Trong những ngày đầu tháng tư, cả đất
trời Tây Nguyên tràn ngập không khí lễ hội chào mừng 35 năm ngày vui chiến
thắng, đoàn tụ. Từ thành phố đến buôn làng xa xôi, đường và nhà rợp đỏ bóng cờ
hoa. Khuôn mặt người nào cũng lộ nét hân hoan, phấn khởi. Con đường nhưa phẳng
lỳ từ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar về xã Cuôr Đăng cũng không ngoại lệ; vẽ
nên một bức tranh quê trù phú, đầm ấm. Rừng cà phê, cao su nối đuôi nhau chạy
qua khung cửa xe như không bao giờ hết. Đang giữa mùa khô, thế mà cà phê vẫn
tươi mơn mởn, từng chùm quả xanh sẫm sum sê bám quanh kẽ lá hứa hẹn một vụ bội
thu. Trời buổi sáng trong xanh, nắng dát vàng lên các ngọn cây càng làm cho
phong cảnh thêm phần lộng lẫy.
Xe chạy êm êm, lòng tôi bồi hồi nhớ lại
cách đây chưa lâu, cũng vào một ngày đầu tháng tư năm 2007, Đỗ văn Tri – anh
bạn cùng học ba năm cấp ba với tôi, nay là cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa; lặn lội vào Đắk Lắk rủ tôi về huyện Cư M’gar đi tìm mộ anh trai
tên là Đỗ Văn Quế, hy sinh tại buôn Rào, ngày 01 tháng 12 năm 1969. Hai anh em
đèo nhau trên chiếc HonDa Future II, lang thang qua các nghĩa trang thị trấn
Quảng Phú rồi băng qua huyện Krông Buk. Đường đất bụi mù, đất đỏ lâu ngày không
có mưa; ô tô, xe máy chạy nhiều nên tơi xốp như bột. Tôi cầm lái không dám chạy
hết số thế mà vẫn bị té lăn ra đường vì dưới lớp bột ngập gần nửa bánh xe có
một cục đá lớn rình sẵn, Tri văng ra khỏi xe, đụng vào cây cà phê bên đường tạo
nên một đám bụi lớn. Hai anh em lồm cồm bò dậy nhìn nhau và bật cười vì không
nhịn được; từ đầu đến chân cả hai được phủ một lớp bụi đất vàng khè, đúng màu
đất đặc trưng Đắk Lắk. Khi đám bụi lắng xuống, anh bạn tôi thay vì ngồi lên xe
chạy tiếp, lại nắm áo tôi giật giật chỉ vào gốc cây cà phê mình đụng phải lúc
nãy: “Ông nhìn kìa, lạ không!” Nói rồi anh chạy lại gốc cây bứt một chiếc lá
vừa rơi hết bụi đất, để lộ ra mầu xanh sẩm. Giờ thì tôi hiểu vì sao anh ngạc
nhiên: tất cả các cây cà phê bên đường đều có một màu nâu vàng do bụi đất bay
lên bám vào một lớp khá dày, nhìn qua như tạc bằng đất vậy; nhưng khi nãy do anh
ngã chạm vào làm lớp bụi bám bên ngoài rơi ra để lộ màu thật của lá. Đất đỏ
bazan Đắk Lắk tốt tươi, màu mỡ; nếu mùa mưa người ta chỉ có thể đi bộ chân
không vì nếu đi dép hay giày, đất bám chắc vào thành một cái đế đất khổng lồ
đến không thể nhấc chân lên được. Đất Tây Nguyên là thế, tôi giải thích cho
anh, anh ngạc nhiên kêu lên thích thú như vừa khám phá ra một điều kỳ diệu. Hai
anh em lặn lội một tuần qua các xã được giới thiệu của hai huyện Cư M’gar và
Krông Buk nhưng không có kết quả, đành phải về hẹn dịp khác vì anh đã hết phép.
Hôm nay đi trên con đường nhựa, nhìn quang cảnh xung quanh, tôi lại nhớ tới
chuyến đi năm trước và ngạc nhiên trước sự đổi thay cơ sở hạ tầng nông thôn của
một huyện vùng cao. Thời gian chưa lâu, nhưng cảnh vật đã đổi khác quá nhiều.
“Xã
Cuôr Đăng hiện nay là một trong những xã điển hình của huyện, không những làm
kinh tế giỏi, an ninh chính trị và xã hội được đảm bảo mà người dân nơi đây còn
tự giác xây dựng được những buôn văn hóa tiêu biểu.” Anh Y Mang, Phó trưởng
phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư M’gar, ngồi bên cạnh tranh thủ giới thiệu
nơi sẽ đưa tôi đến. “Phong trào có gì đặc biệt khác nơi khác không anh”? Tôi
hỏi thêm. “Nhiều cái hay lắm, anh cứ đến sẽ rõ thôi”. Tôi bật cười vì cách trả
lời nghe hay hay của Y Mang. Xe dừng lại trước cửa trước một ngôi nhà xây, mái
lợp tôn, sân đổ bê tông, cây bóng mát trồng ngay hàng thẳng lối cao ngang mái
nhà. Ra đón chúng tôi là người đàn ông đứng tuổi, nước da nâu sậm, dáng vẻ khỏe
mạnh và nụ cười rất hiền. Vào phòng làm việc, hai bên giới thiệu chủ khách, tôi
mới biết tên ông: Ama Diệp – Bí thư đảng ủy xã Cuôr Đăng. Ông cho chúng tôi nắm
một vài số liệu cơ bản của xã, toàn xã có: 3.337ha, dân số: hơn 10.000 người, ngoài
hai dân tộc chính là Êđê, Kinh còn có Ba Na,
H’rê, Lạch... sống tập trung tại 6 buôn, đường liên thôn buôn đã được
rải nhựa 100%; toàn xã có một trường mầm non, 2 trường tiểu học, một trường
THCS và một trường PTTH được xây dựng kiên cố, cao tầng, không những đủ điều
kiện cho các con em trên địa bàn xã học tập, mà còn nhận cả học sinh các xã lân
cận. Xã có một trạm y tế với 7 người, trong đó có: 02 bác sỹ đa khoa, 05 y sỹ, ngoài ra còn có 06 cộng tác viên y
tế ở 6 buôn; điện lưới Quốc gia đã phủ khắp xã. Ông Bí thư còn cho biết thêm: các
hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng một năm cũng có khoảng gần chục.
Nghe qua những con số ấn tượng, tôi ngạc
nhiên hỏi thêm: “Dân ở đây kinh doanh cây, con gì mà giàu dữ vậy?” Thì cũng như
mọi nơi thôi – Ông Bí thư đảng ủy cười trả lời: “Nhờ nhà nước đầu tư xây dựng
hai đập chứa nước có diện tích gần 50 ha nên khâu nước tưới cho cây trồng cơ
bản được giải quyết. Hiện nay toàn xã có 300 ha cà phê, 51.5 ha cao su, 40 ha
lúa nước, 20 ha hồ tiêu và 4 ha trồng màu. Đất của xã trồng cà phê có sản lượng
cao vào hàng nhất tỉnh, chất lượng cũng được xếp đứng đầu, dân không giàu mới
lạ. Nói như vậy không phải ai cũng giàu cả đâu, toàn xã vẫn có 247 hộ nghèo,
chiếm tỷ lệ 12,19% dân số; trong đó có 15 hộ mới nghèo đấy.” Tại sao lại có hộ
nghèo mới vậy? Tôi hỏi lại. Ông Bí thư giọng buồn buồn: “Gia đình đông người
phải tách hộ; người ta ra ở riêng, không có đất canh tác thì làm sao không nghèo
cho được! Ngoài 07 hộ mới tách, 06 hộ đất canh tác quá ít nên không đủ thu nhập
tính theo tiêu chuẩn mới nên vẫn thuộc diện nghèo; công thêm 02 hộ sinh con
nhiều quá, lại hay đau ốm, tiền thuốc men nhiều nên nghèo thôi.” Những lý do
chỉ ra vì sao vẫn còn người nghèo ở đây xem ra bất khả kháng thật. Làm nghề
nông mà không có đất hoặc có ít đất thì đói là phải chứ nói gì đến nghèo. Ở đâu
cũng gặp trường hợp này chắc phải đành chịu thôi. Tôi băn khoăn hỏi thêm: “Đảng
và Chính quyền địa phương đã có biện pháp gì giúp đỡ người nghèo thoát nghèo
chưa?” “Có đấy! Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… đã vận động hội
viên của mình theo phương châm “lá lành, đùm lá rách”; “người có nhiều giúp
người có ít”, bằng hình thức cho vay không tính lãi, hay đầu tư chăn nuôi, tặng
cây giống v.v.. bước đầu đã có hiệu quả tích cực. Ngoài ra Ngân hàng chính sách
huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để 248 hộ được vay 1.400.000.000 đồng. Cái
khó khăn nhất và cũng là khâu cơ bản nhất là vận động bà con dân tộc thiểu số
không sinh con thứ ba. Con nhiều sẽ nghèo, vì thế các cơ quan đoàn thể một mặt
tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng đang ở tuổi sinh đẻ cách phòng tránh
thai, mặt khác bằng những cuộc thi tìm hiểu sinh đẻ có kế hoạch, hay biểu diễn
các tiết mục văn nghệ về vấn để này nhằm giáo dục mọi người đã có kết quả rất
tích cực. Năm 2009 toàn xã có số trẻ mới sinh là 142 cháu, đạt tỷ lệ 1,32% dân
số”. Trả lời câu hỏi của tôi: “Xã có bao nhiêu gia đình có ti vi”, ông Bí thư
lại tủm tỉm cười: “Ti vi giờ đây nó là phương tiện giải trí không thể thiếu, vì
thế nên cả xã hầu như không còn nhà không không có ti vi, mà họ dùng toàn loại
mầu thôi”.
Thật mừng khi nghe nói về thành tích kế
hoạch hóa gia đình và mừng hơn khi biết ngay cả những hộ được xếp vào diện
nghèo của xã cũng sắm được ti vi để xem. Hộ nghèo mà như thế, còn hộ giầu cuộc
sống sẽ ra sao; tôi tò mò muốn biết và đề nghị được đến thăm một hộ nhà gần đây
làm ăn khá. Ông Bí thư nói ngay: “Gần đây có gia đình ami Doan kinh tế khá, lại
rất tích cực tham gia công tác “tương thân tương ái”, mời các anh chị đến thăm”.
Nhà amí Doan được xây khá rộng rãi,
phòng khách lát gạch hoa chiều ngang hơn năm mét còn dài chắc phải gần chục
mét, giữa nhà kê bộ xalon lớn, trên bàn để một lọ hoa tươi cắm khá đẹp mắt. Cả
đoàn ngạc nhiên nhìn bình hoa tươi rồi nhìn nhau như không tin ở mắt mình. Ông
chủ nhà đi vắng, bà chủ đang lo chỉ đạo tốp thợ lập lại dãy chuồng heo; rót
nước mời chúng tôi là cô út của gia đình, đang học THCS. Bất ngờ đến thăm một
gia đình người Êđê, không những được chứng kiến căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, mà
còn có hoa tươi cắm sẵn làm chúng tôi quá ngạc nhiên. Bà chủ, tuổi gần 50 mặc
bộ đồ lao động bước vào niềm nở nói với chúng tôi: “Các bác đến thăm không báo
trước, thành ra cả nhà đều bận, không chu đáo được”. Anh Y Mang nói tóm tắt mục
đích của chuyến viếng thăm, bà chủ vui vẻ nói: “So với những nhà xung quanh thì
nhà em cũng thường thôi, chưa nhiều hơn các nhà khác trong buôn đâu. Ngoài 2 ha
cà phê, mỗi năm thu trên 8 tấn nhân, gia đình nuôi thêm 4 con heo nái và khoảng
50 con heo thịt, 9 con bò, 8 con dê, tính ra năm 2009 thu được có hơn 200
triệu.” Ami Doan – dịch theo tiếng kinh
là “mẹ của Doan”, gọi theo tên con; còn tên khai sinh của bà là H’Hương Byă.
Nếu không được giới thiệu trước, tôi đã nhầm bà là một phụ nữ Kinh vì khuôn mặt
phúc hậu, người to cao, nước da trắng, khác hẳn với đa số người dân bản địa có
nước da nâu. Ami Doan cho biết: “Dê và bò không có ở nhà đâu, cho người thuộc
diện nghèo nuôi dùm rồi, mình giúp người ta chút cho có thu nhập thôi; còn heo,
thỏ và gà thì ngoài vườn. Gà không tính vào kinh tế vì chỉ nuôi để ăn thịt”.
Theo chân bà, chúng tôi ra thăm dãy chuồng đang lợp lại vì lâu ngày tôn cũ đã
hỏng; trong chuồng ngoài 4 con heo nái còn có 5 con heo thịt, mỗi con nặng
khoảng 50kg; bên cạnh chuồng heo, cô gái út đang cho mấy con thỏ ăn. Ami Doan
nói thêm: “Mình mới xuất một bầy hai chục con hôm kia, mỗi con nặng hơn 70 kg
đấy”. Nhìn dãy chuồng trại khá dài, có cà phê xanh tốt bao quanh và bầy gà đông
đúc đang đào bới dưới gốc cây cà phê, tôi thấy vui vui; người dân ở đây đã biết
chăn nuôi kết hợp với trồng trọt theo mô hình trang trại nên kinh tế khá là
phải. Kinh tế khá, các con được học hành chu đáo nên cách sinh hoạt chẳng khác
gì một doanh nhân thành đạt trên thành phố cũng là lẽ đương nhiên.
“Thu nhập hàng năm của gia đình “chỉ có”
200 triệu thôi!” Câu nói mộc mạc nhưng còn ẩn chứa một điều gì đó chưa bằng
lòng với chính mình của ami Doan càng làm tôi ngạc nhiên muốn tìm hiểu xem còn
những nhà nào ở đây có cách làm ăn khá hơn gia đình này. Bà chủ nhà giới thiệu ngay
nhà ông ama Bôk, người giàu nhất xã. Đến cổng nhà ama Bôk, tôi kinh ngạc trước
ngôi biệt thự 2 tầng xây khá bề thế, trong gara có một chiếc xe tải nhỏ. Thấy
chúng tôi đến, một cô gái chạy ra mở cổng để xe vào sân và thông báo: Ama đi
thành phố Hồ Chí Minh thăm cậu con con trai đang học đại học An Ninh dưới đó
rồi. Qua trao đổi với cô con gái đang học trung cấp thư viện, tôi được biết:
hai vợ chông người Ê đê này khi mới xây dựng gia đình cũng nghèo lắm, may được
nông trừơng cao su Phú Xuân nhận vào làm và giao cho quản lý 37 ha cao su. Nhờ
chăm chỉ và biết chi tiêu nên hai vợ chồng tích cóp được một số tiền nho nhỏ
với mong ước có được mảnh đất trồng trọt. Năm 1987 ama Bôk dùng tiền tiết kiệm
mua được 6 sào rẫy để trồng cà phê, khởi đầu xây dựng cơ nghiệp. Bằng chính sự lao
động cần cù, lại biết áp dụng khoa học vào thâm canh, nên mảnh đất ngày càng
sinh lợi; đến năm 2000, ông đã có 20 ha cà phê và 15 con bò. Thế là “đất đẻ ra
đất, bò sinh ra bò”; kinh tế gia đình ngày một vững, ngoài ngôi nhà 2 đầy đủ
tiện nghi xây năm 1998, ông mua thêm xe ô tô tải để chuyên chở hàng hóa cho gia
đình và sắm thêm chiếc xe ô tô 9 chỗ vừa để đi đây đó cho tiện – ama nói thế
(cô con gái giải thích), vừa giúp đỡ bà con cưới hỏi có phương tiện đi lại. Khu
trang trại hình thành, ông xây thêm 07 căn nhà cấp bốn vừa để công nhân ở, vừa
làm kho. Ama Bôk trở thành người nông dân làm ăn giỏi của xã, của huyện rồi một
vinh dự lớn đến với ông: năm 2000, ông được thay mặt những người nông dân sản
xuất giỏi của tỉnh Đắk Lắk đi dự Hội nghị
Toàn quốc biểu dương những người tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại Hà Nội.
Ngẫm lại, nếu ama Bôk không vào làm cho Nông trường cao su Phú Xuân thì làm gì
có được ngày hôm nay và xa hơn, đó là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước
ta khi ban hành chính sách tạo việc làm cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Từ một
điểm tựa ban đầu ấy kết hợp với tài năng, trí tuệ và sức lực của mình; ông đã
vươn lên làm giàu, góp phần làm đẹp cho cuộc sống hôm nay. Nét đẹp của các gia
đình nơi đây, không phân biệt Kinh - Thượng, Êđê hay H’rê, Lạch… cùng chung tay, góp tiền của giúp đỡ người nghèo, mong cho mọi người xung
quanh thoát nghèo. Nét đẹp đó không phải nơi nào cũng có, nhất là trong cơ chế
thị trường hiện nay.
Tây nguyên xưa kia
được biết đến như một vùng “đất rộng người thưa”, còn hôm nay, tai xã Cuôr Dăng
này thì “đất chật, người đông”, cuộc sống không vì thế nãy sinh sự hiềm khích,
mà ngược lại họ đang cùng giúp nhau xóa nghèo, vươn lên làm giàu, không phân
biệt sắc tộc. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa giáo dục cũng được nâng lên
bằng chính những đóng góp tự nguyện của người dân và kêt quả tất yếu, đến năm
2009 đã có 1.508/1.965 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”. Có thành công như
hôm nay ở Cuôr Dăng nói riêng và huyện Cư M’gar nói chung là nhờ sự chỉ đạo của
Đảng và Chính quyền thông qua những chỉ thị, nghị quyết hợp lý, hợp tình, hợp
với nguyện vọng người dân các dân tộc nơi đây nên được mọi tầng lớp tin theo và
cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và từ đó làm nên một vẻ đẹp riêng
của một miền quê vùng cao ngày một trù phú.
Tháng 4 năm 2010
Chưa lấy lại được nhưng nhất định sẽ lấy lại được. Nếu không lấy lại được thì xin… chịu kỷ luật! Sổ đỏ của Vườn không như sổ đỏ cá nhân nên không thế chấp để vay vốn hay cầm cố để vay tiền bạc được..
Trả lờiXóa*************
ÔNG NÀY DŨNG CẢM. NHƯNG CÓ LẼ CHỊU KỶ LUẬT CHỨ ĐỪNG TỪ CHỨC NHA ÔNG!
Hạt Cát ơi, các cụ dạy rồi: "MỒM QUAN, TRÔ TRẺ" thì cứ thế mà suy...!
Trả lờiXóa