Buổi sáng, đám trẻ lau nhau trên chục mùa rẫy(1) chưa
phải đi học, rủ nhau lùa trâu bò ra chân núi. Trong buôn hơn năm chục nóc nhà,
nhà nào cũng có bò; nhà ít thì bốn, năm con; nhà nhiều vài chục con. Bò đi
thành hàng dài, túc tắc bước theo con đầu
đàn.
Mọi hôm, Y San thường chễm chệ trên lưng trâu dẫn đầu
“đoàn quân trâu, bò” đến thung lũng, bên các dòng suối để chúng gặm cỏ, ăn lá
cây rừng; nhưng hôm nay lại phải đi sau cùng vì kbao ana yu(2) mới sinh em bé
được ba ngày. Trâu con da đen bóng, lông hoe hoe vàng chạy theo mẹ từng đoạn ngắn;
khi chạy qua trái, lúc lại rẽ qua phải như muốn tìm hiểu cảnh vật trên đường đi
đầy mới lạ, hấp dẫn.
Cả buôn, sáu nhà có trâu. Trâu nuôi chỉ dùng để cúng
trong các lễ trọng đại như: lễ bỏ mã(3), nhà có a tâo(4)… giá trị của trâu bằng
nhiều con bò cộng lại. Nhà nào muốn có trâu nuôi phải đổi bò và thêm cả chiêng,
ché mới có. Nhà Y San có hơn chục con bò, nhưng trâu mới có một con, nó là niềm
kiêu hãnh cho đám trẻ chăn trâu, bò.
Kbao ana yu không phải con trâu bình thường, nó đã lập
được chiến công đến ama, amí Y San(5) cũng phải tấm tắc khen, thưởng hẳn mỗi bửa
một xoong cơm lớn có thêm muối mấy ngày liền. Chuyện là thế này…
*
**
Hôm ấy, khi mặt trời sắp xuống núi đi ngủ. Đám trẻ sau
một buổi rượt đuổi chơi trò trốn tìm, mệt lả ngồi nghỉ, chuẩn bị lùa trâu, bò về
nhà.
-H… ù… m!
Tiếng gầm của hổ vang lên, vọng vào núi, núi nhái lại
làm đám con gái ngã dúi dụi; có đứa bật khóc, ướt luôn cả yen(6) lúc nào không
biết. Lũ trâu bò chạy ầm ầm về buôn, đuôi dựng đứng như cây lau trổ bông; đám
trẻ phải núp vào gốc cây, tránh đường cho chúng.
Lạ, con hổ hình như chưa bắt được mồi nên thỉnh thoảng
lại gầm lên:
-H… ù… m!
Không ai bảo ai, lũ trẻ nối nhau leo lên cây quan sát.
Y San nhanh nhất leo lên cao và không tin ở mắt mình: con hổ to bằng con bò lớn,
hai chân giữ đầu con bê đã ngã dưới đất, mắt nhìn kbao ana yu. Kbao ana yu hai
chân trước cào cào đất rồi bất ngờ lao thẳng vào con hổ. Hổ gào lên nhảy tránh
qua bên, may mà hổ tránh kịp chứ không hai cái sừng nhọn hoắt, dài hơn hai gang
tay như búp măng, chắc chắn đâm lủng ngực nó. Hổ đi vòng tròn xung quanh con
trâu và con bê vừa lồm cồm đứng dậy. Hình như con bê sợ quá, đứng dậy được một
tý đã cong đuôi chạy trốn. Con hổ chỉ chờ có thế, nó gầm lên một tiếng thật to;
nhảy lên cao, bổ xuống đúng người con bê làm nó ngã lăn quay. Con trâu cúi đầu,
chìa hai chiếc sừng ra phía trước lao vào hổ. Con hổ phải bỏ con bê nhảy tránh
qua bên, không quên giơ chân cào một cái vào trâu trước khi chạy ra xa. Nó đi
vòng tròn xung quanh con trâu.
Bọn trẻ lúc đầu im lặng chứng kiến, sau rồi không kìm
được vui sướng, buột miệng reo lên mỗi khi con trâu lao vào con hổ. Lần đầu
tiên trong đời cả đám được chứng kiến trâu đánh hổ để bảo vệ con bê thật hứng
thú. Không biết mẹ con bê đã chạy đi đâu mất.
Cuộc chiến cứ vậy kéo dài, không biết đến khi nào mới
kết thúc. May, cánh đàn ông trong buôn nghe tiếng hổ gầm, vác lao, nỏ, xà gạc;
có người cầm theo: chiêng, nắp xoong… kéo nhau rầm rập chạy ra; vừa chạy vừa hò
hét, vừa gõ như có nhà bị cháy. Có lẽ nghe tiếng người, tiếng gõ chiêng, nắp
xoong… tới gần, con hổ đi vòng tròn rộng hơn rồi biến mất sau gốc cây rừng.
Người lớn chạy đến, mồ hôi nhễ nhại, có người mặt tái
xanh; còn bọn trẻ lại tươi cười hớn hở tụt xuống đất, tranh nhau kể lại cuộc đấu
của trâu và hổ. Y San chạy trước dẫn đường đến bãi đất trống, thấy kbao ana yu
vẫn đứng im, đầu ngẩng cao như chuẩn bị đánh nhau; con bê nằm phía trước không
đứng lên được nữa. Trên cổ kbao ana yu có nhiều vết cào của hổ, máu chảy thành
dòng. Ama Y San bước lại gần, vỗ vỗ vào mông trâu như an ủi; đám người trong
buôn kéo đến mỗi lúc một đông; mí H’Bliắk chạy lại ôm con bê, vuốt ve nó và nói
lời cảm ơn kbao ana yu đã bảo vệ con bê nhà bà.
Sau chiến công của kbao ana yu, Y San được đám bạn tôn
làm Mtao(7). Hơn chục đứa trẻ cả trai lẫn gái, nhiều đứa còn sống nhiều mùa rẫy
hơn Y San cũng phải chấp nhận. Ngày đầu làm M’tao được các bạn nữ quấn một vòng
hoa phong lan lớn đội lên đầu, công kênh ngồi lên gốc cây gỗ hương ai đó đã chặt
mang về làm nhà lâu ngày chỉ còn lại phần lõi đen bóng. Đám bạn đứng trước mặt
hơi cúi đầu đồng thanh hô to:
-Bọn tao kính chào Mtao!
-Tốt!
-Xin Mtao cho chúng tao công việc.
Y San đưa tay lên đầu gãi gãi mái tóc hoe hoe vàng,
cong tít, thầm nghĩ: “Làm Mtao cũng rắc rối nhiều đây, phải bày cách gì cho bọn
bạn vui mới đươc”; rồi nói:
-Lũ con gái đi kiếm củi, củi phải to bằng cổ tay trở
lên, không được lấy cây nhỏ hơn, đặt chỗ bụi cỏ úa kia rồi nổi lửa. Y Hiên, Y
Thanh, Y Hiếu ở lại đây, số con trai còn lại vào rừng kiếm hoa quả mang về cúng
Yang(8). Nhất trí không?
-Nhất trí!
Lũ trẻ đồng thanh hô lên, nhanh chóng tản vào rừng. Y
Hiên thấy các bạn đi cả, mới hỏi:
-Bọn tao ở lại đây làm gì?
-Theo tao ra suối bắt cá về nướng ăn.
Cả bọn ra đến bờ suối, Y San phân công:
-Y Hiên đi xuôi xuống phía dưới suối, tìm hái lấy một
nắm quả sung chín mang lại đây; Y Thanh, Y Hiếu và tao chặt nứa làm lao bắt cá.
Nghe phân công làm việc, Y Hiên ngạc nhiên nói:
-Sao bảo tao đi xuôi mà không đi ngược suối tìm quả
sung?
-Mày sống nhiều mùa rẫy hơn tao mà cái đầu bé thế,
phía trên này một đoạn xa không có cây sung đâu vì nếu có thì tao không đưa
chúng mày đến. Vì sao á: nếu có cây sung phía trên thì lũ cá lúc nào cũng có quả
ăn, no bụng, ta làm sao dụ chúng ra được, hiểu chưa? Phía dưới kia kìa có một
cây đấy, đi đi.
-Ô, mày xứng đáng làm Mtao, nói nghe phải lắm.
Y Hiên reo lên rồi nhảy phóc qua hòn đá xuôi theo suối.
Ba đứa còn lại đi tới bụi nứa, chọn những cây to bằng ngón tay út, màu vàng sẫm,
chặt đúng ba cây, dài gần sải tay, vót nhọn một đầu làm lao.
Y Hiên lấy lá môn bọc một chùm quả sung chín đỏ mang về,
Y San phân công:
-Y Hiên lại chỗ hòn đá kia ngồi, bóp từng quả sung ra
cho tan vào nước, từ từ thôi nhé, còn ba đứa chúng mình đứng hàng dọc trên bãi
cát này, con cá nào ra ăn là đâm.
Y Hiên nghe nói thế, ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao tao lại phải ngồi hòn đá này mà không lên cao lên
phía trên một tý?
-Ô, từ chỗ mày ngồi tới chỗ bọn tao là bãi cát, đâm cá
có trúng hay trượt cũng không hư lao. Đi cao hơn toàn đá, thì đâm chỉ một lần
là hư mất lao rồi.
-Đúng quá!
Y Thanh và Y Hiếu cùng reo lên tỏ ý khâm phục. Ba đứa
tranh nhau trổ tài, chỉ một chốc đã được một mớ cá suối, gói đầy lên ba tầu lá
môn. Cả bọn kéo nhau lại đống lửa, cùng lũ bạn chẻ cây nứa xanh ra thành từng mảnh
nhỏ, xiên qua miệng cá hơ lên than hồng, nướng.
Bữa “tiệc” mừng Mtao mới ngoài cá nướng còn có quả và các
loại lá rừng ăn với nhau hình như chưa có bữa nào ăn ngon đến thế. Ăn xong bọn
chúng nhìn nhau rồi lăn ra cười vì… mặt đứa nào cũng nhọ nhem.
*
**
Tối, ngồi bên bếp lửa Y San xin ama lấy sừng trâu làm
cho mình một cái tù và. Ama ngạc nhiên hỏi lại:
-Dùng tù và làm gì?
-Con được bọn chúng tôn làm Mtao nên phải có cái gì đó
làm hiệu lệnh chứ.
-Thế thì được.
Sáng hôm sau, cơm nước xong, Y San leo lên lưng trâu,
đưa tù và lên thổi một hơi dài; tiếng kêu rất to, bay qua các nóc nhà dài, vọng
vào tận chân núi làm người lớn, trẻ con chạy vội ra đầu sàn đứng nhìn. Bọn trẻ ồ
lên thích thú trước hình ảnh đẹp của vị Mtao, chúng vội vàng xua trâu, bò đi
theo.
Lên đến bãi cỏ đã định trước, Y San ra lệnh dừng lại
thả trâu bò vào rừng kiếm ăn, còn lũ bạn tụ tập bên Mtao chuẩn bị trò chơi mới.
Mấy đứa bạn trai thấy tù và thích quá, xin thổi thử. Y San bảo lũ bạn:
-Chúng mày về xin ama làm cho mỗi đứa một cái. Tù và
hôm nay cho thổi thoải mái, nhưng bắt đầu từ ngày mai chỉ được thổi buổi sáng để
cùng nhau thả trâu bò đi ăn cỏ, buổi chiều thổi tù và gọi trâu bò về. Thời gian
còn lại không ai được thổi nữa, nghe chưa.
Cả bọn nhất trí. Kể từ ngày có tù và, lũ trâu bò cũng
ngoan hẳn lên, cứ nghe theo tín hiệu tự tập trung đi, về; lũ trẻ thỏa thích
chơi đùa, không phải lo đi tìm chúng mỗi khi chiều tới.
Nhưng rồi mọi chuyện không phải lúc nào cũng như ý.
Chiều hôm ấy, Y San cùng các bạn đưa tù và lên thổi, lũ trâu bò lốc nhốc kéo
nhau lại vây quanh bọn trẻ không chịu về. Đếm đi, đếm lại vẫn thiếu mất con
trâu của Mtao. Cả bọn ra sức thổi tù và đến lúc mặt trời xuống núi đi ngủ cũng
không thấy kbao ana yu đâu cả. Mtao thất thểu lùa lũ bò về nhà.
Đến chân cầu thang, Mtao ôm mặt khóc hu hu. Amí trong
nhà nghe tiếng khóc vội chạy ra, hỏi:
-Sao thế?
-Mất kbao ana yu rồi.
-Mất lúc nào?
-Con không biết, nhưng chiều nay gọi mãi không thấy nó
về nữa.
Ama từ trong nhà hỏi vọng ra:
-Hôm nay chăn chúng ở đâu?
-Dạ, ở bên suối Đắk Đoa ạ.
-Lạ nhỉ?
-Sáng nay kbao ana yu lạ lắm ạ. Mấy con trâu đực lại gần
bị nó lao vào húc luôn, làm lũ chúng chạy tán loạn.
-Thôi lên sàn đi, mọi việc do Yang quyết định, không
sao đâu.
-Nhưng mà nó không về nữa…
-Ama đã bảo không sao là không sao chứ đứng đó làm gì.
Lên sàn đi.
Amí nói như giận. Y San bước vội lên sàn thay đồ. Bữa
cơm chiều ăn muộn hơn mọi ngày mà Y San không thấy đói, cơm không muốn ăn, nước
mắt cứ chực trào ra. Amí bảo:
-Ăn cơm đi, không phải lo mất trâu đâu.
-Nhưng lỡ có con hùm ngày trước đến bắt nó ăn thịt thì
sao ạ?
-Trước nó nhỏ mà đánh cho hùm tơi tả; nay lớn hơn nhiều
rồi, lũ hùm lo mà tránh cho xa chứ bắt làm sao được.
-Thế sao nó không về nhà nữa?
-Chắc là vào rừng chơi thôi mà. Ăn đi con.
Ama nhắc Y San ăn cơm. Mất con trâu cả đống của to như
thế, về nhà ama, amí không ai la câu nào lại còn an ủi mình nữa. Lạ thật.
*
**
Sáng hôm sau, Y San ra đầu sàn thổi một hơi dài tù và;
lũ bạn trai trong các nhà sàn khác cùng đua nhau thổi đáp lại. Trâu, bò được thả,
tranh nhau bước ra đường giữa buôn rồi đứng khựng lại; mấy con trâu đực lao vào
nhau cà khịa, không chịu đi trước.
Nhìn lũ trâu bò, Y San bất giác thở dài rồi xua đàn bò
nhà mình đi trước để lũ bò trong buôn đi theo đến bãi chăn hôm qua, hy vọng thấy
con kbao ana yu trở về. Mọi hôm, lũ trẻ thả trâu, bò xong là hò hét nhau, bày
trò chơi; hôm nay cả bọn kéo nhau ngồi bên gốc cây hương, mặt buồn xo.
Y Hiên người cao lêu đêu, trán hơi dô về phía trước rụt
rè nói:
-Chắc kbao ana yu bị hổ ăn thịt mất rồi.
-Hồi trước còn nhỏ nó đã đánh hổ cứu con bê; nay to lớn
như thế, hổ sao dám đụng đến.
Y Thanh phản đối, Y Hiếu bảo:
-Không bị hổ ăn thịt thì chắc có con trăn ăn nó rồi.
-Trăn mà ăn được con trâu to đùng như thế thì… có mà
trăn Yang. Đúng là ngốc.
Y Hiên trả lời, Y Thanh góp chuyện:
-Hay là Yang bắt?
-Đúng rồi, chỉ có Yang mới bắt được nó biến mất một
cách khó hiểu như thế.
Y Hiên đồng tình với bạn làm Y Hiếu bật cười:
-Chúng mày nghĩ lạ, Yang chỉ bắt cho nó chết thôi chứ
có mang nó đi được đâu. Tao nghĩ có ai bắt trộm cũng nên?
Bọn con gái ồn ào cả lên, tỏ vẻ đồng tình. Y San vẫn
ngồi im như hạt bắp, không nói gì. H’Bliắk, mặt tròn, mắt như mắt chim bồ câu,
sinh trước Y San một mùa rẫy, nói:
-Có thể đúng vậy, chúng ta phải cảnh giác không hôm
nay mất thêm trâu, bò nữa đấy.
Cả bọn nhớn nhác nhìn ra xung quanh như phát hiện có kẻ
trộm đang đứng gần đâu đó phía sau. Y San đứng đậy, nói:
-Tất cả nói đều không đúng. Hổ không bắt được trâu mà
trăn càng không thể nuốt được trâu to như thế. Còn bắt trộm thì chúng bắt bằng
cách nào khi ba mặt buôn mình có núi cao vây quanh, chỉ một con đường duy nhất
đi qua buôn. Từ lâu rồi trong buôn làm gì có nhà ai mất đồ mà bảo có kẻ trộm.
-Không có ai bắt thì làm sao con trâu biến mất?
H’Biắk tỏ vẻ không đồng ý, hỏi lại. Y San chưa kịp đáp
thì…
R… ầ… m, r… ầ… m, r… ầ… m.
Lũ trâu bò bất ngờ cong đuôi hốt hoảng chạy về buôn. Mấy
đứa con gái vội đứng lên, định chạy theo giữ chúng lại. Y San quát:
-Đứng lại, leo lên cây nhanh lên.
Cả bọn bám vào dây, cuống quýt leo lên cây, nhìn ra
xung quanh. Y Hiên nói:
-Ô, lạ quá, lạ quá… trâu, bò đực bỏ chạy như bị hổ đuổi;
còn lũ cái thì vẫn bình thản gặm cỏ, ăn lá kìa.
Hơn chục đứa trẻ bám xung quanh cây nhìn và đều tỏ vẻ
ngạc nhiên trước sự việc kỳ lạ xảy ra; chuyện chưa thấy bao giờ. Y San không
nói, nhưng trong đầu cũng có hàng chục câu hỏi trước việc đang xảy ra: con gì
làm lũ trâu, bò đực hoảng sợ đến mức phải chạy về buôn trốn mà lũ trâu bò cái vẫn
thản nhiên ăn? Hay con vật bắt trâu nhà mình hôm qua quay lại? Nhưng nếu nó bắt
trâu nhà mình thì lũ trâu, bò cái cũng phải sợ chứ… Bỗng Y Thanh reo lên:
-Kbao ana yu, kbao ana yu kia kìa; nó đang từ dưới suối
lên đấy.
-Đúng nó rồi, xuống đón nó thôi.
H’Biắk thích
quá, reo lên, tay nắm rễ cây định tụt xuống. Y San kêu lên:
-Ngồi im, không được xuống. Chắc có chuyện gì đó bất
thường nên trâu bò đực mới trốn chứ; để xem đã.
Lũ con gái đang định tụt xuống vội rối rít leo lên cao
hơn để quan sát xung quanh. Con trâu nhà Y San bị mất hôm qua, giờ trở về, da
đen bóng như mới được tắm ở chỗ nào đó. Nó khoan thai ngẩng cao đầu, bước từng
bước một lại gần bầy trâu cái đang gặm cỏ. Lũ trâu cái cũng ngừng ăn ngửng đầu
lên nhìn như chào đón thủ lĩnh đi xa trở về. Y Hiếu bất ngờ reo lên:
-Ô, có con gì to đùng đi phía sau kbao ana yu kìa; ôi
nó to quá, to như voi ấy.
Một con vật lạ, to gấp ba lần con kbao ana yu, lừ lừ
xuất hiện. Con vật lạ, đầu có sừng như sừng trâu, nhưng cái đầu to khủng khiếp;
mình lông đen, chân lông trắng, trông giống chân bò. Lũ trâu, bò cái nhà nhìn
con vật lạ, nhìn kbao ana yu, chào nhau rồi cuối xuống gặm cỏ như không có gì xảy
ra. Kbao ana yu dừng lại, chờ con vật lạ đến bên cạnh; ngẩng đầu, dụi vào cổ nó
ra vẻ thân thiện lắm.
Lũ trẻ tròn mắt nhìn không hiểu chuyện gì đang xảy ra
trước mặt, bất chợt Y San reo lên:
-A, tao biết rồi, tao biết rồi!
Nghe tiếng reo của Y San, con vật lạ quay đầu chạy như
bị ma đuổi, cây cối dưới suối gãy, đổ ầm ầm như voi chạy. Bọn trẻ không hiểu điều
gì xảy ra. Tụt xuống đất, H’Biắk hỏi:
-Mày biết cái gì mà reo to thế?
-Tao biết vì sao kbao ana yu trở về làm lũ trâu bò đực
chạy trốn như hổ đuổi rồi.
Cả đám trẻ nhao nhao lên hỏi. Chờ một lúc, để bớt ồn,
Y San mới nói tiếp:
-Kbao ana yu vào rừng tìm bạn trai dẫn về; lũ trâu, bò
đực sợ bạn trai của nó nên bỏ chạy hết; chỉ có lũ trâu, bò cái không sợ và hình
như còn muốn làm quen mới tỏ ra thân thiện với nhau.
-Nhưng sao mới nghe Y San hô một tiếng mà nó chạy như
bị hổ đuổi vậy?
Y Thanh thắc mắc hỏi, Y San trả lời:
-Có gì đâu, chắc con này là trâu trong rừng già, chưa từng
gặp người bao giờ, nay nghe tiếng người nên sợ, bỏ chạy thôi. Nhà mình vậy là sắp
có thêm trâu em bé rồi, thích quá.
Lũ trẻ đồng thanh reo lên:
-Đúng quá, đúng quá. Chúc mừng Mtao!
Cuối mùa mưa
năm 2020
Chú thích tiếng Êđê:
1.
Chục mùa rẫy: cách tính tuổi của người Ê đê, mỗi mùa rẫy
là một tuổi;
2.
Kbao ana yu: con trâu cái tên Yu;
3.
Lễ bỏ mả: lễ tuyên bố đoạn tuyệt giữa người sống và người chết;
4.
Atao: chỉ người đã chết;
5.
Ama amí:bố mẹ;
6.
Yen:váy
7.
Mtao:tù trưởng, người giàu có trong buôn được mọi người
kính trọng;
8.
Yang: thần linh;
rất tuyệt
Trả lờiXóa