Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

LỜI DẠY CỦA BÁC LÀ PHƯƠNG CHÂM SỐNG ghi chép của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 340 THÁNG 12 NĂM 2020

 


 

Ông Nguyễn Ước tuổi Kỷ Sửu, theo vị trí 12 con giáp thì con trâu đứng vị trí thứ hai, đại diện cho sức mạnh về cả thể chất và tinh thần. Người tuổi Sửu đa số sống tự lập, trưởng thành sớm, có tính cách mạnh mẽ kiên định, có nhiều ước mơ hoài bão. Ông là một cán bộ y tế tổ dân phố 3, mà cách gọi thân thiện thì vị trí đó là “Bà đỡ thôn bản”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với tấm lòng nhân ái ông sẵn sàng giúp đỡ chăm lo mọi người về sức khỏe. Người chỉ đau đáu nghĩ đến việc giúp người khác không những nhân dân phường Thống Nhất, cả thị xã Buôn Hồ mà tiếng thơm lan xa hơn, Năm 2016 ông Nguyễn Ước vinh dự nhận bằng khen của thủ tướng Chính phủ “Đã có thành tích Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quôc”, tấm bằng được lồng khung kính treo trân trọng dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tự hào nhưng không khoe khoang, chỉ từ tốn với tâm niệm ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau riêng; gộp những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của tôi”.

Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, còn nhỏ ông đã phải cùng gia đình xa quê hương Hưng Nguyên cùng đồng bào giáo dân Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào Đăk Lak và định cư sinh sống dưới chân đèo Hà Lan từ những ngày nơi đây còn rừng thiêng nước độc. Lúc ấy muốn đi học tiểu học phải xuống Quy Nhơn (Bình Định), lên trung học phải vào Sài Gòn. Với lòng ham học và quyết tâm có kiến thức để tự tin với đời, ông đã xa gia đình khăn gói vào Sài Gòn đi tìm con chữ; thế nhưng thời thế đã cản bước chân của chàng thanh niên với những ước mơ cháy bỏng; giữa lúc quân lính quốc gia vào trường học bắt họa sinh đi quân dịch, không đợi đến lượt mình ông đã tính toán nhanh trong đầu xung phong đi học trường sĩ quan quân y, có hai lợi ích cho bản than, thứ nhất không phải cầm sung ra trận bắn lại đồng bào mình, thứ hai học được nghề cứu người sẽ giúp ích cho đời. Ra trường ông phục vụ trong lực lượng không quân quốc gia và trở thành thành viên Hội Hồng Thập tự quốc tế (tiền thân của Hội Chữ thập đỏ).

Đất nước thống nhất, sau khi đi học tập cải tạo trở về lại có thời gian phục vụ trong quân đội ông đã nhận tức đúng sai về cuộc chiến tranh, và đất nước là bị thiệt hại nhất, nhân dân là những người chịu tiệt thòi mất mát hơn cả; từ đó ông hăng say đóng góp sức mình xây dựng quê hương được nhân dân bầu ông làm đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã toàn xã Thống Nhất. Có sẵn chuyên môn ngành y, ông kiêm luôn y tế thôn, sau này thành lập thị xã Buôn Hồ, xã Thống Nhất thành phường, thôn thành tổ dân phố vậy là ông làm y tế tổ dân phố Ba cho đến nay, có điều kiện tiếp xúc với người dân ông nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, và điều làm ông day dứt là những người có hoàn cảnh khó khăn lại thường gặp phải bệnh hiểm nghèo, những căn bệnh mà khoa học thế giới còn bó tay thì y tá thôn như ông làm gì nổi. Ông Ước đánh vận dụng thế mạnh sự đoàn kết tương than tương ái của chức năng Hội Chữ thập đỏ. Thương hoàn cảnh của những người nghèo khó gặp bệnh trọng, ông đã trao đổi tâm ý của một người có trái tim “làm việc thiện” với nhà xe Thảo Lan, và may mắn được sự đồng cảm của nhà xe có tuyến xe khách chạy Buôn Hồ - TP Hồ Chí Minh, từ đó những bệnh nhân có căn bệnh hiểm nghèo được Nhà xe Thảo Lan chở miễn phí vào các bệnh viện thành phố. Chữa bệnh cần có tiền, bệnh trọng như ung thư, gan, thận càng cần nhiều tiền hơn, những gia đình khó khăn thì lấy đâu ra tiền để chi phí, ông Ước lại đi vận động các gia đình có điều kiện trong phường, các doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp ủng hộ. Những bệnh nhân quá nặng được bệnh viện trả về gia đình thì lúc này ông Ước mới có thể vận dụng chuyên môn và trách nhiệm của lương tâm, ông thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc và cấp phát thuốc, chích thuốc miễn phí do ông tự lo. Mỗi ngày không đến thăm người bệnh được là người ông bần thần nôn nao; thăm cho thuốc rồi, theo dõi bệnh tình trở về ông lại trăn trở tìm cách giúp. Cứ thế thành lệ, hễ trong địa bàn có người đau yếu là ông lại có mặt; dân tình cũng thành quen, gia đình nào có người đau thì điện thọai cho ông. Bà Nguyễn Thị Cần, người bạn đời kém ông bốn tuổi, nay cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, người chia sẻ đồng hành từng bước đi của ông, người sát cánh đồng cảm trong suy nghĩ việc làm cùng ông, từng quen với việc ông thức khuya dậy sớm, bất kể nửa đêm, mùa mưa gió hay mùa khô giá lạnh, hễ nghe có điện thoại ai đó cần đến ông là ông bà cùng bật dậy; ông chuẩn bị xe, túi thuốc, bà lấy cái áo ấm khoác cho ông, lấy lọ dầu xoa chống cảm để ông rong ruổi đi giúp người. Cảm được tấm lòng của ông mà ông Trời đã cho ông sức khỏe, bảy mươi mốt tuổi đời, hơn năm mươi năm làm nghề cứu giúp người, trong đó có gần bốn mươi năm hoạt động công tác xã hội, ông chưa hề từ bỏ một trường hợp nào cần đến sự giúp đõ của ông; Ông Ước thuộc nằm lòng những mảnh đời, phận người khó khăn, bệnh tật trên địa bàn phường mà thường xuyên đến với họ. Những gì ngoài khả năng kinh tế thì ông lại vận dụng công tác dân vận. Anh Nguyễn Văn Trung thuộc tổ dân phố Tân Hà, là đối tượng gia đình nghèo, đi khám biết bị đau thận nhưng không có tiền để đi bệnh viện chữa, bệnh ngày một nặng lên, đến khi đau quá anh phải cầu cứu tới ông Ước, không nề hà, ông Ước liền bố trí nhờ xe khách Thảo Lan chở đi bệnh viện Chợ Rẫy, để yên tâm ông Ước đi cùng bệnh nhân, bà Cần vợ ông Ước chỉ lo được cho chồng số tiền ít ỏi để thuê xe ôm từ bến xe vào Bệnh viện và tiền ăn uống chực chờ, ông Ước sốt sắng gặp giám đốc bệnh viện trình bày hoàn cảnh và bệnh tình của bệnh nhân. Được giám đốc bệnh viện chia sẻ đã chấp nhận mổ miễn phí cho anh Trung cắt đi một bên thận bị hỏng. Ông Ước mừng như chính người thân của mình đã qua được căn bệnh hiểm nghèo đeo đẳng bấy lâu; những ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy được bệnh viện miễn phí điều trị và ăn ở. Xuất viện về nhà, ông Ước lại hằng ngày bố trí đến nhà anh Trung theo dõi diễn biến bệnh tật, có những lúc đau lại vết mổ ông Ước trực lại đêm để chăm sóc bệnh nhân. Để giúp gia đình anh Trung vượt qua khó khăn lúc người trụ cột ốm đau, ông Ước đã nhờ Cha xứ vận động giáo dân ủng hộ giúp gia đình anh Trung vượt qua những ngày thiếu thốn để điều trị khỏi bệnh.

Đang tiếp khách thì ông Ước nhận được cú điện thoại vẻ lo lắng, ông vội vã mong khách thông cảm vì ở xã Ea Siên có người bệnh cần ông. Thì ra không riêng tổ dân phố Hợp Thành 3 hay phường Thống Nhất mà bất kỳ xã nào, phường nào ai đó cần đến ông là ông lại tất tả ngồi lên chiếc xe máy cũ kỹ chạy đến ngay. Được biết, một lần đến xã Ea Siên vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải dùng nguồn nước suối sinh hoạt, ông Ước đã về vận động lòng hướng thiện của các doanh nghiệp được nguồn kinh phí 70 triệu đồng cho đồng bào Ea Siên có nguồn nước sạch để dùng. Ở đâu thấy người dân còn nghèo khó sống trong thiếu thốn là ông lại động lòng trắc ẩn muốn giúp đỡ, bản thân ông gia đình cũng không khá giả gì, mỗi lần có bạn bè nước ngoài về mời ông đi nhậu, ông đều tranh thủ lòng từ thiện, trong buổi nhậu hôm nay dùng 2 thùng bia thì chỉ dùng một thùng thôi, còn lại để giúp người nghèo, tất cả những người được ông thuyết phục đều nhất trí, và họ gửi ông tiền nhờ đưa giúp người nghèo nhưng ông đã dẫn họ cùng đi đến trao số tiền giúp đỡ tận tay người cần giúp. Từ nguồn kinh phí như vậy ông đã giúp được nhiều gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống, trong đó có gia đình anh Nguyễn Đình Sơn, tổ dân phố Tân Hà 3 bị tàn tật, gia đình nghèo đói phải sống trong căn nhà tạm bợ có được 70 triệu để làm lại ngôi nhà ở. Trong mỗi câu chuyện về mỗi hoàn cảnh ông luôn nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. “Làm một cán bộ phải có lòng yêu thương nhân dân tha thiết, làm được điều gì có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ thì làm…”. Ông vận động bạn bè là bác sĩ ở quận 9 thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi hằng năm về phường Thống Nhất tổ chức khám phát thuốc miễn phí cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng nghèo. Không những vậy, ông còn vận động con em phường Thống Nhất đang học tập, lao động các nơi quan tâm đến người nghèo, hằng năm vào dịp đón năm mới ông tập hợp những người nghèo đến để các cháu phát quà.

Suốt 38 năm hoạt động xã hội, kinh qua nhiều trách nhiệm, là y tế thôn buôn, thành viên Hội Chữ thập đỏ luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo, phụ trách dân số vận động giáo dân sinh đẻ kế hoạch, ban công tác Mặt trận tuyên truyền giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, làm chủ tịch Hội Người cao tuổi phường xứng đáng gương ông bà cha mẹ mẫu mực để con cháu noi theo; có điều cơ chế thù lao dành cho cấp tổ dân phố hoặc phường chưa xứng đáng với công lao ông bỏ ra, đến nay đã 71 tuổi, ông vẫn như con ong cần mẫn chăm lo cho người nghèo mà không nghĩ đến mình, không đòi hỏi gì cho riêng mình. Ông thực sự xứng đáng là một cán bộ vì dân đúng như lời Bác Hồ căn dặn. Luôn đem lòng nhân hậu chia sẻ làm việc thiện. Hai ông bà có 4 người con đều học đại học và xây dựng gia đình sinh sống làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, các con cháu không gần gũi chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già, nhưng tất cả đều đồng cảm giúp đỡ ông vận động các hoạt động từ thiện hướng về quê hương. Ông Nguyễn Ước thực sự là nhân tố để mọi người có thể liên hệ đến việc suốt đời là tấm hương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng cuộc sống, góp phần vào xây dựng quê hương trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

 


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI