Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

VỚI CÂY BÚT - tác giả HOÀNG THẾ




Cây bút nhỏ như nhiều cây bút
Đã cùng tôi thao thức những đêm dài
Nghe hơi thở của đồng của đất
Mồ hôi rơi thấm đẫm luống cày…

Nghe dòng sông bên lở bên bồi
Mùa lũ về, con nhện cõng trứng trèo ngọn cỏ
Đảo nổi đảo chìm đang ì ầm bão tố
Đất nước hòa bình – cây bút chưa bình yên!

Cây bút thương em ăn sẻn để dành
Đi sớm về khuya, đầu sương chân giá
Đất nước còng lưng như dáng mẹ
Và anh nao lòng đi và viết, viết và đi!

Nghe tiếng người xưa tha thiết vọng về
Trái tim đập theo từng con chữ
Biết giữ mình trước trò đời cám dỗ
Và cây đời lại nở thêm hoa.



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

VÀI NÉT VỀ ĐỀN THỜ TRONG KHU DI TÍCH TRÀNG AN - NINH BÌNH



Đền thờ Đinh Điền và Lưu Cơ

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Đền Trần hơn 1.000 năm

Thêm chú thích

Thêm chú thích
Phủ Khổng có gốc thị 1.000 năm tuổi

Thêm chú thích

Thêm chú thích
Bên nước Phủ Khổng

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

MỘT THOÁNG TRÀNG AN

Gom được vài tấm hình về khu du lịch sinh thái Tràng An, xin chia sẻ cùng các bạn.


Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

ĂN MÀY NƠI CỬA PHẬT!

Đoàn văn nghệ sĩ Dak Lak trên đường lên Điện Biên Phủ đi thực tế sáng tác, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên; ngày 21 tháng 6 dừng chân tại thành phố Ninh Bình và được Hội VHNT Ninh Bình dẫn đi thăm khu du lịch sinh thái Bái Đính. Chủ nhà xin giới thiệu vài hình ảnh bất ngờ lượm được nhân chuyến đi này:




Góc khuất trước mắt Phật!



Nương nhờ cửa Phật!
Nương nhờ bóng Phật!

Hướng thiện
Cửa phật tôn nghiêm



Mưu sinh nơi cửa phật

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

THANG ÂM (tiếp theo)


Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN



Nhưng đời không ai có thể biết trước điều gì, Đoàn vừa về đến tỉnh, xe công an ập đến còng tay Lê Quang đưa đi. Ông trưởng đoàn văn công chạy lên ty Công an hỏi mới được biết: hình như lính của ông là điệp ngầm cho chế độ cũ. Trong Đoàn, mọi người được dịp bàn tán: Cái thằng đó là quân do CIA đào tạo đấy! Mất cảnh giác quá, trong chế độ Ngụy, hắn  hơn hai mươi tuổi mà vẫn không bị bắt lính là có vấn đề rồi, thế mà không đoán ra! Cháy nhà ra mặt chuột, sao có thể để một tên phản động ở mãi trong cơ quan văn hóa – nghệ thuật như cơ quan chúng ta được. Có những người từng ghen với tài năng của Lê Quang còn mạnh miệng tuyên bố: Tuyển cả CIA vào làm việc chắc lãnh đạo Đoàn bị “mua” rồi! Nhưng cũng có người thương tình: Chắc có sự nhầm lẫn gì đây, hắn sống tình nghĩa như vậy không thể là thằng phản trắc. Mặc đồng nghiệp hay người yêu mến tiếng đàn có nói gì đi nữa thì vụ án của Lê Quang cũng không được xét xử, anh vẫn phải ở nhà tạm giam của cơ quan điều tra. Lâu dần người ta cũng đành chấp nhận quên dần tiếng đàn ghi ta của người nhạc sĩ còi.
     Trong khi ấy, Ở trại tạm giam, Lê Quang bị hỏi cung liên tục nhưng hình như vẫn chưa có gì rõ ràng. Chỉ vì một lẽ hồi chế độ cũ, vì mê tiếng đàn của người nhạc công nghèo, một tên bên An ninh đã gọi anh lên nói thẳng:
-         Mày đến tuổi đi Quân dịch rồi, nhưng ra đó thì một đi không trở lại nữa đâu, mẹ già ai nuôi! Mày ký vào giấy tờ này, tao bảo lãnh sẽ không ai quấy rầy mày nữa. Nếu không phải loạn lạc của chiến tranh với tài năng của mày chắc chắn đời sẽ khá đấy. Còn thời buổi này đành phải vậy thôi…! Mày đồng ý không?
-         Dạ!
Cũng từ đó không ai nhắc đến chuyện bắt Lê Quang đi lính cho tận đến ngày hòa bình. Không ngờ trong đống hồ sơ lưu trữ mà bên Công an có được lại vẫn lưu giữ tập hồ sơ đó. Dù có nói gì, khai gì đi nữa Cán bộ vẫn không tin, nên người nhạc công vẫn phải ở tù. 
*
*    *
     Cái tỉnh nghèo heo hút trên cao nguyên lại được dịp xôn xao, đường phố được chăng đầy cờ và biểu ngữ chào đón vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vào thăm. Lâu lắm mới có vị khách quý đến như vậy ghé vào nên tiếp đón chu đáo cũng phải. Đoàn Văn công của tỉnh được vinh dự biểu diễn chào mừng. Ông Vũ Cương bố trí tiết mục cuối cùng khép lại chương trình văn nghệ chào mừng là bản nhạc phổ thơ của chính vị lãnh đạo cao cấp vào thăm. Bản nhạc dứt, Lãnh đạo tỉnh xếp hàng ôm hoa tặng người có thơ được phổ nhạc hay quá; còn tác giả bài thơ lại đề nghị cho gặp Trưởng đoàn Văn công và người nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc thơ mình. Ông Vũ Cương cứ thực lòng báo cáo về người nhạc công phổ nhạc bài thơ không biết vì lí do gì mà bên công an tạm giữ mãi không xét xử. Nghe xong báo cáo, vị khách hỏi Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch gọi Trưởng ty Công an và… sáng hôm sau xe U - oat của bên An ninh chở Lê Quang trả về Đoàn với lời xin lỗi vì… nhầm!
Hôm sau nữa, Lãnh đạo tỉnh mời Lê Quang đến nhận quyết định cấp nhà ngay tại trung tâm thị xã, thế là hai mẹ con có nơi ở mới; chấm dứt cảnh ở thuê căn hộ nghèo nàn, lụp xụp.
Có điều từ đó trở đi, tiếng đàn của người nhạc công kém đi sức hấp dẫn và anh chỉ phổ nhạc cho những bài thơ mà anh cho rằng khi cần thiết, biết đâu lại trở thành cứu tinh cho mình.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

CỘI NGUỒN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN



 


Chuyện kể rằng: vào một ngày đẹp trời, nó bé tí ti, chui ra từ trong vỏ trên một cành cây rơi xuống, vừa chạm mặt đất đã hì hục đào ngay một đường hầm dài đến tận rễ cây ẩn sâu dưới lòng đất. Nó đào liên tục không ngưng nghỉ cho khi chạm một chiếc rễ cây, liền cắm chiếc vòi nhỏ bé nhưng cứng như sắt, xuyên qua lớp vỏ rễ cây để hút nhựa. Thế là từ đó, nó cứ từ từ đào hang, bò theo rễ cây để hút nhựa như đứa trẻ bú sữa mẹ và lớn dần lên, dần lên, to như ngón tay người.
Nghe nói anh em nhà nó cũng đông lắm, nhưng mỗi đứa một ngôi nhà riêng, không giao tiếp với nhau bao giờ. Chúng sống cô độc, chỉ lo ăn rồi ngủ tạo thành một con vật hình thù lỳ lạ: toàn thân được bao phủ một lớp giáp cứng nhìn qua như con Ăn Mày sống dưới ao hồ, nhưng thân hình tròn hơn một tý và đặc biệt còn có lớp lông nhỏ mọc ở rìa khớp nối của các mảnh áo chắp lại. Áo của nó nhìn qua như vỏ con tôm, mà con người thường loại là các đốt, có thể giúp co giản một cách thoải mái. Nó có sáu cái chân đầy lông lá, riêng hai chân trước to khủng khiếp, gấp năm lần bốn chân sau và cạnh sắc như dao. Riêng đôi mắt vừa to, lồi hẳn lên phía trước, nhìn qua có thể nhầm với mắt của một con ruồi khổng lồ. Kỳ lạ hơn, con vật không có miệng, hay nói chính xác hơn, miệng của nó chỉ nhỏ như cái kim khâu và dài gần bằng thân. Cư dân sinh sống dưới gốc cây phượng già nơi sân trường truyền tai nhau bảo: nó đã sống đến năm năm có dư ở đây rồi đấy.
*
**
          Một hôm, bác giun già đi ngang qua nhà nó, ngạc nhiên hỏi:
          -Lớn bằng chừng này rồi mà vẫn bám rễ cây, không đi tìm bạn à?
          -Chào bác Rồng, bác dài ngoằng thế kia, lại không có mắt sao biết cháu ở đây?
          -Ta không phải Rồng mà là Giun, Giun đất. Giun không có mắt nhưng vẫn cảm nhận được mọi vật xung quanh không giống loài Ve Sầu có mắt to đùng lại lồi hẳn ra khỏi đầu, trông xấu xí lắm, mà có nhìn thấy gì đâu trong lòng đất đặc quánh thế này.
          -Ô, bác Giun đất giỏi quá, vậy lũ Ve Sầu chúng ở đâu mà xấu xí thế?
          -Ha, ha, ha…
          -Sao bác lại cười?
          -Không cười sao được khi có loài đến cái tên của mình mà cũng không biết.
          -Tên cháu là, là… Ve Sầu ạ?
          -Cháu là ấu trùng Ve Sầu, khi nào lên khỏi mặt đất mới lột xác thành Ve Sầu.
          -Sao bác biết?
          -Ta, ta, ta… nghe cây Phượng kể lại.
          -Cây Phượng ở đâu vậy ạ?
       -Từ nhỏ, cháu đã được uống dòng sữa ngọt ngào từ rễ cây Phượng để trưởng thành, có bộ giáp cứng và đôi tay rắn chắc thế kia sao không biết ân nhân là ai cả thì lạ thật.
          -Ô, thế rễ cây Phượng không phải là má cháu ạ?
        -Xì, đó là bà nuôi thôi, còn má đẻ của cháu có đôi cánh xinh đẹp, bay lượn trên bầu trời tràn ngập ánh nắng mặt trời, đẹp lắm.
       -A, cháu cũng có má, trên kia còn có nắng. Ánh nắng nó thế nào, nó có giống như những hòn đá ở quanh hang của cháu không?
          -Cháu phải lên khỏi mặt đất sẽ thấy ánh nắng ngay thôi mà.
          -Làm sao cháu có thể lên trên đó.
         -Cháu đào một đường hầm theo lối đi của ta lên khỏi mặt đất rồi hỏi cây Phượng, chắc chắn sẽ có câu trả lời chính xác.
          Nói xong bác Giun dài ngoằng, bắt đầu đào đất. Lạ quá, cái đầu mềm nhũn vậy mà thúc vào đâu, đất phải co lại để nhường đường cho bác Giun đi, tạo thành một cái hang dài để di chuyển dưới lòng đất tối tăm. Ta có mắt, lại to khỏe thế này mà cứ thui thủi đi theo sau thì bao giờ mới lên trên mặt đất được; nghĩ thế, ấu trùng Ve Sầu kêu lên:
          -Bác Giun ơi, theo bác thế này thì biết khi nào cháu mới lên được mặt đất, bác chỉ đường để cháu tự đào cho nhanh.
          -Cháu nói cũng phải, cứ đào theo hướng bác chỉ đây, như thế sẽ lên đến mặt đất đấy.
          Nó mừng quá, bắt tay vào đào ngay. Đào liên tục, không kể ngày đêm, quên luôn cả ăn uống với một ý chí mãnh liệt: thoát khỏi lòng đất tối tăm để lên gặp má, gặp anh em, bạn bè; thấy ánh nắng, gió và mây. Có đoạn gặp cả một tảng đá khổng lồ to như ngón tay út con người; hai tay nó chạm vào đau ê ẩm, không thể nào phá được. Nó gục đầu khóc, bất lực trước tảng đá ngáng đường; bao nhiêu hy vọng tan vỡ. Nhưng rồi, trong đầu chợt lóe lên suy nghĩ: đất thử thách ta chăng, đâu có con đường nào dễ dàng mà đến được hạnh phúc, phải gắng lên thôi; không dùng sức mạnh được thì phải dùng trí tuệ khuất phục tự nhiên. Thế là ấu trùng Ve Sầu đào đường ngang tránh khỏi hòn đá, rồi tiếp tục đào ngược lên. Hình như càng lên cao, đất cứ ấm dần lên cho đến lúc vừa thúc một cái thật mạnh thì… ào, ào, ào…
          Bất ngờ nghe tiếng động giữ dội tràn qua, ấu trùng Ve Sầu vội rụt đầu lui vội vào hang, đôi mắt trợn tròn nhìn lên phía trên. Lần đầu tiên trong đời nó nhận được cảm giác của gió, mát lạnh làm cả thể xác như bay bổng, rồi bầu trời xanh đen, tròn như miệng hang, lốm đốm những vì sao bé tí tẹo. Nó sung sướng reo lên:
          -Thế là ta đã lên đến mặt đất, thấy bầu trời tròn và cảm nhận được gió rồi.
          -Giỏi lắm, nhưng bầu trời không tròn đâu cháu.
          -Tiếng ai đấy ạ?
          -Ta đây!
          -A, bà Phượng, bà cũng biết nói à?
          -Đúng rồi!
          -Tại sao bà bảo trời không tròn, cháu thấy tròn mà.
-Tại cái hang cháu đang núp hình tròn nên cháu thấy trời tròn, hãy ra khỏi hang đi nào.
-Hay quá, trời giống cái vung úp xuống mặt đất. Bà ơi ba má cháu đâu?
          -Cháu hãy lại đây, bám vào thân ta, cố gắng leo lên cành của ta đã nào.
          -Dạ!
          Cây phượng đưa những cành lá đùa giỡn với gió tạo thành tiếng ca như một bản nhạc. Xa xa, tiếng của lũ dế mèn rả rích trong đêm như khích lệ ấu trùng Ve Sầu bỏ hang đang ẩn nấp tiến lại ôm lấy cây Phượng, từ từ leo lên.
          Từ nhỏ đến lớn, ấu trùng Ve Sầu chỉ chui lủi trong lòng đất, sống trong hang tăm tối, hết ăn rồi ngủ; ngủ đã lại dậy ăn, cho đến khi được Giun đất cho biết ngoài lòng đất tối tăm còn có mặt đất, có ba má rồi bạn bè ở trên đó thì cố đào hang tìm đường lên. Đến lúc này nó thấm mệt, muốn gục xuống đánh một giấc. Cây Phượng dựng đứng, không như mặt đất bằng phẳng, bám vào đã khó nói gì leo lên, nhưng phải cố thôi, đi để gặp ba má – nó tự nhủ rồi bám vào cây bắt đầu leo lên.
          Thỉnh thoảng, một cơn gió ào đến như định túm nó ném xuống mặt đất. Nó gồng mình, nặng nhọc dùng hết sức bám chặt vào vỏ cây, nhích từng tí một, tí một với hy vọng sắp được đoàn tụ với gia đình.
*
**
          -Tắc kè, tắc kè, tắc k… e…è!
          Tiếng gầm bất ngờ vang lên bên tai làm ấu trùng Ve Sầu giật mình suýt buông tay rơi lại xuống mặt đất. Trước mặt, một con thú khổng lồ, đầu bẹp như đầu rắn, có bốn chân, mình khoác áo màu xám có nhiều chấm: đen, xanh, đỏ… Cái mồm nó to như thế kia mà há ra chắc nuốt sống mình luôn. Lấy hết sức bình sinh, nó bám bốn chân chắc vào vỏ cây, cố đứng thẳng người lên, giơ hai tay rắn chắc lên phía trước nghênh chiến. Giá như gặp con vật này trước đây ít ngày chắc chắn với những cái răng đào đất nơi hai cánh tay thì con quái vật này không dễ ăn thịt được mình, nhưng giờ đây… Nước mắt nó sắp trào ra vì thấy bất lực, không thể thoát chết trước quái vật... không gặp được ba má nữa rồi.
          Con quái vật, giương đôi mắt lồi ra trên đỉnh đầu, ngắm nhìn đối thủ một lúc như đánh giá sức lực, rồi đột ngột bỏ đi. Ấu trùng Ve Sầu đứng nhìn theo mà chân vẫn còn run. Tiếng cây Phượng vọng đến:
          -Cố lên nào, sắp đến nơi rồi đấy.
          -Dạ!
          Nó tiếp tục nặng nhọc lê từng bước một, lên cao một chút nữa đến được cành cây gần nhất. Vừa lúc ấy phương đông ửng hồng, bầu trời xanh mỗi lúc một rõ dần, che khuất hết các vì sao. Ông mặt trời tròn như chiếc dĩa vén đám mây hồng nhìn xuống trần gian làm áo quần ấu trùng Ve Sầu cứng lại, nó hoảng hốt kêu lên:
          -Bà Phượng ơi cháu không đi được nữa rồi, chắc là sắp chết, không gặp được má nữa rồi.
          -Cháu ngoan, hãy cố lên, bây giờ mới là lúc quyết định để cháu trưởng thành đấy.
          -Ôi, bà ơi, lưng cháu hình như đang nứt ra.
          -Đúng rồi, nhờ ánh mặt trời cởi giúp cháu bộ quần áo chỉ phù hợp khi còn sống trong lòng đất.
          -Đau lắm bà ơi!
         -Cố lên nào, cháu sẽ có bộ áo quần mới và đôi cánh đẹp để bay lượn trong không gian, gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa.
          Tiếng cây Phượng thủ thỉ, động viên giúp ấu trùng Ve Sầu bớt đau đớn khi thoát dần khỏi bộ quần áo xanh sẩm để hiện ra một hình hài hoàn toàn khác. Bất chợt một con chuồn chuồn kim bay qua trông thấy reo lên;
          -A, thêm một cư dân mới – Ve Sầu vừa lột xác xong nè các bạn ơi!
         Ấu trùng Ve Sầu thấy bầy chuồn chuồn bay đến, có vẻ ngượng ngùng khẽ vẫy vẫy đôi cánh trên lưng, cất tiếng chào lại:
          -Tên tôi là Ve Sầu à?
          -Đúng rồi.
          -Má tôi đâu?
          -Chúc mừng con đã trưởng thành – tiếng cây Phượng vọng đến.
          -Bà ơi ba má con ở đâu?
        -Con đã trưởng thành rồi nên cũng phải được biết sự thật, họ đã vào cõi vĩnh hằng từ lâu rồi.
          Nghe cây Phượng trả lời, Ve Sầu đau đớn, từ trong bụng đột ngột vang lên:
          -Ve, ve, ve…

          Thật không ngờ, tiếng ve vừa vang lên đã nghe thấy những tiếng vù vù từ xa vọng lại, rõ dần; rồi không biết lũ ve trốn ở đâu ùa đến chào mừng con ve vừa lột xác. Tất cả bọn chúng quây quần bên nhau, cùng tấu lên dàn đồng ca rộn rã buổi sáng: ve, ve, ve... 
        Hình như nghe tiếng ve, các cánh hoa phượng nơi đầu cành cũng rực đỏ cả lên làm lũ ong, bướm kéo cả bầy đến mở hội chào đón mùa hè. Lũ học trò nghe tiếng ve kêu thích lắm vì biết hè đến sẽ được nghỉ học nên tặng cho chúng biệt danh: ca sỹ mùa hè!

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

NGƯỜI MỘT NHÀ bút ký của Hồng Chiến - CHƯ YANG SIN SỐ: 190 THÁNG 6 NĂM 2008






Chiếc U oát màu xanh rêu của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng lầm lũi băng qua những cánh rừng khộp không còn một chiếc lá, mặt đất cong lên, hắt cái nóng vào mặt rát bỏng. Ngồi trên xe ô tô mà không khác gì hồi nhỏ cưỡi trâu lồng, mồ hôi đổ ra ướt đẫm quện với bụi phủ một lớp vàng khè trên quần áo. Khi mặt trời sắp khuất, xe chúng tôi đi cũng đến được nơi cần đến – Đồn Biên phòng phía Tây Nam tỉnh Dak Lak. Đồn được xây dựng khá đẹp trên một vùng đất bằng phẳng; trước sân, một vườn xoài chắc phải vài trăm cây, xanh mượt mà, cao khoảng hơn một mét, làm dịu đi cái khô cằn của mùa khô Tây Nguyên. Xe chạy theo đường bê tông lượn quanh vườn xoài trước khi dừng lại trước nhà khách. Xe dừng, cán bộ chỉ huy của Đồn ùa ra tận cửa xe đón chúng tôi. Người đàn ông cao gầy, mang quân hàm thiếu tá hồ hởi nói:
- Biết tin các anh vào, nên chúng tôi đợi mãi. Đi đường xa chắc mệt lắm phải không? Mời các anh vào nhà.
- Đường mùa khô vậy là đỡ lắm rồi đấy, chứ các anh đi vào mùa mưa có khi phải nằm giữa rừng vì lâøy, vì lũ nữa cơ.
Người mang quân hàm Đại uý nói thêm và siết chặt tay chúng tôi. Nói là đoàn Văn nghệ sĩ lên thăm nhưng chỉ có hai người, tôi và một Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh có lẽ vì tuổi tác nên khi bước xuống xe, mặt tái nhợt, chiếc túi đựng máy ảnh hình như cũng quá nặng với ông khi xuống xe nên anh Bộ đội mang quân hàm Đại uý nhanh tay đỡ hộ. Bên hành lang, xô nước mát và chiếc thau nhôm đã để sẵn, lau qua mặt mũi cho bớt bụi bặm chúng tôi được chủ nhà mời uống nước trà đá mát lạnh. Giữa rừng cây xơ xác vùng biên, chúng tôi bỗng thấy ấm lòng như được trở về nhà mình trước sự đón tiếp ân cần của những người lính xa nhà, xa quê, canh giữ biên cương cho Tổ Quốc. Chúng tôi hàng ngày đi công tác dùng xe có máy lạnh, chạy trên đường nhựa êm như ru, đến đâu cũng tiệc tùng, chiêu đãi ở những nhà hàng có điều hoà nhiệt độ, đầy đủ tiện nghi. Nhưng đó chỉ là thủ tục xã giao, chuyện của những ông khách, bà chủ; còn về đây nơi biên cương xa xôi, nơi nhà dân gần đồn nhất cũng phải 60 km, tôi lại cảm thấy ấm cúng lạ thường.
Sau thủ tục giới thiệu chủ khách, chúng tôi vui vẻ trò chuyện. Thiếu tá, Đồn trưởng Đặng Văn Thân nói:
- Đi đường mệt rồi, các anh nghỉ một lúc cho ráo mồ hôi, ra tắm rửa, ta dùng cơm tối, công việc có gì để sáng mai hãy tính.
- Anh em ở trong này cực quá nhưng lâu rồi cũng thành quen, chỉ sợ các bác lần đầu vào đây không may ốm lại khổ - Chính trị viên, Đại uý Bùi Đình Hướng, nói thêm.
Nghe giọng nói quen quen, tôi hỏi:
- Xin lỗi, bạn quê ở đâu?
- Em ở Thanh Hoá, còn bác quê ở đâu ạ!
- Mình cũng dân xà lách dây đây.  Thế bạn ở huyện nào?
- Em ở Tĩnh Gia, còn bác ở huyện nào?
- Mình dân Thủ đô nhà gần ga Thị Long. Bên này sông Yên quê mình bên kia sông là quê bạn đấy.
Hai em mừng quá xiết chặt tay nhau. Từ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc, cách xa quê trên ngàn cây số không ngờ lại có dịp gặp được nhau thế này, mừng quá. Bao kỉ niệm quê hương ùa về, hai người tranh nhau kể từ chuyện vui, chuyện buồn đến những chuyện mà giờ đây nhắc lại phải phì cười, nhưng trước kia, cái thời thanh niên đi học có thể lao vào choảng nhau sứt đầu mẻ trán như chơi. Ngay như từ dân xà lách dây, nếu tỉnh bạn nói câu đó đã đủ để đánh nhau rồi; còn người cùng tỉnh sẽ bị mắng là mất gốc, bôi nhọ quê hương. Nhưng nào ai thấu hiểu cặn kẽ câu “ăn rau má phá đường tàu” là thế nào, nếu không phải là những người thường xuyên “phá đường tàu vì hái rau má”. Thời chúng tôi còn là học sinh, cha anh vắng nhà để vào Nam chiến đấu, ở nhà cái đói triền miên đeo đẳng suốt tuổi học trò. Hàng ngày đi chăn trâu, hay trên đường đi học về hễ thấy chỗ nào có rau má là tranh thủ hái mang về ăn thay cơm cho đỡ đói; nhưng rau má nó mọc cũng có giới hạn chứ đâu phải là vô tận, hái mãi cũng hết. Hàng ngày đi qua đường tàu hoả, hễ thấy có lá rau má nào chui qua kẽ đá, ngoi lên là tranh nhau bươi đá để hái tận gốc cụm rau má ngon ngọt đó. Lúc bấy giờ còn nhỏ chỉ chú ý bươi đá hái rau, chứ đâu để ý, hái xong rau phải lấp đá lại đảm bảo an toàn cho đường tàu. Vì vậy ngẫm ra cái câu  “ăn rau má phá đường tàu” là hoàn toàn chính xác. Mải chuyện, hai anh em quên cả thời gian, Đồn trưởng Đặng Văn Thân phải chen vào:
- Còn cả đêm tâm sự cơ mà, để bác tranh thủ tắm rửa nữa chứ.
Hai anh em giật mình cười xoà.
*
**
Mấy anh em quây quần bên bàn ăn dọn sẵn, trên bàn món rau mà tôi rất thích có những năm món: rau xà lách, rau muống luộc, rau cải xào, củ cải luộc và rau cải muối xổi. Tôi tròn mắt trước những đĩa rau hấp dẫn kia. Nếu ai chưa có dịp đặt chân tới Tây Nguyên vào mùa khô, thì chưa thể hình dung sự khắc nghiệt của nó, nước dùng để ăn uống còn chưa đủ, tắm giặt phải dè xẻn từng giọt, rừng xơ xác, không một chiếc lá xanh, các con suối khô rang, điều kiện như vậy thử hỏi làm sao trồng được rau mà ăn! Như đoán được suy nghĩ của tôi, Bùi Đình Hướng nói:
- Nhờ Đồn có điện lưới quốc gia, lại khoan được giếng nên đơn vị tổ chức tăng gia, không những đủ dùng cho toàn đơn vị mà còn tặng nhân dân ở gần nữa đấy. Đảm bảo rau sạch, không dùng thuốc trừ sâu và phân hoá học đâu; các bác yên tâm. Biết các bác ở thành phố vào thích dùng rau nên chúng em chiêu đãi tiệc rau, đúng cây nhà lá vườn đấy ạ. Riêng cái món này mời các bác dùng thử và cho biết ý kiến.
Cái món mà anh Chính trị viên đồn giới thiệu, mời ăn thử, trông hình giáng giống con nòng nọc, thân bằng ngón tay út, đầu to như ngón tay cái, dài hơn ngón tay. Tôi cười nói ngay:
- Hình như là cá chuối con.
- Anh nếm thử món ăn dân dã này xem sao!
Tôi gắp một con đưa lên miệng, mùi thơm dìu dịu xông lên mũi, vị ngọt thấm đậm đầu lưỡi, làm người ăn có cảm giác lâng lâng. Tôi tấm tắc khen:
- Vùng này có loại cá chuối ngon thế này sao không ai mang về thành phố nuôi thử!
- Nó nhảy như ngoé, làm sao nuôi được. Đồn có hồ xây hòn non bộ trước sân, bắt cả ký mang về thả, sáng mai không còn con nào. Loại này chịu khô cực kì giỏi. Mùa khô, dòng suối bốn năm tháng không một giọt nước, nhưng mưa xuống một trận, chỉ cần lòng suối có nước đọng lại một vũng nhỏ, sáng mai đến đã thấy loại cá này lúc nhúc, có cảm giác thò tay xuống là vốc được cả nắm; nhưng nếu tát hết nước sẽ không còn một con nào nữa, chúng trốn vào khe đá sạch trơn. Muốn bắt phải lật đá lên, chúng túm tụm bốn năm con một chỗ, nhanh tay chộm một con định sẵn, tham vồ tất cả một lần thì chỉ được đá thôi vì cá nhảy đi hết. Loại này giống cá chuối, con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, còn hầu hết bằng ngón tay thôi. Chúng sống thành đàn ở các khe suối đá, thịt có hương vị đặc biệt. - Ông bạn đồng hương nói xong gắp bỏ vào chén cho mỗi người một con.
- Ngon thật - Ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh gật gù khen và nói thêm – Giá như có thêm ít lá sung, vài lá rau thơm nữa thì tuyệt vời.
- Để cháu hái lá xoài non và lá lộc vừng cho các bác ăn thử.
Người lính trẻ, tuổi đời chắc chưa qua hai mươi, gác đũa lên chén định đứng dậy, tôi gạt đi:
- Tối rồi, lại đang ăn, đi lại mất ngon.
- Cháu hái ngay cạnh bờ hè đây thôi mà.
- Món cá này tuyệt quá; giá như có một công ty Du lịch nào đó tổ chức khai thác loài cá này, đưa vào thực đơn của tua du lịch, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến với vùng đất này phải không ạ!
Anh chiến sỹ liên lạc xuýt xoa, tỏ vẻ tiếc rẻ khi chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất biên cương, nói thêm:
 -Mời các bác, các chú dùng cho nó nóng.
Tôi bắt chước ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh, lấy chiếc lá xoài màu tim tím, quấn thêm chiếc lá lộc vừng non rồi đặt con cá lóc đá nướng vào giữa, quấn lại, chấm nước mắm chanh ớt, đưa lên miệng cắn một miếng, nhai chầm chậm cho vị ngọt, vị thơm thấm dần vào đầu lưỡi, lên mũi, lên tận đầu. Khoái thật. Anh em trong đơn vị thay nhau mời rất chân tình, làm chúng tôi có cảm giác như  được trở về nhà sau một quãng thời gian dài xa cách. Ở vùng đất khắc nghiệt này, các anh, những người Bộ đội Cụ Hồ cũng tìm được cách khắc phục khó khăn, vượt lên để sống và hoàn thành nhiệm vụ, quả thật rất đáng khâm phục
*
**
Đêm về khuya, tôi lên giường thao thức mãi không ngủ được. Vì nghề nghiệp, tôi đi nhiều, dọc ngang gần khắp nước, được ăn cơm với lãnh đạo các đơn vị quân đội khá nhiều, nhưng chưa ở đâu các chiến sĩ liên lạc lại ngồi ăn chung cùng chỉ huy tiếp khách như trong một gia đình như thế này. Cách xưng hô, cách xử sự của các anh nơi đây, làm tôi thật bất ngờ. Có lẽ những người lính nơi biên cương, tất cả đều là anh em một nhà, mái nhà chung là Đồn. Sau những ngày tuần tra, mật phục, vất vả, gian khổ, nhiều lúc ranh giới của cái sống và cái chết chỉ mỏng manh như tờ giấy, bất chấp tất cả vì sự bình yên của Tổ quốc; các anh lại trở về nhà mình  nghỉ ngơi, lấy lại sức vài hôm để rồi lại lên đường làm nhiệm vụ. Tình cảm chân tình giữa sĩ quan và chiến sĩ thương yêu nhau như anh em ruột thịt, đó có thể chính là sức mạnh của Bộ đội Cụ Hồ, của những người canh giữ biên cương mang lại bình yên cho Tổ quốc.
Ăn bữa cơm chiều nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sao lòng tôi thấy lâng lâng. Các anh những người chiến sĩ Biên phòng, gian khổ, vất vả ai cũng biết vì đài báo, sách vở nói nhiều rồi, nhưng một bữa cơm ấm tình đồng đội, gia đình, quả thật làm tôi bất ngờ và chợt giật mình: cuộc sống thời hội nhập xô bồ, giành giật để vượt lên, để làm giàu; nhưng nơi đây, vùng Biên giới xa xôi này chỉ có tình cảm đồng đội – tình cảm gia đình, sao mà trong sáng đến thế, đầm ấm đến thế. Trong tôi chợt loé lên một ý nghĩ, không, đúng hơn đó là một câu trả lời mà nay mới hiểu, mới vỡ ra: vì sao các anh, những người sĩ quan Biên phòng tự nguyện gắn trọn đời mình nơi Biên cương của Tổ quốc!



Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

BẾ MẠC TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT ĐẮK LẮK NĂM 2013


Sáng ngày 16 tháng 6, tại hội trường lầu 2, khu du lịch sinh thái Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đã tổ chức lễ bế mạc TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT ĐẮK LẮK NĂM 2013. Tới dự lễ bế mạc Trại có ông Trần Đình Quế - Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Hữu Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana và đông đảo du khacshn hâm mộ mỹ thuật cùng tham dự.
Trong không khí tươi vui, phấn khới trước thành công của Trại, nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT, Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, lĩnh ấn tiên phong làm người dẫn chương trình văn nghệ (ảnh dưới).

Thêm chú thích

 Ông Trần Đình Quế xung phong góp vui bằng một  bài hát và nhạc sĩ Mạnh Trí - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam (người ngồi) đệm đàn (ảnh dưới)

Thêm chú thích
Ông Trần Hữu Thọ, cũng xung phong góp vui thêm một bài hát (ảnh dưới)

Thêm chú thích
Sau chương trình văn nghệ chào mừng thành công của Trại, nhà văn Lê Khôi Nguyên - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk phát biểu khai mạc Lễ bế mạc TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT ĐẮK LẮK NĂM 2013 (ảnh dưới)

Thêm chú thích
Ông Trần Đình Quế - Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ (ảnh dưới)

Thêm chú thích

Họa sĩ Hồ Minh Quân - Văn phòng phía Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu nhận xét các tác phẩm sáng tác tại Trại (ảnh dưới)

Thêm chú thích
Một số tác phẩm được trưng bày tạ Trại (ảnh dưới)

Thêm chú thích

Thêm chú thích

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

TIN VĂN NGHỆ

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2013, Hội Văn Nghệ Đắk Lắk tổ chức cho 11 anh chị em hội viên thuộc các chuyên ngành: thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh, âm nhạc đi thực tế sáng tác tại Điện Biên Phủ và một số tỉnh  phía bắc trong thời gian 10 ngày. Theo dự kiến: 6giờ 30 ngày 19 tháng 6 đoàn sẽ xuất phát từ văn phòng Hội (172 Điện Biên Phủ, thành phố Buôn Ma Thuột) hành trình ra Bắc, ngày 21 và 22 sẽ dừng chân tại thành phố Ninh Bình thăm một số địa danh tại đây, sáng 23 đi Sơn La và dừng laij thăm thủy điện Sơn La một ngày trước khi lên thành phố Điện Biên và lưu lại 2 đến 3 ngày, sau đó quay về thăm Suối cá thần tỉnh Thanh Hóa và động Phong Nha - Kẻ Bàng.
Danh sách đoàn:



1
Nhà văn Lê Khôi Nguyên
Chủ tịch Hội
2
Nhà thơ, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đặng Bá Tiến
Phó tổng biên tập TCVN
3
Nhà thơ Trần Chi
UVBCH Hội VHNT KV
4
Nhà thơ Phạm Doanh
Nguyên Phó chủ tịch, Tổng biên tập
5
Nhà thơ Tiến Thảo
HV
6
Nhà thơ Bùi Thị Bích
HV
7
Nhà thơ Lệ Hải
HV
8
Nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn
HV
9
Nhà thơ Đỗ Toàn Diện
CHP
10
Nhà thơ Vũ Di
HV
11
Nhạc sĩ Nguyễn Hưng
HV