Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

NỐI DÂY truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO HẢI PHÒNG SỐ RA NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 2021

 



Cô Thanh đang say sưa với bài giảng văn của mình, cả lớp 9A tròn mắt, vễnh tai chăm chú lắng nghe. Bỗng cửa lớp ồn ào rồi một đám người xuất hiện, hình như nhiều người đã uống rượu, hơi men bay nồng nặc. Một ông ngoài sáu mươi tuổi, râu tóc bạc trắng, mặc bộ đồ bộ đội đã cũ bước vào lớp nói:

-Tao xin cô giáo cho thằng Y Saphon nghỉ học.

-Nhà có việc gì mà gia đình lên đón em về nửa buổi vậy bác?

-Có việc lớn lắm.

-Y Saphon, em ra cho gia đình gặp nào.

Y Saphon đứng lên rồi ra khỏi lớp.

Cô giáo tiếp tục giảng bài. Không biết người nhà nói gì mà Y Saphon vào lớp gục mặt xuống bàn, ôm mặt khóc nức nở. Cô Thanh ngừng giảng bài, bước đến bên cạnh hỏi:

-Có chuyện gì vậy em?

Y Saphon không trả lời, lại càng khóc to hơn, đứng dậy ôm cặp sách bước ra khỏi lớp. Cô Thanh ngạc nhiên, nhìn theo cậu học trò cao chưa đến mét ba, trán dô, tóc quăn tít, thỉnh thoảng còn bị phạt vì hay trêu đùa quá trớn các bạn; nhưng rất lễ phép với thầy cô. Nay bỏ lớp về, không nói gì; cô Thanh ngạc nhiên quay lại hỏi lớp:

          -Sao bạn ấy khóc thế, nhà có người mất à?

          -Anh bạn ấy mất, người nhà lên tìm đưa về ạ!

-À thì ra vậy, chiều nay em nào rỗi theo cô xuống buôn chia buồn với gia đình bạn nhé.

-Chia vui chứ cô.

-Sao?

Cô giáo ngạc nhiên hỏi lại, H’Liêm đứng dậy thưa:

-Anh bạn ấy chết, gia đình bên họ nhà gái qua bắt bạn ấy về “nối dây”(1).

-Em có thể nói rõ hơn cho cô hiểu được không?

-Theo tục lệ của người Êđê, khi người chồng chết, người vợ có quyền về bên  nhà chồng tìm em hoặc cháu trai con chị gái chưa có vợ, bắt về làm chồng thay người đã chết. Nhà bạn ấy chỉ còn một mình Y Saphon độc thân nên phải thay anh “nối dây” ạ.

-Trời!

Cô Thanh buột miệng kêu lên. Thời gian dạy học ở trường vùng Cao nguyên chưa nhiều, biết tiếng bản địa còn ít, nhưng đã nghe nói nhiều đến luật tục lạ, nay không ngờ lại xảy ra đối với cậu học trò lớp mình chủ nhiệm. Cô hỏi thêm:

-Cô chị dâu ấy đã nhiều tuổi chưa?

-Thưa cô, bà ấy sống hơn bốn chục mùa rẫy(2), đã có cháu ngoại rồi ạ.

H’Liêm trả lời, cô Thanh ngạc nhiên thốt lên:

-Sao lại bắt một cậu bé “nối dây” với người già như thế?

-Thầy cúng của buôn nói rằng, tục “nối dây” quy định: người đàn ông bỏ vợ con về bến nước ông bà(3), thì bên họ nhà trai phải có trách nhiệm tìm người qua “nối dây”, thay người quá cố nuôi con. Nếu người được chọn không chịu về làm chồng thay người đã khuất sẽ bị phạt rất nặng về vật chất. Trường hợp vợ chết, họ nhà gái sẽ họp lại và quyết định xem có nên giữ chàng rễ hay không? Nếu thấy anh ta khỏe mạnh, siêng năng; người ta sẽ tìm một người phụ nữ tronng họ chưa có chồng thay thế cho người đã khuất để giữ anh ta lại làm rễ. Theo phong tục này, người “nối dây” có thể là cô bé mới sinh. Nếu anh chồng không chấp nhận “nối dây” sẽ bị đuổi khỏi nhà mà không được mang theo con cái hoặc bất cứ tài sản gì.

H’Liêm trả lời xong ngồi xuống rồi mà cô giáo Thanh vẫn vịn bàn, đứng nhìn xuống lớp. Cô chợt nghĩ: theo tục lệ này thì nhiều bà góa năm hoặc sáu chục tuổi có thể bắt em người chồng tuổi nhi đồng về “nối dây”. Phải làm sao bây giờ? Y Saphon là học trò giỏi về môn tự nhiên, rất siêng năng trong lao động, một tương lại đẹp phía trước đang chờ em, vậy mà…

*

**

Cô Thanh cho lớp tự sinh hoạt rồi vội vã xuống phòng Ban giám hiệu. Thầy Hiệu trưởng nhà trường cũng là người dân tộc Êđê, từng là học sinh thiếu sinh quân miền Nam tập kết ra Bắc. Thấy cô Thanh bước vào, thầy Hiệu trưởng ngạc nhiên hỏi:

          -Sao cô giáo không dạy mà lên đây?

          Nghe cô Thanh trình bày chuyện học trò lớp mình chủ nhiệm bị bắt về “nối dây” thay ông anh mới mất, thầy Hiệu trưởng bảo:

          -Chuyện này khó đây!

          -Khó cũng phải cứu Y Saphon và vận động bỏ tục lệ này thầy ạ.

          -Để tôi qua xã gặp các anh bên ấy bàn xem sao.

          -Trước mắt phải làm thế nào để ngăn cái đám cưới này lại?

          -Chuyện liên quan đến tục lệ, ta giải quyết không thỏa đáng sẽ rắc rối nhiều lắm đấy. Cô về lớp giữ Y Saphon lại đợi tôi về.

          -Vâng ạ!

          Trong khi ấy, tại phòng học lớp 9A, ba cái đầu chụm lại bên nhau; H’Liêm hỏi bạn:

          -Hồng có cách gì để cứu bạn ấy không?

          -Cho bạn ấy về nhà Y Thịnh lánh tạm ít ngày chờ cô chủ nhiệm thu xếp xem thế nào?

          -Không được đâu.

          H’Liêm trả lời, Hồng ngạc nhiên hỏi lại:

          -Sao lại không được, nhà Y Thịnh rộng mà chỉ có hai mẹ con ở, chắc amí(4) Y Thịnh không từ chối đâu.

          -Hồng không biết rồi, nếu người họ nhà gái biết Y Saphon trốn trong nhà Y Thịnh thì nhà Y Thịnh bị phạt nặng lắm đấy?

          -Thế thì để bạn ấy về nhà chịu tang xong rồi tính.

          Nghe Hồng nói vậy cả hai bạn bật cười, làm Hồng ngạc nhiên hỏi lại:

          -Không được sao?

          -Được cái gì, nếu bước chân về chịu tang sẽ bị bà thím lôi vào phòng bắt làm chồng trước rồi mới tổ chức tang lễ cho người anh.

          -Khủng khiếp!

          -Luật quy định vậy, nếu người nối dây chấp nhận thì người chết mới an lòng về rừng ông bà; vì thế họ sẽ tổ chức cưới khi xác người chồng còn để trong nhà đấy bà Yoan(5) ạ!

          Nghe H’Liêm nói, người Hồng nổi da gà, run lên như bị sốt. Tiếng Y Saphon vẫn nức nở vọng vào. Y Thịnh nói:

          -Còn một cách nữa đấy.

          -Có cách gì nói nhanh lên xem nào.

          -Trốn vào rừng thôi.

          -Phải bỏ học à?

          Hồng kêu lên, H’Liêm trả lời:

          -Bây giờ làm sao cho Y Saphon không bị bắt đã, còn các chuyện khác tính sau.

          -Nếu vậy để bạn ấy lên chòi rẫy nhà H’Liêm trốn tạm một thời gian nhé.

          Hồng nói như quyết định, cả hai bạn đồng ý rồi kéo nhau ra sau lớp gặp Y Saphon. Nghe H’Liêm nói xong, Y Saphon vội vã lấy xe đạp của Hồng nhằm chân núi lao đi. Hồng phân công:

          -Trưa nay H’Liêm mang cơm cho bạn, cẩn thận không bị phát hiện nhé. Chiều mình với Y Thịnh cùng đi và nhân thể mang quần áo cho bạn ấy mượn, mặc tạm. Nhất trí nhé!

          -Nhất trí!

          Cả ba ngoắc tay nhau.

          Cô Thanh về đến cửa lớp, Hồng chay ra nói nhỏ với cô kế hoạch của ba đứa. Cô Thanh cau mày, tỏ vẻ không bằng lòng, nói:

          -Sao không đợi cô về đã.

          -Các bạn ấy sợ họ nhà gái lên bắt người ạ.

Vừa lúc đó đám người lạ quay lại, đi đến cửa lớp, hỏi cô giáo:

          -Y Saphon đâu rồi?

          -Hắn về từ lúc nảy rồi mà.

          H’Liêm bước ra cửa lớp trả lời. Ông già râu bạc bước vào lớp ngó ngược, ngó xuôi rồi quay ra cùng đám người xiêu vẹo, kéo nhau đi. Cô Thanh vẻ trầm ngâm, bước vào lớp. Lớp lặng ngắt, các con mắt học trò chăm chú nhìn cô; cô nhìn học trò, nhìn vào chỗ Y Saphon ngồi thấy khoảng trống mênh mông, lòng đau thắt.

*

**

          Trưa. Thầy Hiệu trưởng người đậm, da nâu đen, khuôn mặt hình chữ điền, có đôi mắt nâu đen, dẫn cô Thanh cùng mấy ông cán bộ xã xuống buôn chia buồn với gia đình người mất và gặp già làng bàn chuyện Y Saphon. Cuộc gặp hết sức căng thẳng; họ nhà gái cương quyết bắt Y Saphon về “nối dây” vì bà chị dâu thích người em út của chồng khỏe mạnh, siêng năng. Cán bộ xã nói về luật pháp, luật hôn nhân gia đình… nhưng không ai chịu nghe. Cô Thanh cũng góp lời:

          -Ngày nay chúng ta có chính quyền mới, phải tuân theo luật pháp của nhà nước đã quy định, nếu làm sai bị xử phạt. Y Saphon còn nhỏ, đang tuổi đi học chưa đủ tuổi kết hôn.

          -Cô giáo nói vậy là chưa đúng rồi. Cách đây mấy mùa rẫy, buôn ta đánh Mĩ, đuổi Ngụy góp sức cùng quân Giải phóng thành lập chính quyền mới; lúc đó cô giáo còn ở tận đâu ngoài miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có phải chịu gian khổ, hy sinh đâu. Dân theo Đảng vì Đảng nói đúng cái ý của người dân, người dân ưng bụng mới đi theo Đảng làm cách mạng. Gian khổ lắm, nhiều người đã chết mới có ngày hôm nay được tự do để thực hiện luật tục của buôn, sao lại ngăn cấm như thế.

          -Già làng nói vậy cũng có chỗ chưa đúng rồi – thầy Hiệu trưởng đỡ lời: trong chiến tranh mỗi người một việc chia nhau làm mới thắng được giặc chứ. Mình đi học cũng là nhiệm vụ Đảng giao cho đấy. Học biết chữ, hiểu luật pháp về dạy cho con em chúng ta cái chữ, có kiến thức khoa học áp dụng vào cuộc sống để mọi người có cuộc sống tốt hơn. Việc “nối dây” là hủ tục, phải bỏ thôi, nay không được dùng nữa.

          -Thầy giáo là người Êđê nhưng đi theo Yoan lâu ngày nói không đúng rồi. Ông bà ta từ xưa đã làm thế vì có cái lý của họ chứ, ta phải tuân theo mới bảo vệ được người dân tộc mình.

          Ông Chủ tịch xã lên tiếng:

          -Già làng nói vậy cũng chưa phải lắm, ta tin Đảng, theo Đảng vậy những phong tục lạc hậu phải bỏ đi để học theo cái mới cho cuộc sống đẹp hơn.

          -Mày làm Chủ tịch một xã, to như thế mà không hiểu cái ý của người dân rồi. Bắt em người đã chết về làm chồng là để nó có trách nhiệm nuôi cháu; con không còn thiếu cha, cháu không thiếu ông có phải tốt hơn không?

          -Ơ, cậu bé mới mười ba mùa rẫy lại làm ama(6) cái thằng sống hơn hai chục mùa rẫy à, thế cái lý ở đâu?

          Già làng, buôn Trưởng, họ nhà gái tranh cãi với thầy cô giáo và chính quyền đến tận chiều vẫn không ngã ngũ. Tiếng chiêng trống vẫn đều đều vang lên; bò, heo, gà… vẫn tiếp tục bị mổ thịt và người ta vẫn thay nhau vít cần rượu chờ Y Saphon về làm lễ “nối dây” rồi mới đưa người chết đi chôn.

          -Tùng binh linh, tùng binh linh, tùng binh linh!

*

**

          Chủ nhật. Ông mặt trời lên đến gần đỉnh đầu, Y Thịnh lai Hồng theo con đường mòn vào chân núi Cư Droa. Dắt xe qua con suối, chuẩn bị leo dốc lên triền đồi, Y Thịnh quay lại nói với Hồng:

          -Hình như có người theo ta đàng sau, làm sao đây?

          -Cứ đi tiếp, đến ngã ba trước mặt ta rẽ trái đi lại gốc cây đa to kìa kìa; đừng để ý đến bọn người đi theo.

          Hai đứa dựng xe bên gốc cây đa rồi vác dao đi chặt các cành cây có nhiều lá xanh kéo lại, phủ lên xe đạp. Vừa lúc ba người thanh niên mặt đỏ lừ, tay cầm xà gạc bước tới hỏi:

          -Chúng mày vào đây làm gì?

          Hồng nhanh nhẩu trả lời:

          -Hai đứa bọn em đi chơi và tìm chỗ rình bắn cu xanh ạ. Cu xanh mùa này thịt ngon lắm.

          -Chúng mày đi bắn chim thật à?

           Một thanh niên hỏi lại Hồng, có vẻ không tin; một người khác bước lại bên Y Thịnh, hỏi:

          -Mày học cùng lớp với Y Saphon phải không?

          -Đúng.

          -Mày biết nó ở đâu không?

          -Nó về chịu tang rồi, có đi học đâu mà tao biết.

          -Bác nó treo thưởng một con bò cái lớn cho ai đưa Y Saphon về buôn đấy. Nếu mày thấy thì nói với bọn tao mà nhận thưởng.

          -Tao với nó có ở cùng buôn đâu mà biết.

          -Chúng mày biết mà không nói thì… buôn sẽ xử chúng mày đấy.

          -Dạ, chúng em biết rồi ạ.

          Hồng nhanh miệng trả lời rồi bước lại kéo tay Y Thịnh:

          -Mấy anh đến làm ồn thế này thì chim đâu đến đây đậu nữa, hay ta xuống suối chơi đi.

          -Thấy nó là phải báo cho bọn tao biết nghe chưa, nếu không…

          Một thanh niên vung cây dao lên dứ dứ như định chém rồi cả ba quay lại con đường cũ, xuống suối. Y Thịnh tái mặt, ngồi phịch xuống rễ cây, nói:

          -Sao câu gan thế, không sợ lũ thanh niên đánh à?

          -Có gì mà sợ bọn họ.

          -Chúng biết chúng ta mang cơm cho Y Saphon thì sẽ bị đánh đòn và có khi còn bị chém nữa đấy.

          -Ta giúp bạn, bảo vệ cái đúng thì không sợ gì cả. Giờ Y Saphon leo lên cây xem ba người bọn họ về thật chưa, chúng ta mới tới chỗ Y Saphon được.

          -Có lý, để mình nhìn thử.

*

**

          Trên chạc tư cây cate mọc sát bìa rẫy, cao cách mặt đắt sáu sải tay, Y Saphon chặt mấy cành cây bắt chéo qua làm sàn để ở. Đứng trên chòi của mình, quan sát được toàn bộ khu rẫy nhà H’Liêm và nhìn xa hơn về phía chân núi, thấy được người qua lại; không sợ bất ngờ gặp người lạ. Hơn một tuần đã qua phải chui lũi trong rừng trốn tránh mọi người, nhưng nhờ có ba người bạn học cùng lớp thay nhau giúp đỡ nên cũng đỡ.

Thấy hai bạn đến, Y Saphon tụt xuống khỏi chòi, ra hòn đá bên suối ngồi đợi. Y Thịnh nhìn bạn, nói:

-Bà chị dâu quái ác vẫn không cho chôn ông anh, nhất định bắt Y Saphon về “nối dây” đấy. Chính quyền địa phương, thầy cô giáo khuyên mãi vẫn chưa được.

-Bạn ốm đi nhiều quá, đêm không ngủ được à? Phải cố chịu đựng thêm ít bữa nữa nhé. Còn bà chị dâu, không biết bà ta có phải là người không nữa?

Hồng buồn bã góp lời rồi nói tiếp:

-Chẳng lẽ bà ta không có con hay sao mà xử quá đi như thế?

-Có hai đứa, người đầu lấy chồng có con rồi; còn cô con út học lớp mười trường nội trú huyện đấy.

Nghe Y Saphon trả lời, Hồng reo lên:

-Thế thì có cách rồi, chìa khóa mọi chuyện ở cô gái này đây. Sao bạn không nói sớm cho mình biết.

-Cô gái này có liên quan gì đến chuyện “nối dây”?

-Sao lại không? Phải nhờ các thầy cô trong trường thuyết phục chị này để chị khuyên amí cho chôn ama mình, thế là hóa giải được luật tục.

-Đúng rồi, Hồng giỏi quá; sao mình không nghĩ ra nhỉ.

Y Thịnh cũng reo lên, hai tay đưa lên cào cào mái tóc quăn tít, nở nụ cười phô hết hàm răng ra. Hồng vỗ vai Y Saphon, nói:

-Bọn mình về đây, đừng buồn nhé, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Cô cháu chắc không bao giờ muốn nhận ông chú trẻ con làm ama mình; chúng ta lại được đi học cùng nhau rồi.

Để lại đồ ăn cho bạn, Hồng và Y Thịnh vội quay lại chỗ để xe thực hiện ý định của mình. Y Saphon đứng nhìn theo, hai mắt thấy cay cay.


Chú thích tiếng Êđê:

1. Nối dây: tục “Juê nuê” của người Êđê quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng và ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng;

2. Bốn chục mùa rẫy: cách tính tuổi của người Ê đê, mỗi mùa rẫy là một tuổi;

3. Bến nước ông bà: nơi ở của người đã chết – quan niệm của người Êđê;

4. Ami: má;

5. Yoan: người Kinh;

6. Ama: ba;


Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - NHÀ BÁO VÀ CUỘC SỐNG số ra tháng 6 năm 2021

 




Ông mặt trời nhô lên trên bức tường rào phía đông, ghé con mắt đỏ lừ nhìn xuống trần gian và không quên gieo xuống mặt đất những sợi nắng vàng óng ánh. Làn gió ban mai lướt qua các mái nhà, vườn cây như một bàn tay người mẹ vuốt ve cảnh vật. Cây hồng được gió đi qua thức dậy, nhìn ra xung quanh, chợt reo lên:

-        Ô, hôm nay trời đẹp quá!

-        Đúng vậy rồi bạn.

Một con chim lạ không biết từ đâu sà ngay xuống bên cạnh bụi hoa hồng, mắt chăm chú nhìn nụ hoa, lá cây, cành cây… như tìm kiếm vật gì đó. Con chim có bộ lông màu xanh nhạt như lá cây già thiếu nước, chiếc đuôi cụt ngủn trông xấu hoắc. Nó nghiêng nghiêng cái đầu có đôi mắt tròn xoe, phía dưới mắt một chút có chiếc mỏ bé tẹo lại hơi cong cong, nhìn thấy mắc cười. Hình như con chim sâu không nhận ra vẻ khó chịu của bụi Hồng, nên nói tiếp:

-Bạn khỏe không?

Cây Hồng tảng lờ như không nghe, cố tình ngữa mặt nhìn lên khoảng trời xanh cao vút không một gợn mây, lòng chợt nghĩ: “Không biết lượng sức, xấu thế mà còn dám đến làm quen với mình”. Hình như nhận ra vẻ khó chịu của cây Hồng, con chim lạ cất tiếng kêu: “chích, chích, chích…” rồi vỗ cánh bay đi.

*

Cơn gió nhẹ từ từ chạy đến làm xao động những chiếc lá trên cành, mang theo một đôi bướm vàng bay đến. Nhìn thấy nụ Hồng, cô Bướm reo lên:

-Ô, một nụ hồng tuyệt đẹp!

-Những hạt sương đêm đọng lại quanh nụ hoa, óng ánh dưới ánh nắng  trông giống như chuỗi ngọc trời ban tặng; đẹp quá.

Nghe anh bướm khen, cây Hồng nở nụ cười hạnh phúc, bụng thầm nghĩ: Phải vậy chứ, cũng có kẻ nhận ra vẻ đẹp của ta; liền cất tiếng:

-Chào anh chị Bướm!

-Chào cây Hồng!

-Chúng tôi đã bay qua bao nhiêu vườn cây, ao hồ mà chưa thấy một ai xinh đẹp như bạn.

-Thật ư?

Cây Hồng nghe anh Bướm khen mừng lắm, hỏi lại; chị Bướm trả lời ngay:

-Đúng vậy, một sắc đẹp tuyệt vời chỉ có những ai may mắn lắm mới được thiên nhiên ban tặng như thế.

-Anh chị cũng rất xinh đẹp đấy ạ.

Nghe cây Hồng nói, đôi Bướm liền trả lời gần như đồng thanh:

-Thật ư!

-Thật ạ.

Anh Bướm nở một nụ cười thân thiện, nói:

-Chúng ta là những báu vật của quả đất, vậy cùng kết bạn nhé.

-Cảm ơn anh chị không chê em xấu mà còn đồng ý kết bạn.

Đôi bướm đậu xuống một chiếc lá, tâm sự; những câu nói như rơi ra từ trong tận đấy lòng làm cây Hồng cảm động lắm. Cô Bướm đưa hai chân trước lên vút râu, thủ thỉ:

-Em biết không, anh chị đang phải đi làm một việc rất quan trọng, việc ấy là “bí mật quốc gia”, là “đại sự”… nên chưa thể nói được. Nay gặp em xinh đẹp thế này, anh chị tin tưởng muốn nhờ em giúp một việc, không biết có được không?

-Đã là bạn bè thì giúp được gì em sẽ gắng hết sức ạ.

-Ôi, em tốt quá, anh chị quả là không nhầm. Trên đường đi xa làm việc “quan trọng” nên anh chị không thể mang theo, phải nhờ em giữ dùm cho anh chị mấy quả trứng. Đây là thứ quý nhất cuộc đời anh chị, mong em không từ chối.

-Thứ quan trọng như vậy em biết cất giữ ở đâu để không bị kẻ trôm lấy mất?

-Để ngay dưới chiếc lá này của em là được.

Nghe anh Bướm nói vậy, cây Hồng đồng ý ngay.

*

Chục quả trứng màu trắng, bé tý ti, trông thật đáng yêu. Cây Hồng tự hào mình đã làm được việc tốt, có ích cho bạn. Mấy hôm sau, vỏ trứng cong lại rồi nở ra một lũ sâu non. Chúng vừa chui ra khỏi vỏ, bám ngay vào chiếc lá và ngấu nghiến nhai, nuốt… Lúc đầu cây Hồng tự nhủ: “Mình đang làm việc tốt, chăm sóc những đứa con giúp bạn, có bị đau đớn một chút cũng không sao”. Nhưng rồi lũ sâu lớn nhanh quá, càng lớn chúng ăn càng khỏe; lá hồng, cành hồng non rồi cả nụ hoa cũng bị chúng lần lượt đưa tuốt vào bụng. Cây Hồng đau đớn lắm nhưng phải cố chịu đựng và xen chút tự hào vì mình... đang hy sinh vì tình bạn!

Hôm trước, cây Hồng tràn đầy sức sống, chuẩn bị khoe với mọi người những cánh hoa tươi thắm của mình thì giờ đây… cành lá xác xơ, ngay cả nụ hoa cũng bị gầy tóp lại; có con sâu còn trèo lên nhấm nháp cánh hoa. Cây Hồng chỉ còn biết ứa máu, rơi lệ, cam chịu.

*

Buổi sáng, gió nhẹ lướt qua. Ánh nắng ban mai như những sợi tơ vàng rãi khắp mặt đất. Cây Hồng cố vươn mình đứng lên nhưng rồi lại gục xuống. Những hạt sương đêm bám vào nụ hoa theo nhau rơi xuống mặt đất như những hạt lệ. Bỗng có tiếng nói vọng đến:

-Chào bạn!

Cây Hồng gượng dậy, nhìn qua. Đứng bên cạnh cây từ lúc nào lại là con chim xấu xí ngày nào, giương đôi mắt tròn xoe ra nhìn. Giọng chim tỏ ra lo lắng:

-Bạn bị đau à?

-Không, tôi, tôi… bình thường.

-Cành lá xác xơ, đến nụ hoa cũng có lỗ thủng, chắc là bị lũ sâu gây nên rồi. Để tôi giúp bạn bắt bọn chúng.

-Không được đâu, lũ sâu ấy nở ra từ trứng, mà trứng là của anh chị Bướm gửi lại nhờ tôi giữ dùm.

-Trời đất, bạn cả tin quá. Lũ sâu này là con của bướm, không bắt chúng thì không những nụ Hồng mà cả cây cũng sẽ bị chết đấy.

-Cây Hồng ơi, đừng tin vào con ác thú có cánh ấy. Chúng tôi là con của những người bạn tốt mà.

Lũ sâu không biết bằng cách nào đã tụt xuống, núp sau các cuống lá; toàn thân chúng đổi thành một màu xanh, trông như một phần của cành cây. Nghe lũ sâu nói, cây Hồng lắc lư ngã theo chiều gió thổi, cố vớt vát:

-Tôi đã hứa giữ trứng cho bướm mà!

-Bạn bị lừa rồi. Bướm gửi trứng, trứng nở thành sâu ăn hết, lá, hoa của cây để lớn; khi trưởng thành chúng lột xác thành bướm. Chỉ vì cả tin mà bạn bị lừa, không những làm hại mình mà còn hại cả những cây xung quanh nữa đấy.

Nói dứt lời, chim nhảy lên từng cành cây, quan sát kỹ từng cọng lá, tìm nhặt từng con sâu đang ẩn nấp trong đó nhốt tuốt vào bụng. Có con sâu giả vờ chết, rơi xuống mặt đất cũng không thoát.

*

Mấy hôm sau, con chim “xấu xí” lại bay đến, nụ hồng giờ đã bung hoa, trên một vài cánh hoa vẫn có những lỗ thủng nhỏ, dấu vết bọn sâu để lại. Dưới nách lá chỉ còn trơ những cuộng, giờ đã thấy nhú lên những chồi non xinh xinh. Không đợi chim chào, cây Hồng đã cất tiếng nói:

-Cảm ơn bạn, không có bạn chắc tôi đã…

-Không phải cảm ơn đâu, bạn bè giúp nhau là chuyện thường tình thôi mà. Có điều, trước khi làm một việc gì cũng phải cân nhắc cẩn thận, nhất là tìm bạn. Giữ chữ tín là tốt, tốt với bạn bè cũng đáng khen; nhưng cả tin mà bị kẻ xấu lừa dối thì sẽ rất ân hận.

-Cảm ơn bạn, mình đã được bài học nhớ đời rồi!


Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

NGÔI NHÀ CHUNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 346 THÁNG 6 NĂM 2021


 




Thảo nguyên quê tôi khá bằng phẳng, chỉ có cỏ gianh thi nhau mọc, về mùa mưa, xanh ngắt đến chận chân trời; mùa khô, cỏ gianh chín vàng trông như cánh đồng lúa chín; hươu, nai chạy cả ngày không hết. Nổi bật trên nền cỏ gianh ấy thỉnh thoảng có những cây kơ nia gốc to hơn một vòng tay người lớn, cao vút, tán lá sum sê, xanh mượt mà quanh năm; đứng xa nhìn giống như những chiếc ô cắm trên thảo nguyên.

          Đang giữa mùa khô, trời nóng gay gắt, đôi nai nằm tránh nắng dưới gốc cây kơ nia thiu thiu ngủ; bỗng giật mình khi nghe tiếng chim cu gáy cất lên ngay trên cao vọng xuống:

          -Cúc cù cu, cúc cù cu, cúc cù cu!

          -Ồn ào quá, không cho người ta ngủ với à?

          Nai đực lầu bầu, chim Cu Gáy Trống cúi xuống nhìn rồi trả lời:

          -Chào bác trâu, chưa đến trưa mà các bác đã đi ngủ à?

          -Không phải trâu đâu, đầu có sừng lạ lắm.

          Chim Cu Mái góp ý, chim Cu trống đáp:

          -Ừ nhỉ, sừng của bác trai này dài quá, có tới sáu nhánh luôn; bác gái lại không có sừng. Lạ quá, lạ quá!

          Nghe đôi chim cu gáy nói chuyện, nai cái ngước mắt lên trả lời:

          -Các bạn từ đâu đến mà không biết chúng tôi?

          -Chúng cháu ở xa lắm, từ đám rẫy của con người trồng lúa dưới chân núi xa xa kia kìa; hôm nay, lần đầu bay xa đến đây đấy ạ.

          Chim Cu Mái vui vẻ trả lời rồi hỏi thêm:

          -Bác tên là gì mà sừng không giống sừng trâu, sừng bò; da lại nâu đen kỳ lạ thế ạ?

          -Chúng tôi là Nai.

          -Ô, Nai ạ; tên hay quá!

          Đôi chim cu gáy cùng thốt lên vui vẻ khi khám phá thêm được điều mới lạ mà từ lâu vùng chúng ở không có. Vừa lúc đó một bầy chim phải gần cả ngàn con đáp xuống, trò chuyện râm ran:

          -Ô, có đôi chim gì giống chúng ta mà lại khoác bộ đồ màu đất, cổ có những lông đen viền trắng hay thế?

          -Đuôi có thêm mấy cái lông trắng nữa kìa, đẹp lắm.

          Thấy bầy chim lạ trên mình khoác bộ lông xanh thẫm, phía dưới bụng lông vàng nhạt, thân hình to như con gà mái mẹ nên chim Cu Mái cất tiếng chào làm quen:

          -Chào các anh các chị, anh chị ở đâu mà đi qua đây đông thế?

          -Chào hai bạn, chúng mình sống trên núi cao mờ mờ trong mây phía nam kia kìa; tên thường gọi là Gầm Gì Xanh – để phân biệt với người họ hàng có lông màu nâu, lớn hơn một chút.

          Chim Gầm Gì Xanh đầu đàn nghiêng nghiêng cái đầu có đôi mắt tròn như hạt cườm, màu đen, viền trắng trả lời; chim Cu Trống tò mò, hỏi:

-Các anh chị ăn gì mà thân hình to lớn thế?

          Chim Gầm Gì Xanh đầu đàn đôi mắt ánh lên niềm vui như cườ, trả lời:

          -Ăn trái cây thôi, trên núi cao trái cây nhiều lắm, tha hồ ăn. Còn hai bạn tên là gì, có ăn như chúng tôi không?

          -Chúng em là Cu Gáy, có nơi còn gọi Cu Đất, chắc do màu lông giống màu đất nên được đặt tên như thế; thức ăn chủ yếu là hạt các loài cỏ.

          Chim Gầm Gì Xanh đầu đàn nghe chim Cu Mái trả lời, ngạc nhiên hỏi lại:

          -Ăn hạt cỏ, vậy là phải đi bộ dưới mặt đất à?

          Chim Cu Trống cũng không giấu được ngạc nhiên, trả lời:

          -Dạ. Thế các anh chị không bao giờ đi dưới mặt đất à?

          -Ui chu cha, đi dưới mặt đất nguy hiểm lắm, biết bao kẻ thù có thể bất ngờ xuất hiện rình bắt ăn ta thịt; vì thế gia đình nhà Gầm Gì chỉ ăn quả cây trên cao, không bao giờ xuống mặt đất trừ khi phải đi uống nước.

          Chim Gầm Gì vừa dứt lời, bỗng có tiếng dưới mặt đất vọng lên:

          -To xác vậy mà nhát gan thế. Nhìn chúng tôi đây, bao đời nay vẫn cần mẫn bới lá khô trên mặt đất, nhặt sâu bọ kiếm sống có sao đâu.

          Bầy chim Đầu Bạc chắc phải trên trăm con từ dưới đất bay vút lên cây kơ nia, chưa đậu mà đã nghe tiếng vọng đến.  Chim Đầu Bạc chỉ to hơn trứng gà một chút, toàn thân có bộ lông màu xám, riêng đầu chim mọc toàn lông trắng; có lẽ vì vậy mà được đặt tên là Đầu Bạc chăng – Chim Gầm Gì Xanh thầm nghĩ, rồi hỏi lại:

          -Các bạn không sợ lũ thú dữ không chân và bốn chân bắt ăn thịt à?

          -Lũ không chân như: trăn, rắn hay bốn chân như: hổ, báo, cáo, chồn… có gì mà phải sợ?

          Nghe Chim Đầu Bạc trả lời, chim Gầm Gì Xanh ngạc nhiên kêu lên:

          -Các bạn can đảm quá, có cách gì đi dưới mặt đất mà không sợ thú dữ thế?

          -Thường thôi, chúng tôi kiếm ăn dưới đất theo bầy, bao giờ cũng phải có một con đậu trên cao quan sát bốn phía để kịp thời phát hiện kẻ thù, báo cho bầy bay đi khi mối đe dọa đến gần.

          -À ra thế!

          Cả bầy chim Gầm Gì Xanh và đôi chim Cu Gáy gần như đồng thanh thốt lên và hình như vừa hiểu ra một điều mới lạ.  

          Đôi Nai nằm dưới gốc cây nghe chim trên cây trò chuyện, lòng hết sức khâm phục, tròn mắt nhìn lên. Bất ngờ thấy chim Đầu Bạc đầu đàn bay ra đầu cành hét toáng lên:

          -Hổ, hổ đấy, hổ đấy!

          Đôi Nai bật dậy, đứng nép vào gốc cây, đầu ngững cao, tai vểnh về phía trước, mắt dáo giác nhìn ra xung quang; chúng chỉ thấy một màu cỏ gianh vàng ruộm đang cong mình chống chọi với gió từ phía đông thổi qua phía tây. Nai Cái run run hỏi:

          -Chạy phía nào đây?

          -Loài hổ có mùi hôi thối rất nặng nên khi săn mồi bao giờ cũng đi ngược, hoặc ngang với hướng gió. Ta phải chạy ngược hướng gió mới tránh được nó.

Nai Đực vừa dứt lời, bầy chim Đầu Bạc lại thi nhau kêu ầm lên:

          -Hổ đi ngược gió từ phía tây đến đấy, chạy đi, chạy đi!

          Nghe chim Đầu Bạc nói thế, đôi Nai nhằm hướng đông tung vó lao vút ra đồi cỏ gianh, chớp mắt đã khuất hẳn. Con hổ màu vàng, có sọc đen từ lưng xuống bụng; to hơn cả nai đực vừa chạy; bước lại bên gốc cây kơ nia, hếch mũi ngửi, đôi mắt ánh lên điều tiếc rẻ rồi dựa vào gốc cây nằm xuống, nhắm mắt lại. Đôi Cu Gáy và đàn Gầm Gì Xanh lặng ngắt, cúi xuống quan sát con hổ, không con nào giám thở mạnh. Bầy chim Đầu Bạc thấy hổ nằm xuống liền đồng thanh kêu ầm lên:

          -Xấu, xấu xấu…

          Chúng dùng mỏ ngắt từng quả kơ nia xanh, thi nhau nhằm đầu hổ thả xuống. Hổ giật mình nhảy dựng lên, tròn mắt nhìn bầy chim Đầu Bạc. Chắc hổ bị quả cây rơi trúng mặt, đau quá nên gầm lên một tiếng: “H… ù… m”, rồi cong đuôi chạy xuôi về phía tây như bị ma đuổi.

          Thấy hổ bỏ chạy, chim Cu Trống hình như hết run, nói:

          -Các bạn nhỏ người như vậy mà đuổi được cả hổ dữ phải bỏ chạy; điều đó chứng tỏ không những can đảm mà còn thông minh nữa.

          -Giỏi thật, giỏi thật.

          Bầy chim Gầm Gì cũng lên tiếng hùa theo, tỏ lời thán phục. Chim Đầu Bạc đầu đàn khiêm tốn trả lời:

          -Thảo nguyên này là ngôi nhà chung, nếu chúng ta đoàn kết lại thì không kẻ thù nào, dù to lớn, hung ác đến đâu cũng không thể bắt nạt, xâm chiếm làm của riêng được.

          -Đúng quá, đúng quá!

          Tất cả cùng reo lên tỏ vẻ đồng tình. Một cơn gió mát ào đến, uốn lượn các ngọn cỏ gianh thành những cơn sóng vàng đuổi theo nhau chạy mãi, chạy mãi về phía xa xa. Một trang mới trên thảo nguyên mở ra…

          Cảm ơn các bạn đã nghe câu chuyện về thảo nguyên - quê tôi, hẹn gặp các bạn ở câu chuyện tiếp theo nhé.  

         

Hòa Khánh, tháng 4 năm 2021


Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

KHÁCH KHÔNG MỜI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO THỜI NAY SÔ RA NGÀY 4 TRHANGS 6 NĂM 2021

 


“Tách”, một giọt sương từ trên ngọn cây rơi trúng vào giữa trán, làm Y Nhớ giật mình, ngồi bật dậy thấy những khúc củi cháy leo lét trên đống than đỏ hồng. Hai bạn nằm bên cạnh vẫn ngủ ngon lành, hình như Vân đang mơ gì đó còn tủm tỉm cười. Anh bạn người Kinh thông minh, vui tính; khuôn mặt tròn như con gái, trông thương quá. Lần đầu tiên Vân vào rừng già chơi, bị lạc, phải ngủ lại qua đêm mà hình như vẫn có giấc mơ đẹp thì phải, thế là tốt – Y Nhớ thầm nghĩ rồi bước lại bên đống lửa, đẩy cho mấy thanh củi chụm đầu vào nhau. Bếp lửa cháy bùng lên thành ngọn soi rõ cả những gốc cây cách xa cả chục bước chân. Y Nhớ rón rén bước lại chỗ cũ, định nằm xuống ngủ tiếp, thì…

Bên trái gốc cây hình như có hàng chục con đom đóm đang đứng im, con thấp chỉ cách mặt đất chưa đến sải tay, con ở cao đến hơn hai sải tay. Bầy đom đóm này lạ quá, có con to như ngón chân cái người lớn nhưng chỉ đứng im một chỗ không chuyển động. Định thần, nhìn kỹ hơn một chút, Y Nhớ bỗng thấy chân tay mình như run lên thì phải; vội ngồi xuống, bò qua bên cạnh kéo tay Vân, lắc lắc. Vân lầu bầu:

-Còn tối mà, cho ngủ tý nữa đi.

-Dậy đi, voi đến đấy.

Y Nhớ thì thầm, Vân bật dậy hỏi:

-Voi à, đâu, đâu?

Y Nhớ vội giơ tay bịt miệng Vân, thì thào:

-Nói nhỏ thôi, nó ngay bên cạnh kia kìa.

-Lại trêu Vân à, ngủ đi trời còn khuya mà.

H’Uyên trở mình, nói xong định ngủ tiếp. Y Nhớ bò qua nắm lấy tay bạn giật giật, giọng thì thầm:

-Voi đến rồi, đông lắm, chúng đang đứng nhìn chúng ta đấy.

H’Uyên ngồi bật dậy, căng mắt nhìn ra trước mặt chỉ thấy một màu tối đen. Bước lại bên đống lửa, bỏ thêm mấy cây củi vào, lửa bùng cháy cao lên thành ngọn. Gió ùa đến, thổi đống lửa bừng sáng hơn lên, nhìn rõ cả những gốc cây cách xa vài chục bước chân và… đàn voi cũng hiện ra, rõ mồn một. Vân bò lại bên H’Uyên thì thầm:

-Bầy voi mình thấy trong mơ lúc tối đấy. Con trắng đứng giữa kia kìa nhưng giờ không có bành trên lưng. Ô, sao bây giờ nhiều voi thế, còn có cả voi con nữa. Làm sao đây?

-Không sao đâu, bầy voi đến đây đã lâu rồi, chúng chỉ đứng quan sát chúng ta thôi. Chắc chúng sợ lửa nên không dám đến gần.

Y Nhớ nói nhỏ, giọng trầm xuống. Vân mắt không rời đàn voi, thì thào bảo:

-Ta leo lên cây đi, trong truyện có nhà văn viết: gặp voi phải leo lên cây tránh vì voi không trèo được cây.

-Không kịp đâu, nếu ta rời đống lửa chưa lại đến gốc cây, chúng đã đến đít rồi.

Y Nhớ thì thầm đáp lại. Cả ba đứa ngồi xích lại bên nhau cùng căng mắt nhìn về phía đàn voi. Cả ba không dám thở mạnh, không nói to, hình như hơi thở cũng cố kìm nén cho nhỏ lại, mắt mở to hết cỡ canh chừng. Có lẽ đàn voi hình như cũng ngạc nhiên khi thấy ba con người nhỏ bé ở trong khu rừng cấm giữa đêm khuya nên đứng nhìn. Chúng chỉ cần bước thêm chục bước nữa có thể dẫm chết cả ba đứa trong nháy mắt, nhưng tại sao chúng lại không làm thế?

Y Nhớ mở to mắt nhìn bầy voi, hai tay nắm chặt cây lao như sẵn sàng cho một cuộc tử chiến dù biết rằng, với tuổi mười lăm, có khỏe bao nhiêu đi nữa chắc chắn sẽ… thua khi đánh nhau với bầy voi. Có thua cũng phải thử, chẵng lẽ mình là thằng đàn ông lại can tâm ngồi im chờ chết với hai bạn. Mình chết cũng được, nhưng còn H’Uyên – cô bạn lớp trưởng: thông minh, vui tính, xinh đẹp nhất trường thì phải sống và Vân, người bạn thân thiết phải tiếp tục được học để nối nghiệp ama làm bác sỹ, hoàn thành ước mơ. Làm sao cho các bạn thoát khỏi bầy voi đây?

Thời gian ngừng trôi, cái sợ như bàn tay bóp nghẹt tim Vân. Khuôn mặt tròn, nước da trắng như con gái của Vân giờ xạm đen. Vân chợt nghĩ: Nếu mình không về nhà được nữa, chắc mẹ nghỉ phép ngoài quê nghe tin sẽ khóc nhiều lắm. Còn bố, ngày mốt đi tập huấn về nhà, không còn mình chắc sẽ đau lòng lắm lắm… Nước mắt Vân chực trào ra; tay run run nắm chặt tay H’Uyên như tìm kiếm thêm chút tự tin trước thử thách khắc nghiệt đang hiện ra trước mặt.

Biết Vân nắm chặt tay mình, H’Uyên vẫn ngồi im. Một chút ân hận lướt qua đầu. Hôm qua trong buôn có nhà làm lễ bỏ mã(1), mọi người lo ăn nhậu, cúng bái đủ ba ngày ba đêm theo phong tục. Biết mọi người đều say ngã, say nghiêng, mình mới đầu têu, rủ hai bạn học cùng lớp, lấy thuyền ngược sông vào rừng Yang(2) chơi nên bị lạc, phải ngủ lại qua đêm trong rừng. Mình và Y Nhớ quen sống với rừng từ nhỏ, ngủ qua đêm trong rừng là chuyện thường; nhưng còn Vân – cậu bạn Yoăn(3), con một, quen được cưng chiều, lần đầu vào rừng không ngờ gặp cảnh nguy hiểm thế này… Khuôn mặt trái xoan, có đôi mắt lá răm sắc sảo dưới vầng trán thông minh của H’Uyên đanh lại. H’Uyên không tin có Yang như người già, càng không tin trong rừng Yang có gì đó huyền bí làm con người khiếp sợ vì không giải thích được. Người xưa chưa hiểu hết thiên nhiên nên tin có Yang. Mình được học chữ 9 năm rồi, hiểu được các hiện tượng tự nhiên thì có gì phải sợ. Đêm nay không ngờ chạm trán “những vị khách không mời”, phải tìm cách gì thoát khỏi bầy voi, đảm bảo an toàn cho hai bạn đây? Bầy voi nhiều thế này đến đây định làm? Những ý nghĩ lướt nhanh trong đầu H’Uyên.

Thời gian chầm chậm trôi qua, cuộc thi gan giữa người và voi không biết đã qua bao lâu, làm cả ba người ngồi như hóa đá. Bỗng H’Uyên quay lại thì thầm với Vân:

-Mình có cách đuổi voi rồi?

-Cách gì?

Vân vội hỏi lại.

-Ngồi im nhé.

H’Uyên nói nhỏ rồi gỡ tay Vân đang nắm chặt tay của mình; từ từ đứng lên, bước lại bên đống lửa rút ra hai cây đang cháy đi lại sát gần gốc cây hương đặt chúng chụm đầu vào nhau. Y Nhớ nhìn H’Uyên làm, hình như cũng hiểu ra điều gì đó, nhẹ nhàng đứng dậy, bước lại bên đống lửa, chất thêm mấy củi vào rồi rút thêm hai cây đang cháy đi lại chụm thêm vào hai cây củi H’Uyên vừa để.

Bốn cây củi đương cháy chụm vào nhau tạo thành đống lửa mới, cháy bùng lên. H’Uyên bỏ thêm hai cây củi nữa, chờ cho cả sáu cây cùng cháy mới vơ đống lá làm nệm ngủ khi đêm bỏ vào đống lửa mới. Những tàu lá còn tươi bén lửa leo lét cháy, khói bốc lên mù mịt. Một cơn gió ào đến, làm ngọn lửa bốc cháy to hơn, tàn lửa như một đám pháo hoa cuốn theo đám khói, bay về phía lũ voi.

-Rầm, rầm, rầm…

Như một cơn bão dữ dội ập đến, tiếng cây gãy, đổ, nghe ầm ầm mỗi lúc một xa dần rồi tắt hẳn. Vân chạy lại bên H’Uyên, mắt nhìn chăm chăm ra phía trước, giọng reo lên nho nhỏ:

-Ơ, hình như bầy voi chạy hết cả rồi.

-Voi không chạy, thì Vân bẻ gãy tay H’Uyên à.

Vân nhìn xuống, bất chợt đỏ mặt, buông tay ra; không biết từ khi nào mà lại nắm tay bạn chặt thế. H’Uyên quay lại cười hỏi:

-Vân sợ lắm à?

-Sợ thật!

-Ừ, đêm khuya mà gặp voi đến thăm như thế này quả là sự lạ đây.

H’Uyên trả lời, mắt nhìn về phía đàn voi vừa chạy. Vân vẫn chưa hết ngạc nhiên hỏi lại:

-Tại sao bầy voi chạy như bị ma đuổi vậy?

-Voi rừng nhìn thấy H’Uyên nên sợ quá, bỏ chạy đấy mà.

Y Nhớ toét miệng cười, trả lời. H’Uyên nghiêm giọng:

-Thôi, đừng trêu Vân nữa. Ta đốt thêm đống lửa, bỏ lá xanh vào nhiều, tạo thành khói. Lúc gió thổi đến, khói và tàn lửa bay lại phía đàn voi, chúng không chịu được khói nên phải bỏ chạy thôi.

Vân nghe H’Uyên giải thích, vẫn chưa hết thắc mắc hỏi lại;

-Tại sao lúc ta ngủ bầy voi đến không bắt mà cứ đứng nhìn?

-A, bầy voi đến gần thấy con vật có sáu cái chân, sáu cái tay mà chỉ có một cái đầu tròn là cái gùi; chúng không biết con gì; sợ quá, đi không được còn dám bắt ai.

Nghe Y Nhớ nói vậy, Vân lao đến vật bạn, nói:

-Vân không biết mới hỏi, còn trêu nữa à.

-Hi, hi… muốn biết thì đi hỏi con voi trắng ấy.

-Thôi thôi hai người đừng quậy nữa nào, để sức sáng ra còn đi về chứ.

-Ò… ó… o!

Tiếng một con gà rừng dõng dạc vang lên, hàng chục con khác cùng hòa theo tạo thành bản nhạc rừng báo hiệu trời sắp sáng. Trên ngọn cây, gió vẫn rì rầm với lá cây như khẳng định: đêm trong rừng Yang sắp trôi qua.

 

Chú thích tiếng Êđê:

1.    Lễ bỏ mã: là sự tuyên bố đoạn tuyệt giữa người sống và người chết

2.    Yang: thần linh

3.    Yoăn: người kinh;