Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

THÔNG BÁO


Sáng ngày 30 tháng 5 năm 2014, tại Văn phòng Hội Văn Nghệ Đăk Lăk, Ban chấp hành Chi hội Văn Học đã tiến hành họp phiên toàn thể dưới sự chỉ trì của ông Nguyễn Hồng Chiến – Chi hội Trưởng và thư ký: ông Nguyễn Liên – UVBCH, Tổ trưởng tổ Văn xuôi.
Hội nghị đã thông qua một số việc quan quan trọng:
I/ Đề nghị hỗ trợ 8 tác phẩm năm 2014:
1 Đỗ Trọng Phụng Thủ lĩnh Nơ Trang Lơngt Tiểu thuyêt
2 Nguyễn Văn Thiện Nối dây Tiểu thuyêt
3 Mỹ Dung Thoát vòng ô nhục Tiểu thuyết
4 Tiến Thảo Một trăm bài thơ sen Tập thơ
5 Nguyễn Thị Bích Thiêm Đừng bao giờ bó tay chấm com Tập truyện
6 Lệ Hải Vòng tròn ảo Tập thơ
7 Linh Vũ Lão Ngư Tập thơ
8 Linh Nga & Niê Thanh Mai   Tập truyện

II/ Đề nghị xét kết nạp 02 hội viên mới:
1/ Tác giả Nguyễn Duy Xuân 
2/ Tác giả Lê Thành Văn

III/ Cử hội viên tham gia các trại sáng tác do Hội VHNT phối hợp tổ chức trong tháng 6&7/2014
1/ Trại sáng tác VHNT Ea Kar - trung tuần tháng 6
2/ Trại sáng tác Văn học "VÌ SỰ BÌNH YÊN CỦA NHÂN DÂN' - dự kiến cuối tháng 6 đầu tháng 7.
3/ Trại sáng tác "HƯƠNG RỪNG 6" - dự kiến trung tuần tháng 7.



Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

MỘT THOÁNG THIÊN ĐƯỜNG CÀ PHÊ MEHYCO - BUÔN MA THUỘT

Giới thiệu nét đẹp Ban Mê qua ống kính!






Lối vào THIÊN ĐƯỜNG CÀ PHÊ MEHYCO (ảnh trên)
Một số cảnh trong quán (ảnh dưới)




Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

CHÚ THÍCH ẢNH



Chụp được bức ảnh hoa cà phê nở đẹp, tác giả thích quá mang về tòa soạn khoe và nhờ bạn bè đặt tên hộ.
-         Cứ đặt cho nó cái tên: HOA CÀ PHÊ là đủ.
-         Nhìn bức ảnh này ai mà không biết hoa cà phê chắc chỉ có người khiếm thị - một người khác góp ý, theo mình đặt: KHOẢNG KHẮC BAN MÊ
-         Nghe chưa chuẩn lắm, theo mình nên đặt tên: HƯƠNG SẮC BAN MÊ
-         HƯƠNG CÀ PHÊ phù hợp với bức ảnh này, ông Phó tổng góp lời.
Mọi người gật gù đồng ý với cái tên cho “đứa con tinh thần” của tác giả. Bức ảnh được điền tên rồi treo lên tường, bỗng có tiếng nói cất lên phía sau mọi người:
-         Sao lại đặt tên HƯƠNG CÀ PHÊ? Mình có thấy hương đâu. 
Mọi người đều ngạc nhiên, quay lại thấy một vị công tác viên cao niên đến từ lúc nào, không ai biết vừa đưa ra nhận xét; tác giả liền hỏi:
-         Thế theo bác thì đặt tên là gì cho phù hợp?

-         À, m…ình, m… ình chưa nghĩ ra!

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

KỶ NIỆM ĐẢO LÝ SƠN


Thăm đảo Lý Sơn


Đoàn VNS tỉnh Đắk Lak làm việc với Huyện ủy và UBND huyện đảo Lý Sơn 


Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Dak Lak (bên phải ảnh) tặng quà lưu niệm quân và dân huyện đảo Lý Sơn 


Lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện đảo Lý Sơn chụp ảnh lưu nhiệm với đoàn VNS Đăk Lak. 


Cây BÀNG VUÔNG trên đảo Lý Sơn 


Cây PHONG BA trên đảo Lý Sơn 

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

MỘT LẦN VỀ THĂM QUÊ BÁC

 Ao sen trước ngõ nhà Bác



Đoàn người xếp hàng dài như vô tận về thăm nhà Bác.


Căn nhà lá đơn sơ, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời (ảnh trên)
Cây cam triễu quả trong vườn nhà Bác (ảnh dưới)


Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

GIỚI THIỆU CHUYANGSIN số 261 - tác giả BÍCH THIÊM

Tác giả BÍCH THIÊM

Göûi moät ngöôøi

Göûi ngöôøi
daïo böôùc phöông Nam
aùng maây ñaàu nuùi
khoùi lam boài hoài…

ñöôøng ñi
muoân noãi xa xoâi
neûo veà mong ñôïi
tím trôøi coû hoang
lẫn vaøo soùng nöôùc meânh mang
ñiệäu buoàn xöù sôû leânh loang daï chieàu

nhôù ai
maây nuùi coâ lieâu
mộät doøng tin
biết bao ñieàu

chôi vôi…

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

GIỚI THIỆU TẠP CHI CHƯ YANG SIN SỐ 261 - THÁNG 5 NĂM 2014










LÁI MÁY BAY chuyện vui của HỒNG CHIẾN







K… eng, k…eng, k… eng!
Tiếng kèn báo hiệu đến giờ ăn cơm chiều của Trường Quân sự Quân khu vang lên, đoàn Dak Lak tập trung điểm danh thiếu mất một người, Trưởng đoàn – vị Giám đốc Sở G băn khoăn hỏi Chủ tịch UBND huyện K:
- Vị Đại tá cảnh sát của ta sao vắng mặt?
- Anh ấy đi lái máy bay rồi!
Cả đoàn ai nấy đều mắt tròn xoe như hòn bi khi nghe Bà Chủ tịch trả lời, ai cũng biết tuổi ngoài 50 rồi mà còn đi học lái MÁY BAY thì… Trưởng đoàn không dấu nỗi sự ngạc nhiên, hỏi lại:
- Cô nói sao?
- Vợ ổng bay ra chiều thứ 6, thuê khách sạn đợi; trưa chủ nhật mới chia tay bay về lại Buôn Ma Thuột để thứ 2 làm việc. Hôm nay chiều thứ sáu, đúng lịch anh ấy ra đấy không LÁI MÁY BAY thì đi làm gì ạ!


Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

GIỌT NƯỚC MẮT CỦA HOÀNG TỬ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - DAK LAK NGUYỆT SAN SỐ: 3+5 năm 1996



-Cộc, cộc, cộc…
Tiếng gõ liên tiếp vào gốc cây làm tôi bừng tỉnh, thò đầu ra khỏi tổ thấy bác Đầu Rìu đang chăm chỉ làm việc. Toàn thân bác khoác tấm áo trắng điểm xuyến những chiếc lông đen, đỏ trông vừa trang nhã, vừa lịch sự. Còn cái mũ bác đội mới đẹp làm sao, nó tựa như chiếc quạt giấy màu đỏ, lúc xòe ra, lúc cụp lại, nhìn xa giống như chiếc rìu dựng ngược, có lẽ vì thế mà mọi người ở cái xóm này ưa gọi tên Đầu Rìu thay tên cúng cơm của bác Gõ Kiến. Với cái mỏ dài gần bằng chiều dài thân mình, bác chuyên cần khám bệnh, bắt những con sâu bọ ẩn nấp sâu trong thân cây.
Tôi đứng trên thành tổ cất tiếng chào. Bác Đầu Rìu ngừng ngay công việc của mình đáp lại tôi:
-Chào Hoàng Tử!
Và không kịp nghe tôi trả lời, bác sải cánh lao vút đi làm công việc của mình; chắc còn nhiều cây ốm cần bác đến khám bệnh. Lúc này tôi mới để ý đến xung quanh: những giọt nắng ban mai hiếm hoi của buổi bình minh xuyên qua kẻ lá vẽ những nét kỳ quặc trên mặt đất. Mấy nhà hàng xóm đã dậy đi làm việc, tiếng chào hỏi, tiếng ca hát rộn ràng vui vẻ. Tôi định bay đi dạo thì ngay lúc đó tiếng chị gái từ phía sau vang lên:
-Hoàng Tử dậy rồi à, hôm nay phải đi học đấy.
Chị nói dứt lời cũng nhẹ nhàng đậu xuống cạnh tôi. Chà, buổi sáng nhìn chị tôi mới đẹp làm sao: trán và hai bên má màu vàng đậm; ào choàng dưới bụng màu vàng tươi; đỉnh đầu, khoang cổ và lưng màu xám; điểm thêm vài chiếc lông đen óng ả trên hai cánh và phía đuôi, tôn thêm vẻ đẹp cao quý của chị. Đôi chân nhỏ xíu như cái que tăm cũng một màu vàng óng ả; có lẽ vì vậy nên ai cũng gọi chi tôi là cô Công chúa của núi rừng Tây Nguyên. Tiếng hát của chị tôi thi… khỏi khen; nó thánh thót, ngân dài, lúc dào dạt như nước suối reo, lúc êm ái như làn gió ban mai lướt nhẹ… Dù có buồn đến mấy khi nghe tiếng hát của chị tôi, tâm hồn như trẻ lại, phới phới niềm tin. Tôi nghĩ, chắc do bộ cánh đẹp nên chị hát hay mới năn nỉ ba má cho đổi. Ba tôi cười bảo:
-Con xem, con là con trai phải mặc như ba mới ra cánh đàn ông. Còn phụ nữ họ mặc đồ nhiều màu sắc thể hiện sự cầu kỳ, tỷ mỷ của giới nữ, làm sao đổi được.
Tôi nhìn lại ba, rồi lại ngắm mình và bật cười. Đúng thật, cánh đàn ông cũng oai vệ ra phết. Này nhé, bộ đồ của tôi toàn phần đầu, cổ, lưng và cánh màu đen bóng mượt, không lem nhem như của phụ nữ; phần bụng, hai bên hông, phần trên cánh và đuôi màu đỏ rực như ớt chín. Cái mỏ chỉ to bằng nửa hạt lúa đen bóng, thể hiện sự cứng cõi của cánh đàn ông. So với hàng xóm sinh sống trong khu rừng già này, thân hình ba má tôi rất khiêm tốn, có lẽ chưa bằng cái đầu của bác Bìm Bịp, nhưng ai ai cũng quý mến. Mọi người thường gọi tôi là Hoàng Tử, cái biệt hiệu này là gì tôi cũng không biết.
-Ta đi thôi em.
Không chờ tôi trả lời, chị giang cánh bay vút đi, tôi vội vã lao theo. Ra đến đầu buôn, nơi có dòng suối lớn chảy ngang qua, ba má tôi đứng trên hòn đá lớn đã đợi từ lúc nào rồi. Ba bảo:
-Hôm nay đi học đường xa, nhớ phải theo sát ba má, không được ham chơi đi quá xa, nguy hiểm đấy.
-Dạ, con biết rồi!
-Cái gì con cũng bảo: “biết rồi. biết rồi”, nếu con không vâng lời khi ăn năn sẽ muộn đấy.
Má giọng đượm buồn dặn thêm. Cả nhà tôi di chuyển dưới tán lá cây cổ thụ sống hàng trăm năm mọc ven suối tìm bắt những con côn trùng, sâu bọ. Bọn sâu cũng ranh mãnh lắm, con thì quấn lá che kín mình, con lại ngụy trang như một cành cây khô hay lá cây… Mỗi loại được ba má chỉ dẫn cặn kẽ từng tí một. Tôi nghe mãi đến chán ngắt nên quyết định trổ tài cho mọi người biết.
*
**
Tôi lặng lẽ tách ra đi một mình và quyết phải tóm lấy một con sâu cho cả nhà ngạc nhiên. Đây, một con sâu giả vờ làm một cành cây, nhưng nó quên giấu sáu cái chân chổng ngược lại với cành. Tôi lấy hết sức bình sinh giáng cho nó một cú quyết định. Vèo, cả người tôi chúi về phía trước chới với giữa khoảng không, đầu cắm xuống đất, chân treo ngược lên trời; còn con sâu biến đâu mất. Chà bọn sâu này ghê thật. Có lẽ tại tôi hơi chậm, tìm con khác vậy.
Bờ sông Krông Năng mùa khô nước trong như lọc, thấy rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội, nhởn nhơ vui đùa. Tôi bỏ đàn cá đi quan sát từng cành cây, chiếc lá, mong tìm ra dấu vết con mồi. Ồ, đây rồi; tôi thầm kêu lên khi thấy mấy chiếc lá non bị gặm nham nhở lắt lay trước gió. Đích thị có tên sâu nào đó gây nên thảm cảnh này, nó vừa ăn xong thì phải. Theo vết để lại, dẫn vào chùm lá già, tôi quan sát thật kỹ và thấy con sâu mập ú, màu xanh non đang ngủ ngon lành ngay trên cành cây cùng màu xanh, được che khuất bằng một chiếc lá. Giờ thì phải cẩn thận, vào gần cho chắc khi đưa ra đoàn quyết định để tóm gọn mục tiêu. Cộp! Chiếc mỏ của tôi va vào cành cây đau điếng, nổ hoa cả hai con mắt, còn con sâu lại biến mất.
Lạ nhỉ, rõ ràng nó đang ngủ cơ mà! Hay mình bị nó lừa? Tôi nổi cáu quyết truy tìm con sâu tinh quái này. A, nó núp dưới mặt lá, chắc khi nãy nó buông mình rơi xuống đó. Lấy hết sức bình sinh lao vút vào chiếc lá, chiếc lá thủng một lỗ lớn tạo thành cái vòng treo quanh cổ tôi, tôi reo vang cả rừng:
-Bắt được rồi, bắt được rồi ba má ơi!
Tên sâu khốn kiếp quằn quại, giãy dụa, nhưng cuối cùng đành biết phận nằm im. Tôi định mang tên sâu - chiến lợi phẩm đầu tiên trong đời của mình về nhà cho mọi người biết như một lời khẳng định: Tôi đã là người lớn, một thầy thuốc giỏi rồi nhé. Chắc chị gái sẽ tròn mắt khâm phục, còn ba má vui lòng lắm đây. Tôi hình dung ra khuôn mặt của mỗi người khi nhìn thấy tôi trở về với con sâu trên mỏ…
*
**
Bỗng có tiếng kêu khóc ai oán từ đầu núi vọng lại, nghe xót xa, đau đớn làm sao. Tôi tò mò bay đến gần và thấy một bạn Kim Tước khoác bộ áo vàng tươi đang kêu khóc thảm thiết sau chùm lá. Lạ quá, tôi lại gần rồi hỏi:
-Bạn gì ơi, sao lại khóc như thế?
-Nghe tôi hỏi, người bạn mới hoảng hốt kêu lên:
-Bay đi, bay đi, nguy hiểm đấy!
Cô bạn mới đúng là con gái, nhìn cái gì cũng sợ; đây là núi rừng của tôi có gì mà phải sợ cơ chứ. Để tỏ rõ bản lĩnh của mình, tôi nhảy lại gần hơn, tự hào nói:
-Là đàn ông không có gì phải sợ, tôi có giúp được gì cho bạn không?
-Bay đi, bay ngay đi. Người đấy?
Kim Tước tỏ vẻ hoảng hốt gào lên như thấy một con vật gì đó khủng khiếp lắm đang sợ bị nó làm hại. Tôi mỉm cười hỏi lại:
-Người là cái gì mà đáng sợ như thế?
Tôi trả lời và tò mò, nhảy lại gần với mong muốn an ủi người bạn đang tuyệt vọng. Cô ta hoảng sợ lại gào lên:
-Dừng lại! Dừng lại, đừng lại gần tôi.
Tôi phớt lờ cảnh báo, nhảy thêm bước nữa thì… “Phập”, tiếng động không to lắm vang lên, cùng lúc trùm lên mình tôi một tấm mạng nhện khổng lồ trong suốt. Tôi cố vùng vẫy, nhưng đã muộn. Một con vật kì lạ hình hài giống vượn nhưng to hơn những con vượn lớn nhất, nhe hàm răng trắng toát, cười khoái trá nhìn tôi lồng lộn trong lưới. Con vật lạ thò bàn tay năm ngón gớm guốc không một sợi lông tóm lấy tôi, bỏ vào lồng sắt. Tôi gào lên tuyệt vọng, còn con thú lạ lại vui vẻ thốt lên:
-A, Hồng Tước, loài chim quý được đặt tên Hoàng Tử của rừng Trường Sơn đây, đẹp quá. Hôm nay trúng quả đậm.
Con thú – Người ấy nói xong xách cả hai cái lồng nhốt tôi và cô bạn Kim Tước đi ra Quốc lộ, đón ô tô xuôi về thành phố. Cánh rừng già yêu quý thuộc dãy Trường Sơn lùi dần, lùi dần về phía sau. Dấu ấn cuối cùng tôi nghe được là tiếng kêu khóc thảm thiết của ba, má, của chị gái tôi bay đuổi theo con người đến lúc chiếc ô tô chồm lên, buông tiếng ho hụ hụ, nhả khói mù mịt, rồi… tất cả tắt hẳn.
Tôi đau đớn, ân hận biết chừng nào. Giá như nghe lời ba má, nghe lời chị không trốn đi để thể hiện mình thì đâu nên nỗi bị con Người bắt nhốt trong cũi sắt thế này. Chỉ một phút bồng bột của tuổi trẻ tôi đã phải trả giá quá đắt cho cả cuộc dời mình. Biết bao giờ mới được trở về với rừng…
Giọt nước mắt mặn chát chảy xuống lưỡi, nhưng tất cả đã muộn.

Mùa khô năm 1996





Mời bạn cùng xem một số hình ảnh đẹp về đá trên bờ vịnh Vĩnh Hy thuộc tỉnh Ninh Thuận - nơi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam










Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

CHUYỆN THẬT NHƯ BỊA: LỖI TẠI ÔNG!



Đi công tác xa về, ông đến thăm cháu nội, ba má bận dạy học nên các cháu ở nhà với bà ngoại. Vừa dừng xe trước cửa đã nghe tiếng quát, tiếng khóc trong nhà vọng ra ồn ào như chợ vỡ. Bước vào nhà thấy cháu lớn bị phạt úp mặt vào tường đang nức nở khóc; còn cô em vừa khóc vừa kêu: Nóng quá, nóng quá… mặc cho bà ngoại mồm quát, tay giữ chân, tay xoa thuốc.
-          Sao thế này chị?
Nghe tiếng ông nội, cả hai cháu gái được thể gào khóc to lên, bà ngoại phân trần:
-          Học lớp 3 rồi mà sao nó ngốc thế, bắt em cầm ly thủy tinh để chị rót nước sôi, ly vỡ làm bắn nước vào chân em.
-          À, lỗi này tại nội vì nội chưa dạy cháu việc này. Bé Ba ngồi im cho bà bôi thuốc mới hết đau;  còn Bé Hai qua xin lỗi bà rồi lại đây với ông.
Bé Hai mếu máo quay mặt lại xin lỗi bà, giọng vẫn ấm ức, nước mắt đầm đìa, có vẻ như oan ức lắm. Bé Ba chạy lại ôm chầm lấy cổ ông nhưng vẫn kêu khóc. Vừa vỗ về hai cháu, ông vưa căn dặn:
-          Nước sôi không thể đổ ngay vào ly tủy tinh được vì làm như thế ly sẽ vỡ do nước nóng quá.  Lẽ ra nội phải dặn các cháu từ trước thì hôm nay đâu có bị thế này, lỗi này tại nội.
-          Dạ!
Cả hai chị em đều trả lời ông cùng lúc. Ông hỏi thêm:
- Sao con rót nước sôi lại bảo em cầm ly?
- Dạ, con rót xong rồi em mới bưng lên thì li tách đôi làm bắn nước vào chân đấy ạ.
- Có nước lọc sao con không uống lại đi đun nước sôi làm gì?
- Mẹ điện về bảo ông nội xuống nên chúng con đun nước để pha tra mời ông ạ.
- Ông...!



Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

NHẬT KÝ MỘT CHUYẾN ĐI bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 201 THÁNG 5 NĂM 2009




Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi rời Buôn Ma Thuột xuôi theo quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa; không khí mát mẻ vì đêm qua trời đổ cơn mưa khá lớn. Mùa này Dak Lak có mưa như trời cho nhà nông thêm vàng, cà phê không phải tưới, ruộng rẫy thoát khỏi khô hạn. Tới km 61 thuộc địa phận huyện Ea Kar, xe rẽ phải vào con đường đất rất khó đi, đầy “ổ voi ổ trâu” và một thứ mùi khó chịu ập vào xe. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài ngồi bên tôi vội nói: Đóng cửa xe lại để bật máy lạnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà thơ Đặng Bá Tiến cười buồn: Chúng ta đến địa phận nhà máy Tinh bột mỳ Ea Kar rồi đấy. Ngày cắt băng khánh thành rất đông quan khách về dự, sau buổi lễ ông Giám đốc Nghiêm Minh Tiến mời tất cả ở lại nhà máy dùng bữa cơm thân mật, nhưng nhiều người vội vã ra xe về ngay vì cái mùi đặc trưng này. Mọi người ồ lên ngạc nhiên.
Vượt cầu Krông Năng, nhà máy Tinh bột mỳ xây khá bề thế hiện ra qua khung cửa kính. Nhờ có nhà máy này mà nhiều hộ nông dân của các huyện Ea Kar, M’Đrăk, Krông Năng thoát khỏi đói nghèo; nhưng những người dân xung quanh khu vực nhà máy đang phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường khá nặng; không biết đến bao giờ mới cải thiện được. Qua nhà máy tinh bột mỳ, nhà thơ Hoàng Thiên Nga thông báo: Chúng ta sắp vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Mọi người ồn ào cả lên vì địa danh nổi tiếng qua vụ án săn động vật quý hiếm của ông Đại Hùng bị Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Ea Sô bắt năm 2003. Vụ săn bắn hai con Min trong khu bảo tồn làm tốn không ít giấy mực của cánh báo chí; vụ án kết thúc kẻ phạm pháp dù đương chức là giám đốc một sở của thành phố lớn hay là đại gia cũng phải cùng nhau ra trước vành móng ngựa. Luật pháp được thực thi.
 Còn tôi vốn là dân gần như “bản địa” ở đây (vì có hơn 20 năm sống và công tác tại huyện Ea Kar), trong những năm từ 1987 đến 1992 khi chờ Tòa án tối cao xét xử trả lại công bằng; vì mưu sinh, tôi đã lội khắp các cánh rừng của huyện Ea Kar. Trong một lần vào đồi Cô Đơn, tôi gặp một con vật: đầu trâu, chân bò, to như con voi; anh bạn cùng đi là sỹ quan Ban tuyến huấn Sư 333 bảo: “Bò xám” đấy! Tôi về viết một mẩu tin gửi báo Tiền Phong, không ngờ một mẩu tin ngắn hơn 100 từ đã làm chấn động giới khoa học trong nước, mấy hôm sau Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh lặn lội từ Hà Nội vào tận nhà hỏi thăm và nhờ dẫn đường vào rừng Ea Sô tìm “bò xám”. Sau một tuần lang thang trong rừng, vị Giáo sư khả kính tóc bạc trắng, tuổi gần bảy mươi nói với tôi: Căn cứ vào các dấu chân đo được trong rừng, nhiều khả năng đây là dấu chân bò xám vì nó to hơn và tròn hơn so với dấu chân min. Sau đó Giáo sư cóù bản báo cáo khá chi tiết gửi cho UBND huyện Ea Kar và UBND tỉnh Dak Lak, đánh giá của mình về khu rừng này. Qua trao đổi với Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh, tôi mới biết vài nét về con vật mang tên “bò xám”: con vật này đầu trâu, mình bò, thân hình to lớn, con trưởng thành có thể nặng từ 2,5 đến 3 tấn; nó được một nhà khoa học Pháp phát hiện và chụp ảnh lần cuối cùng vào năm1930 trên đất CamPuChia và từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy nó nữa; giới khoa học nghi đã bị tuyệt chủng. Còn con min đầu trâu, mình trâu, chân bò trọng lượng nhỏ hơn khoảng 1 đến 1,5 tấn có tên trong sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm A, đây là loại động vật quý hiếm. Khoảng hai tháng sau khi Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh về Hà Nội; một đoàn 7 nhà khoa học các nước: Vương quốc Anh, Vương quốc CamPuChia và Việt Nam đã vào rừng Ea Sô điều tra; sau một tháng làm việc, đoàn kết luận không có bò xám nhưng đây là khu rừng đa hệ sinh thái cần được bảo vệ nên đề nghị và được cấp trên chấp nhận, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã ra đời như vậy.
Xe chúng tôi vượt cầu sông Hai, chạy qua khu nhà làm việc của Ban quản lý Khu bảo tồn được xây dựng khá khang trang. Con đường tỉnh lộ nối hai tỉnh Phú Yên - Dak Lak chạy qua Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, phần đường từ sau cầu sông Hai xuôi thành phố Tuy Hòa làm khá tốt. Phía bắc đường được trồng khá nhiều cây keo tai tượng cao quá đầu người, phía nam ngay sát đường là những đám rẫy gieo mè xanh mơn mởn. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy ngạc nhiên hỏi: Sao Khu bảo tồn thiên nhiên lại gieo mè nhiều thế? Câu hỏi của Thúy làm mọi người lặng đi vì thực tế đang được thấy và không biết phải trả lời như thế nào. Cuối địa phận tỉnh Dak Lak, công trình thủy điện Krông H’Năng có vị trí gần đường đang hối hả thi công, con đập chính ngăn nước sắp hòan thành, xe tấp nập nối đuôi nhau xuôi ngược. Bức tranh công nghiệp khai thác “vàng trắng” đang thực thi ở đây đã sắp hoàn chỉnh, nhưng một phần khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô sẽ bị ngập nước, một diện tích không nhỏ đất đai sẽ chìm dưới lòng hồ; đây cũng chính là nỗi băn khoăn của nhiều văn nghệ sỹ Dak Lak khi cho rằng: chúng ta ồ ạt xây dựng các nhà máy thủy điện, liệu có tính đến một diện tích đất đai rất lớn chìm dưới dòng nước, hiệu quả kinh tế về lâu dài như vậy có khả quan không?
Gần 12 giờ trưa chúng tôi đến thành phố Tuy Hòa, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Phó chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Phú Yên đón chúng tôi đưa về khách sạn Công Đoàn. Tôi không ngờ nhà văn trẻ này lại có nét phong trần đến thế, tuổi còn kém tôi xa, nhưng tóc đã bạc quá nửa. Anh khác hình ảnh mà tôi đã hình dung qua những lần trao đổi điện thoại. Sau bữa cơm thân mật do Hội chiêu đãi, chúng tôi kéo nhau về văn phòng Hội. Đoàn văn nghệ sỹ Dak Lak nhiều người ngạc nhiên như không thể tin ngôi nhà ba tầng đồ sộ được xây ngay sát biển là trụ sở của Hội VHNT tỉnh. Căn nhà đẹp quá, vị trí cũng thật lý tưởng: một bên là quảng trường, một bên là biển, gió lồng lộng thổi… Văn phòng Hội tọa lạc trên tầng hai khá rộng, đoàn Dak Lak 11 người ngồi chưa hết nửa chiếc bàn hình ô van, phần còn lại là các văn nghệ sỹ tỉnh bạn. Nhà văn Đào Minh Hiệp – Chủ tịch hội VHNT Phú Yên báo cáo sơ qua vài nét về tỉnh: dân số hơn 800 ngàn người, hội viên của Hội hơn 200, cơ sở như các bạn đã thấy, trên tầng ba có 4 phòng khách vì đang sửa lại hệ thống nước nên không thể bố trí cho đoàn ở lại được… Nghe Chủ tịch Hội báo cáo trụ sở hội có hẳn 4 phòng khách trang bị đầy đủ tiện nghi, làm đoàn VNS Dak Lak càng thêm sửng sốt. Vâng! Thật sự sửng sốt! Một tỉnh mới thành lập, dân số chỉ sem sém cỡ một nửa dân số tỉnh Dak Lak thế mà có một cơ ngơi làm việc như trong mơ. Trông người lại ngẫm đến ta...! Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cho biết thêm về tạp chí Văn nghệ của Hội: tháng rưỡi ra một số, mỗi số in 600 bản, trong đó một nửa được phát hành theo yêu cầu của bạn đọc; kinh phí dành riêng cho tạp chí hơn 200 triệu, tạp chí có tài khoản riêng, con dấu riêng.… Vốn là “dân” cùng làm tạp chí văn nghệ như nhau, các anh có cái hơn đồng nghiệp Dak Lak là Tạp chí được tự chủ về kinh phí hoạt động, biên chế nhân sự nhiều hơn, tuy số lượng phát hành cũng sàn sàn như nhau (Phú Yên 3 tháng hai số, còn Dak Lak mỗi tháng một số với 500 bản). Thư ký tòa soạn  tạp chí Văn Nghệ Phú Yên – Huỳnh Văn Quốc cũng có những trao đổi hết sức chân tình về hoạt động của tạp chí nói chung và công tác cộng tác viên nói riêng. Hai tạp chí của hai hội Dak Lak và Phú Yên đều có chung một điểm giống nhau: cộng tác viên các tỉnh bạn rất nhiều. Cuộc gặp mặt - giao lưu giữa đoàn VNS Dak Lak và Hội VHNT Phú Yên đã đến lúc phải chia tay. Tôi nhận lời chuyển đề nghị của các anh về lãnh đạo hội VHNT Dak Lak sẽ kết hợp cùng tổ chức một trại sáng tác chung giữa hai tỉnh trong thời gian gần nhất.
Chiều, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo dẫn đoàn lên thăm tháp Nhạn – một di tích độc đáo của người Chăm ở tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn tọa lạc ngay trên đỉnh núi Nhạn, cao khoảng trên chục mét, có cấu trúc gần với tháp Bà - Nha Trang. Sân tháp được lát gạch vuông đỏ au khá rộng, là nơi hàng năm được Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại đây. Xung quang gò, cây cối xanh tốt, nhiều cây có đường kính khá lớn, xen kẽ là những chùm hoa lạ làm cho người đến thăm thấy thêm phần linh thiêng. Đứng ở chân tháp nhìn về phương bắc có thể thấy toàn bộ thành phố Tuy Hòa với những tòa nhà cao tầng rất đẹp vây quanh cánh đồng lúa xanh mượt mà ở giữa; quay về phía đông nam là một cây cầu dài đang thi công chạy sát mép biển, nối hai bờ sông. Thành phố giống như một bức tranh đẹp nhưng chưa hoàn thiện. Muốn vào trong tháp để thắp hương, mọi người phải lách mình qua một người phụ nữ  đứng tuổi với một quầy hàng nho nhỏ bán bánh trái và một con chó nhỡ án ngay cửa tháp. Một danh thắng gần trung tâm thành phố, rất đông du khách đến thăm quan, trong đó có cả người nước ngoài, vậy mà… tôi thấy man mác buồn. Không biết các cơ quan quản lý khu di tích nghĩ gì khi để hình ảnh này cứ tiếp tục tái diễn trước du khách đến đây.

Sáng ngày 29 chúng tôi đến ghềnh Đá Đĩa thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, đây là di tích đã được xếp hạng. Từ đất liền nhô ra biển một mỏm đá không lớn lắm, chu vi khoảng sáu bảy chục mét thôi nhưng được sắp xếp hoàn toàn bằng những khối đá ngũ giác có các cạnh khá đều nhau, mỗi cạnh dài hơn 30 cm một tý; đứng xa nhìn ta có cảm giác nó như một tổ ong vàng khổng lồ. Tôi chợt nhớ đến thác Dray Sap cũng có những cột đá hình dáng kích cỡ giống y hệt thế này. Thiên nhiên thật kỳ diệu, từ  ghềnh Đá Đĩa thuộc tỉnh Phú Yên cách xa thác Dray Sap tỉnh Dak Lak hàng mấy trăm cây số sao lại có những cột đá đĩa giống nhau đến vậy! Biển xanh biếc, từng cơn sóng ồ ạt thi nhau chạy vào tung những ngọn nước cao ngất trườn lên mặt ghềnh như muốn đánh bóng cho các tảng đá đĩa. Văn nghệ sỹ Dak Lak thi nhau bấm máy, đâu đó xen lẫn tiếng xuýt xoa: đẹp, đẹp quá! Nhưng phải nói thật: tiếc cho một danh thắng còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan du lịch, thiếu sự đầu tư  cho cơ sở hạ tầng; bên cạnh tấm bia được đắp bằng xi măng ghi rõ ngày tháng ghềnh Đá Đĩa được công nhận di sản quốc gia, chỉ có một căn lều chiều ngang độ 3m, dài 6m, trên lợp lá, xung quanh thưng… gió, không một bóng người. Mải mê chụp hình, ghi chép, mặt trời lên đỉnh đầu anh em mới vội vã quay về, khi đi đến gần thành phố Tuy Hòa, nhà thơ Lê Vĩnh Tài thông báo: Mấy anh ở Hội đang đợi chúng ta về ăn bữa cơm liên hoan chia tay. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo và nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Quỳ ra tận xe đón đoàn, Bữa cơm trưa thân mật thắm tình bè bạn, nồng ấm tình cảm gia đình, làm ai cũng say, cái say của tình bạn nghệ sỹ.
 Chiều tối đoàn đến thị xã Cam Ranh, các bạn cộng tác viên của tạp chí được thông báo trước đến khá đông, có những người ở xa trên chục Km như Thùy Liên phải nhờ chồng giữ con, đội mưa đến gặp; hay cô gái làm thơ vàø thích đùa - Lam Hạnh tuổi đời còn rất trẻ; có người tuổi chưa nhiều như tác giả thơ Trần Quang Phong mang dáng dấp của người trung niên, chưa uống đã… say! Quây quần đọc thơ, kể chuyện đến tận khuya không dứt ra được. Người được các cây bút trẻ Cam Ranh nhắc nhiều nhất là nhà thơ Lê Vĩnh Tài và nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, những người rất quen trên văn đàn nhưng chưa được gặp mặt, nay bên nhau như thể không dứt ra được. Hồng Minh rất vô tư nhận xét: Anh Tài khác xa so với em tưởng tượng khi chưa gặp. Nhà thơ Tôn Nữ Ngọc Hoa của đoàn Dak Lak hỏi lại: Có phải em thất vọng vì Tài không có râu? Dạ! Mọi người cười ồ lên trước sự vô tư của các bạn trẻ Cam Ranh. Có lẽ say với không khí văn chương mà đoàn Dak Lak ai cũng đọc thơ, toàn những bài tủ của mình; nhạc siõ Sỹ Hùng tuy tuổi đã cao nhưng có lẽ say với không khí nên không những đọc thơ, hát mà còn trổ tài kể chuyện thi với các bạn Cam Ranh làm cho đêm giao lưu như thêm ấm cúng hơn, mặc dù về khuya trời đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt. Riêng tôi cũng phải trả lời những thắc mắc: Tại sao bọn em gửi bài nhiều mà lâu không thấy được đăng?
Sáng hôm sau rời thị xã Cam Ranh tiếp tục hành trình về thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Thành phố vào những ngày nghỉ lễ nên “cháy phòng”; mọi cố gắng nhờ bạn bè liên hệ khách sạn đều không thành công, trong lúc khó khăn chưa biết làm thế nào thì nhà thơ Lê Công Hương thông báo: Bạn mình công tác ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã liên hệ được hai phòng ngủ tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Thật mừng song cũng hơi ngại khi phải vào ở ngay trong cơ quan quân sự. Nhưng sự tiếp đón chân tình của cán bộ chiến sĩ nơi đây đã làm yên lòng anh chị em văn nghệ. Tuy hơi chật nhưng tiện nghi không kém bất kỳ một khách sạn nào, làm ai cũng vui và nhất trí ở lại thêm một đêm nữa trước khi lên Đà Lạt. Hai ngày ở Phan Rang rồi vào thành phố Phan Thiết, lại quay ra Phan Rang, trời vẫn đổ mưa tầm tã, nhiều nhà dân hai bên quốc lộ 1A bị chìm trong nước, những người nông dân trồng nho, thanh long be bờ tát nước trong gió mưa làm mủi lòng các văn nghệ sỹ, ai cũng xuyt xoa. Nhà văn Đỗ Trọng Phụng nhận xét: Người nông dân ở vùng nào cũng cực vì sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên; các ông thấy đấy mưa gió thế này làm sao có thể giữ nổi không bị úng ngập. Trời vẫn mưa, tác giả thơ Lê Hưng Tiến – Hội VHNT tỉnh Ninh Thuận đội mưa chạy xe máy đến tình nguyện dẫn đoàn đi tham quan. Trên con đường về thăm thôn Đá Trắng gần thành phố Phan Rang, đường rải nhựa chỉ rộng khoảng 5m thôi nhưng người dân chiếm mất gần một nửa phơi lúa. Trời dần dần tối, xa xa trên các thửa ruộng đã gặt lác đác vài con cò trắng lẻ loi đứng ngửa mặt nhìn trời (cũng lạ, tại sao cò trắng nơi đây không đi theo đàn như ở Dak Lak); trên đường những người đồng bào Chăm lầm lũi bước theo những chiếc xe bò chất đầy lúa đi xiên xiên qua những hạt mưa bay làm lòng tôi thấy nao nao. Lúa đã nhiều, nhà xây mô đen cũng lắm, nhưng người nông dân vẫn còn lam lũ lắm lắm.
Trưa mùng 2 tháng 5 chúng tôi đặt chân tới thành phố Đà Lạt, trời vẫn lất phất mưa. Đón chúng tội tại trụ sở Báo Sài Gòn thường trú, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm – Tổng biên tập báo Lâm Đồng thông báo: Các bạn thông cảm, hiện nay không còn phòng nên ở tạm đây vậy. được phòng nghỉ trong những ngày này là tốt quá rồi - nhà thơ Hoàng Thiên Nga đỡ lời. Đà Lạt khí hậu khác hẳn Ban Mê cũng như các tỉnh mà đoàn Dak Lak vừa đi qua. Lạnh. Sắp đến mùa hè nhưng ai cũng run vì lạnh, đành ghé chợ Đà Lạt mua áo ấm. Mỗi người tranh thủ chọn cho mình một bộ tránh rét và để răng khỏi va vào nhau, ai cũng tấm tắc: đúng là Đà Lạt! 14 giờ, chúng tôi lên xe đến trụ sở Hội VHNT Lâm Đồng. Thành phố du lịch vừa làm lễ đón nhận đô thị loại một nên không khí còn vui nhộn lắm; đường phố đầy hoa và kín người đi lại, mặc cho trời vẫn lắc rắc mưa. Trụ sở Hội VHNT Lâm Đồng là một tòa biệt thự cũ xây từ thời Pháp, tuy không bề thế như trụ sở Hội VHNT Phú Yên nhưng lại có vẻ đẹp riêng của nó, rất Đà Lạt. Thật bất ngờ khi các anh ở Hội VHNT Lâm Đồng đã có mặt đông đủ đợi đoàn. Nhà thơ Trần Ngọc Trác – Chủ tịch Hội, khỏe khoắn và hơi mập một chút so với trước đây; Nhà thơ  Phạm Quốc Ca – Phó chủ tịch, tóc bạc thêm mấy phần, chắc công việc quản lý ở Trường Đại học Đà Lạt đã vất vả nay phải gánh thêm trọng trách của Hội nữa, người sút đi cũng phải; nhà văn Lê Công – Phó chủ tịch, Tổng biên tập tạp chí LangBiAn có vẻ sút đi nhiều, da sạm đen; và còn nữa các nhà văn, nhà thơ của Hội VHNT Lâm Đồng như: nhà thơ Phạm Vũ,  nhà thơ Minh Hạnh, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Vĩnh… bắt tay đoàn và cười. Không khí ấm cúng như người trong một gia đình. Sau phần nghi thức xã giao, hai đoàn có cuộc giao lưu, mọi người thay nhau trình bày những tác phẩm mới nhất của mình. Trong niềm vui chung, có lẽ người vui nhất là nhà thơ Hoàng Thiên Nga và nhà thơ Đinh Thị Như Thúy; hai cô sinh viên trường đại học Đà Lạt năm nào nay trưởng thành, trở lại chốn xưa gặp lại bạn tâm giao và gặp được thầy giáo cũ: Nhà thơ – Tiến sĩ Phạm Quốc Ca. Nhìn cảnh thầy trò cùng xúc động, cùng đọc thơ, cùng nâng ly, lòng như ấm lại giữa cái rét của Đà Lạt. Trời tối lúc nào không biết, phải đến lúc chia tay nhau, các anh chị của Hội VHNT Lâm Đồng cùng hẹn ngày gặp lại tại Ban Mê. Trời vẫn lắc rắc mưa, nhưng lòng mỗi người như ấm lại, các anh chị ở Hội VHNT Lâm Đồng đã cho đoàn VNS Dak Lak thêm ngọn lửa để tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp sau chuyến đi thực tế sáng tác này. Buổi giao lưu để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp cho mỗi người và cứ mong sẽ có dịp tái ngộ.

Ngày mùng 4 tháng 5, đoàn VNS Dak Lak rời thành phố Đà Lạt đầy hoa và lòng mến khách để trở về Buôn Ma Thuột. Trời vẫn se se lạnh, nhưng không còn mưa nữa, mọi người đùa: Trời cũng chiều lòng người! Thành phố hoa lùi lại phía sau, những cánh rừng thông cũng lùi lại phía sau và những rừng cà phê tươi tốt lại hiện ra trước mắt mọi người – Dak Lak. Không đâu có những cánh rừng cà phê mượt mà xanh tốt như Dak Lak. Thế là đã trở về nhà sau chuyến đi sáu ngày vòng qua năm tỉnh, chắc chắn các anh chị em trong đoàn sẽ thu hái được rất nhiều tư liệu để có những tác phẩm văn học không những cho hôm nay mà còn cho cả mai sau. Những tư liệu có được sau chuyến đi chắc chắn sẽ là nguồn vốn hết sức quý giá để các văn nghệ sỹ dùng trong một khoảng thời gian dài không chỉ một vài năm. Cảm ơn Hội VHNT Dak Lak đã tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ có một chuyến đi bổ íc. Cảm ơn các hội VHNT tỉnh bạn: Phú Yên – Lâm Đồng và những người yêu thơ, cộng tác viên của tạp chí ChưYangSin ở các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã tận tình giúp đỡ đoàn có một chuyến đi thành công.

 Mùa khô năm 2009 

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

ĐIỆN BIÊN TRONG TÔI (tiếp theo)


Bút ký của Hồng Chiến

...
Sáng hôm sau cả đoàn lên thăm Sở chỉ huy chiến dịch của ta đóng trên đỉnh núi. Cánh rừng nguyên sinh còn đây, cây cối cao vút che lối mòn dẫn du khách lên thăm căn cứ địa ngày xưa; con đường rừng lầy lội ngày ấy, nay được lát đá, đi như dạo trong công viên. Thấy đoàn lên, hơn chục cháu bé người Tày, khoảng chín mười tuổi chạy theo đoàn và rất vô tư, các cháu trở thành thuyết minh riêng cho đoàn. Cứ đến một căn hầm hay một mái chòi lợp cỏ gianh  bên đường, các cháu lại tranh nhau giới thiệu: Đây là chỗ ở của cụ Trần Đạo Thuý, kia là nơi ở của bộ phận thông tin, chiếc hầm này là của Ban cố vấn… Các em cứ hồn nhiên thuyết minh bằng tiếng Việt rất đúng giọng thủ đô, làm anh em văn nghệ sĩ Dak Lak cứ tròn mắt thán phục. Hầm của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên, được đào xuyên qua lòng một ngọn núi và đứng trên cửa hầm có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực lòng chảo cánh đồng Mường Thanh. Cả khu vực chỉ huy được nối với nhau bằng giao thông hào, trong các điểm ở sâu trong lòng núi có cả chỗ ăn nghỉ cho các chiến sĩ bảo vệ và thông tin. Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ một mái lều gianh nhỏ dựng trước cửa hầm, nền đất khá bằng phẳng. Qua lều là căn hầm nền đất, tường đất, chiều ngang hơn một mét, cao khoảng gần hai mét nằm sâu trong lòng núi, không có gạch, hay bê tông, mà tất cả bằng đất; bàn làm việc được kết bằng những nan tre, ghế ngồi đều bằng những cây rừng thân tròn đục lỗ chôn chân xuống đất. Thật tài tình và kỳ diệu khi binh chủng Công binh non trẻ ngày ấy thiết kế, xây dựng được cả một công trình ngầm đồ sộ, chỉ bằng sức người với dụng cụ thô sơ: cuốc, xẻng, xà beng… Hơn 60 năm qua đi, các công trình ấy đến nay chắc chắn vẫn làm cho du khách sửng sốt khi được tận mắt chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật quân sự độc đáo này. Không biết những vị khách nước ngoài từng là bại tướng trong chiến dịch này, khi trở lại đây, tận mắt chứng kiến Chỉ huy sở của ta nằm ngay trên đỉnh đầu của họ và chỉ cách hầm chỉ huy địch khoảng 3 km đường chim bay mà không biết; họ sẽ nghĩ gì! Đây đúng là một công trình nghệ thuật về quân sự có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Đây là đồi A1, nơi ta và địch quần nhau với những trận giáp đánh lá cà ác liệt; một quả đồi được chia đôi, một nửa ta giữ, một nửa địch chiếm. Quân Pháp có hầm ngầm bê tông cốt sắt, có đại bác, xe tăng, máy bay yểm trợ - còn ta chỉ lòng căm thù ngút cao và chí sắt đá “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Căn hầm bí mật ta đào xuyên vào giữa lòng núi, đặt gần 1000kg thuốc nổ và biến ngọn núi thành một hố sâu hình chiếc phểu vẫn còn đây, nó như một chứng tích huy hoàng ghi lại chiến công của quân đội ta. Một quả đồi không rộng lắm, thế mà ta đào hầm xuyên vào giữa lòng núi, ngay trước mũi chúng, chúng vẫn không biết. Tài thật! Có lẽ chiến thắng của quân đội ta trong chiến dịch này là tổng hợp những điều thần kì mà cán bộ và chiến sĩ chung tay làm nên. Còn bọn thực dân Pháp và các nước đế quốc cung cấp tiền bạc, vũ khí nuôi dưỡng cuộc chiến tranh Đông Dương nói chung và cứ điểm Điện Biên Phủ này nói riêng, không thể hiểu nổi làm sao lại có nhiều chuyện thần kì đến thế!

Hầm chỉ huy địch, xây dựng giữa cánh đồng Mường Thanh, được lợp tấm thép hình vòm như nửa ống cống úp xuống, trên chất bao cát, nền láng bê tông, có phòng ăn, bàn ghế đầy đủ như một phòng công sở ở Hà Nội. Tiện nghi là thế, vũ khí hiện đại là thế, nhưng rồi tất cả bọn chúng cũng phải lầm lũi cúi đầu nhìn xuống chân, giơ tay lên trời cầu xin sự khoan dung của các anh bộ đội mũ nan, dép lốp. Hôm nay ngồi trong căn phòng chỉ huy toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, lòng tôi dạt dào cảm xúc: từng mảnh đất nơi đây đã thấm bao mồ hôi, xương máu cha ông để làm nên một chiến thắng vĩ đại, đánh dấu chung sự sụp đổ của chế độ thực dân và khẳng định sức mạnh của một dân tộc quật cường, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những góp phần quyết định mang lại hoà bình cho khu vực bán đảo Đông Dương mà hơn thế còn khẳng định một xu thế mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ bài học kinh nghiệm Điện Biên Phủ - Việt Nam, các dân tộc bạn bè trên khắp thế giới đặc biệt là: châu Á, châu Phi và châu Mĩ La Tinh đã làm các cuộc cách mạng dân chủ thàng công, chấm dứt chế độ thực dân trên toàn thế giới.

Về thăm cứ điểm Điện Biên Phủ khi xưa và nay là thành phố Điện Biên tráng lệ với những ngôi nhà cao tầng, đường nhựa rải thảm bê tông phẳng lì, xe ô tô lớn nhỏ ngược xuôi. Hai bên đường, cửa hàng, cửa hiệu đua nhau mọc lên như giới thiệu với du khách sự phát triển mạnh mẽ của một thành phố du lịch. Nhìn cảnh, ngắm người và ngẫm nghĩ, lòng tôi bổng thấy rưng rưng: Tượng đài chiến thắng Điện Biên đúc bằng đồng, được cả nước hướng về, xây dựng nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng, chỉ được một năm, bệ tượng đã nứt, bây giờ đang đào bới ra để gia cố lại. Chắc chắn qua sự cố này, sẽ có nhiều người băn khoăn như tôi: Tại sao lại vậy? Lỗi tại kỹ thuật, hay lỗi tại con người trong cơ chế thị trường hôm nay! Hàng quán tuy nhiều nhưng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ  - đặc sản riêng của xứ Mường Thanh hầu như rất ít, giá như chúng ta tổ chức tốt hơn các làng nghề, nó vừa là nơi bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền, vừa tạo sự cuốn hút cho du khách. Và tại các khu di tích, chính quyền cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần có đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách trong nước và quốc tế; có như thế người thăm quan mới hiểu hết các giá trị di tích… Còn đó những băn khoăn, còn đó những trăn trở, nhưng tôi tin và hy vọng cán bộ, nhân dân thành phố Điện Biên sẽ sớm khắc phục được những tồn tại, thiếu sót và biết cách khắc phục để vươn lên, xứng danh với một vùng đất đã đi vào huyền thoại: Điện Biên Phủ oai hùng – một địa danh du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng người Việt Nam mà của cả bạn bè quốc tế.


Điên Biên – Buôn Ma Thuột, 2005 – 2010

ĐIỆN BIÊN TRONG TÔI bút ký của Hồng Chiến - CHƯ YANG SIN SỐ: 213 tháng 5 năm 2010



Thế hệ chúng tôi sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Tiếng bom gầm đạn rú được nghe nhiều hơn tiếng ru của mẹ. Lớn lên một chút, khi nhận biết được những người xung quanh, bỗng giật mình vì toàn thấy người già và phụ nữ; còn thanh niên trai tráng đã nối gót nhau lên đường cầm súng đánh Mĩ, giải phóng Miền Nam. Hình ảnh những người đàn ông trung niên, phụ nữ không còn đủ tuổi và sức khoẻ để tuyển vào bộ đội thì hàng ngày ra đồng, trên vai họ ngoài cái cày, cái bừa còn có thêm khẩu súng trường K44, sẵn sàng nhả đạn vào bầy quạ sắt đến ném bom phá hoại. Khi máy bay Mĩ đến, người ta lấy ngay cái bừa, cái cày… phương tiện lao động thô sơ của người nông dân Việt Nam làm điểm tựa kê súng  trút đạn lên đầu thù; lũ giặc lái không thể hiểu nỗi, làm sao mà ở đâu cũng có lưới lửa phòng không tầng tầng lớp lớp bủa vây chúng. Còn chúng tôi, mới chục tuổi đầu đã phải chứng kiến bao cảnh thịt nát xương tan: sau mỗi lần dứt tiếng bom nổ là máu người lại đổ, có lần người ta phải chặt cả một bụi tre to để lấy bộ ruột người xấu số bị bom hất lên đó. Các mẹ, các chị nước mắt trộn mồ hôi, dùng hai tay bới đất tìm nhặt từng mảnh vụn thân thể của 37 em học sinh lớp ba và cô giáo đang trong buổi học bị máy bay ném bom trúng vào giữa lớp. Ác liệt là vậy, nhưng cánh trẻ chúng tôi vẫn đến trường, mặc dù đầu phải đội mũ rơm, lưng đeo nùn rơm chống mảnh đạn của quân thù. Những tháng năm còn học cấp một (bậc tiểu họcbây giờ), chúng tôi được làm quen với môn Lịch sử và rất tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông với bao chiến công hiển hách. Lớn lên một chút nữa, tôi được biết ngay trong thời đại của mình, lớp cha chú đã có một trận đánh nổi tiếng: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng ấy không chỉ manh tính quyết định mang lại độc lập tự do cho nửa nước Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào sự cáo chung chế độ Thực dân trên toàn thế giới. Điện Biên Phủ - Việt Nam! Tiếng hô đầy ngưởng mộ, tự hào của bè bạn khắp thế giới trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là biểu tượng khích lệ cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Tự hào về ông cha với những chiến công hiển hách đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho non sông đất nước; tự hào về một vùng đất anh hùng với những trận đánh oai hùng, lưu danh  hậu thế và có lẽ vì vậy, tôi đã từng mơ ước được một lần đặt chân tới Điện Biên Phủ, để tận tay bốc một nắm đất thấm máu cha anh, đặt lên bàn thờ tổ tiên với tấm lòng thành kính ngưỡng mộ, biết ơn.
Học chưa xong cấp III, miền Nam được giải phóng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Miền Nam trong những ngày đầu được giải phóng là một bãi chiến trường, nơi nào cũng hằn vết bom đạn cày phá. Theo tiếng gọi của Đảng, lớp thanh niên chúng tôi lại rời ghế nhà trường phổ thông vào Nam góp phần xây dựng lại quê hương, chống bọn phản động và đưa ánh sáng văn hoá đến cho người dân Tây Nguyên. Ước mơ về thăm Điện Biên Phủ đành phải gác lại.
Đầu tháng 7 năm 2005, tôi bất ngờ được Hội VHNT Dak Lak cho tham dự đoàn văn nghệ sĩ lên thăm Điện Biên Phủ;Thế là, mơ ước bao nhiêu năm nay bỗng nhiên thành hiện thực. Đoàn có sáu người do NSƯT Vũ Lân làm trưởng đoàn, xuất phát vào một buổi sáng đẹp trời tại Buôn Ma Thuột; rong ruổi đường trường, ngày đi đêm nghỉ, ba ngày sau chúng tôi đến thị xã Sơn La. Ở lại thăm thuỷ điện Sơn La và giao lưu với lãnh đạo địa phương một ngày, đón thêm ba Hội viên dự trại tại đây rồi tất cả cùng kéo nhau lên Điện Biên Phủ. Đường ngoằn ngoèo uốn khúc, cheo leo trên vách núi, như một sợi chỉ mỏng manh vắt qua các sườn đồi leo dần, leo dần lên cao. Bác Vũ Lân ngồi phía trên quay lại thông báo cho mọi người: “Đến đèo Pha Đin rồi đấy”! Mọi người ồ lên, quay mặt qua cửa sổ để nhìn cho rõ. Xe leo đèo, một bên là vách núi, một bên là thung lũng sâu thăm thẳm, như đi trên trời nhìn xuống vậy. Nhà văn Nguyễn Văn Thiện, giáo viên dạy văn trường cấp III Nguyễn Trãi cất tiếng đọc:
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”.
Chịu cho các cụ ta ngày xưa giỏi quá, dốc thế này mà vẫn gánh vác vượt được! Nhạc sĩ Sỹ Hùng ngồi bên cạnh thêm vào: “Khen các cụ thì khen cả ngày!” Ừ cũng phải thôi, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chủ yếu dùng sức người là chính. Kéo pháo, vận tải quân tư trang, vũ khí, hậu cần… tất tần tật đều bằng đôi vai người dân công hoả tuyến. Từ miền Thanh Nghệ ra hay đồng bằng trung du Bắc bộ lên, một chiến dịch vận tải rầm rộ được quân và dân ta thực hiện để phục vụ cho chiến dịch. Xe đạp, ngựa và đôi vai con người nối tiếp nhau băng rừng vượt suối, bất chấp mưa rừng, gió núi và cả bom đạn quân thù; nhân dân ta đã làm nên một kỳ tích vận tải thần kỳ, bí mật tuyệt đối, làm cho kẻ thù sửng sốt, khiếp sợ. Chắc chắn các cơ quan tình báo của hai đế quốc - thực dân tham chiến chính thức ở Điên Biên Phủ, không thể hiểu nổi vì sao giữa núi cao, vực sâu như thế mà quân dân ta vẫn vận chuyển được khí tài, lương thực… với một khối lượng khổng lồ mà bọn chúng không hề hay biết. Bọn đề quốc và thực dân, không thể hiểu nỗi là phải, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân, mọi người dân nghe theo tiếng gọi của Đảng, đoàn kết xung quanh Đảng và hành động theo sự lãnh đạo của Đảng; đấy là sức mạnh đoàn kết của cả một dân tộc anh hùng cùng chung chí hướng đánh đuổi ngoại xâm.
Sáng hôm sau cả đoàn lên thăm Sở chỉ huy chiến dịch của ta đóng trên đỉnh núi. Cánh rừng nguyên sinh còn đây, cây cối cao vút che cho lối mòn dẫn du khách lên thăm căn cứ địa ngày xưa, nay được lát đá đi như dạo trong công viên. Thấy đoàn lên, hơn chục cháu bé người Tày, khoảng chín mười tuổi chạy theo đoàn và rất vô tư, các cháu trở thành thuyết minh riêng cho đoàn. Cứ đến một căn hầm hay một mái chòi lợp cỏ gianh  bên đường, các cháu lại tranh nhau giới thiệu: Đây là chỗ ở của cụ Trần Đạo Thuý, kia là nơi ở của bộ phận thông tin, chiếc hầm này là của Ban cố vấn… Các em cứ hồn nhiên thuyết minh bằng tiếng Việt rất đúng giọng thủ đô, làm anh em văn nghệ sĩ Dak Lak cứ tròn mắt thán phục. Hầm của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên, được đào xuyên qua lòng một ngọn núi và đứng trên cửa hầm có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực lòng chảo cánh đồng Mường Thanh. Cả khu vực chỉ huy được nối với nhau bằng giao thông hào, trong các điểm ở sâu trong lòng núi có cả chỗ ăn nghỉ cho các chiến sĩ bảo vệ và thông tin. Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ một mái lều gianh nhỏ dựng trước cửa hầm, nền đất khá bằng phẳng. Qua lều là căn hầm nền đất, tường đất, chiều ngang hơn một mét, cao khoảng gần hai mét nằm sâu trong lòng núi, không có gạch, hay bê tông, mà tất cả bằng đất; bàn làm việc được kết bằng những nan tre, ghế ngồi đều bằng những cây rừng thân tròn đục lỗ chôn chân xuống đất. Thật tài tình và kỳ diệu khi binh chủng Công binh non trẻ ngày ấy thiết kế, xây dựng được cả một công trình ngầm đồ sộ, chỉ bằng sức người với dụng cụ thô sơ: cuốc, xẻng, xà beng… Hơn 60 năm qua đi, các công trình ấy đến nay chắc chắn vẫn làm cho du khách sửng sốt khi được tận mắt chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật quân sự độc đáo này. Không biết những vị khách nước ngoài từng là bại tướng trong chiến dịch này, khi trở lại đây, tận mắt chứng kiến Chỉ huy sở của ta nằm ngay trên đỉnh đầu của họ và chỉ cách hầm chỉ huy địch khoảng 3 km đường chim bay mà không biết; họ sẽ nghĩ gì! Đây đúng là một công trình nghệ thuật về quân sự có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Đây là đồi A1, nơi ta và địch quần nhau với những trận giáp đánh lá cà ác liệt; một quả đồi được chia đôi, một nửa ta giữ, một nửa địch chiếm. Quân Pháp có hầm ngầm bê tông cốt sắt, có đại bác, xe tăng, máy bay yểm trợ - còn ta chỉ lòng căm thù ngút cao và chí sắt đá “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Căn hầm bí mật ta đào xuyên vào giữa lòng núi, đặt gần 1000kg thuốc nổ và biến ngọn núi thành một hố sâu hình chiếc phểu vẫn còn đây, nó như một chứng tích huy hoàng ghi lại chiến công của quân đội ta. Một quả đồi không rộng lắm, thế mà ta đào hầm xuyên vào giữa lòng núi, ngay trước mũi chúng, chúng vẫn không biết. Tài thật! Có lẽ chiến thắng của quân đội ta trong chiến dịch này là tổng hợp những điều thần kì mà cán bộ và chiến sĩ chung tay làm nên. Còn bọn thực dân Pháp và các nước đế quốc cung cấp tiền bạc, vũ khí nuôi dưỡng cuộc chiến tranh Đông Dương nói chung và cứ điểm Điện Biên Phủ này nói riêng, không thể hiểu nổi làm sao lại có nhiều chuyện thần kì đến thế!
Hầm chỉ huy địch, xây dựng giữa cánh đồng Mường Thanh, được lợp tấm thép hình vòm như nửa ống cống úp xuống, trên chất bao cát, nền láng bê tông, có phòng ăn, bàn ghế đầy đủ như một phòng công sở ở Hà Nội. Tiện nghi là thế, vũ khí hiện đại là thế, nhưng rồi tất cả bọn chúng cũng phải lầm lũi cúi đầu nhìn xuống chân, giơ tay lên trời cầu xin sự khoan dung của các anh bộ đội mũ nan, dép lốp. Hôm nay ngồi trong căn phòng chỉ huy toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, lòng tôi dạt dào cảm xúc: từng mảnh đất nơi đây đã thấm bao mồ hôi, xương máu cha ông để làm nên một chiến thắng vĩ đại, đánh dấu chung sự sụp đổ của chế độ thực dân và khẳng định sức mạnh của một dân tộc quật cường, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những góp phần quyết định mang lại hoà bình cho khu vực bán đảo Đông Dương mà hơn thế còn khẳng định một xu thế mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ bài học kinh nghiệm Điện Biên Phủ - Việt Nam, các dân tộc bạn bè trên khắp thế giới đặc biệt là: châu Á, châu Phi và châu Mĩ La Tinh đã làm các cuộc cách mạng dân chủ thàng công, chấm dứt chế độ thực dân trên toàn thế giới.
Về thăm cứ điểm Điện Biên Phủ khi xưa và nay là thành phố Điện Biên tráng lệ với những ngôi nhà cao tầng, đường nhựa rải thảm bê tông phẳng lì, xe ô tô lớn nhỏ ngược xuôi. Hai bên đường, cửa hàng, cửa hiệu đua nhau mọc lên như giới thiệu với du khách sự phát triển mạnh mẽ của một thành phố du lịch. Nhìn cảnh, ngắm người và ngẫm nghĩ, lòng tôi bổng thấy rưng rưng: Tượng đài chiến thắng Điện Biên đúc bằng đồng, được cả nước hướng về, xây dựng nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng, chỉ được một năm, bệ tượng đã nứt, bây giờ đang đào bới ra để gia cố lại. Chắc chắn qua sự cố này, sẽ có nhiều người băn khoăn như tôi: Tại sao lại vậy? Lỗi tại kỹ thuật, hay lỗi tại con người trong cơ chế thị trường hôm nay! Hàng quán tuy nhiều nhưng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ  - đặc sản riêng của xứ Mường Thanh hầu như rất ít, giá như chúng ta tổ chức tốt hơn các làng nghề, nó vừa là nơi bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của vùng miền, vừa tạo sự cuốn hút cho du khách. Và tại các khu di tích, chính quyền cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần có đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách trong nước và quốc tế; có như thế người thăm quan mới hiểu hết các giá trị di tích… Còn đó những băn khoăn, còn đó những trăn trở, nhưng tôi tin và hy vọng cán bộ, nhân dân thành phố Điện Biên sẽ sớm khắc phục được những tồn tại, thiếu sót và biết cách khắc phục để vươn lên, xứng danh với một vùng đất đã đi vào huyền thoại: Điện Biên Phủ oai hùng – một địa danh du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng người Việt Nam mà của cả bạn bè quốc tế.




Điên Biên – Buôn Ma Thuột, 2005 - 2010