Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

CHI HỘI VĂN HỌC ĐẮK LẮK, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VINH QUANG tùy bút của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 265 tháng 9 năm 2014




          Chi hội Văn học trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam. Chi hội là một tổ chức của những người sáng tác văn học, có trình độ nghề nghiệp cao, tự nguyện gia nhập Chi hội nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, xây dựng nền văn học Đắk Lắk nói riêng, và nền văn học Việt Nam nói chung đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Sau Đại hội Chi hội ngày 10 tháng 7 năm 2010, Ban chấp hành Chi hội (BCHCH) nhiệm kỳ 2010 – 2014 bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đề ra, nhằm cũng cố tổ chức Chi hội, động viên anh chị em hội viên tích cực sáng tác để đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo. Vào đầu nhiệm kỳ số hội viên của Chi hội vừa tròn 60 người, sau do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, một số hội viên thuộc Chi hội Văn học chuyển qua Văn phòng Hội quản lý; một số hội viên vi phạm Điều lệ Hội bị Ban chấp hành Hội xóa tên và hai hội viên cao tuổi mất… tính đến cuối nhiệm kỳ (tháng 9 năm 2014) Ban chấp hành Chi hội đã đề nghị Hội xét kết nạp được 11 hội viên mới, nâng tổng số hội viên của Chi hội lên 59 người. Lần đầu tiên, sau hơn 20 năm thành lập, Chi hội Văn học kết nạp được 03 hội viên có độ tuổi rất trẻ - dưới 25 tuổi, trong đó có 02 hội viên là người dân tộc thiểu số; điều đó khẳng định hướng đi đúng của Ban chấp hành Chi hội trong chiến lược phát triển hội viên trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trước yêu cầu thực tiễn, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Chi hội tổ chức vào ngày 12 tháng 8 năm 2012, Hội nghị nhất trí bầu bổ sung thêm 02 UVBCHCH là Nhà thơ Ngô Văn Hải – Tổ trưởng tổ Thơ và Nhà văn Nguyễn Liên – Tổ trưởng tổ Văn xuôi. Sau khi kiện tòan, Ban chấp hành Chi hội cũng đã tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của của Chi hội, thành lập hai tổ theo chuyên ngành là: Tổ Thơ và Tổ Văn xuôi đảm bảo thuận tiện trong sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng trong việc sáng tạo Văn học, đáp ứng yêu cầu mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác Chi hội, tháng 7 năm 2014 BCHCH quyết định thành lập Tổ Lý luận – Phê bình để tư vấn giúp Ban chấp hành Chi hội nắm bắt hoạt động sáng tạo và lý luận phê bình văn học trong toàn Chi hội, trong đời sống văn học cả nước; tích cực tuyên truyền thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng; khơi gợi, định hướng cho sáng tác văn học, để văn học luôn gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn học tỉnh Đắk Lắk phong phú, tiên tiến, dân tộc, dân chủ và nhân văn.
Trên tinh thần “năng động, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực xã hội” để phục vụ hoạt động sáng tác văn học, lãnh đạo Chi hội đã tham mưu với Thường trực Hội liên hệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, như: UBND các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Krông Ana, M’drak, Ea Kar…; bộ đội Biên phòng tỉnh,  Khu bảo tồn Ea Sô, Nhà máy tinh bột sắn Ea Kar…  mở trại sáng tác để anh chị em hội viên có dịp xâm nhập thực tế, bám sát thực tế cuộc sống hiện nay của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà hay các cơ quan, đơn vị làm kinh tế, gắn với an ninh quốc phòng… góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Qua các chuyến đi thực tế hay dự trại sáng tác, đa số anh chị em đã có ngay tác phẩm nộp cho ban tổ chức trại và được sử dụng trên Tạp chí Văn nghệ của Hội, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và giới thiệu cho bạn bè cả nước biết đên một vùng đất được mệnh danh là thủ phủ Cao nguyên, là trung tâm văn hóa của cả khu vực.
Ngoài việc tham gia các trại sáng tác, Lãnh đạo Chi hội nhiệm kỳ 2010 -2014 vẫn kế thừa và phát huy những kết quả công tác mà các nhiệm kỳ trước đã tạo dựng trong việc tham mưu với Thường trực Hội và UBND huyện Cư Mgar tổ chức các Trại sáng tác Hạ Xanh, Hương Rừng, Núi Hoa… bồi dưỡng lực lượng kế cận sáng tác văn học của tỉnh nhà. Hàng năm, vào các dịp hè, những năm chẵn tham gia tổ chức và trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số Trại sáng tác Văn - Thơ Hương Rừng; vào những năm lẻ, tham gia tổ chức và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với Trại sáng tác VHNT Hạ Xanh do Hội phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Nhà văn hoá Thanh thiếu nhi Đắk Lắk cùng tổ chức cho các em thanh thiếu nhi. Kết thúc mỗi trại, một số hội viên của Chi hội trực tiếp tham gia biên tập để xuất bản thành tập sách “Hương Rừng”, “Hạ Xanh”. Chi hội giúp đỡ Nhà văn hóa Thể thao huyện Cư M’Ga mở trại sáng tác Thơ Văn Núi Hoa bồi dưỡng năng khiếu cho các em trong địa bàn huyện. Có thể nói: việc tham gia tổ chức các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng là dịp để các văn nghệ sĩ đi trước truyền thụ kinh nghiệm, khơi nguồn đam mê sáng tạo cho các em có năng khiếu thơ văn niềm say mê sáng tác văn học; đồng thời, Chi hội cũng có điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ. Bắt nguồn từ các trại sáng tác hè, đến nay đã có nhiều tác giả trẻ trong đó có cả các tác giả là người dân tộc thiểu số thường xuyên có bài đăng trên tạp chí Chư Yang Sin, và các tạp chí địa phương khác; được Chi hội giới thiệu và đã đứng vào hàng ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà như: H’Xíu HMok, H’ Wê Ra, H’Siêu Byă, H’Phi La, Lê Mai Anh… Việc quan tâm đến thế hệ kế cận của Chi hội Văn học được duy trì thường xuyên, có hiệu quả cao.
Về công tác chuyên môn, Ban chấp hành Chi hội xác định: đây là một trong những hoạt động quan trọng và thiết thực trong việc tổ chức, điều hành để động viên, khơi gợi cũng như đề cao ý thức trách nhiệm của anh chị em hội viên trong sáng tạo văn học, bám sát cuộc sống; đồng thời là dịp để giao lưu, học hỏi, tham nhập thực tế nhằm nâng cao năng lực sáng tác. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội đã tổ chức cho 135 lượt hội viên tham gia các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh. Thành qủa của anh chị em hội viên trong gần năm năm qua là hết sức đáng mừng: có gần 500 tác phẩm được công bố trên Tạp chí Chư Yang Sin, điều đó đã khẳng định vai trò nòng cốt của Chi hội đối với tạp chí của Hội; nhiều tác giả có bài thường xuyên được đăng tải trên các báo và tạp chí văn nghệ trung ương cũng như các địa phương, chất lượng cao chiếm được lòng tin và ngưỡng mộ của đông đảo bạn đọc trên cả nước.
 Bằng nguồn Quỹ hộ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật do Hội phân bổ cùng với sự nổ lực không ngừng của các anh chị em hội viên trong gần năm năm qua, chi hội đã xuất bản được hơn 20 đầu sách: Năm 2010: Bí mật rừng thiêng (truyện vừa) của Nhà văn Hồng Chiến, Hoa rù rì (tập truyện ngắn) của Nhà văn Nguyên Hương, Trái tim đàn ông (tập truyện ngắn) của Nhà văn Đàm Lan, Hoa của đại ngàn (tập truyện ngắn) của Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm, Vũ điệu lá (tập thơ) của Nhà thơ Nguyễn Man Kim. Năm 2011: Mối tình màu huyết dụ (tập truyện ngắn) của nhà thơ Tiến Thảo, Miên man miền tao ngộ (tập tản mạn và ký) của Nhà văn Đàm Lan, Tình trong thơ (tập thơ) của Nhà thơ Phan Quốc Sủng, Ngày mai sáng rỡ (tập truyện ngắn) của Nhà văn Niê Thanh Mai. Năm 2012: Rừng cổ tích (trường ca) của Nhà thơ Đặng Bá Tiến, Từ sông Krông Bông (tiểu thuyêt) của Nhà văn Trúc Hoài, Điệp khúc bi tráng của chiến tranh (tiểu thuyết) của Nhà văn Nguyễn Liên, Nắng trước cửa thiên đường (tập truyện ngắn) của Nhà văn Nguyễn Văn Thiện, Chỉ cần em biết khóc (tập truyện ngắn) của Nhà văn Nguyễn Anh Đào, Đêm hoa lửa (tập thơ in chung) của Nhà văn Đàm Lan, Mùa gọi (tập thơ) của Nhà thơ Huệ Nguyên, Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược (tập ký sự) của Nhà thơ Hoàng Thiên Nga, Nguyên sơ (tập thơ) của Nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn. Năm 2013: Niềm thương nhớ (tập truyện ngắn) của nhà văn Đàm Lan, Thằng hủi (tập truyện ngắn) của Nhà văn Vũ Mỹ Dung, Lá xanh (tập thơ) của Nhà thơ Bùi Thị Ngọc Bích. Năm 2014: Thoát vòng ô nhục (tiểu thuyết) của nhà văn Vũ Mỹ Dung…
Với lòng say mê sáng tạo và tài năng của mình, nhiều hội viên đã gặt hái được những giải thưởng cao quý như: tập trường ca Rừng cổ tích của Nhà thơ Đặng Bá Tiến được trao giải Nhất Văn học về đề tài công nhân năm năm (2010-2014) do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức; đây là một vinh dự rất lớn không chỉ dành riêng cho tác giả mà còn mang về vinh dự cho cả một vùng đất Tây Nguyên; Anh là tác giả thứ hai, sau Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy của Tây Nguyên được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải trong vòng 20 năm gần đây. Nhà thơ Lê Huy Thành được trao giải B bút ký viết về Biên phòng do Hội Nhà văn phối hợp với Báo Biên phòng tổ chức. Tác phẩm Quỷ út của Nhà Văn Nguyên Hương đoạt giải Tư  cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2011 – 2012 do Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch tổ chức có chủ đề “Bí mật của tôi”…
Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012 trao cho tác phẩm Từ sông Krông Bông (tiểu thuyết) của Nhà văn Trúc Hoài đoạt Giải C; Mùa gọi (tập thơ) của Nhà thơ Huệ Nguyên đoạt Giải tác giả trẻ. Hội VHNT các DTTS Việt nam đã trao giải B cho tác phẩm Điệp khúc bi tráng chiến tranh, (tiểu thuyết) của Nhà văn Nguyễn Liên; giải KK cho tác phẩm Dã quỳ và tượng gỗ, tập (truyện ngắn) của Nhà văn Lê Khôi Nguyên. Giải thưởng của Hội: Năm 2011: Giải A - Mối tình màu huyết dụ (tập truyện ngắn) của Nhà thơ Tiến Thảo; Giải B - Bí mật rừng thiêng (truyện vừa) của Nhà văn Hồng Chiến và Ngày mai sáng rỡ (tập truyện ngắn) của Nhà văn Niê Thanh Mai; Giải C: Nhớ Djam hắt (tập thơ) của Nhà thơ Lê Huy Thành và Miên man miền tao ngộ (tập ký) của Nhà văn Đàm Lan; Giải Khuyến khích – Chùm bút ký (4 bài) của Nhà văn Nguyễn Liên. Năm 2012: Giải A – Từ sông Krông Bông (tiểu thuyết) của nhà văn Trúc Hoài và Rừng cổ tích (trường ca) của Nhà thơ Đặng Bá Tiến; Giải B – Điệp khúc bi tráng  chiến tranh (tiểu thuyết) của Nhà văn Nguyễn Liên, Nắng trước cửa thiên đường (tập truyện ngắn) của Nhà văn Nguyễn Văn Thiện, Mùa gọi (tập thơ ) của Nhà thơ Huệ Nguyên, Nguyên sơ (tập thơ) của Nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn; Giải C – Con bon bi (tập truyện ngắn) của Nhà văn Kim Nhất, Đêm hoa lửa (tập thơ) của Nhà văn Đàm Lan; Giải Khuyến khích – Chùm 3 bài nghiên cứu văn học của Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương. Năm 2013: giải A - Chùm thơ 9 bài của Đặng Bá Tiến; Giải B – Hơi thở thời gian (tập thơ) của Nhà thơ Hà Thị Sơn Thúy; Giải C – Chùm ký và ghi chép của Nhà văn Nguyễn Liên. Trong Cuộc vận động quảng bá tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động; trong 3 năm (2011, 2012, 2013) chúng ta đã có nhiều hội viên đạt giải cao như: Nhà thơ Hữu Chỉnh – Giải A, Nhà thơ Đặng Bá Tiến – Giải A, Nhà văn Hồng Chiến – Giải B, Nhà văn Nguyễn Liên – Giải B…
Nhìn chung các hội viên của Chi hội Văn học giữ vững bản lĩnh chính trị trong hoạt động sáng tạo văn học, đóng góp được nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh cuộc sống, chiến đấu, lao động và xây dựng đất nước của nhân dân. Những sáng tác của anh chị em đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có sự đổi mới về hình thức và cách thể hiện… gần gũi với thực tế cuộc sống. Khiêm tốn nhìn nhận, nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định: Bên cạnh thành công của tập trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến một đỉnh cao của nền văn học tỉnh nhà trong năm năm gần đây, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn là hiện tượng văn học trên văn đàn cả nước; chúng ta còn có tác giả giật giải cao trong các cuộc thi như nhà văn Nguyên Hương, Nhà thơ Lê Huy Thành… hay các tập tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của Trúc Hòai, “Điệp khúc bi tráng của chiến tranh” của Nguyễn Liên... đã làm nên diện mạo văn học của một vùng đất mà không phải nơi nào cũng có được. Nhìn chung, các tác phẩm văn học của Đắk Lắk thuần khiết và lành mạnh về tư tưởng, trong sáng về nội dung, hài hoà về tính dân tộc và tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của quần chúng, làm tốt nhiệm vụ hướng con người đến vẻ đẹp: Chân - Thiện – Mỹ… Có thể nói, hoạt động sáng tác của hội viên trong nhiệm kỳ qua khá sôi nổi, phong phú. Mỗi chuyên ngành, mỗi lĩnh vực đều thể hiện được khả năng tìm tòi sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ. Mỗi cá nhân tác giả đều cố gắng nỗ lực  nâng cao năng lực sáng tạo để đóng góp cho cuộc sống nói chung và sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà nói chung, làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng. Với những thành tích trên, chúng ta có thể tự hào báo cáo với các cấp lãnh đạo, với đồng bào các dân tộc trong tỉnh: hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đã có cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất Đắk Lắk thân yêu.
                     
Mùa mưa năm 2014                          

4 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI