MỘT LẦN ĐẾN ĐẢO BÌNH BA
Ký
Đúng 13 giờ 30 phút, con tàu kéo một hồi còi dài chào tạm
biệt cảng Ba Ngòi hành trình ra đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam
Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trời trong xanh, không một gợn mây, ông mặt trời dội xuống
những tia nắng nóng gắt. Mặt nước biển xanh thẩm thỉnh thoảng đẩy những con
sóng nhỏ đùa giỡn trên mặt nước, ập vào mạn thuyền, tung lên những hạt nước nhỏ
li ty như mưa. Trên vịnh neo đậu nhiều tàu rất lớn, trông xa như những ngôi
trường cao tầng đứng im lìm soi mình trên mặt biển. Tôi cũng đã đi nhiều nơi,
tới nhiều vùng biển khác nhau của tổ quốc, nhưng không nơi nào giống nơi đây:
ngoài cảng dùng cho tàu chở khách dân sự và các tàu đánh cá neo đậu đông đúc,
còn các cảng khác chỉ có tàu lớn ăn hàng, một số tàu đậu rải rác khắp mặt vịnh.
Đứng trên mũi tàu nhìn về hướng đông, thấy một dãi đất nhô
lên khỏi mặt biển mờ mờ; cô Thùy Liên - một hành khách đi cùng, là người dân
đang sinh sống trên đảo nói với tôi:
-
Đảo Bình Ba đấy anh!
-
Nhìn thấy đảo rồi à!
Tôi ngạc nhiên reo lên.
-
Từ cảng ra tới đảo
chừng 12 hải lý thôi ạ.
Thùy Liên trả lời và giải thích thêm, giúp tôi hình dung
ra vịnh Cam Ranh như một nửa chiếc chén bẻ đôi để ngữa; phía bắc và đông bắc
vịnh có dãy núi cao lao ra biển, tạo nên một bức tường thiên nhiên chắn gió,
đây là vành chén thứ nhất; phía nam, một dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa
vươn ra biển, tạo nên vành chén thứ hai; còn miệng chén quay ra biển đông, có
đảo Bình Ba đứng chắn. Nhờ đảo Bình Ba và hai dãy núi cao bao bọc ở hai phía,
tạo nên vịnh Cam Ranh thanh bình, nơi đây không những là vịnh để tàu thuyền
tránh bão và “ăn” hàng mà còn là một vùng giàu có về thủy sản. Quả thực nhìn kỹ
trên mặt nước biển, có rất nhiều phao, báo hiệu sự có mặt của những vành lưới
được thả.
Thùy Liên, khỏang ba mươi tuổi, nước da bánh mật, khuôn
mặt trái xoan trông khá xinh. Cô cho biết gia đình ở đảo đã nhiều đời, công
việc của người phụ nữ trên đảo chủ yếu làm thiên chức người vợ, người mẹ, một
số ít người tham gia buôn bán; gần đây có nhiều người ở các địa phương tìm đến
thăm đảo nên một số chị em rủ nhau mở thêm quán bán hàng ăn, giải khát ven cầu
cảng; vì thế, buổi sáng phải tranh thủ vào đất liền mua đồ để tối bán cho khách
vãng lai. Ngoài đảo cũng có dịch vụ nhà hàng nổi dành cho khách nhiều tiền muốn
dùng đặc sản, ngắm biển đêm, các anh chị thích thì có thể ra đó thưởng thức đặc
sản nổi tiếng nhất của đảo Bình Ba: tôm hùm. Thùy Liên cho biết thêm: đảo Bình
Ba phía bắc cách bán đảo Cam Ranh chỉ độ 500 mét, vì thế cách đây mấy năm nhà
nước đã đầu tư kéo điện cao thế từ đất liền đưa ra đảo qua chỗ này, nhân dân
thoát cảnh đèn dầu và có điều kiện sử dụng các phương tiện sinh hoạt hiện đại
như: tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... cuộc sống người dân trên đảo thay
đổi nhiều từ khi có điện lưới quốc gia. Cửa biển chung với bán đảo Cam Ranh, dân
địa phương gọi đây là cửa Nhỏ chỉ dành cho tàu thuyền đánh cá ra vào; còn phía
nam đảo, nơi có bãi Ngang nhìn ra cửa Lớn, các tàu to đi lại như tàu ngầm, tàu
chiến ta mới mua cũng đi qua đường đó.
Đảo Bình Ba rõ dần,
tôi quay sang nói với Thùy Liên:
-
Đảo nhà mình nhìn
giống như một trái tim, phần nhỏ ngâm dưới nước biển.
-
Hay quá, em chưa nghe
ai nói thế bao giờ!
-
Em thấy đúng không?
-
Dạ! Làng Bình Ba ở
ngay chỗ cuống trái tim đấy anh. Đảo Bình Ba có diện tích trên 3 km2, dân số
chưa đến 5.000 người tập trung ở bốn thôn là: Bình Hưng, Bình An, Bình Ba Đông
và Bình Ba tây; tuy chia thôn như vậy, nhưng đa số sống quây quần nơi cầu cảng
và một phần kéo dài qua bãi Nồm. Ngày xưa trên đảo không có trường học, ai muốn
học chữ phải qua tận thị trấn Ba Ngòi hay vào thành phố Nha Trang học; còn nay
ở đảo đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và cả trường trung học cơ sở nữa,
bọn nhỏ bây giờ đi học thuận tiện lắm.
Nghe lời tâm sự có đôi chút tự hào của Thùy Liên làm tôi
háo hức muốn tàu chạy nhanh hơn để được tận mắt thấy hòn đảo đã từng được nghe
nhiều mà chưa một lần đến... và giờ đang hiện rõ dần. Xung quanh đảo, nhìn từ
phía tàu chạy vào hình như chỉ thấy toàn những tảng đá khổng lồ, trắng toát
chen nhau mọc từ biển lên, tạo thành bức tường chắn sóng; phía cảng của đảo nổi
bật một ngôi nhà cao năm tầng có dòng chữ “Nhà nghỉ Hạnh Pháp”, còn xung quanh
chỉ là những ngôi nhà nhỏ hơn, thấp thoáng sau những tán cây bàng, cây si...
Phủ khắp đảo một màu vàng nhạt của các cây thấp và cỏ dại xen lẫn những tảng đá
lớn. Phía trước cầu cảng, nhiều thuyền đánh cá neo đậu và cả những căn nhà nổi
nuôi tôm hùm, nhà hàng... thể hiện một vùng quê bình yên, trù phú.
Tàu cập bến, chia tay Thùy Liên, cô dặn: “Nếu lần sau các
anh ra chưa có chỗ nghỉ thì đến nhà em nhé, nhà có máy điều hòa nhiệt độ, quạt
và các tiện nghi đủ tiêu chuẩn như khách sạn, giá chỉ 70 ngàn đồng một người
một đêm thôi. Nhà em kia kìa!” Bắt tay tạm biệt, tôi nói vui: Một cách quảng
cáo rất ấn tượng.
Chiều, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk ra bãi Ngang ngắm cảnh
hoàng hôn theo như giới thiệu của cô chủ nhà nghỉ Hạnh Pháp. Mấy anh em thả bộ
theo con đường nhựa mới làm đi dạo ven
bờ biển chứ không đi xe máy hay xe ô tô, xe túc túc mà người dân nơi đây chào
mời vì muốn ngắm cảnh biển và chụp hình. Bờ biển được xây kè đá cao, phía trước
kè có nhiều tảng đá lớn nhô lên trên mặt nước biển đang lúc thủy triều xuống.
Một đám trẻ nhỏ len lõi qua các hòn đá để mò, bắt những con ốc, con ghẹ... bóng
các cháu đổ dài trên mặt biển; thấy đẹp quá, tôi và nghệ sĩ Nguyễn Huy Lộc chĩa
máy ra bấm lia lịa. Bỗng có người vỗ vai, tôi giật mình quay lại thấy một người
đàn ông chắc khoảng trên sáu chục tuổi, râu tóc bạc phơ, nở một nụ cười hiền
hậu hỏi:
-
Các anh ở xa mới tới
đây lần đầu à?
-
Dạ, anh em em ở Đắk
Lắk xuống ạ.
-
Dân xứ sở cà phê
xuống thăm biển, vào làm một ly cho vui đi.
Miệng nói, tay chỉ vào ngôi nhà bên cạnh đường, nơi có bảy
người đàn ông đang ngồi bên hiên nhà nhâm nhi. Trước sự nhiệt tình của chủ nhà,
cả hai chúng tôi vào nhập mâm. Trên mâm toàn đồ hải sản tươi: mực, tôm, cá hấp
và bánh đa cuốn với rau thơm. Ông chủ nhà nói: “Chiều tối chúng tôi đi biển,
giờ làm vài ly cho vui; mấy khi gặp các anh đến chơi, xin mời cụng ly”. Mọi người
nâng ly, tôi cũng phải nâng và cố cạn ly đầu rồi xin phép đi vì không uống được
rượu. Mọi người trong mâm cười bảo: mấy khi gặp nhau, vui là chính, còn uống
thì tùy. Không khí đầm ấm của những ngư dân nơi đây lần đầu gặp gỡ, giống như ở
quê tôi ngày mùa gặp con cháu về chơi vậy; gần gũi và thân mật. Nghệ sĩ Nguyễn
Văn Lộc ở lại nhậu, còn tôi vì muốn ngắm hoàng hôn nên xin đi trước, mấy người
đều không nỡ giữ, bắt tay thật chặt tạm biệt.
(còn nữa)
Sang xem phần 1, cám ơn bạn đã chia sẻ.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã qua thăm!
Xóa