Đến thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, rẽ
theo đường liên xã vào các xã Ea Pal, Chư Yang, Chư
Brông... ta bắt gặp một khu rừng nguyên sinh cây cối cao chót vót đứng lẻ loi
trên cánh đồng trù phú, xanh mượt mà bởi mía, khoai mì và cao su mới trồng được
vài năm tuổi. Cánh rừng không lớn lắm, chắc chỉ độ ba, bốn ha là cùng, nhưng nổi
bật bởi chiều cao của các cổ thụ và là nơi cư trú của đàn cò trắng đông đúc đứng
rỉa lông sau khi no mồi. Thỉnh thoảng khu rừng lại có thêm đàn chim cốc đen tuyền
đông tới vài chục con chọn cây cao giữa rừng đứng xúm xít bên nhau tạo nên một
bức tranh phong cảnh khá đẹp mắt. Khu rừng già tồn tại ngay giữa cánh đồng mênh
mông của hai xã Ea Pal và Chư Brông, chỉ cách thị trấn Ea Knốp chừng 5 km, làm
biết bao người đi qua nhìn ngắm và không khỏi tò mò vì sự tồn tại gần như... bất
thường này. Nói là “bất thường” bởi giữa vùng đất bằng phẳng, người dân đã canh
tác, trồng trọt hoa màu cả rồi, nhà cửa cũng nối nhau xếp hàng tạo nên một vùng
đất trù phú có đường kính cả chục km; thế mà vẫn còn sót lại một mảnh rừng đứng
uy nghi như thách thức với thời gian. Cũng như bao người từng qua đây và ngỡ
ngàng trước cánh rừng “lạ” này, tôi quyết đến gần tìm hiểu xem có điều thần kì
nào giúp nó tồn tại trước sức tàn phá nhanh đến chóng mặt của con người.
Theo con đường đất cấp phối liên xã rải
đất đỏ, tôi đến khu rừng và phát hiện ra một điều lạ: mặc dù đang giữa buổi
sáng, trên ngọn cây cao nhất mọc ở phía bắc rừng có tới ba con vạc đứng lênh
khênh trên ngọn cây, chĩa chiếc mỏ dài của mình lên trời như đang suy tư điều
gì. Loài vạc nơi đây lông màu xám, trên
đầu có một túm lông dài, trông giống hình tượng chim hạc tạc trên các đền,
chùa; chúng đứng cao phải đến cả mét, cánh khi bay giang ra bằng cả sải tay người
lớn. Tới gần hơn, tôi giật mình khi thấy bên trong hàng rào lưới B40, một bầy
heo rừng đông đúc đang thi nhau ủi tìm thức ăn dưới gốc cây; song hành cùng đàn
heo là lũ chim rừng nhảy nhót xung quanh, ríu ran trò chuyện. Thế ra cánh rừng
này có chủ và chủ nhân tận dụng tán rừng già thả heo rừng. Tôi càng thêm tò mò
nên dạo quanh hàng rào tìm đến ngôi nhà xây kiểu mái Thái hai gian nép mình dưới
bóng cây phía tây cánh rừng. Nhà có lẽ đã xây lâu rồi, cùng với thời gian bức
tường màu vàng đã loang lổ vết thời gian; trước sân bên cạnh chiếc xe máy hiệu
Honda là chiếc xe công nông chất đầy dưa, bí đỏ và đu đủ hình như mới hái từ rẫy
về. Thấy tôi, một người phụ nữ tuổi trạc bốn mươi bước ra chào và mời vào nhà uống
nước.
Phòng khách của gia chủ kê bộ xa lông
lót nệm, tủ đứng đóng khá cầu kỳ; giữa tủ đặt chiếc tivi màu 21in. Qua trao đổi,
tôi được biết chị tên Phạm Thị Xinh, người dân tộc Mường, quê tận xã Vĩ Tân,
huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hoá vào đây định cư từ năm 1991. Do gia đình đông
anh em, kinh tế khó khăn nên cả bốn anh em bên nhà chồng rủ nhau vào trong này
khai hoang, định cư lập nghiệp. Chồng chị, anh Phạm Văn Đào là người con thứ ba
trong gia đình ba trai một gái út. Thời gian trôi nhanh, mới đó đã hơn 20 năm rồi,
anh chị có hai con, cậu cả nay đang học lớp 11, hai vợ chồng ở nhà chăm sóc vườn
tược, ao hồ “cũng tạm đủ sống qua ngày”. Chị Xinh khiêm tốn nói vậy và tôi cũng
tin kinh tế gia đình chị “tạm đủ sống”, khi thấy nhà cửa xây dựng khang trang,
tiện nghi sinh hoạt trong gia đình đầy đủ, hiện đại. Tôi rất mừng khi gặp được
người đồng hương từ miền rừng xứ Thanh vào Tây Nguyên lập nghiệp. Người phụ nữ
chân chất, nước da bánh mật, lại thêm vóc dáng khoẻ mạnh, đúng mẫu người nông
dân đồng rừng thường xuyên phải leo núi, trèo đèo. Chúng tôi đang vui vẻ trò
chuyện thì anh Phạm Văn Đào, chủ nhà về; sau cái bắt tay thật chặt của cánh đàn
ông với nhau, anh cho biết thêm:
- Ngày xưa ở quê khổ quá, mấy anh em
rủ nhau vào đây cùng sinh sống ở quanh đây. Cô Út nhà xây cạnh ngã ba đường rẽ
vào đây; bác cả nhà xây đối diện bên kia ao cá, còn bác hai chếch phía tây kia
kìa.
Anh Đào đưa tay chỉ ra hướng trước mặt
ngôi nhà mình, cách xa khoảng 500 mét, một ngôi nhà mái Thái có tới ba nóc đứng
soi bóng bên hồ thả cá rộng đến vài sào.
- Bốn anh em chiếm trọn cả vùng đất
này sao?
- Trước đây là rừng, mấy anh em cùng
khai phá và chia cho nhau cùng sử dụng; phần tôi chắc gần chục ha.
- Đất rộng vậy, hai vợ chồng làm sao
cho hết? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Vợ chồng quen lam lũ rồi, phải chịu
khó làm thôi. Nhiều đất thì trồng khoai mì, trồng mía đỡ công chăm sóc và trồng
thêm cao su; nhà trồng đựoc ba ha rồi, sau hai năm cây cao hơn đầu người rồi đấy.
Bằng giọng xứ Thanh phát âm khá chuẩn,
anh Đào cho biết thêm: nhiều gia đình đang đổ xô đi trồng cao su, đất rộng, trồng
cao su trong vòng hai năm đầu vẫn trồng đậu, bắp hoặc khoai mì xen vào, vừa đỡ
công làm cỏ lại có thu nhập cao. Đất vùng này có vẻ hợp với cây cao su nên nhà
nào cũng trồng, ít cũng vài ha, nhiều thì năm sáu ha, cây lớn nhanh lắm. Ngoài
thâm canh trên đất nương rẫy, các hộ gia đình nơi đây ai cũng có đất trồng lúa
đủ ăn quanh năm cho gia đình và ao thả cá, mỗi năm thu hoạch hai vụ cá, đủ chi
tiêu “vặt” hàng ngày; còn chăn nuôi thêm heo, gà, trâu, bò... có thêm thu nhập
để dành. Hiện nay nhà mới có 5 con trâu, hơn 40 con heo rừng, còn gà thì...
không tính. Tôi hỏi thêm:
- Nhà mình nuôi heo rừng lâu chưa? Có
nhờ ai đầu tư không?
Vẫn thủng thẳng với giọng nói của người
miền ngược xứ Thanh, anh Đào cho biết: Trước đây, nhà chỉ nuôi vài con heo để tận
thu cám và cơm thừa, sau thấy trên tivi giới thiệu cách thức chăn nuôi heo rừng
có lãi lại ít dịch bệnh, thế là lần theo địa chỉ mà tivi giới thiệu đến tận nơi
học hỏi cách nuôi và mua giống thả. Gần một năm, đàn heo phát triển nhanh, sinh
sản tốt, đã bán được một ít rồi, nhưng giá mua tại chuồng của thương lái chỉ có
70 ngàn đồng một ký thôi; biết là rẻ nhưng chưa biết bán ở đâu đắt hơn. Vốn đầu
tư là của gia đình tích cóp được chứ không vay của ai cả. Trả lời câu hỏi của
tôi: sao không vay ngân hàng đầu tư thêm? Anh Đào nói: Cũng có nghe nói người
nông dân được vay vốn, nhưng thủ tục nhiêu khê, phải đi lại nhiều nên không
thích. Thôi mình có bao nhiêu kinh doanh bấy nhiêu. Anh dẫn tôi ra xem bầy heo
rừng nuôi trong khuôn viên cánh rừng già còn sót lại. Anh cất tiếng kêu: út,
út, út và vung ra một nắm bắp ném qua lưới sắt vào phía trong gốc cây; bầy heo,
gà chạy túa về thi nhau nhặt bắp trông thật vui mắt. Anh Đào chỉ con heo đực giống
khoảng gần tạ, hai bên mép răng nanh dài như ngón tay chìa ra hai bên trắng hếu,
nói: Con này giá gần chục triệu đấy, còn 5 con mẹ sắp đẻ phải nhốt riêng để
chăm sóc, khi nào đàn con cứng cáp mới thả vào cùng bầy.
Bầy heo lại tản vào rừng tiếp tục đào
ủi tìm thức ăn dưới tán những gốc cổ thụ. Tôi tranh thủ hỏi thêm:
- Tại sao anh lại giữ lại khu rừng
này mà không phá đi để trồng hoa màu như mọi nhà khác?
- Trước đây rừng bạt ngàn, vì cuộc sống
mưu sinh phải chặt phá lấy đất trồng trọt, cây gỗ đốt thành than bán lấy tiền
mua gạo sống qua ngày. Khi phá gần hết rừng rồi mình bàn với anh em để lại cánh
rừng nhỏ này cho con cháu mai sau nó còn biết thế nào là rừng Tây Nguyên và
cũng là nơi cung cấp củi để đun nấu. Lúc ấy chẳng ai nghĩ ra sẽ thả heo rừng
vào đấy đâu. Không ngờ giờ đây, cánh rừng lại là nơi trú ngụ của chim trời, làm
đẹp cho cả vùng đất này.
- Anh chị giỏi quá! Tôi bật khen khi
anh nói dứt lời.
- Mình chưa giỏi bằng chị dâu cả đâu.
- Chị anh giỏi thế nào nữa cơ?
Anh Đào bùi ngùi kể lại: Vốn con nhà
nghèo, vì đói nên phải rủ nhau vào đây phá rừng sinh sống. Khi kinh tế tạm ổn
thì anh cả bị tai nạn giao thông chết, để lại cho người vợ - chị Phạm Thị Chiên
và hai đứa con thơ. Bằng sự chịu thương, chịu khó của người mẹ, chị đã nuôi con
ăn học, đứa con đầu đang học năm cuối trường Đại học Y Huế; người con thứ hai
đang học năm thứ hai Đại học Y Tây Nguyên.
Theo chân anh, tôi băng qua bờ ao, vượt
qua chiếc cầu gỗ bắc chông chênh qua suối vào thăm nhà chị Phạm Thị Chiên, chị
dâu trưởng của bốn anh em. Trước mặt tôi là người phụ nữ đứng tuổi, khuôn mặt
tròn, có đôi mắt nhìn phúc hậu nhưng đượm buồn. Chị cho biết: Ở quê, người ta
thường hay chọn vợ gả chồng cùng bản, hiểu nhau, chơi thân nhau từ bé và hình
như duyên số đã định sẵn, thành vợ thành chồng như chuyện đến bữa phải ăn, đêm
khuya phải ngủ vậy thôi. Không may chồng về với tổ tiên thì mình phải thay chồng
nuôi dạy các con ăn học nên người. Chúng sợ mẹ vất vả định bỏ học về làm, chị
cương quyết không cho và tuyên bố: mẹ cực thế nào cũng được, các con có thương
mẹ phải học thật giỏi là được rồi. Một mình quần quật cả ngày đêm trên diện
tích gần tám ha vừa trồng lúa, trồng mía, trồng khoai mì và chăn nuôi: trâu,
bò, heo, gà, thả cá... Năm ngoái đầu tư trồng hai ha cao su, cây lớn nhanh lắm.
Dưới gốc cao su trồng khoai mỳ, cuối năm thu cũng đủ cho hai con đóng tiền học.
Nhà neo đơn, chị Phạm Thị Chiên tập trung nuôi gà, lấy ngắn nuôi dài. Mỗi tháng
mua vài trăm con gà mới nở về chăm sóc, cứng cáp thả ra vườn nhặt sâu bọ, sau
ba tháng là bán được, để lớn hơn thương lái không mua. Mỗi tháng bán một lứa
vài trăm con trừ chi phí cũng đủ chi tiêu cho cả ba mẹ con.
Căn nhà xây cấp bốn, hai gian, ba phòng, nền lát gạch hoa, có diện tích trên
trăm mét vuông. Trong nhà được trang bị đầy đủ tiện nghi như: tivi, bàn ghế, tủ...
khá bắt mắt. Có lẽ ít ai dám nghĩ đến cảnh một người đàn bà goá sống gần bảy
năm trời nơi chân đồi xa xôi của thôn 9, xã Ea Pal, huyện Ea Kar vẫn vượt lên tất
cả khó khăn, nuôi hai con học đại học mà vẫn còn có tiền đầu tư vào phát triển
kinh tế lâu dài.
Mặt trời đứng bóng, tôi bước ra chiếc
sân lát gạch vuông của nhà chị Chiên, nhìn về hướng tây. Qua hai dãy ao và con
suối nhỏ, qua tiếp một đoạn nữa mới tới nhà người em chồng thứ hai, toạ lạc
phía bên kia sườn đồi, ngoài cả một tầm hú. Đó là gia đình gần nhà chị nhất.
Không biết người phụ nữ mảnh mai này lấy đâu ra nghị lực để một mình bươn chải
cho các con đi học xa suốt cả quãng thời gian dài vậy? Đất nước Việt Nam vốn là nơi
sinh ra những người phụ nữ “trung hậu, đảm đang” suốt đời tận tuỵ vì chồng, vì
con mà quên đi chính bản thân mình. Có lẽ đó chính là vẻ đẹp đặc biệt của người
phụ nữ xứ Thanh nói riêng và phụ nữ Việt Nam
nói chung đã góp phần xây dựng nên nét đẹp
truyền thống văn hoá Việt Nam .