Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266 - tác giả THANH VÂN





VÀI CẢM NHẬN QUA MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN
CỦA H’SIÊU BYĂ
                                                 


Văn học viết về các dân tộc thiểu số luôn là mảng đề tài hấp dẫn và cuốn hút người đọc như một khu rừng bí ẩn thôi thúc độc giả tìm hiểu và khám phá, như một chìa khóa mở ra giải mã cho chúng ta hiểu về nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi. Trong những tác giả viết về đề tài này có tác phẩm được đăng trên tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, phải kể đến H’Siêu Byă với những truyện ngắn được sáng tác trong vài tháng gần đây, như: Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă, Mùa này dã quỳ nở rộ, Sự tích thác Dray K’nao…
H’Siêu Byă, người dân tộc Êđê sinh ra và lớn lên trên vùng thảo nguyên M’Đrắk thơ mộng, mảnh đất thân yêu ấy có bề dày văn hóa lâu đời của dân tộc Êđê. Được lớn lên hít thở trong môi trường văn hóa của dân tộc mình nên các tác phẩm của cây bút này đã đem đến cho người đọc một sự ngạc nhiên thú vị về đời sống tràn ngập không gian núi rừng và những truyền thống tốt đẹp của buôn làng mang đậm bản sắc dân tộc. Các tác phẩm của HSiêu không có sự gay gắt đấu tranh giữa cái thiện và cái ác mà bằng giọng văn trữ tình, tác giả đã viết về tình yêu đôi lứa mang đậm âm hưởng và phong cách của người Êđê. Tình yêu đó óng ánh, sóng sánh như những giọt mật ong rừng. Qua đó khắc họa nên chân dung của những “chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” với những tâm hồn, tính cách và tình cảm hoang dã nhưng rất trong trẻo. Trong như những giọt sương long lanh đọng trên lá  kơ nia soi mình dưới nắng ban mai.
Tác giả viết về vùng đất và con người của dân tộc mình với một niềm tự hào và sự say mê mãnh liệt. Từng câu chữ, lời văn mang hơi thở cuộc sống  đậm bản sắc dân tộc, bản sắc đó được thể hiện rõ nhất trong cách kể của tác giả: “Tiếng hát ấy đã níu chân hai chị em tôi và chúng tôi cùng gùi tiếng hát ấy về đến cầu thang nhà dài của mí”, “Căn nhà dài càng trống trải và lạnh như mùa canh rẫy” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă). Câu văn đọc lên nghe như câu thơ, bản nhạc trữ tình nhưng cũng rất gần gũi với tiếng nói thường ngày của người dân bản địa.
Với nguồn cảm hứng dạt dào, tác giả đã phác họa cảnh đầy sắc màu sinh động của miền sơn cước. Cách sử dụng từ linh hoạt, các hình ảnh miêu tả sự vật có thêm những hoạt động cụ thể với biện pháp nhân hóa làm cho lời văn có sức gợi đã đưa người đọc đến với những hình ảnh rất độc đáo của Tây Nguyên. Hơn nữa với tình yêu tha thiết cảnh vật, thiên nhiên nơi mình sinh ra và lớn lên nên cảnh vật như cũng có linh hồn: “Trên trời cao, những đám mây mặc váy thổ cẩm nhảy múa điệu chim Grứ. Mềm mại và uyển chuyển xoay vòng, xoay vòng rồi giật giật cánh tay, ngón tay quanh mặt trăng đang cười hả hê nửa mặt” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă). Tác giả dùng ngôn từ rất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của người Êđê, đan xen một chút tự hào về quê mình và ẩn chứa trong ấy niềm kiêu hãnh về vị thế người phụ nữ Tây Nguyên đang biến mình thành đám mây mặc váy đi dự hội.
Cách sử dụng từ của tác giả nữ Êđê còn trẻ tuổi đời nhưng rất “già” trong cách chinh phục người đọc bằng ngôn từ rất đặc biệt, thể hiện sự quan sát tinh tế, sự hòa đồng sâu sắc và một vốn sống dồi dào về dân tộc mình mới có thể chắt chiu để biểu đạt: “Chiều lắm rồi. Buôn mình rục rịch nhóm bếp lửa chuẩn bị buổi tối, đám khói ngoằn ngoèo, chúng chụm lại và toác miệng cười ha hả đắc chí về chuyện tình vỡ toang hoang như quả bầu khô của mình…”, “Ngồi phịch xuống tảng đá, tảng đá cựa quậy, nhìn cánh đồng quỳ, cánh đồng quỳ cựa quậy, ngó đám mây, đám mây, đám mây cựa quậy, liếc dãy núi, dày núi chao đảo ngả nghiêng” (Mùa này dã quỳ nở rộ). Nói về tình yêu tan vỡ nhưng không dùng từ bi quan, than vãn mà bằng giọng điệu riêng của mình, tác giả vẫn diễn tả được hết nỗi đau đớn, vật vã, bão tố… trong lòng nhân vật qua hình ảnh đám khói, tảng đá, cánh đồng… đọc xong ta chỉ biết thốt lên: Hay, độc đáo!
Tác giả còn gây ấn tượng cho người đọc bởi sự mới lạ, khi sử dụng phép so sánh thì hình ảnh được so sánh rất gần gũi, gắn bó với đồng bào Êđê mang tính đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Tả về vẻ đẹp của chàng trai, tác giả đã viết: “đẹp trai và dũng mãnh như con rắn hổ mang đang gầm gừ trong hang như người già vẫn thường ví…” và “bờ vai rộng và chắc như gỗ kate trong rừng” hoặc “Mặt chàng áp sát vào má tôi, phả lên đấy những hơi thở nóng hổi quyến rũ của con cầy hương mê hoặc” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă), “Aduôn mình đã già hơn cây M’nut cạnh bìa rừng, lưng còng hơn chiếc cần uống rượu…” (Mùa này dã quỳ nở rộ). Nếu không sinh ra và lớn lên trong buôn làng Êđê thì không thể có được những những từ ngữ gợi hình ảnh rất đặc sắc người Tây Nguyên, vừa hoang dại vừa hư ảo như ta thường thấy trong chuyện cổ tích của người Kinh, lời khan của người Êđê!
Trong các truyện ngắn của mình, tác giả không trau chuốt lời văn theo kiểu “nhả ngọc, phun châu”, không cầu kì trong văn phong mà bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời văn trong sáng, thể hiện cả tình lẫn ý của tác giả,  con người hiện ra với những tính cách chân chất, vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng thuần hậu. Đặc biệt những chất liệu đặc sắc trong khan của người Êđê được tác giả sử dụng rất thành công: “Vào một ngày trời hanh khô và nắng nóng, con rắn chui vào hang, con mang ngừng ăn tìm chỗ trú, con cú, con vẹt trong tổ không chịu ra, các cô gái trong buôn rủ nhau ra dòng thác tắm táp và nô đùa” (Sự tích thác Đray Knăo); thiên nhiên trên thảo nguyên hiện ra rất thực, rất gần gũi, con người và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau. Qua mỗi tác phẩm, chúng ta như đang xem một cuốn phim với những triền đồi khe suối, những dãi hoa quỳ vàng ruộm, cuộc sống, sinh hoạt và phong tục tập quán của dân tộc Tây Nguyên đang hòa trong âm thanh của đing năm, cồng chiêng và những rung ngân của núi rừng.
Mỗi tác phẩm như một chiếc cầu nối để giúp chúng ta hiểu và thêm yêu con người Êđê rất đỗi thật thà, bình dị, hiểu thêm một kho tàng văn hóa đang tiềm ẩn, hiểu thêm một tấm lòng ưu ái đang đau đáu với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Hy vọng rằng, với sức trẻ đang căng tràn nhựa sống và năng lực sáng tác của H’Siêu Byă, bạn đọc sẽ được đọc nhiều tác phẩm đậm hơi thở núi rừng, giàu bản sắc Tây Nguyên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI