Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

NẤM MỐI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ SUỐI REO số 191 tháng 9 năm 2021



Trưa, bầy voi dừng lại bên gốc cây kơ nia tránh nắng. Chú voi con nhìn xung quanh, ngạc nhiên hỏi má:

-Sao không đi tiếp mà ở lại đây thế ạ?

-Mọi người no bụng rồi phải nghỉ một lúc mới đi ăn thêm được.

-Ta đi chậm, hết thức ăn thì sao?

-Núi cao, rừng sâu và cả thảo nguyên rộng mênh mông xa xa kia đều là nơi cung cấp thức ăn cho gia đình nhà voi chúng ta thoải mái dùng, không bao giờ hết cả.

-Thật thế ạ? Vậy là họ hàng nhà voi giàu có rồi!

Kền kền đầu trọc bay qua vô tình nghe được câu nói của voi con, mụ ta về đàn của mình, nói:

-Bầy voi to xác bảo chúng là loài thú giàu có nhất rừng đấy.

Bầy bướm Vàng đậu gần đấy nghe kền kền nói vậy, chúng ngã nghiêng cười; một con nói:

-Lũ voi to xác ấy làm sao giàu có bằng loài bướm chúng ta. Trên thế gian này cỏ, cây nào mà chẳng phải ra hoa, hoa phải có phấn; phấn hoa là thức ăn của họ hàng nhà bướm. Suy ra họ hàng nhà bướm giàu nhất mới đúng.

 Các loài chim, thú khác nghe được chuyện bầy voi và đàn bướm tự cho mình giàu có nhất rừng đều không phục; thế là nổi lên cuộc tranh cãi về việc loài chim, thú nào giàu có nhất rừng. Không con nào chịu nghe con nào nên chúng kéo đến nhờ thần rừng làm trọng tài phân xử. Thần rừng đồng ý, hẹn các loài cử đại diện đến ngày rằm tháng tám nghe phân xử.

Đúng hẹn, một con khỉ đực mặt đỏ như son, mũi hếch, có chòm râu bạc dài gần gang tay; trên mình khoác bộ lông màu nâu, đuôi ngắn một khúc, giống như đuôi heo. Khỉ leo lên cây kơ nia ngồi, thỉnh thoảng kêu khẹc khẹc rồi đưa tay vuốt râu làm ra vẻ phong lưu.

Đến sau một chút, con voi cái to như chiếc xe ô tô tải, không có ngà; chiếc vòi dài đung đưa phía trước. Thấy Voi, Khỉ ngồi trên cây phì cười, kêu lên:

-Lũ Voi hết giống đực rồi hay sao lại cử một bà già đến đây tranh luận thế này?

-Khỉ không biết rồi, Voi hay Trâu, Bò và cả Heo rừng nữa đều do con cái làm thủ lĩnh.

Một con heo nái vừa bước đến nghe khỉ chê voi liền lên tiếng trả lời, khỉ không chịu, hỏi lại:

-Ô, giống cái làm thủ lĩnh như vậy thì lấy đâu ra sức mạnh mà cạnh tranh với bầy, đàn khác để sinh tồn?

Cô ong mật không biết đến lúc nào, đậu trên cành bên cạnh khỉ, lên tiếng:

-Thủ lĩnh của bầy đàn là do cái đầu nhớ được nhiều hơn các đầu của con khác; còn sức mạnh cá nhân chỉ dùng cho các chiến binh để bảo vệ đàn thôi.

Chim Hồng Hoàng, đầu đội chiếc mũ beret bằng sừng màu vàng, mỏ dài gần nửa mét. Toàn thân chim khoác bộ lông màu đen, chỉ có hai bên cánh và chiếc đuôi có vài cái lông trắng; vừa đáp xuống cành cây cũng góp lời:

-Mới gặp nhau đã tranh luận gay gắt thế? Mỗi loài, mỗi đàn vì điều kiện sống nên có tổ chức khác nhau; không thể lấy tổ chức của bầy đàn loài này áp đặt cho bầy đàn loài khác được.

-Bác đại bàng Đất nói phải lắm!

Cả bọn giật mình nhìn xuống gốc cây kơ nia xem ai vừa nói và ngạc nhiên thấy một cô mối chúa trắng tinh, to bằng ngón tay cái; được một đám lính đông đúc, khỏe mạnh công kênh trên đầu, đưa đến.

Vừa lúc đó một cơn gió ào đến, tiếng Thần rừng oai nghiêm cất lên:

-Các loài đã đến đủ cả chưa?

-Dạ, đủ cả rồi ạ.

Tất cả đồng thanh trả lời, Thần rừng nói tiếp:

-Bây giờ từng loài một tự trình bày để cho các loài khác biết: vì sao mình là loài giàu có nhất rừng, bắt đầu từ Voi.

Bà Voi già đưa chiếc vòi hướng lên cao, rít lên một tiếng lớn: t… oét, giống tiếng còi ô tô rồi nói:

-Trong khu rừng rộng mênh mông hay trên thảo nguyên bao la mọc đầy cỏ gianh, tất cả lá cây, ngọn cỏ và một số loại củ, quả đều là thức ăn của voi. Voi ăn bao đời nay rồi vẫn còn rất nhiều, hình như không bao giờ hết; điều đó chứng tỏ loài voi rất giàu có nhất.

-Đúng rồi! Trâu, Bò, Hưu, Nai… đều giống Voi, thức ăn không bao giờ hết cả.

Voi vừa dứt lời, đại diện cho các đàn ăn cỏ dậm chân hoan hô, bảo Voi nói đúng, nói hộ luôn cho chúng. Con Khỉ mặt đỏ vội kêu lên:

- Voi già, nói vậy nghe không thuyết phục lắm. Ngày nào đi kiếm ăn thì no bụng, còn không đi thì nhịn đói, như vậy sao bảo là giàu có được. Loài khỉ giàu có hơn các loài ăn cỏ vì khỉ không những ăn hoa, quả mà còn ăn được cả lá rừng. Khi khỉ ăn no còn có thể để dành ngay trong mồm, khi đói ăn tiếp không phải đi lấy.

Khỉ nói xong há mồm thật to để các con vật đứng xung quanh nhìn thấy hai bên má phía trong miệng còn có túi đựng thức ăn; rồi cười lớn, tự cho mình là kẻ thắng cuộc làm những khán giả đang nghe, tranh luận ồn ào cả lên.

Hồng Hoàng dùng chiếc mỏ vĩ đại của mình gõ vào cây kơ nia: cốc, cốc, cốc… yêu cầu trật tự, rồi lên tiếng:

-Tất cả nhìn cho rõ đây, chiếc mỏ này chắc chắn đựng được nhiều thức ăn hơn túi trong mồm Khỉ chứ?

Hồng Hoàng vừa dứt lời, con Hổ có lông mặt màu vàng, điểm những chùm lông đen và trắng như những nét vẽ vụng; đôi mắt tròn luôn nhìn thẳng về phía đối diện, đứng dựa vào gốc cây kơ nia, vươn vai một cái, gầm lên:

-H… ùm! Cái miệng bé bằng nắm tay thì đựng được bao nhiêu? Như ta đây đi săn một lằn ăn hai ba ngày không hết mới gọi là giàu chứ.

-Hổ nói phải lắm!

Báo, chó sói, chồn, cáo… đồng thanh reo lên, khẳng định Hổ nói đúng vì bọn chúng cũng là loài thú ăn thịt, khi săn được con mồi to thì ăn cả tuần mới hết. Các loài chim, thú khác không biết có phải vì sợ Chúa Sơn Lâm hay không cũng vỗ tay tán đồng.

Chờ khi tiếng ồn bớt một chút, Thần rừng hỏi:

-Ai có ý kiến khác nữa không?

-Hổ nói đúng quá rồi!

-Chúa Sơn Lâm giàu có nhất là phải rồi!

Các loài thú lại đồng thanh reo lên tán đồng làm Hổ ta khoái chí ngữa mặt nhìn lên cây, hỏi:

-Cô ong Chúa không đồng ý hay sao mà im lặng thế?

-Của để giành nhiều đến mức chỉ ăn trong một tuần đã hết mà gọi là giàu thì… vi vu, vi vu…

Ong Chúa không nói được nữa, vẫy cánh liên tục vì thấy buồn cười quá. Sau khi cười xong ong Chúa mới nói tiếp:

-Loài ong mật chúng tôi không dám so giàu với các bác Voi, Khỉ, Hồng Hoàng hay Hổ, Báo, Cáo, Chó… vì chúng tôi quá bé nhỏ. Khi mùa hoa đến ong phải đi lấy từng hạt phấn bé tẹo, nhỏ hơn cả đầu lông mũi của các bác và mật hoa mang về tích trữ. Trường hợp không còn hoa hay mưa gió không ra khỏi tổ được, đàn chúng tôi vẫn đủ ăn cả tháng.

Nghe ong Chúa nói xong các loài ồn ào cả lên, hình như chúng không tin về những điều vừa được nghe. Loài ong nhỏ bé, chỉ thu mật và phấn hoa bé tí ti, tích cóp lại mà lại giàu đến thế. Hóa ra loài ong Mật giàu có vì chúng biết tính toán thu nhập và cất giữ mà các loài thú khác không làm được.

Thần rừng hỏi:

-Có ai có ý kiến khác không?

-Dạ tôi ạ!

Các loài vật cười ồ cả lên khi thấy cô mối Chúa không tự mình đứng lên được, phải nhờ những con mối nhỏ bé khác nâng đỡ thì… làm sao có thể đủ ăn chứ nói gì đến của dư thừa. Chờ ngớt tiếng cười, mối Chúa mới nói:

-Loài mối chúng tôi chỉ to bằng cái lông đuôi của các bác thôi, cả ngày lẫn đêm lang thang trên mặt đất nhặt nhạnh các thứ bỏ đi về chế biến, cất để dùng tạm qua ngày. Vì biết mình nhỏ bé, yếu đuối nên phải lo tích trữ, ngoài thức ăn để dành trong kho như Ong, loài mối còn có cả khu vực trồng nấm ngay trong tổ làm thức ăn. Nói dại miệng, nếu có thiên tai ập đến, không đi ra ngoài kiếm ăn được thì một tổ mối vẫn có thể tồn tại được nhiều… tháng.

Mối chúa vừa dứt lời, bà Heo rừng nói ngay:

-Mối cũng biết trồng nấm như người ư, làm sao có thể tin được.

Các loài khác ồ lên, tán đồng ý kiến của heo rừng. Mối chúa chờ mọi người yên lặng mới nói tiếp:

-Nếu Heo và các loài khác không tin thì từ nay trở đi, sau trận mưa đầu mùa chúng tôi sẽ cho nấm từ trong tổ mối đội đất mọc lên khoe với đất trời, ra mắt muôn loài nhé.

Nghe mối Chúa trả lời, tất cả các loài đứng xung quanh im như hạt gạo đựng trong chum. Một lúc sau, lũ thú từ từ, từng con một quay đầu lầm lũi bỏ đi vì thấy mắc cỡ lỡ khoe giàu so với loài mối nhỏ bé, yếu ớt nhưng giỏi giang. Thần rừng thấy vậy, cười vang:

-Ô, sao lại bỏ đi hết như thế, không cần ta phân xử nữa à?

Vừa lúc đó một cơn gió ào đến, khua lá cây ào ào, làm đám thú sợ hãi bỏ chạy; lũ chim cũng vội vàng bay đi. Từ đấy, cứ sau trận mưa rào đầu mùa, những cây nấm mọc lên từ tổ mối được gọi là NẤM MỐI.

 

Hòa Khánh, mùa mưa năm 2021

1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI