Tôi
sinh ra và lớn lên bên dòng sông Krông Năng hiền hoà ngày đêm âm thầm cất lên
khúc nhạc du dương ca ngợi bầu trời, mặt đất. Dòng sông về mùa khô trong xanh
giơ lòng mình khoe với mặt trời từng đàn cá đông đúc bơi lượn như được dồn hết
mọi nơi đổ về. Hai bên bờ sông lớp lớp cây đại thụ thân cây to bằng mấy vòng
tay người ôm đứng soi mình trên sóng nước làm chỗ vui chơi cho các loài chim
chóc. Thỉnh thoảng dòng sông lại vươn những cánh tay mềm mại của mình chia cắt
thảo nguyên thành từng cánh đồng cỏ lớn. Chính những cánh tay vươn dài ấy chạy
mãi, chạy mãi đến tận những dãy núi xa xa in thành đường răng cưa nơi chân trời
mang thêm nước mát về cho sông. Có lẽ nhờ dòng nước mát ấy mà những đám rẫy nối
tiếp nhau trải dài đến hút tầm mắt, quanh năm bội thu, mang lại cho con người
cuộc sống ấm no.
Còn
mùa mưa, dòng sông trở màu, nước đỏ bầm như máu, ào ạt băng về phía đông, gặp
mấy hòn đá chắn đường đi liền gào thét tung bọt trắng xoá rồi dội nước ầm ầm
như muốn khẳng định sức mạnh vô biên của mình. Dòng sông mẹ đang giận dữ sẽ kéo
theo tất cả những gì có thể kéo được nhận chìm xuống mặt nước. Đó là tai hoạ
cho mọi người trong vùng.
Nhưng dù dòng sông có tức giận
đến mấy cũng không bao giờ mang nước lên đến lưng chừng hai ngọn đồi mọc sừng
sững ven sông. Cả vùng thảo nguyên mênh mông nơi đây chỉ có ba ngọn đồi nhỏ bé
nhô lên. Hai ngọn đồi sát nhau, nằm ngay cạnh dòng sông, tròn vành vạnh như có
ai đó úp hai chiếc nón lá gần nhau. Có lẽ vì hình dáng như vậy cho nên trên bản
đồ địa lí tự nhiên năm 1932, người Pháp đặt tên đồi là đồi Xu-cheng; còn dân
địa phương nào ai biết cái Xu - cheng, xu chiếc là gì đâu nên cứ nôm na gọi là
Đồi Vú. Đứng xa xa nhìn hai quả đồi này giống như cặp vú khổng lồ của người đàn
bà khoẻ mạnh đang khoe với đất trời vật báu xinh đẹp của mình. Nghĩ cũng lạ,
không biết người dưới xuôi nghĩ như thế nào mà họ cứ phải lấy hàng chục lần vải
mà quấn, mà nịt lại để che đi cái vẻ đẹp ngồn ngộn của Yang(1) ban cho người
phụ nữ làm thiên chức người mẹ. Chỉ có phụ nữ mới được Yang ban cho, chứ đâu
phải ai cũng có đâu mà cứ phải giấu giếm. Cặp vú thể hiện giới tính, thể hiện
sức khoẻ, thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ… vì thế cần phải để cho mọi người
thấy và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó chứ; của quý Yang cho mà! Quê tôi người phụ
nữ nào cũng tự hào với cặp vú của mình: nó đung đưa, đung đưa theo từng nhịp
chày giã gạo dưới những đêm trăng; nó
phơi mình tắm nắng khi người phụ nữ thu hoạch vụ mùa; nó lim dim ngủ khi vây
quanh ché rượu cần… Người phụ nữ mặc đồ bao gìơ cũng cố để lộ ra đôi bầu sữa
Yàng cho với một niềm kiêu hãnh vô biên và đó là quyền lực, quyền của người phụ
nữ đã đã có gia đình.
Nếu
như phía nam của dòng sông Krông Năng có Đồi Vú
thì phía bắc dòng sông này, cách Đồi Vú khoảng chục kilômét mọc sừng
sững một quả đồi khác, diện tích không lớn lắm - có lẽ chỉ bằng một Đồi Vú
thôi, nhưng nó gồ ghề, lởm chở những tảng đá đen, trắng khổng lồ chồng chất lên
nhau trông như mặt người đàn ông lúc tức giận. Ba ngọn đồi nổi bật lên giữa
trời xanh ngạo nghễ vì quanh nó mặt đất bằng bằng nối đuôi nhau trải dài đến
hút tầm mắt .
Từ
khi mới lọt lòng chúng tôi đã được nghe kể về sự tích ba quả đồi ấy và cứ thế lâu
lâu, bên bếp lửa hồng, quanh ché rượu cần, bà nội tôi lại rì rầm, rì rầm kể
Khan (2) cho tôi nghe sự tích Núi Cô Đơn.
Có lẽ tôi đã nghe tới một trăm hay một ngàn lần, hay nhiều hơn thế nữa câu
chuyện bi thương ấy; câu chuyện kể về cha ông chúng ta thủa xa xưa.
*
**
Chuyện kể rằng:
Ngày xửa, ngày xưa… lâu lắm rồi, cả vùng
phía nam sông Krông Năng bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cối đua nhau sinh sôi
nảy nở. Bắp, lúa đầy nhà, heo bò đầy gầm
sàn; cai quản cả vùng rộng lớn này là già làng H’Ni, dòng họ Niê. Nhà H’Ni dài
như một tiếng hú xếp đầy ché túc ché ba; dưới sàn nhà: trâu, bò, lợn, gà… nhiều
như lá rừng. Hội đâm trâu cúng Yang, cúng lúa mới, cúng Yang bến nước… bao giờ
cũng tưng bừng cả chục ngày ăn uống, nhảy múa, ca hát, vui chơi. Nhưng oái ăm
thay Yang chỉ cho bà H’Ni được mỗi người nối dõi tông đường, đó là H’Loan.
H’Loan sinh ra mang màu da của chiêng, đôi môi đỏ như hoa Pơ lang buổi sáng nên
cả buôn tổ chức ăn mừng chẵn một con trăng. Lớn lên, H’Loan có khuôn mặt xinh
đẹp như mặt trăng rằm mùa khô. Năm mười sáu tuổi, nhiều chàng trai ngẩn ngơ khi
ngắm khuôn mặt trái xoan có mái tóc đen bóng, xoăn tít - ấy là Yang ban tặng
cho nàng chứ có ai uốn éo làm gì. Nổi bật trên khuôn mặt là đôi mắt đen láy
ngây thơ, dịu dàng như cặp mắt của chú nai con. Đôi tay nàng mềm mại nhưng làm
giỏi hơn mọi người: từ dệt vải, gieo hạt đến phát rẫy, bổ củi v.v…
Cái lạ hơn ở H’Loan là nàng bơi lội giỏi
như con rái cá. Dòng sông Krông Năng về mùa mưa rộng hàng trăm sải tay, nước
nhảy như voi chạy, H’Loan có thể bơi mấy vòng hay lặn một hơi dài qua tới tận
bờ bên kia, ai thấy cũng đều phải lè lưỡi thán phục: “Đúng là người Yàng”.
Người đã đẹp, lại thuỳ mị, nết na được mọi người yêu mến. Các chàng trai trong
buôn ai cũng thầm mơ ước được nàng bắt làm chồng.
Nhưng nàng chưa để ý tới ai, vì
còn mải mê đùa giỡn với bầy cá bên sông, để mặc dòng nước mơn man trên làn da
hay vuốt ve cặp vú tròn trĩnh nỗi bật trên bộ ngực nở nang của mình. Cặp vú mới
đẹp làm sao, nó đội áo nhô lên, điểm thêm hai cái núm nhỏ như hai nụ hồng
tường, khẽ lúc lắc, lúc lắc theo nhịp bước chân đi. Nàng đi đến đâu mắt bọn con
trai ngây ra đến đó như mất hồn. Không biết họ nhìn khuôn mặt kiều diễm hay đôi
vú hớp hồn họ. Mặc H’Loan cứ vô tư ngày ngày theo bạn bè lên nương, xuống suối
bắt cá hay quay sợi dệt vải. Nơi nào có H’Loan nơi đó có tiếng cười, tiếng hát,
có niềm vui tràn về xua đi tất cả mọi ưu phiền. Những tưởng cuộc đời cứ vậy
trôi xuôi, có ngờ đâu ngày ấy, năm ấy xảy ra một chuyện động trời làm thay đổi
cuộc đời của H loan.
Vào một buổi chiều như thường lệ,
H’Loan và đám bạn gái rủ nhau ra sông tắm giặt, ngâm mình dưới nước trong xanh,
mặc cho đàn cá vây quanh thỉnh thoảng đưa cái miệng mềm mại, nhỏ bé mơn man làn
da nhè nhẹ. Đúng lúc đó có tiếng chó vọng đến, tiếng chó sủa mỗi lúc một gần,
rồi một tiếng “ầm” vang rền mật sông, nước bắn tung toé lên tận ngọn cây. Khi
những hạt nước rơi xuống mặt sông vừa ngớt, mọi người nìn thấy mộy con nai
trắng như bông, cặp sừng đủ mười nhánh mọc cân đối như được đúc từ một khuôn,
đang cố rẽ nước lao về phía mấy người tắm. Các cô gái hoảng sợ bỏ chạy lên bờ
riêng H’Loan không những không chạy mà còn sải tay bơi về phía con nai. Không
biết có phải do chạy quá nhiều nên kiệt sức, không tiếp tục bơi được nữa, hay
vì sắc đẹp mê hồn của người thiếu nữ đang vươn cánh tay nõn nà của mình lên
trên mặt nước mà nó ngẩn người đứng im để H’ Loan leo lên cổ, hai tay túm lấy
hai tai kéo nó quay về bờ bắc nơi đàn chó đang gào lên ông ổng. Đứng bên bầy
chó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tuổi độ mười chín đôi mươi có khuôn mặt
kiên nghị, đôi mắt thông minh nhìn H’Loan chằm chằm, cuộn dây thừng cầm trên
tay rơi xuống mặt đất cũng không hay. Bốn mắt nhìn nhau như sắt gặp nam châm,
nó hút nhau, nó cuộn vào nhau như muốn thiêu đốt tất cả. Ùm, ùm, ùm … đàn cho
nối đuôi nhau nhảy phóc xuống dòng sông khi con nai bị H’Loan vô tình tóm hai
tai xách ngược, buộc nó bơi về phía đàn chó. Con nai giật mình rẽ ngang, chồm
lên làm H’Loan ngã ngửa xuống mặt nước. Nước cuộn lên chùm kín cả mặt mũi, đầu
tóc. Mặc H’Loan vẫn bám chắc hai tai, bẻ đầu nó quay vào bờ. Đến lúc này chàng
trai mới giật mình huýt sáo, đàn chó vừa lao xuống đã vội vã bơi vào bờ, ngừng
sủa.
- Ném dây xuống!
Như cái máy, chàng trai giật mình
cúi lượm cuộn dây tung xuống; H’ Loan giơ tay bắt gọn rồi luồn qua đầu, ngay
sát hai chiếc sừng con nai thắt chặt. Xong đâu đó, cầm đầu dây bơi vào bờ đưa
cho chàng trai.
-Cầm lấy!
-Không!
-Của mày mà!
-Nhưng cô bắt được.
-Tao giúp thôi.
Chàng
trai luống cuống phân trần.
-Tôi thấy nó đẹp quá, không nỡ bắn
nên cố đuổi bắt.
-Có thế tôi mới được gặp. Đó tên gì?
-Y Din!
-Họ Buôn Giá Phải không?
-Sao biết?
-Tôi nghe nói phía bắc vùng này có
buôn Ba giàu có và hùng mạnh lắm, nên đoán vậy.
-Mình ở đó.
-Trả con nai cho Y Din này, cầm lấy.
-Không, tôi không nhận đâu, thế cô
tên là gì?
-H’Loan, H’Loan Niê! Mình tặng nhé.
Vừa nói vừa dúi đầu dây vào tay Y
Din. Cực chẳng đã, Y Din cầm sợi dây thừng đang bị con nai kéo căng xuôi theo
dòng nước.
-H’ Loan có thể giúp tôi mở cuộn dây
khỏi cổ con nai không?
-Tại sao lại làm vậy?
-Vì chính nó mang tôi tới đây để gặp
được H’Loan mà. Thả cho nó đi! Ngập ngừng Y Din nói thêm như thanh minh: Tôi
không biết bơi.
H’Loan lao mình xuống nước đuổi theo
con nai, cởi dây cho nó rồi quay lại bờ. Y Din vẫn đứng đó, mắt đăm đăm nhìn
H’Loan. Những giọt nước theo mái tóc dài rũ xuống tận gót chân chảy thành những
đường ngoằn ngèo trên mặt cát. Chiếc yên quấn khéo, bó quanh người ướt sũng để
lộ rõ những đường nét khoẻ khoắn cuả người con gái tuổi dậy thì. Cặp vú căng
tròn như hai quả dừa xiêm, của H’ Loan làm Y Din không dám nhìn phải quay mặt
nhìn ra xa, hai tai đỏ ửng, giật giật:
-Mình về đây.
-Y Din! H’Loan tặng chiếc coòng này,
đừng chê nhé!
Đầu cúi gằm, mặt đỏ ửng như người
say rượu, ngượng ngịu đưa tay cho H’Loan đeo còong. Hai tay chạm nhau, Y Din
ngước nhìn khuôn mặt xinh đẹp của người con gái vừa mới gặp đã vội ướm lời lòng
nao nao khó tả.
-Về
nhé! Trưa mai H’Loan sẽ đợi ở đây.
-Hoan hô! Chúng ta sắp được uống
rượu mừng rồi!
Đám bạn cùng đi săn với Y Din có
cả chục người đến bên từ lúc nào mà hai người không biết đồng thanh reo lên khi
vô tình chứng kiến họ trao vòng cho nhau. Đám bạn gái cùng đi tắm xô nhau cười
ngả nghiêng. H’Loan đỏ mặt lao tùm xuống dòng sông, mất hút dưới làn nước.
Những tia nắng muộn màng rắc lên ngọn cây màu hồng hồng. Phía đông mặt trăng
cũng vừa ló lên tiếp nhận bầu trời xanh lồng lộng tràn đầy hương thơm hoa rừng.
*
**
Thế rồi việc gì đến phải đến. Hai họ Niê và
họ Buôn Giá làm lễ sui gia, cuộc vui tưng bừng, hiếm có. Y Din con trai của già
làng YKsor Buôn Giá, một già làng giàu có chiếm lĩnh cả cánh đồng mênh mông
phía bắc bãi sông Krông Năng, kết hôn cùng H’Loan con của già làng H’Niê, tiệc
vui kéo dài chẵn một mùa trăng.
Họ sống với nhau thật hạnh phúc. Đêm đêm
bên bếp lửa bập bùng, Y Din đánh đàn cho H’Loan hát. Tiếng hát của nàng ngọt
ngào như ly mật ong rừng, trong trẻo như dòng suối ban mai mùa khô, cuốn người
ta vào điệu nhảy say mê. Ngày tháng thoi đưa, chẵn một mùa rẫy, H’Loan sinh
được một cô bé kháu khỉnh, đẹp như tranh. Cả dòng họ Niê tưng bừng mở hội đón
người chủ kế thừa dòng họ của mình trong tương lai. Người con gái đầu lòng là
điềm lành Yàng ban phước cho dòng họ Niê nói chung, ban phước cho đôi vợ chồng
trẻ nói riêng, và vui nhất có lẽ chính là YDin. Theo tục lệ, cho dù H’Loan có
sinh cả chục người con trai đi nữa mà chưa có mụn con gái nào thì Y Din chưa
được xem là rể trọn vẹn; nhưng chỉ cần sinh được một người con gái thôi, lúc đó
mới được xem là hạnh phúc trọn vẹn. Từ ngày có con, họ càng yêu thương nhau
hơn, đi đâu cũng có nhau, người này cần gì, muốn gì chưa kịp nói, người kia đã
biết. Họ như hoà vào nhau làm một. Và hầu như họ chỉ còn biết sống vì nhau. Y
Din có tài bắn nỏ, săn thú, tạc tượng ít người sánh kịp. Dưới bàn tay khéo léo
của mình anh tạo cho con những thứ đồ chơi tinh xảo và quên luôn cả chuyện săn
bắn, một thú vui ngày xưa của mình. Anh dồn tất cả tình yêu cho con. Người Kinh
có câu: “con là niềm vui của mẹ”, vì có con người mẹ mới thật sự được vui, vui
trọn vẹn. Nhưng với người cha, đứa con không chỉ là niềm vui không thôi, mà nó
còn là hạnh phúc lớn lao của cả cuộc đời. Đứa con là nguồn sáng cho cha dũng
cảm vượt lên trên tất cả khó khăn nhằm đạt được ý nguyện của mình. Có con người
cha như có thêm nghị lực bước tới những thành công, đạp bằng tất cả mọi trở
ngại của cuộc đời. Nhưng rồi Yàng cũng như ghen với hạnh phúccủa đôi vợ chồng
trẻ nên giáng xuống đầu họ điều bất hạnh, đau buồn.
Vào một buổi chiều oi bức, những đám
mây đen che kín chân trời, gió bụi nổi lên, sấm chớp gào thét đinh tai nhức óc.
Vợ chồng Y Din đang đi thăm rẫy vội vã quay trở về. Khi đến bên dòng sông Krông
Năng không may bị một con rắn nấp sau thân cây cắn đúng vào chân phải, Y Din
chỉ kịp quay xà gạc chặt đứt đôi con rắn rồi loạng choạng ngã gục. Con rắn hổ
mang chúa màu bạc, dài gần hai sải tay, trên đầu có hình mũi tên trắng toát,
loại này đã cắn là cầm chắc cái chết. H’Loan nước mắt lưng tròng vội vã dùng
bàn tay của mình xé toang bụng con rắn lấy mật đổ vào miệng chồng.
Bỗng nhiên Yàng sông gào lên, báo
hiệu sự giận dữ của thuỷ thần.
- Y Din ngã người dựa vào gốc cây
thì thào.
- Chạy đi.
H’Loan xoay địu đưa con ra trước
bụng, nước lũ đã tràn đến ngập chân. Cúi xuống xốc chồng lên vai, nước đã ngập đến bụng. Nước lũ lồng lộn, hổn
hển đổ xuống ầm ầm như có hàng trăm con voi đang gào thét. H’Loan một tay ôm
chồng, một tay cố bám vào rễ cây chống chọi với dòng nước lần từng bước lên
cao. Nhưng thần nước đâu có chịu buông tha, hết lần này đến lần khác hất H’Loan
từ gốc cây này, qua mỏm đá khác, yên, áo rách toạc, da thịt té máu. Nhưng nàng
vẫn ôm chặt xác chồng cố lê từng bước, từng bước cho đến khi lên khỏi mặt nước,
kéo được chồng lên cao H’Loan mới ngã xuống sau một tiếng thét hãi hùng. Dòng
sông đã nhấn chìm tất cả rừng cây dưới cơn lũ của mình và đứa con tội nghiệp
của cô .
Y Din thấy mình bị dòng nước cuốn đi
lập lờ trôi, trôi mãi và bỗng nhiên những giọt nước thần thơm lựng trào vào
mồm, trôi xuống cổ họng mát lạnh. Nước thần của Yàng mới thơm ngon làm sao, có
cứ cuồn cuộn chảy vào bụng làm cơn đau bỗng nhiên tan dần, tan dần rồi biến
mất. Y Din cố uống lấy uống để, uống như chưa bao giờ được uống.
Bỗng những giọt nước nóng như đun
rơi xuống mặt, xuống trán, làm Y Din tỉnh hẳn cơn mơ, mở bừng mắt. Nhưng anh
không dám tin ở mắt mình. Trước mặt anh là khuôn mặt tràn đầy nước mắt của
H’Loan – vợ anh. Dòng nước ngọt ngào trong cơn mơ Y Din uống lấy uống để chính
là bầu sữa của vợ mà anh đang day, đang cắn.
Có lẽ nhờ những giọt sữa hoà với máu
của H’Loan đã đánh tan chất độc của nọc rắn, cứu anh thoát chết.
Y Din vùng dậy, H’Loan lại ghì chặt
hơn miệng lẩm bẩm:
- Đừng bỏ em, đừng bỏ em.
Dòng nước nước mắt nóng hổi tràn đầy
khuôn mặt Y Din, H’Loan tưởng đâu Y Din đang giãy những cái giãy cuối cùng của
cuộc đời nên càng ôm ghì lấy chồng, ép cặp vú đã bị cắn nát vào mồm chồng.
Y Din giơ tay lau dòng lệ vợ. Đến
lúc ấy H’Loan mới biết chồng còn sống. Nàng kêu lên.
- Y… ang!
Tiếng kêu tắt ngẹn nửa chừng, H’Loan
ngã vật ra bất tỉnh. Y Din vội vã cõng vợ chạy về buôn. Tiếng khóc, tiến kêu
inh ỏi, ai cũng tưởng vợ chồng Y Din đã bị thuỷ thần bắt xuống thuỷ cung mất
rồi. Nay hai người trở về, không một mảnh vải che thân, họ hàng xúm vào lấy
thuốc xoa, đốt lửa cho H’Loan. Tỉnh lại H’Loan chỉ có khóc nước mắt của nàng
trào ra như máu, ướt đẩm cả chăn. Y Din hỏi:
-
Con
đâu?
H’Loan lại ngất đi. Y Din lững
thững bước lại bên ché rượu cần, cắm và uống. Uống cái hơi mùi lâng lâng của
ché rượu lâu năm tràn vào tim chui vào đầu. Hơi men chui vào mắt làm mắt Y Din
trợn ngược, trắng giả. Từ trong sâu thẳm của tâm linh Y Din đang oán trách
H’Loan tại sao lại không cứu con, để cho dòng nước cướp đi. Lỗi đó là tại nàng,
tại nàng con mới chết. Con chết Y Din đâu còn là rể của dòng họ Ni Ê. Y Din
ngồi đó và uống từ chập tối đến sáng mai, uống như chưa bao giờ được uống, uống
hết ché này qua ché khác. Đôi mắt từ màu trắng chuyển qua màu hồng rồi màu đỏ
rực như mắt cọp gặp đèn săn. Không ai dám nhìn vào cặp mắt mở trừng trừng đó.
H’Loan quì gối van xin Y Din thôi
đừng uống nữa. Việc không may là tại Yàng chứ đâu phải tại em. Nhưng ánh mắt Y
Din trả lời: “Mày là người có lỗi! Mày là người tàn nhẫn, bỏ rơi con, đánh mất
hạnh phúc của tôi, tôi không thể tha thứ được”. Và Y Din lại uống, rượu như đã
hoà tan tất cả thể xác lần linh hồn. Trong mắt anh ta chỉ còn lửa hận và lòng
căm thù người đàn bà ngồi trước mặt. Giá như Y Din gầm lên, đánh, đập, chửi
mắng hay lóc thịt, lột da; H’Loan còn thấy dễ chịu. Đàng này, anh ta ngồi đó
với ché rượu, với ánh mắt thiêu đốt nàng. Đêm buông xuống, tiếng gầm của dòng
sông Krông Năng đã tắt từ lúc nào. H’Loan đã quì không biết bao lâu. Nàng biết
Y Din không thể tha thứ cho mình nên cương quyết vịn vách đứng dậy.
-Y Din, em sẽ đi đòi Yàng sông
trả lại con cho anh.
Nói xong nàng lảo đảo lần bước
xuống cầu thang đi về phía bờ sông.
Mặt
trăng tròn vành vạch, vàng úa như mặt người mắc bệnh sốt rét, run rẩy soi từng
bước H’Loan đi. Đến bên dòng sông, H’Loan quì xuống lầm rầm khấn vái:
-Xin Yang làm chứng cho con, nếu
con sợ chết mà không cứu con gái của mình xin Yang sấm giáng lưỡi búa thiêu
cháy thân con; nếu vì vô tình để mất con xin Yang nước cho con về dưới đó tìm
con gái mình trả cho chồng.
Nói dứt lời, nàng lao đầu xuống
dòng nước. Nhưng một con sóng lớn bất ngờ từ đầu nguồn chạy đến hất ngược nàng
lên bờ từ mặt nước có tiếng nói vọng lên.
-Con đã cầu xin Yang cứu chồng và
chấp nhận đánh đổi chính con gái mình. Sao giờ còn trách?
Trong lúc nguy khốn, phải vật lộn
với dòng nước lũ để cứu chồng, nàng đã cầu xin Yang cho được đánh đổi mọi thứ
để chồng được sống; cho dù đó là bất kể cái gì mình có kể cả tính mạng của
mình. Nào ngờ Yang không nhận tính mạng nàng mà lại mang mất đứa con nhỏ tội
nghiệp của nàng.
-Xin Yang, nếu thương con hãy cho
con mang con gái mình về cho chàng, bằng không hãy đón nhận con.
Nói dứt lời nàng bò lên hòn đá
cao bên vách đá ven sông cắm đầu đâm xuống. Một tiếng nổ vang dội cả không
trung, nước sông Krông Năng đỏ lòm bỗng dâng cao, dâng cao vùn vụt hất trả xác
nàng H’Loan lên bờ. Từ vùng ngực trắng bạch của nàng, cặp vú cứ lớn dần, lớn
dần, cao lên vùn vụt.
Tiếng nổ của dòng sông, tiếng nổ
của đất trời làm Y Din giật mình tỉnh rượu, chàng vội vã chạy đi tìm vợ. Nhưng
đã muộn. Chàng chạy ra bến nước quen thuộc, nơi lần đầu tiên gặp nàng nhưng bến
nước bình yên ấy đâu còn nữa. Giờ đây chỉ có hai quả đồi sừng sững mọc lên.
Chàng lao xuống sông gào khóc gọi tên nàng nhưng chỉ có tiếng gầm thét của dòng
thác đáp lời. Chàng cầu xin Yàng cho được gặp vợ.
Từ trên cao tiếng Yàng sang sảng:
“Người là kẻ đàn ông tàn nhẫn không xứng đáng với nàng. Nàng đã vì mi mà hiến
dâng tất cả, hạnh phúc, niềm vui cuộc sống, chấp nhận khổ đau, bất hạnh để
ngươi được sống. Thế mà mi đày đoạ nàng, hắt hủi nàng. Giờ đây đã muộn. Sự hối
hận của mi có nghĩa lý gì khi nàng đã về với con. Mi hãy nhìn hai ngọn đồi kia,
đó chính là hai bầu vú của nàng biến thành; vì sao nó không có núm ư! Vì trong
cơn điên loạn mi đã cắn nát mất rồi”.
Mặt đất như sụp đổ dưới chân, Y
Din đau xót, ân hận nhưng nào có ích gì; sự cố chấp, lòng ích kỉ đã đạp đổ mất
chính hạnh phúc của chính mình. Sự giày vò lương tâm, lòng thương nhớ vợ khi
biết được sự thật trần trụi của sự việc khiến Y Din quá đau lòng muốn đi tìm
gặp Yang xin cho được gặp vợ. Chàng đi mãi, đi mãi rồi kiệt sức, gục ngã và
không trở dậy được nữa. Yang tức giận làm cảnh vật tối tăm, sấm chớp nổi lên
đùng đùng; khi trời quang mây tạnh người ta thấy xuất hiện một quả đồi sần sùi
lẻ loi mọc lên ở phía bắc, đối diện với hai quả đồi phía nam và bị ngăn cách
bởi dòng Krông Năng. Từ đó người đời sau quen gọi quả đồi ấy là núi Cô Đơn như một lời nhắn nhủ cho người
đời sau.
Ea Kar 25/12/1996
Chú thích:
- Yang:
thánh thần – tiếng Êđê.
- Khan:
sử thi Êđê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI