn, hay hơn; đồng thời hội viên của chúng ta cũng có điều kiện soi dọi, giao lưu, qua đó từng bước nâng cao trình độ của mình. Các cây bút ngoài tỉnh đóng góp nhiều cho tạp chí Chư Yang Sin là Nguyễn Hưng Hải (Phú Thọ), Hoàng Anh Tuấn (Lao Cai), Ninh Đức Hậu (Ninh Bình), Phạm Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), Lâm Bằng (Thanh Hóa)… Các anh chị kể trên là những cây bút thơ có tay nghề khá cao, có nhiều tứ thơ, ý thơ mới, lối viết nhuần nhuyễn, linh hoạt, hoặc hiện đại, có tính sáng tạo cao. Hoàng Anh Tuấn, Ninh Đức Hậu nổi bật với những bài thơ lục bát thấm đẫm hồn quê, nhiều sức gợi; viết theo thể thơ truyền thống nhưng đọc không thấy cũ, vì có nhiều thi ảnh mới, cách nói mới. Ví như: Thiếp ra giặt lụa sông gầy /Vết nhơ trơ mặt, bàn tay nát nhàu (Nguyễn Thị Lộ - Hoàng Anh Tuấn) hoặc Bóng cha đổ xuống bóng chiều/ cuối thu cả gió bao nhiêu lá vàng (Bóng cha – Ninh Đức Hậu). Nguyễn Hưng Hải viết rất nhanh về mọi chủ đề, mọi sự kiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyên truyền của các tòa soạn, câu chữ giản dị, đôi lúc thô mộc, nhưng không vì vậy mà dễ dãi, ngược lại, anh luôn có những ý thơ rất mới, có chiều sâu, gợi được cho người đọc nhưng suy tư sau mặt chữ. Ví như: Sạch ngõ con đi, mẹ như tàu lá cọ / quét đến cùn đời trồi cả rễ cây đa (Chân dung Mẹ - Nguyễn Hưng Hải). Phạm Thị Ngọc Thanh vừa tinh tế trong cảm xúc, vừa chải chuốt, mượt mà trong câu chữ: Cỏ tương tư nở nhành thao thức/ những mùa hương xuyên qua lồng ngực/ đốt con tim bằng thương nhớ băng mùa (Mùi hương băng qua thời gian). 
Bên cạnh điều mừng về sự tiến bộ nêu trên, trong năm qua người biên tập thơ của Tạp chí vẫn còn nhiều trăn trở, băn khoăn, cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, khi chưa “tìm” được nhiều bài thơ viết về những vấn đề thiết thực, gần gũi  của Đắk Lắk, Tây Nguyên thân yêu của chúng ta để in trên Tạp chí. Mặt khác, người biên tập cũng chưa sử dụng được nhiều hơn thơ của một số hội viên, do phải đắn đo, cân nhắc giữa việc nâng cao chất lượng Tạp chí và việc sử dụng thơ của một số hội viên này; và bao giờ thì lý trí và tình cảm của người biên tập cũng phải nghiêng về phía “cái chung”- đó là chất lượng của Tạp chí, chất lượng phục vụ bạn đọc. Với ý thức cầu thị người biên tập vẫn luôn luôn mong nhận được sự góp ý chân thành của các hội viên, bạn thơ trong và ngoài tỉnh bằng những trao đổi thẳng thắn, cụ thể, vì trách nhiệm với Tạp chí - “gương mặt chung” của giới văn nghệ  tỉnh nhà - để bản thân người biên tập tiến bộ hơn và “gương mặt chung” của chúng ta cũng ngày một rạng rỡ hơn.

25.12.2013

4 nhận xét:

  1. phải có Người khởi đâu mới có người kế tiếp bước theo và đi cùng, chúc anh luôn thành công.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Tiến thật đẹp giai.

    Tóc cũng trắng (có lẽ ngoài ba mươi)

    Tướng này nhiều vợ,không sai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. H.N đoán sai rồi, bác tiến đúng là ngoài ba mươi rồi nên mới công bố với cơ quan có một vợ thôi, còn thua H.C xa lắm!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI