Mỗi
mùa mỗi hoa. Mỗi thời một loài thi sĩ. Tôi ở với Vũ khi ngày còn thơ chỏm, hai
đứa đầu trần cháy nắng loe hoe ngày rượu. Gió mưa cũng nhiều trong những trận
thơ phú nắng lên mây xuống ấy. Tôi và Vũ chết đi sống lại cũng chỉ những bài
thơ tình tán gái, ngày mà văn chương Dak Lak còn bao nhiêu mềm mại lụa là. Sông
tóc của Buôn Hồ xanh màu xanh dai dẳng của hai thằng thơ kiên nhẫn. Mỗi đêm mỗi
xuất khẩu thơ. Bây giờ được đọc thơ là một niềm hạnh phúc. Nhưng đọc thơ đến
chết như Vũ mới quả là một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc pha phất chút kiêu
bạc, giờ ngồi mỗi đêm thơ phú ồn ào đèn sáng tivi màn hình phẳng càng thấy ngậm
ngùi...
Những
gốc rạ đồng bằng đã tan vào vùng cao gió đỏ, thi sĩ Bắc Hà đồng bằng ruộng lúa
Văn Thảnh đã tan vào biết bao cội rễ Tây Nguyên để thành xum xuê cành lá “rượu và máu chảy trong người rạo rực / rượu
và máu dồn lên đôi mắt / dõi tìm nhau không hết nửa nhà dài...” Tôi nói Vũ
đừng chết. Vũ biết ngay tôi nói dối, cái ánh mắt chan chứa của người thơ thường
thích bạn bè dù nhiều khi than trách. Những ngày tháng vỡ lòng cùng nhau bao
nhiêu độ lượng. Một mái tóc ướt cũng thêu hoa dệt mộng, sống thế nào cũng thấy
mình chật hẹp, thèm tự do tung một cánh chim trời...
Dài
dòng vậy để nhớ, không phải chỉ một thời em gái qua sông, những thằng thi sĩ úp
mặt tiếc nuối - mà là một thời cùng nhau xay bột gạo làm bánh phở, trong nghi
ngút hơi nóng ngộp thở ấy vẫn thuộc tên người tên thơ tên sách dù không biết
khi nào mới chạm được mặt nhau. Một thời văn chương Dak Lak, mới đây thôi mà đã
hoang vắng lắm rồi... Ngày tôi đọc bài thơ “Giấu trong vạt áo đợi ngày nắng lên...” của Trần Văn Hội, “Bây giờ ở Huế mùa thu / cũng đành lá rụng
sương mù chưa em / nhặt dùm anh sợi tóc mềm / chút hương hồ cạn ngó sen cuối
mùa / Trăm năm như thể trò đùa...” Vũ cứ xuýt xoa vì lầm tưởng thơ của ông
“trung ương” nào đó, thứ lục bát quỷ khốc thần sầu từng làm Vũ ngơ ngác. Chỉ
mãi sau này mới gặp tác giả, chưa già đã răng cỏ lưa thưa, ngồi nghe anh nói
chuyện về những ngày xuống đường không ngủ, mới biết thơ chỉ là cái móng tay
trong cuộc đời nhiều cung bậc của người thi sĩ phố huyện này. Cái phố huyện
không chỉ nhiều con gái đẹp mà còn nhiều thi sĩ, đứng đắn đàng hoàng như Hoàng Nam
hay ngật ngưỡng như hơi rượu Nguyễn Phi Trinh cũng làm những thằng làm thơ trẻ
con như tôi và Vũ học thuộc lòng. Đây là thơ tình của Hoàng Nam những năm tháng
chúng tôi còn là những học trò “Dưới gốc
cây bàng chúng mình đuổi bắt nhau / Tuổi thơ ơi sao hồn nhiên đến vậy ...Ta đã
lớn lên theo những tháng năm dài / Ơi gốc cây bàng trở thành nơi hò hẹn / Cũng
là nơi chia tay nhau lưu luyến / Dưới gốc bàng đã kịp nói gì đâu...” Hoàng Nam
một đời nho sĩ, chỉ nho sĩ mới làm thơ như tháp bút viết lên trời xanh, một đời
không dối lòng mình. Khi tình đã cạn, quyết không viết những lời, dù là thơ
tình giả danh đãi bôi cơm áo. Nhà thơ thầy giáo ấy lúc nào gặp chúng tôi cũng
cười rụt rè như con gái, bẽn lẽn như mặt trăng trong thơ Hàn nhưng cũng lạnh
lẽo sao băng với bao nhiêu trò nhăng nhố mà không ít người làm thơ tỉnh lẻ chưa
bao giờ vượt qua nổi. Nhà thơ thầy giáo ấy không ít lần buồn phiền về sự rượu
học đòi, chỉ nhắc sao không học cái gì đi mà cứ sáng đêm phá sức. Cái hoang tàn
ấy vắt đi của chúng tôi bao nhiêu là câu thơ kém nội lực, bao nhiêu ê a nhà quê
mà không đứa thoát khỏi với một đám rung động đầu đời... Nhưng mà không rượu
thì không thể gặp được Nguyễn Phi Trinh, cũng ông thầy giáo dạy văn hay như
chim hót ấy từng giữa đêm đập cửa leo rào vào nhà bạn bè, không say không thôi.
Như là không say thì hai con sư tử đá trước cổng trường Quốc Học tuổi thơ của
ông không thể rơi nước mắt, không say thì tiếng vó ngựa của thơ ông không thể
dập dồn. “Vút con ngựa ngựa ô / Lục lạc
reo vang vó gõ nền dồn dập / thời thơ ấu bố phi bằng tưởng tượng / bố phi...”
Vẫn biết học lễ rồi mới học văn, nhưng ông thầy giáo Nguyễn này nhiều khi phi
những cú nước đại, dù chỉ là con ngựa gỗ tưởng tượng trong giấc mơ tráng sĩ
tiền chiến, cái cốt cách bặm trợn mà vẫn hương khói thánh hiền. Mỗi lần ông “em ơi buồn mà chi...” rưng rưng như
khóc, thật chúng tôi chẳng biết mang sông Đuống vào đâu. Bài thơ “Mỗi khi chiều kéo ánh sáng vào đêm” là
tôi viết ở nhà ông thầy giáo thi sĩ này, khi cùng ông ngồi chờ ánh nắng tụt dần
trên một ngọn cây để hòa vào bóng tối. Bữa ấy ông viết cho tôi mấy chữ đại tự
lên tờ giấy hoa thơm như tóc Phượng, lục lọi tìm lại mấy quyển Bùi Giáng mà
ngày ấy quý như vàng. Tờ giấy của Phi Trinh đã phi vào quá khứ, nhưng nét chữ
như nét roi ấy vẫn còn quất vào tôi nhưng cú đau điếng của thơ phú oan khiên,
sau này nhiều khi chắp tay vẫn không thoát tội. Mà cần gì phải sau này, bài thơ
tình về một người con gái không khép cửa buồng khi có anh chàng thập thò ngoài
cửa của nhà thơ Văn Thảnh đã hứng chịu những đòn roi cười ra nước mắt. Quả
trứng không nở của Văn Thanh đã đành, cà bài thơ “Nhiều lúc thương mẹ con thèm một ổ bánh mì” của Uông Ngọc Dậu cũng
thành cuộc họp. “Bố cuốc đất trồng rau
bên cạnh vệ đường / Mong đủ ngọn ngắt ngày hai bữa / Báo thì nói trẻ con cần
thịt sữa / Con đi trẻ rau dền về nhà gặp rau khoai...” Những nhà thơ ngày
ấy, họ là ai trong những ngày tháng thơ ca đang thành một thứ trang sức này? Họ
là ai trong lúc phố núi đang bước những bước vũ bão lên thành phố loại một, bỏ
lại một thị xã vùng cao ngày nào ngơ ngác sương sớm nhà gỗ mây bay? Hay vẫn
buồn như phận người chậu cảnh của thi sĩ Đặng Bá Tiến “Người vui ngắm có hay lòng tôi lạnh / hai trăm năm cô độc giữa chậu
sành...” Ông vừa mới trải lòng mình với cỏ, qua những lời thưa với mẹ, với
vợ, với con, với bạn bè... những câu thơ không có “đề tài”, với gần một trăm
trang in, thật buồn và sang trọng.
Chúng
tôi rùng mình. Hay là chỉ một mình tôi? Vũ bây giờ đã như sương như khói. Đã
chập chờn sắc trắng của buổi mai cô độc. Dài ngắn tùy theo ký ức, nhưng nỗi đau
của những người thơ với thiên hạ bạc như quét vôi lên vách, vẫn thường hay quay
lại. Dù đã có những giải thưởng vinh danh, thơ vẫn không hết những ngùi
ngùi... Như ta vẫn thường như thế khi
ngang qua nền nhà cũ, phố vẫn hoang vu lúc Vũ mang theo rất nhiều bài thơ của
Dak Lak đi hoang. Mãi mãi. Một nỗi đau câm. “Em nâng nhành trúc trên tay / mênh mang là thế sao giờ nhẹ tênh.. Đêm kỳ
diệu bởi màu hoa / không gian rực rỡ như là cho em...” Nhà thơ Đồng Xuân
Lan đã nhận giải thưởng gì cho những câu thơ hay không chịu nổi của những ngày
ông và Dak Lak? Nhà thơ Lê Viết Tường tìm được những vinh danh gì ở những chân
trời trong bài trường ca in nửa trang báo Nhân Dân, trong những câu thơ tài hoa
những ngày mưa lũ cao nguyên mờ mịt? “Chút
xao xuyến trách hờn cơn mưa chiều phố núi / sao chẳng chờ mình dăm phút nữa mưa
ơi...” Ai đã là những cột những vách và ai vẫn làm ô cửa cho căn nhà dài
của thơ Daklak mở ra? Đoàn Nam
hay Hoàng Nam ,
cái tên thôi mà còn có người lầm lẫn thì thơ phú còn biết thế nào…
Ký
ức tôi vang động, như đã khảm vào não những ngày chép thơ vào vở. Chữ có thẳng
thì lòng mới ngay. Cấm uốn éo. Những người thơ giờ đã thành ma thì vẫn cốt cách
là thầy, đã dạy tôi những ngày vỡ lòng trong vô hạn tam tự niệm câu kinh. Giới
hạn của khả năng con người là thế, chỉ những lòng tham u mê sân si mới vô hạn,
mới làm hoen ố cõi tiêu dao này. Những câu thơ của những ngày gian khó, làm thơ
như một nghĩa cử của cuộc đời. Những tài hoa một thời của một vùng đất đỏ đã
thành mây gió... Chúng tôi đã cần mẫn chép từ một thứ giấy đen mờ lên một thứ
giấy còn đen mờ hơn, sần sùi những vỏ trấu để ước mộng ngày mai, cái ngày thật
đẹp mà thơ Dak Lak có không chỉ một ai mà cả một thế hệ bước ra khỏi ô cửa nhà
dài, tung bụi mù ẩn dụ diễu nhại cắt dán hậu hiện đại lên khắp nơi như vó ngựa
của Phi, của Như, của những thi sĩ làm thơ với ánh mắt nhìn thẳng. Như Vũ. Một
đời với những bài thơ hát ca âu yếm, tưởng như trò chơi mà giữ danh dự như giữ
những kỷ niệm tuổi thơ về một Hà nội hào hoa mà đành lưu lạc. Dặn con nhìn
thẳng mà hát quốc ca. Đã bay lượn khắp kinh kỳ rồi về hẻm núi mà ngồi nhớ về
những Hồ Tây Lãng Bạc Dâm Đàm sương khói ước mơ. Ôi chao những trận say váng
vất cắm đầu, tưởng có thể rơi một mạch từ câu thơ hoang tưởng lạc vào những háo
danh tầm thường thảm hại, những thi sĩ tự khoe tự quảng cáo tự làm tất cả, chỉ
không bao giờ làm thơ... May vẫn còn cái ánh mắt nhìn thẳng ấy của Vũ.
Tôi
vẽ chân dung Vũ lên bìa sách. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho
Vũ. Rộn rã đủ thứ phường tuồng mà Vũ vẫn nghiêm trang. Thôi đi Vũ, tôi phải can
Vũ vì chưa bao giờ tôi thấy Vũ giận đến như vậy, giận dữ ném những câu thơ vào
mắt nhìn như lửa. Có phải vậy không mà bây giờ người ta vẫn rùng mình vì những
câu thơ vô ích? Ôi chao là thừa giấy vẽ voi. Lại nhớ những nét roi của Phi
Trinh. Như ngày xưa viết bút lông lên lá chuối mà thành lời sắc như dao kiếm.
Của Vũ của Thúy của Hội của Tường của Dậu của Tiến của Đồng Xuân Lan... Những ngày tháng đã xa như cổ tích / mơ ước
trên cao và mây trắng quanh mình / những góc phố suốt đêm đi như gió / lạnh đến
chừng rượu cũng căm căm... Xa như những hơi rượu tức hờn vô lý của lão thi
sĩ Văn Thanh. Tôi muốn hét to vào đêm vắng, Vũ ra dấu im lặng rồi thừ ra rót
rượu cho tôi. Dù thế nào thì cứ viết. Viết thôi, bạn ạ. Không viết thì Vũ không
chơi với nữa đâu....
Bao
nhiêu năm rồi mà ngồi mà nhớ. Những tuổi tên của thơ Dak Lak trôi đi như gió
trên mặt hồ. Chúng ta đã thức cùng nhau bao nhiêu đêm, cãi nhau ai là người có
công, ai là người có tội. Ai là người tâm huyết ai là người... mà thôi, miễn là
không một giọt mực thừa. Những hát ca như chim sáo ấy cũng vẫn có quyền mơ một
lần mơ Văn Miếu kia mà. Những câu thơ ra khỏi trí nhớ trong một ngày mưa, thành
một vệt rêu ẩm xanh rì thì vẫn là tồn tại. Chỉ có điều ướt mưa, sợ chữ nhòe đi
người sau không đọc rõ thì cũng phải tô lại như nét ban đầu. Cũng phải còn vết
tích để nhìn vào, rồi ra sau này cũng còn nhiều vinh danh hay xét giải. Một vạt
áo thâm giữa bao nhiêu lụa là áo gấm sơ khảo chung khảo, sự điềm đạm của Mai
Niê của Trinh của Dậu rồi sẽ còn bao tiếc nuối của những gió bụi phù hoa.
Vũ
chắc không quay lại nữa. Sự ghé mắt liếc qua làm sao đọc được những chữ đã
nhòe. Vũ gánh tập thơ “Chợt đến rồi đi”
của mình đi qua những dãy phố đã kín cửa. Lòng người đã bể dâu. Cả cái gánh phở
một ngày của Vũ giờ đã tanh tao nên đã va vất dáng bay của những con ruồi. Đôi
mắt tròn đỏ của chúng nhìn chúng tôi trừng trừng. Sách xưa nào chả chép về những
chuyện hoạn quan giữa chốn triều đình. Thơ không bao giờ là số đông. Những nhà
thơ không bao giờ của số đông ở Dak Lak đã tản vào mây gió. Đã vui đã buồn đã
hát đã khóc. Và đã làm thơ. “cái thị trấn
phi lý này / đã từng có những thần dân tận trung báo quốc / đã từng có những
thi sĩ / hoang tưởng nghĩ rằng mình có thể tạo ra lịch sử / chỉ bằng những con
chữ / mà thôi...” (ghi ở nhà Vương, Hà Giang – LVT)
Rồi
mọi thứ vụt qua như gió...
Trả lờiXóaNhà văn Hồng Chiến ơi, đã có Chư Yang Sin số tháng này chưa ? Nếu có, nhà văn đăng lên để mọi người cùng biết nhé. Nhiều người ngóng Chư Yang Sin tháng này cũng khá lâu rồi !!
Chúc nhà văn ngày mới nhiều niềm vui. Thân ái !