Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

VOI TRẮNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH số 93 ra ngày 28/9/2023

 


-Cứu, cứu Hòa với atun(1) ơi!

H’Phi chạy đến chân cầu thang kêu ầm lên, mồm miệng tranh nhau thở. Già làng nghe tiếng cháu ngoại hoảng hốt gọi, giọng nghèn nghẹn chứa đầy nước mắt khác hẳn bản tính thường ngày gan lỳ nên bỏ luôn chiếc tivi đang hát, bước vội ra đầu sàn, hỏi:

-Có chuyện gì vậy con?

-Bầy voi rừng bắt mất Hòa rồi.

-Sao, voi bắt người à?

-Dạ.

-Con nói rõ hơn được không: bắt ở đâu, bắt như thế nào?

-Chúng, chúng con đang chơi dưới gốc cây đa ở cánh đồng Mùng mười tháng ba; thấy bầy voi từ trên núi xuống, hai đứa leo lên cây đa trốn. Trong bầy có con voi trắng, không có ngà dẫn đàn đi đến gần gốc cây đa thì dừng lại, đưa vòi hít hà, hít hà một vòng quanh gốc cây rồi ngửa mặt nhìn chúng con, kêu lên: t... e... t. Tiếng kêu to hơn còi ô tô luôn. Hòa ngồi trên cành ngang ngay trên đầu con, nghe tiếng voi gầm, chắc sợ quá, tuột tay rơi xuống; voi trắng giơ vòi tóm lấy Hòa rồi kéo cả bầy chạy vào rừng như bị Yang(2) đuổi.

Già làng tái mặt, đứng thẳng lên, quên luôn cái lưng lâu năm đã còng, bước vội vào nhà.

-Tung, tung, tung...

Tiếng trống nhà già làng gầm lên, lao vút lên không trung, chụp xuống các nóc nhà dài lan tỏa trên mặt đất, chạy dài trên các cánh đồng. Người đang làm trên cánh đồng xa, người đang quét dọn chuồng trâu, chuồng bò... đều bỏ việc chạy về buôn. Theo quy định từ xa xưa để lại, trống chỉ đánh trong ngày lễ hội, tang lễ, hỏa hoạn và giặc giã. Người trong buôn kéo đến đứng kín khu đất rộng trước căn nhà dài của già làng. Già làng đứng đầu sàn, tóc bạc như mây, óng ánh dưới ánh nắng của ông mặt trời. Giơ tay lên ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nói:

-Sáng nay có Yoan(3) Hòa học cùng lớp 9 ở trường nội trú huyện với H’Phi lên cánh đồng Mùng mười tháng ba chơi, thấy voi rừng đến hai đứa leo lên cây đa trốn. Không ngờ trong bầy có con voi trắng, phát hiện ra người trốn trên cây đa nên gầm lên làm Yoan Hòa tuột tay rơi xuống, voi trắng bắt mang vào rừng.

-Trước đây hợp tác xã thuê máy về ủi rừng làm cánh đồng trồng bắp, khi ủi tới cây đa này lúc đầu chết máy, sau máy đứt xích nên phải để cây lại. Cây đa thiêng, cao thế nếu leo lên mà tuột tay rơi xuống chắc chết mất.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng nói xong, H’Phi trả lời:

-Hòa chưa rơi xuống đến đất thì con voi trắng dùng vòi tóm lấy, cuốn lại rồi chạy luôn vào rừng ạ.

Ông Chủ nhiệm nói như reo:

-May quá, thế là con ông Bí thư Huyện ủy không sao rồi.

Già làng hỏi:

-Nó là con Bí thư Huyện ủy à?

-Dạ, đồng chí ấy gần bốn chục tuổi mới lấy vợ, lại muộn con; đến nay có mỗi thằng cu này thôi, mẹ nó làm bác sỹ ở bệnh viện huyện.

Nghe ông Chủ nhiệm trả lời, già làng nói:

-Chủ nhiệm chạy ra báo cho ama, amí(4) nó biết; Thôn trưởng đi báo cho Kiểm lâm huyện, Thôn phó báo Công an huyện; đội du kích của buôn và đám trung niên theo ta đuổi theo bầy voi tìm cách giành lại người.

Ông Đội trưởng du kích nói:

-Voi bắt người thì phải bắn thôi, không thể để như thế được.

Tiếng nhiều người đồng tình. Già làng nghiêm khắc dặn:

-Tất cả theo lệnh của ta không được nổ súng khi ta chưa cho phép. Nhà nước cấm bắn voi đấy. Những người khác không được đi theo, phải ở lại buôn.

Bỗng có tiếng người nói vọng lên:

-Chưa đi vào rừng được đâu.

Ông thầy cúng của buôn không biết đến từ lúc nào, đầu quấn khăn đỏ, áo màu đỏ in loằng ngoằng các con thú màu vàng, màu đen chen lên đứng bên chân cầu thang. Già làng hỏi lại:

-Tại sao?

-Từ xưa đến nay cả vùng này có ai nghe nói chuyện voi bắt người không? Không có. Vậy tại sao nay voi về tận buôn bắt người mà lại là voi trắng. Voi bắt ai? bắt Yoan con cán bộ to nhất cái huyện này. Tại sao như vậy? Đây chính là ý của Yang muốn trừng phạt Yoan lên chiếm đất của chúng ta đấy. Phải cúng Yang đã mới được vào rừng.

Nghe ông thầy cúng phán, đám đồng ồn ào cả lên, người lớn tuổi bảo đúng, đám thanh niên thì cười hô hố, bảo lão thầy cúng nói nhảm. Ông Buôn trưởng lên tiếng:

-Thầy cúng nói cũng có cái lý của nó đấy, lũ voi thỉnh thoảng vẫn về gần buôn, phá hoa màu của Hợp tác xã, chắc là do ý Yang.

-Bây giờ mà bày lễ cúng thì đến khi nào mới đi tìm thằng bé được?

Ông Chủ nhiệm kêu lên, Già làng nói:

-Trước đây xung quanh buôn ta là cánh đồng cỏ gianh xen le mọc xa tít tắp làm nơi ăn của voi. Nay chúng ta phá đi lấy đất trồng hoa màu, bầy voi nhớ chỗ ăn cũ nên theo chu kỳ quay lại thôi, không phải do Yang phạt. Bây giờ đất của chung người Việt Nam sao còn phân biệt Kinh - Thượng như vậy là không tốt. Thôi, ông thầy cúng cùng với người già, lũ trẻ ở nhà bắt con heo ba gang(4) dưới gầm sàn nhà này làm lễ cúng Yang, cầu bình an cho Yoan Hòa. Còn lại theo ta đi thôi.

Già làng bước xuống cầu thang, trên vai có cây xà gạc cán vàng óng có thể dùng xem mặt thay gương được. H’Phi đi ngay sau lưng Già làng, đội du kích mười hai người, súng AR15 đạn đã lên nòng, đám trung niên gần bốn chục người vai vác xà gạc xếp thành hàng dọc đi sau cùng. 

Nhìn những bước đi thoăn thoắt của già làng, không ai nghĩ đó là bà lão đã gần bảy chục tuổi. Năm mười ba tuổi tham gia du kích làm liên lạc rồi thoát ly lên rừng cầm súng trực tiếp chiến đấu. Nước nhà thống nhất về làm cán bộ xã rồi cán bộ huyện, cán bộ tỉnh cho đến lúc về hưu. Bà bắt chồng muộn, hơn ba chục tuổi mới bắt Yoan cán bộ làm chồng, sinh được cô con gái chưa được hai tuổi thì bọn phản động ám sát chồng bà; bà ở vậy nuôi con, giờ nuôi cháu H’Phi cho ama, amí(5) nó an tâm lên thành phố làm việc.

Đến gần gốc cây đa, H’Phi chạy lên trước chỉ vào dấu chân to như miệng gùi, nói:

-Đây là dấu chân con voi trắng, nó đứng ở đây,  Hòa ngồi trên chạc ba kia kìa.

Ông đội trưởng du kích bảo:

-Cao đến hơn chục mét luôn, nếu ngã xuống chắc chết mất. Lần sau chỉ cần leo lên cách mặt đất năm mét thôi, voi không với tới đâu.

-Dạ!

H’Phi đỏ mặt trả lời như có ý mắc cỡ vì điều tối thiểu tránh voi như vậy mà cũng không biết. Già làng nói:

-Bầy voi này đi theo hàng dọc sẽ thành đường lớn luôn, chúng ta phải nhanh chân đuổi theo mới được.     

Cả đoàn người vội vã bước theo dấu chân voi, lẫn luôn vào cánh rừng già. Mùa xuân Tây Nguyên đang là mùa khô, trời trong xanh chứa đầy nắng và gió.

***

Nghe tin con trai bị voi bắt, ông Hạnh sững người, mặt tái lại, trán cao, đầu hói túa mồ hôi ra thành giọt. Ông với tay quay máy điện thoại rồi nói:

-A lô, tôi là Hạnh bên Huyện ủy đây, cho tôi gặp đồng chí Hạt trưởng, Duyên đấy hả, cậu biết rồi à; mình đợi.

Cúp máy điện thoại, Hạnh thẩn thờ nhìn ra sân nhớ lại bức thư mẹ gửi vào chiều hôm qua. Trong thư bà kể chuyện mơ thấy chồng về báo tin đã gặp được thằng cháu đích tôn trong một cánh rừng già có nhiều cây to. Khen thằng nhỏ khỏe, gan dạ chắc sau này sẽ là niềm tự hào của gia tộc. Nhân tiện bà cũng nhắc con cố gắng tìm kiếm xem có thấy mộ của cha không. Sáng nay trường nghỉ bù sau tết, con xin lên nhà bạn học cùng lớp chơi, ông đồng ý ngay vì nghĩ nó đã lớn cần va chạm với cuộc sống để trưởng thành, nào ngờ... Nếu biết tin cháu bị voi bắt chắc mẹ mình không chịu nổi mất. Hai hai tuổi lấy chồng, ở với chồng trọn vẹn một tuần rồi chồng vào Nam chiến đấu, ngày nước nhà thống nhất mọi người vui vẻ đón người thân trở về thì hai mẹ con nhận được giấy báo tử của cha. Mẹ ở vậy nuôi mình ăn học. Khi biết tin mình được điều động vào Tây Nguyên công tác theo đoàn kinh tế mới, mẹ bảo: các con yên tâm làm tròn nghĩa vụ Đảng giao, nhớ chăm sóc cho thằng cu đích tôn chu đáo vậy là đủ. Mẹ còn khỏe mạnh ở lại quê hương để nhang khói cho người đã khuất, khi nào yếu quá không tự phục vụ được nữa rồi hãy tính. Vậy mà...

Ông Hạt trưởng bước vội vào phòng làm việc, mời ông Hạnh ra xe; anh em trong cơ quan ùa ra vây quanh, động viên. Xe chạy, ông Hạt trưởng nói:

-Chuyện voi bắt người như thế này chưa bao giờ xảy ra ở nước ta anh ạ.

Ông Buôn trưởng ngồi bên cạnh tài xế quay đầu xuống nói:

-Bây giờ thì có rồi đấy, mà bắt cháu lại là con voi trắng; voi trắng là vua của các loài voi ở Tây Nguyên đấy.

-Đúng vậy, trong hàng vạn con voi sinh ra, may lắm mới có một con biến đổi zen sinh ra bạch tạng; dân gian gọi là voi trắng. Trong đàn, voi trắng được cả đàn yêu quý, bảo vệ.

Ông Hạt trưởng giải thích thêm. Ông Hạnh không nói gì, ký ức với con ập về: tròn một tuổi ngủ trong nôi bị ong mật chích, nó đánh chết con ong, đít ong dính vào môi sưng vêu lên, đau chảy nước mắt mà không khóc. Năm lên hai tuổi sốt cao phải uống thuốc, mẹ nó nói: “con ngoan uống thuốc cho khỏi nhé”. Đang nằm thiêm thiếp, đầu đắp khăn ướt, vậy mà nó lồm cồm ngồi dậy cầm thuốc bỏ vào miệng, uống xong kêu toáng lên: “bố ơi cay lắm”! Từ đó khi nào trái gió trở trời phải uống thuốc, đưa là uống, không phải ép bao giờ. Thích đi học, năm lên ba đi mẫu giáo, sáng ra biết đánh răng, mặc quần áo, chuẩn bị ba lô để đi học. Có lần quên ngày chủ nhật được nghỉ, dậy vẫn chuẩn bị mọi thứ để đi học. Ông hỏi: sao con thích đi học hơn ở nhà với bố mẹ? Đi học có nhiều bạn cùng chơi, được cô dạy nhiều thứ hay lắm ạ. Lên năm đã biết đọc, đọc đến quên chơi điện tử, quên xem phim hoạt hình trên tivi. Có hôm nửa đêm thấy phòng con sáng đèn, ông qua thì thấy cu cậu đang nằm sấp, chổng mông trên giường đọc sách. Hình như thằng bé này có những điều khác thường so với bạn bè cùng trang lứa. Giờ đây... nước mắt ông ứa ra, thầm nghĩ: voi bắt nó đưa vào rừng, lành ít, dữ nhiều; tự xác định tới tình huống xấu nhất sẽ xảy ra, ta phải chấp nhận thôi.

Xe chạy đến bên gốc cây đa dừng lại, bụi bay mù trời, phía sau còn có thêm  xe uoát của Công an, Huyện đội, Huyện ủy. Ông Hạt trưởng nói với mọi người:

-Dấu chân con voi đầu đàn như thế này chắc chắn phải trên năm tấn, rất quý hiếm ở Việt Nam chúng ta đấy. Ta đi theo dấu chân, anh em Kiểm lâm đi trước, đến Huyện đội, Công an còn các anh ở Huyện ủy đi sau cùng. Trường hợp xấu nhất, gặp voi tấn công chỉ được bắn chỉ thiên, không được bắn voi. Các đồng chí nhớ chưa. Xuất phát.

***

Hết lên đèo lại xuống suối, rồi lên đèo đến một triềng đồi mọc toàn cây gỗ hương, cây nào cây ấy gốc to đến ba người ôm không hết, cành lá đan vào nhau che khuất luôn bầu trời. Già làng vẫn bước đi thoăn thoắt như bay trên mặt đất. Đoàn người hối hả đi phía sau như một đàn kiến khổng lồ, mắt quan sát xung quanh không ai nói gì. 

Ô, hình như có người mặc quân phục bạc màu, đầu không mũ, lưng đeo khẩu AK báng gấp đi trước. Người ấy thong thả bước theo dấu chân voi, thế mà bà bước mãi không kịp. A, cái đầu hói, phía sau chỉ có một ít tóc; đúng anh ấy rồi. Già làng bước gấp, đuổi theo, ký ức ập về: ngày ấy Tỉnh ủy đóng hai bên suối ở phía dưới, trên triềng núi cao xa xa kia có một hang đá lớn, không biết ta để gì trong ấy mà canh gác nghiêm ngặt, không ai được đến gần. Bên ngoài hang chỉ có bộ đội bảo vệ. Hàng ngày có anh bộ đội vai đeo máy điện thoại hình chữ nhật màu đen, lưng mang khẩu AK báng gấp đi men theo triền núi ngược ra phía Bắc, trưa quay lại hang. Có lần hai người chạm nhau bên bờ suối Đắk Đoa, cùng ngồi nghỉ. Cô cho anh chùm quả vải rừng mới hái được. Anh ăn và khen: “ngọt lại có thêm vị chua thế này thì ăn sẽ đỡ khát nước, rất tốt cho người đi rừng. Ngoài Bắc quả vải to gấp đôi thế này, ăn ngọt như ăn đường”. Rồi anh tặng cô một thanh lương khô. Sau đó thỉnh thoảng họ lại tình cờ gặp nhau ở lần gặp ban đầu, trò chuyện với nhau đôi câu, nghỉ chân rồi công việc ai người ấy đi.

Một lần anh vắng mặt mấy ngày không gặp. Khi gặp lại anh kể chuyện thấy hai mẹ con voi chắc nghe bom nổ chạy quá đà tụt xuống hố bom đầy bùn nhão không lên được. Anh chặt nứa chẻ đôi, đánh mắt làm thành ống dẫn nước từ trên cao xuống cho bùn loãng ra rồi xẻ thành hố làm đường cho voi lên. Khi lên khỏi hố, con voi con to hơn con trâu mộng bước lại gần, giơ vòi ngửi quần áo anh ra vẻ thân thiện. Anh còn sờ cái đầu to đùng của nó, nó đứng im ra vẻ thích thú lắm.   

Sau này giặc đánh phá ác liệt, bọn biệt kích, thám báo nhảy dù xuống lùng sục bị ta tiêu diệt; chúng điên cuồng trút bom xuống khắp nơi; khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau một cái tích tắc. Cơ quan Tỉnh ủy được lệnh chuyển đi nơi khác. Trước khi đi hai người gặp nhau bên hòn đá cũ. H’Hoa nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, vầng trán hói như ảnh ông Lenin và đặc biệt chiếc miệng rộng nói hay hơn cả hát, thích lắm nên nắm lấy tay, nói:

-Em tên H’Hoa, anh tên gì?

-Anh!

-Em hỏi thiệt mà, cho em biết tên đi.

-Anh, tên anh đây!

-Lạ quá!

-Cha mẹ đặt tên anh là Anh vì muốn con mình sống thế nào để người xung quanh kính trọng.

-Dạ. Sau này thống nhất đất nước, em bắt Anh làm chồng nhé!

-Ô, không được đâu.

-Vì sao? Anh chê em xấu hay chê em là người dân tộc?

-Em đẹp lắm, nhưng Anh đã có vợ, có con rồi. 

Anh rút tay lại, móc bót trong túi áo ngực lấy ra tấm ảnh đen trắng to bằng hai ngón tay, nói:

-Ảnh vợ và con trai anh đây!

-Chị ấy đẹp quá, thằng cu cũng xinh giống bố. Nước nhà thống nhất anh cho em ra thăm chị và cháu nhé.

-Em ra, chắc chắn vợ con anh vui lắm đấy. Em làm em gái anh nhé.

-Dạ!

Không ngờ, đó là lần gặp nhau cuối cùng. Hôm sau, máy bay B52 ném bom rải thảm vào khu rừng gần phía bắc hang đá lớn, Anh mất tích khi đi tuần kiểm tra đường dây.  Ta đã huy động tất cả lực lượng tại chỗ đi tìm nhưng chỉ nhặt được chiếc mũ cối bẹp dúm, mắc trên cành cây. H’Hoa khóc cạn nước mắt, tham gia đi tìm, gần như lật tung từng gốc cây, hòn đá nhưng vô vọng. Cánh rừng ngày ấy, bây giờ đã được quy hoạch thành Vườn Quốc gia, người thanh niên Thủ đô đã hòa mình vào vùng đất Tây Nguyên để vĩnh viễn ở lại. Giờ không ngờ gặp lại ở khu rừng lạ, anh cố tình tránh mặt mình. Chẵng lẽ anh ấy vẫn ở đây từ đó đến nay luôn ư?

Nghĩ đến đây, nước mắt Già làng lại trào ra. 

***

Uỵch, hự! Già làng vấp dây làm văng cây xà gạc ra phía trước, tay chới với trước khi chạm vào đất. H’Phi và ông Đội trưởng du kích cúi xuống đỡ bà dậy. Bà nói:

-Anh ấy đi nhanh quá, không đợi mình.

H’Phi ngạc nhiên nhìn xung quanh, nói:

-Có thấy ai đâu atun?

-Anh ấy vừa đi khuất qua gốc cây to trước mặt kia kìa.

-Ta nghỉ chút rồi hãy đi atun ạ.

Nghe Đội trưởng du kích nói vậy, bà vùng đứng lên, bảo:

-Nhanh chân lên chứ, không còn nhiều thời gian nữa đâu.

Già làng nhặt cây xà gạc rồi bước đi gấp gáp, H’Phi vừa đi vừa chạy cố theo cho kịp. Đến bên gốc cây gỗ hương chỉ lúc nãy, Già làng đứng sững lại, cây xà gạc trên tay rơi xuống đất. H’Phi ngạc nhiên bước lên nhìn quang cảnh trước mặt, không khỏi rùng mình. Hòa đứng nhìn trân trân cái hố mới đào trước mặt. Bầy voi đúng mười ba con, con voi trắng lớn nhất bầy quỳ ở giữa, mỗi bên có sáu con voi đen; trong đàn có năm con có ngà dài; chúng cùng đập đập vòi xuống đất theo nhịp như đang thực thi nghi lễ gì đấy. Ông Đội trưởng du kích thì thào: 

-Lũ voi bắt thằng bé làm lễ tế Yang rồi, ta phải bắn chúng cứu người thôi. 

Mấy người du kích đi theo cũng đồng tình, tản ra nép vào cây, chĩa súng vào bầy voi. Già làng giọng đanh lại:

-Không được!

-Không bắn thì làm sao cứu người bây giờ?

-Ta có cách rồi, mọi người đứng yên ở đây nhé.

Già làng bước ra khỏi gốc cây, cất tiếng hát. Lời ei rei(6) không to lắm nhưng hình như gió cũng ngừng thổi, chim thú ngừng kêu và khu rừng già cũng không rung cành lá nữa. Nghe tiếng hát, bầy voi rùng rùng đứng dậy, quay đầu nhìn rồi giơ vòi lên trời đồng thanh kêu lên: t... é... t! Tiếng kêu vọng vào núi, ập trở lại ngân dài đến cả phút.

***

Ông Hạt trưởng Kiểm lâm nghe tiếng voi gầm vội nói:

-Dân buôn gặp voi rồi, chúng ta chạy nhanh lên mới kịp.

Đoàn người tăng tốc, ông Bí thư Huyện ủy chạy ngay phía sau ông Hạt trưởng, rồi vượt qua như bị ma đuổi hay bị gió cuốn. Ông chạy nhanh lắm, đôi giày da đen lao vun vút qua các rễ cây, băng qua các hòn đá. Ông chạy như bị ma nhập, bỏ rơi cả ông Hạt trưởng cách một đoạn xa phía sau. Ông chạy đến bên gốc cây Hương, ông Đội trưởng du kích lao ra ôm chầm lấy, giữ lại, miệng thì thầm:

-Đứng im!

Trước mặt, thằng Hòa - con trai ông đứng như bị thôi miên; gần đó một bà già đang hát bằng tiếng Êđê, giơ hai tay lên trời cầu khấn thần linh. Trước mặt bà, mười ba con voi to đùng, có một con lông trắng to nhất đàn đung đưa vòi theo nhịp múa. Hình như lúc này đàn voi chỉ chú ý đến bà già múa hát, không để ý con trai ông đang đứng một mình. Ông phải cứu con mình, phải liều mới được. Ước tính từ chỗ núp xuống chỗ con đứng chưa đến trăm mét. Ông gạt tay ông Đội trưởng du kích, lao xuống, vấp vào rễ cây ngã sõng soài. Con voi trắng nghe tiếng người ngã, giật mình quay đầu nhìn rồi huơ huơ vòi lên không trung kêu lên: t... é... t! Như được lệnh, cả đàn cùng gầm lên. Mấy anh Công an chạy sau cùng nghe tiếng voi gầm vội chĩa súng lên trời nhất loạt nhả đạn; lá xanh, cành cây gãy, rụng xuống rào rào. Nghe súng nổ, bầy voi hoảng sợ biến luôn vào rừng. Già làng bước nhanh lại ôm lấy Hòa, hỏi:

-Cháu có bị sao không?

Hòa run run trả lời:

-Không ạ, bà nhìn kìa!

Theo tay Hòa chỉ, trong hố đất bầy voi vừa đào lên có một bộ xương người và khẩu súng AK chỉ còn các bộ phận bằng sắt để bên cạnh. Hình như trên ngực trái bộ xương có gì đó lấp lánh nên Già làng bước lại bới đất, lấy lên lọ thủy tinh nhỏ, mở nắp đọc dòng chữ để trong lọ rồi bất ngờ thét lên: “anh ơi!” Bà ngã nhào xuống hố.

Ông Hạnh lao lại ôm lấy con, hỏi:

-Con có sao không?

-Không ạ, bố ơi cứu Già làng đi.

Buông con, ông Hạnh bước đến bên hố, thấy già làng nằm lên trên bộ xương, úp mặt vào hộp sọ nấc lên từng cơn. Vội cúi xuống bế Già làng lên khỏi hố. Bà giãy giụa, quay lại nhìn người ẳm mình, bất ngờ kêu lên:

-Anh ơi, sao lại trốn em đến bây giờ mới gặp?

-Bác ơi, bình tĩnh lại nào.

Già làng vung tay đấm đấm vào ngực ông Hạnh, nức nở:

-Anh tệ lắm, bỏ đi từng ấy năm mà không một lời từ biệt.

Già làng khóc như đứa trẻ, rồi giơ tờ giấy to hơn ngón tay một chút, đã xỉn màu nhưng còn đọc được chữ ghi trên đó, nói:

-Ai nằm đây lại mang tên anh?

Ông Hạnh cầm tờ giấy đọc lướt qua, cũng khụy xuống, nghẹn ngào kêu lên:

-Bố ơi!

Thấy ông Hạnh quỳ xuống gọi, Già làng giật mình ngừng khóc cũng quỳ xuống bên cạnh, miệng lắp bắp:

-Cháu cháu là Hạnh con mẹ An phải không?

-Cô là H’Hoa?

-Sao biết tên ta?

-Nhật ký bố cháu để lại có ghi về cô ạ.

Bà H’Hoa kéo Hòa quỳ xuống, nói:

-Ông nội đy, lạy ông đi con. Ngày ấy sau trận bom, ông mất tích không tìm thấy xác, thế ra bầy voi đã mang ông qua đây chôn cất. Hôm nay gặp lại cháu, chúng nhận ra người thân mới đưa đến để bàn giao ngôi mộ này đây.

Không biết mấy anh bộ đội chuẩn bị từ khi nào mà đốt cả bó nhang lớn, chia cho từng người cắm xung quanh hố đất.

 

Buôn Ma Thuột, mùa khô năm 2023 

 

 

Chú thích tiếng Êđê:

1. Atun: bà.

2. Yang: thần linh.

3. Yoan: người Kinh.

4. Heo ba gang: cách tính trọng lượng của người Êđê.

5. Ama, amí: bố, mẹ.

6. Ei rei: dân ca của người Êđê.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI