Sáng chủ nhật, trong buôn của H’Uyên có
nhà tổ chức lễ bỏ mã(1), trong lễ bỏ mã có lễ đâm trâu được nhiều người ưa
thích, vì thế tất cả người già trẻ, trai gái, lớn bé kéo nhau ra nghĩa địa dự lễ
đâm trâu. H’Uyên và Y Nhớ không thích cảnh đâm trâu nên rủ Vân, người bạn học
cùng lớp vào rừng Yang(2) chơi. Hai bạn người bản địa rủ Vân, vì Vân là học
sinh người Kinh duy nhất trong lớp; mặt tròn, má bánh đúc nước da trắng hồng trông
như con gái, khác hẳn các bạn trong lớp có nước da màu chiêng mới đúc. Bố Vân
làm bác sỹ, mẹ làm giáo viên mới được biệt phái vào thị trấn công tác đầu năm học.
Theo truyền thuyết, phía thượng nguồn
dòng sông trước buôn có một cánh rừng được gọi là rừng Yang, rừng ấy không ai
dám vào, vì vào rồi không bao giờ trở về được nữa. Trí tò mò của tuổi trẻ nổi
lên, thế là cả ba quyết định lấy thuyền ngược sông vào rừng Yang khám phá.
H’Uyên lớp trưởng, mặt trái xoan, tóc đen quăn tự nhiên như được uốn, dài quá
lưng; thông minh nhưng nghịch như quỷ, chuyên bày trò trêu ghẹo bạn bè trong lớp.
Y Nhớ cùng tuổi, mặt chữ điền, tính hiền từ, hay giúp đỡ bạn bè công việc nặng
như: khiêng, vác hay cuốc, cào… tay chân
săn chắc lắm, ra giáng đàn ông.
Sau nửa buổi chèo thuyền, cả ba cột thuyền
vào gốc cây đa ven sông rồi lên rừng. Khu rừng già rất đẹp, cây trong rừng mọc cách
đều nhau như được trồng, gốc to đến ba người lớn ôm không hết. Trên cây hoa
phong lan đủ các màu đua nhau khoe sắc làm cả ba đi mãi không thấy mệt. Trời
ngã qua chiều, cả ba đi xuôi theo dòng suối cạn tìm đường ra sông, trở về.
Nhảy qua mấy hòn đá lớn chặn ngang giữa
dòng suối, Y Nhớ dừng lại, vui vẻ thông báo:
-Chiều nay có đặc sản ăn rồi.
-Thấy gì thế?
Vân đi phía sau nghe nói vậy dừng lại hỏi,
H’Uyên cũng tò mò, lên tiếng:
-Gặp suối có nước à?
-Ừ, có vũng nước dưới kia, chiều nay có
món cá lóc đá nướng rồi.
Y Nhớ trả lời H’Uyên, Vân nhăn mặt tỏ vẻ
không tin, nói:
-Suối khô như bị nung thế này đào đâu ra
nước mà bảo có cá, Y Nhớ lại đùa?
-Thật mà, lại đây nhìn xem có gì ở dưới
kia nào?
Vân bước đến ngang chỗ Y Nhớ đứng, nhìn
xuống phía dưới, bất chợt reo lên:
-Có nước thật rồi H’Uyên ơi!
-Vậy à?
H’Uyên bước lại, leo lên hòn đá đứng
ngang với hai bạn, nhìn xuôi dòng suối. Mấy tảng đá lớn nơi ba người đang đứng,
tạo thành bậc cao hơn phía dưới đến ba sải tay. Chắc mùa mưa, nước tràn về nhiều,
bị đá ngăn dòng, nước dâng cao trước khi lao qua đá xuống phía dưới, xoáy sâu
vào đất, tạo nên một cái vụng lớn. Xung quanh vũng nước còn sót lại rộng chừng hai
bước, dài độ bốn bước chân; có nhiều những hòn đa to như cái nồi, cái chiêng xếp
xung quanh. Nước trong vũng đen ngòm, chắc do lá cây rụng xuống lâu ngày tạo
nên.
-Có chút nước thế kia thì làm gì có cá?
Vân nhìn vũng nước con con, tỏ vẻ không
tin. Y Nhớ lại cười, một nụ cười trông thật dễ mến, trả lời:
-Ơ, Vân không biết thật hả; suối Tây
Nguyên mùa khô chỗ nào có nước, chỗ đó có cá mà. Không tin thì xuống khắc biết.
-Lại nói đùa rồi, đứng trên này cách xa
cả chục mét mà khẳng định dưới vũng nước bé tý tẹo dưới kia có cá mà lại là cá
lóc đá thì giỏi quá. Mắt Y Nhớ tinh thế cơ á, hay tối qua Yang nói vậy?
-Kinh nghiệm đi rừng thôi Vân.
H’Uyên góp lời, Vân không chịu:
-H’Uyên lại bênh Y Nhớ rồi, thế cá lóc
đá nó như thế nào mà cả hai người đứng trên này nhìn thấy chúng nằm dưới vũng
nước đen ngòm kia?
H’Uyên giải thích:
-Con cá lóc đá nó giống y con cá lóc, miền
Bắc còn gọi là cá quả hay cá chuối; con lớn nhất chỉ to hơn ngón tay cái một
chút thôi, toàn thân màu đen giống như lá ngâm dưới nước lâu ngày. Khi mùa khô
đến chúng tập hợp lại thành bầy sống gần những vũng nước còn sót lại, chống chọi
với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại. Các loài cá khác phần bị các loài thú
ăn thịt, một phần nước đặc quá, thở không nổi nên chết. Trên Tây Nguyên chỉ có
cá lóc đá mới sống được ở những nơi đất ẩm ướt như vũng nước con con này qua
mùa khô.
-Hay nhỉ, thế lũ kỳ đà, rắn, chim, cò…
không mò tới ăn thịt chúng à?
-Chúng nhảy nhanh lắm, lại trốn trong
các kẻ đá rất giỏi nên các loài thú không bắt hết được.
Nghe H’Uyên giảng giải, Vân ngạc nhiên
thốt lên:
-Hay nhỉ!
-Muốn biết thì phải xuống tận nơi là rõ
ngay mà.
Y Nhớ trả lời. Cả ba vịn đá, bám đám rễ
cây cổ thụ mọc bên bờ suối từ từ tụt xuống phía dưới. Y Nhớ xuống trước, đứng cạnh
vũng nước nông choèn, nhìn rõ những chiếc lá mục đen ngòm phía dưới. Vân đi lại
đứng bên cạnh, nhìn vũng nước rồi bất ngờ bật lên tiếng cười lớn:
-Ha ha ha… kinh nghiệm đi rừng, có nước
là có cá, cái vũng này cá nhiều thật, chắc hôm nay bắt đầy gùi về phơi khô chia
cho cả buôn cùng ăn quá.
Vân cười đắc ý, Y Nhớ không nói gì;
H’Uyên xuống sau vì lưng đeo gùi nên khó đi, vỗ vai Vân cười bảo:
-Từ từ nào, mới đứng trên bờ làm sao biết
dưới nước có cá. Bây giờ Y Nhớ đi chặt ba cái roi để ta thi xem ai bắt được nhiều
cá.
-Hả, chặt roi bắt cá. Ha ha ha… hi hi
hi!
Nghe H’Uyên nói chưa dứt câu, Vân đã cười
nghiêng ngã, tay ôm lấy bụng, một phút sau mới dừng lại được, nói tiếp:
-Nay mình mới biết H’Uyên cũng thích đùa
quá nhỉ.
-Sao lại đùa, chưa thấy bắt cá bằng roi
bao giờ à?
-Roi đập vào đít thì… Vân biết rồi;
nhưng còn bắt cá thì phải dùng: lưới, vó, lao hay chĩa hay là tay… chứ chưa bao
giờ nghe ai nói dùng roi cả.
Y Nhớ chặt ba nhánh cây to bằng ngón tay
út, dài hơn cánh tay mang lại chia cho mỗi người một cái, dặn:
-Bắt đầu từ hòn đá bên cạnh vũng nước
nhé, mình thúc vào đá, cá sẽ nhảy ra xung quanh, nhớ đập cho trúng và vừa đủ để
cá chết; nhưng không mạnh quá nó nát, nướng không ngon.
-Ơ, đánh cá thật à?
-Ừ, Vân chưa quen đứng ra xa xem. H’Uyên
đứng bên trái, mình bên phải, ta bắt đầu nhé.
Y Nhớ nói xong bước lại bên hòn đá to bằng
cái chiêng, gần mép nước, giơ chân đạp mạnh, hòn đá đổ nghiêng xuống gần mép nước.
Điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra, dưới đám lá hòn đá vừa chuyển đi, lũ cá lóc đá hoảng
hốt nhảy lung tung như mưa rào; con lao xuống nước, con bay qua các hòn đá
khác, có con lao cả qua đám cát cách xa đến hơn sải tay. H’Uyên, Y Nhớ vung roi
quất, lũ cá bị đánh trúng rơi xuống đất nằm run run. Vân thích quá, bỏ cái roi
trên tay lao lại vồ mấy con nhảy trên mặt cát.
Lạ, rõ ràng thấy nó nhảy lên cát, vậy mà
vồ xong giở tay ra xem chỉ thấy cát, không thấy cá đâu cả. Hăng máu, Vân lao cả
người lên mặt cát nhằm nằm đè cá luôn. Cá đã không bắt được, có con còn lao cả
vào mặt, vào đầu; H’Uyên thấy vậy cười ngặt nghẽo đến không đánh cá được nữa. Y
Nhớ cũng dừng tay, nói:
-Vân bơi trên cát đẹp lắm, mấy con cá
lóc đá có vẻ thích, nhầm với cái thuyền độc mộc nên chúng nhảy lên lưng bạn làm
người chèo đấy.
Vân đỏ mặt, lồm cồm bò dậy, phủi cát
trên quần áo xong; xắn quần lên quá đầu gối, bảo:
-Đừng coi thường, đây chưa trổ tài đâu
nhé. Bây giờ không cần roi mình cũng bắt được cá cho các bạn xem.
-Từ từ hãy lội xuống nước, lấy que khoắng
trước xem có rắn dưới đó không đã.
H’Uyên vội kêu lên, ngăn lại. Vân xì một
cái rõ dài, trả lời:
-Nhát thế, hay sợ Vân bắt được nhiều cá
hơn. Xem đây!
Vừa nói, Vân vừa bước xuống vũng nước,
thò hai tay lần dưới lớp lá mục rồi reo lên:
-Nhìn đây, một con rồi nè. Ngon chưa.
H’Uyên đưa gùi đây cho mình bỏ cá. Dân bắt cá thứ thiệt nhé.
Động nước, lũ cá trốn dưới lớp lá cây
thi nhau nhảy lên bờ, tìm các khe đá để lẫn trốn. H’Uyên và Y Nhớ lại vung roi
quất lia lịa, một chốc đã thấy cá rải đầy trên cát. Y Nhớ kêu lên:
-Đủ rồi, không bắt nữa, Vân lên đi.
-Ơ, mình mới bắt được có một con, phải bắt
thêm mấy con nữa cho bõ tức.
Vân nói xong lại bước ra giữa vũng nước
đưa tay sờ sờ dưới lớp lá mục, mong tóm thêm được con cá nữa; bất ngờ hét lên một
tiếng hãi hùng: “Ối!”, rồi ngồi phịch xuống vũng nước, giơ tay trái lên trời; mặt
trắng bệch. Y Nhớ lao vội xuống xốc nách Vân kéo lên bãi cát, miệng líu lại:
-Sao vậy, sao vậy?
-Tay mình, tay mình, ôi đau quá.
H’Uyên cầm tay trái của Vân, thấy trong
lòng bàn tay bị mất một miếng da to hơn móng tay cái, hình tròn, máu đang túa
ra; chạy lại bên gùi lấy mấy cái lá, bỏ vào miệng nhai nát, lè ra đắp vào vết
thương, hỏi:
-Vân đau lắm không? Đây là vết cắn của
con ba ba đấy, không phải rắn, chỉ đau thôi không nguy hiểm đâu.
-Sao biết là ba ba?
Vân nén đau hỏi lại. Y Nhớ cau mày trả lời:
-Răng ba ba sắc lắm, nó mà cắn là đứt da
ngay. Miếng cắn bao giờ cũng mất một miếng da hình tròn như miệng chai. Con này
chắc phải được hơn gang tay đấy, để mình xuống bắt.
-Y Nhớ bắt thế nào?
H’Uyên hỏi, Y Nhớ trả lời:
-Mang cây chĩa xuống xăm, có vũng nước
nông thế này thì nó chạy đâu cho thoát.
-Cách bắt ấy, ăn thịt không ngon. H’Uyên
có cách khác bắt hay hơn.
-Cách gì?
Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại. H’Uyên trả lời:
-Đợi chút. Vân thấy đỡ chưa, đỡ đau là tốt
rồi, máu cũng không chảy nữa vì chỉ mất một miếng da thôi. Đừng để miếng lá rơi
ra nhé.
-Cái tay trái của Vân xui quá, sờ vào
đâu bị đau đấy. Lúc sáng đụng vào cây thì bị bọ cạp đốt, giờ xuống nước lại bị
ba ba cắn. Vân chỉ làm cây cảnh được thôi.
-Y Nhớ đừng trêu Vân nữa, có ai muốn vậy
đâu. Bây giờ Y Nhớ đưa cây đinh ba đây, H’Uyên bắt ba ba cho xem.
Bỏ tất cả mọi thứ trong gùi xuống mặt
cát xong, H’Uyên một tay xách gùi, một tay cầm cây đinh ba lộn ngược, ba mũi
đinh chĩa lên trời, còn thọc cán xuống dưới nước. Thấy vậy, Vân kêu lên:
-H’Uyên cầm lộn rồi kìa, cái đầu ấy
không làm con ba ba đau được đâu.
H’Uyên cười không nói gì, mắt chăm chú
quan sát mặt nước, tay phải vẫn thọc cán đinh ba xuống nước như người dò đường
qua vùng nước sâu. Y Nhớ đứng im quan sát bạn làm. Bỗng, H’Uyên thả cây đinh ba
xuỗng, hai tay cầm gùi nhấn chìm xuống nước, kéo mạnh rồi hất ngược lên, reo
to:
-Bắt được rồi!
Y Nhớ chạy xuống nước đỡ gùi trên tay
H’Uyên mang lên bờ. Vân đứng bật dậy nhìn vào gùi xem thủ phạm cắn mình mặt mũi
thế nào, nhưng… trong gùi chỉ toàn lá mục, bực mình phụng phịu:
-Lại bị lừa rồi, chỉ có lá mục thôi.
-Ha ha ha… coi thường nhau thế!
Y Nhớ cười vang, xách gùi bước ra xa
vũng nước một đoạn rồi úp gùi xuống cát, lắc mạnh. Từ trong đám lá mục, một con
ba ba màu đen, lưng rộng đến hơn gang tay chui ra, hối hả bơi trên cát, định
quay lại vũng nước. Đặt miệng gùi trước mặt để ba ba tự bò vào rồi dựng gùi
lên, Y Nhớ quay lại hỏi Vân:
-Con gì đây?
Vân đỏ mặt cười, trả lời:
-Sao các bạn giỏi thế?
-Thói quen thôi mà, Vân đi rừng vài lần
cũng làm được vậy.
H’Uyên trả lời như an ủi Vân, Vân tò mò
hỏi lại:
-Tại sao khi nãy H’Uyên lại dùng cán cây
đinh ba đâm ba ba mà không dùng mũi sắt?
-Không phải đâm, mà là tìm. Muốn xác định
con ba ba đang nằm chỗ nào, phải thúc cho nó chạy để bắt. Khi cán đinh ba dộng
xuống lá cây, ba ba thấy động chạy trốn, mình dùng gùi xúc lên thôi.
H’Uyên giải thích cách bắt ba ba, Vân vẫn
thắc mắc:
-Làm sao biết khi nào ba ba chạy mà xúc?
-Ô, phải quan sát chứ, nó ở dưới nước đi
đến đâu bong bóng nước nổi lên đến đó, trốn đâu được!
-Thì ra thế!
-Tay Vân còn đau không?
-Bây giờ thấy rát quá.
-Để mình lấy dây buộc lại cho dễ đi.
Nói xong, H’Uyên lại bên bờ suối chọn một
chiếc dây to bằng ngón tay cái, cắt một đoạn dài hơn gang tay, đặt lên hòn đá
dùng sống xà gạc đập lên dây cho bong lớp vỏ ngoài chỉ còn lại phần sợi bên
trong màu vàng sẩm. Tẽ sợi dây dẹp ra như tờ giấy quấn vào tay Vân. Quấn xong,
H’Uyên hỏi:
-Thấy vết đau thế nào rồi?
-Hình như nong nóng thì phải.
-Thế là tốt rồi, sáng mai sẽ khô miệng
thôi.
-Từ giờ cho đến lúc về tới nhà, Vân làm
ơn chỉ nhìn, đừng đụng vào cái gì nữa không lại bị đau đấy.
Y Nhớ nghiêm nét mặt ra giáng người lớn
dặn dò. H’Uyên cũng vui vẻ hòa theo.
-Y Nhớ nói đúng đấy, Vân lần đầu vào rừng
mọi thứ phải làm quen dần dần, không nóng vội được; nóng vội mà thiếu hiểu biết
chỉ có mang vạ thôi.
-Tuân lệnh!
Vân đứng dập hai chân vào nhau giơ tay chào
làm cả ba cùng cười. Trong đầu Vân một ý nghĩ bất chợt chạy qua: hai người bạn
Êđê học cùng lớp tám với mình sao cái gì cũng giỏi thế, vào rừng mà cứ như ở
nhà.
Y Nhớ giúp H’Uyên nhặt cá bỏ vào xoong rồi
đặt vào trong gùi. Con ba ba cõng luôn chiếc xoong trên lưng, thò đầu dài như đầu
rắn nhưng không cựa quậy gì được. Cả ba tiếp tục xuôi theo suối, tìm đường ra
sông trở về nhà. Thỉnh thoảng một tia nắng mặt trời xiên ngang qua lòng suối, tạo
nên những sợi vàng óng ả, đẹp mắt.
Ghi
chú tiếng Êđê:
1.
Lễ bỏ mã: Lễ cúng để vĩnh biệt người quá cố, không nhắc tới nữa;
2.
Yang: thần linh;
3.
Xà gạc: một loại dao dùng phát rẫy và đi
rừng của người Êđê.
cá này ăn chắc ngon lắm
Trả lờiXóa