Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG NGƯỜI CANH GIỮ BIÊN CƯƠNG ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 223 tháng 3 năm 2011







Chiếc xe xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột đang ngon trớn băng băng lao về phía huyện Ea Suôp, bỗng Trung uý Huy Hoàng – người được Bộ tư lệnh Biên phòng Dak Lak cử đi theo Đoàn văn nghệ sĩ nhắc lái xe:
-          Anh rẽ vào khu nhà làm việc của Vườn quốc gia Yok Đôn nhé!
-          Mình phải vào xin phép mới được đi qua Vườn à? Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm ngạc nhiên hỏi lại.
-          Không phải vậy, ta đi nhờ cầu của Vườn, vượt sông Srêpôk. Cầu xây dựng sát khu nhà làm việc của Vườn nên ta phải đi qua đó.
Buổi sáng trước khi đi, Đại tá Lê Xuân Đáng – Chủ nhiệm chính trị, thay mặt lãnh đạo cơ quan Bộ chỉ huy Biên phòng đã trình bày cho Đoàn biết một số nét chính về tình hình biên giới Tây Nam mà tỉnh Dak Lak quản lý. Kết thúc buổi trao đổi anh cho biết thêm: “Hiện nay đã có cầu bắc qua sông Srêpôk nên không phải đi qua thị trấn Dak Min, tỉnh Dak Nông  như trước đây nữa, con đường này gần hơn được 70km đấy!”  Tôi mừng vì bớt được một đoạn đường đèo dốc quanh co khó đi, nay con đường mới tuy có xấu một chút đi chăng nữa, nhưng gần được tới 70 km thì tốt quá!
Cầu bắc qua sông Srêpôk chỉ đủ cho một làn xe đi qua, chưa có lan can, cao lênh khênh so với mặt nước. Phía dưới cầu, dòng nước hiền hoà phẳng lặng trôi, thỉnh thoảng gặp ghềnh đá mới giật mình tung bọt trắng xoá, ào lên rồi lại lặng lẽ xuôi dòng. Vào mùa khô, con sông “chảy ngược” mới hiền hoà làm sao, khó ai có thể tin được khi mùa mưa đến nó lại hung dữ đến thế… Tôi nhớ lại, ngày 12 tháng 12 năm 2009, tôi dẫn Đoàn văn nghệ sĩ vào thăm đồn Bo Heng kết nghĩa với Hội VHNT, được thiếu tá Lê Quang Cảnh - Đồn trưởng kể cho nghe nhiều chuyện về người lính Biên phòng ở bến đò, nay có cây cầu bắc ngang này. Nơi đây đã chứng kiến những câu chuyện tình cảm động của những người sĩ quan Biên phòng với những người vợ, người yêu công tác và sinh sống trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Có ông Đồn phó của tôi - xin nhà văn giấu tên nhé - mới cưới vợ, vợ làm nghề dạy học ở tận dưới huyện Cư M’gar, hai người thường hẹn hò nhau chiều thứ bảy hàng tuần đến bến đò Vườn quốc gia Yok Đôn đón nhau. Nếu anh trực, chiều thứ 7 sau giờ dạy, chị lên thăm, anh vượt khoảng 50 km đường rừng đến đón; còn nếu chồng được nghỉ thì ngược lại vợ đến bến đò đón chồng về. Do con thuyền quá nhỏ, chỉ chở người không chở dược xe máy, thành ra hai người cứ hẹn nhau đến bến đò và gửi xe lại bờ, vượt sông đến với nhau. Nhưng trời nhiều khi giở chứng như ghen với đôi vợ chồng trẻ, giận giữ trút nước xuống, con sông đang êm đềm chạy ngược về phía tây bỗng gầm lên dữ dội và hung hãn như một bầy voi nổi điên; khi ấy hai vợ chồng đứng hai bên bờ sông, cách nhau chưa đến 100 mét nhưng không thể đến được với nhau. Họ gào lên trong mưa, vượt qua cả tiếng gầm của ghềnh, của gió bảo nhau về đi và hẹn tuần sau hãy đến… nhưng rồi mặc gió thét, mưa gầm, quất những hạt nước vào mặt rát bỏng, họ cứ đứng nhìn nhau nhoà dần, nhoà dần cho đến lúc màn đêm ụp xuống, không nhìn thấy được nhau nữa mới gạt nước quay về…
Đường xấu, xe chạy chậm và bụi mù mịt, lái xe không dám đóng cửa, bật máy lạnh vì sợ mấy nữ sĩ say xe; thế là đành chịu... bụi! Đúng là đường lên Biên cương, dốc, vực, gềnh và những cây cầu bắc tạm thỉnh thoảng lại thấy đá va vào gầm xe, tài xế méo mặt… cuối cùng Đoàn cũng đến được đồn Biên phòng Bo Heng. Được điện báo trước, các anh trong ban chỉ huy ra tận xe đón Đoàn, cái nóng, cái mệt bay hết cả, chỉ còn lại tiếng cười đọng lại trên môi sau những cái bắt tay thật chặt. Đồn là đây, tôi đã đên cả chục lần nhưng lần nào đến cũng có một cảm giác thật lạ. Nhìn những người chiến sĩ dạn dày sương gió, mỗi ngày chỉ được phép dùng không quá 2 lít nước vừa nấu ăn, vừa uống mới cảm nhận hết được nỗ gian lao vất vả của mọi người ở đây.
Thiếu tá Lê Quang Cảnh – Đồn trưởng, còn khá trẻ hay cười và kiệm lời, nhắc mãi chuyện đường khó đi, anh chị văn nghệ sĩ vất vả mới tới thăm được đồn, trời lại nóng quá… Đồn trưởng và biết bao chiến sĩ ngày đêm bám trụ nơi đây dãi gió dầm sương suốt tháng này qua tháng khác không nghĩ đến mình lại chỉ trăn trở cho Đoàn, làm tôi cảm thấy bùi ngùi. Các anh chỉ nghĩ đến đất nước, đến những người xung quanh và hình như quên đi cả chính mình đang đối diện với vô vàn khó khăn khắc nghiệt. Qua tâm sự với các anh, tôi được biết cuộc sống đời thường nơi biên cương không chỉ khó khăn về vật chất, khí hậu khắc nghiệt, kẻ thù rình rập phía bên kia mà phải đối diện với cả những hiểm nguy đe dọ tính mạng từ những chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt. Chuyện kể:
Một sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường về Đồn công tác, đồng nghiệp dặn: “Trên này thú dữ nhiều lắm, khi đi công tác cũng như sinh hoạt hàng ngày phải cẩn thận không nguy đấy.” “Sao vậy?” “Rắn , rết, trăn… đều có thể gây tử vong cho người, phải đề phòng.” “Ôi tưởng gì chứ rắn rết thì ở quê em gặp thường xuyên, chuyện nhỏ, anh yên tâm.” Mồm nói, chân thọc vào dày định đứng dậy thì bất ngờ thét lên: “Ối!” Không biết con rắn chui vào dày lúc nào đã đớp một miếng vào ngón chân cái, làm người sĩ quan mới về phải vào viện điều trị cả tháng.
Nói đâu xa, đồng chí Đội trưởng trinh sát – Trung tá Võ Văn Thái, Đồn trưởng đồn Yok Đôn kể: đi công tác về cùng anh em ra suối, tắm xong chuẩn bị lên bờ thì bất ngờ bị rắn cắn; anh em chủ quan bảo rắn ở dưới nước, chắc rắn nước, có cắn cũng không sao đâu và tất cả kéo nhau về ăn cơm còn đùa, tếu được. Nhưng vừa cầm đến bát cơm chưa kịp ăn đã lên cơn giật, cấp cứu đưa về tỉnh, rồi đưa thẳng về bênh viện thành phố Hồ Chí Minh, thay máu mấy lần mới sống được, nay đồng chí ấy đã chuyển về Hà Nội.
Tôi tò mò hỏi thêm: “Rắn độc nguy hiểm ai cũng đã biết, ngoài ra còn loài thú nào đáng sợ như rắn nữa không?” “Có đấy, có khi còn hơn cả rắn nữa đấy!” “Con gì mà khủng khiếp thế?” “Heo rừng.” “Heo rừng có gì mà phải sợ?” Thấy tôi tỏ vẻ không tin, Trung tá Võ Văn Thái kể: đầu năm 1990 tôi dẫn một tổ đi tuần, đến bên suối Dak Man cử một cậu ở lại để nấu cơm chiều, còn cả tổ tiếp tục công việc. Đi chưa được bao xa bỗng nghe thấy tiếng kêu: “Anh Thái ơi cứu em với!” Cả đội vội chạy quay lại chỗ tiếng kêu thì thấy anh bạn được phân công ở lại nấu cơm leo tít lên ngọn cây dầu; dưới gốc cây, chú heo một to đùng đang chồm hai chân trước lên gốc cây như định trèo lên! Anh em lấy cây khô đốt lửa làm đuốc chạy lại xua, nó mới chịu bỏ đi. Khi tụt xuống đất, anh bạn mới lắp bắp kể: Em xuống suối vo gạo, bỗng nghe ùm một cái rõ to phía bờ suối đối diện, nhìn lên đã thấy một cái đầu heo với đôi nanh cong vút, nhằm thẳng em bơi tới, em vội chạy lại gốc cây vừa kịp leo lên, nó lao vào gốc cây đến rầm một cái, rồi cứ đi vòng quanh cây, thỉnh thoảng lại chồm lên như muốn leo lên…
Đêm về khuya, trời trở lạnh. Lúc trưa, Đoàn đến, nhiệt kế treo trong phòng khách chỉ 34 độ, còn bây giờ trùm chiếc chăn bông dày cộm, tôi vẫn thấy lạnh. Ngoài sân, ánh trăng suông soi rõ những ngọn xoài lắc lư theo ngọn gió. Gió ở đây mới đáng sợ làm sao, nó xô cây cối ào ào và lướt lên mái tôn nghe loảng xoảng; cái lạnh như cũng len vào tận mang tai. Ngoài kia, những người chiến sĩ Biên phòng vẫn thay nhau thức, chống chọi với cái rét, cái gió và biết bao hiểm nguy rình rập. Không đến đây, nơi biên giới Tây Nam này sẽ không thể chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây và khi đã đến chúng ta mới khâm phục những con người đang bám trụ nơi đây. Vì sự bình yên của tổ quốc, vì hạn phúc của mọi gia đình; các anh – Người chiến sĩ Biên phòng vẫn thức để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

5 nhận xét:

  1. Eo ơi, thấy.... thương cho dân văn nghệ quá hẩy! ( may quá mình hổng phải là... nghệ, gừng gì) chứ k là gặp mấy cuộc gọi nửa đêm như thế chắc đứng tim có ngày mất!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn LÊ XUÂN HOA đã chia sẽ và tự... mừng làm người khác tuổi thân.
      Chúc bạn buổi tối như ý nhé!

      Xóa
  2. văn nghệ mà thế thì khổ quá nhỉ ! mất cả giấc ngủ ngon ! tắt chuông điện thoại đi cho xong ! :)

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI