Khu nhà hàng – giải trí của công ty Ngàn Sao
toạ lạc trên một khu đất khá rộng rải thoáng mát. Riêng nhà hàng phục vụ “thượng
đế” được bố trí xung quanh một chiếc hồ nhân tạo khá lớn để có thể vừa lai rai,
vừa câu cá thư giãn. Mặt nước hồ trong xanh lăn tăn gợn sóng, thỉnh thoảng lại
nổi lên những cái đầu cá đớp bóng như mời gọi quý khách thử tài. Trên bờ ao, cây
ăn quả như mít, nhãn, mận, chôm chôm... trồng xen kẽ với dừa, phượng tạo bóng mát
che cho những căn nhà hàng dựng sát nhau. Ông Phó chủ tịch huyện tuổi độ trên năm
chục, khuôn mặt hơi dài, tóc đã muối tiêu vừa đi, vừa nói với người bên cạnh:
- Chẳng mấy khi thủ trưởng về thăm, mời thủ
trưởng thưởng thức đặc sản vùng đất Tây Nguyên này xem có khác với thành phố lớn
không.
Chiếc quán hình lục giác xinh xinh dựng ngay
trên mặt ao, được kê một bộ bàn ăn làm bằng gỗ khá đẹp. Cô nhân viên tuổi chừng
mười tám đôi mươi tươi cười chào khách và đưa thực đơn mời chọn món. Ông Phó chủ
tịch bảo cô nhân viên phục vụ:
-Hôm nay có Nghệ sĩ Nhiếp ảnh về huyện ta thăm
quan và sáng tác, nhà hàng có món đặc sản gì không?
- Dạ thưa chú, hôm nay có heo rừng, nhím, chồn
và chim cu xanh hầm hạt sen ạ.
-Mời thủ trưởng chọn ạ!
-Tiền
chủ hậu khách, thôi cậu chọn đi, đất có thổ công mà.
-Mấy chục năm rồi, thủ trưởng vẫn thế, không
thay đổi gì cả. Quay sang cô nhân viên nhà hàng – Em cho mỗi thứ một đĩa.
-Dạ!
-Nhiều thế ăn sao hết, bỏ hai món sau đi.
-Em cho đĩa heo rừng nướng và thịt nhím hấp gừng
lên trước nhé.
-Dạ!
Ông Phó chủ tịch rót bia mời khách. Ông nghệ
sĩ có khuôn mặt khắc khổ, chồng chéo những nếp nhăn do tuổi già và có lẽ cả do
chiến tranh, nước da hao hao như người dân bản địa Tây Nguyên. Nhìn qua khó có
ai tin nổi những năm chiến tranh ông từng là một sĩ quan bộ binh nổi tiếng với
những chiến công hiển hách; còn ông Phó chủ tịch, lúc bấy giờ nguyên là cần vụ
cho ông trong những ngày cuối cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Ngày ấy bữa
ăn có thêm đĩa rau tàu bay hay nắm lá giang thay canh chua cũng quý lắm rồi, hôm
nào có được nắm rau má đã là đại tiệc. Ông Nghệ sĩ quê trồng “sâm” có lúc cao hứng
nói với anh em trong đơn vị: “Cái anh rau má bổ hơn sâm Triều Tiên nhiều lắm,
không tin à; các cậu cứ kiểm nghiệm xem, hôm nào bữa ăn có nó hầu như khoẻ hơn hẳn. Mai đây hoà bình mình sẽ về quê
xây dựng hẳn một nhà máy đóng hộp xuất khẩu cho cả thế giới biết”. Với rau má, ông
cũng làm được nhiều món ăn đặc sắc: ngoài món rau sống, canh, luộc quen thuộc,
còn có món chua ngọt (bóp rau má với mấy viên Vitamin C), món nộm (trộn rau má với thịt hộp)... món nào ăn
cũng ngon đến tận bây giờ. Chiến tranh qua đi, người lính cầm súng chợt phát hiện
ra mình còn có thể chộp được những khoảnh khắc đáng nhớ để lưu lại cho muôn đời
sau. Thế là ông trở thành thợ chụp ảnh, rồi được phong Nghệ sĩ từ lúc nào không
nhớ nữa. Sở Văn hoá – Thông tin nơi ông chuyển về công tác, ai cũng quý tính thẳng
thắn, bộc trực và hơi tếu của ông. Nhưng được cái này lại mất cái khác, có lẽ đó
là quy luật của tạo hoá vậy! Đời tư của ông là cả một chuỗi ngày buồn. Chiến
tranh qua đi, ông trở về thì người vợ cưới “cấp tốc”, trước ngày đi B ba hôm, đã
theo tay lái xe ô tô tải bỏ đi biệt tích từ lâu. Họ hàng bảo phải tìm về trừng
trị. Ông nói: tại chiến tranh, người phụ nữ đợi ông ba năm đã là quý lắm rồi,
chính mình mới có lỗi đã để người ta trơ trọi một mình khi tuổi đời còn son trẻ,
cô ấy đi như vậy là phải!
Mấy năm sau có cô gái cùng cơ quan kém ông đến
gần hai chục tuổi, từ chối những chàng trai trẻ để đến với ông, vì lòng ngưỡng
mộ, muốn bù đắp cho ông những mất mát do chiến tranh gây ra. Nào ngờ hơn một năm
sau ngày cưới, cô vợ sinh cho ông một đứa bé dị tật vì ông đã nhiễm chất độc màu
da cam. Sợ làm khổ người ta trong quãng đời còn lại, ông xin nghỉ hưu và để lại
tờ đơn xin ly hôn, rồi vác máy rong ruổi trên các nẻo đường đất nước nhằm giới
thiệu cho mọi người thấy những nét đẹp, thơ mộng của Việt Nam qua những bức ảnh.
-Thủ trưởng thử xem món heo rừng này có khá
không.
Ông Nghệ sĩ chưa kịp cầm đũa đã thấy một người
đàn ông đứng tuổi, mặc bộ com lê bước vào. Ông Phó chủ tịch giới thiệu người mới
tới là chủ nhân của khu nhà hàng sang trọng này - Giám đốc công ty Ngàn Sao. Giám
đốc bắt tay khắp lượt mọi người, miệng luôn nói: Quý hoá quá! Quý hoá quá! Mấy
khi các thủ trưởng ghé tệ quán của em thế này. Cho phép em mời một ly ạ.
Tiếng ly chạm nhau kêu leng keng, mấy thứ đặc
sản được mang ra xếp đầy bàn. Bên ly bia, chuyện chiến tranh, chuyện cuộc sống đời
thường, chuyện làm ăn thời kinh tế thị trường nổ như bắp rang. Hăng máu, ông Nghệ
sỹ nói:
- Theo mình cách kinh doanh nhà hàng – du lịch
– khách sạn của các vị chưa hiệu quả lắm. Vì sao ư! Vì chưa đánh đúng thị hiếu
của “thượng đế”. Người nhiều tiền đi chơi là muốn thưởng thức: lạ - ngon - phù hợp thị hiếu – giá cả hợp lí.
Ví như thực đơn hiện nay trên các vùng Tây Nguyên phục vụ khách du lịch có mốt đồ
rừng, nhiều nhà hàng dùng heo bản địa thay thế, thậm chí cả heo nọc già bị loại
ra cũng là đặc sản. Làm như vậy lần sau ai còn dám đến nữa. Nói thật các ông đừng
giận, ở thành phố các món Tây, Tàu do những người có tay nghề cao làm ra người
ta ăn mãi rồi, giờ muốn tìm món lạ hơn, khác hơn nên mới đi cả ngàn cây số đến
Tây Nguyên thưởng thức. Thử hỏi các món cơm lam các vị bán cho du khách ăn hàng
ngày làm bằng công nghệ dộng cơm nấu chín bằng nồi cơm điện rồi nhồi vào ống, đốt
sơ qua ngoài vỏ, cho đó là đặc sản ư! Vùng núi cao nơi nào chẳng có. Các món ăn
mang đậm nét văn hoá địa phương đã có trong thực đơn nhà hàng chưa? Các ông từng
ăn cơm của người dân Ê đê chưa? Cơm nấu bằng gạo lúa rẫy, cơm chín, hạt cơm khô
đều từ trên xuống dưới đít nồi; khi ăn người xới cơm phải cắt nguyên miếng từ
trên xuống dưới, chạm tận đáy nồi, không bị vỡ, đặt gọn vào chén. Cơm trong nồi
còn lại, vẫn nguyên sự liên kết, trừ miếng đã lấy đi. Đó là nét đặc trưng riêng
khác biệt với các dân tộc khác. Chén cơm thể hiện nét văn hoá ẩm thực của cả một
phong tục, tập quán đẹp, sao các ông không khai thác. Các ông đã ăn con bọ cánh
cứng trên cây muồng đen trồng trên các lô cà phê chưa? Người Ê đê thường tổ chức
đi bắt về rang ăn, ngon lắm. Hay món ve sầu đã thử chưa? Chưa à, thế thì uổng
quá! Đang mùa hè, ve kêu đầy trời mà không biết thưởng thức thì phí. Mình chiêu
đãi các cậu nhé. Phiền Giám đốc cho mượn một cái rổ nhỏ, một cây cần câu; xin một
lít rượu trắng đổ vào chậu, một lon đậu phụng đã rang, một bếp ga mi ni, một cái
chảo và một lít dầu mang ra đây.
Ông
nghệ sĩ rút trong túi ra một chiếc lọ nhỏ bằng ngón chân cái, màu trắng đục giơ
lên:
- Còn đây là tên lửa dùng để hạ phi cơ.
Ông Nghệ sĩ nói dứt lời đứng dậy cầm một chiếc
cần câu nhúng đầu cần có buộc sợi cước vào lọ nhỏ, rồi đi đến bên cây nhãn trồng
cạnh bờ ao, đưa cần lên ngọn cây nhẹ nhàng kéo xuống những chú ve sầu đang say
sưa ca hát. Ông nghệ sĩ quả là người khéo tay, mỗi lần đưa cần câu lên chí ít cũng
được một đến hai con ve. Ông Giám đốc làm theo chỉ dẩn của ông Nghệ sĩ: ngắt cánh,
vặt chân, bẻ hai vây cứng bên hông, bỏ vào chậu rượu trắng, chờ ve uống no rượu
khoảng một phút vớt ra rổ. Bình thường ta chỉ nghe ve kêu râm ran nhưng mấy ai
biết loài ve thường rủ nhau đậu vào một vài loài cây ưa thích như: nhãn, vải,
phượng, mít và đặc biệt là cây trắc. Hôm nay mới được tận mắt thấy ve đậu trên cây
nhãn nhiều đến thế. Xung quanh thân cho đến tận cành cao tít trên ngọn, ve đậu
nối đuôi nhau thành hàng, con này đậu ngay sát con kia, nhiều con không còn chỗ
đậu phải trèo cả lên lưng nhau, đóng thành từng cặp. Ngày thường nào ai để ý đến
chúng.
Thực khách đến quán khá đông và tỏ ra tò mò
khi thấy ông già trên sáu chục tuổi, dáng người vạm vở đang nhanh nhẹn bắt những
con ve sầu mà đám trẻ con thường bắt để chơi, đưa cho ông Giám đốc. Bên cạnh họ
vị Phó chủ tịch huyện cũng đang tò mò đứng nhìn nên nhiều người bỏ nhậu chạy ra
xem. Không biết người ta xem bắt ve hay cố tình ra đó để được chào ông Phó chủ
tịch huyện mà cả khu vườn ồn ào như chợ vỡ. Khoảng chục phút sau chiếc rổ đựng
ve đã gần đầy, ông Nghệ sĩ dừng tay trở lại bàn nhậu hướng dẫn cho mấy cô nhân
viên nhà hàng cách ngắt đít ve, nhét hạt đậu phụng vào rồi bỏ lên chảo dầu đang
sôi sùng sục. Một lát vớt ra đĩa, con ve vàng rụm, mình phổng phao, thơm lừng.
Lấy lá đinh lăng, lá sung, rau răm, rau mùi tàu... quấn quanh con ve, ông Nghệ
sĩ chấm với bồ tạt bỏ vào miêng nhai ngon lành, miệng tấm tắc khen:
-Ngon
lắm, các cậu thử xem.
Mấy người nhìn
nhau rồi cũng bắt chước làm theo, tập ăn và chợt bật lên tiếng reo: ngon! Đám
người tò mò vây quanh bàn nhậu nhìn mấy người nhậu như nhìn một vật thể lạ ngoài
hành tinh bỗng nhiên xuất hiện, họ tròn mắt nhìn người ta ăn con ve sầu, con bọ
hung thần của những gia đình trồng ca phê ở Dak Lak. Gọi nó là hung thần vì trứng
ve chui xuống gốc cây cà phê nở thành ấu trùng bám vào rễ hút hết chất dinh dưởng
làm cà phê chết hàng loạt. Người dân vẫn chưa tìm ra cách diệt hữu hiệu.
-Của
ngon bất tận hưởng, xin mời mọi người
nếm thử.
Ông Nghệ sĩ đứng
dậy mời những người đang đứng vây quanh thưởng thức và nói thêm:
- Đây là món ăn
rất bổ và quý, trước đây người Việt ta đã biết lấy xác ve làm thuốc chữa bệnh,
nay ta sống ở nơi có nhiều thế này mà không biết sử dụng thì phí quá.
Được khách của
Phó chủ tịch mời, mấy người mạnh dạn nếm thử và ai cũng khen ngon. Ông Giám đốc
vội ghé tai Nghệ sĩ hỏi nhỏ:
-Thủ trưởng nhượng
lại cho em lọ thuốc bắt ve được không ạ!
-Đắt lắm đấy,
cậu có dám mua không?
-Dạ, miễn là
thủ trưởng có để lại hay không thôi ạ.
-Cậu cầm lấy đưa
cho mấy cậu nhân viên bắt thêm đi.
-Dạ!
Ông Giám đốc hớn
hở bước nhanh ra ngoài gọi nhân viên, thực khách nhao nhao đặt món đặc sản mới
xuất hiện. Nhân viên và cả thực khách tranh nhau lấy cần câu bắt giúp. Mấy cô
nhân viên nhà hàng nhanh nhẹn ra giá: ai muốn dùng cần câu bắt ve phải trả ba
chục ngàn. Một loáng số cần câu của nhà hàng hết sạch. Các đôi nam nữ tranh
nhau bắt ve, tiếng cười thỉnh thoảng lại ré lên làm lay động cả không gian.
Trên bàn tiệc chỉ còn lại ba con ve, ông Phó chủ
tịch gắp con to nhất bỏ vào chén của ông Nghệ sĩ. con nhỏ bỏ vào chén mình.
-Mời thủ trưởng!
-Cậu biết món
ve sầu con nào là ngon nhất không? Những
con to, bụng thường rổng vì đã đẻ hết trứng rồi, còn các con nhỏ hơn, thân tròn
chính là con đực, thịt nhiều hơn và ăn cũng giòn hơn. Thử xem.
-Đúng ạ!
-Xin các thủ trưởng đặt cho món đặc sản này
một cái tên.
Ông Giám đốc không biết đến từ lúc nào bổng
lên tiếng đề nghị.
- Các cậu tìm
cho nó một cái tên làm sao để thực khách tò mò muốn thưởng thức.
-Vậy theo em nên
đặt nó là món Nghệ sĩ vì con ve vốn được
xem là ca sĩ của mùa hè và hôm nay lại được chính thủ trưởng hướng dẫn cho cách
chế biến, nên đặt tên này làm kỷ niệm luôn ạ.
-Tuyệt quá!
Ông Giám đốc
reo lên và ghé tai ông Nghệ sĩ hỏi nhỏ:
-Cho em gửi tiền
bản quyền công nghệ món đặc sản này.
-Ông
định trả cho mình bao nhiêu?
-Em
gửi thủ trưởng năm chục triệu được không? Còn chất bắt ve đó là hoá chất gì?
-Đùa
cậu thôi, tiền bạc gì, mình tặng cậu công thức hoá chất bắt ve nhé; đó là hợp
chất NHUAMIKO, có rất nhiều ở vùng ta đấy.
- Dạ
thủ trưởng nhắc lại để em ghi.
- Không nghe được
à! Nhu – a – mi – kô!
- Đây là nguyên
tố hoá học mới hay sao mà nghe lạ quá, cách điều chế như thế nào?
- Nhu – a – mi – kô tiếng gọi tắt, phiên qua
nghĩa tiếng Việt đầy đủ là: NHỰA MÍT KHÔ, hiểu chưa! Lấy mủ cây mít phơi nắng độ
một tiếng đông hồ là dùng được thôi. Ngày nhỏ bọn tớ vẫn bắt chuồn chuồn bằng
nhựa mít như vậy đấy.
Mọi người ôm bụng
cười ngặt ngẽo.