Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 276 - tác giả LÊ VĂN TRƯỜNG




MÙA VU LAN NGHĨ VỀ MẸ
                         Tản văn



1. Sinh ra trên đời ai mà không có mẹ. Và sự chăm sóc yêu thương để cho chúng ta được lớn khôn, có tương lai sự nghiệp. Đó là công lao cao cả mà phận làm con một đời đền đáp không bao giờ hết!
Tháng bảy Vu lan - mùa báo hiếu của những đứa con dành cho người mẹ của mình. Nhắc đến Vu lan mà để chạnh lòng khi nghĩ về chữ “hiếu”. Bởi đôi khi có người suốt cả năm dài cứ mải mê kiếm tìm tương lai sự nghiệp nơi đất khách quê người nên đâu có thời giờ mà nghĩ đến người mẹ đang ở quê nhà nhớ thương con đến đứt từng đoạn ruột.
Lòng mẹ bao giờ cũng thiêng liêng và mênh mông như trời biển. Con thương mẹ một, mẹ thương con đến mười. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu được điều ấy. Có những người con chỉ biết nghĩ cho riêng mình chứ không dành thời gian để quan tâm đến người mẹ già đang mỏi mắt ngóng trông con từng ngày từng giờ. Đó là điều thật có lỗi với mẹ.
Tháng bảy lại về. Ở đâu đó ta lại bắt gặp những bông hồng màu đỏ, màu trắng. Ai đang còn có mẹ trên đời thì thật là hạnh phúc để cài  cho mình bông hồng màu đỏ thắm. Còn ai chẳng may không còn có mẹ thì lặng lẽ tự cài lên ngực mình một bông hồng màu trắng buồn thiu…
Mùa Vu lan để cho những ai đang còn mẹ hãy nghĩ đến mẹ của mình nhiều hơn nữa. Bởi khi mẹ mất rồi thì biết tìm ở đâu ra?
2. Tôi tập tành viết văn, làm thơ là đi tìm những cái hay cái đẹp của giá trị văn chương nhằm làm phong phú thêm ý nghĩa trang viết của mình. Không ít lần tôi ngồi suốt đêm bên trang giấy để viết những gì xa xôi, mơ hồ… mà đôi khi đề tài bị khô khan, lạc lối… Nhưng tôi lại quên bên cạnh cạnh mình là một tấm lòng bao dung quảng đại cả đời cơ cực vì con – đáng để tôi phải luôn nghĩ đến!
Ở nông thôn thì đa phần là những gia đình nghèo. Và gia đình của tôi cũng vậy. Nên cảnh sống cứ luôn vất vả. Già yếu như mẹ tôi vậy mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Thật ra tôi biết sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi. Tôi còn nhớ có lần vì làm việc quá sức nên mẹ ngã bệnh, cứ nghĩ không qua khỏi, lúc ấy chị em tôi ai cũng sợ, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ mà mẹ tôi tai qua nạn khỏi.
Giờ ngồi ngẫm lại những năm tháng đã qua tôi thấy thương mẹ nhiều lắm! Mẹ tôi vất vả một đời vì con, vậy mà đôi khi tôi tiêu tiền phung phí. Hết tiền tôi lại xòe tay xin mẹ, mẹ tôi bảo: “Kiếm được đồng tiền cực khổ lắm, tại sao con không biết tiết kiệm?”.
Bây giờ tôi đã trưởng thành, tự biết bươn chải để kiếm được đồng tiền bằng chính mồ hôi sức lực của mình mới thấy nó thật đáng quý! Và tôi cũng hiểu được câu nói của mẹ về giá trị của sự cực khổ.
Mẹ tôi bây giờ tuổi cao, súc yếu, tóc trắng, chân run… Mẹ cũng giống như tia nắng của buổi hoàng hôn. Thương mẹ lắm, nhưng làm sao ngăn được vòng xoay quy luật. Thôi đành tự nói với lòng rằng, mình đang là người hạnh phúc vì vẫn còn có mẹ bên đời. 
Nghĩ về mẹ đâu phải đợi đến mùa Vu lan, mà hãy luôn thương yêu và quý trọng mẹ khi ta còn có mẹ trên đời. Đừng vì những lý do gì đó mà vô tình hay hờ hững với mẹ. Bởi một mai kia khi mẹ đã xa rồi thì ta biết tìm mẹ nơi đâu?


Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015 tác giả VŨ HƯƠNG NAM





TUẦN CỦA CHỊ, TUẦN CỦA EM
Truyện ngắn


Cái lợi của làm em là tôi có thể nhõng nhẽo chị Hà. Cái lợi của làm chị là chị Hà có thể bắt nạt tôi. Vậy nên mỗi khi bố mẹ sai làm gì thì phải cò kè người mè nheo người lên giọng quyền uy một lúc trước khi việc đó được thực hiện.
Nhưng bây giờ thì khác rồi. Chị Hà và tôi phân ra lần lượt mỗi người một tuần. Vào Tuần Của Chị, tất tần tật việc nhà tôi phải làm hết. Bố mẹ có sai chị làm gì thì người đứng lên vẫn là tôi. Chị Hà thích gì tôi cũng phải chiều. Đang ngồi học mà chị Hà sai rót nước, lấy cây bút, bật cái quạt… khiến tôi cứ đứng lên ngồi xuống miết mệt ơi là mệt thì cũng chỉ biết nghe theo rồi đợi tuần sau, Tuần Của Em, lúc mà tôi là vua còn chị Hà là người hầu.
Để tận dụng tối đa “quyền hành” trong tuần của mình, chị em tôi bắt chước nhà giàu ngày xưa làm chuông kêu người phục vụ. Tụi tôi lấy hai cái chuông treo trong dịp lễ Giáng sinh vừa rồi, nối vào sợi dây thòng qua lỗ thông giữa hai phòng. Chỉ cần giật dây là có thể bắt “người hầu” của mình phục vụ bất kể giờ giấc.
Việc nhà ớn nhất là dọn vệ sinh mèo. Nhà tôi không có tro bếp nên phải làm một cái hộp đựng cát cho mèo đi vệ sinh. Công việc của hai chị em tôi là đổ cát cũ đi và thay cát mới. Hồi con mèo còn nhỏ, mỗi ngày chỉ phải thay cát một lần. Bây giờ nó lớn hơn, có ngày phải thay đến hai, ba lần.
Nghe thì đơn giản nhưng mùi hôi bốc lên lúc đổ cát cũ đi và cái cảm giác ghê ghê khiến chị Hà và tôi suốt ngày đùn đẩy nhau. Vậy nên mới sinh ra vụ Tuần Của Chị, Tuần Của Em đó.
***
- Mỹ, sao giờ này mà chưa thay cát cho mèo hả con? - Mẹ tôi hỏi.
Tôi nhướng mắt sang nhìn chị Hà rồi lại dán vào màn hình ti vi. Điềm nhiên khoan khoái. Đang là Tuần Của Em mà.
- Mỹ, thay cát đi con.
Ơ. Tôi quay sang, trời ơi, chị Hà vẫn thản nhiên cầm quyển sách. Chẳng thèm nhúc nhích động đậy gì.
- Chị Hà, Tuần-Của-Em – Tôi nhấn từng chữ.
Mặc kệ, chị Hà chăm chú đọc tiếp. Làm như không nghe thấy.
- Tuần chị với chả tuần em. Chị đang học còn con ngồi coi ti vi còn tị nạnh gì. Nhanh lên nào – Mẹ tôi giục.
Hừ! Làm em muôn thuở vẫn chịu thiệt vậy đó. Khi vui thì không nói gì, còn khi chị bực mình thì bất chấp quy định.
Đã thế mình giận luôn.
Con mèo mon men tới chân chị Hà bị đá hất ra xa.
Tôi cúi xuống vuốt ve con mèo rồi cố ý nựng con mèo thật to. Nó kêu eo éo như kể tội.  Chị Hà mắt không rời trang giấy, lầm bầm:
- Gớm, làm như yêu thương lắm! Đã thương nó vậy thì ngày nào cũng dọn cát coi!
Rồi chị Hà bỏ lên phòng. Tôi ngồi xổm nhìn con mèo rồi ngán ngẩm nhìn hộp cát. Rồi tôi hất mạnh con mèo ra:
- Tại mày mà mới có mấy vụ dọn dọn dẹp dẹp này đó!
Con mèo kêu “éo” rồi chạy quắn xuống gầm tủ như sợ tôi tức giận sẽ đạp nó một cái.
***
Ai đó đang lay mạnh tôi. Là chị Hà. Tôi hỏi, giọng ngái ngủ:
- Nửa đêm chị gọi em dậy làm gì?
- Gớm, còn làm bộ nữa. Muốn gì thì nói mau lên? -  Chị Hà nói rồi cúi xuống con mèo. Nó đang nhảy tưng tưng quanh cái chuông tôi mắc ở thành giường -  Ngoan nào mèo!
Hả. Gì vậy nè?
- Nhanh nào, chị cũng buồn ngủ lắm đây. Chỉ tại chị thấy áy náy việc hồi chiều nên  mới bù bằng cách nửa đêm lò mò xuống đây. Chứ bình thường là chị mặc kệ chuông réo luôn nghe chưa.
- Em đâu có kéo chuông.
Con mèo liên tục kêu ầm ĩ và cuốn quanh hết chân chị Hà đến chân tôi. Chị Hà nhìn con mèo rồi lắc đầu cười phì:
- Con mèo đòi ăn đây mà. Bữa nay biết bắt chước em mà kéo chuông gọi chị hả? Hôm nay là Tuần Của Em, thôi đi ngủ đi để chị xuống bếp trộn cơm cho nó ăn.
Con mèo phóng xuống bếp, theo sau là chị Hà. Tôi vừa nằm xuống ngủ lại thì chị Hai lại xuất hiện, lay lay tôi rồi nói bằng giọng hớt hải:
- Trời ơi Mỹ ơi, dưới nhà bếp mùi gas nồng nặc luôn kìa. Chị phải mở hết các cửa sổ ra đó. Nãy lúc nấu mì ăn khuya chị tưởng em còn nấu tiếp nên chị không tắt bếp.
- Em lại nghĩ chị còn nấu nữa nên cũng...
Chị Hà và tôi cùng nhìn con mèo. Nó hết kêu, nằm cuộn tròn trên tấm thảm nhìn hai chị em tôi, rừ rừ như tự hào vì vừa lập công lớn.
***
- Hà đi thay cát cho mèo đi con – mẹ tôi gọi.
- Để đó con làm cho – Tôi chạy từ trên phòng xuống. Con mèo đang nằm ngủ trên tấm thảm chùi chân giật mình ngẩng dậy kêu meo một tiếng thật to.
- Thôi em học bài đi chị làm cho – Chị Hà nói nhanh.
- Đã nói em làm rồi mà – Tôi xoa đầu con mèo rồi tiến lại chỗ chị Hà.
- Thôi tụi mình cùng làm ha – Chị Hà cười rồi hai chúng tôi cùng cười rồi vội ngậm miệng nín thở vì cái mùi từ hộp cát bốc lên. Miệng dù ngậm nhưng vẫn cười tươi rói.
Lúc chúng tôi thay cát xong thấy mẹ đang đứng cười:
- Đang là Tuần Chị hay Tuần Em đây?
***
Tuần Của Chị và Tuần Của Em dần trôi vào quên lãng từ lúc nào, nhưng hai cái chuông thì chúng tôi vẫn không gỡ xuống mà vẫn treo đó, như nhắc về một buổi tối nhà bếp nồng nặc mùi gas,  nhờ con mèo nên chúng tôi phát hiện kịp thời. Chị Hà nói mẹ thay bếp gas mới, loại tự động khóa cho an toàn, còn chuyện hôm nọ thì cả hai đứa tôi đều không kể ai cả. Một bí mật giữa hai chị em tôi thôi.
À, của cả con mèo nữa chứ.




Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015


TẠO BƯỚC CHUYỂN MỚI TRONG TUYÊN TRUYỀN
VĂN NGHỆ TRÊN CÁC BÁO, ĐÀI, TẠP CHÍ


PGS, TS. NGUYỄN HỒNG VINH
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình
văn học, nghệ thuật Trung ương




Năm qua, trong tình hình suy thoái kinh tế vẫn tác động xấu tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội; trước sự phát triển ào ạt của Internet, các blog, mạng xã hội…, hệ thống báo viết, đặc biệt là các báo văn nghệ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, về phát hành… Song, nhiều báo, đài, tạp chí văn nghệ đã có nhiều cố gắng, sáng tạo, tìm cách bươn chải trong cơ chế thị trường, do vậy, nhìn chung đã trụ vững.
Điều đáng mừng là, số lượng các tờ báo văn nghệ ở các hội văn học, nghệ thuật vẫn duy trì được số lượng; một số tạp chí đã chú ý nâng cao chất lượng. Nội dung tuyên truyền của các tạp chí văn nghệ trong cả nước, các tờ báo có chuyên trang văn nghệ, các chương trình phát thanh, truyền hình… đã tuân thủ tôn chỉ, mục đích, bám sát thực tiễn đời sống sôi động của đất nước ta, đặc biệt là những sự kiện lớn như: Hoạt động trái phép của giàn khoan 981 của Trung Quốc; 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 125 ngày sinh Bác Hồ…, để tuyên truyền đậm nét và sinh động, có tác dụng giáo dục, cổ vũ lớn. Bám sát các hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước, các báo, đài đã phản ánh kịp thời bằng nhiều hình thức phong phú, có sức thu hút bạn đọc. Một số báo, đài cố gắng đổi mới nội dung đề cập và hình thức thể hiện, mở thêm các chương trình mới, các chuyên trang, chuyên mục để chuyển tải những nội dung mới. Trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, báo chí văn nghệ đã có những cố gắng, đóng góp tích cực, nhất là việc phê phán  những nội dung sai trái trong luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên; một số tác phẩm biểu diễn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Mảng lý luận, phê bình trong một số báo, đài, đã có bước chuyển mới, mặc dù còn chậm và chưa được nhiều.
Về phương hướng, nhiệm vụ:
Để tạo bước chuyển mới trong cải tiến nội dung, hình thức trên các báo, đài, tạp chí văn nghệ…, cần tập trung sức giải quyết tốt bốn mối quan hệ cơ bản sau: Quan hệ giữa dân trí ngày càng được nâng cao, nhất là công chúng yêu văn học, nghệ thuật đòi hỏi phải có nhiều ấn phẩm có chất lượng tốt, nhưng nhìn chung còn không ít sản phẩm văn học, nghệ thuật vẫn ở mức “bình bình”, còn ít những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quan hệ giữa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng không để đánh mất nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quan hệ giữa tuyên truyền, quảng bá những sáng tác mới ngày càng có số lượng lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, nhưng hoạt động lý luận, phê bình chuyển biến còn chậm, chưa có nhiều bài có tính định hướng dư luận và định hướng sáng tác; quan hệ giữa yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo không khí phấn chấn trong toàn Đảng, toàn dân trước thềm Đại hội XII với sự tích lũy tri thức, vốn sống, kinh nghiệm nghiệp vụ, đặc biệt là bản lĩnh chính trị của người cầm bút còn hạn chế…
Về một số giải pháp trọng tâm:
a. Vai trò các cơ quan báo chí cần phải được đề cao.
+ Lãnh đạo cơ quan báo chí cần coi trọng việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền hằng tháng, hằng quý, hằng tuần, đáp ứng đúng và trúng thị hiếu của bạn đọc và công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Công chúng hiện nay mong có nhiều tác phẩm, nhiều bài báo, nhiều chương trình phản ánh những con người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đã và đang tận tâm, tận lực lao động sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời phản ánh tinh thần yêu hòa bình của dân tộc ta, luôn luôn mong muốn hợp tác, hữu nghị với tất cả các dân tộc, các quốc gia.
+ Công chúng cũng mong đón nhân những bài báo thể hiện khát vọng của nhân dân ta trong quá trình giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tiếp tục đổi mới và hội nhập, mở rộng dân chủ, tăng cường đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
+ Cơ quan báo chí cần chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên nâng cao trình độ tác chiến chuyên nghiệp, thể hiện tính đặc thù, chuyên sâu của báo chí văn nghệ, vừa bảo đảm tính thời sự, tính định hướng, vừa bảo đảm tính thuyết phục, tính hấp dẫn.
+ Hoạt động lý luận, phê bình tuy có bước chuyển mới, nhưng nhìn tổng thể còn xa yêu cầu. Cần coi trọng việc xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục lý luận, phê bình ở tất cả các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình cả ở Trung ương và địa phương. Trước mắt, các tạp chí, báo, đài ở địa phương nên chú ý sử dụng bài viết của các cây bút ở trung ương, hoặc trích dẫn các bài lý luận, phê bình trên các báo, tạp chí lớn khi đề cập các vấn đề liên quan địa phương;
+ Các báo, đài cần chủ động, tích cực hơn nữa tham gia cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
b. Đề cao vai trò của các cơ quan chủ quản:
+ Lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của báo, tạp chí, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền từng quý, từng năm.
c. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan Đảng và Nhà nước.
+ Cố gắng duy trì hằng năm mở Hội nghị báo chí Văn nghệ toàn quốc
+ Coi trọng hơn nữa việc định hướng, biểu dương những cố gắng của báo chí văn nghệ trong Giao ban hằng tuần ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam.
+ Nghiên cứu, hoàn thiện, nâng mức nhuận bút các tác phẩm, đặc biệt là các bài viết lý luận, phê bình trên báo chí văn nghệ, nhất là ở địa phương.
+ Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương duy trì thường xuyên hằng năm mở các lớp tập huấn về lý luận, phê bình. Đây là việc làm thiết thực, bổ ích, được đông đảo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đồng tình và đánh giá cao.


Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015 tác giả NGUYỄN VĂN NHI





THỨC DẬY TIỀM NĂM BUÔN ĐUNG
Ghi chép

Một cơ ngơi khang trang bề thế với hàng chữ lớn: Doanh nghiệp Trâm – Oánh nằm bên con đường đất đỏ ba zan chạy từ thị trấn Ea Drăng của huyện Ea Hleo đi Cư Mốt – Ea Wi. Một không gian trong trẻo, tất cả đều xanh, sạch không khí mát lành, môi trường sinh thái ở đây thật tuyệt vời bởi những tấm thảm khổng lồ cà phê, cao su mướt xanh chạy dài tít tắp. Xe chạy dưới bóng mát của rừng cao su, con đường nhỏ duyên dáng luồn lách đưa chúng tôi đi thăm trang trại của doanh nghiệp Trâm Oánh.

Lê Quý Oánh sinh năm 1964, quê anh nghèo đất chật người đông: Xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Từ Đọi, Đẹp qua Tiên Nội, Tiên Ngoại về tận Mỹ Hòa, Mỹ Thắng của huyện Bình Lục vốn là vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam Ninh cũ, vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập úng. Người nông dân làm ra một hạt thóc phải  mất dăm bảy giọt mồ hôi, biết bao vất vả nhọc nhằn, làm đủ ăn đã khó nói gì đến  chuyện làm giàu.
Năm 1981 Lê Quý Oánh nhập ngũ, đến năm 1986 anh xuất ngũ về địa phương, cưới chị Nguyễn Thị Trâm cô gái cùng quê, đẹp người đẹp nết. Nhưng cuộc sống thiếu thốn đói nghèo cứ bám theo đôi vợ chồng trẻ dứt không ra. Cái cảnh không tiền vốn, không có đất canh tác, anh biết không thể gây dựng cơ nghiệp ở quê nhà được. Bạn bè có người rủ anh lên các tỉnh miền núi đào vàng, khai thác đá, hay ra Hà Nội chạy xe ôm, làm cửu vạn… Anh thấy những phương án này  không đảm bảo an toàn, không có tính bền vững. Rồi Lê Quý Oánh bàn với vợ phải tìm nơi xa xôi khuất nẻo thưa người để lập nghiệp.
Năm đó nhiều địa phương tổ chức cho các gia đình đi xây dựng kinh tế mới, vợ chồng anh cũng đi theo đoàn người khai hoang vào Tây Nguyên. Đoàn tàu rời ga Đồng Văn lúc 21 giờ, để lại trên sân ga những bóng người đưa tiễn, Oánh nhoài người ra cửa sổ, đưa tay vẫy chào người thân mà lòng nao nao xúc động. Mới giải ngũ về chưa đầy hai năm, những tưởng được sum họp cùng gia đình, phụng dưỡng bố mẹ khi già yếu thế mà bây giờ phải khăn gói ra đi lập thân lập nghiệp… Nước mắt cứ chực tuôn trào anh cố nén lại với một khát vọng cháy bỏng lớn lao: “Phải làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn”. Thật giản dị nhưng cũng muôn vàn khó khăn thách thức đang chờ anh phía trước: Ở vùng kinh tế mới…
Nơi anh dừng chân cách đây 26 năm là buôn Đung xã Ea Khal huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Một vùng đất chỉ có lau lách với cây rừng hoang dại, chưa có mấy hơi người. Những ngày đầu khai hoang vỡ đất vợ chồng anh làm không biết mệt mỏi, lao động cật lực, có lúc  làm việc 10-12 giờ/ ngày. Anh chị từng đào hố trồng cây giữa trời mưa, xẩy cỏ dọn lô dưới ánh trăng đêm, thế mà ăn uống lại vô cùng đạm bạc, có ngày chỉ ngô sắn thay cơm ăn với rau rừng, làm việc đến tối mịt mới về. Lúc đầu trồng được 300 cây cà phê, cả hai vợ chồng phấn khởi vô cùng, cứ một tuần lại gánh nước tưới, rồi trồng được 800 cây, rồi 2 ha… Cứ thế diện tích cà phê tăng dần, nhịp điệu cuộc sống cũng ngày càng được cải thiện tưng bừng hơn, ấm áp hơn. Hai vợ chồng thường thay nhau đi làm thuê, làm mướn để có tiền ăn và chăm sóc cà phê nhà mình, theo cái thế “Lấy đoản binh nuôi trường trận”. Lúc cà phê được thu hoạch đã góp lãi thành vốn mua thêm đất trồng thêm cà phê. Lê Quý Oánh thường đi sưu tầm tìm đọc các tài liệu sách báo tạp chí nói về kỹ thuật gieo trồng chăm bón cây công nghiệp như cà phê, cao su… Anh còn cất công đi tìm gặp các nhà khoa học, các bậc cao niên có kinh nghiệm trồng cà phê để học tập. Năm 1996 – 1997 anh mua thêm 10 ha đất trồng cao su. Theo anh cây cao su tuy thu nhập không cao bằng cà phê nhưng cao su có ưu điểm là chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 30 năm, có sức chịu hạn và đề kháng chống các loại bệnh tốt hơn cà phê.
Năm 2006 vợ chồng anh mở ra một hướng làm ăn mới, khi anh quan sát thấy từ thị trấn đến Ea Khal, vào tận Cư Mốt – Ea Wi quãng đường dài hàng chục cây số mà không có ki-ốt xăng dầu, không có đại lý phân bón. Không ít người đã phải dắt bộ trên đoạn đường này vì xe hết xăng. Người nông dân muốn mua vài tạ phân bón cho tiêu, cà phê thường phải đánh xe cày ra tận thị trấn Ea Drăng có lúc mất cả nửa ngày. Thế là Lê Quý Oánh quyết định dồn hết lãi thu từ cà phê, cao su mở ki-ốt xăng dầu vào năm 2006, đến năm 2009 anh mở đại lý phân bón. Doanh nghiệp Trâm – Oánh ra đời với cách làm ăn trung thực, lấy chữ tín làm đầu trong mọi quan hệ giao tiếp ứng xử với khách hàng. Lê Quý Oánh đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hóa lúc nhập vào, anh kiểm tra cẩn thận, kiên quyết không nhập hàng xấu hàng kém chất lượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng vật nuôi trong cộng đồng dân cư. Mở ki-ốt xăng, đại lý phân bón đã tạo một cực tăng trưởng mới trong thu nhập của gia đình, tìm thêm việc làm cho người lao động tại chỗ. Người tiêu dùng không phải đi xa, không phải tốn kém thêm tiền cước phí vận chuyển mà vẫn được phục vụ tận tình chu đáo, chất lượng phân bón đảm bảo độ an toàn tin cậy mà giá cả hợp lý.
Lê Quý Oánh là mẫu nông dân kiểu mới, nông dân thời @, anh có đầy đủ những kỹ năng công nghiệp, kỹ năng thị trường, anh nắm vững quy luật thời tiết khí hậu chất đất thổ nhưỡng. Từ những nhận thức đúng đắn, biết áp dụng biện pháp khoa học hợp lý để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, góp phần làm giàu tài nguyên môi trường, tạo lập được hệ sinh thái kết hợp nông lâm nghiệp bền vững trên từng loại hình chất đất thổ nhưỡng khác nhau. Doanh nghiệp Trâm – Oánh đã kết hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ thành một cơ cấu kinh tế theo đúng quy luật vận động và phát triển của toàn xã hội, nhanh chóng có những chuyển hướng thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập vào một nền kinh tế đang được điều tiết bằng sự quản lý vĩ mô của nhà nước.
Năm mươi tuổi đời, 26 năm gắn bó với đất rừng vợ chồng anh đã đi lên từ đất từ sự nghèo khó của hai bàn tay chai sạn. Anh chị đã thiếu thốn đủ thứ từ đồng tiền bát gạo đến tình cảm của người thân nơi đất khách quê người, có thừa chăng là thừa nghị lực quyết tâm học tập và lao động hơn 1/4 thế kỷ qua. Đến nay các con của anh chị đã khôn lớn trưởng thành, hai người là đảng viên, sĩ quan quân đội. Anh chị có một trang trại rộng lớn gồm 30 ha cao su, 7 ha cà phê một ki-ốt xăng dầu, một đại lý phân bón, tổng thu nhập 2 tỷ đồng/ năm. Doanh nghiệp Trâm – Oánh đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ có mức lương ổn định 3,5 triệu đồng/ người/ tháng, công nhân cạo mủ cao su lương 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Doanh nghiệp Trâm - Oánh luôn đi đầu trong mọi phong trào quyên góp quỹ từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, những người gặp tai nạn rủi ro hàng chục triệu đồng/ năm. Ngoài ra anh còn giúp các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất 400 triệu/ năm. Anh còn trích ra 100 triệu để giúp đỡ các gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn. Đối với đồng bào  dân tộc quanh vùng, Lê Quý Oánh đã giải quyết cho bà con mua trả chậm dầu máy, phân bón lên tới một tỷ/ năm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình chu đáo của doanh nghiệp Trâm – Oánh mà nhiều hộ đã thoát nghèo vĩnh viễn. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, Lê Quý Oánh đã đóng góp hàng trăm ngày công và hàng chục triệu đồng để đổ bê tông con đường liên thôn dài 1500 mét rộng 3 mét.
Để ghi nhận những kiên trì cố gắng của Doanh nghiệpTrâm - Oánh đã xây dựng thành công mô hình trang trại, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai kết hợp với dịch vụ thương mại, hảo tâm sẻ chia khó khăn, giúp đỡ người nghèo, các cấp các ngành đã tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Tháng 10 năm 2011 Lê Quý Oánh được chọn đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm  (2007 – 2011) tại Thủ đô Hà Nội.

Tay không bắt giặc, Lê Quý Oánh đã biết kết hợp các hoạt động đồng bộ hỗ trợ nhau nhịp nhàng thông suốt, giữa sản xuất và kinh doanh đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đồng thời khai thác tiềm năng giàu có của buôn Đung làm giàu cho quê hương Ea Khai – Ea H’Leo (Đắc Lắk).

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

ĐẠI HỘI HỘI NHÀ BÁO TỈNH ĐẮK LẮK KHÓA V, NHIỆM KỲ 2015-2020


Ca nhạc chào mừng Đại hội.


Nhà văn, Nhà báo Lê Khôi Nguyên - Quyền Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin thay mặt BCH Hội Nhà báo tỉnh Dak Lak khóa V phát biểu tại Đại hội.


Đ/c Êban Y Phu  - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Đại hội.


Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Dak Lak khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020
(từ trái qua phải: NB Y Tuynh Kmăn - Chủ tịch Hội, NB Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban biên tập tập san Văn hóa, NB Hồng Chiến - Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin, NB Hoàng Thiên Nga - Trưởng Ban đại diện báo Tiền phong tại Tây Nguyên, NB Dương Thế Hoàn - Phó Tổng biên tập báo Dak Lak, NB Lê Xuân Lãm - Trưở Ban Thời sự VOV thường trú tại Tây Nguyên, NB Trần Đại - Phó Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Dak Lak, NB Y Nang Êban - Phó GĐ Đài Phát thanh & Truyền hình Đăk Lăk)


Nhà báo Y Tuynh Kmăn - tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Dak Lak khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015