Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

CHUYỆN THẬT NHƯ… BỊA! của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 187 tháng 3 năm 2008






Năm 2006 nhạc sĩ Sỹ Hùng được Hội VHNT các dân tộc thiểu số mời về Sơn La dự trại sáng tác. Ở trại được năm ngày, nhạc sĩ sáng tác được bản nhạc ưng ý, tự thưởng cho mình bằng cách xuống sân khách sạn dạo mát chờ bạn bè về ăn cơm chiều. Đang thả bộ thư giãn, bỗng có một người đàn ông tuổi khoảng 55 hay 56 gì đó ăn mặc khá lịch sự: giày da đen bóng lộn, mặc bộ vectông màu xám, tay xách ca táp đi đến gần cất tiếng hỏi:
-          Xin lỗi anh cho tôi hỏi thăm một chút, có phải đoàn văn nghệ sĩ Dak Lak đang nghỉ tại khách sạn này không ạ!
-          Vâng! Anh cần gặp ai?
-          Tôi cần gặp nhạc sĩ Sỹ Hùng. Anh ấy có ở đây không ạ!
-          Có việc gì không, tôi là Sỹ Hùng đây!
Người đàn ông quẳng ngay chiếc ca táp xuống sân lao lại ôm chầm lấy giọng xúc động thốt lên:
- Ôi! Cánh cò trên Cao Nguyên! Nhạc sĩ vĩ đại của núi rừng Tây Nguyên đây sao! Em ngưỡng mộ anh từ lâu lắm rồi nay mới được gặp, thật bõ công lặn lội mấy trăm cây số từ Hà Nội lên đây.
Nói dứt lời người khách lạ buông tay ôm ra, đăm đăm nhìn khuôn mặt Sỹ Hùng như người tình lâu ngày gặp lại.
- Anh không khác tý nào với sự hình dung của em. Bên cạnh nét phong trần có một chút gì đó phảng phất hình ảnh người nông dân xứ Nghệ, lại vừa có một chút lãng tử. Một tài năng âm nhạc xuất chúng, một cây đại thụ sừng sững trên vùng đất Tây Nguyên. Hơn ba chục năm nghiên cứu nền văn học nghệ thuật phía Tây dãy Trường Sơn em thấy chỉ có một vài người mới có thể xếp ngang hàng với anh như: Nguyễn Cường, Đức Hùng mà thôi. Tài năng như anh quả là hiếm lắm, quý lắm!
Chờ mãi anh ta mới ngớt lời để Sỹ Hùng chen vào được một câu:
- Xin lỗi, mình chưa biết tên cậu.
- Em xin lỗi! Gặp anh mừng quá, quên chưa giới thiệu với anh. Em tên là Trần Minh, người Hà Nội, công tác tại Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh biết ông Lạng chủ tịch tỉnh không, bạn em đó. Thỉnh thoảng có dự án lớn là ông ta lại mời em vào, vì thế em tìm hiểu rất kỹ sự phát triển văn học nghệ thuật Dak Lak. Ngoài bài hát “Cánh cò trên Cao Nguyên”, “Voi ơi vào hội”; còn có được một ít tác phẩm khác có thể xếp ngang hàng!; “Đi tìm lời ru mặt trời” của Y Phôn, “Ơi M’Drak” của Nguyễn Cường là có thể sánh được; còn các bản nhạc khác làm sao có thể xếp ngang với anh. Ngoài này chúng em đang chuẩn bị một chương trình âm nhạc đặc biệt để giới thiệu các nhạc sĩ nổi tiếng viết về Tây Nguyên, mà anh là nhân vật chính đấy.
Nghe anh ta nói nhạc sĩ cũng thấy mừng. Mừng vì chưa biết thật hư  thế nào, nhưng có người biết đến nhạc của mình, định tổ chức giới thiệu với khán giả Thủ đô thì còn gì hơn. Thực lòng khi nghe nhận xét về nhạc của mình, tuy hơi khó chịu vì sự tâng bốc thái quá, song ai chẳng thích được khen! Nghe một lúc thấy xuôi tai và càng nghe lời khen càng thích thú.
Sỹ Hùng  liền mời Trần Minh vào khách sạn uống nước.
Vào trong quầy người bạn mới tỏ ra rất sành điệu, bật ngón tay nghe đến “bốp” một cái như pháo, trước khi gọi cô phục vụ:
-          Ê! Anh dùng gì ạ? Cà phê đen ạ; một ly đen, một ly ca cao sữa nóng. Đi khỏi Dak Lak, em không còn muốn uống cà phê ở bất cứ nơi nào nữa. Anh biết vì sao không, vì nó nhạt nhạt thế nào ấy, hương vị cũng ngang ngang. Biết tính em, cứ mỗi lần vào Dak Lak anh Lạng lại tặng vài ba ký cà phê cứt chồn mang về uống dần. Tên nghe hơi tục tĩu nhưng chất lượng thật tuyệt anh nhỉ. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có loại cà phê tuyệt hảo đến thế.  Dak Lak quả là vùng đất lí tưởng để con người lập nghiệp. Đoàn mình ra ngoài này đông không anh?
Rồi anh ta thao thao nói về thơ văn Dak Lak làm người nghe bất ngờ. Một người ở tút lút tận Hà Nội, cách Dak Lak hơn ngàn cây số lại kể vanh vách tên các nhà thơ hội viên, nhận xét một cách hấp dẫn như vậy, quả thật rất đáng khâm phục. Hay nói cho đúng hơn, cách nói diễn cảm, cộng thêm các động tác múa tay làm cho Sỹ Hùng như bị thôi miên. Trời về chiều, đến giờ phải đi ăn cơm, Sỹ Hùng mời Trần Minh lên phòng ở rửa mặt mũi, tay chân để cùng ăn cơm chiều với anh em dự trại.
Thấy có bạn văn đến chơi, anh em trong trại vui vẻ hẳn lên, cánh đàn ông thay nhau mang ly đến mời, tiếng chúc tụng, tiếng li khua leng keng, thật vui. Trần Minh lại được dịp trổ tài nhận xét các nhà văn, nhà thơ Dak Lak và hầu như ở người nào anh ta nhắc đến đều chỉ ra được những ưu điểm, và tán thêm những lời khen có cánh. Ai ngồi nghe cũng sướng cái lỗ tai, phổng cả mũi. Còn anh em trại viên thì hết nói, ai cũng xúm lại chúc tụng để làm quen.
Bữa cơm đang vui, lại càng vui hơn khi có hai người khách nữa đến chào anh em cả trại và vui vẻ đi từng bàn mời cụng li. Sỹ Hùng hãnh diện đứng dậy giới thiệu với hai vị mới đến:
-          Giới thiệu với anh Y Phương và anh Cao Duy Sơn, đây là anh Trần Minh – cán bộ biên tập của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, bạn thân của anh Lạng Chủ tịch tỉnh Dak Lak mới từ  Hà Nội lên chơi.
-                     Tôi là người “gác cổng” Tạp chí Văn nghệ Quân đội mười lăm năm nay, chưa từng gặp anh bao giờ - Nhà thơ Y Phương ngạc nhiên thốt lên.
-          Anh là thằng lừa đảo!
Nhà văn Cao Duy Sơn chỉ mặt Trần Minh nói và rút điện thoại di động bấm máy. Trần Minh mặt tái mét, đứng dậy định đi, nhà thơ Y Phương chặn lại.
-          Xin lỗi, anh đợi cho một chút.
Chỉ ba phút sau, hai anh Công an xuất hiện mời Trần Minh đi. Sỹ Hùng sửng sốt, không thể tin những gì đang xảy ra trước mặt. Chẳng lẽ con người lịch lãm, khôi ngô tuấn tú kia lại là kẻ đi lừa đảo, mà lừa ai chứ đi lừa mấy ông văn nghệ sỹ để làm gì. Họ có gì để mà lừa!
Gần tiếng sau, Công an gọi điện đến thông báo: Trần Minh chỉ là tên bịa. Hắn ở Hà Nội thật, nhưng không nghề nghiệp.
Chuyện này tôi đã được nghe nhạc sĩ Sỹ Hùng kể nhiều lần. Mỗi lần kể xong, ông lại chép miệng nói thêm: 
-            Ở đời không ai có thể học hết được chữ ngờ! Hơn sáu chục tuổi đầu mà mình vẫn bị lừa. Lòng tin người, thương người đặt không đúng chỗ có khi trở thành tai hoạ cho bạn bè, chuốc vạ vào thân. Đau thật!...

5 nhận xét:

  1. Có đôi khi chỉ cần nghe hay thấy một điều gì đó khiến ta chạnh lòng liên tưởng như nhà thơ đó đúng không anh??? Cuối tuần HB ghé thăm anh, HB chúc anh có những ngày nghỉ thật vui anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn sự chia sẻ của bạn hồng Bạch/ Chúc bạn ngày cuối tuần như ý!

      Xóa
  2. Nghe thơ về MẸ, nhớ đến ...BẠN GÁI....Chả biết chị ấy sẽ buồn hay vui nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tùy cảm nhận của mỗi người bạn NGHIA LINH ạ. Chúc bạn ngày chủ nhật như ý nhé!

      Xóa
  3. Thơ hay, đọc mà thấy thương mẹ nhiều hơn

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI