Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI “CÕNG CHỮ” VÀO RỪNG CƯ SAN bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 250 tháng 6 năm 2013



 



Anh Tạ Hồng Diện – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện M’Đrăk dẫn đoàn chúng tôi về thăm Trường tiểu học La Văn Cầu, đây là trường xa trung tâm huyện nhất và cũng là trường hiện nay khó khăn nhất của huyện M’Đrăk. Xe đưa đoàn xuôi quốc lộ 26 về phía thành phố Nha Trang, qua đèo M’Đrăk, đường uốn lượn như con trăn khổng lồ đang lách mình qua các mỏm núi, vực sâu lao về hướng biển. Hai bên đường rừng thông, keo tai tượng, bạch đàn… tươi tốt bao phủ hết các ngọn đồi. Đến địa phận xã Ea Trang, hai bên đường vẫn thưa thớt bóng nhà như cách đây… thời tôi mới tới.
Cuối năm 1978, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ về xã Ea Trang phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân xây dựng Trường nội trú Ea Trang; tôi chọn một ngọn đồi tại thôn Hai để làm trường vì thôn Hai là trung tâm xã và gần Trạm kiểm soát Phượng Hoàng, đảm bảo an ninh cho thầy và trò. Ngày ấy hai bên Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26) chỉ có cỏ tranh, cỏ lau và cây đót mọc được, trải dài lên tận các đỉnh đồi – Người dân địa phương bảo: Tại thằng Mỹ rải chất độc hóa học phát quang cây cối, đề phòng Quân giải phóng chặn đánh đường nên mới thành ra như vậy! Đứng dưới Quốc lộ 21 vào buổi chiều thỉnh thoảng vẫn thấy nai, hoẵng và heo rừng đùa giỡn trên triền núi. Trường lúc ấy làm tạm bằng cây rừng và lợp cỏ tranh thôi, nhưng quan trọng là có trường, có nhà để các em học sinh cấp II là người Êđê đến ở và học. Trường làm xong, tôi bàn giao lại và đi xây dựng trường mới rồi đi học và chuyển qua công tác khác, không ở ngành giáo dục nữa. Thấm thoắt gần 30 năm sau - năm 2007 – tôi mới có điều kiện quay lại trường cũ cùng thầy Lê Cảnh Truật – khi ấy đương chức Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Trường cũ còn đây, nhưng tên trường đã thay đổi, cơ sở vật chất cũng đổi thay, những lớp học tạm bợ ngày xưa nay đã được kiên cố hóa, mái ngói đỏ tươi; học trò không chỉ có người Êđê mà nay còn có: Kinh, Tày Nùng, H’Mông… Nhưng các em không có chế độ nội trú mà hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Nhìn những túp lều bằng tre, nứa lợp cỏ tranh hoặc vải bạt dựng tạm để ở và học tập của các em người dân tộc thiểu số (vì ở quá xa trường, học xong không về được phải ở lại đến hết tuần) tôi có bài phóng sự: “Gian nan đường đến cái chữ!” phản ánh một thực tế buồn ở địa phương và góp phần kiến nghị để Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú dân nuôi ở vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn. Mới đó mà đã gần sáu năm, sáu năm trôi qua, theo như báo cáo, một số trường ở đây vẫn còn nhiều khó khăn lắm, tôi cũng muốn biết những khó khăn đó là gì, và có cách gì tháo gỡ hay không?
Xe đưa tôi qua cổng trường cũ, đến gần đèo Phượng Hoàng, rẽ phải theo Tỉnh lộ mới làm, được rải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua các mỏm núi cao vực sâu để đến địa phận xã Cư San, có đoạn dài hơn 10 km không một nóc nhà, một bóng người. Anh Tạ Hồng Diện cho biết: Xã Cư San mới được thành lập, toàn bộ dân số của xã là dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào làm ăn sinh sống và đông dần lên, thế là thành một xã mới ở vùng sâu cách xa trung tâm huyện khoảng 40 Km. Do địa thế hiểm trở: núi cao, suối sâu, đường sá đi lại khó khăn, học sinh ở phân tán… điều kiện kinh tế của xã cũng như huyện còn khó khăn nên đầu tư cho trường còn hạn chế lắm, nhưng được các thầy cô nhiệt tình nên gắng gượng vượt qua. Tôi hỏi: Trường khó khăn như thế nào mà được xếp “nhất” huyện? Các bác cứ đến tận nơi sẽ rõ! Nghe câu trả lời của Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tôi hơi ngac nhiên và thoáng chút bất ngờ… Lãnh đạo của một phòng quan trọng của huyện thuộc hàng khó khăn nhất tỉnh lại là một người còn khá trẻ, tuổi chỉ độ ngoài ba chục, dáng mảnh khảnh, hoạt bát, nhưng được đào tạo cơ bản theo “chuẩn”.
Bất ngờ, một cô gái đi xe máy vòng qua đầu xe của chúng tôi giơ tay ra hiệu cho lái xe đi theo; xe bỏ đường nhựa, rẽ theo đường đất leo lên sườn đồi. Con đường đất do nước chảy nhiều nên tạo ra vô số rãnh và “ổ voi, ổ trâu”, làm người ngồi trên xe lắc lư như ngồi trên thuyền ra đảo; đi một đoạn nữa, xe bò đến đỉnh đồi có treo tấm biển: Trường tiểu học La Văn Cầu. Trước mắt tôi một ngôi trường hai tầng với 6 phòng học còn khá mới, sân trường trồng hai hàng đa và si đã vươn cao hơn 3 mét, cành lá sum suê xanh tốt làm bớt đi cái nắng nóng của đá sỏi màu nâu đỏ dưới sân trường hắt lên. Trong lớp, các thầy cô đang say mê giảng bài. Tôi thầm nghĩ, trường đẹp thế này sao bảo khó khăn?
Ban giám hiệu và một số thầy cô không phải lên lớp đón chúng tôi như đón người thân lâu ngày về thăm nhà. Tay nắm tay, tiếng cười rộn rã, cùng bước lên tầng 2 của ngôi trường, nơi có phòng Hội đồng, phòng Hiệu trưởng, Hiệu phó… cùng chung trong một phòng học. Tôi đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường sau giờ dạy buổi sáng, mời hết các thầy cô và cán bộ công nhân viên của trường đến giao lưu với đoàn. Thầy Lê Quý Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường - tuổi ngoài bốn mươi, phát âm chuẩn tiếng… xứ Thanh nên không cần giới thiệu về quê quán nhưng ai cũng nhận ra - báo cáo tóm tắt tình hình nhà trường: Trường thành lập năm 2008, đến năm học 2012 – 2013 toàn trường có 13 lớp với 321 em học sinh; học sinh dân tộc ít người: 317 em, học sinh nữ: 140 em, nữ dân tộc: 139 em;  về đội ngũ: toàn trường có 21 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; trong đó: nữ 15, dân tộc ít người 02; trình độ chuyên môn: Đại học: 6 người, Cao đẳng: 6 người, Trung cấp: 8 người, chưa qua đào tạo: 01 người (bảo vệ trường); trường có một chi bộ 8 đảng viên. Hiện nay ngoài trường chính với 8 lớp học một buổi, còn có hai điểm trường là điểm Ea Sanh cách trường chính 5 km và điểm Sông Chò cách trường chính hơn 7 km có 3 lớp với 60 em học sinh, ở điểm này có một lớp ghép; toàn bộ số giáo viên ở điểm Sông Chò đang phải ở nhờ trong Trường Mầm non, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn với “3 không”: Không điện, không nước sạch và không… nhà vệ sinh.
Qua báo cáo của Hiệu trưởng và trao đổi với các thầy cô giáo tại trường, tôi giật mình trước con số “ba không” mà thầy cô giáo dạy tại các điểm xa trường chính đang phải chấp nhận. Mùa mưa, nước lũ ầm ầm đổ về cuốn theo mọi thứ, nước đỏ đậm phù sa cùng rác rưởi, nhưng đó cũng là nước ăn và sinh hoạt cho các thầy cô và học trò; mùa khô dòng  nước cạn kiệt, các thầy cô lại phải xua trâu bò, heo gà… để chắt từng can nước đầy váng, mang về để dùng; đêm đến lại căng mắt bên ngọn đèn dầu leo lét soạn giáo án, chấm bài để mặc muỗi rừng vây quanh… Không điện, là không ti vi và các điều kiện tiện nghi khác của thời hiện đại – thế kỉ XXI, thế mà vẫn cam chịu, bám lớp bám trường. Nhưng khốn khổ nhất là… không nhà vệ sinh thầy cô và trò đều ra núp sau bụi cây, ngọn cỏ để “giải quyết”; trời nắng còn đỡ, trời mưa thì quả là cực hình; thầy còn dễ, các cô thì không biết nói thế nào để diễn tả cho hết... Kinh phí của ngành không có, xã lại quá nghèo không thể hỗ trợ nổi nên đành… chờ vậy! Có lẽ thấy vẻ ngạc nhiên xen lẫn băn khoăn của tôi, thầy Lương Bá Từ, Phó hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Trường chính thì đỡ hơn, chỉ hai không thôi là: không nước, không công trình vệ sinh! Tôi giật mình, hỏi lại: Thật thế sao? Để chứng minh mình nói không sai, thầy Phó hiệu trưởng đưa tôi ra hành lang ngắm nhìn quang cảnh toàn trường: ngoài ngôi trường 2 tầng với 6 phòng học đứng chơ vơ trên đỉnh đồi, không có một công trình phụ trợ nào, bên cạnh cổng trường có thêm một phòng học mẫu giáo lợp tôn, đường từ cổng vào sân trường được trồng ba hàng keo tai tượng cao hơn đầu người, còn lại là cỏ tranh và cỏ dại trải dài xuống tận dưới chân đồi, phía xa xa nơi chân núi hiện lên mờ mờ những nóc nhà ẩn hiện qua nền khói của người dân đốt rừng làm rẫy. Ngọn đồi trường đóng ở biệt lập với khu dân cư, nên học sinh đến trường đều phải băng qua một cánh đồng rộng và một vài con suối. Thầy Lương Bá Từ chỉ tay vào mỏm đồi phía bắc nói thêm: Đấy là khu nhà công vụ của trường đấy anh ạ, cũng may mà còn có điện lưới và đầu năm nay được đầu tư đào giếng để anh chị em thoát cảnh dùng nước suối dưới chân đồi. Tôi hỏi thêm: Cả khu trường chính không có nước thì làm thế nào? Đành phải cho các em học sinh thay nhau xuống chân đồi múc nước suối lên dùng tạm. Anh tính từ đây xuống đến chỗ múc nước cũng phải gần 150 mét chứ ít gì mà đường lại dốc như vậy… Giọng của thầy Hiệu phó có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ làm tôi bỗng thấy rưng rưng.
Sáng nay, theo giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chúng tôi đến thăm Trường tiểu học Kim Đồng, đóng ở trung tâm thị trấn huyện, cơ sở vật chất quả là bề thế, xứng danh Chuẩn quốc gia giai đoạn I; phòng họp hội đồng rộng rãi, thoáng mát có trang bị quạt, ti vi, bàn ghế đạt chuẩn. Cô Vũ Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu sơ qua về cơ sở vật chất của trường làm mấy anh phóng viên đi theo tròn mắt và khi ra thăm lớp học bấm máy liên tục, không dứt ra được. Tôi theo chân cô Nguyễn Thị Bắc, Phó hiệu trưởng nhà trường thăm phòng làm việc của hiệu trưởng, các hiệu phó… phòng nào cũng lớn chắc phải trên 15 m2, ngoài bàn làm việc, tủ hồ sơ, máy vi tính còn có bộ xalon bọc da tiếp khách; lên gác thăm phòng học của khối 4 và 5, lớp nào cũng trang trí rất đẹp; bàn ghế, bảng chống lóa đúng chuẩn. Vòng ra phía sau khu lớp học là khu nhà vệ sinh xây khép kín đạt chuẩn theo quy định của ngành… Phía trước sân trường, bên cạnh những gốc bàng, gốc phượng… những chiếc ghế đá xếp vòng quanh làm chỗ nghỉ cho thầy và trò giờ ra chơi; còn giờ đây đứng trên sân Trường tiểu học La Văn Cầu, cũng là trường tiểu học như nhau sao mà khác nhau quá xa đến thế!
Theo chân các thầy cô lên thăm khu nhà công vụ giáo viên, khu nhà cấp IV tường xây lợp tôn, mỗi phòng rộng chừng 3 mét, dài 5 mét; nếu thầy cô có gia đình được ưu tiên một phòng còn độc thân thì mỗi phòng kê hai hoặc ba chiếc giường một, và một chiếc bàn liền ghế 2 chỗ ngồi của các em học sinh tiểu học. Tôi hỏi thầy Nguyễn Thành Tâm, Tổng phụ trách của trường: Bàn ghế bé tẹo thế này làm sao ngồi mà soạn bài được? Dạ, bàn ghế để ấm chén làm chỗ uống nước, còn soạn bài thì kê va ly lên giường ạ! Tôi tròn mắt trước thực tế của khu nhà công vụ của trường khi biết thêm đầu năm nay khu nội trú này mới có giếng nước để các thầy cô sử dụng, còn trước đây vẫn dùng nước suối; hơn chục cán bộ công nhân viên và giáo viên ở khu nhà công vụ này vẫn chưa có nhà vệ sinh, đang phải thực hiện theo tập quán cổ xưa là ra… triền đồi!
Trở về thị trấn huyện, tôi tìm gặp thầy Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, trao đổi về những điều mắt thấy tai nghe tại Trường tiểu học La Văn Cầu, thầy cho biết: Tôi đã vào thăm trường nhiều lần, biết anh em ở đó rất khó khăn, thương lắm; nhưng kinh phí của ngành không có, chưa biết làm thế nào được cả! Nghe lãnh đạo ngành trả lời như vậy, tôi mang băn khoăn đến trao đổi với ông Lê Đình Điền, Phó bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, ông cho biết: Địa phương cũng biết những khó khăn của các thầy cô nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép nên năm nay mới đầu tư đào giếng cho khu nhà công vụ, sang năm học sau chúng tôi sẽ tháo gỡ dần dần! Tôi biết ông Chủ tịch huyện cũng trăn trở với giáo dục rất nhiều vì bản thân ông cũng từng là giáo viên tiểu học về huyện M’Đrắk năm 1977 như tôi, đã từng phải vào tận từng nhà dân vận động học sinh đến trường; từng đối diện với cái chết khi bị bọn Fulro tập kích vào Trường dân tộc nội trú M’Đrắk năm 1979 bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm, ông đã chiến thắng; vượt lên tất cả, ông đứng vững, trụ lại với mảnh đất quê hương thứ hai của mình, cống hiến cho ngành Giáo dục và giờ đây là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, chắc chắn những khó khăn của Trường tiểu học La văn Cầu nói riêng và của cả ngành Giáo dục huyện M’Đrắk nói chung sẽ được ông tham mưu cho Đảng và chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ vào đầu năm học mới. 
Rời huyện M’Đrắk trở về, trong tôi đọng lại ấn tượng khó quên về các thầy cô giáo ở Trường tiểu học La Văn Cầu, tuy phải chiụ đựng và chấp nhận tất cả khó khăn, vất vả đời thường để “cõng chữ” đến với các em học sinh với mong muốn thực hiện lời dạy của Bác: “ai cũng được học hành”. Ban Giám hiệu cùng với Công đoàn và Đoàn thanh niên của trường biết phát huy dân chủ, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình của người thầy được Đảng và Nhà nước đào tạo, mang ánh sáng văn hóa đến với mọi nhà, vận động các em đến lớp học cái chữ của Bác, của Đảng, mở mang kiến thức để mai này xây dựng đất nước ta, địa phương ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Sự cố gắng ấy của thầy và trò Trường tiểu học La Văn Cầu đã gặt hái được thành công nhất định; kết quả cuối năm học 2012 – 2013: Chi bộ trường được đề nghị công nhận trong sạch vững mạnh xuất sắc; trường được đề nghị công nhận đạt danh hiệu: Tập thể lao động tiên tiến.
Chúng ta mong rằng các cấp có thẩm quyền ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh có dân định cư tại xã Cư San nói chung, sớm có kế hoạch phối hợp đầu tư cơ sở vật chất để các thầy cô ở đây bớt khó khăn, vất vả, an tâm công tác “cõng chữ vào rừng”; và các em học sinh đa số là người dân tộc thiểu số nơi đây có cơ sở vật chất tạm đủ để học tập đạt kết quả tốt hơn.

 Tháng 6 năm 2013



4 nhận xét:

  1. Ui răng hổng có tên XH tề, răng rứa anh? thui hổng xèm... ghét rùi, về làm riêng 1 trại cho mình và .... viết cho sướng hehehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trại này chỉ có "VẼ" thôi, không ai viết cả nên không mời XH đấy. Chúc bạn những ngày làm giám khảo không buồn!

      Xóa
  2. Là hội viên VHNT ( có phải viết tắt từ "văn học nông thôn" không anh) cũng sướng anh nhỉ,được đi nhiều,biết nhiều,"biết đó biết đây"!
    Chà bù cho bọn em quanh quẩn bán rau xó chợ biết ngày nào khôn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Oái! Lại bị HN bắt nạt rồi, thôi thì tùy theo cách hiểu thông thường của mỗi người vì viết tắt mà); đi nhiều chắc gì đã biết nhiều bằng "Cô hàng rau" hở em. Chúc H.N một tuần mới lại có thêm nhiều chuyện dí dỏm mà... cay!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI