Y Nhớ ngồi trên hòn đá mắt chăm chú nhìn ngọn lửa đang
từ từ biến cây củi thành những hòn than màu hồng, không biết suy nghĩ gì mà
khuôn mặt rạng rỡ hơn bình thường. H’Uyên, con người của công việc, đến ngồi chơi
cũng không chịu để đôi tay được yên, hết đẩy thanh củi này vào lại lấy thêm
thanh củi khác để lên trên, tạo nên những hạt lửa nhỏ li ti theo khói bay cao
trông giống những bông hoa nhỏ. Vân hai tay ôm đầu gối, ngồi nhìn ngọn lửa một
lúc rồi quay sang Y Nhớ, hỏi:
-Chân Y Nhớ sao rồi?
-Không còn đau nữa.
-Vết ba ba cắn nơi tay Vân cũng khô miệng rồi, H’Uyên
giỏi thiệt. Không biết nghề hái lá chữa bệnh của dòng họ nhà H’Uyên bắt đầu từ
đâu nhỉ?
Nghe Vân hỏi, H’Uyên hình như mỉm cười, đôi gò má có
màu chiêng mới đúc cũng hồng lên một chút như thi với các hòn than đang cháy
trong đống lửa, trả lời:
-Nghe người già bảo, ngày xưa tổ tiên mình học các
loài thú tự hái lá cây trị bệnh đấy. Muông thú trong rừng thông minh lắm; chúng
cũng biết kiếm lá, hoa, quả, ăn khi bị đau ốm.
-Ô, lạ nhỉ.
Vân kêu lên ngạc
nhiên. H’Uyên kể:
-Ngày xưa, dòng họ Niê Kdam cứu được một con voi rừng
bị rơi xuống hố sâu. Voi cảm ơn người nên theo về cùng chung sống và giúp việc
nhà. Một lần đưa voi vào rừng xa kéo gỗ, ông chủ bị đau bụng, đi cầu nhiều lần.
Voi thấy vậy mới bỏ đi, một lúc sau quay lại trên vòi có quấn theo một cành lá
nhỏ thả xuống trước mặt, dùng vòi đập nhẹ lên đầu ông chủ ra hiệu ăn. Người đó
làm theo, một lúc sau thấy hết đau, mừng lắm về khoe với vợ. Cô vợ nói với chồng:
“voi là con vật tuy không biết nói, nhưng thông minh; đi rừng nếu voi bị bệnh
ăn gì khỏi đau, ghi nhớ về bắt chước để chữa bệnh cứu người”. Từ đó trong các
chuyến đi rừng, anh ta để ý: khi voi bị đau, đi tìm ăn thứ gì thì khỏi bệnh;
ghi nhớ về nói cho vợ biết. Người vợ bắt chước voi, dùng các loại hoa, lá, quả,
củ… như thế để trị bệnh cứu người, thấy có kết quả. Nghề chữa bệnh của dòng họ nhà
mình bắt đầu như thế.
-Hay quá, cứ như được nghe kể khan(1) ấy.
Y Nhớ reo lên khi khám phá ra nguồn gốc nghề hái thuốc
chữa bệnh của nhà H’Uyên – một dòng họ được cả vùng kính trọng vì chữa khỏi bệnh
cho nhiều người.
-Thuốc của nhà H’Uyên chỉ chữa được những bệnh thông
thường thôi, còn những bệnh nằm sâu trong ngực, trong đầu, trong bụng… không biết
chữa đâu, phải đến bệnh viện đấy.
Nghe H’Uyên nói như thanh minh, Vân vui vẻ góp lời:
-Từ lâu, Vân cũng muốn biết bí mật gia truyền của nhà
H’Uyên nhưng không dám hỏi, nay được “bật mí” rồi, thật tuyệt.
-Có gì đâu mà phải bí mật, nhiều người trong buôn biết
chuyện như thế từ lâu rồi mà.
H’Uyên vui vẻ trả lời và nói thêm:
-Khuya rồi, chúng ta đi ngủ lấy sức mai còn đi tiếp.
-Ừ, Y Nhớ đau chân nằm bên phải, H’Uyên nằm bên trái đống
lửa cho ấm và canh bếp luôn.
Vân phân công, H’Uyên ngạc nhiên hỏi lại:
-Vân nằm ở đâu?
Vân nở nụ cười rất tươi, trả lời:
-Mình ngủ bên kia đống lửa, thế là thành chữ u đẹp
luôn.
-Ô, như thế không ổn lắm đâu.
H’Uyên tỏ ý băn khoăn, Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại:
-Tại sao lại không ổn?
-Cái đầu Vân nhìn cái chân H’Uyên lúc ngủ rồi.
Vân cười ré lên, một lúc sau mới dừng lại được, trả lời:
-Cái bà này suy nghĩ lung tung; đầu hai bạn chụm vào
nhau, còn chân mình với chân Y Nhớ gần nhau, như vậy được chưa?
-Không được.
-Vì sao?
-Đầu Vân và đầu Y Nhớ chạm nhau, chân mình gần chân
Vân mới phải.
Thấy hai bạn tranh luận bàn chỗ nằm ngủ, Y Nhớ bật cười
nói:
-Ngủ tạm qua đêm thôi mà, nằm đâu chẳng được, đàn ông
ưu tiên phụ nữ.
-Thế thì được!
H’Uyên trả lời rồi đứng dậy ôm lá cây qua phía đối diện
trải ra làm nệm. Trên cao, lá cây cổ thụ kết thành mái nhà không cho giọt sương
nào rơi xuống. Vân ngả mình xuống đám lá, kê tay gối đầu, nhìn lên ngọn cây,
nói:
-Tối ngủ trong rừng cũng hay thật.
-Vân đã quen với rừng rồi đấy, thôi ngủ đi lấy sức,
mai còn khám phá rừng.
H’Uyên nói xong, từ từ nằm xuống. Vân nghiêng mình nhìn
qua phía bên kia bếp lửa thấy H’Uyên gác tay lên trán, hình như đã ngủ, chợt
nghĩ: Cô bạn lớp trưởng có khuôn mặt trái xoan, mắt lá răm không những thông
minh mà còn có một chút tinh nghịch. Nhân dịp trong buôn có nhà làm lễ cúng bỏ
mả(2) nảy ra sáng kiến rủ hai bạn cùng lớp lấy thuyền ngược sông vào rừng Yang(3)
chơi. Người trong vùng ai cũng sợ rừng Yang không dám đặt chân tới vì lời nguyền:
ai vào rừng sẽ không bao giờ trở về buôn nữa. Nhưng cả ba tò mò, muốn khám phá
xem trong khu rừng ấy có gì mà bao đời nay người ta sợ, gọi là rừng Yang. Vào rồi
mới thấy khu rừng rất đặc biệt: mặt đất bằng như sân trường, mọc toàn gỗ hương,
cách đều nhau như được trồng, tán lá che kín bầu trời; có lẽ vì vậy, người đi trong
rừng không phân biệt được thời gian, phương hướng nên… lạc. Vân bật cười vì đã
khám ra bí mật của rừng Yang.
*
**
Gần trọn một ngày lang thang trong rừng, hết nước uống,
ba “nhà thám hiểm” xuống suối tìm nước. Y Nhớ đi trước mở đường không may bị
trăn mai phục; bất ngờ cắn vào chân, quấn tròn lại, suýt bị nuốt sống. Trong
lúc nguy cấp, Vân lao đến nắm đuôi trăn kéo ra, bảo H’Uyên dùng quẹt ga đốt vào
rốn trăn - H’Uyên nghĩ đến đây bật cười: trăn là giống bò sát làm gì có… rốn!
Nhưng cũng phải thầm công nhận anh bạn Joan(4) lần đầu đi rừng tỏ ra can đảm,
trong lúc nguy cấp biết nghĩ ra cách dùng quẹt ga đốt “rốn” trăn. Trăn bị đốt
đúng chỗ hiểm phải thả người, bỏ chạy, cứu được bạn. H’Uyên nghĩ thấy vui vui,
hai mi mắt từ từ tìm đến với nhau...
-Éc!
-H… ộc, h… ộc, h… ộc.
Tiếng bầy heo cắn nhau, chắc tranh giành nước uống dưới
vũng nước vang lên làm H’Uyên tỉnh giấc, ngồi bật dậy. Trời xung quanh tối đen
như mực. Đống lửa chỉ còn mấy hòn than đỏ. Ô, mình mơ. Chất thêm củi vào,
H’Uyên cúi xuống thổi cho than hồng lên, tạo thành ngọn lửa ăn các cành củi mới
bỏ vào. Một vầng sáng nhỏ hiện ra rồi lớn dần lên cùng với đám lửa. Hai người bạn
trai nằm hai bên đống lửa vẫn ngủ ngon lành. Y Nhớ từ nhỏ đã quen với rừng, chỉ
nhìn nước da ngăm ngăm đen, mái tóc quăn là biết người bản địa Tây Nguyên rồi. Còn
Vân, bạn học người Kinh duy nhất của lớp; mặt tròn, nước da trắng như trứng gà
luộc mới bóc vỏ; bố làm bác sĩ, mẹ dạy học, chỉ quen đi đường nhựa, lần đầu vào
rừng chắc là mệt lắm. Cũng may, mẹ Vân về miền Bắc nghỉ hè, bố đi tập huấn trên
thành phố mai mới về nên không ai biết Vân vắng nhà; nếu không thì… Nghĩ đến đây,
H’Uyên bất giác mỉm cười.
*
**
Bỗng có tiếng chim ăn đêm nghe thảm thiết trên ngọn
cây phía vũng nước vang lên. H’Uyên giật mình nghĩ đến câu chuyện người già kể trong
khan: Ngày xưa, có con cọp dữ chuyên đi bắt người ăn thịt; oan hồn người chết
hóa thành một loài chim bay theo con cọp. Cọp đi đến đâu, chim bay theo đến đó
kêu lên, thông báo cho muông thú biết để tránh. Chẳng lẽ hôm nay lại gặp nó ở
đây, trong khu rừng của Yang, báo hiệu cọp sắp xuất hiện chăng?
-H… ù… m.
-É… c.
Một tiếng gầm khủng khiếp của con cọp, sau đó là tiếng
kêu thảm thiết của con heo bị nạn; tiếng bầy heo chạy rầm rầm, xé tan màn đêm.
Y Nhớ và Vân choàng dậy, với lao, đinh ba đặt bên mình quay nhìn xuôi phía suối
tối đen trước mặt. Tiếng con heo kêu nhỏ dần rồi tắt hẳn; cuộc chiến có lẽ đã kết
thúc. Vân quay lại nhìn thấy H’Uyên ngồi như pho tượng bên bếp lửa, ngạc nhiên,
kêu lên;
-H’Uyên không nghe cọp gầm à?
-Con hổ kêu to thế mà H’Uyên không nghe sao?
Y Nhớ cũng không giấu được ngạc nhiên hỏi thêm. H’Uyên
với tay đẩy thanh củi vào giữa đống lửa, trả lời:
-Có chứ, nhưng loài thú cũng phải đi kiếm ăn mà sống
như chúng ta thôi, có gì phải bận tâm.
-Hở!
Vân kêu lên như không tin ở tai mình, chạy lại bên cạnh
cúi nhìn vào mắt H’Uyên như nhìn một vật gì đó kỳ lạ lắm.
-Vân thấy mặt H’Uyên bị làm sao mà nhìn lạ vậy? Ngồi
xuống đi!
-H’Uyên có bị sao không?
Y Nhớ cũng lo lắng hỏi, H’Uyên cười, trả lời:
-Hai ông con trai mà nhát như thỏ rừng, mới nghe tiếng
cọp gầm đã mất vía thì làm sao thành người lớn được. Sang năm học lớp chín rồi,
phải tập cho nó quen đi: việc ta ta làm, còn việc của lũ thú cứ để cho chúng tự
xử với nhau.
Y Nhớ vươn vai, làm vài động tác thể dục rồi nói:
-May quá, cái chân hết đau rồi. Cảm ơn Lớp trưởng đắp
lá, cảm ơn Lớp phó học tập nghĩ ra cách đốt rốn trăn; nhưng mà trăn làm gì có rốn
như người mà đốt nhỉ.
-Mình với H’Uyên nắm đuôi trăn kéo mãi mà nó không bỏ
bạn ra, còn bị nó quật cho ngã dúi dụi. Lúc ấy mình nhớ đến chuyện các bạn hay
nói: thú trong rừng con gì cũng sợ lửa, nên mình bảo H’Uyên bật quẹt đốt vào rốn
trăn, gần chỗ mình đang nắm đuôi trăn.
Thấy Vân đỏ mặt, trả lời; H’Uyên nói giúp:
-Mình cũng không nghĩ được cách nào để trăn bỏ bạn ra.
Trong lúc khó khăn nhất Vân lại nghĩ ra cách đốt trăn thì quá giỏi luôn. Mình mới
hơ một tí thôi nó đã phải gồng mình, quật ngã Vân rồi bỏ Y Nhớ ra để chạy.
Y Nhớ trán dô, khuôn mặt hơi dài, hướng đôi mắt sáng,
nhìn qua phía Vân nhận xét:
-Học giỏi, đi rừng khù khờ như em bé, nhưng gặp việc đột
xuất xử lý thông minh thật.
-Trai Thủy Nguyên đất Cảng bình thường vậy thôi.
Vân trả lời xen chút tự hào về truyền thống quê hương
làm hai bạn tròn mắt nhìn. H’Uyên nói:
-Sau này nhất định mình sẽ về thăm thành phố Hải
Phòng, quê Vân cho biết.
-Có dịp tớ cũng về.
Y Nhớ góp chuyện và nói thêm:
-Mình biết vì sao trăn định ăn mình rồi.
-Vì sao?
Vân ngạc nhiên kêu lên, Y Nhớ giải thích:
-Mùa khô suối hết nước, cả khu rừng rộng lớn chỉ còn một
vũng nhỏ phía dưới chỗ ta đang ngồi nên lũ thú tìm đến uống nước; loài thú ăn
thịt cũng kéo đến săn mồi.
-Y Nhớ nói đúng, mùa khô chỗ nào còn được ít nước thì
chỗ đó hết sức nguy hiểm, nhưng đó là với loài thú thôi, còn con người thì
không sao vì chúng ta có lửa.
Vân góp chuyện, cả ba cùng cười vui vẻ. Trời sáng dần,
H’Uyên cho tất cả số củi còn lại vào đống lửa, đốt hết rồi cùng nhau đi xuống
vũng nước phía dưới rửa mặt. Xa xa tiếng bầy vượn hú gọi bình minh vang lên rộn
rã; bầy chim công hình như cũng vừa thức giấc gọi nhau: tố hộ, tố hộ…
Chú thích tiếng Êđê:
1.
Khan: truyện cổ truyền miệng của người Êđê;
2.
Yang: thần linh;
3.
Lễ cúng bỏ mả: lễ cúng vĩnh biệt người quá cố và không bao
giờ nhắc đến nữa;
4.
Joan: người Kinh.
chuyện rất hay
Trả lờiXóa