Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

HOA NHÀI VÀ HẠT SƯƠNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO VÀ CUỘC SỐNG tháng 9 năm 2021

 



Một giọt sương tròn như hạt ngọc, trong suốt, đậu trên cánh một bông hoa nhài trắng. Ông mặt trời vén mây, đủng đỉnh bạo bước lên khỏi ngọn núi phía đông; hạt sương co mình lại hoảng hốt kêu lên:

          -Đến lúc phải chia tay rồi chị hoa Nhài ơi!

          -Không, từ từ hãy đi. Ông mặt trời mới mọc thôi mà, chúng ta còn bao nhiêu chuyện chưa nói hết.

          Hạt Sương run rẫy trả lời:

          -Thời gian cạn rồi, đã đến lúc chúng ta phải xa nhau. Chị nhìn xem, ánh nắng mặt trời đã nhuộm vàng cảnh vật rồi đó, tạm biệt chị.

          Hạt Sương dứt lời, mình nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến thành một làn hơi trắng tý tẹo bay lên cao. Hoa Nhài lắc lư theo gió, giọng nghẹn ngào:

          -T… ạ… m b… i… ệt!

          Vừa lúc Bướm vàng bay đến bên cạnh hoa Nhài, cất tiếng:

          -Gặp mặt rồi chia ly đó là công việc của thiên nhiên tạo ra cho mọi vật, không ai có thể cưỡng lại được. Hạt Sương ban đêm rơi xuống cánh hoa, lá cây… khi mặt trời lên sẽ tan thành hơi nước bay đi; chuyện ấy có gì mà phải luyến tiếc.

-Cô Bướm nói vậy hình như chưa đúng lắm, tuy chúng tôi mới gặp nhau từ đêm hôm qua đến giờ, nhưng tình cảm như đã quen nhau rất lâu rồi đấy ạ.

-Một chút hơi nước bay lên cao, gặp lạnh, tạo thành sương rơi xuống mặt đất. Trong vô vàn những hạt sương ấy, có một hạt may mắn được cánh hoa nâng đỡ qua đêm, để sáng nay lại tan thành hơi nước bay đi, hòa nhập với các đám hơi nước khác tạo thành mây bay trên trời cao; đó là quy luật thôi mà.

          -Chị bướm Vàng nói hay quá; chắc chị đã đi xa, biết nhiều nên mới hiểu sâu xa như thế!

-Tất nhiên là vậy rồi.

-Chị đã đi hết khu vườn này chưa?

          Nghe hoa Nhài hỏi, bướm Vàng phì cười, trả lời:

          -Khu vườn bé tẹo này, ta chỉ chao cánh vài cái đã bay hết một vòng rồi.

          -Ô, bướm Vàng tài quá, tài quá!

          Cây Nhài reo lên thích thú. Bỗng có tiếng nói vọng đến:

          -Thế cô Bướm có biết khu vườn này hôm nay có gì lạ không?

          Một anh chuồn chuồn Ớt, mình đỏ như quả ớt chín; trên lưng có hai đôi cánh mọc đối nhau, mỏng dính, trong suốt; không cần vẫy mà vẫn lơ lững treo mình trên cao lên tiếng góp chuyện. Bướm Vàng khẽ vuốt đôi râu trên đầu, trả lời:

          -Bình minh đến, khu vườn tuy nhỏ này cũng có nhiều chuyện lắm, bạn muốn nói về chuyện gì?

          -Chuyện gì mà họ hàng nhà bướm quan tâm nhất ở khu vườn này đấy.

          -À, tất nhiên đó là chuyện về các loài hoa rồi.

          -Đúng vậy.

          -Ngòai chậu hoa Nhài này, trong vườn còn có vạt cải nở hoa vàng rực như nắng ban mai giữa vườn. Bên cạnh đó, luống hành cũng đơm bông, khoe những bông hoa tròn như quả bóng bàn màu trắng xanh. Xa hơn chút nữa những bông bí ngô màu vàng trông như những chiếc kèn đồng thu nhỏ. Trên bờ rào, hoa đậu tím biếc đua nhau khoe sắc tím đúng như tên gọi. Tôi nói vậy đã đúng chưa?

           -Xì, những chuyện ấy đã có từ hôm qua rồi; hôm nay có một bông hoa mới xuất hiện trong vườn nữa đấy, Bướm Vàng chưa biết à?

Chuồn chuồn Ớt hỏi làm Bướm Vàng ngạc nhiên, kêu lên:

-Có loại hoa nào trong khu vườn này mới nở mà tôi không biết, chuyện lạ quá, lạ quá đấy.

Bướm ngạc nhiên cũng phải thôi, nơi nào có hoa nở là họ hàng nhà bướm biết ngay, kéo đến để thưởng thức phấn hoa, trời sinh ra đã vậy rồi. Hôm nay trong khu vườn bé tẹo này có hoa mới nở mà bướm không biết đúng là sự kiện không thể tin nổi.

Một cô ong mật to bằng con ruồi, màu nâu, phía bụng có hai vòng tròn trắng, bay đến, dừng chân trên cánh hoa Nhài; dùng hai chân trước vuốt râu, rồi góp chuyện:

-Chuồn chuồn Ớt nói đúng đấy, cô chuối Lùn cuối vườn sáng nay đã đơm bông; một bông hoa khủng luôn nhé!

Nghe Ong Mật nói vậy, bướm Vàng cười như bị cù léc, phải một lúc sau mới dừng lại được, trả lời:

-Đó cũng là hoa ư? Một khối hình chóp nón dài khổng lồ, vừa thô, vừa xấu lại còn cái màu nâu không ra nâu, đỏ không ra đỏ như thế thì… không thể gọi là hoa được.

-Thế theo cô thế nào mới gọi là hoa?

-Hoa phải có màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, theo gió bay xa thay lời mời để mọi vật cùng biết, đến chúc mừng. Còn bắp chuối á, không hương, không sắc chỉ được cái to như khúc gỗ vót nhọn thì… không phải là hoa.

Nghe bướm Vàng trả lời, cô Ong Mật không đồng tình, hỏi lại:

-Bướm Vàng đã thấy hoa chuối nở bao giờ chưa?

-Cái khúc gỗ ấy cũng nở được hả?

Nghe bướm Vàng hỏi, chuồn chuồn Ớt cũng lăn ra cười, làm mấy cái cánh trên lưng chao qua, chao lại; một lúc sau mới ngừng lại được, nói tiếp:

-Thế là bướm Vàng không biết rồi, hoa chuối khi nở sẽ khoe với đất trời những bông hoa của mình màu trắng ngà xinh đẹp, chứa đầy mật ngọt và hương thơm.

Bướm Vàng ngạc nhiên kêu lên:

-Thật ư?

-Thật đấy, họ hàng nhà chúng tôi sẽ mở tiệc ăn mừng khi chuối trổ bông.

Cô Ong Mật vui vẻ xác nhận lời chuồn chuồn Ớt làm cô Bướm Vàng cảm thấy xấu hổ, cúi đầu vào nhụy hoa như trốn tránh. Chuồn chuồn Ớt nói tiếp:

-Khi nãy cô bướm Vàng nói với hoa Nhài về hạt sương như vậy là chưa đúng lắm đâu. Về mùa hè, nếu ban đêm không có những hạt sương mát lành rơi xuống thì cây cối làm sao sống được mà đơm hoa, kết trái. Giọt sương đậu trên cánh hoa đã tiếp thêm sức sống cho hoa, chống chọi với nắng gắt ban ngày. Tôi nói vậy đúng không?

Hoa Nhài lắc lư theo gió vẻ đồng tình. Cô Ong Mật vo vo viên phấn hoa trước ngực, góp lời:

-Đánh giá, nhận xét ai phải suy xét cho kỹ trước khi nói để không làm tổn thương đến người được nhắc tới, nếu không sẽ đánh mất đi tình bạn cao quý của chính mình dày công vun đắp; khi ấy có ân hận cũng muộn.

Ong Mật nói xong vẫy cánh bay đi, Bướm Vàng hình như mắc cỡ nên vội vã bay theo. Hoa Nhài lắc lư theo gió, hướng mặt nhìn lên trời cao trong xanh. Phía trên cao ấy thỉnh thoảng có đám mây trắng bay qua; nó thầm nghĩ: hạt Sương sớm nay ra đi chắc đang ở trong đám mây trắng trên đó, đêm nay sẽ trở về.

 

 Mùa khô năm 2021



Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

NẤM MỐI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ SUỐI REO số 191 tháng 9 năm 2021



Trưa, bầy voi dừng lại bên gốc cây kơ nia tránh nắng. Chú voi con nhìn xung quanh, ngạc nhiên hỏi má:

-Sao không đi tiếp mà ở lại đây thế ạ?

-Mọi người no bụng rồi phải nghỉ một lúc mới đi ăn thêm được.

-Ta đi chậm, hết thức ăn thì sao?

-Núi cao, rừng sâu và cả thảo nguyên rộng mênh mông xa xa kia đều là nơi cung cấp thức ăn cho gia đình nhà voi chúng ta thoải mái dùng, không bao giờ hết cả.

-Thật thế ạ? Vậy là họ hàng nhà voi giàu có rồi!

Kền kền đầu trọc bay qua vô tình nghe được câu nói của voi con, mụ ta về đàn của mình, nói:

-Bầy voi to xác bảo chúng là loài thú giàu có nhất rừng đấy.

Bầy bướm Vàng đậu gần đấy nghe kền kền nói vậy, chúng ngã nghiêng cười; một con nói:

-Lũ voi to xác ấy làm sao giàu có bằng loài bướm chúng ta. Trên thế gian này cỏ, cây nào mà chẳng phải ra hoa, hoa phải có phấn; phấn hoa là thức ăn của họ hàng nhà bướm. Suy ra họ hàng nhà bướm giàu nhất mới đúng.

 Các loài chim, thú khác nghe được chuyện bầy voi và đàn bướm tự cho mình giàu có nhất rừng đều không phục; thế là nổi lên cuộc tranh cãi về việc loài chim, thú nào giàu có nhất rừng. Không con nào chịu nghe con nào nên chúng kéo đến nhờ thần rừng làm trọng tài phân xử. Thần rừng đồng ý, hẹn các loài cử đại diện đến ngày rằm tháng tám nghe phân xử.

Đúng hẹn, một con khỉ đực mặt đỏ như son, mũi hếch, có chòm râu bạc dài gần gang tay; trên mình khoác bộ lông màu nâu, đuôi ngắn một khúc, giống như đuôi heo. Khỉ leo lên cây kơ nia ngồi, thỉnh thoảng kêu khẹc khẹc rồi đưa tay vuốt râu làm ra vẻ phong lưu.

Đến sau một chút, con voi cái to như chiếc xe ô tô tải, không có ngà; chiếc vòi dài đung đưa phía trước. Thấy Voi, Khỉ ngồi trên cây phì cười, kêu lên:

-Lũ Voi hết giống đực rồi hay sao lại cử một bà già đến đây tranh luận thế này?

-Khỉ không biết rồi, Voi hay Trâu, Bò và cả Heo rừng nữa đều do con cái làm thủ lĩnh.

Một con heo nái vừa bước đến nghe khỉ chê voi liền lên tiếng trả lời, khỉ không chịu, hỏi lại:

-Ô, giống cái làm thủ lĩnh như vậy thì lấy đâu ra sức mạnh mà cạnh tranh với bầy, đàn khác để sinh tồn?

Cô ong mật không biết đến lúc nào, đậu trên cành bên cạnh khỉ, lên tiếng:

-Thủ lĩnh của bầy đàn là do cái đầu nhớ được nhiều hơn các đầu của con khác; còn sức mạnh cá nhân chỉ dùng cho các chiến binh để bảo vệ đàn thôi.

Chim Hồng Hoàng, đầu đội chiếc mũ beret bằng sừng màu vàng, mỏ dài gần nửa mét. Toàn thân chim khoác bộ lông màu đen, chỉ có hai bên cánh và chiếc đuôi có vài cái lông trắng; vừa đáp xuống cành cây cũng góp lời:

-Mới gặp nhau đã tranh luận gay gắt thế? Mỗi loài, mỗi đàn vì điều kiện sống nên có tổ chức khác nhau; không thể lấy tổ chức của bầy đàn loài này áp đặt cho bầy đàn loài khác được.

-Bác đại bàng Đất nói phải lắm!

Cả bọn giật mình nhìn xuống gốc cây kơ nia xem ai vừa nói và ngạc nhiên thấy một cô mối chúa trắng tinh, to bằng ngón tay cái; được một đám lính đông đúc, khỏe mạnh công kênh trên đầu, đưa đến.

Vừa lúc đó một cơn gió ào đến, tiếng Thần rừng oai nghiêm cất lên:

-Các loài đã đến đủ cả chưa?

-Dạ, đủ cả rồi ạ.

Tất cả đồng thanh trả lời, Thần rừng nói tiếp:

-Bây giờ từng loài một tự trình bày để cho các loài khác biết: vì sao mình là loài giàu có nhất rừng, bắt đầu từ Voi.

Bà Voi già đưa chiếc vòi hướng lên cao, rít lên một tiếng lớn: t… oét, giống tiếng còi ô tô rồi nói:

-Trong khu rừng rộng mênh mông hay trên thảo nguyên bao la mọc đầy cỏ gianh, tất cả lá cây, ngọn cỏ và một số loại củ, quả đều là thức ăn của voi. Voi ăn bao đời nay rồi vẫn còn rất nhiều, hình như không bao giờ hết; điều đó chứng tỏ loài voi rất giàu có nhất.

-Đúng rồi! Trâu, Bò, Hưu, Nai… đều giống Voi, thức ăn không bao giờ hết cả.

Voi vừa dứt lời, đại diện cho các đàn ăn cỏ dậm chân hoan hô, bảo Voi nói đúng, nói hộ luôn cho chúng. Con Khỉ mặt đỏ vội kêu lên:

- Voi già, nói vậy nghe không thuyết phục lắm. Ngày nào đi kiếm ăn thì no bụng, còn không đi thì nhịn đói, như vậy sao bảo là giàu có được. Loài khỉ giàu có hơn các loài ăn cỏ vì khỉ không những ăn hoa, quả mà còn ăn được cả lá rừng. Khi khỉ ăn no còn có thể để dành ngay trong mồm, khi đói ăn tiếp không phải đi lấy.

Khỉ nói xong há mồm thật to để các con vật đứng xung quanh nhìn thấy hai bên má phía trong miệng còn có túi đựng thức ăn; rồi cười lớn, tự cho mình là kẻ thắng cuộc làm những khán giả đang nghe, tranh luận ồn ào cả lên.

Hồng Hoàng dùng chiếc mỏ vĩ đại của mình gõ vào cây kơ nia: cốc, cốc, cốc… yêu cầu trật tự, rồi lên tiếng:

-Tất cả nhìn cho rõ đây, chiếc mỏ này chắc chắn đựng được nhiều thức ăn hơn túi trong mồm Khỉ chứ?

Hồng Hoàng vừa dứt lời, con Hổ có lông mặt màu vàng, điểm những chùm lông đen và trắng như những nét vẽ vụng; đôi mắt tròn luôn nhìn thẳng về phía đối diện, đứng dựa vào gốc cây kơ nia, vươn vai một cái, gầm lên:

-H… ùm! Cái miệng bé bằng nắm tay thì đựng được bao nhiêu? Như ta đây đi săn một lằn ăn hai ba ngày không hết mới gọi là giàu chứ.

-Hổ nói phải lắm!

Báo, chó sói, chồn, cáo… đồng thanh reo lên, khẳng định Hổ nói đúng vì bọn chúng cũng là loài thú ăn thịt, khi săn được con mồi to thì ăn cả tuần mới hết. Các loài chim, thú khác không biết có phải vì sợ Chúa Sơn Lâm hay không cũng vỗ tay tán đồng.

Chờ khi tiếng ồn bớt một chút, Thần rừng hỏi:

-Ai có ý kiến khác nữa không?

-Hổ nói đúng quá rồi!

-Chúa Sơn Lâm giàu có nhất là phải rồi!

Các loài thú lại đồng thanh reo lên tán đồng làm Hổ ta khoái chí ngữa mặt nhìn lên cây, hỏi:

-Cô ong Chúa không đồng ý hay sao mà im lặng thế?

-Của để giành nhiều đến mức chỉ ăn trong một tuần đã hết mà gọi là giàu thì… vi vu, vi vu…

Ong Chúa không nói được nữa, vẫy cánh liên tục vì thấy buồn cười quá. Sau khi cười xong ong Chúa mới nói tiếp:

-Loài ong mật chúng tôi không dám so giàu với các bác Voi, Khỉ, Hồng Hoàng hay Hổ, Báo, Cáo, Chó… vì chúng tôi quá bé nhỏ. Khi mùa hoa đến ong phải đi lấy từng hạt phấn bé tẹo, nhỏ hơn cả đầu lông mũi của các bác và mật hoa mang về tích trữ. Trường hợp không còn hoa hay mưa gió không ra khỏi tổ được, đàn chúng tôi vẫn đủ ăn cả tháng.

Nghe ong Chúa nói xong các loài ồn ào cả lên, hình như chúng không tin về những điều vừa được nghe. Loài ong nhỏ bé, chỉ thu mật và phấn hoa bé tí ti, tích cóp lại mà lại giàu đến thế. Hóa ra loài ong Mật giàu có vì chúng biết tính toán thu nhập và cất giữ mà các loài thú khác không làm được.

Thần rừng hỏi:

-Có ai có ý kiến khác không?

-Dạ tôi ạ!

Các loài vật cười ồ cả lên khi thấy cô mối Chúa không tự mình đứng lên được, phải nhờ những con mối nhỏ bé khác nâng đỡ thì… làm sao có thể đủ ăn chứ nói gì đến của dư thừa. Chờ ngớt tiếng cười, mối Chúa mới nói:

-Loài mối chúng tôi chỉ to bằng cái lông đuôi của các bác thôi, cả ngày lẫn đêm lang thang trên mặt đất nhặt nhạnh các thứ bỏ đi về chế biến, cất để dùng tạm qua ngày. Vì biết mình nhỏ bé, yếu đuối nên phải lo tích trữ, ngoài thức ăn để dành trong kho như Ong, loài mối còn có cả khu vực trồng nấm ngay trong tổ làm thức ăn. Nói dại miệng, nếu có thiên tai ập đến, không đi ra ngoài kiếm ăn được thì một tổ mối vẫn có thể tồn tại được nhiều… tháng.

Mối chúa vừa dứt lời, bà Heo rừng nói ngay:

-Mối cũng biết trồng nấm như người ư, làm sao có thể tin được.

Các loài khác ồ lên, tán đồng ý kiến của heo rừng. Mối chúa chờ mọi người yên lặng mới nói tiếp:

-Nếu Heo và các loài khác không tin thì từ nay trở đi, sau trận mưa đầu mùa chúng tôi sẽ cho nấm từ trong tổ mối đội đất mọc lên khoe với đất trời, ra mắt muôn loài nhé.

Nghe mối Chúa trả lời, tất cả các loài đứng xung quanh im như hạt gạo đựng trong chum. Một lúc sau, lũ thú từ từ, từng con một quay đầu lầm lũi bỏ đi vì thấy mắc cỡ lỡ khoe giàu so với loài mối nhỏ bé, yếu ớt nhưng giỏi giang. Thần rừng thấy vậy, cười vang:

-Ô, sao lại bỏ đi hết như thế, không cần ta phân xử nữa à?

Vừa lúc đó một cơn gió ào đến, khua lá cây ào ào, làm đám thú sợ hãi bỏ chạy; lũ chim cũng vội vàng bay đi. Từ đấy, cứ sau trận mưa rào đầu mùa, những cây nấm mọc lên từ tổ mối được gọi là NẤM MỐI.

 

Hòa Khánh, mùa mưa năm 2021

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

HOA CHUỐI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO HẢI PHÒNG đăng ngày 27 tháng 8 năm 2021

 


Tránh dịch COVID Ngọc Sa được bố mẹ đưa về thăm ngoại. Nhà ngoại vườn rộng, mùa nào cũng có quả ngọt để ăn. Dưới gốc cây ăn quả, bầy gà trên trăm con, đủ màu sắc nô đùa, nhìn thật thích mắt.

          Buổi chiều, ngoại bảo bố ra vườn chặt chuối vào ăn. Ngọc Sa vô cùng ngạc nhiên khi ngoại chỉ vào cây chuối hột to hơn cả đầu người, cao vút, lá xanh om; nói với bố:

          -Con chặt cây này.

          -Sao lại chặt cây chuối chưa có quả hở bà?

          -Chuối hột, trồng lấy hoa ăn là chính. Hôm nay con cháu về trúng dịp chuối chuẩn bị trổ bông nên chặt, làm món nộm bao tử chiêu đãi dân thành phố.

          -Cháu có thấy hoa chuối đâu?

          -Hoa ở trong thân cây ấy. Quan sát cây chuối, cháu thấy cái lá trên cùng của cây chuối này ngắn bằng nửa các lá bình thường khác, phía cuối lá như nửa đường tròn; đó là chiếc lá cuối cùng của cây chuối sắp trổ bông.

          -Ô, hay quá!

          Bố cũng bật cười rồi nói:

          -Sang năm con gái vào lớp hai rồi, phải tập quan sát mọi vật xung quanh xem: cây, cảnh chỗ này có điểm gì giống và khác với cây, cảnh chỗ đến sau không nhé.

          -Dạ!

          Chặt chuối sát mặt đất, cây đổ xuống, bố chặt hết các tàu lá mang ra tấp vào các gốc cây ăn trái; lũ gà đổ xô lại tranh nhau rỉa lá ăn. Ngoại chỉ phía gần ngọn cây chuối, bảo:

          -Hoa chuối ở chỗ này.

          -Ngoại tài quá, vì sao biết được ạ?   

-Cháu nhìn đây nhé: trên thân cây chuối chỉ có chỗ này lớn hơn khúc cây phía trên cũng như khúc phía dưới vì hoa chuối ở đó.

-Để bố lấy ra cho con xem.

Bố chặt phía dưới phần nổi lên to nhất trên cây chuối khoảng một gang tay, rồi bóc từng bẹ chuối ra. Những bẹ chuối phía trong trắng xanh và kỳ diệu thay: bông hoa chuối trắng ngần, to hơn bắp chân một chút biện ra. Ngọc Sa reo lên:

-Ôi nhìn đẹp quá ngoại ơi!

-Không những đẹp mà còn ngon nữa.

-Thật hả ngoại, ở nhà con chưa bao giờ được ăn hoa chuối như thế này.

Cả ngoại và bố đều bật cười, ngoại nói:

-Thành phố làm gì có đất trồng chuối mà ăn hoa. Ở nông thôn, con cháu có về cũng ít khi gặp được chuối trổ bông; may mắn lắm mới gặp được đấy.

-Dạ!

Ngọc Sa theo ngoại vào bếp xem làm thịt hoa chuối. Đặt hoa chuối lên thớt, ngoại dùng dao nhọn tách đôi hoa chuối, lấy bông hoa chuối nhỏ bằng ngón chân cái nằm giữa hoa, màu trắng xanh, dài hơn ngón tay đưa cho Ngọc Sa, bảo:

-Phần cháu gái nè. Cháu ăn thử xem có ngon không. Phần còn lại thái nhỏ, bóp với thịt gà ức, xé ra, trộn thêm các gia vị nữa sẽ thành món đặc sản đấy.

-Cháu cảm ơn bà!

Ngọc Sa cầm hoa chuối chạy đi tìm mẹ, khoe:

-Mẹ ơi, ngoại làm thịt hoa chuối, lấy hoa chuối tý hon trong bụng hoa chuối cho con nè, đẹp lắm luôn.

-Không phải thịt mà xắt hoa chứ; con ăn đi, ngon lắm đấy!

-Ui, đẹp thế này sao nỡ ăn hở mẹ?

Tiếng ngoại từ bếp vọng ra:

-Bé Ngọc Sa giống y như mẹ nó hồi bé.


Nguồn: http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=55129&cat=103


Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

ĐỨA CON NGƯỜI THỢ SĂN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN HỌC SÀI GÒN ngày 25 tháng 8 năm 2021

 


Cây mai trước nhà bỗng nhiên đổi màu, những chiếc lá xanh ngắt chuyển sang màu vàng và bay theo gió phủ kín cả mảnh vườn. Chỉ có mấy ngày thôi, cây mai xanh tươi là vậy mà bây giờ chỉ trơ lại những chiếc cành khẳng khiu như sắp cạn kiệt sức sống. Mặt trời nóng bỏng đổ lửa suốt từ sáng sớm đến hoàng hôn. Cái nóng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên làm cây cối phải gục đầu, chim chóc cũng lặng im tiếng hót. Nhưng có lẽ nhờ cái nóng đó, cây mai cổ thụ bỗng nhiên trở mình đâm chồi, nảy lộc ló ra những búp hoa báo hiệu xuân sang, Tết đến và báo hiệu một mùa săn mới.

Quê tôi người ta thường lấy cúng Yang(1), cùng lúa mới làm cái tết chính, còn Tết mùa xuân tính theo hoa mai nở, thì ăn theo người Kinh cho vui thôi chứ không có ý nghĩa gì. Nhưng mùa hoa mai nở, trai tráng ai cũng thích vì đó là mùa săn.

Mấy hôm trước ngày tổ chức đi săn, các trảng cỏ gianh được châm lửa đốt. Ngọn lửa theo nhau chạy qua hết đồi này sang đồi khác, kéo dài có khi ba, bốn ngày đêm. Bầu trời cũng phải sẫm lại vì khói và tàn tro. Khi ngọn lửa tàn, những khu rừng rậm hàng chục héc ta chỉ còn lại lưa thưa, từng mảng rừng già bị cháy nham nhở, chim thú dồn vào ở đó; người ta tổ chức đi săn.

Năm ấy tôi vừa tròn 13 mùa rẫy nên được phép theo ama(2) đi săn. Ama tôi là một thợ săn nổi tiếng khắp vùng. Cây ná làm bằng gốc rễ gỗ thị đen láng, cánh ná được làm từ thân cây ô rô có thể bắn xa trăm mét. Điều đặc biệt là thuốc bôi ở đầu mũi tên do dòng họ truyền lại, không con vật nào dính phải chạy nổi trăm bước, cho dù đó là min, bò rừng, hổ hay báo… Trên vách nhà sàn dài gần 100 sãi tay treo đầy sừng min, bò rừng, hươu, nai, cà tông… xếp thành hai hàng song song với nhau. Đấy chính là chiến tích của ama tôi.

Ama đeo cho tôi chiếc ná nhỏ vừa với sức của mình và dạy tôi bắn, bắn vật chết - đứng im; bắn vật sống - nó biết chạy nhảy; từ lúc tôi mới chập chững biết đi. Năm lên 9 mùa rẫy tôi có thể bắn trúng chim đang bay, sóc đang chạy. Nhưng tôi chưa bao giờ được bắn thú. Vì vậy tôi náo nức khi được theo ama đi săn. Thế rồi cái ngày dữ dội đó cũng đến. Buổi sáng khi mặt trời còn chưa thức dậy, những vì sao vội vã chạy trốn chỉ còn le lói vài ông sao nhỏ bé nổi bật giữa nền trời xanh ngắt, tiếng chuông ngân vang, tiếng chó sủa, tiếng chân người bước thậm thịch trên các ngôi nhà sàn - vốn bao giờ các nhà sàn cũng làm cạnh nhau - kéo tôi khỏi giấc ngủ. Tôi choàng dậy bốc vội mấy miếng cơm bắp ăn rồi chạy ra vớ quả bầu đựng nước suối tu một hơi dài. Xách chiếc gùi của mình đã xếp sẵn quả bầu khô đựng nước, cái xoong nhôm đựng bắp giã nhỏ, nấu nhừ - tiêu chuẩn ăn cả ngày, vác chiếc ná ra đầu buôn nhập vào đoàn người.

Ama lặng lẽ đeo gùi dẫn dầu đoàn người đi về núi Cánh Diều. Khi đến bãi săn, ông chia người chặn các ngả đường, con thú có thể chạy qua khi bị dồn đuổi. Ông dặn kỹ bọn người đi lùa cách lùa theo hướng đã định, cuối cùng ông dặn thêm.

- Mẹ con con min này mới ở đâu chạy lạc về đây, ta cố gắng bắn cả đôi về ăn Tết Yoan(3) cho vui.

Mọi người kéo nhau đi. Ama dẫn tôi đến cạnh cậy lồng bàng, trên thân cây cách mặt đất khoảng 3 mét, ai đó đã làm sẵn 1 cái sàn rộng chừng 3 mét vuông bao xung quanh thân cây đủ chỗ cho 4 người ngồi thoải mái.

Ngồi ngay ngắn trên sàn giơ nỏ ngắm thử về thung lũng phía trước, quả thật tôi hồi hộp vô cùng. Cánh rừng bị đốt cháy trụi lủi sạch như dọn rẫy, ngay cả cây lồng bàng to là vậy, phía dưới lá cũng bị cháy quăn queo, thân cây lửa táp đen sì. Xuôi về phía bãi săn chỉ thấy đám rừng xanh nhỏ bé nổi bật trên đám tro rộng lớn mà lòng xốn xang.

Xa xa tiếng chuông, tiếng tù và nổi lên ầm ĩ tạo nên một dãy âm thanh ồn ã như sầm đầu mùa mưa rộn vang. Vì ngồi cuối gió tôi nghe rõ tiếng chiêng, tiếng tù và sừng trâu. Tiếng hò hét của đoàn người đi lùa ngày một rõ dần, bỗng nhiên tiếng chó sủa rộ lên, tiếng chiêng thúc gấp gáp, tiếng hò hét từ mấy chục cái miệng cùng gào lên tạo thành một thứ tạp âm dội vào núi vọng ra nghe rờn rợn.

- Min! Ama kêu lên. Đúng là hai mẹ con nó rồi. Mày bắn con nhỏ nhé.

- Dạ!

Con min mẹ chạy từng đoạn ngắn để chờ con. Con nó màu đỏ, phớt nâu to phải bằng con bò cái lớn chạy thập thững phía sau, đầu ngẩng cao mắt liếc về phía sau, nơi đàn chó gần hai chục con thi nhau gào thét. Đàn chó luôn luôn giữ khoảng cách hai chục mét phía sau con min. Gió thổi làm đất bay mù mịt tối cả một vùng trời. Mắt min mẹ đỏ ngầu to như chiếc ly lớn gườm gườm nhìn đàn chó. Nó không chạy nữa mà thủng thẳng bước. Con min con có vẻ khiếp sợ, vừa đi vừa dụi vào bụng mẹ trông thật dễ thương.

Hai mẹ con nó cứ nhắm thẳng hướng tôi bước tới. Khi còn cách chòi độ năm chục bước, con min mẹ linh cảm thấy điều gì đó không ổn nên đứng sựng lại, hai con mắt trắng đã bỗng chuyển sang màu hồng như có máu nhìn chằm chằm vào tôi. Con min con ngơ ngác đứng nép vào bụng mẹ giương cặp mắt ngây thơ nhìn tôi như muốn hỏi điều gì.

Bình thường, với khoảng cách này chắc chắn tôi sẽ bắn trúng mắt con vật nếu nó chạy chứ đưnngs nói gì đứng yên. Nhưng tôi đã không bắn nổi, vì đôi mắt như cầu xin tha mạng ấy. Đôi mắt như một lời trách móc. Tay tôi run run định hạ ná xuống.

- Bắn đi! – Ama hét lên.

Như cái máy, tôi bấm mũi tên lao vút khỏi ná. Thực lòng lúc đó tôi cầu xin Yang hãy làm cho mũi tên tôi trật đi đừng đúng vào con min tội nghiệp. Nhưng cùng lúc mũi tên tôi bay ra, con min mẹ chồm lên quay ngang người che cho con min con, nhận gọn mũi tên tôi bắn cắm vào vai và mũi tên ama xuyên vào cổ. Bị đau nó “họ” lên một tiếng lao thẳng vào gốc cây lồng bàng.

Rầm! cây lồng bàng to thế mà rung lên lá rụng lả tả, cây ná tôi cầm văng xuống đất, tôi chới với xuýt rơi. May sao ama giơ tay giữ tôi kịp. Sau cái húc khủng khiếp đó, con mẹ đổ vật xuống, máu mồm, máu mũi chảy ra ròng ròng. Đôi mắt nó trợn ngược trước sự việc xảy ra. Con min con ngơ ngác nhìn mẹ ngủ gục bên gốc cây, nó chạy lại húc vào cổ con min mẹ nâng lên. Có lẽ quá nặng nên nó không giữ được cổ con mẹ, để trượt rơi xuống đất. Máu của min mẹ thấm đen đầu con min con. Con min con quỳ hai đầu gối trước xuống, luồn mõm qua cổ con mẹ định nâng lên, mồm kêu ọ ọ. Nhưng lại trượt. Nó cố lần nữa, lại trượt. Nó đứng dậy ngây người nhìn xác min mẹ, đôi mắt nhòe nước.

Bầy chó săn xúm xít xung quanh sủa nhặng xị cả lên. Có con lao vào gặm chân con min mẹ. Bất chợt con min con ngửa cổ gào lên “ọ”! Rồi vung chân sau đá con chó bay ra xa cả chục mét ra chỉ kịp kêu “oẳng” một tiếng rồi nằm thẳng đơ, bụi tro bay mù mịt.

Min con lồng lộn chạy vòng quanh xác mẹ hết thúc vào hông, lại huých đầu vào bụng như muốn thúc mẹ dậy. Nhưng mọi cố gắng của nó vô ích. Nhìn nó tôi thấy thương quá chừng. Hình ảnh con min giống như một đứa trẻ bị mất mẹ. Tôi hối hận vì mũi tên của mình, mũi tên ấy đã giết chết con mẹ và giết chết cả con con bằng sự cô đơn, tang tóc. Chính tôi là kẻ gây nên cảnh đau xót này. Đôi mắt của con min con nhòa lệ, lệ nó chảy bằng máu đỏ bầm. Tiếng khóc của nó nức nở từ trái tim tan nát tôi nghe như chính nỗi đau của mình.

Cách đây hơn bảy năm về trước, khi lên sáu tuổi, tôi cũng giống như chú min con hôm nay ngồi ôm xác amí bên chòi canh rẫy. Nước mắt tôi cùng máu của amí thấm đẫm mảnh đất rẫy yêu dấu. Tôi căm thù cái máy bay Mỹ giết chết amí tôi vô cớ để lại sự cô đơn cho ama.

Amí mất, dòng họ không còn người nối dây, bà ngoại ra điều kiện: Một là ama ở vậy, nuôi tôi sẽ được hưởng phần gia tài của amí như trước đây còn sống. Hai là đi lấy vợ hoặc về nhà ông bà nội thì sẽ đi một mình, chỉ được mang theo mấy bộ đồ mà thôi, tài sản trước đây thuộc về ngoại hết. Còn tôi, đứa con ông mới có nhưng theo tục lệ, tôi mang dòng họ mẹ và phải ở với bên ngoại.

Chôn nỗi buồn vào trong bụng, ama chấp nhận ở lại nuôi tôi. Nhưng cái miệng không bao giờ nở nụ cười, người như một cái bóng, hết lên rẫy lại vào rừng, lầm lũi làm việc. Đêm đêm khi tôi chợt thức giấc thấy người ngồi lặng im ngắm ngọn lửa bập bùng bên bếp; chắc khi ấy ama nhớ amí lắm, nước mắt tôi trào ra… Giờ đây nhìn con min con tôi thấy đau xót quá chừng.

Ama lại giơ ná lên, khoảng cách chỉ năm mét thôi, tôi có cảm tưởng đầu mũi tên giơ lên là chạm vào mắt con min con tội nghiệp. Nó đứng ngửa mặt lên cây như thách thức, chấp nhận cái chết. Tôi thét lên:

-  Ama đừng bắn!

Và hất mạnh mũi ná lên cao. Phựt! tiếng lẫy ná kêu lên cùng lúc mũi tên cắm phập vào cành cây lồng bàng sâu nửa gang tay.

- Ama tha cho nó đi, nó mất mẹ rồi, đừng giết nó nữa!

Ama trợn mắt nhìn tôi như nhìn một vật lạ từ cung trăng rơi xuống. Có lẽ khuôn mặt đanh lại, mắt trợn ngược nhìn ama, để dòng lệ tự nhiên tuôn chảy của tôi lúc đó ngó gớm ghiếc lắm. Dòng nước mắt hối hận của tôi lả chả rơi, làm ama mềm lòng. Bất giác ông buông tiếng thở dài.

Đoàn người đi săn kéo đến mỗi lúc một gần, tiếng chuông, tiếng tù và rúc ing ỏi, tro bay mù mịt, che kín cả ngọn cây. Bầy chó vẫn thi nhau gào lên inh ỏi, nhưng không có con nào dám bén mảng lại gần. Tôi kêu lên với con min:

- Chạy đi! Chạy đi không mày chết bây giờ.

Con min như hiểu được tôi nói gì, nó giương đôi mắt lồi nhìn tôi lần cuối rồi bất chợt rống lên:

- Ọ! ọ! ọ!...

Tiếng kêu não lòng át cả tiếng chó sủa, át cả tiếng chuông, tiếng tù và của đám đông người đi săn tràn ngập khoảng không gian mênh mông đập vào lòng tôi tê tái. Kêu rồi con min cúi đầu xuống gật gật như lạy mẹ trước khi thập thững bước qua để xuôi về phía rừng già. Mấy con chó chạy theo nó một quãng như tiễn chân rồi quay lại.

Tôi cùng ama nhảy xuống người con min, bước xuống đất. Con min mới to làm sao, có dễ phải nặng hơn một tấn. Tôi bước lại phía đầu nó nhặt cây ná bị con min con dẫm gẫy làm ba đoạn bỏ vào gùi.

Đám người đi săn xúm quanh, xuýt xoa tài bắn của cha con tôi. Họ đâu biết rằng tiếng khen của họ đang như mũi kim châm thẳng vào trái tim non nớt của tôi. Tôi cảm thấy mình là một kẻ tàn nhẫn, tội lỗi nên lầm lũi bỏ đám người săn đi về nhà. Mặc cho mọi người kêu phía sau.

Cây ná gãy đó đến nay vẫn còn, nó theo tôi suốt cả cuộc đời, nhắc nhủ tôi nhớ về kỷ niệm lần đầu và cũng là lần cuối cùng đi săn.

 

Chú thích tiếng Êđê:

1.    Yang: thần linh;

2.    Ama: ba;

3.    Yoan: Người Kinh;

https://vanhocsaigon.com/truyen-ngan-cua-hong-chien-dua-con-nguoi-tho-san/


Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

CON GÀ GÔ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM ngày 11 tháng 8 năm 2021

 


Mùa khô, mặt đất như bốc cháy vì những tia nắng gay gắt thiêu đốt từ sáng sớm đến chiều tà. Cây cối im lìm cuối mặt, giơ tấm lưng xanh sẫm cố gắng che lấy thân cây. Bầu trời trong xanh vời vợi không một gợn mây, cái nóng hầm hập tràn vào nhà như có ai đó đặt chảo lửa bên cạnh. Bổng nhiên tiếng chim vang lên: “Cục… bắt… sét… đa… đa!”.

Tiếng hót của chim vang lên giữa trưa nắng, âm vang lan tỏa bao trùm cả ngôi nhà rồi tản ra, lan dần qua những hũm cây, theo các sườn đồi, nhỏ dần chỉ còn lại tiếng “gia” tha thiết vọng lại.

Hiền giật mình, tỉnh hẳn cơn buồn ngủ tụt xuống giường chạy lại gọi mẹ.

-        Mẹ ơi, chim biết hót rồi!

Mẹ Hiền gấp tập bài đang chấm giở quay lại bảo:

-Mẹ nghe rồi nhưng mới có mười ba giờ, con đi ngủ tiếp đi, ba mươi phút nữa hãy dậy.

-        Mẹ cho con ra chơi với chim đi. Đấy, nó lại hót nữa đấy.

Mẹ gật đầu. Hiền chạy ngay ra đầu hồi nhà đứng ngắm con chim đang cố gắng dướn cao cổ, đầu hơi cúi xuống cất lên tiếng hát êm ái. Thế là thiếu ba ngày nữa mới đầy năm tháng mà nó đã biết hót rồi.

Nhớ hôm ấy ba về cả nhà đang vui vẻ quây quần quanh mâm cơm, bổng vang lên mấy tiếng: “quạ, quạ, quạ” xé tan không khí buổi trưa thanh bình. Cả nhà bỏ mâm cơm ăn dở chạy ra sân tưởng quạ bắt gà con.

Thấy người chạy ra, con quạ vừa lao xuống đống rơm dưới gốc cây mít hoảng hốt lao vút lên, miệng không ngớt kêu gào như tiếc rẻ trước khi bay về dãy núi phía xa.

Ba đi lại phía đống rơm và kêu lên:

-        Có con gà bị thương! À, con đa đa con.

Hiền vội vã chạy lại, thấy ba đang khẽ khàng đặt con chim nhỏ bé như chú gà con, lông nâu nhạt mịn như tơ, trên lưng có vệt lông vàng kéo dài từ đỉnh đầu xuống đuôi loang vết máu tươi. Con chim run lẫy bẩy, đầu nghẹo vè một bên. Mẹ chạy vội vào nhà lấy lọ ôxi già và bông cho ba rửa vết thương, chắc là do móng chân của lão quạ độc ác găm vào bên hông làm toạc cả một đoạn da dài.

Ba khéo léo rắc thuốc lên vết thương rồi đặt nhẹ nó vào cuộn bông trắng tinh đã được dàn ra giống như một chiếc ổ xinh xắn. Buổi chiều, ba kiếm cây, ván, lưới sắt đóng một cái chuồng, đặt chim vào và dặn Hiền:

-        Con nhớ hàng ngày kiếm mối cho nó ăn.

Thế là từ đó ngày ngày ngoài giờ đi học, Hiền tranh thủ bắt những con mối trắng ngần, béo, tròn nung núc thả cho chim ăn. Thỉnh thoảng mẹ cho thêm nắm vừng, nắm tấm bỏ vào chuồng. Cu cậu hay ăn đáo để.

Từ một chú chim bé nhỏ, chỉ lớn hơn ngón chân cái Hiền một chút, thấm thoát hai tháng sau đã to bằng vốc tay. Bô lông tơ màu nâu hôm nào, nay đổi qua màu bồ hóng, điểm thêm những nốt trắng, đen, vàng, trông chim như một chú gà hoa mơ, thật thích mắt. Con chim là niềm tự hào của Hiền, bọn bạn đến chơi đứa nào cũng đứng ngẫn ra nhìn không biết chán. Nhất là khi nó ăn, chiếc mỏ vàng nhỏ bé cẩn thận mà chính xác gắp từng con mối, hạt mè một cách nhanh chóng như người ta tập đếm, mấy chiếc lông cổ rung rung theo nhịp mổ. Bọn bạn thích thú quan sát và la chí chóe khi đoán trúng hạt mè hay con mối chim mổ ăn. Những lúc học xong bài, bọn bạn đứa mang đến nhúm hạt mè, đứa mang đến ít bông cỏ may cho chim. Tất cả chỉ mong nó lớn xem đẹp như thế nào. Không ngờ hôm nay nó lại hót, tiếng hót êm ái mà thanh cao, nghe xao xuyến lạ lùng. Nếu biết tin này lũ bạn hẵn phải ngạc nhiên lắm, và cả ba nữa khi về sẽ ngạc nhiên cho mà xem. Cái tin quan trọng này phải báo cho ba biết mới được.

     Hiền chạy vào nhà nói với mẹ:

-     Mẹ ơi, con viết thư báo cho ba biết con chim đã biết hót rồi nhé!

-     Con quên rồi sao, ba sắp về phép rồi đấy!

-     Da!

Hiền vui quá nên quên, ba đi đã gần năm tháng và hôm qua viết thư về báo sắp được nghỉ phép. Không biết cái Đồn Biên phòng nơi ba ở có con chim này không nhỉ, nếu không có, tặng luôn nó để ba mang lên đó cho vui. Biết đâu chim hót giúp ba đỡ nhớ hai mẹ con Hiền. Đúng rồi, nhất định phải tặng ba mới được. Tiếng chim lại cất lên cao vút giữa không gian như xua bớt đi cái nắng gay gắt đang đổ lửa thiêu chín cả mặt đất ba-zan đỏ au ngi ngút bốc khói.

*

**

Bỗng nhiên tiếng phanh xe kèm theo một làn bụi mỏng như khói cuộn vào sân. Hiền ngẩng mặt lên đã thấy bác Tư đá chân chống chiếc xe Dream II màu mận chín còn mới ngay sát thềm, vội vã bước lại gần chuồng chim nghiêng nghiêng, ngó ngó.

Cả thị trấn này không ai lạ gì bác Tư, người nổi tiếng về chơi chim cảnh và chọi chim. Mùa nào loài ấy, từ con chim chào mào nhỏ bé đến cu gáy, cu xanh, bách thanh, vàng anh… bác đều có cách để nhử bắt. Người ta nói nhờ tiền chim chọi mà bác mua đất, xây biệt thự ngay ngã tư thị trấn huyện. Tài chọi chim của bác Tư ở chỗ chỉ cần nghe tiếng chim kêu thôi cũng biết nó bao nhiêu tuổi, tính khí thế nào, hoặc chỉ nhìn nơi đàn chim ăn qua là có thể đoán biết có bao nhiêu con, sẽ bắt được bao nhiêu con trong đàn đó v.v…

Đó là bí mật nghề nghiệp truyền đời của dòng họ nhà bác, chưa có ai ở thị trấn này học được.

-        Con chào bác!

Hiền lễ phép khoanh tay chào bác Tư, làm bác giật mình quay lại.

-        Chào cháu, cháu học lớp mấy?

-        Dạ thưa, cháu học lớp năm ạ!

-        Con cô giáo có khác, mới bằng này đã học lớp năm rồi. Má có nhà không?

-        Thưa bác có ạ!

Bác Tư nhìn lại con chim một lần nữa rồi vội vã bước vào nhà. Sau khi nhận ly nước mẹ Hiền mời, bác Tư hỏi luôn:

-        Tôi muốn chị để lại cho tôi con gà gô kia.

-        Con chim đó của cháu Hiền.

-        Chị bảo với cháu, cho tôi đổi chiếc xe đạp Mini Nhật lấy con gà gô. Nếu cháu đồng ý tôi chở cháu lên phố ưng màu gì tôi cũng chiều.

-        Việc này để tôi hỏi cháu đã.

Hiền có linh cảm không hay khi bác Tư đến nhà và quả đúng như dự đoán, bác Tư lại thích ngay con chim quý nhà Hiền. Có cái xe đạp đi học cũng thích thật, nó ngoài cả mơ ước của Hiền. Nhưng còn ý ba, lỡ ba buồn thì sao? Mà Hiền còn tính tặng ba nữa, nghĩ vây Hiền nói thẳng:

-        Đây là vật kỷ niệm của ba, dù bác có trả bao nhiêu cháu cũng không thể bán.

Biết có thuyết phục mẹ con Hiền cũng không được, bác Tư mới nói:

-                  Nói thật với chị và cháu, con gà gô này ngoài Bắc người ta thường gọi là con “đa đa” hay “con bắt tép kho cà” cũng là một mà thôi, loài này hiếm lắm. Mỗi cặp bao giờ cũng có lãnh thổ riêng, không con nào khác được bước tới lãnh địa của chúng. Nếu lỡ tới sẽ xãy ra một trận quyết chiến nãy lửa cho đến lúc kẻ xâm nhập “biên giới” bỏ chạy mới thôi. Vì đặc tính này của gà gô mà chúng dễ bị dụ vào bẫy. Đặc biệt con gà gô của nhà mình thuộc vào hàng quý hiếm của gà choại. Trên cổ có tới ba hàng cườm đen xen kẻ, tỏ rõ nó dai sức và tiếng gáy sẽ vang xa hơn. Nuôi gà chọi loài này phải chọn được con có giọng thanh, khi gáy tiếng vọng xa làm con gà gô khác dù ở xa cũng nghe được. Tiếng thanh còn biểu hiện sự yếu đuối để đánh lừa các con gà khác lao vào chọi. Đôi mắt của con gà này màu nâu có vành đen, chứng tỏ sự gan lỳ. Dưới mi mắt có hai nốt đỏ như hai hạt mè, dấu hiệu của gà hay – có thể nói nó là gà chúa rất quý hiếm. Tôi ngồi ở nhà nghe nó gáy mà phát ham nên mới đi theo tiếng gáy đến đây. Chiều nay chị cho cháu đi với tôi, bên nhà có chiếc lồng cũ còn tốt lắm, đi chọi thử một lần sẽ biết. Thôi tôi về, bốn rưỡi chiều tôi quay lại.

Từ nhỏ đến giờ chỉ nghe bác Tư chọi chim chứ có ai được bác rủ đi bao giờ, và chắc cũng không ai biết bác chọi ra sao. Hôm nay bác đến rủ Hiền là một điều lạ. Hiền nghe cũng xuôi tai và thấp thỏm đợi chờ.

 

*  *

*

Mặt trời nghiêng ngiêng rắc những tia nắng vàng nhạt lên mọi vật. Thỉnh thoảng từng cơn gió mát rượi ào ào lướt qua lật ngược các tàu lá khua rối rít, trông thật ngộ nghĩnh. Bác Tư đưa Hiền ra cánh đồng cỏ gianh khô cong nằm rạp xuống sát mặt đất như có ai đó dùng xe lu cán lên. Bác để xe bên lề đường dẫn Hiền đến bên gốc cây lồng bàng mọc cạnh một đống mối to như con trâu nằm. Bác rẽ cỏ gianh đặt chiếc lồng rồi phủ thêm mấy cọng cỏ khô lên trên. Cửa lồng hướng về phía bắc. Xong đâu đó, hai bác cháu đi bộ khoảng năm chục mét ngồi núp sau một lùm cây đợi. Vừa mới bẻ lá ngồi xong, con chim đa đa hay nói theo cách bác Tư là con gà gô của Hiền đã cất tiếng gáy. Tiếng gáy có gì đó như buồn rầu, não nề, khắc khoải lan tỏa trên đồng cỏ. Đặc biệt tiếng cuối cùng của câu: “Cục bắt sét đa… đ… a” cứ nhỏ dần, nhỏ dần, tạo thành tiếng nấc nghẹ ngào, đau đớn. Hiền thì thào hỏi bác Tư.

-        Tại sao những tiếng cuối cùng nghe như nghẹn ngào nấc cụt vậy bác?

-        Nó quý là ở chỗ ấy đấy. Nhìn kìa!

Theo phía bác Tư chỉ, Hiền thấy bóng một con gà gô vừa bứt mình lên khỏi ngọn cỏ giang đôi cánh ngắn vẫy lia lịa đâm bổ vào đống mối đặt bẫy.

“Cách”, tiếng sập bẫy khô khốc vang lên. Bác Tư kéo tay Hiền vui vẻ bảo: Xong rồi!

Hiền hớn hở chạy lại đống mối thấy một con gà gô mắc bẫy đang lồng lộn dưới tấm lưới ni lông nhỏ bé. Nó cố vùng vẫy nhưng không sao thoát ra được.

Bác Tư ngắm con gà gô mới bị sập bẫy bảo:

-                  Con này vũ phu, chỉ có thịt thôi không chọi được. Hôm nay thử thế là đủ, chiều mai ta đi nữa. Giờ về thôi.

          Bác Tư đưa Hiền về tận nhà và nhất định không nhận con gà gô mới bắt được. Bác bảo cho Hiền làm thịt. Con gà gô mắc bẫy có lẽ nặng hơn một ký, ngực nở tròn lẳn, toàn thân khoác chiếc ao màu nâu nhạt điểm xuyến những chấm trắng, đen đều khắp mình. Chiếc mỏ be bé trông giống như mỏ gà, màu vàng. Đôi mắt tròn xoe, đen nhánh viền một hàng lông mi dài, màu đen bao quanh tròng mắt. Duy có cái đuôi cụt ngủn như bị ai dùng kéo hớt bớt. Hiền ngắm con gà gô với vẻ sung sướng. Ngày mai mấy đưa bạn tha hồ mà tròn mắt thán phục con gà chọi của mình. Hiền tự nhủ: Thôi để đó hôm nào ba về chiêu đãi một bữa.

          Chiều hôm sau ba đột ngột trở về. Hiền mừng quýnh chạy ra đỡ chiếc ba lô và khoe ngay.

-        Ba ơi con gà gô nhà mình biết gáy rồi đó, nó gáy hay lắm.

-                  Vậy à! Thế là nó đã trưởng thành, tự kiếm sống được rồi, nên thả nó về với rừng con ạ.

-        Sao lại vậy được? Bác Tư trả chục triệu mà mẹ không bán đấy.

-                  Không bán là đúng. Con gà gô này thuộc loài thú quý hiếm, cần được bảo vệ đấy.

-        Nhưng dùng nó để làm mồi bẫy tốt lắm. Chiều qua con bẫy được một con đấy.

-        Thật à!

Hiền liến thoắng kể cho ba nghe chuyện bẫy gà chiều hôm qua và thành công dễ như thế nào.

-        Thế con có nhớ chỗ đặt bẫy hôm qua không?

-        Nhớ chứ ạ, nhưng để làm gì hở ba.

-        Con mang cả hai con gà gô đi theo ba.

Ba vội vã đứng dậy lấy xe đạp chở Hiền ra chỗ bẫy gà hôm qua. Lưng áo ba ướt đẫm mồ hôi trong lúc gió chiều lồng lộng thổi. Đến bên đống mối đặt bẫy, ba bảo Hiền.

-        Con thả con gà bắt được hôm qua ra.

Nhìn mặt có vẻ không vui của ba, Hiền mở cửa lồng. Con gà gô lập tức lao vù ra vẫy cánh rối rít bay lên rồi lao vun vút đến đám cỏ gianh cạnh cây chà và xanh ngắt có những chiếc lá nhọn hoắt như lông nhím. Ba nhanh nhẹn bước như chạy lại nơi con gà gô vừa đáp xuống, vạch bụi cây tìm gì đó. Hiền lon ton chạy theo và vô cùng sửng sốt khi ba vạch mấy tàu lá chà và phía trên để lộ ra chiếc ổ đơn sơ được lót bằng những cọng rác khô. Trên ổ một con gà gô xõa cánh rũ rượi nằm che cho mấy quả trứng màu trắng xanh phía dưới. Một đàn kiến đông đúc, lổm ngổm bò qua thành tổ vây lấy chú gà tội nghiệp.

Đứng bên cạnh ổ là chú gà gô mới được thả, lông cổ xù ra dựng đứng, hai cánh xòe ra hai bên như như sẵn sáng đánh nhau.

-        Sao lại thế hả ba?

-                  Con không biết sao! Con gà gô con bắt với con này là một đôi. Khi con mái ấp trứng, con trống bảo vệ xung quanh để chống kẻ thù, bảo vệ tổ. Hôm qua con mang con gà gô nhà mình ra đây, con gà trống xông ra đuổi kẻ thù xâm phạm lãnh thổ của nó và bị bắt, nên con mái còn lại một mình buồn mà chết. Con thấy chưa, nếu dùng chim chọi hay gà chọi để nhử bắt được một con sẽ làm hàng chục con khác chết theo. Như vậy chẳng bao lâu  những loài chim quý sẽ bị tuyệt chủng. Như vậy là lỗi con ạ!

-        Con hiểu rồi ba!

Hiền trả lời rồi lầm lũi bước lại bên chiếc lồng nhôt con gà gô của mình mở cửa, nâng nó ra. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, con gà gô được ngắm nhìn không gian mênh mông chứ không phải trong song sắt nan lồng. Nó ngần ngừ nhìn trời đất bao la như có vẻ ngạc nhiên lắm. Hiền lấy tay vuốt ve lên lưng nó. Mắt gà gô chớp chớp như bịn rịn, không muốn chia tay. Hiền nói nhỏ:

-        Tao trả mày về với rừng. Hãy bay đi nhé.

Hiền tung nó lên cao. Như chỉ chờ có vậy, con gà gô vỗ cánh rối rít bay vút về phía chân trời và nhỏ dần, nhỏ dần, cho đến khi hòa lẫn vào trời xanh.

-        Con làm vậy là đúng lắm.

Mặt trời khuất dần một nửa nơi đỉnh núi Chư Pa. Xa xa những tia nắng màu hồng cuối cùng nhạt dần, ba đèo Hiền trở về, từng cơn gió đẩy giúp phía sau làm chiếc xe đạp ba chở Hiền hình như nhanh hơn. Bất chợt từ phía sau lưng, tiếng con gà gô gáy vang lên, vọng đến: Cục, bắt sét đ… a đ…a. như một lời chào tạm biệt.

 

https://vanchuongphuongnam.vn/con-ga-go-truyen-ngan-cua-hong-chien.html