Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

BẮT CÁ TRÊN CAO NGUYÊN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ngày 13 tháng 9 năm 2023

 








H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.

Bầu trời trong xanh như một chiếc lồng bàn lớn úp lên Cao nguyên được điểm xuyến bằng ông mặt trời đỏ ối chuẩn bị xuống núi phía tây đi ngủ, tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Buôn Tu Sria với gần bảy chục nóc nhà dài quây quần trên một triền đồi gần suối cùng tên. Các nóc nhà, đua nhau nhả ra những ngọn khói trắng bay lên như mấy ông già ngồi hút thuốc, báo hiệu bữa cơm chiều sắp đến. Mười ba người phụ nữ trên lưng mang mười hai chiếc gùi xếp thành một hàng dài, đầu hơi chúi về phía trước vì chiếc gùi đè nặng trên lưng, băng qua đồi cỏ tranh nhuộm một màu vàng tươi, lầm lũi tiến về phía tây. Cũng lạ, hàng người ấy đi theo một quy định nghiêm ngặt, người nhiều tuổi nhất đi trước, người ít tuổi đi sau và người nhỏ tuổi nhất đi sau cùng. Thanh nhỏ tuổi hơn cả lại không phải đeo gùi như mọi người nên đi cuối, cái chân đã thấy nằng nặng nên vịn vào gùi người đi trước để bước.

  • Thanh mỏi chân à, gần về đến nhà rồi, cố lên nhé!

H’Lê, người bạn học cùng lớp ngoái đầu lại hỏi, chân vẫn bước đi không ngừng lại. Thanh gật đầu nhưng miệng vẫn nở nụ cười vui. Không vui sao được khi lần đầu tiên được theo bạn đi bắt cá theo một kiểu đặc biệt lạ lùng như thế này. Hôm qua khi học xong tiết cuối cùng, cô giáo chủ nhiệm thông báo cho nghỉ Tết một tuần, H’Lê chạy lại nói:

  • Sáng mai Thanh có đi ruốc cá với mình không?
  • Ruốc cá là lễ nghi gì của người Êđê vậy?
  • À đây là cách bắt cá suối mang về ăn.
  • Đi bắt cá hả, thích quá để mình về xin bố mẹ đã nhé.
  • Ừ, tám giờ qua nhà đi cùng với mọi người trong buôn, vui lắm đấy.
  • Vậy hả, cảm ơn bạn.

H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển. Chiều đến bố cùng mấy người bạn lên thuyền ra biển đánh cá đến sáng hôm sau mới về. Sáng ra, mẹ vội ra bờ biển đón bố rồi mang cá ra chợ bán, gần trưa quay về ăn vội miếng cơm để kịp ra đồng cày cấy. Bọn bạn cùng tuổi như Thanh ngoài thời gian đến lớp học bài phải đi chăn trâu, bò; hôm nào vui thì rủ nhau đi móc cua ven bờ ruộng lúa. Vào mùa hạ, nước trên kênh ngừng chảy liền rủ nhau be bờ, tát nước bắt cá. Cứ thau, chậu hay bí quá thì lấy luôn nón đội đầu làm gàu tát nước; cá, ốc, cua đồng… bắt không được bao nhiêu nhưng vui lắm.

Hồi cuối năm ngoái, theo kế hoạch di dân đi xây dựng kinh tế mới, cha mẹ Thanh cùng với gần nửa làng đến đây định cư. Thanh được vào lớp học mới, có bạn mới và thân nhất là H’Lê. Vì thân nhau nên H’Lê cho biết nhiều điều về phong tục, tập quán, văn hóa của người Ê đê; Thanh ngạc nhiên và thích lắm. Nay được đi theo xem bắt cá thì còn gì bằng.

*

*    *

Dựng chiếc xe đạp dưới gầm sàn, leo lên cầu thang Thanh thấy mẹ H’Lê đang xếp mấy đoạn vỏ cây tươi dài độ ba gang tay, vào gùi. Tò mò Thanh hỏi H’Lê:

  • Đi bắt cá chứ có phải đi nấu ăn đâu mà amí mang theo nhiều vỏ cây thế?
  • Không có vỏ cây ấy thì làm sao bắt cá!
  • Ra suối bắt cá không có lưới thì phải đắp đất khoanh vùng lại tát cạn nước mà bắt cá chứ lấy mấy thanh vỏ cây bé tý ấy thì bắt làm sao?
  • Bạn cứ đi sẽ biết.

Mười hai người phụ nữ lưng đeo gùi, trong gùi có mấy quả bầu khô đựng nước uống và có thêm một ít vỏ cây, phía trên gùi buộc thêm một cái rổ. Họ ngược theo dòng suối đi về phía đông. Cao nguyên vào mùa khô suối ít nước, dòng nước nhỏ dần, len lỏi qua các hòn đá trước khi đổ vào đoạn suối tự nhiên to ra như bụng con trăn ăn no. Đi cách buôn độ hơn ba ki lô mét đến một khúc suối phình lớn, tạo thành một cái ao chiều ngang khoảng hơn ba mét, chiều dài mười lăm mét; đoàn người dừng lại bỏ gùi ra khỏi vai rồi chia nhau làm việc. Hai người lấy mấy miếng vỏ cây lại đầu con suối dùng đá đập dập ra, dũ nhẹ vào mặt nước. Lạ thay, nước suối chảy qua chỗ vỏ cây vừa đập ấy đổi thành màu nâu sẫm hòa dần vào vũng nước suối lớn. Bất ngờ gặp nước dòng nước màu nâu chảy đến, lũ cá vội ngoi lên mặt nước như người say rượu; lờ đờ bơi lượn, có con còn giơ chiếc bụng trắng bạc lên để bơi nữa. Chỉ chờ có thế, mọi người cởi áo để lại trên bờ, ùa xuống dùng rổ xúc cá đổ vào gùi. Các mẹ, các chị không ai mặc áo nữa, rất tự nhiên lội xuống suối, người nào ra chỗ sâu, nước ngập đến đâu vén váy đến đấy, cuối cùng là túm lại choàng lên đầu như chiếc khăn. Làn nước chuyển màu nâu nhưng vẫn nhìn rõ bàn chân của từng người lội trên cát trắng dưới mặt nước. Thanh thấy vậy đỏ mặt, tự nhủ: may mà mình cũng giới nữ, nếu có đàn ông đi qua thì sao nhỉ!

Mọi người vừa xúc cá, vừa hát, một điệu dân ca êm ái như lời ru làm vang động cả một khoảnh trời. Nhìn mọi người bắt cá thấy thích quá, Thanh cũng xắn quần nhảy xuống dùng tay tóm từng con một ném vào gùi H’Lê. Những con cá trắng bạc, mắt đỏ hoe nằm trong gùi rồi thỉnh thoảng còn quẫy đuôi như muốn bơi. Khi vớt hết cá nổi, đoàn người lại tiếp tục ngược dòng đến khúc suối khác, lại thay nhau đập vỏ cây, thả xuống nước và vớt cá cho đến lúc cả mười hai gùi đầy cá, mọi người mới dừng lại bên một ghềnh đá tắm rửa rồi về.

Thanh ngạc nhiên về cách bắt cá quá nên hỏi H’Lê:

  • Tại sao khi bắt cá lại phải hát đồng thanh như thế?

-À hát vừa giúp mọi người cùng vui vẻ làm việc, nhưng điều quan trọng nhất là báo cho cánh đàn ông biết chị em đang bắt cá để không đến quấy rầy.

  • Ơ, hay nhỉ. Ai dạy cho người trong buôn bắt cá kiểu này thế?
  • À, nghe bà ngoại kể lại…

Ngày xưa, lâu lắm rồi, vào năm ấy, tháng ấy… trời khô hạn. Ông mặt trời suốt ngày đổ lửa xuống trần gian làm các con suối cạn khô cả nước, lũ cá cũng trốn đi biệt tăm. Nhà nọ có hai vợ chồng thương nhau lắm, cưới nhau đã mấy mùa rẫy mà vẫn chưa sinh được người con nào. Có lẽ do trời nóng quá, người chồng lăn ra ốm, thuốc thang mãi không khỏi. Một hôm người chồng nói với vợ:

  • Anh muốn ăn một miếng cá lắm.
  • Để mai em đi bắt.

Sáng hôm sau người vợ mang gùi, đội rổ xuôi theo dòng suối tìm các vũng nước còn đọng lại để bắt cá. Kì lạ, cá rất nhiều, nhưng bắt kiểu gì cũng không được; lũ cá cứ như Yang(1), bay lượn trên mặt nước; có khi xúc vào rổ hay gùi rồi chúng cũng nhảy vù ra ngoài như chim. Quần thảo với lũ cá từ sáng đến quá trưa rồi sang chiều mà không bắt được con nào, người vợ đành xách gùi lên vai trở về nhà, nước mắt chảy dài trên gương mặt phúc hậu. Vừa khóc vừa leo lên bờ suối, không may chiếc yen vướng vào một khúc rễ cây làm người vợ ngã lăn xuống suối, còn chiếc yen nằm lại với rễ cây; may mà khi ấy chỉ có một mình chứ không thì… Giận quá cô ta vác xà gạc lại chặt nát khúc rễ cây rồi ôm chúng quẳng xuống suối cho hả giận và cũng để giúp người đi sau không bị ngã như mình.

Lạ thay, khi ném đống rễ cây vừa bị chặt xuống suối một tý, lũ cá bỗng nhiên nổi hết lên mặt nước, có con đớp bóng, có con bơi lừ đừ, lại có con ngửa cả bụng lên trời… Mừng quá, người vợ vội lội xuống lấy rổ xúc cá đổ đầy gùi rồi vừa đi vừa chạy về nhà. Người chồng đang ốm không ngóc đầu dậy được, chỉ mong ăn miếng cá để thanh thản về với Yang. Người vợ nướng cá cho chồng ăn; một con, hai con, ba con… anh chồng ăn cá đến no bụng rồi vươn vai một cái, hình như bệnh tật bay đi mất cả, đứng dậy đi lại bình thường. Chị vợ mừng quá, mang hết số cá còn lại đến từng nhà trong buôn chia cho mọi người.

Đêm đã khuya, nhiều nhà tắt đèn đi ngủ. Bỗng nghe tiếng gọi làm mọi người bừng tỉnh vội ra mở cửa, thấy cô vợ người ốm mang cá đến cho và nói rõ lý do; thế là dân trong buôn rủ nhau mang rượu đến nhà người ốm vít cần uống cả đêm thấu sáng. Tiếng chiêng, tiếng cồng vang lên, bay xa để tạ ơn Yang.

Cũng từ đó người dân trong vùng biết cách bắt cá dùng bằng rễ cây. Người ta còn nói ăn loại cá bắt theo cách này góp phần làm tăng thêm sức khỏe tránh được một số bệnh tật. Chỉ có điều, cách này chỉ bắt được cá màu trắng thôi, còn các loài cá có nước da màu đen thì không bao giờ bắt được vì chúng không nổi lên. Các con cá trắng không bị bắt, chỉ một thời gian sau lại tỉnh táo bơi lội bình thường, lạ thế!

Trên đường đạp xe về nhà, hình như chiếc xe nó tự chạy hay sao ấy, cứ bon bon lướt tới mặc dù phía sau còn đèo thêm bao tải đựng nửa gùi cá amí(2) H’Lê cho. Lúc đầu Thanh đã không lấy, nhưng thấy amí nói chân thành quá nên phải nhận. Về nhà kể chuyện bắt cá hôm nay chắc bố mẹ ngạc nhiên lắm đây. 

H.C

Chú thích tiếng Ê đê:

  • Yang: thần linh.
  • Amí: mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI