Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

THẾ GIỚI KỲ THÚ QUA ĐÔI MẮT TRẺ THƠ tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 341+342 THÁNG 1&2 NĂM 2021

 


(Đọc tập truyện ngắn CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN của HỒNG CHIẾN)


Hồng Chiến là một cây bút gắn bó với mảnh đất và con người Tây Nguyên từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay. Nguyên là một thầy giáo dạy học ở các trường vùng sâu, vùng xa huyện M’Drăk, huyện Ea Kar của tỉnh Đăk Lăk, anh có vốn sống và hiểu biết phong phú về thiên nhiên núi rừng, sông suối, đặc điểm của nhiều loại động thực vật cũng như phong tục, tập quán, đời sống, văn hoá của đồng bào dân tộc bản địa và những đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu nhi - những em học sinh mà anh gắn bó suốt một thời trai trẻ.  Vì thế, sáng tác của Hồng Chiến chủ yếu là các tác phẩm viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi các dân tộc Tây Nguyên. Anh viết khá thành công với thể loại truyện, ký như: Chuyện kể người đi săn, Bí mật của rừng thiêng, Bí mật của H Loan, vv…Cảm nhận chung, truyện của Hồng Chiến gắn kết giữa đề tài thiếu nhi và không gian núi rừng, văn hoá Tây Nguyên, cốt truyện nhẹ nhàng, nội dung tác phẩm có giá trị nhận thức, giáo dục và ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc.

Tập truyện Chuyện nhặt trên thảo nguyên (Nxb Văn hoá dân tộc, 2019) là sự tiếp nối mạch sáng tác về đề tài thiếu nhi Tây nguyên của nhà văn. Tác phẩm có quy mô như một tuyển tập, gồm 4 phần: Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ (truyện vừa), Rừng thiêng (truyện dài), Chuyện nhặt trên thảo nguyên (truyện vừa) và Con gà gô (tập truyện ngắn), trong mỗi phần lại có nhiều truyện nhỏ được đặt tiêu đề hoặc xếp theo thứ tự. Kết cấu hình thức được lạ hoá nhưng vẫn đảm bảo được tính thống nhất về đề tài, nội dung và cảm hứng chung của tác phẩm.

Truyện vừa Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ là một thiên đồng thoại với các nhân vật là cỏ cây, hoa lá, côn trùng, chim muông, thú vật và cả các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, gió, mặt trời… được nhân cách hoá một cách rộng rãi và khá sinh động. Truyện kể về hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt từ một chú Bọ Ăn Mày ở xóm Bùn, trải qua bao gian nan, vất vả và nguy hiểm, qua nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân vật ở nhiều không gian khác nhau để trưởng thành cho đến lúc trở thành Chuồn Chuồn Ớt và biết được về vòng đời sinh tử của giống loài. Qua cuộc hành trình ấy, cả thế giới sự vật kỳ thú được mở ra trước đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên của Chuồn Chuồn Ớt. Đó là một xóm Bùn chật chội và đông đúc các loài cùng chung sống: Bà Hến, cô Ốc Nhồi, bà Ngao, đàn Cá Mương, cụ Cá Chép, lão cá Chuối, con Cá Trê, các anh em nhà Bọ Ăn Mày, chị Gió…Đó là không gian sân trường với Ông Mặt Trời, bà Mùa Hè, cô Mùa Thu, cô Gió, anh Mây, bác Phượng già, cô Phượng trẻ, họ hàng nhà Sẻ, Ve Sầu, hạt Sỏi… Ra khỏi mặt nước xóm Bùn, một không gian rộng mở, thoáng đãng hiện ra với hình ảnh “…ông mặt trời tròn như chiếc đĩa, bốc cháy dữ dội. Sau lưng ông mặt trời , bầu trời xanh lơ, hiền hoà, thân thiện hiện ra. Thỉnh thoảng những đám mây trắng bồng bềnh bơi qua” (truyện Bọ ăn mày). Chuồn Chuồn Ớt khám phá bao điều mới mẻ về thiên nhiên, cây cỏ, muông thú. Trước hết là hiểu về mùa hè khi sân trường vắng vẻ: “căn cứ theo đường đi của ông Mặt Trời mà người ta chia theo mùa: khi ông ta đi qua đầu chúng ta, tạo ra cái bóng tròn dưới chân, đấy là mùa hè” (truyện Thế nào là mùa hè). Tiếp đến là hình ảnh và mối quan hệ giữa mây và gió, đặc điểm hình dáng, màu sắc và hoạt động của nhiều loại côn trùng, động vật như chim Sẻ, Bướm Vàng, Ve Sầu, chú Kiến Vàng, mỗi loại đều có những hoạt động sống khác nhau, những tập tính khác nhau rất sống động và vui nhộn. Chuồn Chuồn Ớt dần hiểu được “ hoa phượng đi đâu” khi mùa thu đến và cây bàng rụng lá: “ Theo quy luật cuối mùa thu, đầu mùa đông, một số cây rụng hết lá để tránh rét; khi mùa xuân đến, khí trời ấm áp cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc có thêm những chiếc lá mới như con người thay áo vậy” (truyện Vì sao bàng rụng lá?). Thế giới loài chim cũng thật phong phú, đẹp đẽ và vui nhộn: Hình ảnh những con chim chào mào, chim cu xanh, đàn sáo nâu rất đẹp đang ăn những quả đa chín và ríu rít bàn luận về câu chuyện “ Của để dành” của bác Phượng Già. Loài chim Ktia (chim Vẹt) với “cái mỏ rắn chắc như thép” đặc biệt lắm lời và “ giỏi ngoại ngữ nhất”, màu lông họ hàng nhà K’tia cùng khác nhau do sống những vùng khí hậu khác nhau “ lông màu trắng, màu vàng, màu đỏ và màu xanh biếc…Mỗi màu lông có vẻ đẹp riêng của nó” (truyện Người giỏi ngoại ngữ nhất). Mụ Diều Hâu dũng mãnh và rất tàn ác, chuyên săn bắt các loài chim nhỏ; loài chim Ông Đầu Bạc “trên đầu và bụng chim có lông màu trắng, điểm quanh cổ một chiếc khăn màu tím đen, lưng, cánh có đuôi màu xám” (truyện Xóm Bằng Lăng). Chim Đầu Rìu vô cùng dũng cảm, xả thân chiến đấu chống lại mụ Rắn để bảo vệ đàn con; chim Hồng Tước còn được gọi là Hoàng Tử với vẻ đẹp rực rỡ và quý phái; chim Chèo Bẻo “có bộ lông xanh đen, óng mượt, bay nhanh như gió nhưng rất khéo tay, xây nhà đẹp lắm” (truyện Con tắc kè cụt đuôi). Chim Bìm Bịp được gọi tên theo tiếng kêu, “ chuyên chui lủi trong các đám lá, bụi cây rậm rạp bắt rắn và lớp thú nhỏ như chuột, nhái…”. Họ hàng nhà ong đông đúc, hiện ra dưới đôi mắt của Chuồn Chuồn Ớt: Ong Muỗi – “ loài ong bé nhất ở Tây Nguyên”; Ong Mật – “ người chỉ to bằng hạt đỗ đen, ngực mặc chiếc áo màu cà phê nâu, bụng mang váy có bốn vòng nâu đậm”; Ong Vò Vẽ là một “ người lực lưỡng … toàn thân khoác bộ cánh màu vàng”; bà Ong Bầu - loài ong lớn nhất của núi rừng Tây nguyên “ khoác chiếc áo choàng đen như cục than” và không biết xây tổ, “ cứ thấy cây gỗ mục hay các cây tre, nứa chết là đục lỗ chui vào trong làm nhà để ở” (truyện Hoa lạ)… Những loài vật xuất hiện ngày càng đông đúc: Những chú Thạch Sùng, Tắc Kè, các loại Rắn và đủ loại chuồn chuồn: Chuồn Chuồn Ngô, Chuồn Chuồn Đá, Chuồn Chuồn Kim, Chuồn Chuồn Ớt, Chuồn Chuồn Nâu…với nhiều hình dáng và màu sức khác nhau…

Lần theo hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt, các em thiếu nhi còn biết được những điều mới lạ về đặc điểm, tập tính riêng của sự vật như hình dáng, màu sắc của các loài động thực vật. Đó là quá trình sinh thành, phát triển của chuồn chuồn từ trứng chuồn chuồn đẻ ra trên mặt nước, trở thành ấu trùng rồi bọ ăn mày và sau đó, lên khỏi mặt nước trở thành chuồn chuồn bay liệng trên không trung;  cách làm tổ của các loài chim, cách săn mồi của cá chuối, cá trê, của loài rắn, tiếng kêu cho biết độ tuổi của tắc kè, sinh trưởng và tập bay của các loài chim; cách xây tổ, làm mật của các loại ong; cách loài sóc dùng hai chân trước bê hạt k’nia lên để ăn,vv… Nhờ đó, các em có thể phân biệt được các sự vật, các con vật, dù khi chúng có những điểm giống nhau như chuột và sóc, thạch sùng và tắc kè, gà rừng và chim ông đầu bạc…        

Qua hành trình ấy của Chuồn Chuồn Ớt, bạn đọc cũng hiểu được những hiện tượng tự nhiên diễn ra theo quy luật: Lá bàng rụng vào cuối mùa thu đầu mùa đông để đến mùa xuân lại đâm chồi nảy lộc; đời ve sầu ngắn ngủi khi mùa hè kết thúc, họ hàng nhà Kiến đưa xác ve sầu về tổ để “ chôn cất”. Các em thiếu nhi sẽ vỡ ra bao điều thú vị và còn rút ra được bài học nhận thức quý giá: “ Mọi việc thấy rồi phải suy nghĩ nữa mới phân biệt đúng sai, vội vàng nhận xét thường mắc sai lầm…” (truyện Mây và gió). Mối quan hệ của sự vật và ý nghĩa cuộc sống cũng được gợi ra một cách tự nhiên: “cô Bướm đang làm một việc rất có ích là giúp các bông hoa đơm trái… Nếu không có gió, ai mang mây, mang mưa đến cho mọi người có nước uống… Trong cuộc sống, mỗi người tự chọn cho mình một nghề để mưu sinh, đã là công việc được xã hội chấp nhận thì bao giờ cũng đáng quý cả” (truyện Trên cành phượng). Từ những đặc điểm của sự vật, những mối quan hệ của các nhân vật, các em cũng rút ra được ý nghĩa sâu sắc về tình bạn: “ Họ vừa mới quen nhau mà sẵn sáng cứu giúp nhau khi hoạn nạn, dù bản thân phải chấp nhận bao nhiêu vất vả, nguy hiểm. Tình bạn là vậy ư? Thật khó tin quá!” (truyện Gió ốm) và ý nghĩa của cuộc sống “ Trong cuộc sống, không ai dùng thời gian sống dài hay ngắn để đo sự cống hiến đâu, mà phải xem quãng đời đã sống, sống như thế nào, có ích gì cho những người xung quanh không; điều đó mới quý chứ” (truyện Hoa phượng đi đâu) hoặc tình cảm đối với thiên nhiên, niềm trắc ẩn của con người khi rừng bị tàn phá: “ Khi cành cây bị con người cưa, vợ chồng Chèo Bẻo bay vút ra khỏi tổ cuống quýt chao lượn xung quanh tán cây như muốn níu kéo, giữ cành cây lại” (truyện Con tắc kè cụt đuôi). Đó chính là những ý nghĩa giáo dục khá sâu sắc của tác phẩm.

Rừng thiêng là một truyện dài gồm mười truyện nối tiếp nhau theo hành trình  của H’Chi - một em thiếu nhi người Ê Đê, hơn một ngày đi tìm lá thuốc, một đêm phải ngủ lại một mình trong rừng, chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng, nhiều tình huống oái ăm, gây cấn. Ở đây, tác giả đưa bạn đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ về sự sống của muông thú ở rừng núi Tây Nguyên, về sinh hoạt đời sống và văn hoá của đồng bào dân tộc bản địa. Thật thú vị khi quan sát đàn khỉ, cứ hai con ngồi trên một “ hòn đá” di chuyển ra giữa sình để hái những nắm lá nhét đầy mồm rồi hòn đá lại đưa hai con khỉ vào bờ, nhường chỗ cho những “ hòn đá” khác tiến ra hái lá. Bất ngờ ở chỗ, những “ hòn đá biết đi đen bóng ấy” là những con rùa. Chuyện bầy khỉ “ con này bám vào chân con kia như người Kinh chơi trò kéo co” để cứu một con khỉ bị rắn tấn công rồi đắp lá thuốc để chữa lành vết thương cho nó (truyện Chuyện lạ bên sình). Người đọc còn được cảm nhận hình ảnh những con voi, những đàn voi trong đời sống hoang dã ở núi rừng Tây Nguyên cũng như khi đã được thuần phục, trở thành một thành viên của buôn làng Ê Đê: “ Xa xa bầy voi rừng dàn hàng ngang đang giơ những chiếc vòi mềm mại bẻ cành, hái lá bỏ vào miệng một cách khéo léo…Có con khéo léo dùng chiếc ngà trắng muốt của mình cắm xuống hất lên những tảng đất lớn, tạo thành một chiếc hố khá sâu trước khi đưa vò lôi lên một đoạn củ cây bỏ vào miệng. Những con voi khổng lồ giống như những chiếc ô tô tải dàn hàng ngang cùng tiến về phía trước” (truyện Voi rừng). Người Ê Đê chung sống với voi rất hoà bình, họ không ăn thịt voi và xem voi là bạn, là thành viên của cộng đồng, cũng được thưởng phạt nghiêm minh theo luật tục. Voi rất trung thành và thông minh, thường giúp người những công việc nặng nhọc. Đọc tác phẩm, chúng ta còn được biết thêm nhiều điều mới lạ về các loại thú rừng như trăn, rắn, kỳ đà, khỉ, voọc, gấu, hổ, báo, chồn, sói, gà rừng, heo rừng, cú mèo, cầy hương và cả loại chim ăn thịt, săn mồi vào ban đêm có tên gọi theo tiếng kêu của nó là thủ thỉ thù thì… Những đặc điểm hình dáng, màu sắc, cách săn mồi của các loài thú rừng, những cuộc chiến sinh tử của các loại thú rừng như heo và hổ, giữa chồn và “vợ chồng”gà rừng; chuyện chó sói săn mồi và ăn hết bộ lòng ( ruột) rồi mới ăn đến nội tạng của con mồi còn thịt thì nhiều khi bỏ lại, chẳng thèm ăn, vv… được tác giả miêu tả rất chi tiết và sống động trong những tình huống truyện cụ thể.

Tác phẩm còn hấp dẫn người đọc bởi nhiều giai thoại, nhiều sự tích liên quan đến đời sống, lao động và sinh hoạt văn hoá của người Tây Nguyên được nhà văn tái hiện trong nhiều truyện. Đó là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng từ buổi đầu sơ khai bằng cách đào hố bẫy voi rồi đưa về thuần dưỡng đến khi phát triển thành nghề điêu luyện bằng cách dùng voi nhà để săn bắt voi rừng qua câu chuyện Y Khuyết cứu voi và được voi trả ơn để rồi Y Khuyết trở thành thuỷ tổ của nghề săn và thuần dưỡng voi (truyện Truyền nghề). Khi bắt voi rừng, người thợ săn quàng dây buộc vào chân trái của voi thắt lại, nếu quàng vào chân phải voi, người thợ săn phải tự mình xuống đất gỡ dây ra và thả voi theo đàn, không được bắt nữa. Chuyện con voi nổi điên giết chủ vì chủ đã vô tình ăn thịt voi cùng với những người Doan (người Kinh): “ Khi người chủ bước lại gần, nó giơ vòi ngửi khắp người rồi bỗng gầm lên quơ vòi quấn lấy ông chủ của mình tung bổng lên trời, cao đến hàng chục mét…”. Hội đồng già làng lập toà án xét xử và tuyên phạt: “ Hỡi Yang của núi rừng, sông nước. Hỡi Yang trên trời cao hãy về chứng kiến sự trừng phạt của buôn làng đối với kẻ phản chủ. Này voi, mày đã thuộc về chủ nhân mà lại đi giết chủ; tội ác ấy không thể dung tha, đáng phải tội chết”. Nhưng voi vì thương yêu đồng loại mới phạm tội nên Già làng tha cho tội chết mà chỉ bị đuổi ra khỏi buôn làng, con voi bị đuổi đã không vào rừng sống mà đến quỳ chết trước mộ chủ. Điều này giải thích vì sao người Ê Đê không ăn thịt voi (truyện Voi rừng). Đó là chuyện H’Chi vào rừng hái lá thuốc và kinh nghiệm chữa những căn bệnh hiểm nghèo bằng lá cây, rễ cây và sản vật khác của núi rừng Tây Nguyên bằng cách quan sát cách chữa bệnh, giải độc của động vật bằng lá cây, rễ cây rồi thử nghiệm, làm theo. Chuyện về các loại bẫy thú rất độc đáo, chuyện săn gà rừng và cách chế biến các món ăn rất độc đáo của người Ê Đê như nhộng muồng tẩm bột chiên vàng, nhộng muồng rang giòn, nhộng muồng xào khô nai, nhộng muồng xào măng tươi, dế xâu thành chuỗi rồi nướng than hồng. Chuyện người Ê Đê chia đều thịt rừng săn bắt được cho từng bếp chứ không chia theo nhân khẩu hay từng nhà như người Kinh vì người Ê Đê mỗi nhà có thể có đến hàng chục bếp chung dòng họ sống cùng nhau; vv…

Chuyện nhặt trên thảo nguyên là một truyện vừa gồm 14 truyện nhỏ, mỗi truyện như một truyện ngắn nhưng các truyện gắn kết liền mạch theo diễn biến cuộc đời của nhân vật chính - H’ Lê Na. Tác phẩm tiếp tục có nhiều khám khá, lý giải bằng hình tượng về những tập quán sinh hoạt, đời sống và luật tục của người Ê Đê trên cao nguyên Đắk Lắk từ chuyện cách lợp mái nhà bằng cỏ tranh rất đặc biệt và hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê, nhất là hai chiếc cầu thang lên sàn nhà mang dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đến chiếc k’pan có dáng dấp một con thuyền, gợi nhớ cội nguồn xa xưa của bộ tộc và hình ảnh bếp lửa là trung tâm của sinh hoạt gia đình. Chuyện vượt cạn của người phụ nữ ở bên suối, sinh nở xong thì ăn một loại củ cây rừng trông như củ riềng, ăn xong người khoẻ như bình thường, người mẹ và trẻ sơ sinh tắm rửa ngay ở dòng nước suối mà không hề sợ ốm đau.

Những phong tục, lễ hội tín ngưỡng văn hoá tâm linh của người dân tộc bản địa cũng được miêu tả khá sinh động như lễ cúng bến nước, lễ cúng Yang xin được dọn rẫy chuẩn bị đất gieo mùa mới, cúng xin Yang cho gieo hạt, cúng Yang mừng lúa mới, ý nghĩa và hình thức lễ cúng bỏ mả, vv… Sau lễ cúng là cảnh trai gái, người già, người trẻ cùng vít cần rượu chếnh choáng, nhảy múa theo tiếng chiêng và điệu Ay ray dặt dìu tha thiết. Những hội thi như thi “ Lên rẫy” nhằm tôn vinh người phụ nữ hay việc aduôn truyền nghề hái lá thuốc cứu người cho người kế nghiệp, vv… không chỉ được miêu tả sinh động mà mà còn có cả sự tích lâu đời của nó được gợi ra một cách hấp dẫn.

Phần thứ tư trong tập sách là chùm truyện ngắn Con gà gô, nối tiếp mạch tự sự về núi rừng và cuộc sống lao động của con người trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cũng chứa đựng nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Chùm truyện ngắn này, đối tượng miêu tả được mở rộng, nhân vật chính không chỉ là thiếu nhi mà cả những người già, thợ săn, sĩ quan quân đội, thầy giáo và học sinh. Nổi bật ở phần này là những cuộc đi săn thú rừng, những kinh nghiệm xử lý các tình huống bất ngờ và nguy hiểm trong rừng, những tập tính và sự tinh khôn của các loài thú. Truyện Thầy YĐhăng kể về cuộc chiến ác liệt, đầy nguy hiểm của thầy Y Đhăng cùng sự giúp sức của nhiều người và chó săn với con heo một hung dữ. Kết quả là người và chó săn bị thương nặng, người phải nằm điều trị ở bệnh viện gần ba tháng trời còn con heo một bị giết chết. Cuộc săn con khỉ đầu đàn để đuổi bầy khỉ, bảo vệ nương rẫy cũng diễn ra vô cùng gây cấn giữa con người với sự tinh khôn, ma mãnh đầy bản năng sinh tồn của thú rừng (truyện Một lần đi săn). Một con heo rừng “ đã thành tinh”, đầy sức mạnh và sự tinh quái, nổi tiếng về sự phá phách và bất trị vả vùng Ea Ty, Ea bin, Ea Pal và cuộc săn đuổi bất thành của thợ săn. Người ta đã bày binh bố trận, giăng nhiều cạm bẫy, nhiều ổ mai phục với cả súng AK, như một trận đồ thiên la địa võng thế mà cũng bất lực, không giết được nó, chỉ đuổi được nó vào rừng sâu (truyện Săn heo rừng), vv…

Ngày nay, xét về tư tưởng sinh thái hay chủ trương bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, việc săn bắn thú rừng là điều không thể chấp nhận được và phải lên án. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh đất nước và Tây Nguyên những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi việc bảo vệ động vật hoang dã chưa thành vấn đề cấp bách, khi đời sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn, khi thú rừng hoang dã còn đông đúc đầy núi rừng và thường kéo hàng đàn ra tàn phá nương rẫy, thì chuyện săn thú rừng để bảo vệ mùa màng hoặc cải thiện đời sống cũng là chuyện thường tình. Vả lại, trong tác phẩm, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng được gợi ra bằng những mẩu chuyện thú vị và xúc động. Chuyện H Chi cứu con voọc khỏi con trăn săn mồi và được cả đàn voọc trả ơn nhiều lần (truyện Quà tặng, Thử thách), chuyện Y Khiết cứu voi và được voi trả ơn, vv…Truyện  Yang phạt kể về Y Reo, một thanh niên dân tộc bản địa, vì tham tiền, đã dẫn những kẻ săn trộm đi giết con sơn dương chúa và bị trừng phạt, phải chịu kết cục bi thảm, qua đó, truyện cảnh báo con người rằng: Thiên nhiên sẽ trả thù sòng phẳng nếu con người tàn phá nó. Ở truyện Một lần đi săn, dù đã giết được con khỉ đầu đàn để xua đuổi bầy khỉ, bảo vệ hoa màu, nhưng khi nhìn thấy đàn khỉ vây quanh con khỉ đầu đàn bị bắn chết với những tiếng kêu thảm thiết, xúm lại đưa xác con khỉ đi, người thợ săn đã không dấu được nỗi buồn thương, day dứt với những giọt nước mắt: “ Tôi quay lại bảo Trung đoàn trưởng cùng về thì thấy hai giọt nước mắt long lanh trên khoé mắt. Im lặng một lúc, anh khẽ nói: “ Tại nó phá dữ quá nên đành…”. Nhìn con min con thơ ngộ, cô độc, đau đớn bên xác min mẹ vừa bị bắn chết bởi mũi tên tẩm thuốc độc, như đứa trẻ thơ ngồi bên xác mẹ, người thợ săn không khỏi động lòng trắc ẩn, thương xót và hối hận: “ Tôi hối hận vì mũi tên của mình, mũi tên ấy đã giết chết con mẹ và giết chết cả con con bằng sự cô độc, tang tóc. Chính tôi là kẻ gây nên cảnh đau xót này. Đôi mắt của con min con nhoà lệ, lệ nó chảy bằng máu đỏ bầm. Tiếng khóc của nó nức nở từ trái tim tan nát, tôi nghe như chính nỗi đau của mình”. Có lần, dù rất cần thực phẩm để cải thiện bữa ăn cho thầy trò trường nội trú trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng người thợ săn đã không thể nổ súng khi con min to lớn đã ở ngay trong tầm ngắm, chỉ vì đột ngột xuất hiện một chú bê con xinh xắn: “ Con min bước từng bước như đếm tiến lại gần chòi… Hàng lông mi của con bê vừa đen, vừa dài, cong vút trông thật quý phái. Mấy chiếc lông màu nâu phớt trắng xoã xuống móng chân màu thạch giống như người ta buộc lại để trang điểm…”. Hình ảnh mẹ con trâu rừng thật đẹp, thật đáng yêu, là loại thú quý hiếm có tên trong sách đỏ đã làm dấy lên những cảm xúc đẹp và hành động và đúng đắn, đầy chất nhân văn sinh thái ở người thợ săn - thầy giáo ấy.

Đọc Chuyện nhặt trên thảo nguyên, bạn đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi sẽ được mở ra trước mắt cả một thế giới mới lạ và hấp dẫn, từ những sự vật bé nhỏ như chim muông, côn trùng, thảo mộc, sông suối của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, những hình ảnh, tập tính của nhiều loại thú rừng đến những hình ảnh con người, đời sống, sinh hoạt văn hoá, phong tục, lễ hội và ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa. Tác phẩm không chỉ cung cấp nhiều hiểu biết, khám phá mới có giá trị nhận thức mà còn bồi dưỡng cho các em những tình cảm trong sáng, tốt đẹp như tình bạn, tình cảm gia đình, thầy trò, ân nghĩa, thuỷ chung, tình yêu thiên nhiên, yêu thú rừng, yêu cuộc sống, ý thức đoàn kết và bảo vệ rừng.

Bao trùm trong tác phẩm là không gian cao nguyên Đắk Lắk với nhiều dịa danh, sông núi, buôn làng, mênh mông những cánh rừng biền biệt màu xanh, những rẫy ngô, vườn cà phê tươi tốt, đầy sức sống. Không gian ấy phù hợp với tính cách bình dị, phóng khoáng có phần giản đơn đến hoang sơ của con người Tây Nguyên những thập niên cuối của thế kỷ trước. Truyện của Hồng Chiến có kết cấu đơn giản, cốt truyện được xây dựng chủ yếu theo mạch thời gian tuyến tính, một vài truyện có xen lẫn thời gian tâm tưởng, hoài niệm của nhân vật. Tác giả thường kể ở ngôi thứ ba, tạo khoảng cách với nhân vật và ý nghĩa khách quan cho câu chuyện nhưng cũng có một số như truyện, tác giả hoá thân vào nhân vật để kể ở ngôi thứ nhất tạo nên sự đa dạng cho nghệ thuật tự sự như truyện: Đứa con người thợ săn, Yang phạt, Một lần đi săn. Những truyện như Yang phạt, Chuyện thầy YĐhăng, Cặp sừng kỷ niệm, Săn trâu rừng, vv…có tình huống truyện khá hấp dẫn, có sức lôi cuốn đối với người đọc, nhất là bạn đọc thiếu nhi; truyện Yang phạt xen thêm yếu tố huyền ảo, tạo nên vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa. Tác giả đã thể hiện vốn hiểu biết vô cùng phong phú về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với sự quan sát tinh tế, nghệ thuật miêu tả sinh động, lối kể chuyện bình dị và khá hồn nhiên, câu văn ngắn gọn và chuẩn mực, phù hợp với đặc điểm nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi. Hạn chế rõ nét của tác phẩm là xây dựng nhân vật còn đơn giản, diễn biến tâm lý chưa sâu, tính cách nhân vật chưa thật sinh động; việc sắp xếp các mục đề trong tác phẩm cũng chưa thật hợp lý và thống nhất: truyện Chuồn chuồn ớt tìm mẹChuyện nhặt trên thảo nguyên được sắp xếp theo thứ tự “ Chuyện thứ nhất” đến hết và đặt tên cho từng truyện nhưng ở Rừng thiêngCon gà gô thì chỉ đặt tên cho từng truyện, nên chăng, chỉ cần đặt tên cho từng truyện là đủ và dễ theo dõi hơn.

Nhìn chung, Chuyện nhặt trên thảo nguyên là một thành công của nhà văn Hồng Chiến, một đóng góp có ý nghĩa vào mảng văn học thiếu nhi các dân tộc miền núi Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Rất mong nhà văn có thêm nhiều tác phẩm mới, có giá trị đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thế hệ bạn đọc thiếu nhi Việt Nam.

 


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI