Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

CHUYỆN GHI Ở EA YIÊNG bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC 11+12 .2020

 


Đòan văn nghệ sỹ về Công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đi thực tế sáng tác được Đại úy Đoàn Ngọc Duẫn - Đội Trưởng Đội An ninh cho biết: Tà đạo Hà Mòn xâm nhập và bùng phát ở xã Ea Yiêng năm 2012, lôi kéo một số đối tượng là đàn ông, người dân tộc Xê Đăng theo đạo thiên chúa, cải đạo, bỏ nhà vào rừng tu luyện. Tình cảnh con mất cha, vợ mất chồng, đêm về vắng tiếng đàn ông trong các ngôi nhà làm buôn làng quạnh hưu.

Hà Mòn là tên một xã thuộc huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum, từ năm 1999 Hà Mòn còn được biết đến nhiều hơn với một "hiện tượng tôn giáo mới" ra đời ở đây mà người ta gọi là “tà đạo Hà Mòn”. "Tà đạo Hà Mòn" ra đời do bà Y Gyin, sinh năm 1942 dân tộc Ba na Rơngao là tín đồ Công giáo nhưng làm nghề thầy cúng, phao tin: vào 12 giờ khuya ngày 20 tháng 12 năm 1999 mình nhìn thấy “Đức mẹ Maria hiện hình” trên nóc nhà. Lợi dụng tình hình đó một số người dân tộc thiểu số theo Công giáo ở Hà Mòn thêu dệt, phao tin cho rằng bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo mới và tuyên truyền nội dung như: Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo đạo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán...

Bọn phản động Fulro lợi dụng tà đạo Hà Mòn, thâm nhập vào các buôn của người đồng bào bản địa Tây Nguyên, kích động, lôi kéo người dân gia nhập, gây nên tình trạng bất ổn cho xã hội. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bọn chúng đã đến một số buôn người dân tộc Xê Đăng, thuộc xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc vận động người dân cải đạo làm xáo trộn cuộc sống thanh bình của người dân nơi đây.

Để trả lại cuộc sống thanh bình cho người dân nơi đây, Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng lực lượng công an làm nòng cốt, không quản gian nan, vất vả, băng suối, trèo đèo đi vận động nhân dân sống chui lủi trong rừng trở về với cuộc sống bình thường. Sau nhiều ngày tuyên truyền, vận động, giải thích... chúng ta mới đưa được những người theo tà đạo lẩn trốn trong rừng trở về đoàn tụ với gia đình và vạch mặt những tên cầm đầu trước nhân dân.

Chuyện qua đã lâu, nhưng qua câu chuyện, tôi tò mò muốn biết những người theo “tà đạo Hà Mòn” vào rừng ngày ấy nay về tái hòa hợp cộng đồng có cuộc sống ra sao và cả những người vào rừng tìm người lẫn trốn đã làm thế nào để đưa họ về. Đề xuất và được Trung tá Nguyễn Thị Biên Hòa - Đội trưởng đội Tham mưu tổng hợp, Công an huyện Krông Pắc thu xếp đưa đoàn đến buôn Kon Wong, xã Ea Yiêng tìm hiểu thực tế.

Trời bất chợt đổ mưa ầm ầm, cây cối ngã nghiêng. Đường Quốc lộ 26 chạy qua trung tâm thị trấn Phước An nước chảy như suối vì thế cuộc hẹn đi lúc 14 giờ phải chậm lại gần một tiếng. Gần 15 giờ xe mới đến đón, đưa đi. Đại úy Nguyễn Đức Tú cán bộ Đội An ninh thông báo: “Đường xấu lắm, xã Ea Yiêng cách trung tâm huyện khoảng 25 km, các cô chú chuẩn bị tinh thần”.

Vừa đi hết địa phận thị trấn Phước An chúng tôi đã cảm nhận được con đường “xấu” cỡ nào. Trên mặt đường nhựa trước đây, bây giờ toàn những vũng nước lớn to như cái chiếu đôi, lái xe hình như đang biểu diễn... xiếc; hết qua phải lại qua trái tránh không lao xuống hố... Hai bên đường nhà cửa nối đuôi nhau chạy lùi lại phía sau. Nhà văn Bích Thiêm góp chuyện: “Đường hôm nay còn khó đi hơn đường hôm qua vào xã Vụ Bổn.” “Đúng đấy cô, đường này xe chở gạch, chở cát chạy nhiều nên nó mới vậy” - đồng chí lái xe trả lời.

Bất ngờ hai bên đường xuất hiện những cánh đồng lúa trải dài, rồi những lò gạch hình như xếp hàng hai bên đường, kéo dài đến hơn km, tôi nói: “Đất làm được gạch thế này chắc ngoài cây lúa ra, không trồng cây gì tốt cả”. “Đất trên đồi tốt lắm chú, có vùng còn trồng được cà phê, tiêu nữa đấy”; Đại úy Tú trả lời tôi rồi nói thêm: ở vùng này, chỗ nào trồng được cà phê, tiêu… thì dân có thể vươn lên làm giàu và hiện nay trên nền đất ấy người ta còn trồng xen sầu riêng, bơ... thu thêm tiền tỷ mỗi ha một năm.

Sau gần một tiếng đánh vật với con đường, chúng tôi cũng đến được trụ sở xã Ea Yiêng. Tiếp đoàn có ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và một người đàn ông đậm người, khuôn mặt chất phác, đúng mẫu người nông dân đồng bằng sông Hồng. Chủ tịch xã giới thiệu: “Anh Trần Văn Long, Trưởng Công an xã, vừa mới được Hội đồng nhân dân xã bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã”. Qua tâm sự anh Trần Văn Long cho biết: từ năm 2006 làm công an viên, được tổ chức tín nhiệm cử giữ chức Phó công an xã, rồi Trưởng Công an xã đến nay; anh tâm sự:

Từ cuối năm 2006, một số giáo dân người Xê Đăng sinh sống trên địa bàn xã, tụ tập nghe giảng “tà đạo Hà Mòn”, Công an xã đã báo cáo lên Công an huyện. Người dân thật thà, chất phác nên cả tin vào lời giảng “đạo” ngon ngọt của bọn xấu: theo tà đạo Hà Mòn thì “mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, chết được lên thiên đàng”. Thế là hàng trăm đàn ông bỏ nhà vào rừng tu luyện, làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của người dân. Sự thâm độc của tà đạo Hà Mòn: chỉ vận động đàn ông - lực lượng chính lao động sản xuất vào sống trong rừng, cam chịu “hành xác” như Chúa Giê Su chịu cực hình đóng đinh vào cây thánh giá.

Trước tình hình ấy, Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức thành từng đoàn xuống các hộ gia đình vận động họ vào rừng kêu gọi chồng, con trở về. Công an xã phối hợp với Phòng An ninh dân tộc, Công an tỉnh; Công an huyện vào rừng vận động. Trong những ngày tháng đó quả thật khó khăn vất vã không thể kể hết. Đại úy Nguyễn Đức Tú kể: Ta tổ chức thành từng đội có Công an, già làng, buôn trưởng vào rừng để vận động họ về. Nhưng núi cao, họ tổ chức canh gác, ta mới đi đến chân núi, ở trên triềng núi nhìn thấy đã chỉ điểm để chúng chạy đi hết, không sao tiếp cận được nên sau này ta phải tổ chức đi đêm; những chuyến đi ấy...

Gần ba giờ sáng, ngữa mặt nhìn lên mới thấy núi Cư Păm cao vút, có ba đỉnh kéo dài in mờ mờ lên bầu trời. Đội công tác do anh Trần Văn Long dẫn đường cùng với các đồng đội của mình lặng lẽ lên đường, điểm đến là bóng của một cây Kơ Nia nổi bật trên triền núi. Người đi sau cố gắng căng mắt nhìn người đi trước cho khỏi lạc. Rừng già, những cây cổ thụ chằng chịt giây leo làm người đi đêm như lạc vào rừng ma, thỉnh thoảng có người đâm đầu vào gốc cây, lại có người “vồ ếch” vì vướng dây; họ cứ mò mẫm như vậy tiến dần lên điểm đã định trên sườn núi. Đêm tạnh ráo còn đỡ, gặp hôm mưa, nước luồn qua cổ áo; nước chui qua tay áo, nước dội vào ống chân; giày, tất ướt sũng; người trước trượt, người sau ngã có khi chồng chéo lên nhau. Nhưng mọi người trong đoàn vẫn cố chịu đựng để đi vì biết trước mặt họ, những người dân lương thiện bị dụ dỗ vào sống trong rừng, chịu rét mướt, đói, khát… đang cần được nghe lời nói phải để thức tỉnh lương tâm trở về với gia đình.

Mỗi chuyến đi như thế thường phải một đêm một ngày nếu không gặp đối tượng thì quay về nghỉ một ngày để đêm mai đi tiếp. Cũng may, rừng nơi đây không có rắn độc nên suốt mấy tháng trời quân ta đi gần như in dấu giày khắp mọi nơi mà không ai bị rắn cắn. Nhưng trong rừng không có rắn lại có vô số muỗi độc, rất nhiều cán bộ chiến sỹ của ta bị sốt rét, đau ốm. Bản thân anh Trần Văn Long cũng bị sốt rét quật ngã; anh em phải cõng về, dứt cơn sốt lại xung phong đi tiếp vì... quen địa hình. Cứ như thế, ngày nối ngày, đêm nối đêm, các anh đợi đến khoảng năm giờ sáng hay mười sáu giờ chiều, những người theo tà đạo Hà Mòn tụ tập năm hoặc sáu người lại đọc kinh. Lần theo tiếng đọc kinh ấy, ta bí mật bao vây rồi giữ họ lại để khuyên nhủ, giải thích, động viên... bằng chính tình cảm chân thành, những người Công an đã giúp họ tỉnh ngộ, theo về đoàn tụ với gia đình. Trong những chuyến đi đêm như thế, có lần đang đi bất chợt nghe tiếng người rên bên một gốc chuối rừng. Khi mọi người lặng lẽ đến nơi, bật đèn lên đều không thể tin ở mắt mình: người đàn ông chỉ có một mảnh ni lông quấn quanh chân, toàn thân ướt sũng, nằm trên nền đất đang vật vã vì lên cơn sốt; mọi người phải thay nhau cõng về trạm y tế, cấp cứu kịp thời, thoát chết.

Anh Trần Văn Long dẫn tôi đến thăm nhà anh Lợi, người dân tộc Xê Đăng, buôn Kon Wong. Ngôi nhà cấp bốn lợp tôn, thưng ván được bao quanh bằng rào sắt, cổng sắt như bờ rào của một ngôi biệt thự trên phố. Anh Lợi khoảng hơn bốn mươi tuổi, trông dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nay đã có năm người con, đứa lớn mới học lớp mười, đứa bé hơn một tuổi. Anh Lợi cho biết: “Mình nghe người ta rủ rê vào rừng tu luyện để chết được lên thiên đàng sung sướng. Vào rừng cực lắm, nhưng đã theo rồi nên không dám về vì sợ Công an bắt. Sau này gặp Công an và cán bộ, nghe giải thích mình mới an tâm trở về. Nhờ Công an mà mình mới có ngày hôm nay đấy. Hết đói rồi, nhưng còn nghèo. Thu nhập mỗi năm được chừng hai tấn lúa, một tấn cà phê”. Tôi hỏi: “Sau khi về có bị Công an gây khó dễ không? Nhà nước có hỗ trợ gì không?” Anh Lợi trả lời: “Mình trốn vào rừng sáu tháng, sau được cán bộ đưa về, thỉnh thoảng các anh ấy đến thăm, động viên. Ngân hàng cho vay mười lăm triệu đồng để mua bò, giờ đã có bò con rồi đấy”. Nói đến đây, anh Lợi nở một nụ cười mãn nguyện. Nhà văn Bích Thiêm hỏi thêm: “Máy cày anh mua lâu chưa?” “Mình mới mua năm ngoái đó!”

Nhìn căn nhà chưa khang trang, nhưng đầy đủ tiện nghi: ti vi, xe máy, máy cày... và khuôn mặt rạng rỡ của gia chủ, tôi thấy mừng cho anh Lợi nói riêng và người dân nơi đây nói chung; họ bị kẻ xấu lừa phỉnh theo tà đạo Hà Mòn, bỏ nhà cửa, vợ con trốn vào rừng “tu luyện” ăn đói mặc rách, chịu bao nhiêu khổ cực; khi tỉnh ngộ, quay về chí thú làm ăn, vợ chồng sum họp lại có thêm con, kinh tế tạm ổn. Giờ đây, họ biết ơn Đảng, biết ơn chính quyền và đặc biệt những người Công an đã cho họ trở lại làm người nên một lòng tin vào chế độ thực hiện tốt các quy định của nhà nước và địa phương.

Tạm biệt anh Lợi, chúng tôi đến thăm buôn Trưởng Phùng. Ông vừa đi làm về, khuôn mặt hồ hởi, trên môi nở nụ cười rất tươi, mời chúng tôi vào nhà, bật điện, bật quạt, pha trà mời khách. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về những người theo tà đạo trốn vào rừng ngày trước, buôn Trưởng nói: “Cái thời lũ đàn ông theo tà đạo Hà Mòn trốn vào rừng, mình cũng phải bỏ cả việc nhà, theo cán bộ, Công an vào rừng vận động chúng về. Gặp được bọn chúng, mình bảo: “Có nhà không ở lại vào rừng nhịn đói; ruộng rẫy không ai làm, vợ con lấy gì ăn. Tối chúng mày ngủ trong rừng có nhớ vợ ở nhà nằm một mình không?” Mình bảo chúng: “về nhà đi, Công an không bắt đâu. Công an thương chúng mày mới lặn lội ngày đêm vào rừng gọi chúng mày về đấy, về cho con vợ mày nó mừng, có người ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh”. Tôi nói thế, chúng nó nghe ra, rủ nhau về gần hết rồi. Đến nay, cả buôn chỉ còn bốn đứa nữa mất tích, không biết sống chết ở đâu, không liên lạc được”.

Tạm biệt buôn Trưởng Phùng, chúng tôi quay về phố huyện Phước An. Đường trong buôn đã bê tông hóa, ngôi nhà rông cao vút đứng giữa buôn đã nhuốm màu thời gian. Mấy người già ngồi bên cửa sổ nhà rông nhìn xe chúng tôi chạy qua, ánh mắt không giấu được niềm vui; dưới sân lũ trẻ địu theo em trên lưng đang nô đùa, thấy xe chúng tôi chạy qua giơ tay vẫy vẫy.

Một mùa xuân tươi đẹp nữa lại đến, buôn Kon Wong thanh bình, đầm ấm dù vẫn còn hộ nghèo nhưng khác xa một thời lạnh giá vì vắng bóng đàn ông theo tà đạo Hà Mòn lẫn trốn trong rừng. Cuộc sống được như hôm nay là nhờ có công đóng góp không nhỏ của các đồng chí Công an, như các anh Đại úy Đoàn Ngọc Duẫn, Đại úy Nguyễn Đức Tú, hay Trưởng Công an xã Trần Văn Long và bao nhiêu đồng đội khác nữa, không sợ gian khổ, nguy hiểm đi vào rừng sâu núi thẳm giữa đêm hôm khuya khoắt, mưa gió để đưa dân về sum họp với gia đình; đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động Fulro; điều đó khẳng định bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người Công an nhân dân nơi đây.


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI