Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

ĐÈO KỶ NIỆM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN -CHƯ YANG SIN SỐ: 193 tháng 9 năm 2008





Mặt trời mệt mỏi sau một ngày lang thang đang từ từ chìm dần vào đường chân trời. Từng cơn gió ào ào đuổi nhau trên các ngọn cây như có trận lũ tràn đến. Trên con đường đất đỏ mới mở còn ngổn ngang đất đá, chiếc xe jép lùn như một người say rượu hết quặt trái, quặt phải, chồm lên, chúi xuống. Đường xấu, đèo dốc, chiếc xe như đang cố hết sức lăn đi. Trên xe ba người đàn ông đều đăm chiêu, vẻ mặt căng thẳng. Tài xế cố chạy với tốc độ nhanh nhất có thể, vừa phải tránh “ổ voi, ổ trâu”; lại vừa phải tránh những cục đất đá to như những chiếc thúng rải khắp mặt đường. Người ngồi ghế phụ lái chắc phải gần ba chục tuổi, khuôn mặt xạm đen vì nắng, đôi mắt mở to chăm chú quan sát hai bên đường, một tay giữ cửa xe, một tay cầm khẩu súng AR 15 đặt ngang trên đùi. Băng ghế phía sau một thanh niên tuổi độ hăm ba hăm bốn, dáng to cao như một vận động viên, đang cố gồng mình tì lưng vào thành ghế ngồi, chân đạp vào băng ghế phía trước, hai tay ôm chặt người đàn ông trong lòng cho khỏi bị xe hất văng ra ngoài. Người thanh niên đang nằm, mặt nhợt nhạt, chợt mở mắt cất tiếng hỏi:
-          Ta… đi… đâu… đây… anh?
-          Hải tỉnh rồi hả? Anh em đang đưa cậu về bệnh viện thị xã, cố lên nhé.
-          Đến… đâu… rồi…?
-          Đến đèo Ea Hu rồi, chỉ còn cách thị xã hơn chục km nữa thôi; ráng lên!
Ba ngồi ôm bạn, đôi mắt rực lửa, hai hàm răng nghiến chặt như cố kìm nén một tiếng nấc. Không ai có thể ngờ người thanh niên chưa tròn hai chục tuổi đời, to khoẻ như đô vật, quê tận thành phố dệt thơ mộng, tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật cơ khí Đồng Tâm, hăng hái cầm quyết định vào Tây Nguyên nhận công tác tại Công ty Khai hoang cơ giới, chưa được bao lâu đã gục ngã vì sốt rét. Tổ quốc vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước được bốn năm lại phải gồng mình chống trả cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới. Kinh tế cả nước đang gặp khó khăn, lương thực thiếu trầm trọng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, đơn vị mở chiến dịch khai hoang một triệu héc ta đất nông nghiệp. Rừng già, nước độc, muỗi vằn và điều kiện sinh hoạt hết sức gian khổ đã quật ngã Hải. Anh ngây ngấy sốt từ buổi trưa, cứ ngỡ cảm xoàng, làm vài viên thuốc là khoẻ lại tiếp tục làm việc. Nào ngờ chỉ vài giờ sau, nhiệt độ tăng cao, người bị lên cơn co giật. Y tá thông báo: Hải bị bệnh sốt rét ác tính. Từ nơi khai hoang về bệnh viện tỉnh cũng chỉ gần ba chục km, lại có xe riêng của đơn vị nên chạy chậm cũng khoảng tiếng rưỡi là cùng. Nhưng con đường độc đạo xuyên qua cánh rừng già, phải qua đèo Ea Hu, nơi thường xuyên bị bọn phản động Fulrô phục kích. Hàng ngày cứ khoảng 16 giờ chiều, không xe nào dám qua lại. Ngay đơn vị Khai hoang cơ giới cũng là mục tiêu để bọn chúng tấn công. Có lẽ bọn chúng biết các anh đi đến đâu là những cánh đồng no ấm hiện lên, dân cư kéo đến sinh sống và như vậy đồng nghĩa với việc bọn chúng sẽ không còn chốn nương thân. Ban đêm những chiếc máy ủi T 75, T100 sau một ngày làm việc được đưa về đậu thành hình vòng cung, quay ben ra phía rừng gần, tạo thành bức tường sắt bảo vệ cho công nhân dựng tạm hầm hào ăn ngủ phía sau. Những người công nhân lái máy khai hoang ban ngày thay phiên nhau cầm lái, đêm lại phải nắm chắc tay súng sẵn sàng đón đợi bọn Fulrô, đánh đuổi chúng. Đã vài lần bọn phản động đứng trong bìa rừng nã đạn vào đơn vị, nhưng rồi phải vội vã bỏ chạy vì bức tường sắt – các lưỡi ben của máy quá dày, đạn không xuyên qua được và những phát súng chính xác của các anh bắn trả.
Hải lên cơn co giật đúng vào thời điểm nhạy cảm nhất – 17 giờ. Làm sao đây? Nếu để đến sáng mai, tính mạng người ốm khó đảm bảo. Còn đưa đi ngay bây giờ liệu có qua khỏi đèo được không, hay lại làm mồi cho bọn Fulrô! Anh em cả đội bàn bạc xôn xao mà không ai đưa ra được ý nào hay; mọi con mắt đổ dồn vào Ba. Có lẽ không chỉ ở Công ty mà trong toàn Tổng công ty chưa nơi nào có một người được bổ nhiệm làm Đội trưởng khi tuổi đời vừa tròn 23. Người Đội trưởng đội chủ lực của Công ty, không những phải lo khai hoang đảm bảo đúng kế hạch cấp trên đã vạch ra, mà còn phải bảo vệ được máy móc, con người khỏi bị phá hoại của Fulro. Giờ đây Ba phải quyết như thế nào cho hợp lí, hợp tình. Hơn 100 công nhân với 50 xe các loại anh phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên, trước Đảng và trước cả các gia đình những người công nhân này. Không thể ngồi nhìn bạn chết, nhưng cũng không được quá mạo hiểm, phung phí mạng sống của anh em, đồng đội. Khuôn mặt vuông chữ điền của người đội trưởng đanh lại, làn da mặt sạm đen như tái đi. Ba quyết định: phải đưa Hải lên bệnh viện bằng bất cứ giá nào. Trước quyết tâm của người đội trưởng, tất cả công nhân ai cũng giơ tay xung phong tình nguyện đi cùng, thề sống chết có nhau.  Nhưng nếu đi cả, máy móc ai giữ? Mọi người trong đơn vị lặng đi khi nghe đội trưởng đặt ra câu hỏi đó.
-          Thôi thế này, mời đảng viên và cán bộ về hội ý – Đội trưởng nói – nhờ anh Đạt Phó bí thư chi bộ, đội phó ở lại chỉ huy anh em tuần tra canh gác cẩn thận, vì nếu thấy xe con chạy đi lúc này chắc chắn chúng sẽ biết chúng ta có chuyện nội bộ khó khăn nên sẽ tổ chức tập kích phá hoại máy móc. Những người không phải canh gác, cố gắng ngủ lấy sức mai còn đi làm. Tôi chỉ cần một lái xe, một khẩu súng và anh Thành đi cùng. Anh Thành đã nhiều năm có mặt trên chiến trường Tây Nguyên, có kinh nghiệm trong chiến đấu.
Cả đơn vị lặng đi, một số người không cầm được nước mắt. Ba chọn Thành không những anh là đảng viên, người từng kinh qua chiến đấu, gan dạ, thật thà, chất phác, đúng bản sắc người dân tộc Tày xứ Cao Bằng, ưa làm việc thiện, hay nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Trong cuộc sống đời thường, Thành luôn là người anh gần gũi với các đồng nghiệp đi sau và rất quý mến, khâm phục Đội trưởng. Riêng Ba, người con vùng đất đồng quê chiêm trũng mà bạn bè thường gọi đùa dân “Hà linh tinh”. Là anh cả trong một gia đình đông con nên học xong lớp 7, tuổi tròn mười sáu đã xung phong đi học với mong muốn nhỏ nhoi sẽ mang máy về quê, thay trâu bò làm ruộng cho con người đỡ khổ. Tuy nhỏ tuổi nhất lớp, nhưng học hành sáng dạ, được các thầy cô thương yêu muốn giữ lại trường đào tạo thêm, nhưng Ba quyết định phải đi làm để có tiền giúp cha mẹ nuôi em. Sau hai năm công tác trên các cánh đồng xứ Thanh, anh được chuyển vào đây khi công ty có quyết định thành lập. Người con trai quê mùa khi xưa, nay đã trưởng thành, được cấp trên tín nhiệm, anh em kính trọng. Từ một tổ trưởng, được đề bạt thẳng lên đội trưởng, không qua thử thách làm đội phó như quy trình tổ chức. Người được bổ nhiệm “vượt rào” ấy đã chứng minh năng lực của mình qua từng ngày công tác. Sau một năm nhận nhiệm vụ, đội của anh đã trở thành đơn vị kiểu mẫu cho toàn Công ty học tập. Trước việc cấp bách cứu người, Ba quyết định dứt khoát làm mấy bác công nhân già tuổi ngoài năm mươi chỉ còn biết tặc lưỡi: “Cái thằng…!”. Cánh thanh niên xúm lại khênh Hải lên xe. Xe lăn bánh lao đi, để lại phía sau một đám bụi vàng khè phả vào không khí; mặc kệ, không ai bảo ai đều đứng lặng im, nhìn đám bụi nhỏ dần cho tới khi mất hẳn.
Chiếc xe ì ạch leo gần lên đến đỉnh đèo, đây là những mét đường nguy hiểm nhất vì nhiều xe đã bị bắn ở chỗ này. Hải lại lên cơn co giật, những cái oằn mình như muốn hất tung cả hai người ra ngoài.
 Ầm! Tiếng nổ của quả đạn M79 trúng ngay đầu xe làm mọi người ù tai, buốt óc. Chiếc xe ngoặt ngang, đâm sầm xuống rãnh bên đường. Tiếng AR 15, tiếng cac – bin nổ chát chúa thi nhau găm vào xe. Thành đạp cửa lăn xuống núp bên bánh trước của xe. Anh tài xế máu đầy mặt đổ nhào ra ngoài ca bin. Ba đẩy cửa lôi Hải ra ngoài, ôm bạn lăn xuống rãnh nước. Trên đỉnh đèo, bọn Fulro hò hét chạy xuống. Đoàng! Tiếng súng của Thành bất chợt gầm lên, một tên Fulrô hăng máu lao xuống trước, bỗng khựng lại ngã vật ra như cây chuối bị phạt đứt gốc. Bọn còn lại hốt hoảng lăn bừa ra hai bên đường nổ súng loạn xạ. Thành bắn cầm chừng vài viên rồi lăn qua bên cạnh ôm anh tài xế nằm bất tỉnh bên gầm xe. Rờ ngực thấy tim còn đập, Thành xốc bạn lên vai rồi ra hiệu cho Ba cùng lao vào rừng. Bọn phản động nã đạn M79 đuổi theo nhưng rừng già đã che chắn tất cả. Hai anh em vác bạn chạy tắt qua cánh rừng xuống suối. Trời sụp tối, Ba chạy phía trước nói trong tiếng thở gấp: Ta chạy xuôi theo con suối này thế nào cũng gặp đường lớn, cố lên anh nhé. Ừ! Thành trả lời trong tiếng thở gấp gáp, đứt quảng. Những cành cây thỉnh thoảng lại đập vào mặt, vào người, vào chân đau điếng. Nhưng lúc này đây Ba chỉ nghĩ làm thế nào chạy ra đường cái nhanh nhất để cấp cứu cho bạn.
Bỗng nghe tiếng xe ô tô chạy gần, ngước lên trời thấy vệt sáng chiếu qua trước mặt, Ba nói: Anh Thành ơi! Cố lên tí nữa, gần đến đường rồi. Hai người ì ạch cõng bạn lên mặt đường. Thật may đơn vị cơ động đóng quân gần đấy, nghe tiếng súng nổ trên đỉnh đèo, biết có người bị Fulro phục kích nên đưa quân tới. Ô tô dừng lại, Thành kêu lên: Thằng này bị nặng lắm, cứu  nó với! Nói dứt lời, Thành cũng gục xuống mặt đường. Y tá chạy lại thấy máu trên đầu Thành chảy xuống mặt thành dòng, kêu lên: Anh này cao số thật, đạn xuyên qua đầu thành lỗ như thế này mà không vỡ sọ. Mọi người xúm lại đưa cả bốn người lên xe vào bệnh viện.
Ngay đêm hôm đó, lực lượng vũ trang của ta tổ chức truy quét bọn Fulro và tiêu diệt gọn cả nhóm. Điều ngạc nhiên đến buồn cười, khi quân ta lên chổ xe bị phục kích thấy chiếc xe bị lật sấp, một đống củi cháy chưa tàn ngay trên trục sau của xe. Có lẽ bọn Fulro muốn đốt xe, nhưng vì gầm xe bằng sắt nên không cháy được; ta lên, lật lại xe, nổ máy chạy về. Cũng từ trận đánh ấy, đèo Ea Hu nói riêng và cả vùng phía tây nam thị xã sạch bóng bọn Fulro.
Thoáng đã hai mươi chín năm, những người đi trên chuyến xe buổi chiều hôm ấy, nay hẹn nhau về thăm lại đèo Ea Hu. Đèo cũ còn đây, người cũ còn đây, nhưng cảnh đã đổi thay theo năm tháng. Sự đổi thay đó cũng là đương nhiên khi con người đến đánh thức tiềm năng của đất, phục vụ cuộc sống. Còn bốn người xưa ấy cho dù cuộc sống khác xưa, vị trí trong xã hội cũng khác xưa, nhưng hàng năm vẫn hẹn nhau cùng về thăm đèo Ea Hu – con đèo kỹ niệm trong trái tim họ.

8 nhận xét:

  1. VUI NHIEU AN BANH UONG TRA NGAM TRANG NHE

    Trả lờiXóa
  2. Trung thu xưa dù thiếu tốn nhiều thứ nhưng nó vẫn luôn đọng lại trong chúng ta những kỉ niệm thật đẹp anh nhỉ, ghé sang thăm anh chúc anh trung thu tràn đầy niềm vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã qua thăm và có sự đồng cảm với tác giả. Buổi chiều vui bạn nhé!

      Xóa
  3. Phần kết bài Tản văn hay bởi giàu nhạc diệu!

    Trả lờiXóa
  4. Chúc HC có ngày nghỉ nhiều ý nghĩa!

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI