Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 276 - THÁNG 8 NĂM 2015 tác giả NGUYỄN VĂN NHI





THỨC DẬY TIỀM NĂM BUÔN ĐUNG
Ghi chép

Một cơ ngơi khang trang bề thế với hàng chữ lớn: Doanh nghiệp Trâm – Oánh nằm bên con đường đất đỏ ba zan chạy từ thị trấn Ea Drăng của huyện Ea Hleo đi Cư Mốt – Ea Wi. Một không gian trong trẻo, tất cả đều xanh, sạch không khí mát lành, môi trường sinh thái ở đây thật tuyệt vời bởi những tấm thảm khổng lồ cà phê, cao su mướt xanh chạy dài tít tắp. Xe chạy dưới bóng mát của rừng cao su, con đường nhỏ duyên dáng luồn lách đưa chúng tôi đi thăm trang trại của doanh nghiệp Trâm Oánh.

Lê Quý Oánh sinh năm 1964, quê anh nghèo đất chật người đông: Xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Từ Đọi, Đẹp qua Tiên Nội, Tiên Ngoại về tận Mỹ Hòa, Mỹ Thắng của huyện Bình Lục vốn là vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam Ninh cũ, vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập úng. Người nông dân làm ra một hạt thóc phải  mất dăm bảy giọt mồ hôi, biết bao vất vả nhọc nhằn, làm đủ ăn đã khó nói gì đến  chuyện làm giàu.
Năm 1981 Lê Quý Oánh nhập ngũ, đến năm 1986 anh xuất ngũ về địa phương, cưới chị Nguyễn Thị Trâm cô gái cùng quê, đẹp người đẹp nết. Nhưng cuộc sống thiếu thốn đói nghèo cứ bám theo đôi vợ chồng trẻ dứt không ra. Cái cảnh không tiền vốn, không có đất canh tác, anh biết không thể gây dựng cơ nghiệp ở quê nhà được. Bạn bè có người rủ anh lên các tỉnh miền núi đào vàng, khai thác đá, hay ra Hà Nội chạy xe ôm, làm cửu vạn… Anh thấy những phương án này  không đảm bảo an toàn, không có tính bền vững. Rồi Lê Quý Oánh bàn với vợ phải tìm nơi xa xôi khuất nẻo thưa người để lập nghiệp.
Năm đó nhiều địa phương tổ chức cho các gia đình đi xây dựng kinh tế mới, vợ chồng anh cũng đi theo đoàn người khai hoang vào Tây Nguyên. Đoàn tàu rời ga Đồng Văn lúc 21 giờ, để lại trên sân ga những bóng người đưa tiễn, Oánh nhoài người ra cửa sổ, đưa tay vẫy chào người thân mà lòng nao nao xúc động. Mới giải ngũ về chưa đầy hai năm, những tưởng được sum họp cùng gia đình, phụng dưỡng bố mẹ khi già yếu thế mà bây giờ phải khăn gói ra đi lập thân lập nghiệp… Nước mắt cứ chực tuôn trào anh cố nén lại với một khát vọng cháy bỏng lớn lao: “Phải làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn”. Thật giản dị nhưng cũng muôn vàn khó khăn thách thức đang chờ anh phía trước: Ở vùng kinh tế mới…
Nơi anh dừng chân cách đây 26 năm là buôn Đung xã Ea Khal huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Một vùng đất chỉ có lau lách với cây rừng hoang dại, chưa có mấy hơi người. Những ngày đầu khai hoang vỡ đất vợ chồng anh làm không biết mệt mỏi, lao động cật lực, có lúc  làm việc 10-12 giờ/ ngày. Anh chị từng đào hố trồng cây giữa trời mưa, xẩy cỏ dọn lô dưới ánh trăng đêm, thế mà ăn uống lại vô cùng đạm bạc, có ngày chỉ ngô sắn thay cơm ăn với rau rừng, làm việc đến tối mịt mới về. Lúc đầu trồng được 300 cây cà phê, cả hai vợ chồng phấn khởi vô cùng, cứ một tuần lại gánh nước tưới, rồi trồng được 800 cây, rồi 2 ha… Cứ thế diện tích cà phê tăng dần, nhịp điệu cuộc sống cũng ngày càng được cải thiện tưng bừng hơn, ấm áp hơn. Hai vợ chồng thường thay nhau đi làm thuê, làm mướn để có tiền ăn và chăm sóc cà phê nhà mình, theo cái thế “Lấy đoản binh nuôi trường trận”. Lúc cà phê được thu hoạch đã góp lãi thành vốn mua thêm đất trồng thêm cà phê. Lê Quý Oánh thường đi sưu tầm tìm đọc các tài liệu sách báo tạp chí nói về kỹ thuật gieo trồng chăm bón cây công nghiệp như cà phê, cao su… Anh còn cất công đi tìm gặp các nhà khoa học, các bậc cao niên có kinh nghiệm trồng cà phê để học tập. Năm 1996 – 1997 anh mua thêm 10 ha đất trồng cao su. Theo anh cây cao su tuy thu nhập không cao bằng cà phê nhưng cao su có ưu điểm là chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 30 năm, có sức chịu hạn và đề kháng chống các loại bệnh tốt hơn cà phê.
Năm 2006 vợ chồng anh mở ra một hướng làm ăn mới, khi anh quan sát thấy từ thị trấn đến Ea Khal, vào tận Cư Mốt – Ea Wi quãng đường dài hàng chục cây số mà không có ki-ốt xăng dầu, không có đại lý phân bón. Không ít người đã phải dắt bộ trên đoạn đường này vì xe hết xăng. Người nông dân muốn mua vài tạ phân bón cho tiêu, cà phê thường phải đánh xe cày ra tận thị trấn Ea Drăng có lúc mất cả nửa ngày. Thế là Lê Quý Oánh quyết định dồn hết lãi thu từ cà phê, cao su mở ki-ốt xăng dầu vào năm 2006, đến năm 2009 anh mở đại lý phân bón. Doanh nghiệp Trâm – Oánh ra đời với cách làm ăn trung thực, lấy chữ tín làm đầu trong mọi quan hệ giao tiếp ứng xử với khách hàng. Lê Quý Oánh đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hóa lúc nhập vào, anh kiểm tra cẩn thận, kiên quyết không nhập hàng xấu hàng kém chất lượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng vật nuôi trong cộng đồng dân cư. Mở ki-ốt xăng, đại lý phân bón đã tạo một cực tăng trưởng mới trong thu nhập của gia đình, tìm thêm việc làm cho người lao động tại chỗ. Người tiêu dùng không phải đi xa, không phải tốn kém thêm tiền cước phí vận chuyển mà vẫn được phục vụ tận tình chu đáo, chất lượng phân bón đảm bảo độ an toàn tin cậy mà giá cả hợp lý.
Lê Quý Oánh là mẫu nông dân kiểu mới, nông dân thời @, anh có đầy đủ những kỹ năng công nghiệp, kỹ năng thị trường, anh nắm vững quy luật thời tiết khí hậu chất đất thổ nhưỡng. Từ những nhận thức đúng đắn, biết áp dụng biện pháp khoa học hợp lý để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, góp phần làm giàu tài nguyên môi trường, tạo lập được hệ sinh thái kết hợp nông lâm nghiệp bền vững trên từng loại hình chất đất thổ nhưỡng khác nhau. Doanh nghiệp Trâm – Oánh đã kết hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ thành một cơ cấu kinh tế theo đúng quy luật vận động và phát triển của toàn xã hội, nhanh chóng có những chuyển hướng thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập vào một nền kinh tế đang được điều tiết bằng sự quản lý vĩ mô của nhà nước.
Năm mươi tuổi đời, 26 năm gắn bó với đất rừng vợ chồng anh đã đi lên từ đất từ sự nghèo khó của hai bàn tay chai sạn. Anh chị đã thiếu thốn đủ thứ từ đồng tiền bát gạo đến tình cảm của người thân nơi đất khách quê người, có thừa chăng là thừa nghị lực quyết tâm học tập và lao động hơn 1/4 thế kỷ qua. Đến nay các con của anh chị đã khôn lớn trưởng thành, hai người là đảng viên, sĩ quan quân đội. Anh chị có một trang trại rộng lớn gồm 30 ha cao su, 7 ha cà phê một ki-ốt xăng dầu, một đại lý phân bón, tổng thu nhập 2 tỷ đồng/ năm. Doanh nghiệp Trâm – Oánh đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ có mức lương ổn định 3,5 triệu đồng/ người/ tháng, công nhân cạo mủ cao su lương 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Doanh nghiệp Trâm - Oánh luôn đi đầu trong mọi phong trào quyên góp quỹ từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, những người gặp tai nạn rủi ro hàng chục triệu đồng/ năm. Ngoài ra anh còn giúp các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất 400 triệu/ năm. Anh còn trích ra 100 triệu để giúp đỡ các gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn. Đối với đồng bào  dân tộc quanh vùng, Lê Quý Oánh đã giải quyết cho bà con mua trả chậm dầu máy, phân bón lên tới một tỷ/ năm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình chu đáo của doanh nghiệp Trâm – Oánh mà nhiều hộ đã thoát nghèo vĩnh viễn. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, Lê Quý Oánh đã đóng góp hàng trăm ngày công và hàng chục triệu đồng để đổ bê tông con đường liên thôn dài 1500 mét rộng 3 mét.
Để ghi nhận những kiên trì cố gắng của Doanh nghiệpTrâm - Oánh đã xây dựng thành công mô hình trang trại, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai kết hợp với dịch vụ thương mại, hảo tâm sẻ chia khó khăn, giúp đỡ người nghèo, các cấp các ngành đã tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Tháng 10 năm 2011 Lê Quý Oánh được chọn đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm  (2007 – 2011) tại Thủ đô Hà Nội.

Tay không bắt giặc, Lê Quý Oánh đã biết kết hợp các hoạt động đồng bộ hỗ trợ nhau nhịp nhàng thông suốt, giữa sản xuất và kinh doanh đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đồng thời khai thác tiềm năng giàu có của buôn Đung làm giàu cho quê hương Ea Khai – Ea H’Leo (Đắc Lắk).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI