Mẫn thẩn thờ kéo ghế ngồi đối diện tôi, đôi mắt vô hồn
hướng về chậu phong lan phía xa, nơi góc tường. Tôi ngạc nhiên trước thái độ lạ
của người bạn, chưa biết phải làm gì.
-Anh dùng gì ạ?
Tiếng nói của cô tiếp viên làm tôi giật mình, quay lại.
Một thiếu nữ còn trẻ, tóc dài óng mượt, có vầng trán cao, mắt hai mí, chiếc khẩu
trang che nửa mặt, đứng bên tôi nhưng mắt lại nhìn Mẫn. Mẫn vẫn không trả lời,
tôi phải trả lời thay:
-Em cho xin ly đen nóng.
-Dạ!
Cô tiếp viên đi rồi tôi mới quay lại hỏi Mẫn:
-Có chuyện gì à?
-Mất rồi!
-Ai mất?
Tôi giật mình, tái mặt hỏi lại theo phản xạ. Mẫn kém
tôi một giáp, giáo viên cấp một, cũng vì mê văn chương mà chúng tôi quen nhau.
Nghe nói trước đây, vợ Mẫn là bạn học cùng lớp, ngồi cùng bàn bốn năm trung học
cơ sở, làm nhân viên bán vé xe buýt nuôi mẹ. Lương hai vợ chồng, phải nuôi mẹ,
nuôi con nên kinh tế khó khăn. Để thoát nghèo, năm con gái tròn hai tuổi, cô vợ
xin đi xuất khẩu lao động qua Đài Bắc thời hạn ba năm; hy vọng kiếm được tí vốn
về đổi đời. Ở nhà Mẫn đảm nhận việc nuôi con và chăm sóc mẹ vợ.
Quả thật từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động, kinh tế gia
đình nhà Mẫn khá hẳn lên. Mỗi tháng vợ gửi về mười triệu, Mẫn gửi ngân hàng hết;
chi tiêu hàng ngày dùng tiền lương của mình – cũng may, thời kỳ đổi mới, lương
giáo viên cũng tàm tạm. Được hơn năm, đánh đùng một cái vợ gửi về cho cục tiền năm
trăm triệu, nhắn xây nhà. Theo thiết kế của kiến trúc sư Đài Loan vợ gửi về,
xây nhà hết hơn một tỷ. Rút tiền gửi ngân hàng cộng với tiền vợ gửi không đủ, Mẫn
phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, xây nhà đúng theo thiết kế cho vợ vui. Ngôi
nhà hai tầng rất đẹp, có đủ phòng thờ; phòng riêng cho mẹ, con trai, con gái, phòng khách, phòng hạnh
phúc vợ chồng, bể bơi…
Nhà xây xong, cô vợ gửi tiếp một tỷ, thế là trả hết nợ, Mẫn còn mua được cái xe bốn bánh
đi làm. Nhà cửa đàng hoàng, trong nhà trang bị đầy
đủ tiện nghi, con gái vào lớp một, mẹ vợ ngày một già yếu mà vợ vẫn chưa về. Trong
những ngày xa vợ, ngoài giờ lên lớp Mẫn chỉ quanh quẩn với ngôi nhà của mình để chăm sóc mẹ vợ và con
gái; vậy mà… Mẫn nói tiếp:
-Nó bỏ đi mất rồi anh ạ!
-Sao?
Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu tôi: mẹ già thì ông thầy
giáo này không thể nói là “nó” được, con gái năm nay lên bảy tuổi không thể bỏ
đi; vậy, chẳng lẽ lại là… Tôi bảo:
-Cậu nó rõ hơn một chút được không?
Mẫn nâng ly cà phê lên nhấp một ngụm, nhăn mặt. Khuôn
mặt tròn, trán ngắn nước da ngăm ngăm đen làm nổi bật hàm răng trắng rất đều
trang trí cho cái miệng rộng; khi nhăn mặt nhìn như đẹp hơn lên một tý.
-Cà phê đắng quá!
-Cậu đã cho đường đâu?
-Vậy ạ. Em cho nó ăn, khi
đi thay nước quên không đóng cửa, thế là nó bay đi luôn.
-Cậu này, ăn nói lấp lửng làm mình tưởng chuyện người,
hóa ra chuyện chim.
-Dạ, đúng rồi, con vẹt em nuôi đấy, nó đã biết nói rồi
mà.
Thì ra chuyện con vẹt, tôi thở phào. Mẫn ngoài giờ lên
lớp, về nhà chăm lo cho tổ ấm của mình để đợi vợ trở về, gần đây còn có thêm
thú vui nho nhỏ: mê chim. Một lần đi dạy về thấy có cậu bé người dân tộc bản địa
đứng bên đường bán con vẹt bị xích vào một cành cây khô. Động lòng trắc ẩn, Mẫn dừng xe, hỏi mua rồi mang về.
Có chim phải có lồng để nuôi, Mẫn đặt thợ làm một chiếc lồng bằng gỗ mít, nan tre, sơn son, thếp vàng, có nhiều hoa văn tinh xảo,
hết gần trăm triệu.
Chim vẹt, có nơi gọi chim két, rất thích ăn bắp khi hạt
mới đông sữa. Vào mùa khô, ở gần không có bắp tươi; Mẫn phải đến chợ 47 – chợ
duy nhất trên địa bàn tỉnh bán bắp luộc quanh năm; cách xa bốn mươi bảy kilomet
để mua bắp tươi về cho vẹt ăn. Vật chẳng phụ công, gần đây vẹt đã biết nói tiếng
người; thấy chủ về, nó cất tiếng chào:
-Chào ông chủ, ông chủ đi làm về!
-Mẫn có vui không?
-Hồng về chưa?
Hoặc thông báo:
-Nhà có khách!
Hồng là tên con gái của Mẫn. Mẫn tự hào về chim của
mình lắm, đi đâu cũng say sưa nói về kỹ thuật nuôi, dạy chim; tự xem mình là
hình mẫu cho thành công nuôi chim. Nay mất chim, mặt buồn như lần đi tìm bạn, hỏi
tin vợ.
***
Đi cùng đợt xuất khẩu lao động, trên địa bàn huyện có
bảy người đều là nữ cả; trong số bảy người đó duy nhất vợ Mẫn đã có chồng, còn
lại gái trẻ. Vợ Mẫn cao gần mét bảy, nước da bánh mật, khuôn mặt trái xoan, mắt
lá răm - mỗi khi liếc ngang một cái thì… sắc hơn dao cạo, nổi bật trên khuôn mặt
xinh đẹp ấy là đôi môi mỏng, lúc nào cũng phơn phớt hồng như được tô son. Các cụ
ngày xưa nhận xét quả không sai: gái một con…
Sau ba năm, sáu người đi cùng lần lượt trở lại quê,
riêng vợ Mẫn có hợp đồng mới nên ở lại làm thêm thời gian hai năm nữa, kiếm tiền
lo cho con cái sau này. Lương tháng gửi về cũng tăng gấp đôi; vợ nhắn tin dặn: “không
phải tiết kiệm, cứ chi tiêu thoải mái, miễn là mẹ và con khỏe mạnh là được”. Mẫn
vui vẻ đồng ý, trong lòng vô cùng cảm động, nghĩ: vì mình, vì con nên vợ phải vất
vả, tha hương...
Biết tin các cô gái đi làm cùng vợ trở về, Mẫn tìm đến
hỏi thăm tin tức của vợ. Khi gặp, cô nào cũng nhìn Mẫn với ánh mắt là lạ và
hình như ai cũng lãng tránh trả lời, người nói ở xa ít liên lạc; người bảo làm
việc vất vả, không có thời gian gặp nhau nên không rõ lắm – nghe vậy, Mẫn càng
thương yêu vợ nhiều hơn. Vì yêu vợ, nhớ vợ, Mẫn hết sức chu đáo với mẹ vợ và
con gái; thời gian còn lại giành cho chim. Thương Mẫn, tôi động viên:
-Cậu đọc chuyện Tái ông mất ngựa chưa? Biết đâu mất
chim lại là điềm may đấy!
-Bác nói lạ!
Mẫn nhìn tôi như mới từ cung trăng rơi xuống. Tôi cười
xòa, nói:
-Thời gian sẽ kiểm chứng!
***
Chủ nhật sau, gặp tôi ở quán cà phê, Mẫn nói:
-Em thấy nó rồi bác ạ!
Mặt buồn thiu, Mẫn kéo ghế ngồi xuống đối diện. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
-Tìm thấy chim rồi sao mà mặt buồn thế? Thấy nó ở đâu?
-Ở nhà ông Phó phòng phụ trách công tác tổ chức.
-Sao?
Tôi ngạc nhiên kêu lên. Mẫn thủng thẳng nhấp một ngụm cà phê,
cặp mắt nhìn ra phía đối diện như ngắm dò phong lan hồ điệp mới nở, giọng nghèn
nghẹn: tay Hiệu trưởng thông báo em có tên trong
danh sách được cơ cấu bổ nhiệm Phó hiệu trưởng năm tới, vì thế nên tranh thủ đến nhà
thăm xã giao ông Phó phòng. Vui chuyện, ông ấy khoe: mình cũng khoái chơi chim, hôm trước có con yểng biết nói, nhưng mấy
ngày quên không cho ăn, nó chết mất; mang lồng ra treo sau nhà, định không nuôi
nữa. Bất ngờ ba hôm trước có con vẹt rất đẹp ở đâu
chui vào lồng ở. Vẹt thông minh lắm, nó còn biết nói nữa. Thấy mình đi làm về
là cất tiếng chào: “Chào ông chủ, ông chủ đi làm về”, cậu thấy có lạ
không? Nói xong, ông ta kéo em ra xem con chim mới của mình. Vừa thấy em, con vẹt
cất tiếng: “Mẫn có vui không? Mẫn có vui không?”. Ông Phó phòng vỗ vai em, cười
như pháo nổ, nói: “Cậu thấy nó thông minh không, mới nhìn người mà đã biết tên
để chào”. Ngẫm ra các cụ ngày xưa dạy:
con người ta ta có cái số, đúng thật; em
đành cười trừ, khen xếp mấy câu rồi về.
Con vẹt còn gọi đuổi theo: Hồng về chưa? Hồng về chưa? Nghe mà đứt cả ruột.
-Cậu thấy chưa, “của đi thay người”; mất chim được lên
chức, sướng nhé.
-Anh nói giống y như mấy thầy cô ở trường em, bọn
chúng còn bắt em khao vì… mất chim.
-Anh Mẫn kể chuyện hay như đọc tiểu thuyết ấy.
Tôi giật mình quay lại thấy cô tiếp viên có cặp mắt
hai mí quen thuộc, khuôn mặt tròn, da trắng, má lúm đồng tiền – hôm nay cô ta tay
cầm khẩu trang, mắt nhìn Mẫn có cảm giác là lạ.
-Em ngồi uống cà phê nhé.
Mẫn vồn vã nói, cô tiếp viên đáp:
-Quán đang đông khách, em xin lỗi ạ!
Chờ cô gái đi xa, tôi quay lại hỏi:
-Hai người có vẽ tình cảm nhỉ?
-Cô ấy tên Thảo, tốt nghiệp đại học Ngoại thương loại
khá, không xin được việc làm nên đi phụ bán cà phê. Thấy em hay ngồi quán chỗ
này nên khi ít khách lại tói nói chuyện cho vui thôi. Gia cảnh cũng tội, cha mẹ
già làm nông, hai em đang học nên nhà kinh tế khó khăn lắm.
-Bất ngờ quá, mới quen mà tìm hiểu kỹ thế?
-Cuộc sống mà anh, bé Hồng nhà em cũng thích cô này lắm!
-Nhanh quá, mới đó mà bé đã học lớp tám rồi. Chắc cô ấy
sắp về?
-Vợ chưa về nhưng chim về rồi.
-Sao?
Tôi ngạc nhiên, tưởng mình nghe nhầm. Mẫn nhìn tôi,
đôi mắt không giấu được niềm vui:
-Trưa hôm qua đi làm về, thấy nó chui vào lồng từ lúc
nào ấy, cất tiếng chào:
“Mẫn đi làm về à, có vui không?” em mừng và ngạc nhiên
quá gọi điện báo tin cho Thảo, Thảo chúc mừng em, nhưng lại khuyên: “Anh nên
mang chim trả lại cho xếp”.
-Thảo nào?
Như đọc được vẻ ngạc nhiên của tôi, Mẫn cười rồi thủng
thẳng trả lời:
-Cô tiếp viên khi nãy đấy.
-À thì ra vậy. Thế cậu quyết định thế nào?
-Chiều hôm qua em và Thảo đến nhà trả chim cho sếp, tặng
luôn chiếc lồng. Xếp mừng lắm, khen cái lồng đẹp và nhân tiện báo tin vui luôn:
Tuần sau sếp về trường trao quyết định cho em.
-Chúc mừng cậu!
-Dạ, em cảm ơn anh!
Mẫn vừa dứt lời đã nghe có người lên tiếng:
-Cảm ơn phải thể hiện sự chân thành chứ, khao đi!
-Nhất trí, chiều nay mời anh và Thảo đến quán Mười Triệu
ăn cơm tối ạ.
Thảo cười giòn tan, bước vôi qua bàn phía cuối quán
tính tiền, tôi hỏi Mẫn:
-Vợ cậu sắp về rồi phải không?
Mẫn cười, nụ cười… nửa miệng rồi bật điện thoại, đưa
cho tôi đọc tin nhắn vợ mới gửi về:
“Em kiếm
được hợp đồng mới 5 năm nữa, lương khá lắm. Anh ở nhà chịu khó chăm sóc mẹ và
con giúp em nhé. Hôn anh!”
Tháng 7 năm 2021
chuyện rất hay
Trả lờiXóa