Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật các
dân tộc thiểu số Việt Nam (18/11/1991-18/11/2021), ngồi ngẫm lại, tôi thấy mình
là người hạnh phúc và may mắn khi được làm hội viên của Hội cách đây vừa tròn
mười năm. Ngày 7/9/2011, tôi được mời dự Hội nghị Chi hội Trưởng năm 2011 tổ chức
tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sỹ
Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội, nhà văn Cao Duy Sơn – Phó chủ tịch Hội cùng các
anh chị trong cơ quan hội và rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ cả nước, những
người tôi từng nghe tên, đọc tác phẩm mà chưa một lần gặp mặt. Và vui mừng hơn,
tại hội nghị này tôi được Nhạc sỹ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội trao quyết định
kết nạp, chính thức là hội viên Hội Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội
VHNT các DTTS Việt Nam).
Từ khi còn đang dạy
học ở một huyện vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, tôi đã nghe nói về Hội VHNT các DTTS
Việt Nam, được đọc một số sáng tác của các bác, các anh, các chị đi trước với sự
đam mê và ngưỡng mộ. Năm 2006 chuyển về công tác tại Hội Văn Nghệ Đắk Lắk, được
Nhà văn, Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam – Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam,
Chủ tịch Hội Văn Nghệ Đắk Lắk hướng dẫn khám phá, truyền cho đam mê về vùng văn
hóa Tây Nguyên; thế là tôi “nghiện” luôn và tập trung toàn bộ sáng tác của mình
về vùng đất xinh đẹp này như một cái “duyên” trời định. Tính đến hết năm 2010
tôi đã có ba tập truyện ngắn và một truyện dài được các nhà xuất bản Kim Đồng,
nhà xuất bản Văn hóa các dân tộc và Hội Văn Nghệ Đắk Lắk xuất bản viết riêng về
người Êđê, trên vùng đất Tây Nguyên; đó là toàn bộ hành trang xin gia nhập Hội.
Kết thúc hội nghị tai thành phố Vinh,
hôm sau xe của Hội đưa về thành phố Hà Nội, tôi được đặt chân đến trụ sở của Hội.
Thật xúc động, khi từ núi rừng vùng Tây Nguyên xa xôi, vượt qua hơn một ngàn km
để đến được thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên tới trụ sở của Hội, ngôi nhà chung của
văn nghệ sỹ các dân dân tộc thiểu số Việt Nam do nhà thơ Nông Quốc Chấn sáng lập
và lãnh đạo.
Ngồi tại văn phòng Hội, tôi xúc động và
hết sức khâm phục nhà thơ Nông Quốc Chấn và các vị tiền bối đã có ý tưởng xây dựng
đề án để Đảng và Chính phủ quyết định thành lập hội riêng cho anh chị em văn
nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số và những người dân tộc Kinh tham gia sáng tác
về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi được gia nhập; tập hợp đội ngũ về dưới một
mái nhà chung: Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Trụ sở của Hội thực sự là ngôi nhà đầm
ấm của hội viên. Sau này mỗi khi có dịp về thủ đô, ghé thăm cơ quan Hội, để đàm
đạo về văn học nghệ thuật thật không có hạnh nào hơn.
Các anh chị hội viên hoặc không phải hội
viên, công tác tại cơ quan Hội luôn luôn niềm nở chào đón hội viên từ mọi miền
Tổ quốc có dịp ghé thăm. Chính tình cảm nồng ấm đó thắt chặt thêm tình cảm giữa
hội viên với cơ quan Hội, tiếp thêm sức mạnh để anh chị em say mê sáng tạo.
Truyền thống tốt đẹp ấy tôi biết đã được xây dựng, giữ gìn và phát triển suốt
30 năm qua và chúng ta hy vọng tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo,
để anh chị em hội viên tiếp tục gắn bó chặt chẽ với Hội, có thêm động lực để
sáng tạo văn học nghệ thuật.
Được
gia nhập Hội, thời gian chưa nhiều so với lịch sử của Hội, nhưng trong mười năm
qua tôi đã có may mắn được tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng
tác, hội nghị, hội thảo… Thông qua các hoạt động ấy tôi được giao lưu với các
anh chị hội viên khác để học hỏi, nâng cao tay nghề, thêm động lực sáng tác.
Trong thời gian qua Hội ta đã làm rất tốt việc này, có lẽ vì thế năm nào cũng
có những tác phẩm hay được giới thiệu với công chúng và tặng thưởng. Đây là
thành tích hết sức đáng tự hào của Hội ta trong 30 năm vừa qua. Nhằm phát huy kết
quả đã đạt được, tôi xin phép được nêu ý kiến cá nhân về công tác tổ chức hoạt
động Hội trong thời gian tới như sau:
Từ cuối năm trước lãnh đạo Hội xây dựng kế hoạch sẽ tổ chức các hoạt động của năm sau để anh chị em hội viên cả nước biết và giao chỉ tiêu về các chi hội địa phương cử người tham gia. Chi hội địa phương phải thông báo cho các anh chị em hội viên trong chi hội của mình biết, sắp xếp được thời gian, tình nguyện đăng ký tham gia, nhưng phải đảm bảo tiêu chí, điều kiện cụ thể:
1.Dự trại sáng tác tổ chức tại các Nhà sáng tác do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quản lý: hội viên phải có đề cương, bản thảo đến Trại để hoàn thành. Tránh tình trạng có hội viên đến trại, hết 15 ngày nộp cho Nhà sáng tác một truyện ngắn hoặc vài bài thơ. Với chính sách ưu ái văn nghệ sỹ của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ về Nhà sáng tác làm việc, dứt khỏi công việc hàng ngày tập trung cao độ hoàn thiện công trình, tác phẩm vì thế Văn phòng phải tham mư cho lãnh đạo Hội chọn lựa hội viên có như cầu cấp thiết hoàn thiện đề cương chi tiết hoặc sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm để công bố mới mời về dự.
2.Tổ chức đi thực tế sáng tác tại các địa phương: Đây là hoạt động thực tế tại các điểm trên địa phương đã định. Công việc chính là “đi”, thu thập tư liệu để làm “vốn” cho các tác phẩm sẽ sáng tác sau này (trừ hội viên Nhiếp ảnh); các chi hội địa phương cần lưu ý đến sức khỏe hội viên khi cử đi tham gia. Nếu hội viên sức khỏe không đảm bảo sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cả đoàn.
3. Hội thảo: để nâng cao chất lượng hội thảo, hội nghị chuyên đề, theo tôi Thường trực Hội phải thông báo kế hoạch tổ chức sớm để anh chị em hội viên biết, viết bài tham gia. Văn phòng tham mưu cho lãnh đạo Hội chọn những tham luận hay, có chất lượng của các hội viên, đại diện cho các vùng, miền để mời tham dự. Có như vậy các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề mới có sức lan tỏa, gặt hái được thành công như dự định.
4.Giải thưởng: Hàng năm Hội đồng nghệ thuật của Hội ta rất công tâm, sáng suốt, lựa chọn được những tác phẩm, công trình có chất lượng cao để trao giả thưởng, được anh em hội viên hết sức hoan nghênh - Có lẽ đây là nét đặc biệt so với các hội chuyên ngành khác khi trao giải thưởng hàng năm. Tuy nhiên để phát huy hết tác dụng của các tác phẩm, công trình đoạt giải, Thường trực Hội nên bố trí kinh phí cho in và lưu giữ các công trình, tác phẩm đã đoạt giải hàng năm của Hội.
5.Công tác hội viên: Trong nhiệm kỳ vừa qua nói riêng và cả quá trình 30 năm thành lập Hội, công tác hội viên của Hội ta làm khá tốt, ai được gia nhập hội cũng cảm thấy vinh dự và tự hào, cố gắng hết sức mình xây dựng khối đoàn kết trong hội. Có lẽ vì thế Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua, thường trực Hội đã thực hiện “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”, giúp hội viên được công bố các tác phẩm của mình. Đây có thể nói là một thành công rất lớn của các anh chị lãnh đạo Hội khóa 2015 – 2020, đáp ứng được mong mỏi của anh chị em hội viên. Trong thời gian tới, công tác hội viên của Hội ta cần lưu ý thêm một vấn đề nhạy cảm nữa, đó là: “Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên”. Làm công tác văn nghệ, rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp khi tác phẩm bị suy diễn, áp đặt theo góc nhìn không thân thiện. Khi ấy, rất cần đến vai trò của Hội lên tiếng bảo về quyền lợi chính đáng của hội viên. Vấn đề này trong thời gian qua theo tôi biết Hội ta chưa có trường hợp nào; nhưng thời gian tới có thể nảy sinh, lúc ấy anh em hội viên rất cần tiếng nói của Hội.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội
VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam (18/11/1991-18/11/2021), tôi xin có đôi dòng
tâm sự, kỷ niệm về Hội của chúng ta và mạo muội góp ý về công tác hội, đó là tiếng
nói từ đáy lòng của người hội viên vùng Tây Nguyên gửi về Hội, có gì chưa sâu
sát, mong được các anh chị hội viên lượng thứ.
bài viết rất hay
Trả lờiXóa