Đêm. Tiếng mưa gõ vào mái tôn đều đều tạo nên một bản nhạc buồn. H’Thương chất thêm củi vào bếp, ngọn lửa hồng bừng sáng soi rõ bốn phía căn chòi canh rẫy rộng hơn chục mét vuông; sàn, vách nhà được lát bằng tre đập dập, tẽ ra. Bên gốc cột ngay cạnh bếp lửa, ngọn đèn dầu treo cách mặt sàn hơn một mét, le lói sáng. H’Thương rời bếp bước lại bên chiếc đàn t’rưng để gần vách cầm dùi, vung tay lên… tiếng của cây đàn vang lên, át luôn tiếng mưa gió gào thét, tràn ngập không gian.
Không biết từ bao giờ H’Thương đã mê tiếng đàn truyền thống của dân tộc mình, lớn lên một chút đã lén học. Một lần ama(1) lên thăm rẫy trông thấy con gái tập gõ đàn, nên bí mật truyền dạy vì từ xưa tới nay chỉ con trai mới được đánh đàn. Học hết lớp bảy, H’Thương trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc, thế là rời buôn lên phố, làm quen với nhà cao tầng, ánh đèn điện và được những thầy cô giỏi hướng dẫn. Đang học năm thứ tư thì đại dịch COVID-19 ập đến, nhà trường tạm thời đóng cửa. H’Thương về nhà thực hiện cách ly mười bốn ngày nên điện trước xin ama, amí(2) đón, đưa lên rẫy ở luôn.
Đêm đầu tiên một mình ngủ trong căn chòi dựng gần bìa rừng mới thấy hết sự cô đơn, lẻ loi và thèm nghe tiếng người... Trong ngôi nhà dài phía buôn xa xa kia, H’Thương cũng có ông bà, ama amí và cậu em trai đang học lớp bảy, lâu ngày chưa gặp. Nhớ mọi người lắm, nhưng không muốn vì mình mà có thêm người bị nhiễm bệnh nên đành phải tự cách ly. Cái buồn trong đầu truyền xuống bàn tay và tiếng đàn ngân lên thể hiện tâm trạng của người chơi hình như đã làm mưa gió phải ngừng lại, cây rừng thôi không đùa giỡn nữa và cả rẫy bắp sắp đến ngày thu hoạch cũng im lặng lắng nghe. Quá nửa đêm, H’Thương mới ngừng chơi chui vào chăn ngủ thiếp đi.
Đêm dài rồi cũng qua. H’Thương thức dậy, đi ra đầu sàn định tập mấy động tác thể dục theo thói quen thường ngày như ở trường. Vừa đẩy cánh cửa bước ra thấy ngay một con thỏ rừng lớn, chắc phải gần bốn ký ai đó đặt trên đầu sàn, bên cạnh cầu thang. Trong buôn có ai biết mình về ngoài ama amí mà mang đồ ăn tiếp tế thế này nhỉ? Người đến đã tránh mặt như vậy đúng là có ý thức thực hiện “5K” đây, phải cảm ơn mới được; nghĩ vậy, H’Thương đưa tay lên miệng làm loa, cất tiếng hú. Tiếng hú buổi sáng ngân dài vọng vào núi làm lũ chim ngạc nhiên bảo nhau im lặng để nghe. Khi tiếng hú ngừng, lũ vượn, rồi voọc trên triềng núi cao hối hả đáp lời, và hình như trong bản hợp xướng đó có cả tiếng gầm của một con hổ từ đỉnh núi cao vọng xuống.
Đi học xa chỉ ngày nghỉ Tết mới về thăm nhà, theo amí lên rừng hái lâm sản. Rừng cũng như rẫy chung của mọi người, ai thiếu thứ gì thì lên đó lấy về dùng, nhà nào cũng vậy. Ngủ ở chòi cùng ama amí canh rẫy, đuổi thú rừng thì H’Thương đã quen từ ngày còn nằm trọng bụng. Tây Nguyên đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, thú rừng đông đúc nên muốn rẫy có thu hoạch phải canh giữ, không cho lũ thú đến ăn trộm. Vừa làm thịt thỏ, H’Thương vừa nghĩ lan man đến chuyện gia đình, chuyện thời thơ bé và cả chuyện hôm nay, bên cái chòi canh rẫy này cũng có nước “máy”; ama dùng ống nhựa dẫn trên đỉnh núi cao về, chảy suốt ngày đêm, tha hồ dùng.
Gần trưa, ama đi xe máy đèo amí lên thăm. Nghe tiếng xe, H’Thương chạy ra đầu cầu thang đón. Ama đi trước, tóc đã có nhiều sợi bạc, khuôn mặt xạm đen. Amí đi sau, lưng đeo gùi, khuôn mặt trái xoan, mắt lá răm và đặc biệt là đôi môi đỏ như ớt chín; dấu ấn một thời hút hồn biết bao chàng trai trong vùng. Vào chòi, ama lắc lắc cửa phía sau rồi cửa sổ xem chúng đã vững chưa; hình như ông không an tâm khi con gái ở một mình trên rẫy. Amí lôi trong gùi ra cá khô, nước mắm, rau cải, một nửa con gà nặng hơn một ký đã luộc chín. H’Thương thấy vậy kêu lên:
-Ama amí mang cho con nhiều thế. Tối hôm qua không biết ai cũng đến tiếp tế một con thỏ rừng to lắm, chốc nữa amí mang về cho ông bà ngoại ăn nhé.
-Ai biết con về mà tặng quà?
Ama ngạc nhiên hỏi, H’Thương trả lời:
-Dạ, con cũng không biết nữa; nhưng trên thành phố chuyện tiếp tế cho những người phải cách ly vì nhiễm FO, như vậy là bình thường thôi. Có dịch dã mới biết người Việt Nam chúng ta thương yêu nhau nhiều lắm ạ.
Nghe con gái nói, amí cũng góp chuyện:
-Trong cơn hoạn nạn mới biết tấm lòng của nhau mà.
Ama nét mặt đăm chiêu, không dấu được băn khoăn khi nhìn con thỏ, rồi thở dài nói:
-Ai mà bẫy được thỏ rừng to như thế tặng con nhỉ, lạ đây!
***
Trời mùa mưa, buổi tối đến thật nhanh. Cơm nước xong, H’Thương lấy sách ra học bài. Khuya, lại mang đàn ra luyện trước khi đi ngủ. Không biết có phải trên chòi canh rẫy có ánh lửa phát ra hay tại tiếng đàn t’rưng bay xa mà khu rừng bỗng nhiên tĩnh mịch, không có tiếng chim ăn đêm gọi nhau. Tiếng đàn vút lên bay xa, xuyên qua tán rừng lên núi cao, lúc ầm ầm như thác đổ, lúc róc rách như suối reo mùa khô; H’Thương mê mãi chơi đến khuya mới dừng lại, đi ngủ.
Sáng ra, ông mặt trời lên khỏi ngọn núi cả sãi tay, H’Thương mới giật mình tỉnh dậy, đánh răng rửa mặt rồi ra đầu sàn định xuống cầu thang đi thăm rẫy. Vừa mở cửa đã thấy ai đó đặt một con cheo đúng vị trí sáng hôm qua để con thỏ rừng. Con cheo hôm nay phải nặng tới bốn ký, trên đầu có hai cái sừng dài bằng ngón tay út. Hồi còn bé xíu H’Thương thấy có người đến buôn hỏi mua sừng cheo; họ bảo: sừng cheo quý lắm, đắt gấp năm lần vàng bốn số chín tính theo ký cân sắt. Bà ngoại sống trên tám mươi tuổi, cười buồn, bảo: chưa thấy con cheo nào có sừng bao giờ; vậy mà hôm nay… Mừng quá, H’Thương đứng bên đầu cầu thang cất tiếng hú, gửi lời cảm ơn người tặng quà. Cũng như hôm qua, tiếng hú vừa dứt, bầy voọc, bầy vượn hòa theo nhau đáp lời và hình như trên đỉnh núi cao lại có cả tiếng chúa sơn lâm họa theo.
Có đồ ăn ngon lại có sừng cheo quý hiếm, không thể không khoe; H’Thương dùng điện thoại chụp hình rồi đưa lên fb. Thời buổi công nghệ, chỉ ba chục phút sau đã có hơn một ngàn người ghé thăm, chia sẻ. Niềm vui nho nhỏ cũng qua đi, nhường cho công việc thường ngày: tắm rửa, nấu nướng, ăn uống… rồi học bài. Khi màn đêm buông xuống, chất thêm củi vào bếp, văn to đèn, H’Thương mang sách ra định học bài, thì...
Bất ngờ có tiếng xe máy, ánh đèn pha lia qua, lia lại trên con đường vào rẫy. Hình như nhiều xe máy cùng đến rồi dừng lại phía ngoài rẫy. Tiếng đám thanh niên nói chuyện ồn ào như bàn chuyện gì đó hệ trọng lắm; lúc sau tiếng ei rei(3) cất lên, buồn tha thiết. Lúc đầu tiếng ei rei ở phía đường vào rẫy, lúc sau hình như trong đám bắp phía trước, sau nữa thì… nhiều giọng cùng cất lên xung quanh chòi rẫy.
H’Thương tắt đèn, đứng tựa vào cửa lắng nghe, lòng bồn chồn lắm. Ngoài kia, đám con trai đang cất tiếng gọi bạn mở cửa đón khách; trong số đó chắc có nhiều bạn cùng trang lứa, cùng từng học… H’Thương lòng bồn chồn, rạo rực có lúc định mở cửa lao ra, nhưng rồi phải đứng lại khi chợt nhớ: mình từ vùng dịch về, đang thực hiện cách ly, không thể ra gặp họ được. Làm thế nào để bày tỏ tấm lòng mình đây? Một ý nghĩ vụt qua đầu, H’Thương lao lại bên vách, vơ lấy dùi, vung lên.
Bản nhạc “Đi tìm lời ru mặt trời” của nhạc sỹ Y Phôn Ksor vang lên, bay vút lên trời cao, chạm vào các vì sao rồi dội lại, lan tỏa qua cánh rừng làm gió cũng phải ngừng thổi, cây cũng thôi thì thào và cả đám thanh niên núp xung quanh rẫy cũng im lặng lắng nghe, không hát nữa.
Y Tong con ông Chủ tịch xã, học hơn H’Thương một lớp; mặt dài, trán dô, cầm đầu nhóm thanh niên đang nấp phía ngoài rẫy bỗng huýt sáo gọi mấy đứa bạn cùng đi lại gần, nói:
-Con bé này láo, nó ra thành phố học xem thường cánh thanh niên chúng mình ở buôn ngu dốt không thèm gặp mặt lại còn đuổi như đuổi thú.
Một đứa bạn cùng đi ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao mày nói thế?
-Mày không nghe tiếng đàn nó đang đánh đó à?
Một đứa khác nói:
-Con bé này không những đẹp giống amí nó mà chơi đàn hay quá.
Y Tong gầm lên:
-Chúng mày đúng là một lũ ngu. Đàn t’rưng ông cha ta trước đây dùng làm gì, chúng mày không biết à?
-Ngày xưa để đuổi thú rừng, nhưng ngày nay là nhạc cụ truyền thống, niềm tự hào của Tây Nguyên ta đấy.
-Mày biết một mà không biết hai, nó trên chòi rẫy, biết chúng ta đến nên mang đàn ra gõ để xua đuổi, có khác gì đuổi thú rừng.
-Ừ nhỉ, con này láo thật.
-Dạy cho nó một bài học đi!
Mưa! Một cơn mưa bất ngờ ập đến. Mưa không phải do ông trời đổ nước xuống mà do đất đá của đám thanh niên ném vào mái tôn. Sau khi trút giận bằng ném đất đá lên mái chòi canh rẫy, đám thanh niên gào rú một hồi rồi nổ máy xe lao đi. H’Thương ôm mặt bật khóc; giận đám người trẻ sao kém ý thức đến thế. Họ không hiểu được tiếng đàn của mình chăng? Tại sao bọn họ biết mình ở đây? H’Thương chợt giật mình khi suy ra nguyên nhân vì sao đám thanh niên trong buôn biết mình về: chính ông fb mách lẻo rồi. Buồn với cách cư xử của đám bạn ở buôn, H’Thương ngồi lặng nhìn bếp lửa, nước mắt chảy thành dòng…
-H… ùm!
Tiếng hổ gầm từ phía buôn vọng lên núi cao, được rừng già nhắc lại, ngân dài. Lần đầu tiên nghe tiếng hổ gầm gần, H’Thương thấy rờn rợn, vội mắc màn rồi chui vào, trùm chăn kín đầu, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
***
Nghe tiếng xe máy, H’Thương giật mình tỉnh dậy, vội tung chăn chạy ra đầu sàn. Ama, amí dừng xe đứng lặng bên chân cầu thang; cả một vạt bắp lớn xung quanh chòi canh rẫy bị dẫm, đạp, bẻ gãy như bị voi phá. Một lúc sau hai người mới lên cầu thang, ama hỏi:
-Hôm qua đám thanh niên đến đây à?
-Dạ, họ đến đứng ngoài rẫy hát ei rei một lúc rồi ném đất đá vào chòi trước khi về.
-Bọn nó đến, thấy trên cổng treo cành lá(4) nên dỡ rào đi vào; lại thấy trên cửa chòi treo cành lá nữa, chúng mới tức giận phá bắp nhà mình đây mà.
Amí giọng buồn buồn nhận xét, ama nói thêm:
-Cũng đáng đời bọn chúng lắm, đêm hôm qua kéo nhau vào bệnh viện cả rồi.
H’Thương giật mình, ngạc nhiên hỏi:
-Tại sao vậy ama?
-Lên đây phá bắp, khi về gần đến buôn gặp hổ chặn đường; lũ chúng tự tông xe máy vào nhau, đứa vỡ đầu, đứa gãy tay, đứa gãy chân hết cả.
Amí trả lời, ama nói thêm:
-Lâu lắm rồi, từ khi ta còn bé tí mới nghe kể chuyện hổ về buôn vì có người xúc phạm Yang(5). Nay tóc bạc mới lại thấy chuyện này xảy ra.
-Hôm qua hổ có cắn ai không ama?
-Không. Hình như “Ông ấy” tức giận điều gì đó nên chỉ cảnh cáo đám thanh niên thôi.
H’Thương theo ama amí ra buộc lại bờ rào, chặt hết các cây bắp bị phá xếp lại một chỗ. Thành quả lao động bao ngày vất vả của cả nhà, chỉ vì mình mà bị phá hết – H’Thương không dám nói nhưng nước mắt rưng rưng. Hiểu được nỗi lòng con gái, ama bảo:
-Đám con trai mấy nhà khá giả hư quá nên bị Yang phạt rồi, không phải lỗi tại con đâu. Cố gắng học cho giỏi, để mai mốt về góp sức giúp mọi người sống tốt hơn con nhé.
Nghe ama nói vậy, H’Thương chỉ còn biết ôm chặt ama, nghẹn ngào.
***
Khuya, cũng như mọi đêm học xong bài H’Thương lại mang đàn ra luyện. Nghĩ đến ama amí, đến đám bắp sắp thu hoạch bị đám thanh niên phá hoại, thế là bản nhạc vang lên. Tiếng nhạc hay tiếng lòng được truyền qua những đoạn lồ ô như được Yang phù phép, tạo nên những âm thanh trầm bổng, réo rắt lan tỏa khắp không gian. Hình như hôm nay tiếng đàn t’rưng có ma thuật nhập vào làm say đắm cảnh vật đến bầy dế quanh chòi cũng thôi không hát nữa. Rừng cây trên núi cao cũng tĩnh lặng để nghe. Hòa mình theo tiếng đàn đến khi thấm mệt H’Thương mới dừng lại, chui vào chăn ngủ say luôn.
Sáng, H’Thương dậy muộn; khi bước ra đầu sàn lại thấy một con heo rừng to gần bằng chiếc gùi để đúng vị trí hôm kia để con cheo. Ai mà giúp mình nhiều thế này? Con heo bị dính bẫy, không biết bẫy gì mà có bốn lỗ ngay phía sau gáy sâu hoắm, máu tươi còn chảy. Heo to thế này ăn bao giờ mới hết, còn không nhận biết trả cho ai?
Đang phân vân, chưa biết xử thế nào thì ama chạy xe đưa amí đến. H’Thương chỉ con heo, nói với ama:
-Tối hôm qua lại có người đến tặng quà đây ạ.
Ama bước lại gần, lật qua, lật lại, quan sát kỹ vết thương trên gáy con heo rồi cầm xà gạc đi quanh rẫy. Amí vơ lá khô, nhóm lửa dưới gầm sàn thui heo. Heo rừng dễ làm thịt, đốt cho cháy lông rồi dùng que gạt đi; xong mang ra dội nước, cạo một chút nữa để lộ ra màu da vàng rộm, trông rất ngon mắt.
Hai má con thịt heo xong. Ama quay lại vui vẻ nói:
-Bây giờ thì ta biết ai tặng quà cho con gái mình mấy ngày nay rồi.
-Ai vậy ạ?
H’Thương ngạc nhiên hỏi lại và đưa cho ama xem hai cái sừng cheo hôm trước. Ama cười tươi hết cỡ, nói như reo:
-Đúng là quà của Yang rồi!
-Ông nói sao, Yang tặng quà con gái mình ư?
-Đúng vậy! Mấy ngày qua con gái được tặng: thỏ, cheo rồi cả heo rừng; tất cả đều là của Yang sai hổ mang đến đấy.
-Ama lại trêu con rồi.
-Thật chứ không đùa đâu, chỉ có đêm hôm kia lũ thanh niên đến quậy phá nên bị hổ đuổi theo chặn đường, dọa cho mất vía; con gái mới không có quà. Đúng vậy không?
-Ông lại kể khan(6) cho con gái nghe à?
-Bà không tin? Nhìn đây, dấu chân hổ từ chân cầu thang đi ra bìa rẫy đấy, lại xem đi.
-Lạ nhỉ!
Amí thốt lên ngạc nhiên. Ama quay lại hỏi:
-Ở trên này, buổi tối con làm gì?
-Con học bài, khuya thì luyện đàn.
-Nơi bìa rẫy, dưới gốc cây đa to có một tảng đá; con hổ này ban đêm thường ra đó ngồi nghe con đánh đàn nên lũ heo rừng cũng không dám bén mảng đến rẫy luôn. Đúng là Yang giúp con gái mình rồi.
***
Ama H’Thương chở con heo rừng nặng đến hơn năm chục ký về nhà ông buôn trưởng. Lũ trẻ con rồi người lớn cũng ngạc nhiên chạy đến xem. Buôn Trưởng râu tóc bạc phơ, bước ra đầu sàn ngó xuống, bảo:
-Mày vào rừng đi săn heo rừng à. Không biết Nhà nước cấm săn bắn hay sao?
-Không phải mình bắn đâu, buôn Trưởng xem đây, dấu răng hổ trên gáy heo đây này.
Vui chuyện, ama H’Thương kể chuyện con gái đi học ở thành phố về tự cách ly trên rẫy, chưa về buôn. Sống một mình trên chòi rẫy để học bài, đêm đến đánh đàn. Có con hổ mê tiếng đàn nên hàng đêm đến nghe và trả công cho người đánh đàn bằng các sản vật của rừng. Tối qua “Ông” tặng con heo này, nay mang về chia cho cả buôn ăn chung. Buôn Trưởng vui lắm, sai người nhà cột rượu mời mọi người cùng vui với nhà H’Thương.
Y Tong nghe chuyện hổ tặng quà H’Thương, mắt hắn long lên, miệng bỗng nhiên méo lại để lộ hàm rằng vàng khè không đều nhau vì ám khói thuốc, nghiến vào nhau ken két. Con hổ làm mấy đứa bạn cùng đi hôm trước bị gãy tay, gãy chân còn hắn cũng bị trớt mặt thì ra... thế. Con hổ là cả một đống vàng, của Yang cho ta đây và chắc chắn đủ tiền mua cái xe hơi bốn bánh xịn để đi cho cả vùng lác mắt - hắn nghĩ tới đây bật lên tiếng cười khô khốc, bỏ đám đông đi về nhà.
***
Cũng như mọi hôm, khoảng hai mốt giờ H’Thương lại luyện đàn; không biết hôm nay có chuyện gì mà bụng nôn nao như dự báo điềm gì đó không vui. Hay tại mình biết ngoài kia có vị khán giả “đặc biệt” ngồi nghe tiếng đàn? Vừa đánh đàn, H’Thương vừa nghĩ miên man…
-Đoàng, đoàng, đoàng, đoàng…
-H… ùm!
Tiếng Súng nổ như đánh trận, nghe chát chúa xen lẫn trong đó là tiếng hổ gầm vang lên xé toạc màn đêm. Người trong buôn ai vớ được gì, cầm nấy, ùn ùn kéo nhau chạy về phía tiếng súng nổ. Đến gần đám rẫy nhà H’Thương, người ta nghe tiếng khóc, tiếng rên rất thảm thiết phía cây đa to nên chạy đến. Qua ánh đèn, mặt Y Tong hiện ra đầy máu, chân phải gãy lìa; cây súng AR16 cắm nòng xuống đất, báng chổng lên trời. Mấy thanh niên khỏe mạnh vội băng bó rồi đưa Y Tong về buôn. Ama H’Thương dẫn mọi người đến bên hòn đá lớn bên bìa rẫy, thấy mặt đá bị đạn cày nham nhở, có cả vệt máu tươi còn đọng lại. Ông buôn Trưởng leo lên hòn đá, nói với mọi người:
-Thằng Y Tong ngồi trên cây đa rình, chờ con hổ leo lên đây nghe tiếng đàn thì bật đèn, bắn. Có lẽ tiếng hổ gầm làm nó giật mình rơi từ trên cây xuống mới bị gãy chân và cây đâm vào mặt. Yang phạt hắn vậy là đáng lắm. Đạn bắn vào đá văng ra có thể làm chết người ở gần nữa đấy. Ơ, H’Thương đâu?
Nghe buôn Trưởng hỏi, ama H’Thương giật mình chạy lại chòi canh rẫy, xô cửa bước vào. H’Thương nằm ngửa bên cạnh cây đàn, mắt trợn trừng, máu từ ngực vẫn tuôn chảy thành dòng trên sàn nhà.
Hòa Khánh, tháng 11 năm 2021
Chú thích tiếng Êđê:
1. Ama: ba;
2. Amí: má;
3. Ei rei: làn điệu dân ca Êđê;
4. Cành cây buộc trên cổng: quy ước cấm người lạ vào;
5. Yang: thần linh;
6. Khan: truyện cổ sử thi truyền miệng của người Êđê;
câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa