Cô Thanh
đang say sưa với bài giảng văn của mình, cả lớp 9A tròn mắt, vễnh tai chăm chú
lắng nghe. Bỗng cửa lớp ồn ào rồi một đám người xuất hiện, hình như nhiều người
đã uống rượu, hơi men bay nồng nặc. Một ông ngoài sáu mươi tuổi, râu tóc bạc trắng,
mặc bộ đồ bộ đội đã cũ bước vào lớp nói:
-Tao xin cô
giáo cho thằng Y Saphon nghỉ học.
-Nhà có việc
gì mà gia đình lên đón em về nửa buổi vậy bác?
-Có việc lớn
lắm.
-Y Saphon,
em ra cho gia đình gặp nào.
Y Saphon đứng
lên rồi ra khỏi lớp.
Cô giáo tiếp
tục giảng bài. Không biết người nhà nói gì mà Y Saphon vào lớp gục mặt xuống
bàn, ôm mặt khóc nức nở. Cô Thanh ngừng giảng bài, bước đến bên cạnh hỏi:
-Có chuyện
gì vậy em?
Y Saphon
không trả lời, lại càng khóc to hơn, đứng dậy ôm cặp sách bước ra khỏi lớp. Cô
Thanh ngạc nhiên, nhìn theo cậu học trò cao chưa đến mét ba, trán dô, tóc quăn
tít, thỉnh thoảng còn bị phạt vì hay trêu đùa quá trớn các bạn; nhưng rất lễ
phép với thầy cô. Nay bỏ lớp về, không nói gì; cô Thanh ngạc nhiên quay lại hỏi
lớp:
-Sao bạn ấy khóc thế, nhà có người mất à?
-Anh bạn ấy mất, người nhà lên tìm đưa về ạ!
-À thì ra vậy,
chiều nay em nào rỗi theo cô xuống buôn chia buồn với gia đình bạn nhé.
-Chia vui chứ
cô.
-Sao?
Cô giáo ngạc
nhiên hỏi lại, H’Liêm đứng dậy thưa:
-Anh bạn ấy
chết, gia đình bên họ nhà gái qua bắt bạn ấy về “nối dây”(1).
-Em có thể
nói rõ hơn cho cô hiểu được không?
-Theo tục lệ
của người Êđê, khi người chồng chết, người vợ có quyền về bên nhà chồng tìm em hoặc cháu trai con chị gái chưa
có vợ, bắt về làm chồng thay người đã chết. Nhà bạn ấy chỉ còn một mình Y
Saphon độc thân nên phải thay anh “nối dây” ạ.
-Trời!
Cô Thanh buột
miệng kêu lên. Thời gian dạy học ở trường vùng Cao nguyên chưa nhiều, biết tiếng
bản địa còn ít, nhưng đã nghe nói nhiều đến luật tục lạ, nay không ngờ lại xảy
ra đối với cậu học trò lớp mình chủ nhiệm. Cô hỏi thêm:
-Cô chị dâu ấy
đã nhiều tuổi chưa?
-Thưa cô, bà
ấy sống hơn bốn chục mùa rẫy(2), đã có cháu ngoại rồi ạ.
H’Liêm trả lời,
cô Thanh ngạc nhiên thốt lên:
-Sao lại bắt
một cậu bé “nối dây” với người già như thế?
-Thầy cúng của
buôn nói rằng, tục “nối dây” quy định: người đàn ông bỏ vợ con về bến nước ông
bà(3), thì bên họ nhà trai phải có trách nhiệm tìm người qua “nối dây”, thay
người quá cố nuôi con. Nếu người được chọn không chịu về làm chồng thay người
đã khuất sẽ bị phạt rất nặng về vật chất. Trường hợp vợ chết, họ nhà gái sẽ họp
lại và quyết định xem có nên giữ chàng rễ hay không? Nếu thấy anh ta khỏe mạnh,
siêng năng; người ta sẽ tìm một người phụ nữ tronng họ chưa có chồng thay thế
cho người đã khuất để giữ anh ta lại làm rễ. Theo phong tục này, người “nối
dây” có thể là cô bé mới sinh. Nếu anh chồng không chấp nhận “nối dây” sẽ bị đuổi
khỏi nhà mà không được mang theo con cái hoặc bất cứ tài sản gì.
H’Liêm trả lời
xong ngồi xuống rồi mà cô giáo Thanh vẫn vịn bàn, đứng nhìn xuống lớp. Cô chợt
nghĩ: theo tục lệ này thì nhiều bà góa năm hoặc sáu chục tuổi có thể bắt em người
chồng tuổi nhi đồng về “nối dây”. Phải làm sao bây giờ? Y Saphon là học trò giỏi
về môn tự nhiên, rất siêng năng trong lao động, một tương lại đẹp phía trước
đang chờ em, vậy mà…
*
**
Cô Thanh cho
lớp tự sinh hoạt rồi vội vã xuống phòng Ban giám hiệu. Thầy Hiệu trưởng nhà trường
cũng là người dân tộc Êđê, từng là học sinh thiếu sinh quân miền Nam tập kết ra
Bắc. Thấy cô Thanh bước vào, thầy Hiệu trưởng ngạc nhiên hỏi:
-Sao cô giáo không dạy mà lên đây?
Nghe cô Thanh trình bày chuyện học trò lớp mình chủ nhiệm bị
bắt về “nối dây” thay ông anh mới mất, thầy Hiệu trưởng bảo:
-Chuyện này khó đây!
-Khó cũng phải cứu Y Saphon và vận động bỏ tục lệ này thầy ạ.
-Để tôi qua xã gặp các anh bên ấy bàn xem sao.
-Trước mắt phải làm thế nào để ngăn cái đám cưới này lại?
-Chuyện liên quan đến tục lệ, ta giải quyết không thỏa đáng
sẽ rắc rối nhiều lắm đấy. Cô về lớp giữ Y Saphon lại đợi tôi về.
-Vâng ạ!
Trong khi ấy, tại phòng học lớp 9A, ba cái đầu chụm lại bên
nhau; H’Liêm hỏi bạn:
-Hồng có cách gì để cứu bạn ấy không?
-Cho bạn ấy về nhà Y Thịnh lánh tạm ít ngày chờ cô chủ nhiệm
thu xếp xem thế nào?
-Không được đâu.
H’Liêm trả lời, Hồng ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao lại không được, nhà Y Thịnh rộng mà chỉ có hai mẹ con ở,
chắc amí(4) Y Thịnh không từ chối đâu.
-Hồng không biết rồi, nếu người họ nhà gái biết Y Saphon trốn
trong nhà Y Thịnh thì nhà Y Thịnh bị phạt nặng lắm đấy?
-Thế thì để bạn ấy về nhà chịu tang xong rồi tính.
Nghe Hồng nói vậy cả hai bạn bật cười, làm Hồng ngạc nhiên
hỏi lại:
-Không được sao?
-Được cái gì, nếu bước chân về chịu tang sẽ bị bà thím lôi
vào phòng bắt làm chồng trước rồi mới tổ chức tang lễ cho người anh.
-Khủng khiếp!
-Luật quy định vậy, nếu người nối dây chấp nhận thì người
chết mới an lòng về rừng ông bà; vì thế họ sẽ tổ chức cưới khi xác người chồng
còn để trong nhà đấy bà Yoan(5) ạ!
Nghe H’Liêm nói, người Hồng nổi da gà, run lên như bị sốt.
Tiếng Y Saphon vẫn nức nở vọng vào. Y Thịnh nói:
-Còn một cách nữa đấy.
-Có cách gì nói nhanh lên xem nào.
-Trốn vào rừng thôi.
-Phải bỏ học à?
Hồng kêu lên, H’Liêm trả lời:
-Bây giờ làm sao cho Y Saphon không bị bắt đã, còn các chuyện
khác tính sau.
-Nếu vậy để bạn ấy lên chòi rẫy nhà H’Liêm trốn tạm một thời
gian nhé.
Hồng nói như quyết định, cả hai bạn đồng ý rồi kéo nhau ra sau
lớp gặp Y Saphon. Nghe H’Liêm nói xong, Y Saphon vội vã lấy xe đạp của Hồng nhằm
chân núi lao đi. Hồng phân công:
-Trưa nay H’Liêm mang cơm cho bạn, cẩn thận không bị phát
hiện nhé. Chiều mình với Y Thịnh cùng đi và nhân thể mang quần áo cho bạn ấy mượn,
mặc tạm. Nhất trí nhé!
-Nhất trí!
Cả ba ngoắc tay nhau.
Cô Thanh về đến cửa lớp, Hồng chay ra nói nhỏ với cô kế hoạch
của ba đứa. Cô Thanh cau mày, tỏ vẻ không bằng lòng, nói:
-Sao không đợi cô về đã.
-Các bạn ấy sợ họ nhà gái lên bắt người ạ.
Vừa lúc đó đám người lạ quay lại,
đi đến cửa lớp, hỏi cô giáo:
-Y Saphon đâu rồi?
-Hắn về từ lúc nảy rồi mà.
H’Liêm bước ra cửa lớp trả lời. Ông già râu bạc bước vào lớp
ngó ngược, ngó xuôi rồi quay ra cùng đám người xiêu vẹo, kéo nhau đi. Cô Thanh
vẻ trầm ngâm, bước vào lớp. Lớp lặng ngắt, các con mắt học trò chăm chú nhìn
cô; cô nhìn học trò, nhìn vào chỗ Y Saphon ngồi thấy khoảng trống mênh mông,
lòng đau thắt.
*
**
Trưa. Thầy Hiệu trưởng người đậm, da nâu đen, khuôn mặt
hình chữ điền, có đôi mắt nâu đen, dẫn cô Thanh cùng mấy ông cán bộ xã xuống
buôn chia buồn với gia đình người mất và gặp già làng bàn chuyện Y Saphon. Cuộc
gặp hết sức căng thẳng; họ nhà gái cương quyết bắt Y Saphon về “nối dây” vì bà chị
dâu thích người em út của chồng khỏe mạnh, siêng năng. Cán bộ xã nói về luật
pháp, luật hôn nhân gia đình… nhưng không ai chịu nghe. Cô Thanh cũng góp lời:
-Ngày nay chúng ta có chính quyền mới, phải tuân theo luật
pháp của nhà nước đã quy định, nếu làm sai bị xử phạt. Y Saphon còn nhỏ, đang
tuổi đi học chưa đủ tuổi kết hôn.
-Cô giáo nói vậy là chưa đúng rồi. Cách đây mấy mùa rẫy,
buôn ta đánh Mĩ, đuổi Ngụy góp sức cùng quân Giải phóng thành lập chính quyền mới;
lúc đó cô giáo còn ở tận đâu ngoài miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có phải chịu gian
khổ, hy sinh đâu. Dân theo Đảng vì Đảng nói đúng cái ý của người dân, người dân
ưng bụng mới đi theo Đảng làm cách mạng. Gian khổ lắm, nhiều người đã chết mới
có ngày hôm nay được tự do để thực hiện luật tục của buôn, sao lại ngăn cấm như
thế.
-Già làng nói vậy cũng có chỗ chưa đúng rồi – thầy Hiệu trưởng
đỡ lời: trong chiến tranh mỗi người một việc chia nhau làm mới thắng được giặc
chứ. Mình đi học cũng là nhiệm vụ Đảng giao cho đấy. Học biết chữ, hiểu luật
pháp về dạy cho con em chúng ta cái chữ, có kiến thức khoa học áp dụng vào cuộc
sống để mọi người có cuộc sống tốt hơn. Việc “nối dây” là hủ tục, phải bỏ thôi,
nay không được dùng nữa.
-Thầy giáo là người Êđê nhưng đi theo Yoan lâu ngày nói
không đúng rồi. Ông bà ta từ xưa đã làm thế vì có cái lý của họ chứ, ta phải tuân
theo mới bảo vệ được người dân tộc mình.
Ông Chủ tịch xã lên tiếng:
-Già làng nói vậy cũng chưa phải lắm, ta tin Đảng, theo Đảng
vậy những phong tục lạc hậu phải bỏ đi để học theo cái mới cho cuộc sống đẹp
hơn.
-Mày làm Chủ tịch một xã, to như thế mà không hiểu cái ý của
người dân rồi. Bắt em người đã chết về làm chồng là để nó có trách nhiệm nuôi cháu;
con không còn thiếu cha, cháu không thiếu ông có phải tốt hơn không?
-Ơ, cậu bé mới mười ba mùa rẫy lại làm ama(6) cái thằng sống
hơn hai chục mùa rẫy à, thế cái lý ở đâu?
Già làng, buôn Trưởng, họ nhà gái tranh cãi với thầy cô giáo
và chính quyền đến tận chiều vẫn không ngã ngũ. Tiếng chiêng trống vẫn đều đều
vang lên; bò, heo, gà… vẫn tiếp tục bị mổ thịt và người ta vẫn thay nhau vít cần
rượu chờ Y Saphon về làm lễ “nối dây” rồi mới đưa người chết đi chôn.
-Tùng binh linh, tùng binh linh, tùng binh linh!
*
**
Chủ nhật. Ông mặt trời lên đến gần đỉnh đầu, Y Thịnh lai Hồng
theo con đường mòn vào chân núi Cư Droa. Dắt xe qua con suối, chuẩn bị leo dốc
lên triền đồi, Y Thịnh quay lại nói với Hồng:
-Hình như có người theo ta đàng sau, làm sao đây?
-Cứ đi tiếp, đến ngã ba trước mặt ta rẽ trái đi lại gốc cây
đa to kìa kìa; đừng để ý đến bọn người đi theo.
Hai đứa dựng xe bên gốc cây đa rồi vác dao đi chặt các cành
cây có nhiều lá xanh kéo lại, phủ lên xe đạp. Vừa lúc ba người thanh niên mặt đỏ
lừ, tay cầm xà gạc bước tới hỏi:
-Chúng mày vào đây làm gì?
Hồng nhanh nhẩu trả lời:
-Hai đứa bọn em đi chơi và tìm chỗ rình bắn cu xanh ạ. Cu
xanh mùa này thịt ngon lắm.
-Chúng mày đi bắn chim thật à?
Một thanh niên hỏi lại
Hồng, có vẻ không tin; một người khác bước lại bên Y Thịnh, hỏi:
-Mày học cùng lớp với Y Saphon phải không?
-Đúng.
-Mày biết nó ở đâu không?
-Nó về chịu tang rồi, có đi học đâu mà tao biết.
-Bác nó treo thưởng một con bò cái lớn cho ai đưa Y Saphon
về buôn đấy. Nếu mày thấy thì nói với bọn tao mà nhận thưởng.
-Tao với nó có ở cùng buôn đâu mà biết.
-Chúng mày biết mà không nói thì… buôn sẽ xử chúng mày đấy.
-Dạ, chúng em biết rồi ạ.
Hồng nhanh miệng trả lời rồi bước lại kéo tay Y Thịnh:
-Mấy anh đến làm ồn thế này thì chim đâu đến đây đậu nữa,
hay ta xuống suối chơi đi.
-Thấy nó là phải báo cho bọn tao biết nghe chưa, nếu không…
Một thanh niên vung cây dao lên dứ dứ như định chém rồi cả
ba quay lại con đường cũ, xuống suối. Y Thịnh tái mặt, ngồi phịch xuống rễ cây,
nói:
-Sao câu gan thế, không sợ lũ thanh niên đánh à?
-Có gì mà sợ bọn họ.
-Chúng biết chúng ta mang cơm cho Y Saphon thì sẽ bị đánh
đòn và có khi còn bị chém nữa đấy.
-Ta giúp bạn, bảo vệ cái đúng thì không sợ gì cả. Giờ Y
Saphon leo lên cây xem ba người bọn họ về thật chưa, chúng ta mới tới chỗ Y
Saphon được.
-Có lý, để mình nhìn thử.
*
**
Trên chạc tư cây cate mọc sát bìa rẫy, cao cách mặt
đắt sáu sải tay, Y Saphon chặt mấy cành cây bắt chéo qua làm sàn để ở. Đứng
trên chòi của mình, quan sát được toàn bộ khu rẫy nhà H’Liêm và nhìn xa hơn về
phía chân núi, thấy được người qua lại; không sợ bất ngờ gặp người lạ. Hơn một
tuần đã qua phải chui lũi trong rừng trốn tránh mọi người, nhưng nhờ có ba người
bạn học cùng lớp thay nhau giúp đỡ nên cũng đỡ.
Thấy hai bạn đến, Y Saphon tụt xuống khỏi chòi, ra hòn đá bên suối ngồi
đợi. Y Thịnh nhìn bạn, nói:
-Bà chị dâu quái ác vẫn không cho chôn ông anh, nhất định bắt Y Saphon về
“nối dây” đấy. Chính quyền địa phương, thầy cô giáo khuyên mãi vẫn chưa được.
-Bạn ốm đi nhiều quá, đêm không ngủ được à? Phải cố chịu đựng thêm ít bữa
nữa nhé. Còn bà chị dâu, không biết bà ta có phải là người không nữa?
Hồng buồn bã góp lời rồi nói tiếp:
-Chẳng lẽ bà ta không có con hay sao mà xử quá đi như thế?
-Có hai đứa, người đầu lấy chồng có con rồi; còn cô con út học lớp mười
trường nội trú huyện đấy.
Nghe Y Saphon trả lời, Hồng reo lên:
-Thế thì có cách rồi, chìa khóa mọi chuyện ở cô gái này đây. Sao bạn
không nói sớm cho mình biết.
-Cô gái này có liên quan gì đến chuyện “nối dây”?
-Sao lại không? Phải nhờ các thầy cô trong trường thuyết phục chị này để
chị khuyên amí cho chôn ama mình, thế là hóa giải được luật tục.
-Đúng rồi, Hồng giỏi quá; sao mình không nghĩ ra nhỉ.
Y Thịnh cũng reo lên, hai tay đưa lên cào cào mái tóc quăn tít, nở nụ
cười phô hết hàm răng ra. Hồng vỗ vai Y Saphon, nói:
-Bọn mình về đây, đừng buồn nhé, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Cô cháu chắc
không bao giờ muốn nhận ông chú trẻ con làm ama mình; chúng ta lại được đi học
cùng nhau rồi.
Để lại đồ ăn cho bạn, Hồng và Y Thịnh vội quay lại chỗ để xe thực hiện
ý định của mình. Y Saphon đứng nhìn theo, hai mắt thấy cay cay.
Chú thích tiếng Êđê:
1. Nối
dây: tục “Juê nuê” của người Êđê quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền
đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng và ngược lại
khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là
người đó chưa có chồng;
2. Bốn chục mùa rẫy: cách tính tuổi của người Ê đê, mỗi
mùa rẫy là một tuổi;
3.
Bến nước ông bà: nơi ở của người đã chết – quan niệm của người Êđê;
4.
Ami: má;
5.
Yoan: người Kinh;
6.
Ama: ba;
câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa