Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

KHU RỪNG KỲ LẠ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - báo THỜI NAY số: ra ngày 11 tháng 5 năm 2024



 Đống lửa cháy sáng rực, soi rõ từng ngọn cây, cuống lá cách xa hàng chục mét. Sơn khuôn mặt hơi dài, da trắng, tuổi gần ba mươi ôm gối nhìn ngọn lửa như muốn tìm gì trong đó. Ba cậu học trò đi cùng, chất thêm ba khúc củi to bằng bắp chân vào bếp làm tia lửa bắn ra chung quanh trông rất đẹp mắt.

Y Ju mặt vuông chữ điền, da nâu nhìn Sơn hỏi:

- Ngày nhỏ ở quê, có bao giờ thầy cùng các bạn đốt lửa thế này không?

- Không em. Thầy sinh ra và lớn lên ở thành phố Cảng, lọt lòng được ru bằng tiếng sóng của biển. Lớn lên một chút đã phải chứng kiến bom rơi đạn nổ của chiến tranh. Đêm đến nghe còi báo động phải tắt hết đèn, xuống hầm tránh bom.

Y Khoa tóc xoăn tít nhìn Sơn, giọng xót xa:

- Thời ấy chắc khổ lắm thầy nhỉ!

- Chiến tranh mà em. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng nhà máy xi-măng lớn nhất miền bắc lúc bấy giờ ở quê thầy vẫn ngày đêm nhả khói. Các con tàu vẫn bám biển bắn nhau với máy bay, bảo vệ bầu trời.

Y Thóc mặt tròn, răng hơi vẩu, xoay xoay củ khoai mì to hơn cổ tay, mầu trắng ngà dựng bên bếp, góp chuyện:

- Ở thành phố thì làm gì có củi mà đốt lửa như thế này thầy nhỉ!

Sơn chưa kịp trả lời, một cơn gió ào đến làm ngọn lửa bốc cao, tàn lửa giống như những quả pháo hoa nhỏ bé lao vút lên. Y Khoa ngửa mặt nhìn lên lá cây, than;

- Hôm nay sao gió to thế không biết.

Sơn nói:

- Rừng nơi đây nghe tiếng gió gần giống tiếng sóng biển quê thầy. Sóng từ xa nghe êm êm, càng lại gần bờ sóng kêu to hợn rồi bất ngờ chạm bờ đổ ập xuống, tạo nên tiếng “ầm” rất lớn; rồi sóng từ từ rút ra biển, tiếng động nhỏ dần, nhỏ dần.

- Đúng vậy thầy ạ!

Cả ba học trò cùng đồng thanh xác nhận. Rừng đầu mùa khô lá xanh thẩm, cây cối còn no nước nên tràn đầy sức sống. Tiếng suối chảy réo rắt như một bản nhạc, êm đềm đến xao xuyến. Xa xa tiếng chim ăn đêm vọng đến nghe khắc khoải, buồn buồn.

*

Nghỉ lễ nhưng Sơn không về quê mà xung phong ở lại trực trường. Học sinh được về thăm nhà. Ba em cán bộ lớp năm cuối cấp ở lại trực trường sợ thầy chủ nhiệm buồn mới tổ chức đi bắt cá đêm trên núi Thần và khám phá thiên nhiên nơi đây.

Núi Thần có đỉnh cao nhất về phía nam dãy Trường Sơn, quanh năm mây mù bao phủ, chỉ ít ngày mùa khô mới nhìn thấy đỉnh. Trên núi, rừng nguyên sinh chưa bị khai thác nên cảnh đẹp như trong tranh. Cây cổ thụ gốc ba người ôm không hết đua nhau xếp hàng, vươn cành lá che kín mặt đất. Suối trên núi Thần có loài cá rất đặc biệt, trông qua như cá chép: vảy trắng hồng, vây đỏ, mắt đỏ, râu đỏ dài bằng thân cá. Thịt cá thơm ngon lắm, nhưng ngon nhất là bộ lòng vì cá này chỉ ăn một loại rong đặc hữu mọc trên đá.

Bắt cá phải kỳ công. Ban ngày cá trốn trong hang đá, đến nửa đêm mới ra suối đi dạo; đây là thời điểm để bắt cá. Phải có dụng cụ đặc biệt: chọn cây nứa già to bằng cổ chân, chẻ nhỏ một đầu rồi dùng nan đan lại như chiếc nơm của người dân Bắc Bộ đi úp cá. Thấy cá phải lựa thế úp, không vướng đá mới bắt được.

*

Bốn thầy trò ăn khoai mì nướng xong, kim đồng hồ cũng nhích đến số 9. Y Ju - Lớp trưởng đội đèn, bên hông có bình ắc-quy nhỏ, sau lưng đeo gùi đi trước cầm theo dụng cụ bắt cá. Hai em còn lại lưng đeo gùi, tay cầm xà gạc đi sau. Sơn cầm đèn pin đi ngay sau lưng Y Ju. Y Ju quay đầu lại dặn:

- Thầy đi sau em xem cá, nhưng đừng bật đèn vì thấy hai ánh sáng cùng lúc chúng sợ sẽ trốn mất.

- Thầy biết rồi.

Y Thóc - Lớp phó lao động đi phía sau giải thích thêm:

- Loài cá này bao giờ cũng đi theo đôi, thấy ánh đèn chúng sẽ chụm đầu lại xem thầy ạ.

- Cá núi này lạ vậy à?

Y Khoa - Lớp phó học tập, giảng giải thêm:

- Thế mới gọi là cá ngọc núi Thần thầy ạ.

Bất ngờ Y Ju reo lên:

- Thầy ơi, xem nè!

Dưới dòng suối rộng hơn chỗ khác một chút, cát trắng tinh làm nổi bật một đàn cua núi, con lớn nhất to bằng miệng ly uống trà. Cái lạ của bầy cua nơi đây chỉ có hai mầu: đỏ tươi và vàng nghệ. Nhìn bầy cua đứng nhìn ánh đèn như một vườn hoa. Sơn hỏi:

- Ta có bắt cua không?

Y Thóc trả lời ngay:

- Cua này cứng lắm, ăn không ngon đâu.

- Bắt mấy con về nuôi làm cảnh.

Mấy cậu học trò cười vang. Y Khoa nói:

- Cua sống ở dòng suối này thì con đực có mầu đỏ tươi, con cái mầu vàng nghệ. Nhưng đem về nhà nuôi chỉ hai ngày nó lại đổi mầu như cua đồng luôn.

Sơn tỏ ra ngạc nhiên kêu lên:

- Thì ra thế!

*

Bốn thầy trò tiếp tục ngược suối đi lên. Dòng suối lòng rộng không quá ba sải tay, đá chen nhau ngăn nước. Hai bên bờ dựng đứng, cao quá đầu người. Ánh đèn quét trên mặt nước hắt lên bờ thành những hình vòng tròn, nhìn hay hay. Bỗng Y Ju reo lên:

- Thầy ơi, đây rồi!

Dưới mặt nước trong vắt, đôi cá dài hơn gang tay, vảy mầu hồng nhạt làm nổi bật vây, râu và miệng đỏ như tô son. Ánh đèn nhích dần từ góc hòn đá lớn vào bên suối, nơi chỉ có cát trắng tinh. Trên cát từng bầy cá nhỏ như làm bằng bạc, mắt đen láy tung tăng bơi lội. Đôi cá như bị thôi miên, đến gần, vẫy đuôi theo ánh đèn một cách thích thú. Chỉ đợi có vậy, chiếc lồng nứa trên tay Y Ju chụp xuống, đôi cá giật mình quẫy đuôi làm nước văng tung tóe. Y Thóc và Y Khoa lao lên, mỗi người một bên, thò tay tóm gọn hai con cá bỏ vào gùi. Tiếng cười vọng vào núi, núi nhái lại ngân dài.

*

Đêm về khuya, ba chiếc gùi, cái nào cũng đã được hơn nửa. Niềm vui bắt được nhiều cá làm quên đi thời gian, quên luôn mệt mỏi và quên cả cái lạnh trên núi cao đang từ từ len vào chân, tay mọi người. Bỗng Sơn thét lên:

- Trăn, đứng lại.

Y Ju ngạc nhiên hỏi lại:

- Trăn đâu thầy?

- Nó đang bắt con gì ở giữa suối kia kìa.

Theo tay Sơn chỉ, cả ba cậu học trò tròn mắt nhìn. Đúng là trong dòng suối trong vắt, con trăn to hơn bắp đùi đang quấn con gì đó, cái đầu trăn dài cả mét, lắc lư, lắc lư như đe dọa người đến quấy rối nó. Y Ju bật cười nói:

- Không phải trăn dưới suối thầy ạ.

- Em có hoa mắt không? Nó đang lè lưỡi ra đấy.

- Thầy nhìn đây nè.

Y Ju hất ngược ánh đèn lên trời, soi gốc cây mọc bên bờ suối chìa cành ra phía trên dòng suối. Sơn rùng mình khi thấy con trăn lớn nằm trên cây, thả đầu xuống phía dưới cả mét. Da trăn đen nhưng có những đường kẻ mầu vàng nhạt tạo nên những ô hình lục giác. Y Thóc reo lên:

- Nó bắt được con vượn kìa.

Y Khoa bảo:

- Phải cứu con vượn không nó chết mất.

Y Ju không đồng ý, nói:

- Quy luật sinh tồn của muôn loài, để chúng tự xử với nhau, ta không nên can thiệp.

Y Thóc lên tiếng:

- Nếu là quy luật sinh tồn thì ta bắt cả hai con này về ăn thịt luôn. Thịt trăn ăn ngon lắm!

Ba cậu học trò đỏ mặt, tía tai tranh cãi không ai chịu ai. Sơn cười bảo:

- Thôi không tranhcãi nữa. Ta bắt cá thì được nhưng không bắt các động vật khác, nhất là động vật quý hiếm.

Nghe Sơn nói đến đây, Y Ju vênh mặt lên, nói:

- Thầy nói đúng như em nghĩ, thế mà hai bạn còn cãi.

Sơn cười nói tiếp:

- Nhưng gặp cảnh này chúng ta phải can thiệp để con trăn thả con vượn ra, vì cả hai đều là loài thú quý đấy.

Cả ba trò nghe thầy nói vậy, vội để gùi xuống bãi cát rồi thi nhau lấy đá ném. Con trăn bị đá ném trúng vẫn không hoảng sợ, đầu lắc lư, lắc lư như đang cố siết chết con mồi. Sơn bảo:

- Các em đừng ném nó nữa, vơ nắm lá khô lại đây, đốt cho khói bay lên. Ngửi mùi khói, chắc chắn con trăn phải chạy trốn.

Nghe lời thầy, ba cậu học trò gom lá để lên hòn đá, châm lửa đốt. Khói bay lên, theo gió tạt vào đầu con trăn. Trăn vội thẳng mình, lao xuống suối tạo nên một tiếng động lớn “ầm”, nước văng tung tóe. Con vượn cũng rơi xuống nước, Y Thóc chạy lại kéo lên bãi cát. Một lúc sau vượn mở mắt nhìn, hình như bị chói đèn nó lại nhắm lại. Y Khoa nói:

- Nó thoát chết rồi, ta đi bắt cá tiếp thôi thầy ạ.

Sơn bảo:

- Ta bắt vậy là nhiều rồi, về thôi.

Y Thóc reo lên:

- Con vượn ngồi dậy rồi kìa!

Con vượn nhìn bốn người một chút rồi bò lại bên bờ, nắm dây leo tuốt lên cao, lẫn luôn vào tán cây. Mấy cậu học trò dập tắt đống lửa chuẩn bị xuôi suối quay về. Phương đông mấy đám mây mầu hồng đã leo lên đỉnh núi Mẹ Bồng Con. Một ngày mới bắt đầu.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

CANH RẪY ĐÊM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - báo THỜI NAY số ra ngày 6/9/2024

 


Chiều thứ bảy H’Uyên rủ hai bạn trai học cùng lớp tám với mình lên canh rẫy để ba về nhà nghỉ. Trời sẩm tối, cả ba lên đến rẫy. Uyên bẻ mấy cái bắp mang lên chòi canh. Vân hỏi hai bạn:

- Canh rẫy ta phải làm gì vậy?

Y Nhớ mặt dài, tóc quăn, trán dô, da nâu đen bật cười, trả lời:

- Vân đi canh rẫy mà không biết phải làm gì à?

H’Uyên mặt tròn, nước da nâu hồng, tóc hoe hoe vàng dài quá lưng, trả lời thay Vân:

- Vân ở thành phố mới theo ba má chuyển đến có hai tháng thì làm sao biết như chúng mình. Công việc của ta là đốt lửa trên chòi thế này cả đêm vừa sưởi ấm lại vừa báo cho lũ thú rừng biết có người. Khuya, thỉnh thoảng kéo dây để ống lon treo quanh rẫy kêu, bọn heo, nai sợ không dám vào rẫy phá bắp.

Vân ngạc nhiên, kêu lên:

- Đơn giản vậy thôi à?

Y Nhớ góp chuyện:

- Ừ, nếu siêng thì khuya dạo một vòng quanh rẫy xem có con gì phá rào không.

Vân vui vẻ nói:

- Khuya ta đi quanh rẫy ngắm trời đêm chắc thú vị lắm!

- Nhất trí. Giờ nướng bắp ăn đã.

Uyên lấy bắp lột hết bẹ để lộ ra những hạt trắng ngà, to bằng nhau từ đầu đến cuối, dựng bắp cạnh đám than hồng mới cời ra. Một lúc sau hạt bắp chuyển qua mầu nâu nhạt như được tẩm mật ong, mùi thơm ngào ngạt. H’Uyên cầm một quả đưa cho Vân, nói:

- Bắp chín rồi, Vân ăn thử xem ngon không?

Vân đưa bắp lên mũi ngửi, miệng xuýt xoa:

- Thơm quá!

H’Uyên lấy tiếp một quả nữa đưa cho Y Nhớ:

- Ăn đi!

Vân đưa bắp lên mũi ngửi, hít hà, mắt ánh lên niềm vui rồi tách một hạt bỏ vào miệng, nhai chầm chậm. H’Uyên nhìn Vân ăn, mắt hình như tròn lại, nói:

- Nhìn Vân ăn thấy hay hay.

- Bắp bạn nướng ngon thiệt!

Nghe Vân nói vậy, H’Uyên được dịp khoe:

- Tây Nguyên nhiều thức ăn ngon lắm, nhất là trong rừng già, hôm nào ta đi khám phá một bữa nhé.

Vui chuyện, thế là hai bạn thi nhau kể về rừng, Vân tròn mắt ngồi nghe, quên luôn cả ăn.

*

- H... ùm.

Bỗng tiếng hổ gầm hình như ngay sát bìa rẫy làm Vân giật mình buông rơi quả bắp vừa mới ăn được vài miếng, người như lên cơn sốt, miệng cứng lại. Y Nhớ mặt tươi như hoa, buột miệng reo lên:

- Ô, ta được Yang (thần linh) giúp rồi.

H’Uyên vội giơ tay nắm lấy tay Vân, miệng mỉm cười, nói:

- Y Nhớ nói đúng đấy, Vân sợ con hổ à?

Vân run run tra hỏi:

- Hổ, hổ có leo lên đây được không?

Y Nhớ nhìn Vân, nói:

- Con hổ giống con mèo lớn nhưng lại không biết leo trèo nên ta ở trên chòi cao thế này nó không làm gì được đâu. Hổ sợ người vì con người có lửa nên nó không dám đến gần đâu.

Nghe H’Uyên nói vậy, cái sợ hình như cũng bay đi khỏi đầu, Vân tươi tỉnh trở lại, hỏi:

- Sao nghe tiếng hổ gầm mà Y Nhớ lại bảo là có Yang giúp?

H’Uyên nhặt chiếc bắp Vân làm rơi, phùng má thổi quanh quả bắp một lượt cho bay tro rồi đưa trả lại cho Vân, nói:

- Hổ chỉ gầm lên khi bắt mồi, hôm nay nó gầm như vậy là vồ được con thú định xuống rẫy phá bắp rồi. Những con thú khác chắc sợ mất vía nên không dám đến rẫy của chúng ta nữa. Tối nay yên tâm ngủ thôi, không phải kéo dậy hay đi tuần nữa.

Không giấu được ngạc nhiên, Vân nói với hai bạn mà như nói với chính mình:

- Ở rừng nhiều chuyện hay nhỉ!

Nghe Vân nói vậy, cả hai bạn bật cười, tiếng cười trong đêm vắng lan xa, vọng vào rừng già, tiếng vọng lại như rừng cũng đang cười chung vui với ba người. H’Uyên đề nghị:

- Y Nhớ thổi kèn đinh tắc cho Vân nghe đi.

- Xong ngay.

Dứt lời, Y Nhớ đứng dậy lấy quả bầu khô để trên kèo chòi canh rẫy xuống. Quả bầu có một que nứa to bằng ngón tay cái cắm vào bên hông, trên thân cây nứa có khoét lỗ như cây sáo. Y Nhớ đưa kèn lên miệng, âm thanh réo rắt phát ra làm Vân như lạc vào một thế giới thần tiên. Một cánh đồng cỏ mênh mông từng đàn voi, trâu, bò, nai... rảo bước kiếm ăn. Xa xa bên bến rước, người dân đang hòa tấu dàn chiêng ngân vang tạ ơn thần linh giúp đỡ để mùa màng bội thu...

- Rắn, Vân ngồi yên.

Đang thả tâm hồn theo tiếng kèn của Y Nhớ, Vân giật mình khi nghe H’Uyên hét lên nên sợ quá co dúm người lại. Y Nhớ ngừng thổi ngửa mặt nhìn lên nóc chòi rẫy, Vân nhìn theo và rùng mình, người ớn lạnh. Con rắn to bằng cổ tay, đen thui, phùng mang to như bàn tay xòe, thả đầu xuống phía dưới gần tới đầu Vân, lắc qua lắc lại, mồm không ngớt kêu lên: phì, phì, phì...

- Rắn hổ mang chúa đấy, độc lắm!

Y Nhớ nói như muốn nhắc Vân ngồi im, còn mình vơ cây xà gạc vung lên định chặt rắn. Thấy tư thế của Y Nhớ, H’Uyên vội nói:

- Không được giết nó.

Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao lại không giết, để nó ở đây lỡ cắn người thì sao. Mình lia cho nó một cái bay đầu, tối nay ta lại có món thịt rắn nướng ăn ngon tuyệt luôn.

- Đàn ông gì mà xấu thế, chỉ tính chuyện ăn thôi. Y Nhớ không biết nếu trên rẫy có rắn thì lũ chuột, sóc sẽ phải chạy thật xa rẫy à. Mà lũ chuột, sóc phá bắp có kém gì lũ khỉ.

H’Uyên vừa nói, vừa rút một cây củi đang cháy trong bếp giơ lên phía trên đầu Vân. Chắc nghe mùi khói và cảm nhận được cái nóng từ ngọn lửa, con rắn thu mình lên nóc chòi rồi trườn đi, lao xuống đất, biến mất trong màn đêm. Y Nhớ lao lại ôm choàng lấy Vân, như người bạn lâu lắm mới gặp lại nhau, miệng nói:

- Sợ không?

H’Uyên trả lời thay Vân:

- Chắc chắn là sợ rồi vì lần đầu gặp rắn mà. Rắn chỉ cắn khi ta vô tình chạm vào nó hoặc cố ý trêu chọc nó thôi; còn bình thường nó không tấn công con người.

Vân vẫn chưa hết sợ, ôm chặt bạn một lúc sau mới lên tiếng:

- Các bạn bảo thú rừng nghe hổ gầm thì chạy hết, sao con rắn lại bò lên chòi.

Y Nhớ buông Vân ra toét miệng cười, trả lời:

- Con rắn không có chân nên không chạy nhanh được. Nghe tiếng hổ sợ quá nên nó chạy lại với người để tránh hổ đấy.

Vân ngạc nhiên hỏi lại:

- Lúc tối các bạn bảo con thú gì trong rừng cũng sợ lửa, sao con rắn bự này lại đến gần bếp lửa của chúng ta thế?

- Chắc con rắn thấy Vân đẹp trai nên đến ngắm, làm quen đấy.

Nghe Y Nhớ trả lời, Vân đỏ mặt. H’Uyên lên tiếng:

- Đừng trêu Vân nữa, lũ bò sát này không sợ hổ vì hổ không ăn thịt chúng. Còn nó bò vào đây, chắc là muốn sưởi ấm thôi.

Vân đẩy mấy khúc cây vào bếp cho lửa cháy thành ngọn rồi mới thủng thẳng nói:

- Các bạn giải thích như thế chưa chuẩn lắm.

Y Nhớ trợn mắt, hỏi lại:

- Sao Vân nói vậy?

Vân thủng thẳng trả lời:

- Theo mình vì nghe tiếng kèn Y Nhớ thổi hay quá nên con rắn mới bò vào nghe đấy.

Y Nhớ chồm lên, vật Vân ngã quay ra sàn, miệng kêu lên:

- Dám trêu mình à!

Thấy hai bạn vật nhau, H’Uyên cười vui nói:

- Khuya rồi đấy, chúng ta ngủ thôi.

*

- Ò ó o!

Tiếng gà rừng gáy gần rẫy làm H’Uyên thức giấc ngồi dậy đẩy mấy thanh củi vào bếp, ngọn lửa bừng sáng. Y Nhớ và Vân vẫn ôm nhau ngủ say. Vân khuôn mặt tròn, da trắng, trán cao, mũi hơi dài một chút so với người Tây Nguyên. Có lẽ điều đặc biệt nhất ở Vân là tai, tai gì mà vừa to, lại dài y như tai tượng phật trên chùa. Ngắm bạn ngủ, H’Uyên chợt thoáng đỏ mặt nghĩ: tại sao nghĩ về hắn nhiều thế, không phải “hắn” là người Kinh duy nhất của lớp, đẹp trai lại học giỏi hơn mọi người nên mình là lớp trưởng phải thế thôi, không có gì khác...

Trời sáng dần, H’Uyên xuống rẫy bẻ thêm mấy cái bắp mang lên nướng để hai bạn dậy ăn sáng. Hình như mùi bắp nướng chín có tác dụng ngay, Vân mở mắt nhìn thấy H’Uyên ngồi bên bếp lửa vội ngồi dậy, ngạc nhiên hỏi:

- Bạn không ngủ sao dậy sớm thế?

H’Uyên nhìn Vân mỉm cười trả lời:

- Ông mặt trời nhìn xuống rẫy rồi mà.

Y Nhớ cũng ngồi dậy, góp lời:

- Ngủ trên rẫy sướng quá nên dậy muộn một chút.

H’Uyên lại cười như muốn khoe lúm đồng tiền trên má rồi mới nói:

- Hai bạn lấy nước trong quả bầu súc miệng, rửa mặt rồi ta ăn sáng.

Y Nhớ đổ nước cho Vân rửa mặt, miệng tía lia:

- Vân nghe gì không, tiếng vượn gọi bầy, lũ chim chào nhau buổi sáng giống như đang cùng ca hát chào bạn đấy, thích không?

- Ừ nghe thích thật.

Y Nhớ vui vẻ nói tiếp:

- Vậy ta cầm bắp đi quanh rẫy vừa ăn vừa xem có gì bất thường không.

Vân hưởng ứng:

- Nhất trí.

Cả ba men theo bìa rẫy, thỉnh thoảng một cơn gió ào đến thổi bay tóc như người mẹ đưa tay vuốt ve. Đang vui vẻ bước, bỗng Y Nhớ đứng sững lại, cái mũi phập phồng, hít hít trong không khí. Vân nhìn bạn ngạc nhiên hỏi:

- Có chuyện gì à?

- H’Uyên có nghe mùi gì không?

H’Uyên đi sau hai bạn cũng căng mắt nhìn vào trong rừng già, trả lời:

- Mình nghe như có mùi tanh của máu.

Vân cũng hít hít không khí, góp lời:

- Mình chỉ thấy mùi thơm của bắp thôi.

Y Nhớ, mặt đanh lại, nói:

- Hai bạn ở đây, mình vào rừng xem có chuyện gì nhé.

Vân không chịu, nói:

- Đi thì cùng đi cho biết chứ sợ gì.

H’Uyên lên tiếng:

- Vân nói đúng đấy.

Y Nhớ vạch rào chui qua trước, Vân và H’Uyên theo sau đi vào rừng. Rừng nhiều cây to, cao vút. Đi được một đoạn Y Nhớ reo lên:

- Đây rồi, hổ tặng quà chúng ta rồi.

Vân giật giật áo Y Nhớ, hỏi:

- Cái gì thế?

- Trong bụi dây bên gốc cây bằng lăng kia kìa.

Vân chạy lại bụi cây Y Nhớ chỉ, reo lên:

- Hổ chỉ ăn hết có hai đùi sau con heo bự thôi…

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

YANG ĐỊNH truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Vanvn.vn ngày mùng một tháng 7 năm 2024

 Dừng xe gần chân cầu thang, H’Xoan bước xuống, kêu to:

-Ama amí(1) ơi con về rồi nè!

Căn nhà lợp cỏ gianh dài như nhiều lớp học nối lại, sàn cao hơn mặt đất chừng một sãi tay; sàn nhà được lát bằng những cây tre to đập dập, dàn ra, kêu lên từng tiếng như đếm bước chân người đi qua. Lũ trẻ choai choai từ các căn nhà sàn bên cạnh ùa ra; có đứa không kịp xuống cầu thang, nhảy phốc qua cửa sổ xuống mặt đất chạy lại, mồm reo to:

– Amai(2) H’Xoan về rồi!

– Amai về rồi!

Hai người phụ nữ trong nhà bước ra đầu sàn. Người ra trước, mái tóc bạc trắng như cước không buộc, dài tận bắp chân, chắc phải ngoài bảy chục tuổi. Người phụ nữ đi sau, khuôn mặt hình trái xoan, tuổi ngoài năm mươi, tóc xanh đen óng mượt, giống y người đi trước, nở nụ cười tươi như nụ hoa hồng buổi sáng.

H’Xoan reo lên:

– Con chào hai amí ạ! Các em bỏ tay ra cho chị lên sàn nào.

Nghe H’Xoan nói, bọn trẻ mới bỏ tay ra quay lại nhìn Sin.

Sin cúi đầu chào hai người phụ nữ đứng trên đầu sàn:

– Cháu chào hai bác ạ!

Người tóc trắng nói:

– Lên sàn đi!

Lũ trẻ ùa lên sàn, bọn con gái kéo H’Xoan vào nhà trước; lũ con trai kéo Sin theo sau. Vào nhà Sin chưa biết phải ngồi ở đâu đã thấy người trong buôn kéo đến đầy nhà: già, trẻ, nam, nữ nói chuyện như… chim hót. H’Xoan nói gì đó với hai người phụ nữ bằng tiếng địa phương rồi quay lại bước đến bên Sin, nói:

– Xin giới thiệu với mọi người: đây là Tiến sĩ Nguyên Văn Sin, dạy con ở trường đại học ạ.

Mọi người vỗ tay ầm ầm, ra chiều thích thú. Chờ một phút để mọi người im lặng, H’Xoan nói tiếp:

– Xin mời mọi người ngồi xuống, H’Lan và H’Linh lấy bánh kẹo và thuốc lá trong giỏ ra mời mọi người giúp chị nào.

Người phụ nữ tóc bạc ngồi bên bếp lửa nhìn mọi người một lượt, rồi nói:

– Hôm nay H’Xoan về lại có cả thầy giáo đi cùng, ama H’Xoan cột ché rượu mời mọi người cùng vui nào.

Người đàn ông đứng tuổi bước xuống cầu thang, một lúc sau vác một ché rượu lên. Một người đàn ông khác mang đến năm chiếc cần làm bằng tre to như ngón tay út, dài gần sãi tay bước lại cắm vào miệng ché. Cánh thanh niên mang năm cái can hai chục lít đựng đầy nước đến để bên cạnh. Xong công việc chuẩn bị, một ông già đóng khố, mặc áo đen có tua đỏ, bước lại gần người phụ nữ tóc trắng, cúi xuông trịnh trọng nói một tràng tiếng thổ ngữ. Sin ngạc nhiên hỏi H’Xoan:

– Ông ta nói gì thế?

H’Xoan mắt nhìn thầy cúng, miệng trả lời:

– Ông thầy cúng của buôn mời Già làng lên vít cần rượu đầu tiên đón khách quý ấy mà.

– Má em là Già làng?

Không nén được sự ngạc nhiên, Sin kêu lên nho nhỏ; H’Xoan mắt vẫn chăm chăm nhìn amí, thì thào đáp lại:

– Dạ, người là chị gái má em, không lấy chồng mà nhận em làm con luôn?

Sin chưa kịp nói thêm đã nghe ông thầy cúng gọi:

– Mời thầy giáo lên vít cần rượu.

H’Xoan nắm tay kéo Sin bước lại bên ché rượu. Già làng đứng dậy cầm cần rượu đưa cho Sin; mọi người xung quanh nhìn hai người cười ồ cả lên. H’Xoan ngạc nhiên khi thấy mọi người cười vội quay lại nhìn Sin và… cũng bật cười thành tiếng, nói nhỏ:

– Em xin lỗi, mãi vui với mọi người quên không nhắc thầy bỏ mũ ra ạ.

Sin cũng bật cười vì đến lúc này mới biết mình vẫn đội mũ bảo hiểm như cái nồi cơm điện trên đầu. H’Xoan tháo khóa, Sin nhấc mũ ra khỏi đầu. Vừa bỏ mũ xuống, bỗng Già làng tái mặt, kêu lên một tiếng kêu tắc nghẹn:

– Thanh!

Cùng với tiếng kêu, Già làng đứng bật dậy, lao đến ôm chầm lấy Sin, gục đầu vào ngực, nức nở khóc. Tất cả những người có mặt trong căn nhà chứng kiến sự việc lặng đi, mắt tròn xoe, không tin những gì mình vừa nghe và đang thấy.

H’Xoan đứng như pho tượng nhà mồ, một lúc sau bước lại ôm lấy amí, giọng nghèn nghẹn:

– Amí ơi, đây là nai Sin ạ.

Già làng đẩy Sin ra, đôi mắt nhòe lệ ngắm nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, đôi lông mày như con sâu róm bò trên ấy và đô mắt to luôn nhìn thẳng vào người đối diện… những hình ảnh ấy sau bao nhiêu năm rồi vẫn như in vào đầu, nhầm sao được.

Sin nghèn nghẹn nói:

– Cháu là Sin con của bố Thanh ạ!

– Ừ, bao năm rồi, Yoan đã quên tôi!

Già làng nói từng tiếng tắc nghẹn, hai tay buông thõng xuống; không có Sin và H’Xoan đỡ chắc Già làng đã ngã xuống sàn. Sin hỏi:

– Già làng có phải là H’Nhi không?

H’Xoan ngạc nhiên thốt lên:

– Sao thầy biết tên amí em?

***

Gần trưa, H’Nhi men theo bờ suối bước đi; bỗng nghe tiếng chó sói sủa vọng đến nên bước vội đến xem. Trên miệng hố bom mới đào xuống bên cạnh suối, một bầy hơn chục con sói, con đứng, con ngồi đều hướng mắt xuống lòng hố bom nên không biết có người đến. Bước thêm mấy bước, H’Nhi vô tình dẫm vào một cành cây khô rơi trên mặt đất tạo nên tiếng động làm bầy sói quay lại nhìn; thấy người liền cụp đuôi chạy biến vào rừng. Dưới hố bom hơn chục con kỳ đà; con lớn bụng to như đầu người, con nhỏ cũng bằng bắp chân người lớn đang vây quanh một cục đất tròn chính giữa hố bom. Thấy lạ, khi nhìn kỹ thì hình như đó là một cái đầu người. Ngạc nhiên, H’Nhi bước đến gần hơn, giật mình thấy cục đất tròn chính giữa hố bom có đôi mắt đen giống người. H’Nhị sợ quá ngồi bệt xuống đất, tuột luôn xuống miệng hố bom. Bỗng nghe tiếng thì thào vọng đến:

– Đ… ừng đ… ừng x… uống, ng… uy h…iểm.

Ô, có người bị chôn sống ở đây. Phải cứu người mới được. Bùn đất đỏ ba zan đặc quánh như hồ đổ bê tông giữ chặt người rồi, mình mà bước xuống chắc cũng bị chôn luôn. Làm sao đây? Phải chặt cây lớn gác qua hai bên miệng hố bom rồi mới kéo người lên được. Nghĩ là làm, đặt gùi xuống, vác dao chặt bốn cây to như bắp đùi để gần sát đầu người, H’Nhi đi ra, ngồi xuống, moi đất móc tay phải người bị lấp lôi lên. Bùn đặc quá, mồ hôi chảy dài từ trán xuống mặt rồi xuống vú, nhỏ từng hạt lên đầu làm trôi đi lớp bùn phía trên, để lộ ra mái tóc đen bóng.

Tranh của họa sĩ Trần Thắng

Cố lắm mới lôi được cánh tay phải người ấy lên khỏi mặt bùn, bám vào cây để sát người. Mặt trời đã lên đỉnh đầu, đám bùn hình như đặc thêm lại, người thanh niên thều thào:

– N… ước!

Mình đoảng thật, người ta chắc khát lắm rồi, sao không lấy nước cho uống nhỉ; nghĩ vậy H’Nhi lên lấy quả bầu khô đựng nước để trong gùi, kê vào miệng cho người bị nạn uống. Chắc anh ta khát lắm, uống ừng ực. Uống nước xong, H’Nhi hỏi:

– Giơ tay kia lên được không?

– Không, nó dính chặt vào bùn rồi.

– Để tôi giúp.

H’Nhi lại ngồi xuống moi tiếp cánh tay phải, sau rồi phải nằm bò xuống thân cây để moi bùn, kéo tay; hì hục đến nửa buổi mới lôi được tay trái đặt lên cây.

– Đu người lên được không?

– Bùn bám chắc lắm, không cựa người nổi.

H’Nhi thừ người ra ngồi nìn, một lúc sau bỗng reo lên:

– A, mình có cách rồi, đợi nhé.

H’Nhi nói xong vác dao lên bờ suối chặt mấy cây nứa to bằng cổ chân, chẻ đôi, gõ cho rơi mắt phía trong rồi nối các cây nứa lại, dẫn nước suối phía trên chảy thẳng vào cổ người lạ. Có nước, bùn loãng ra, H’Nhi nằm xuống mấy khúc cây, ra sức móc bùn xung quanh người lạ cho nước tràn xuống, miệng nói:

– Cố gắng cựa mình xem nào!

– Cô lấy cây thọc xuống bên cạnh tôi cho nước chảy xuống bùn dưới ấy mới tan ra được.

Làm theo lời người lạ, một lúc sau, H’Nhi lôi được người lạ lên khỏi hố bùn, trên lưng vẫn có chiếc ba lô và khẩu súng AK báng gấp. Trời sụp tối, H’Nhi đưa người lạ xuống suối cùng tắm giặt rồi dẫn vào một chiếc hang đá gần bờ suối, đốt lửa để người lạ sưởi ấm và hong đồ.

Ngồi bên bếp lửa, Thanh kể: trên đường hành quân vào phía trong, không may bị sốt phải nằm lại mấy ngày. Khi đỡ, theo giao liên đuổi theo đơn vị. Trên đường đi không may bị thám báo phục kích, đồng chí giao liên hy sinh. Đêm tối, đường rừng, mãi chạy, không may bị rơi xuống hố bom và bị chôn sống luôn.

H’Nhi nói:

-Trong buôn nhiều người đau mà uống thuốc người Mĩ cho không khỏi nên mình đi hái lá về làm thuốc, không ngờ gặp được Thanh.

Thanh ngạc nhiên khen:

– Em giỏi nhỉ?

– Dạ!

– Em học trường nào vậy?

-Atun truyền lại cho từ năm mười hai mùa rẫy đấy.

Hai người say sưa kể cho nhau về quê mình, đêm trôi qua lúc nào không biết. Sáng ra, H’Nhi dẫn Thanh băng rừng tìm đến đơn vị du kích địa phương giao người. Khi chia tay, Thanh nói:

– Đất nước thống nhất, anh còn sống sẽ về tìm em!

***

Ngày Sin rời nhà lên trường nhập học, ông Thanh nắm tay con nói: con biết vì sao ta đặt con tên Sin không? Sin theo tiếng Êđê là con cọp. Trong chiến tranh, bố được một người con gái Êđê tên là H’Nhi, nhà dưới chân dãy Chư Yang Sin(4) cứu sống và hẹn nhau hòa bình ba sẽ tìm về. Trong trận chiến ở Xuân Lộc, bố bị thương; mù mắt, lại mất một chân nên đành lỡ hẹn. May mà được cô hộ lý là mẹ con bây giờ thương, bất chấp tất cả để nên duyên vợ chồng mới có con hôm nay. Con phải cố học cho giỏi, khi thành bác sĩ rồi có dịp về vùng đất ấy thay bố tạ lỗi với người ta.

Sin đang học năm thứ hai thì bố mất. Thương bố, thương mẹ, Sin tập trung vào học tập. Tốt nghiệp Đại học được nhà trường giữ lại làm việc, Sin lại cắm đầu nghiên cứu để giảng dạy tốt hơn, chưa nghĩ đến chuyện vợ con, dù rất nhiều nữ đồng nghiệp, sinh viên các khóa quý mến.

Như duyên số Yang định, Sin gặp H’Xoan – Phó bí thư Đoàn trường, học giỏi, thầy trò mến nhau. Nhân dịp nghỉ lễ 30 tháng tư H’Xoan mời thầy về thăm quê, khám phá vùng đất linh thiêng đại ngàn Tây Nguyên. Không ngờ, chuyến đi như một định mệnh để Sin gặp lại cố nhân của bố. Nghe Sin kể xong chuyện nhà, bà H’Nhi lau nước mắt rồi tháo vòng cổ có cột chiếc nanh cọp bọc bạc ra, nói:

-Thôi, âu đó cũng tại chiến tranh nên lỡ hẹn. Con hãy nhận lấy kỹ vật này của ta thay bố. Vậy là ta có thể an lòng ra đi được rồi.

HỒNG CHIẾN

—————————————-

Chú thích tiếng Ê đê:

(1)Ama amí: ba má.

(2)Amai: chi.

(3)Yang: thần linh.

(4)Chư Yang Sin: núi Thần Cọp.




Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

NGƯỜI TỎ SÁNG TRONG TA hồi ký của HỒNG CHIẾN đăng trên tạp chí NHÀ BÁO&CUỘC SỐNG số ra tháng 9/2024

 



Tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đột ngột ra đi làm tôi bàng hoàng. Người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người cán bộ mẫu mực hết lòng vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân đã đi vào cõi vĩnh hằng. Những người ngồi cạnh tôi nhìn màn hình tivi bật khóc, nước mắt chảy thành dòng trên má. Có người nghẹn ngào nói: Thế là bác Trọng đã đi thật rồi! 

Nhìn di ảnh, tôi bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc trong cuộc đời mình có vinh dự gặp và chụp ảnh chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngày ấy, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt nam (25/7/1948 - 25/7/2013) tổ chức tại thủ đô Hà Nội, sáng ngày 25/7/2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự. Sau buổi Lễ, Ban tổ chức mời các đại biểu chụp ảnh chung với Tổng bí thư - tôi có may mắn được đứng gần Bác - đó là lần thứ nhất.

 Lần thứ hai: tại Đại hội chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2016-2021); sáng 09/01/2016, Đại hội vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự. Bế mạc Đại hội, Ban tổ chức mời Tổng bí thư ra tiền sảnh hội trường để chụp hình chung với các đại biểu. Tôi ra trước chọn vị trí đẹp để chụp hình. Từ trong hội trường Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước ra trước, tiến thẳng lại phía tôi. Tôi nhìn vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng lúc bấy giờ như bị thôi miên. Khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao và đặc biệt đôi mắt sáng nhưng nhân từ của Tổng Bí thư làm tôi xúc động như gặp lại người cha, người thầy giáo mẫu mực lâu ngày xa cách. Tôi tự hỏi mình: người lãnh đạo cao nhất của Đảng đây ư, sao mà bình dị đến thế - là thực hay mơ? 

Tổng Bí thư nhìn tôi mĩm cười - một nụ cười đôn hậu làm tôi ấm lòng và quên luôn trên tay đang cầm máy ảnh. Rồi Người vẫy tay, mấy vị lãnh đạo đứng bên trái Tổng Bí thư tự động đứng giãn ra nhường chỗ cho tôi. Tôi mừng quá bước đến đứng cạnh Bác - thế là có bức ảnh để đời. 

Sau Đại hội, trở lại Tây Nguyên, trở về với công việc thường ngày ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk và Tạp chí Chư Yang Sin, tôi luôn tự hứa với chính mình phải sống và làm việc theo đúng Điều lệ Đảng, đúng luật pháp của Nhà nước và trước hết phải là một công dân tốt. Trong công tác, khi gặp việc khó khăn tôi lại như thấy nụ cười đôn hậu và ánh mắt tươi vui của Tổng Bí thư ngày ấy đang nhìn, động viên, khích lệ tôi cố gắng hơn lên để hoàn thành tốt công việc được giao.  

Nhớ Bác tôi nhớ tới lời dạy của Người: “Đánh con chuột đừng để vỡ bình. Làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được cái bình hoa. Tức là giữ được cái ổn định”. Với trách nhiệm của người cầm bút, người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, chúng ta phải nguyện đóng góp hết sức mình vào công việc của Đảng đặc biệt là chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chưa xong.

Tôi nghĩ: từ lời dạy ấy của Bác, người làm báo chúng ta phải có trách nhiệm với bài viết của mình, định hướng bạn đọc đến chân - thiện - mĩ; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, không để thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, chống phá chế độ. Trong công cuộc chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng và lãnh đạo trước đây, hôm nay và ngày mai Đảng ta vẫn sẽ tiếp tục. Chuột nhất định phải bắt cho kỳ hết. Những cây sâu mọt phải bị đưa vào lò. Trách nhiệm của người cầm bút phải thực sự là người chiến sỹ kiên trung, định hướng cho dự luận nhận rõ bản chất vấn đề, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà thế hệ cha ông chúng ta đã phải đổ xương máu mới giành lại được. 

Công cuộc xây dựng đất nước ta trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ. Cuộc sống của người dân cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã có bước chuyển mình rõ rệt. Minh chứng rõ nhất tại tỉnh Đắk Lắk chúng ta có huyện Krông Pắk, năm 2023 mua hơn 1200 xe ô tô các loại, là huyện mua nhiều ô tô nhất so với các huyện khác trong cả nước. Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, sạch đẹp, tình hình an ninh được đảm bảo. 

Tôi tin: tuy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những công việc Bác làm chưa xong sẽ được Ban chấp hành Trung ương Đảng đương nhiệm và tân Tổng Bí Thư Tô Lâm sẽ tiếp tục thực hiện để làm trong sạch đảng, cũng cố vững chắc chính quyền, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp sắp tới, đưa nước nhà tiếp tục phát triển ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã dạy.