Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

MỘT LẦN ĐẾN ĐẢO BÌNH BA - bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 261 tháng 5 năm 2014 (tiếp theo)




Xuôi con đường nhựa, qua khu doanh trại quân đội trồng nhiều xoài, cây nào cũng rất sai quả, từng chùm quả phủ gần như kín cả cây trông rất đẹp mắt. Qua con đường hai bên trồng xoài, trước mắt tôi hiện ra mặt biển trong xanh nhìn rõ những hạt cát trắng tinh dưới làn sóng biển nhẹ nhàng vỗ bờ. Một đoàn thanh niên hơn hai chục người đang nô đùa trên bãi, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng cười sảng khoái khi bắt được con ốc, con ghẹ chuyền tay nhau xem. Xa xa dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa chạy ra chắn biển có các ngọn nhấp nhô in trên nền trời xanh. Mặt trời màu vàng nhạt xuống gần đỉnh núi, hắt bóng xuống mặt biển, tạo nên một bức tranh thủy mạc lộng lẫy đến bất ngờ; bức tranh ấy còn được điểm thêm hình của hai con tàu lớn đang đậu ở hai bên bóng mặt trời lung linh trên mặt nước. Từng làn sóng biển nhấp nhô đuổi nhau ập vào bờ, ngọn sóng nào cũng nhuộm ánh vàng lấp lánh, lấp lánh.

Dầm mình xuống mặt nước mát, đi ra xa bờ, nước lên đến cổ mà vẫn nhìn thấy từng ngón chân của chính mình. Trên đám san hô màu trắng ngà có từng đàn cá bơi lội như trong thủy cung nhân tạo. Cá ở đây không lớn lắm, nhưng màu sắc sặc sỡ và rất dạn, nhiều con thúc cả vào chân, vào bụng người. Dưới làn nước trong như lọc, San hô mọc theo từng khóm và có nhiều loại khác nhau càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bãi Ngang. Tại sao lại gọi tên “bãi Ngang?” Trước khi ra đây, tôi tò mò hỏi cô chủ nhà nghỉ, cô cũng lắc đầu không biết, vì từ nhỏ đã được nghe gọi như thế, giống như gọi đảo này là đảo Bình Ba vậy. Đứng ở bãi Ngang nhìn được toàn bộ cửa Lớn, nơi tàu thuyền ra vào vịnh Cam Ranh và chỉ nơi đây mới thấy cảnh hoàng hôn đẹp nhất đảo. Mặt trời nhạt dần, nhạt dần rồi khuất từ từ sau một ngọn núi đã trở màu xanh sẫm xa xăm.
Chưa đến năm giờ sáng, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã bật dậy kéo nhau ra xe để đến bãi Chướng ngắm mặt trời lên. Hôm qua đã hẹn chiếc ô tô 16 chỗ chở một vòng quanh đảo đón bình minh và thăm bãi Nồm giá 200 ngàn đồng. Anh lái xe còn trẻ, chắc tuổi độ hai bảy, hai tám nói giọng xứ Nghệ đưa đoàn ra bãi Chướng. Đến nơi trời vẫn còn tối, phương đông chỉ mới vài  đám mây hồng đâm ngang. Mặt biển còn nhiều bóng đèn nhấp nháy của các thuyền đánh cá đang trên đường trở về. Anh tài xế vui chuyện cho biết: quê ở tận huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An; học xong phổ thông, nhập ngũ được chuyển về lực lượng Biên Phòng đóng tại đảo này; xong nghĩa vụ ở lại đây làm rể và lập nghiệp luôn. Hai vợ chồng trẻ được chính quyền xã ưu tiên cho thuê một lô đất gần cầu cảng dựng quán bán hàng; chồng không biết nghề biển nên mua chiếc xe chở khách tham quan chạy quanh đảo kiếm thêm đồng giúp vợ. Nhìn chung kinh tế gia đình tạm được. Anh cho biết thêm:
-         Các bác thấy mấy quán xây dựng dở giang xung quanh đây không? Có một vị cán bộ lớn ở trong đất liền ra đầu tư định mở khu du lịch tại đây, nhưng đảo này thuộc vùng quân sự nên không được xây dựng các khu vui chơi, giải trí nên công trình bỏ dở đó.

Thì ra vậy, sát mép biển có năm căn nhà gần nhau nền láng bê tông, hình bát giác; các cột đổ bê tông cốt thép đã bị cỏ và dây leo phủ kín, chắc bỏ hoang đã lâu. Phía sát chân núi một dãy nhà xây 7 phòng chưa có mái, dây leo bám đầy tường. Kinh phí đầu tư ban đầu vào đây chắc cũng khá nhiều, nay bỏ hoang, nhìn thấy tiêu điều quá. Mặt trời chưa lên, chúng tôi có thêm nhiều người gia nhập; người đi xe máy, người đi xe ô tô điện, ở đây họ gọi: xe túc túc – chở được hơn chục người một chuyến, cùng ra ngắm cảnh.
Phương đông những đám mây đen đổi màu chuyển dần qua màu vàng rồi màu hồng; mặt biển cũng sáng dần lên, những con sóng lớn từ biển đông ầm ầm lao vào vách đá, tung lên những hạt nước lớn cao đến vài mét. Hai dãy núi cách nhau khoảng gần 200m, cùng lao ra sát mép nước, có vách đá dựng đứng, vô tình tạo nên một thung lũng xuôi dần ra biển, có chiều ngang hơn 200 mét, được đặt tên: Bãi Chướng. Bãi Chướng trên bờ cao có một lớp cát dày, phía sát mép nước được phủ một lớp san hô trắng bị sóng đánh vụn ra như những hạt sỏi, trông rất đẹp. Hôm nay nhiều mây, những đám mây hồng chuyển sang màu vàng rực rỡ làm mặt biển như dát bạc. Từng luồng gió từ biển Đông lồng lộng thổi vào giật tung cả những vạt áo nếu không nhanh tay giữ; có lẽ vì những cơn gió như thế thổi vào đây nên bãi này được mang tên bãi Chướng. Hơn 7 giờ, mặt trời lên cao mới ra khỏi mây, cả đoàn tiếp tục lên đỉnh đảo ngắm cảnh các tàu đánh cá tấp nập trở về. Nhìn về phía đông nam, những chiếc tàu lớn đi vào vịnh để lại phía sau một luồng nước trắng phau, kéo dài.

Trên đảo, thực vật chủ yếu là các loại: xương rồng, dứa dại, chà và... mọc lúp xúp quanh các hòn đá lớn, trông như vùng bán sa mạc. Con đường bê tông do quân đội thi công, xẻ các mỏm núi đưa du khách tham quan đi một vòng tròn qua phía đông đảo rồi trở lại cầu tàu. Sân cầu tàu, buổi sáng trở thành chợ hải sản, tấp nập người mua, người bán. Cá, ốc, cua, ghẹ, tôm, mực… những báu vật của biển khơi sau một đêm ngư dân trên đảo đánh bắt được đều hội tụ tại đây, còn tươi rói được bày bán thành hai dãy dài. Mấy bà trung niên thấy khách lạ đến liền chào mời: “Các bác thích ăn cứ mua rồi đưa vào quán đây bọn em nấu giúp”!
Từ cầu tàu đi sâu vào đảo khoàng hơn 300m, qua khu dân cư đông đúc đến bãi Nồm. Trên bờ biển bải Nồm có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng làm nhà nghỉ cho khách tham quan, du lịch và bán cà phê. Bờ biển cát trắng tinh, thoai thoải xuôi dần ra xa, thỉnh thoảng có hòn đá lớn nhô lên trên mặt nước, sóng vờn qua, hắt lên không trung từng đám bụi nước. Nước biển trong xanh, thỉnh thoảng có bầy cá chạy qua thúc vào người đang tắm. Đứng trước bãi biển tôi chợt nhớ đến cô chủ nhà nghỉ nói với tôi khi ra đây: “Bãi Nồm là bãi tắm đẹp nhất đảo đấy.” Đến rồi mới biết cô nói không sai.
12 giờ 30, đoàn xuống tàu trở về đất liền. Ra cầu tầu chia tay chúng tôi có mấy người bạn vừa quen trên đảo và cả người sỹ quan bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại trạm Cầu cảng. Chỉ chưa đầy một ngày một đêm ở đảo thôi, nhưng tình cảm tưởng như đã gắn bó từ lâu rồi, bịn rịn không muốn rời xa. Người dân trên đảo Bình Ba vẫn còn đó sự chân chất, giản dị của vùng đồng bằng mến khách chưa bị cơ chế thị trường làm cho thay đổi. Phải chăng đó là truyền thống của những người dân chài ở Bình Định vào định cư tại đảo từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII lưu giữ đến ngày nay và vì thế mới đặt tên đảo là Bình Ba (Bình là Bình Định, một cách gọi để ghi nhớ tổ tiên vào lập nghiệp nơi đây) – một ông lão tôi gặp bên Lăng Nam Hải Bình Ba, giải thích như thế. Lăng Nam Hải Bình Ba được xây dựng cuối thế kỷ XVIII để thờ các ông: Nam Hải và Tiên Hiền, Hậu Hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…) đã được các vua triều Nguyễn ban tặng năm đạo sắc phong và năm 2006 được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp di tích cấp tỉnh.

Đảo lùi dần rồi khuất hẳn sau mặt biển. Xa rồi, nhưng vẫn mong cho dù thời gian có thay đổi nhưng những con người nơi đảo vẫn không đổi thay, họ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa và chính điều đó cùng với phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây sẽ tạo nên sự hấp dẫn riêng, lôi kéo du khách trong nước đến với đảo, góp phần làm cho đảo Bình Ba ngày một trù phú hơn, giàu đẹp hơn để rồi ai chưa đến sẽ mong được đến, đã đến một lần lại muốn đến lần nữa, lần nữa…
Hẹn gặp lại nhé: đảo Bình Ba! 
(Hết)

3 nhận xét:

  1. Quê hương mình có nhiều thắng cảnh đẹp bạn nhỉ, mình đã đến Khánh Hoà vài lần nhưng chưa đi đảo bao giờ. Đọc bài và xem hình ảnh minh họạ thấy hấp dẫn quá. Khi nào có dịp mình sẽ đến nơi này.
    Chúc bạn cuối tuần vui nhiều nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. C!ảm ơn bạn Thu Yen Vu đã ghé thăm và chia sẻ cùng chủ nhà!

      Xóa
  2. Quê hương mình có nhiều thắng cảnh đẹp bạn nhỉ, mình đã đến Khánh Hoà vài lần nhưng chưa đi đảo bao giờ. Đọc bài và xem hình ảnh minh họạ thấy hấp dẫn quá. Khi nào có dịp mình sẽ đến nơi này.
    Chúc bạn cuối tuần vui nhiều nhé.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI