Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

YANG ĐỊNH truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Vanvn.vn ngày mùng một tháng 7 năm 2024

 Dừng xe gần chân cầu thang, H’Xoan bước xuống, kêu to:

-Ama amí(1) ơi con về rồi nè!

Căn nhà lợp cỏ gianh dài như nhiều lớp học nối lại, sàn cao hơn mặt đất chừng một sãi tay; sàn nhà được lát bằng những cây tre to đập dập, dàn ra, kêu lên từng tiếng như đếm bước chân người đi qua. Lũ trẻ choai choai từ các căn nhà sàn bên cạnh ùa ra; có đứa không kịp xuống cầu thang, nhảy phốc qua cửa sổ xuống mặt đất chạy lại, mồm reo to:

– Amai(2) H’Xoan về rồi!

– Amai về rồi!

Hai người phụ nữ trong nhà bước ra đầu sàn. Người ra trước, mái tóc bạc trắng như cước không buộc, dài tận bắp chân, chắc phải ngoài bảy chục tuổi. Người phụ nữ đi sau, khuôn mặt hình trái xoan, tuổi ngoài năm mươi, tóc xanh đen óng mượt, giống y người đi trước, nở nụ cười tươi như nụ hoa hồng buổi sáng.

H’Xoan reo lên:

– Con chào hai amí ạ! Các em bỏ tay ra cho chị lên sàn nào.

Nghe H’Xoan nói, bọn trẻ mới bỏ tay ra quay lại nhìn Sin.

Sin cúi đầu chào hai người phụ nữ đứng trên đầu sàn:

– Cháu chào hai bác ạ!

Người tóc trắng nói:

– Lên sàn đi!

Lũ trẻ ùa lên sàn, bọn con gái kéo H’Xoan vào nhà trước; lũ con trai kéo Sin theo sau. Vào nhà Sin chưa biết phải ngồi ở đâu đã thấy người trong buôn kéo đến đầy nhà: già, trẻ, nam, nữ nói chuyện như… chim hót. H’Xoan nói gì đó với hai người phụ nữ bằng tiếng địa phương rồi quay lại bước đến bên Sin, nói:

– Xin giới thiệu với mọi người: đây là Tiến sĩ Nguyên Văn Sin, dạy con ở trường đại học ạ.

Mọi người vỗ tay ầm ầm, ra chiều thích thú. Chờ một phút để mọi người im lặng, H’Xoan nói tiếp:

– Xin mời mọi người ngồi xuống, H’Lan và H’Linh lấy bánh kẹo và thuốc lá trong giỏ ra mời mọi người giúp chị nào.

Người phụ nữ tóc bạc ngồi bên bếp lửa nhìn mọi người một lượt, rồi nói:

– Hôm nay H’Xoan về lại có cả thầy giáo đi cùng, ama H’Xoan cột ché rượu mời mọi người cùng vui nào.

Người đàn ông đứng tuổi bước xuống cầu thang, một lúc sau vác một ché rượu lên. Một người đàn ông khác mang đến năm chiếc cần làm bằng tre to như ngón tay út, dài gần sãi tay bước lại cắm vào miệng ché. Cánh thanh niên mang năm cái can hai chục lít đựng đầy nước đến để bên cạnh. Xong công việc chuẩn bị, một ông già đóng khố, mặc áo đen có tua đỏ, bước lại gần người phụ nữ tóc trắng, cúi xuông trịnh trọng nói một tràng tiếng thổ ngữ. Sin ngạc nhiên hỏi H’Xoan:

– Ông ta nói gì thế?

H’Xoan mắt nhìn thầy cúng, miệng trả lời:

– Ông thầy cúng của buôn mời Già làng lên vít cần rượu đầu tiên đón khách quý ấy mà.

– Má em là Già làng?

Không nén được sự ngạc nhiên, Sin kêu lên nho nhỏ; H’Xoan mắt vẫn chăm chăm nhìn amí, thì thào đáp lại:

– Dạ, người là chị gái má em, không lấy chồng mà nhận em làm con luôn?

Sin chưa kịp nói thêm đã nghe ông thầy cúng gọi:

– Mời thầy giáo lên vít cần rượu.

H’Xoan nắm tay kéo Sin bước lại bên ché rượu. Già làng đứng dậy cầm cần rượu đưa cho Sin; mọi người xung quanh nhìn hai người cười ồ cả lên. H’Xoan ngạc nhiên khi thấy mọi người cười vội quay lại nhìn Sin và… cũng bật cười thành tiếng, nói nhỏ:

– Em xin lỗi, mãi vui với mọi người quên không nhắc thầy bỏ mũ ra ạ.

Sin cũng bật cười vì đến lúc này mới biết mình vẫn đội mũ bảo hiểm như cái nồi cơm điện trên đầu. H’Xoan tháo khóa, Sin nhấc mũ ra khỏi đầu. Vừa bỏ mũ xuống, bỗng Già làng tái mặt, kêu lên một tiếng kêu tắc nghẹn:

– Thanh!

Cùng với tiếng kêu, Già làng đứng bật dậy, lao đến ôm chầm lấy Sin, gục đầu vào ngực, nức nở khóc. Tất cả những người có mặt trong căn nhà chứng kiến sự việc lặng đi, mắt tròn xoe, không tin những gì mình vừa nghe và đang thấy.

H’Xoan đứng như pho tượng nhà mồ, một lúc sau bước lại ôm lấy amí, giọng nghèn nghẹn:

– Amí ơi, đây là nai Sin ạ.

Già làng đẩy Sin ra, đôi mắt nhòe lệ ngắm nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, đôi lông mày như con sâu róm bò trên ấy và đô mắt to luôn nhìn thẳng vào người đối diện… những hình ảnh ấy sau bao nhiêu năm rồi vẫn như in vào đầu, nhầm sao được.

Sin nghèn nghẹn nói:

– Cháu là Sin con của bố Thanh ạ!

– Ừ, bao năm rồi, Yoan đã quên tôi!

Già làng nói từng tiếng tắc nghẹn, hai tay buông thõng xuống; không có Sin và H’Xoan đỡ chắc Già làng đã ngã xuống sàn. Sin hỏi:

– Già làng có phải là H’Nhi không?

H’Xoan ngạc nhiên thốt lên:

– Sao thầy biết tên amí em?

***

Gần trưa, H’Nhi men theo bờ suối bước đi; bỗng nghe tiếng chó sói sủa vọng đến nên bước vội đến xem. Trên miệng hố bom mới đào xuống bên cạnh suối, một bầy hơn chục con sói, con đứng, con ngồi đều hướng mắt xuống lòng hố bom nên không biết có người đến. Bước thêm mấy bước, H’Nhi vô tình dẫm vào một cành cây khô rơi trên mặt đất tạo nên tiếng động làm bầy sói quay lại nhìn; thấy người liền cụp đuôi chạy biến vào rừng. Dưới hố bom hơn chục con kỳ đà; con lớn bụng to như đầu người, con nhỏ cũng bằng bắp chân người lớn đang vây quanh một cục đất tròn chính giữa hố bom. Thấy lạ, khi nhìn kỹ thì hình như đó là một cái đầu người. Ngạc nhiên, H’Nhi bước đến gần hơn, giật mình thấy cục đất tròn chính giữa hố bom có đôi mắt đen giống người. H’Nhị sợ quá ngồi bệt xuống đất, tuột luôn xuống miệng hố bom. Bỗng nghe tiếng thì thào vọng đến:

– Đ… ừng đ… ừng x… uống, ng… uy h…iểm.

Ô, có người bị chôn sống ở đây. Phải cứu người mới được. Bùn đất đỏ ba zan đặc quánh như hồ đổ bê tông giữ chặt người rồi, mình mà bước xuống chắc cũng bị chôn luôn. Làm sao đây? Phải chặt cây lớn gác qua hai bên miệng hố bom rồi mới kéo người lên được. Nghĩ là làm, đặt gùi xuống, vác dao chặt bốn cây to như bắp đùi để gần sát đầu người, H’Nhi đi ra, ngồi xuống, moi đất móc tay phải người bị lấp lôi lên. Bùn đặc quá, mồ hôi chảy dài từ trán xuống mặt rồi xuống vú, nhỏ từng hạt lên đầu làm trôi đi lớp bùn phía trên, để lộ ra mái tóc đen bóng.

Tranh của họa sĩ Trần Thắng

Cố lắm mới lôi được cánh tay phải người ấy lên khỏi mặt bùn, bám vào cây để sát người. Mặt trời đã lên đỉnh đầu, đám bùn hình như đặc thêm lại, người thanh niên thều thào:

– N… ước!

Mình đoảng thật, người ta chắc khát lắm rồi, sao không lấy nước cho uống nhỉ; nghĩ vậy H’Nhi lên lấy quả bầu khô đựng nước để trong gùi, kê vào miệng cho người bị nạn uống. Chắc anh ta khát lắm, uống ừng ực. Uống nước xong, H’Nhi hỏi:

– Giơ tay kia lên được không?

– Không, nó dính chặt vào bùn rồi.

– Để tôi giúp.

H’Nhi lại ngồi xuống moi tiếp cánh tay phải, sau rồi phải nằm bò xuống thân cây để moi bùn, kéo tay; hì hục đến nửa buổi mới lôi được tay trái đặt lên cây.

– Đu người lên được không?

– Bùn bám chắc lắm, không cựa người nổi.

H’Nhi thừ người ra ngồi nìn, một lúc sau bỗng reo lên:

– A, mình có cách rồi, đợi nhé.

H’Nhi nói xong vác dao lên bờ suối chặt mấy cây nứa to bằng cổ chân, chẻ đôi, gõ cho rơi mắt phía trong rồi nối các cây nứa lại, dẫn nước suối phía trên chảy thẳng vào cổ người lạ. Có nước, bùn loãng ra, H’Nhi nằm xuống mấy khúc cây, ra sức móc bùn xung quanh người lạ cho nước tràn xuống, miệng nói:

– Cố gắng cựa mình xem nào!

– Cô lấy cây thọc xuống bên cạnh tôi cho nước chảy xuống bùn dưới ấy mới tan ra được.

Làm theo lời người lạ, một lúc sau, H’Nhi lôi được người lạ lên khỏi hố bùn, trên lưng vẫn có chiếc ba lô và khẩu súng AK báng gấp. Trời sụp tối, H’Nhi đưa người lạ xuống suối cùng tắm giặt rồi dẫn vào một chiếc hang đá gần bờ suối, đốt lửa để người lạ sưởi ấm và hong đồ.

Ngồi bên bếp lửa, Thanh kể: trên đường hành quân vào phía trong, không may bị sốt phải nằm lại mấy ngày. Khi đỡ, theo giao liên đuổi theo đơn vị. Trên đường đi không may bị thám báo phục kích, đồng chí giao liên hy sinh. Đêm tối, đường rừng, mãi chạy, không may bị rơi xuống hố bom và bị chôn sống luôn.

H’Nhi nói:

-Trong buôn nhiều người đau mà uống thuốc người Mĩ cho không khỏi nên mình đi hái lá về làm thuốc, không ngờ gặp được Thanh.

Thanh ngạc nhiên khen:

– Em giỏi nhỉ?

– Dạ!

– Em học trường nào vậy?

-Atun truyền lại cho từ năm mười hai mùa rẫy đấy.

Hai người say sưa kể cho nhau về quê mình, đêm trôi qua lúc nào không biết. Sáng ra, H’Nhi dẫn Thanh băng rừng tìm đến đơn vị du kích địa phương giao người. Khi chia tay, Thanh nói:

– Đất nước thống nhất, anh còn sống sẽ về tìm em!

***

Ngày Sin rời nhà lên trường nhập học, ông Thanh nắm tay con nói: con biết vì sao ta đặt con tên Sin không? Sin theo tiếng Êđê là con cọp. Trong chiến tranh, bố được một người con gái Êđê tên là H’Nhi, nhà dưới chân dãy Chư Yang Sin(4) cứu sống và hẹn nhau hòa bình ba sẽ tìm về. Trong trận chiến ở Xuân Lộc, bố bị thương; mù mắt, lại mất một chân nên đành lỡ hẹn. May mà được cô hộ lý là mẹ con bây giờ thương, bất chấp tất cả để nên duyên vợ chồng mới có con hôm nay. Con phải cố học cho giỏi, khi thành bác sĩ rồi có dịp về vùng đất ấy thay bố tạ lỗi với người ta.

Sin đang học năm thứ hai thì bố mất. Thương bố, thương mẹ, Sin tập trung vào học tập. Tốt nghiệp Đại học được nhà trường giữ lại làm việc, Sin lại cắm đầu nghiên cứu để giảng dạy tốt hơn, chưa nghĩ đến chuyện vợ con, dù rất nhiều nữ đồng nghiệp, sinh viên các khóa quý mến.

Như duyên số Yang định, Sin gặp H’Xoan – Phó bí thư Đoàn trường, học giỏi, thầy trò mến nhau. Nhân dịp nghỉ lễ 30 tháng tư H’Xoan mời thầy về thăm quê, khám phá vùng đất linh thiêng đại ngàn Tây Nguyên. Không ngờ, chuyến đi như một định mệnh để Sin gặp lại cố nhân của bố. Nghe Sin kể xong chuyện nhà, bà H’Nhi lau nước mắt rồi tháo vòng cổ có cột chiếc nanh cọp bọc bạc ra, nói:

-Thôi, âu đó cũng tại chiến tranh nên lỡ hẹn. Con hãy nhận lấy kỹ vật này của ta thay bố. Vậy là ta có thể an lòng ra đi được rồi.

HỒNG CHIẾN

—————————————-

Chú thích tiếng Ê đê:

(1)Ama amí: ba má.

(2)Amai: chi.

(3)Yang: thần linh.

(4)Chư Yang Sin: núi Thần Cọp.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI