Sáng chủ nhật Mậu xin phép bố mẹ lên nhà Y Khoa, bạn học cùng lớp để đi câu cá. Hai đứa đạp xe theo đường mòn, hết lên dốc lại xuống đèo, gần trưa mới tới gốc cây đa to mọc bên suối. Y Khoa dừng lại bảo:
-Chúng mình để xe ở đây.
-Để đây lỡ có ai đi qua lấy mất thì sao?
-Trong rừng này không ai vào ăn trộm đâu, nếu bạn sợ mất xe ta giấu trong bụi cây kia.
Y Khoa đẩy xe đặt vào giữa bụi rậm có nhiều dây leo cách gốc đa độ ba chục bước chân; Mậu dắt xe theo rồi nhấc lên đặt cạnh xe Y Khoa, kéo thêm mấy cành lá che lại. Xong việc, Mậu ngửa mặt nhìn lên ngọn cây đa thấy lũ chim chào mào, cu xanh, gầm ghì… thi nhau vặt quả đa chín để ăn, hình như chúng không thèm để ý đến hai người đứng gần gốc cây. Y Khoa dục:
-Đi câu thôi.
-Ở đây nhiều chim quá, con nào cũng đẹp.
-Rừng Tây Nguyên mà bạn, chim thú nhiều lắm; dưới nước cá nhiều như thả trong chậu luôn.
-Mình cũng nghĩ thế nên bạn đi câu mà bạn chỉ mang xà gạc với gùi để xúc cá?
-Câu cá suối khác câu ở ao hồ nhiều đấy, chốc nữa bạn sẽ biết.
Y Khoa nói xong, đặt gùi xuống đất, cầm dao chặt hai cây nứa bên lối đi to hơn ngón tay cái một chút, dài độ sải tay; chặt bỏ hết cành nhỏ thành hai cái cần câu xinh xinh. Mậu buột miệng khen:
-Cần câu chuẩn luôn.
-Giờ ta đi chọn chỗ câu.
-Y Khoa bảo ở đây cá nhiều như nhốt trong chậu thì ngồi chỗ nào câu chẳng được.
-Đúng là dân “cuốc đường nhựa” không biết cách câu cá suối rồi.
Mậu cười, không trả lời, cố nhảy qua các hòn đá ngược dòng suối cho kịp Y Khoa. Đến bên một tảng đá lớn to bằng chiếc chiếu đôi, mặt phẳng như mặt bàn, Y Khoa dừng lại nói:
-Hôm nay ta câu ở đây.
Mậu bước ra mép đá nhìn xuống phía dưới, dòng suối rộng khoảng năm mét, nước len lỏi qua các kẽ đá, đến chỗ này bị đá chắn nên xoáy vào bờ, tạo thành một vũng rộng như chiếc ao nhỏ, trước khi băng mình trườn lên mấy hòn đá thấp phía dưới chảy tiếp. Mậu ngắm Y Khoa, tự nhủ: Anh bạn Tây Nguyên da đen, tóc quăn, mặt dài, trán dô nhưng có đôi mắt nhìn như hút hồn người khác, tìm được chỗ câu lý tưởng quá.
Y Khoa vơ lá khô, bật quẹt nhóm lửa, nhặt thêm mấy cành cây gãy trên mặt đá bỏ vào. Mậu ngạc nhiên hỏi:
-Ơ, đi câu sao lại đốt lửa làm gì thế này?
-Từ từ sẽ biết.
Y Khoa cười rồi lục gùi lấy ra một chiếc vợt đường kính hơn một gang tay, đi lại tổ kiến đỏ bên bờ suối; dùng que chọc vào phía dưới tổ kiến rồi vừa rung tổ, vừa đưa vợt hứng những quả trứng kiến to như hạt gạo nếp, trắng tinh rơi ra khỏi tổ. Chỉ một tý đã được khoảng một chén trứng lẫn những con kiến vàng cong ngược đít lên trời, cuống quýt bò đi tìm kẻ thù phá tổ. Đổ tất cả trứng lẫn kiến vào chiếc lá chuối rừng tươi vừa chặt, nhanh tay gói lại rồi hơ lên ngọn lửa. Lá chuối bị lửa đốt chuyển từ màu xanh qua màu nâu đen; Y Khoa nhấc ra, đặt lá chuối xuống đá, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, vui vẻ nói:
-Có mồi rồi, ta câu thôi.
Lấy trong gùi ra hai cuộn chỉ, một đầu buộc lưỡi câu uốn bằng chiếc kim băng, đưa cho Mậu một cuộn; còn một cuộn buộc vào đầu cần câu của mình rồi lấy một quả trứng kiến móc nhẹ vào lưỡi câu, buông xuống nước. Nước suối trong vắt, nhìn rõ cả những hạt cát trắng nằm sâu phía dưới, vậy mà… Vừa buông câu, cá ở đâu ùa ra cả bầy, con lớn nhất to hơn ba ngón tay một tý, lao ra đớp mồi. Hai đứa thi nhau giật, tiếng cười nhiều lúc ré lên khi hai dây câu vướng vào nhau mà cá thì… bay mất.
***
Câu một lúc đầy gùi cá, nhiều con rơi ra ngoài, nhảy tưng tưng trên mặt đá. Mậu kêu lên:
-Nhiều quá rồi, không còn chỗ đựng nữa, dừng lại thôi.
-Đồng ý.
Y Khoa gỡ chỉ khỏi cần câu cuốn lại, rồi dùng xà gạc chặt cần câu thành từng khúc dài khoảng một gang tay. Mậu ngạc nhiên hỏi:
-Bạn làm gì thế?
-Mậu chẻ nhỏ những khúc này ra, cắm vào miệng cá; ta nướng cá ăn no rồi về.
-Hay!
Mậu rút chiếc dao đeo bên hông chẻ cây. Y Khoa leo lên bờ suối chặt hai khúc nứa bánh tẻ to bằng cổ chân, một đầu có mắt, một đầu rỗng mang lại. Mậu nhìn hai ống nứa, ngạc nhiên hỏi:
-Lấy hai cái ống này làm gì?
-Nấu canh chua. Bỏ cá và lá giang vào ống rồi lấy lá chuối khô nút lại, đặt lên bếp đốt cho cháy vỏ ngoài sẽ có món canh chua tuyệt vời luôn.
Mậu tròn mắt, ngạc nhiên nhìn bạn rồi nói:
-Để mình làm thịt cá, bạn kiếm lá giang nhé.
-Lá giang đây rồi. Cá suối ở đây chỉ ăn quả cây chín và rêu nên ăn cả ruột luôn. Ruột chúng ăn hơi đắng một chút nhưng đó lại là vị thuốc quý chữa bệnh đường ruột đấy.
Nói xong, Y Khoa lôi trong túi quần ra một nắm lá lớn. Mậu lại tròn mắt, ngạc nhiên hỏi lại:
-Lạ quá, thế có phải đổ nước vào ống nứa không?
-Không, tự trong thân cây nứa tươi đã có nước rồi.
-Để mình làm thịt cá, bóc bỏ mang, đánh vãy đi ăn cho ngon.
Mậu nói xong cầm cá xuống cuối hòn đá ngồi làm. Nhìn bạn thịt cá, Y Khoa thầm nghĩ: con một, bố mẹ làm thầy giáo đi theo đoàn dân đi kinh tế mới vào định cư vùng này có khác: khéo tay như phụ nữ. Học giỏi, đẹp trai mà nhút nhát, hay bị bạn nữ trong lớp bắt nạt nhưng không giận ai bao giờ. Khi nào bực lắm mặt cau lại, hai má từ màu trắng chuyển qua màu hồng, tay nắm chặt… chỉ vậy thôi; có lẽ vì thế nên trong lớp ai cũng mến.
Cá nướng chín, Y Khoa lấy ra xếp lên lá chuối trải trên mặt đá, dựng hai ống nứa đựng cá và lá giang vào giữa bếp, kê thêm đá cho ống đứng nghiêng nghiêng rồi vui vẻ nói:
-Chúc mừng bạn đến với dòng sông thơ mộng Tây Nguyên. Khai tiệc!
-Cảm ơn bạn!
Cá nướng chín, vàng rộm; bóc bỏ vảy chấm muối ớt, ăn thịt còn xương ném luôn vào đống lửa; vừa ăn, Mậu vừa xuýt xoa:
-Ngon quá, mình chưa được ăn cá ngon đến như vậy bao giờ.
-Cá niên Tây Nguyên mà bạn!
Ăn no cá nướng, cũng vừa lúc cá nấu lá giang chín. Y Khoa nhấc từng ống ra nhúng xuống nước cho lớp than cháy vỏ nứa bên ngoài tắt rồi rút nút lá, đưa lên mũi hít hà. Mậu làm theo bạn, mùi thơm đặc trưng của món canh cá niên nấu lá giang không còn từ nào để tả… cả hai nhìn nhau cười tít mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI