Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

HỔ RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ 7 ngày 6 tháng 1 năm 2022

 


Đại úy Như đứng lặng bên cạnh sa bàn, trán nhăn lại, đôi mắt thâm quầng, trông có vẻ già hơn cái tuổi bốn lăm. Một người còn trẻ, mặc quân phục màu xanh lá cây, bước vào nhà, giật hai chân vào nhau, lên tiếng:

          -Báo cáo thủ trưởng, Trung úy Trần Hải Nam – C Trưởng C2 có mặt.

          -Đồng chí báo cáo đi.

          -Rõ!

          Trung Úy Trần Hải Nam, cầm cây thước chỉ vào sa bàn, báo cáo:

          -Báo cáo thủ trưởng, khu vực trại chăn nuôi B3 nằm ở đây, gần với chân dãy núi Cha nhất. Đây là con đường mòn lên núi, đêm hôm qua cũng có dấu vết nó từ trên núi đi xuống theo con đường này. Từ chân núi đến trại dài gần ba ki lô mét, hai bên đường là đồi cỏ gianh, thỉnh thoảng mới có cây lồng bàng mọc.

          -Đồng chí có kế hoạch gì chưa?

          -Đề nghị thủ trưởng cho anh em được tổ chức mai phục, tiêu diệt.

          -Không được!

          -Vì sao ạ?

          -Đất nước chúng ta vừa trải qua ba cuộc chiến tranh ác liệt, hết đánh Pháp, đuổi Mĩ lại phải gồng mình chống bọn lấn chiếm biên giới; nền kinh tế kiệt quệ lại bị các thế lực phản động quốc tế bao vây, cấm vận… vì thế chúng ta mới được giao nhiệm vụ đóng quân trên khu vực này. Ngoài việc truy quét, trấn áp bọn phản động, công việc chính của chúng ta là làm kinh tế; nhưng không thể đánh đổi tất cả mà phải kết hợp giữa chăn nuôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái nơi đây.

          D Trưởng dừng lại, không nói tiếp nữa, mắt nhìn sa bàn, trán hình như tăng thêm những nếp nhăn. Ông biết Tây Nguyên có những cánh rừng già nguyên sinh nuôi dưỡng nhiều loại động vật quý hiếm sinh sống, là tài sản vô giá được thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh rừng già, nhiều vùng đồi cỏ gianh nối tiếp nhau trãi dài, mùa mưa một màu xanh non trông mát mắt; nhưng đến mùa khô, chúng chuyển dần qua màu vàng rồi thành màu trắng bạc; chỉ cần một tàn lửa nhỏ sẽ gây nên biển lửa, cháy cả tuần không tắt.

Đơn vị được giao: tận dụng đồi cỏ gianh để chăn nuôi bò, lấy thịt cung cấp cho Sư đoàn. Công việc có vẻ nhẹ nhàng nhưng rồi, bất ngờ có những khó khăn, trở ngại đang đòi hỏi phải có kế hoạch khắc phục để phát triển lâu dài. Một trong những khó khăn ấy là chó sói, rồi… chúa sơn lâm “hỏi thăm” liên tục. Hơn một tháng C2 đã mất ba con bò. Làm cách nào để không mất bò mà không phải bắn hổ, chó sói? Đại Úy Như nói:

-Phải tìm cách bảo vệ đàn bò, nhưng không được bắn thú dữ?

-Báo cáo thủ trưởng, con hổ này quen ăn thịt bò nhà rồi, phải bắn thôi ạ.

Trung úy Trần Hải Nam trả lời một cách dứt khoát. Hải Nam xót xa với khối tài sản lớn bị hổ cướp mất, nên trong đầu chỉ nung nấu ý nghĩ phải tiêu diệt để bảo vệ đàn bò, tài sản của đơn vị mà anh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu được đồng ý, tối cử một đồng chí nằm phục trên mái chuồng bò; khi nào thấy bò thức dậy, tìm cách phá chuồng thoát ra ngoài thì bật đèn đội đầu soi xuống sân tìm mục tiêu, bóp cò… một viên CKC là mọi việc kết thúc. Lạ là D Trưởng cương quyết không cho nổ súng, bắt tìm cách sống chung với thú dữ. Khó thật.

***

Mười tám tuổi rời ghế nhà trường phổ thông, lên đường vào Nam chiến đấu. Rừng Trường Sơn mùa mưa nhiều con suối hiền hòa bỗng nhiên phút chốc thành sông dữ, nước trên núi cao ập về, cuốn trôi mọi thứ. Chiều hôm ấy như một định mệnh, đơn vị đội mưa vượt sông, không may Như tuột tay bị nước cuốn trôi. Khi tỉnh lại thấy một bên mặt âm ấm. Cố cựa quậy nhưng tay chân và cả người không còn chịu nghe đầu điều khiển. Qua ánh trăng suông, Như lờ mờ nhận ra một bầy sói to lớn, con nằm, con ngồi xung quanh. Một con thọc mũi vào mặt, ngửi xem con mồi của chúng đã chết chưa thì phải. Nước sông theo gió, thỉnh thoảng lại leo qua chân tràn lên đầu. Thế là mọi sự kết thúc tại đây, nơi bờ sông hoang vắng này; bao ước mơ, hoài bảo của tuổi trẻ còn giang dở, vậy mà… Cố lật mình, nằm ngửa lên nhưng không được, hình như mình đã chết – Nhu tự nhủ. Bầy sói vẫn kiên nhẫn nằm đợi.

-H… ùm!

Một tiếng gầm khủng khiếp vang lên, lũ sói hoảng hốt kêu lên: oẳng, oẳng, oẳng… bỏ chạy. Con hổ bước chầm chậm đến bên, cúi xuống ngọm vào cổ Như lôi đi; mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi. Thế là mình không bị lũ chó sói ăn thịt mà chính chúa sơn lâm dùng làm bữa tối; thôi thế cũng đỡ tuổi thân một kiếp người – Như thầm nghĩ.

Con hổ lôi Như lên trên một tảng đá lớn rồi ngồi nhìn; hình như nó cũng biết con người nằm như cái xác kia chưa chết nên ngồi đợi cho chết hẳn mới ăn, hay còn điều gì khác nữa, chắc chỉ có nó biết. Lúc này, đầu óc Như tỉnh táo vô cùng, sẵn sàng cam chịu, tay chân rụng đâu mất cả. Bầy chó sói hình như không bỏ cuộc, chúng vây quanh hòn đá bắt đầu cất tiếng sủa; lúc đầu rời rạc từng tiếng, sau thành một giàn đồng ca lớn, có lúc nghe như đến rất gần hòn đá. Con hổ hình như đợi lũ chó sói lại gần mới gầm lên một tiếng lớn; lũ sói giật mình chạy ra xa, im tiếng một lúc rồi lại tiếp tục sủa, tiến lại…

***

Như thiếp đi không biết bao lâu, bỗng cảm nhận được hình như có hơi ấm chạm vào miệng rồi trôi xuống cổ. Tại sao thế nhỉ, chẳng lẽ hổ ăn thịt mà mình lại có cảm giác dễ chịu thế này ư? Hay mình đã qua một kiếp khác rồi? Đây là đâu? Bỗng tiếng ai đó reo lên:

-Cậu ấy tỉnh lại rồi.

-Thằng cha này thoát chết một cách kỳ lạ, chắc sẽ thọ lắm đây!

Sau này Như được nghe kể lại: anh em trong binh trạm tổ chức đi xuôi dòng sông tìm kiếm xác, vì ai cũng nghĩ rơi xuống sông mùa lũ thì không thể sống được. Tìm mãi vẫn không thấy, đêm xuống nghe chó sói sủa, hổ gầm như tranh nhau thức ăn; mọi người đoán ngay ra nguyên nhân và vội vã tìm đến. Con hổ gặp người nên bỏ đi. Anh em chạy lại thấy thi thể nguyên vẹn, sờ thấy ấm và hình như còn thở nên sơ cứu rồi đưa về trạm xá cấp cứu. Trong nhóm đi tìm, người thì bảo do hổ và chó sói tranh nhau nên chúng chưa kịp ăn thịt. Có người bảo, cậu là người cao số nên hổ và chó sói đến bảo vệ, gọi người đến cứu… Mỗi người một ý kiến, nhưng sống được là quý rồi.

Sau khi xuất viện, đơn vị cũ đã đi xa nên Như được chuyển qua đơn vị mới làm hậu cần – chuyên trồng khoai mì để tích trữ lương thực. Như cùng anh em trong tổ, cuốc cỏ gianh trồng khoai mì. Rừng bị rãi thuốc độc, cây cối chết hết, nhưng cỏ gianh lại mọc rất tốt. Mùa mưa, cuốc cỏ tranh trồng khoai mì, cây phát triển nhanh, củ to. Khổ nhất của anh em trong tổ lúc bấy giờ là canh giữ không cho heo rừng phá. Heo trên dãy Trường Sơn nhiều lắm, có bầy hàng trăm con; con trung bình cũng nặng cả tạ. Nhưng có điều lạ, từ khi Như tham gia trồng và giữ rẫy thì heo rừng không tới phá như trước nên năng suất tăng rõ rệt.

Thời gian trôi qua, được cấp trên tín nhiệm, Như trở thành chỉ huy đơn vị hậu cần xuất sắc, trực thuộc Quân khu. Năm 1976, Bộ Quốc phòng thành lập Sư Ba làm kinh tế, Đại úy Như được điều về làm D Trưởng, trực thuộc Sư đoàn bộ, chuyên chăn nuôi bò.

Trong khu vực được giao quản lý, Đại úy Như cùng bộ phận tham mưu lội rừng, khảo sát, lập kế hoạch ngăn các đoạn suối làm đập chứa nước cho bò uống kết hợp thả cá, trồng rau cải thiện. Đơn vị nào có điều kiện thuận tiện, ngăn suối trên núi cao, bắc ống dẫn nước về tận doanh trại phục vụ sinh hoạt như nước máy thành phố. Nhờ thế đời sống vật chất anh em trong đơn vị được cải thiện, anh em an tâm công tác. Không ngờ nay lại bị thú dữ đến quấy phá.

***

Chiều, Đại Úy Như xuống C2 khảo sát địa hình, thống nhất kế hoạch bắt hổ. Nhiệm vụ đặt ra là phải bắt sống để thuần phục bằng được con hổ. Sáng hôm sau, dưới sự chỉ huy trực tiếp của D Trưởng, dàn bẫy treo được bố trí ngay cửa rừng già, trên đường con hổ thường đi qua.

Đêm đến, khoảng hơn hai mốt giờ, bất ngờ nghe tiếng hổ gầm thét giữ dội nơi đặt bẫy. Tiếng gào thét kéo dài đến tận sáng hôm sau, khi mặt trời lên hổ mới ngừng. Theo kế hoạch đã định, một tổ lên thăm thấy hổ dính bẫy, đốt hai đống lửa lớn hai đầu đường để đề phòng có người đi lạc vào chổ hổ. Mùa khô, hổ dính bẫy bị bỏ đói ba ngày, gầy xọp.

Chiều ngày thứ tư, Đại úy Như xách xô nước tới gần, đặt trước mặt hổ. Mọi người đi theo, tròn mắt khi thấy con hổ nằm im, mở to mắt nhìn ân nhân rồi bò lại uống nước. Mọi ngày, chỉ nhìn thấy người đến gần, con hổ đã nhảy dựng lên, mắt đỏ lừ, nhe răng ra chồm chồm ba cái chân chưa dính bẫy, định tấn công người; còn hôm nay lại hiền như con chó con. Chờ hổ uống nước xong, Đại úy Như ném cho nó một con cá chuối lớn rồi về. Chiều hôm sau Đại úy lại lên cho hổ uống nước và cho nó hai con cá chuối to nữa để ăn. Cứ như vậy, đến ngày thứ chín, con hổ đang đứng, thấy ông đi đến nó vội nằm xuống như con cún, đầu gác lên hai chân trước. Đại úy Như bước đến bên cạnh sờ vào đầu nó, nói to: Mày vào rừng mà kiếm ăn, không được xuống bắt heo, bò của người nuôi nữa nghe chưa?

Hình như con hổ hiểu tiếng người, hai bên mắt nước ứa ra, nhìn không chớp. Ông, tháo sợi dây cáp thắt nơi chân sau hổ ra, vỗ vỗ vào lưng nó, miệng nói: đi đi! Con hổ từ từ đứng lên, nhìn xung quanh một lúc rồi mới chậm rãi theo đường mòn leo lên núi.

Đêm hôm đó, Đại úy Như ngủ lại với anh em đơn vị C2. Gần sáng thấy bầy chó đơn vị chui hết vào nhà, miệng rên ư ử; một lát sau nghe tiếng động rất lớn như có người té ngay cửa phòng, Đại úy cầm đè pin, mở cửa bước ra và… không tin ở mắt mình: con hổ được thả lúc chiều ngồi chồm hổm nhìn ông, trước mặt nó một con heo rừng chắc phải nặng cả tạ. Nhìn ông một lúc, hổ từ từ đứng lên, đi theo con đường mòn lên núi.

Cũng từ đấy, lũ chó sói trước đây hay rình bắt bê cũng đi biệt tích, không bén mãng đến nữa. Hơn chục trại chăn bò của đơn vị xung quanh chân núi Cha cũng không bao giờ bị hổ đến quấy rầy. Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều tà, trở trời, người ta vẫn nghe tiếng hổ gầm trên núi cao vọng xuống.

 

Hòa Khánh, tháng 11 năm 2021

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/ho-rung-tap-chi-07/

1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI