Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

NGƯỜI MỘT NHÀ bút ký của Hồng Chiến - CHƯ YANG SIN SỐ: 190 THÁNG 6 NĂM 2008






Chiếc U oát màu xanh rêu của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng lầm lũi băng qua những cánh rừng khộp không còn một chiếc lá, mặt đất cong lên, hắt cái nóng vào mặt rát bỏng. Ngồi trên xe ô tô mà không khác gì hồi nhỏ cưỡi trâu lồng, mồ hôi đổ ra ướt đẫm quện với bụi phủ một lớp vàng khè trên quần áo. Khi mặt trời sắp khuất, xe chúng tôi đi cũng đến được nơi cần đến – Đồn Biên phòng phía Tây Nam tỉnh Dak Lak. Đồn được xây dựng khá đẹp trên một vùng đất bằng phẳng; trước sân, một vườn xoài chắc phải vài trăm cây, xanh mượt mà, cao khoảng hơn một mét, làm dịu đi cái khô cằn của mùa khô Tây Nguyên. Xe chạy theo đường bê tông lượn quanh vườn xoài trước khi dừng lại trước nhà khách. Xe dừng, cán bộ chỉ huy của Đồn ùa ra tận cửa xe đón chúng tôi. Người đàn ông cao gầy, mang quân hàm thiếu tá hồ hởi nói:
- Biết tin các anh vào, nên chúng tôi đợi mãi. Đi đường xa chắc mệt lắm phải không? Mời các anh vào nhà.
- Đường mùa khô vậy là đỡ lắm rồi đấy, chứ các anh đi vào mùa mưa có khi phải nằm giữa rừng vì lâøy, vì lũ nữa cơ.
Người mang quân hàm Đại uý nói thêm và siết chặt tay chúng tôi. Nói là đoàn Văn nghệ sĩ lên thăm nhưng chỉ có hai người, tôi và một Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh có lẽ vì tuổi tác nên khi bước xuống xe, mặt tái nhợt, chiếc túi đựng máy ảnh hình như cũng quá nặng với ông khi xuống xe nên anh Bộ đội mang quân hàm Đại uý nhanh tay đỡ hộ. Bên hành lang, xô nước mát và chiếc thau nhôm đã để sẵn, lau qua mặt mũi cho bớt bụi bặm chúng tôi được chủ nhà mời uống nước trà đá mát lạnh. Giữa rừng cây xơ xác vùng biên, chúng tôi bỗng thấy ấm lòng như được trở về nhà mình trước sự đón tiếp ân cần của những người lính xa nhà, xa quê, canh giữ biên cương cho Tổ Quốc. Chúng tôi hàng ngày đi công tác dùng xe có máy lạnh, chạy trên đường nhựa êm như ru, đến đâu cũng tiệc tùng, chiêu đãi ở những nhà hàng có điều hoà nhiệt độ, đầy đủ tiện nghi. Nhưng đó chỉ là thủ tục xã giao, chuyện của những ông khách, bà chủ; còn về đây nơi biên cương xa xôi, nơi nhà dân gần đồn nhất cũng phải 60 km, tôi lại cảm thấy ấm cúng lạ thường.
Sau thủ tục giới thiệu chủ khách, chúng tôi vui vẻ trò chuyện. Thiếu tá, Đồn trưởng Đặng Văn Thân nói:
- Đi đường mệt rồi, các anh nghỉ một lúc cho ráo mồ hôi, ra tắm rửa, ta dùng cơm tối, công việc có gì để sáng mai hãy tính.
- Anh em ở trong này cực quá nhưng lâu rồi cũng thành quen, chỉ sợ các bác lần đầu vào đây không may ốm lại khổ - Chính trị viên, Đại uý Bùi Đình Hướng, nói thêm.
Nghe giọng nói quen quen, tôi hỏi:
- Xin lỗi, bạn quê ở đâu?
- Em ở Thanh Hoá, còn bác quê ở đâu ạ!
- Mình cũng dân xà lách dây đây.  Thế bạn ở huyện nào?
- Em ở Tĩnh Gia, còn bác ở huyện nào?
- Mình dân Thủ đô nhà gần ga Thị Long. Bên này sông Yên quê mình bên kia sông là quê bạn đấy.
Hai em mừng quá xiết chặt tay nhau. Từ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc, cách xa quê trên ngàn cây số không ngờ lại có dịp gặp được nhau thế này, mừng quá. Bao kỉ niệm quê hương ùa về, hai người tranh nhau kể từ chuyện vui, chuyện buồn đến những chuyện mà giờ đây nhắc lại phải phì cười, nhưng trước kia, cái thời thanh niên đi học có thể lao vào choảng nhau sứt đầu mẻ trán như chơi. Ngay như từ dân xà lách dây, nếu tỉnh bạn nói câu đó đã đủ để đánh nhau rồi; còn người cùng tỉnh sẽ bị mắng là mất gốc, bôi nhọ quê hương. Nhưng nào ai thấu hiểu cặn kẽ câu “ăn rau má phá đường tàu” là thế nào, nếu không phải là những người thường xuyên “phá đường tàu vì hái rau má”. Thời chúng tôi còn là học sinh, cha anh vắng nhà để vào Nam chiến đấu, ở nhà cái đói triền miên đeo đẳng suốt tuổi học trò. Hàng ngày đi chăn trâu, hay trên đường đi học về hễ thấy chỗ nào có rau má là tranh thủ hái mang về ăn thay cơm cho đỡ đói; nhưng rau má nó mọc cũng có giới hạn chứ đâu phải là vô tận, hái mãi cũng hết. Hàng ngày đi qua đường tàu hoả, hễ thấy có lá rau má nào chui qua kẽ đá, ngoi lên là tranh nhau bươi đá để hái tận gốc cụm rau má ngon ngọt đó. Lúc bấy giờ còn nhỏ chỉ chú ý bươi đá hái rau, chứ đâu để ý, hái xong rau phải lấp đá lại đảm bảo an toàn cho đường tàu. Vì vậy ngẫm ra cái câu  “ăn rau má phá đường tàu” là hoàn toàn chính xác. Mải chuyện, hai anh em quên cả thời gian, Đồn trưởng Đặng Văn Thân phải chen vào:
- Còn cả đêm tâm sự cơ mà, để bác tranh thủ tắm rửa nữa chứ.
Hai anh em giật mình cười xoà.
*
**
Mấy anh em quây quần bên bàn ăn dọn sẵn, trên bàn món rau mà tôi rất thích có những năm món: rau xà lách, rau muống luộc, rau cải xào, củ cải luộc và rau cải muối xổi. Tôi tròn mắt trước những đĩa rau hấp dẫn kia. Nếu ai chưa có dịp đặt chân tới Tây Nguyên vào mùa khô, thì chưa thể hình dung sự khắc nghiệt của nó, nước dùng để ăn uống còn chưa đủ, tắm giặt phải dè xẻn từng giọt, rừng xơ xác, không một chiếc lá xanh, các con suối khô rang, điều kiện như vậy thử hỏi làm sao trồng được rau mà ăn! Như đoán được suy nghĩ của tôi, Bùi Đình Hướng nói:
- Nhờ Đồn có điện lưới quốc gia, lại khoan được giếng nên đơn vị tổ chức tăng gia, không những đủ dùng cho toàn đơn vị mà còn tặng nhân dân ở gần nữa đấy. Đảm bảo rau sạch, không dùng thuốc trừ sâu và phân hoá học đâu; các bác yên tâm. Biết các bác ở thành phố vào thích dùng rau nên chúng em chiêu đãi tiệc rau, đúng cây nhà lá vườn đấy ạ. Riêng cái món này mời các bác dùng thử và cho biết ý kiến.
Cái món mà anh Chính trị viên đồn giới thiệu, mời ăn thử, trông hình giáng giống con nòng nọc, thân bằng ngón tay út, đầu to như ngón tay cái, dài hơn ngón tay. Tôi cười nói ngay:
- Hình như là cá chuối con.
- Anh nếm thử món ăn dân dã này xem sao!
Tôi gắp một con đưa lên miệng, mùi thơm dìu dịu xông lên mũi, vị ngọt thấm đậm đầu lưỡi, làm người ăn có cảm giác lâng lâng. Tôi tấm tắc khen:
- Vùng này có loại cá chuối ngon thế này sao không ai mang về thành phố nuôi thử!
- Nó nhảy như ngoé, làm sao nuôi được. Đồn có hồ xây hòn non bộ trước sân, bắt cả ký mang về thả, sáng mai không còn con nào. Loại này chịu khô cực kì giỏi. Mùa khô, dòng suối bốn năm tháng không một giọt nước, nhưng mưa xuống một trận, chỉ cần lòng suối có nước đọng lại một vũng nhỏ, sáng mai đến đã thấy loại cá này lúc nhúc, có cảm giác thò tay xuống là vốc được cả nắm; nhưng nếu tát hết nước sẽ không còn một con nào nữa, chúng trốn vào khe đá sạch trơn. Muốn bắt phải lật đá lên, chúng túm tụm bốn năm con một chỗ, nhanh tay chộm một con định sẵn, tham vồ tất cả một lần thì chỉ được đá thôi vì cá nhảy đi hết. Loại này giống cá chuối, con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, còn hầu hết bằng ngón tay thôi. Chúng sống thành đàn ở các khe suối đá, thịt có hương vị đặc biệt. - Ông bạn đồng hương nói xong gắp bỏ vào chén cho mỗi người một con.
- Ngon thật - Ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh gật gù khen và nói thêm – Giá như có thêm ít lá sung, vài lá rau thơm nữa thì tuyệt vời.
- Để cháu hái lá xoài non và lá lộc vừng cho các bác ăn thử.
Người lính trẻ, tuổi đời chắc chưa qua hai mươi, gác đũa lên chén định đứng dậy, tôi gạt đi:
- Tối rồi, lại đang ăn, đi lại mất ngon.
- Cháu hái ngay cạnh bờ hè đây thôi mà.
- Món cá này tuyệt quá; giá như có một công ty Du lịch nào đó tổ chức khai thác loài cá này, đưa vào thực đơn của tua du lịch, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến với vùng đất này phải không ạ!
Anh chiến sỹ liên lạc xuýt xoa, tỏ vẻ tiếc rẻ khi chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất biên cương, nói thêm:
 -Mời các bác, các chú dùng cho nó nóng.
Tôi bắt chước ông Nghệ sĩ nhiếp ảnh, lấy chiếc lá xoài màu tim tím, quấn thêm chiếc lá lộc vừng non rồi đặt con cá lóc đá nướng vào giữa, quấn lại, chấm nước mắm chanh ớt, đưa lên miệng cắn một miếng, nhai chầm chậm cho vị ngọt, vị thơm thấm dần vào đầu lưỡi, lên mũi, lên tận đầu. Khoái thật. Anh em trong đơn vị thay nhau mời rất chân tình, làm chúng tôi có cảm giác như  được trở về nhà sau một quãng thời gian dài xa cách. Ở vùng đất khắc nghiệt này, các anh, những người Bộ đội Cụ Hồ cũng tìm được cách khắc phục khó khăn, vượt lên để sống và hoàn thành nhiệm vụ, quả thật rất đáng khâm phục
*
**
Đêm về khuya, tôi lên giường thao thức mãi không ngủ được. Vì nghề nghiệp, tôi đi nhiều, dọc ngang gần khắp nước, được ăn cơm với lãnh đạo các đơn vị quân đội khá nhiều, nhưng chưa ở đâu các chiến sĩ liên lạc lại ngồi ăn chung cùng chỉ huy tiếp khách như trong một gia đình như thế này. Cách xưng hô, cách xử sự của các anh nơi đây, làm tôi thật bất ngờ. Có lẽ những người lính nơi biên cương, tất cả đều là anh em một nhà, mái nhà chung là Đồn. Sau những ngày tuần tra, mật phục, vất vả, gian khổ, nhiều lúc ranh giới của cái sống và cái chết chỉ mỏng manh như tờ giấy, bất chấp tất cả vì sự bình yên của Tổ quốc; các anh lại trở về nhà mình  nghỉ ngơi, lấy lại sức vài hôm để rồi lại lên đường làm nhiệm vụ. Tình cảm chân tình giữa sĩ quan và chiến sĩ thương yêu nhau như anh em ruột thịt, đó có thể chính là sức mạnh của Bộ đội Cụ Hồ, của những người canh giữ biên cương mang lại bình yên cho Tổ quốc.
Ăn bữa cơm chiều nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sao lòng tôi thấy lâng lâng. Các anh những người chiến sĩ Biên phòng, gian khổ, vất vả ai cũng biết vì đài báo, sách vở nói nhiều rồi, nhưng một bữa cơm ấm tình đồng đội, gia đình, quả thật làm tôi bất ngờ và chợt giật mình: cuộc sống thời hội nhập xô bồ, giành giật để vượt lên, để làm giàu; nhưng nơi đây, vùng Biên giới xa xôi này chỉ có tình cảm đồng đội – tình cảm gia đình, sao mà trong sáng đến thế, đầm ấm đến thế. Trong tôi chợt loé lên một ý nghĩ, không, đúng hơn đó là một câu trả lời mà nay mới hiểu, mới vỡ ra: vì sao các anh, những người sĩ quan Biên phòng tự nguyện gắn trọn đời mình nơi Biên cương của Tổ quốc!



6 nhận xét:

  1. Mảnh đất và con người nơi đây đã gắn bó máy thịt với nhà văn rồi!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn HC đã lấy Ban mÊ làm quê hương của mình, thay mặt người BM, XH hoan nghênh và chào đón anh!

    Trả lờiXóa
  3. Chú ơi, chú chèn dấu ngắt nhảy cho trang nó hiển thị được nhiều bài hơn và gọn hơn chú nhé. chú chọn ví trí muốn ngắt để bạn bè đọc tiếp rồi bấm vào cái biểu tượng bên cạnh biểu tượng chèn Video khi đăng bài viết nhé chú

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, nhưng chủ nhà lại... không biết thì làm sao đây?

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI