Thế
hệ chúng tôi sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Tiếng bom gầm đạn rú được nghe
nhiều hơn tiếng ru của mẹ. Lớn lên một chút, khi nhận biết được những người
xung quanh, bỗng giật mình vì toàn thấy người già và phụ nữ; còn thanh niên
trai tráng đã nối gót nhau lên đường cầm súng đánh Mĩ, giải phóng Miền Nam.
Hình ảnh những người đàn ông trung niên, phụ nữ không còn đủ tuổi và sức khoẻ
để tuyển vào bộ đội thì hàng ngày ra đồng, trên vai họ ngoài cái cày, cái bừa
còn có thêm khẩu súng trường K44, sẵn sàng nhả đạn vào bầy quạ sắt đến ném bom
phá hoại. Khi máy bay Mĩ đến, người ta lấy ngay cái bừa, cái cày… phương tiện
lao động thô sơ của người nông dân Việt Nam làm điểm tựa kê súng trút đạn lên đầu thù; lũ giặc lái không thể
hiểu nỗi, làm sao mà ở đâu cũng có lưới lửa phòng không tầng tầng lớp lớp bủa
vây chúng. Còn chúng tôi, mới chục tuổi đầu đã phải chứng kiến bao cảnh thịt
nát xương tan: sau mỗi lần dứt tiếng bom nổ là máu người lại đổ, có lần người
ta phải chặt cả một bụi tre to để lấy bộ ruột người xấu số bị bom hất lên đó. Các
mẹ, các chị nước mắt trộn mồ hôi, dùng hai tay bới đất tìm nhặt từng mảnh vụn
thân thể của 37 em học sinh lớp ba và cô giáo đang trong buổi học bị máy bay
ném bom trúng vào giữa lớp. Ác liệt là vậy, nhưng cánh trẻ chúng tôi vẫn đến
trường, mặc dù đầu phải đội mũ rơm, lưng đeo nùn rơm chống mảnh đạn của quân
thù. Những tháng năm còn học cấp một (bậc tiểu họcbây giờ), chúng tôi được làm
quen với môn Lịch sử và rất tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha
ông với bao chiến công hiển hách. Lớn lên một chút nữa, tôi được biết ngay
trong thời đại của mình, lớp cha chú đã có một trận đánh nổi tiếng: “Lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng ấy không chỉ manh tính quyết định
mang lại độc lập tự do cho nửa nước Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào sự cáo
chung chế độ Thực dân trên toàn thế giới. Điện Biên Phủ - Việt Nam! Tiếng hô đầy
ngưởng mộ, tự hào của bè bạn khắp thế giới trong các cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc, là biểu tượng khích lệ cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Tự hào về
ông cha với những chiến công hiển hách đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập
cho non sông đất nước; tự hào về một vùng đất anh hùng với những trận đánh oai
hùng, lưu danh hậu thế và có lẽ vì vậy,
tôi đã từng mơ ước được một lần đặt chân tới Điện Biên Phủ, để tận tay bốc một
nắm đất thấm máu cha anh, đặt lên bàn thờ tổ tiên với tấm lòng thành kính
ngưỡng mộ, biết ơn.
Học chưa xong cấp
III, miền Nam được giải phóng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước vỡ òa trong niềm vui
chiến thắng. Miền Nam trong những ngày đầu được giải phóng là một bãi chiến
trường, nơi nào cũng hằn vết bom đạn cày phá. Theo tiếng gọi của Đảng, lớp thanh
niên chúng tôi lại rời ghế nhà trường phổ thông vào Nam góp phần xây dựng lại
quê hương, chống bọn phản động và đưa ánh sáng văn hoá đến cho người dân Tây
Nguyên. Ước mơ về thăm Điện Biên Phủ đành phải gác lại.
Đầu tháng 7 năm 2005,
tôi bất ngờ được Hội VHNT Dak Lak cho tham dự đoàn văn nghệ sĩ lên thăm Điện
Biên Phủ;Thế là, mơ ước bao nhiêu năm nay bỗng nhiên thành hiện thực. Đoàn có
sáu người do NSƯT Vũ Lân làm trưởng đoàn, xuất phát vào một buổi sáng đẹp trời
tại Buôn Ma Thuột; rong ruổi đường trường, ngày đi đêm nghỉ, ba ngày sau chúng
tôi đến thị xã Sơn La. Ở lại thăm thuỷ điện Sơn La và giao lưu với lãnh đạo địa
phương một ngày, đón thêm ba Hội viên dự trại tại đây rồi tất cả cùng kéo nhau
lên Điện Biên Phủ. Đường ngoằn ngoèo uốn khúc, cheo leo trên vách núi, như một
sợi chỉ mỏng manh vắt qua các sườn đồi leo dần, leo dần lên cao. Bác Vũ Lân
ngồi phía trên quay lại thông báo cho mọi người: “Đến đèo Pha Đin rồi đấy”! Mọi
người ồ lên, quay mặt qua cửa sổ để nhìn cho rõ. Xe leo đèo, một bên là vách
núi, một bên là thung lũng sâu thăm thẳm, như đi trên trời nhìn xuống vậy. Nhà
văn Nguyễn Văn Thiện, giáo viên dạy văn trường cấp III Nguyễn Trãi cất tiếng
đọc:
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”.
Chịu
cho các cụ ta ngày xưa giỏi quá, dốc thế này mà vẫn gánh vác vượt được! Nhạc sĩ
Sỹ Hùng ngồi bên cạnh thêm vào: “Khen các cụ thì khen cả ngày!” Ừ cũng phải
thôi, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chủ yếu dùng sức người là chính. Kéo
pháo, vận tải quân tư trang, vũ khí, hậu cần… tất tần tật đều bằng đôi vai
người dân công hoả tuyến. Từ miền Thanh Nghệ ra hay đồng bằng trung du Bắc bộ
lên, một chiến dịch vận tải rầm rộ được quân và dân ta thực hiện để phục vụ cho
chiến dịch. Xe đạp, ngựa và đôi vai con người nối tiếp nhau băng rừng vượt
suối, bất chấp mưa rừng, gió núi và cả bom đạn quân thù; nhân dân ta đã làm nên
một kỳ tích vận tải thần kỳ, bí mật tuyệt đối, làm cho kẻ thù sửng sốt, khiếp
sợ. Chắc chắn các cơ quan tình báo của hai đế quốc - thực dân tham chiến chính
thức ở Điên Biên Phủ, không thể hiểu nổi vì sao giữa núi cao, vực sâu như thế
mà quân dân ta vẫn vận chuyển được khí tài, lương thực… với một khối lượng
khổng lồ mà bọn chúng không hề hay biết. Bọn đề quốc và thực dân, không thể
hiểu nỗi là phải, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam là
cuộc chiến tranh nhân dân, mọi người dân nghe theo tiếng gọi của Đảng, đoàn kết
xung quanh Đảng và hành động theo sự lãnh đạo của Đảng; đấy là sức mạnh đoàn
kết của cả một dân tộc anh hùng cùng chung chí hướng đánh đuổi ngoại xâm.
Sáng
hôm sau cả đoàn lên thăm Sở chỉ huy chiến dịch của ta đóng trên đỉnh núi. Cánh
rừng nguyên sinh còn đây, cây cối cao vút che cho lối mòn dẫn du khách lên thăm
căn cứ địa ngày xưa, nay được lát đá đi như dạo trong công viên. Thấy đoàn lên,
hơn chục cháu bé người Tày, khoảng chín mười tuổi chạy theo đoàn và rất vô tư,
các cháu trở thành thuyết minh riêng cho đoàn. Cứ đến một căn hầm hay một mái
chòi lợp cỏ gianh bên đường, các cháu
lại tranh nhau giới thiệu: Đây là chỗ ở của cụ Trần Đạo Thuý, kia là nơi ở của
bộ phận thông tin, chiếc hầm này là của Ban cố vấn… Các em cứ hồn nhiên thuyết
minh bằng tiếng Việt rất đúng giọng thủ đô, làm anh em văn nghệ sĩ Dak Lak cứ
tròn mắt thán phục. Hầm của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên, được đào xuyên qua
lòng một ngọn núi và đứng trên cửa hầm có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực lòng
chảo cánh đồng Mường Thanh. Cả khu vực chỉ huy được nối với nhau bằng giao
thông hào, trong các điểm ở sâu trong lòng núi có cả chỗ ăn nghỉ cho các chiến
sĩ bảo vệ và thông tin. Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ một
mái lều gianh nhỏ dựng trước cửa hầm, nền đất khá bằng phẳng. Qua lều là căn
hầm nền đất, tường đất, chiều ngang hơn một mét, cao khoảng gần hai mét nằm sâu
trong lòng núi, không có gạch, hay bê tông, mà tất cả bằng đất; bàn làm việc
được kết bằng những nan tre, ghế ngồi đều bằng những cây rừng thân tròn đục lỗ
chôn chân xuống đất. Thật tài tình và kỳ diệu khi binh chủng Công binh non trẻ
ngày ấy thiết kế, xây dựng được cả một công trình ngầm đồ sộ, chỉ bằng sức
người với dụng cụ thô sơ: cuốc, xẻng, xà beng… Hơn 60 năm qua đi, các công
trình ấy đến nay chắc chắn vẫn làm cho du khách sửng sốt khi được tận mắt chứng
kiến những tác phẩm nghệ thuật quân sự độc đáo này. Không biết những vị khách
nước ngoài từng là bại tướng trong chiến dịch này, khi trở lại đây, tận mắt
chứng kiến Chỉ huy sở của ta nằm ngay trên đỉnh đầu của họ và chỉ cách hầm chỉ
huy địch khoảng 3 km đường chim bay mà không biết; họ sẽ nghĩ gì! Đây đúng là
một công trình nghệ thuật về quân sự có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Đây là đồi A1, nơi ta
và địch quần nhau với những trận giáp đánh lá cà ác liệt; một quả đồi được chia
đôi, một nửa ta giữ, một nửa địch chiếm. Quân Pháp có hầm ngầm bê tông cốt sắt,
có đại bác, xe tăng, máy bay yểm trợ - còn ta chỉ lòng căm thù ngút cao và chí
sắt đá “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Căn hầm bí mật ta đào xuyên vào giữa
lòng núi, đặt gần 1000kg thuốc nổ và biến ngọn núi thành một hố sâu hình chiếc
phểu vẫn còn đây, nó như một chứng tích huy hoàng ghi lại chiến công của quân
đội ta. Một quả đồi không rộng lắm, thế mà ta đào hầm xuyên vào giữa lòng núi,
ngay trước mũi chúng, chúng vẫn không biết. Tài thật! Có lẽ chiến thắng của
quân đội ta trong chiến dịch này là tổng hợp những điều thần kì mà cán bộ và
chiến sĩ chung tay làm nên. Còn bọn thực dân Pháp và các nước đế quốc cung cấp
tiền bạc, vũ khí nuôi dưỡng cuộc chiến tranh Đông Dương nói chung và cứ điểm
Điện Biên Phủ này nói riêng, không thể hiểu nổi làm sao lại có nhiều chuyện
thần kì đến thế!
Hầm
chỉ huy địch, xây dựng giữa cánh đồng Mường Thanh, được lợp tấm thép hình vòm
như nửa ống cống úp xuống, trên chất bao cát, nền láng bê tông, có phòng ăn,
bàn ghế đầy đủ như một phòng công sở ở Hà Nội. Tiện nghi là thế, vũ khí hiện
đại là thế, nhưng rồi tất cả bọn chúng cũng phải lầm lũi cúi đầu nhìn xuống chân,
giơ tay lên trời cầu xin sự khoan dung của các anh bộ đội mũ nan, dép lốp. Hôm
nay ngồi trong căn phòng chỉ huy toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, lòng tôi dạt
dào cảm xúc: từng mảnh đất nơi đây đã thấm bao mồ hôi, xương máu cha ông để làm
nên một chiến thắng vĩ đại, đánh dấu chung sự sụp đổ của chế độ thực dân và
khẳng định sức mạnh của một dân tộc quật cường, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản quang vinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những góp phần quyết định mang
lại hoà bình cho khu vực bán đảo Đông Dương mà hơn thế còn khẳng định một xu
thế mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ
bài học kinh nghiệm Điện Biên Phủ - Việt Nam, các dân tộc bạn bè trên khắp thế
giới đặc biệt là: châu Á, châu Phi và châu Mĩ La Tinh đã làm các cuộc cách mạng
dân chủ thàng công, chấm dứt chế độ thực dân trên toàn thế giới.
Về thăm cứ điểm Điện
Biên Phủ khi xưa và nay là thành phố Điện Biên tráng lệ với những ngôi nhà cao
tầng, đường nhựa rải thảm bê tông phẳng lì, xe ô tô lớn nhỏ ngược xuôi. Hai bên
đường, cửa hàng, cửa hiệu đua nhau mọc lên như giới thiệu với du khách sự phát
triển mạnh mẽ của một thành phố du lịch. Nhìn cảnh, ngắm người và ngẫm nghĩ,
lòng tôi bổng thấy rưng rưng: Tượng đài chiến thắng Điện Biên đúc bằng đồng,
được cả nước hướng về, xây dựng nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng, chỉ được
một năm, bệ tượng đã nứt, bây giờ đang đào bới ra để gia cố lại. Chắc chắn qua
sự cố này, sẽ có nhiều người băn khoăn như tôi: Tại sao lại vậy? Lỗi tại kỹ
thuật, hay lỗi tại con người trong cơ chế thị trường hôm nay! Hàng quán tuy
nhiều nhưng những mặt hàng thủ công mỹ nghệ
- đặc sản riêng của xứ Mường Thanh hầu như rất ít, giá như chúng ta tổ
chức tốt hơn các làng nghề, nó vừa là nơi bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của
vùng miền, vừa tạo sự cuốn hút cho du khách. Và tại các khu di tích, chính
quyền cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần có đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng
được nhu cầu của các đoàn khách trong nước và quốc tế; có như thế người thăm
quan mới hiểu hết các giá trị di tích… Còn đó những băn khoăn, còn đó những
trăn trở, nhưng tôi tin và hy vọng cán bộ, nhân dân thành phố Điện Biên sẽ sớm
khắc phục được những tồn tại, thiếu sót và biết cách khắc phục để vươn lên,
xứng danh với một vùng đất đã đi vào huyền thoại: Điện Biên Phủ oai hùng – một
địa danh du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng người Việt Nam mà của cả bạn bè
quốc tế.
Điên Biên – Buôn Ma Thuột, 2005 - 2010
TÂM ĐÃ TỚI ĐIỆN BIÊN LẦN HAI . THẮP HƯƠNG VÀ NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC CÁC LIỆT SĨ
Trả lờiXóaCảm ơn bác đã ghé thăm!
Xóa