Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

VÌ SAO CÀ PHÊ NỞ HOA truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ lANG BI AN số 225 tháng 6 năm 2022

 


Hôm qua trời bị đau bụng. Mới tối một lúc, sấm, chớp nổi lên đùng đùng. Gió, gió mới khủng khiếp làm sao, cứ như muốn giật tung mọi thứ ném đi. Rồi mưa ập đến đổ nước xuống ầm ầm. Một lúc sau mưa tạnh, gió nhè nhẹ lướt qua, trả lại bầu trời xanh thăm thẳm, đầy sao.

Những nụ hoa trên cành cà phê được mưa gió tắm mát, gội rửa bụi, bừng tỉnh. Sáng ra hoa đua nhau nở, khoe năm cánh dài, trắng muốt; tạo nên một rừng hoa trắng, ngào ngạt hương thơm. Các cô ong mật không biết có ngủ không mà mới hửng sáng đã hối hả rời tổ lao đến vườn cà phê lấy phấn, hút mật.

U, u, u… người chưa thấy mà tiếng kêu đã vọng đến; một bà ong Bầu to gần bằng ngón chân cái người lớn, khoác bộ đồ màu tím than, điểm xuyến một mảnh khăn choàng qua lưng màu vàng, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời, bay tới. Bà ong bầu là loài ong lớn nhất Tây Nguyên thường chỉ đi một mình đến dự tiệc hoa.

Cà phê nối nhau trãi dài như vô tận, tràn ngập tiếng reo vui của các loài ong tham gia bữa tiệc hoa buổi sáng. Không khí náo nhiệt vô cùng. Dạo chơi phía trên vườn hoa còn có một bầy chuồn chuồn đỏ; lúc chúng đứng im một chỗ, lúc lao vun vút, chao lượn như múa trên không nhưng luôn luôn cách vườn hoa một quãng không xa lắm.

Mặt trời lên cao một khúc dài, bầy bướm vàng đông như một đám mây mới bay đến dự tiệc. Cô bướm Vàng bay trước, nhìn thấy chuồn chuồn, ngạc nhiên nói:

-Lũ chuồn chuồn không dự tiệc hoa thì đến đây làm gì nhỉ?

-Lũ xấu xí, mồm toàn răng là răng thế kia thì ăn mật thế nào được. Còn chúng ta thì…

Cô bướm bay bên cạnh không nói hết câu, giơ chiếc vòi dài như chiếc kim nhỏ ra khoe. Một anh bướm khác góp chuyện:

-Hoa cà phê nở ra để chào đón chúng ta, vậy mà lũ ong lại đến trước, thật chẳng công bằng chút nào?

Một cô bướm khác reo lên:

-Đúng rồi, nhờ loài bướm chúng mình bay về nên cà phê mới nở hoa. Lũ ong chỉ ăn theo thôi mà không đợi, thật bực mình.

Một cô ong Mật mặc bộ đồ màu vàng có những vòng đen ngang bụng, nghe bướm nói vậy, bật cười hỏi lại:

-Nhờ bướm bay về cà phê mới nở hoa à?

-Đúng thế còn gì.

Mấy anh chuồn chuồn Đỏ nghe bướm trả lời, cười rung cả đuôi, một lúc sau mới nói được:

-Mấy hôm nay trên các con đường dọc ngang khắp mọi nơi, con người  cắm nhiều cờ lắm, có thể vì thế cà phê mới nở hoa để hưởng ứng đấy.

Bướm không chịu, nói lại:

-Đúng là loài mắt to hơn đầu, lớn lên ở ao hồ, không biết ăn mật thì đến đây làm làm gì còn lắm chuyện?

-Chúng tôi đến đây để bảo vệ vườn hoa.

Bầy bướm cười rung cả râu, một lúc lâu mới ngừng được, một anh nói với vẽ chế giễu:

-Ô hô, a ha… chuồn chuồn đi bảo vệ hoa cà phê, chuyện thật nực cười. Ai đến phá hoại mà cần bảo vệ cơ chứ?

Chuồn chuồn trả lời:

-Có loài côn trùng thấy hoa cà phê nở là bay đến gậm vỏ cây, có khi ăn luôn cả cánh hoa nữa đấy.

Một cô bướm đậu trên hoa, rung rung đôi cánh, góp lời:

-Chuồn chuồn chỉ giỏi bịa chuyện, làm gì có chuyện đó.

Vừa lúc đó một con bọ cánh cứng lao vút xuống cành hoa, chuồn chuồn Đỏ lao theo như một mũi tên, tóm gọn. Tiếng ai đó vang lên:

-Chuồn chuồn Đỏ giỏi quá, tóm gọn được tên phá hoại rồi.

Cả bọn nhìn lên thấy một chú chim hút mật to hơn ngón tay cái một tý, đội mũ màu xanh, từ đầu xuống ngực khoác áo màu đỏ rực rỡ, riêng nửa mình phía sau và đuôi màu đất. Chim vẫy cánh liên tục nhưng lại đứng im một chỗ; chiếc mỏ dài cong cong màu đen, nhọn hoắt. Một cô ong Mật hỏi:

-Bác chim Hút Mật sống lâu năm, đi nhiều nơi có biết vì sao hôm nay cà phê bung hoa không ạ?

-Tại người cắm nhiều cờ để mừng ngày lễ nên cà phê nở hoa theo.

Chuồn Chuồn nhanh nhẩu cướp lời. Cô bướm Vàng đậu bên cạnh đáp ngay:

-Không phải thế, hoa cà phê nở là do họ hàng nhà bướm hôm nay bay tới đây đấy.

Chim Hút Mật, gật gật cái đầu rồi trả lời:

-Con người cắm cờ đã mấy ngày rồi, hôm nay hoa mới nở, như vậy là hoa nở không phải do có nhiều cờ. Còn bầy Bướm sáng nay mới bay về mà hoa cà phê nở trắng cả như thế này, có lẽ là do… do… bướm thật rồi.

-Không phải thế!

Một dọng nói ồm ồm vọng đến, làm cả bọn ngạc nhiên kêu lên:

-Ai nói đấy?

-Ta đấy!

Cả bọn ngạc nhiên nhìn cây muồng đứng nơi góc lô, gốc to hơn cả đầu người lớn vừa trả lời. Cô bướm Vàng nói:

-Ui chu cha, ông to thế này chắc sống ở đây lâu lắm rồi ạ?

-Đúng thế. Con người trồng cà phê cùng lúc mang chúng ta đến đây trồng để che nắng, gió cho cà phê mà.

Một cô ong reo lên:

-Ô, thế thì chỉ có ông mới biết vì sao hôm nay cà phê trổ bông rồi.

-Đúng thế!

Cả bọn đồng thanh kêu lên:

-Ông bật mí cho chúng cháu biết đi ạ!

Cây Muồng giơ cành, đầy lá xanh đen vờn cơn gió vừa chạy đến, rồi mới trả lời:

-Cuối tháng hai hoặc qua tháng ba, khi ông trời mang mưa đến tưới mát cho cây cối trong vùng, không khí mát mẻ thế là cà phê bung hoa. Tùy theo từng năm, từng vùng, nơi nào có mưa sớm thì nơi ấy cà phê nở sớm. Còn Tây Nguyên, vào tháng ba kỷ niệm ngày giải phóng nên con người cắm cờ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Cũng do mưa, độ ẩm trong không khí tăng lên, được nắng mặt trời sưởi ấm nên lũ nhộng mới cắn kén, lột xác thành bướm, bay ra đấy.

-Hay quá!

Cả bọn reo lên vì hiểu ra được một việc quan trọng nên vui vẻ cùng nhau thưởng thức lễ hội hoa, không tranh giành nhau nữa. Bầy chuồn chuồn vẫn nhẫn nại tuần tra, canh gác phía trên bảo vệ vườn hoa. Ông mặt trời hình như cũng vui với cảnh vật, nên ánh nắng buổi sáng có vàng hơn lên một chút so với mọi ngày.

 

Hòa Khánh, tháng 4 năm 2022

 

 


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

HẠNH PHÚC ĐƯỢC CHẠM VÀO TAY BÁC ghi chép của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ VÁO VÀ CUỘC SỐNG SỐ THÁNG 6 NĂM 2022

 



Nhà thơ Phạm Doanh

-Mình đã từng một lần trong đời được chạm vào tay Bác! Đó là lơi tâm sự của nhà thơ Phạm Doanh nguyên Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật, Tổng biên tập tạp chí văn nghệ của tỉnh Đắk Lắk (sau này đổi tên thành tạp chí Chư Yang Sin).

Hơn chục người cùng ngồi uống cà phê bỗng nhiên lặng ngắt, mắt tròn xoe không giấu được ngạc nhiên trước thông tin vừa nghe. Nhà thơ Phạm Doanh kể:

-Mình quê ở Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, lớn lên tham gia xây dựng nhà máy điện Uông Bí. Sáng Mùng Một Tết ta năm 1965, từ mờ sáng đã kéo nhau đi dự mít tinh theo lệnh của lãnh đạo thị xã. Mình nghĩ, mới sáng mùng một Tết mà bắt tập trung đi mít tinh thì… vô lý quá, nên trốn. Ngủ dậy thấy đói bụng nên xuống nhà bếp xem có gì ăn cho đỡ đói. Dưới nhà ăn, mấy anh cán bộ miền Nam tập kết đang cùng nhau chế biến món ăn. Thấy mình xuống, cắt cho một khúc bánh tét. Vừa đưa bánh lên miệng, bỗng nghe tiếng hò reo của mọi người từ phía bên kia sông vọng đến. Tiếng reo to lắm, to đến mức mà mình chưa bao giờ từng nghe như thế. Trong đầu thoáng nghĩ: mọi người reo vui như vậy trong sân khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô là chuyện gì nhỉ? Hay Bác Hồ về thăm? Đúng rồi, chỉ có Bác đến mọi người mới vui đến thế. Mình bỏ miếng bánh chạy ra sân, định xuống bến, bơi qua sông để được nhìn thấy Bác một lần, nhưng chợt nghĩ lại: giờ này bên ấy chắc Công an cấm hết đường rồi, làm sao đi được? Một ý nghĩ chợt lóe lên: nếu Bác xuống thăm thì khi về Hà Nội chắc chắn phải đi qua con đường trước cửa khu tập thể này, mình vội lao ra cổng. Ra đến cổng mới biết có rất nhiều người đã đứng ở đó rồi nên không thể chen ra sát đường được, mình rẽ ngang, vạch rào đi ra sát mép đường. Vừa lúc ấy xe chở Bác từ từ tiến đến. Bác ngồi trong xe, xe chạy chầm chậm, Bác giơ tay qua cửa xe vẫy vẫy. Xe chạy đến gần, nhìn rõ vầng trán cao, da màu hồng, trên khuôn mặt Bác có vài đốm tàn nhang nho nhỏ; mình cố giơ hai tay thật xa, thật cao và thật may mắn, hạnh phúc khi tay mình chạm vào tay Bác.

Nhà thơ Phạm Doanh dừng lời, nâng ly cà phê nhấp một ngụm nhỏ; những người xung quanh ngồi im như hóa đá, mắt chăm chú nhìn không giấu được sự ngưỡng mộ, chờ nghe tiếp câu chuyện.

-Các ông biết không, cảm giác của mình lúc ấy không thể nào diễn tả ra được: vừa sung sướng, hạnh phúc; vừa lâng lâng như qua một giấc mơ. Khi xe chạy xa rồi, mọi người ùa chạy theo phía sau xe Bác; còn mình đứng lặng đi. Khi vào phòng rồi, mình cứ nhìn chăm chăm hai bàn tay của chính mình, như không thể tin đó là sự thật. Trong mấy ngày Tết, người lúc nào cũng lâng lâng, không dám rửa tay; và cho tới tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại, cảm giác ấy vẫn còn nguyên. Cũng từ khoảng khắc tuyệt vời ấy mà sau này trong suy nghĩ, hành động của mình, mình luôn luôn tự vấn: mình làm vậy đúng chưa, Bác biết có vui không?

Nhà thơ Phạm Doanh ngừng lời, đôi mắt ngân ngấn nước. Không ai bảo ai, mọi người ngồi cùng bàn uống cà phê đứng hết dậy, chìa tay ra để chờ được bắt tay nhà thơ Phạm Doanh – người có may mắn được chạm vào tay Bác. Bạn uống cà phê hôm nay, người làm bác sỹ, người làm giảng viên đại học, người làm báo… và trong trái tim họ, hình ảnh của Bác luôn sâu đậm trong tim. Nghe nói về Bác, nghe kể chuyện về Bác luôn là hạnh phúc của mọi người, vậy mà hôm nay được nghe chính người bạn thân của mình đã từng được chạm vào tay Bác quả là bất ngờ và quá đặc biệt.

 

Hòa Khánh, 4/5/2022