Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015


TẠO BƯỚC CHUYỂN MỚI TRONG TUYÊN TRUYỀN
VĂN NGHỆ TRÊN CÁC BÁO, ĐÀI, TẠP CHÍ


PGS, TS. NGUYỄN HỒNG VINH
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình
văn học, nghệ thuật Trung ương




Năm qua, trong tình hình suy thoái kinh tế vẫn tác động xấu tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội; trước sự phát triển ào ạt của Internet, các blog, mạng xã hội…, hệ thống báo viết, đặc biệt là các báo văn nghệ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, về phát hành… Song, nhiều báo, đài, tạp chí văn nghệ đã có nhiều cố gắng, sáng tạo, tìm cách bươn chải trong cơ chế thị trường, do vậy, nhìn chung đã trụ vững.
Điều đáng mừng là, số lượng các tờ báo văn nghệ ở các hội văn học, nghệ thuật vẫn duy trì được số lượng; một số tạp chí đã chú ý nâng cao chất lượng. Nội dung tuyên truyền của các tạp chí văn nghệ trong cả nước, các tờ báo có chuyên trang văn nghệ, các chương trình phát thanh, truyền hình… đã tuân thủ tôn chỉ, mục đích, bám sát thực tiễn đời sống sôi động của đất nước ta, đặc biệt là những sự kiện lớn như: Hoạt động trái phép của giàn khoan 981 của Trung Quốc; 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 125 ngày sinh Bác Hồ…, để tuyên truyền đậm nét và sinh động, có tác dụng giáo dục, cổ vũ lớn. Bám sát các hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước, các báo, đài đã phản ánh kịp thời bằng nhiều hình thức phong phú, có sức thu hút bạn đọc. Một số báo, đài cố gắng đổi mới nội dung đề cập và hình thức thể hiện, mở thêm các chương trình mới, các chuyên trang, chuyên mục để chuyển tải những nội dung mới. Trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, báo chí văn nghệ đã có những cố gắng, đóng góp tích cực, nhất là việc phê phán  những nội dung sai trái trong luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên; một số tác phẩm biểu diễn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Mảng lý luận, phê bình trong một số báo, đài, đã có bước chuyển mới, mặc dù còn chậm và chưa được nhiều.
Về phương hướng, nhiệm vụ:
Để tạo bước chuyển mới trong cải tiến nội dung, hình thức trên các báo, đài, tạp chí văn nghệ…, cần tập trung sức giải quyết tốt bốn mối quan hệ cơ bản sau: Quan hệ giữa dân trí ngày càng được nâng cao, nhất là công chúng yêu văn học, nghệ thuật đòi hỏi phải có nhiều ấn phẩm có chất lượng tốt, nhưng nhìn chung còn không ít sản phẩm văn học, nghệ thuật vẫn ở mức “bình bình”, còn ít những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; quan hệ giữa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng không để đánh mất nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quan hệ giữa tuyên truyền, quảng bá những sáng tác mới ngày càng có số lượng lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, nhưng hoạt động lý luận, phê bình chuyển biến còn chậm, chưa có nhiều bài có tính định hướng dư luận và định hướng sáng tác; quan hệ giữa yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo không khí phấn chấn trong toàn Đảng, toàn dân trước thềm Đại hội XII với sự tích lũy tri thức, vốn sống, kinh nghiệm nghiệp vụ, đặc biệt là bản lĩnh chính trị của người cầm bút còn hạn chế…
Về một số giải pháp trọng tâm:
a. Vai trò các cơ quan báo chí cần phải được đề cao.
+ Lãnh đạo cơ quan báo chí cần coi trọng việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền hằng tháng, hằng quý, hằng tuần, đáp ứng đúng và trúng thị hiếu của bạn đọc và công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Công chúng hiện nay mong có nhiều tác phẩm, nhiều bài báo, nhiều chương trình phản ánh những con người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đã và đang tận tâm, tận lực lao động sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời phản ánh tinh thần yêu hòa bình của dân tộc ta, luôn luôn mong muốn hợp tác, hữu nghị với tất cả các dân tộc, các quốc gia.
+ Công chúng cũng mong đón nhân những bài báo thể hiện khát vọng của nhân dân ta trong quá trình giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tiếp tục đổi mới và hội nhập, mở rộng dân chủ, tăng cường đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
+ Cơ quan báo chí cần chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên nâng cao trình độ tác chiến chuyên nghiệp, thể hiện tính đặc thù, chuyên sâu của báo chí văn nghệ, vừa bảo đảm tính thời sự, tính định hướng, vừa bảo đảm tính thuyết phục, tính hấp dẫn.
+ Hoạt động lý luận, phê bình tuy có bước chuyển mới, nhưng nhìn tổng thể còn xa yêu cầu. Cần coi trọng việc xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục lý luận, phê bình ở tất cả các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình cả ở Trung ương và địa phương. Trước mắt, các tạp chí, báo, đài ở địa phương nên chú ý sử dụng bài viết của các cây bút ở trung ương, hoặc trích dẫn các bài lý luận, phê bình trên các báo, tạp chí lớn khi đề cập các vấn đề liên quan địa phương;
+ Các báo, đài cần chủ động, tích cực hơn nữa tham gia cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
b. Đề cao vai trò của các cơ quan chủ quản:
+ Lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của báo, tạp chí, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền từng quý, từng năm.
c. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan Đảng và Nhà nước.
+ Cố gắng duy trì hằng năm mở Hội nghị báo chí Văn nghệ toàn quốc
+ Coi trọng hơn nữa việc định hướng, biểu dương những cố gắng của báo chí văn nghệ trong Giao ban hằng tuần ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam.
+ Nghiên cứu, hoàn thiện, nâng mức nhuận bút các tác phẩm, đặc biệt là các bài viết lý luận, phê bình trên báo chí văn nghệ, nhất là ở địa phương.
+ Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương duy trì thường xuyên hằng năm mở các lớp tập huấn về lý luận, phê bình. Đây là việc làm thiết thực, bổ ích, được đông đảo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đồng tình và đánh giá cao.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI