Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

CHUYỆN Y MY truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 229 tháng 9 năm 2011





Ông mặt trời đã đi quá về phía tây một đoạn rồi mà Y Mi vẫn chưa chịu dậy như thường lệ, amí(*) vội bỏ cây bút đang chấm bài cho học sinh bước vào phòng gọi:
- Y Mi, dậy đi con!
Y Mi vẫn nằm im, hình như không nghe thấy tiếng gọi, Amí bước lại bên giường đặt tay lên trán cậu con trai, rồi lôi chăn:
- Con trai gì mà ngủ đến giờ này chưa dậy?
Y Mi lật mình úp mặt xuống gối, đôi vai nhỏ bé rung rung.
- Sao vậy con?
Amí ngồi xuống bên cạnh xoa đầu. Y Mi nghẹn ngào:
- Amí, con xấu hổ lắm!
- Con có thể cho amí biết được không?
- Con làm Chi đội trưởng, thế mà các bạn trong Đội cờ đỏ trưa nay đến hỏi con: “Tàu Bình Minh 02 rồi tàu Viking của ta đang làm việc trên biển Đông, thuộc lãnh hải Việt Nam, vậy mà bị tàu nước ngoài xông đến cắt cáp, gây hấn; phải làm gì đây để biểu thị tinh thần đoàn kết của thiếu nhi về nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền tổ quốc?” Con không biết phải trả lời thế nào cả.
- Việc đó của người lớn, nhiệm vụ của các con bây giờ học cho giỏi là tốt rồi.
- Sao amí nói vậy? “Giặc đến nhà trẻ già cũng phải đánh”, bom đạn bọn xâm lược có trừ trẻ con không giết đâu! Bọn con đã là học sinh lớp 7 rồi, không còn nhỏ nữa đâu. Trần Quốc Toản hơn con bao nhiêu tuổi đâu mà đã làm tướng mang quân chống Nguyên Mông xâm lược!
- A, con trai của amí cũng lí lẽ ghê nhỉ, nếu vậy con phải tự mình nghĩ ra chứ.
Y Mi cũng đã nghĩ nhiều lắm, đọc trong sách chép lại bao nhiêu chuyện hay: bên nước Nga xa xôi, trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, các bạn thiếu nhi ở hậu phương cùng nhau tổ chức phong trào góp sức vào công cuộc kháng chiến bằng việc làm giúp đỡ các gia đình có người thân ra trận như tác phẩm “Timua và đồng đội”; còn ở Việt Nam ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược, thiếu nhi miền Bắc đã phát động phong trào “Công tác Trần Quốc Toản”, tự giác góp sức vào chiến thắng chung bằng việc làm hàng ngày giúp gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có người thân ra chiến trường đánh Mĩ; còn bây giờ các công việc như vậy không còn phù hợp nữa. Cả vùng này chưa có ai được gia nhập lực lượng Hải quân cả vì dân vùng Tây Nguyên chỉ giỏi leo núi, không thông thao bơi lội như người ven biển và có lẽ vì thế nên cũng chưa có ai làm công việc cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì phải. Biết làm gì để góp phần thể hiện tinh thần yêu nước, ủng hộ các bác, các chú bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển đây! Nghĩ mãi, cả tổ bàn mãi không ra, Y Mi thấy buồn lắm, biết làm sao bay giờ?
- Amí ơi, có cách gì thể hiện được lòng yêu nước, đoàn kết của chúng con gửi tới các anh bộ đội Hải quân cũng như những người đang làm việc trên biển Đông vừa bị người nước ngoài bắt nạt không ạ?
- Con phải tự suy nghĩ và tìm xem có cách gì để thể hiện tình cảm của tuổi trẻ Tây Nguyên vẫn đến được với các bác, các chú, các anh... đang ngày đêm bám biển không chỉ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc mà còn khác thác tài nguyên, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương không.
- Chúng con cùng nghĩ mãi mà không tìm ra cách gì cả.
- Nếu như ở xa nhau muốn trao đổi tin tức thì phải làm thế nào?
- Gọi điện thoại chứ còn thế nào nữa ạ, thời đại công nghệ mà amí.
- Nếu vùng đó chưa phủ sóng thì làm thế nào để trao đổi tin tức?
- A, con biết rồi, cảm ơn amí!
Y Mi vùng dậy, ôm choàng lấy amí.
- Con sẽ thông báo cho tất cả các bạn trong Chi đội của con và cả các bạn ở Chi đội khác nữa viết thư cho các chú bộ đội Hải Quân, các bác, các chú, các anh ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam, thể hiện lòng ủng hộ của chúng con trước những sự kiện bị người nước ngoài gây sự, xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Mỗi thiếu niên vùng núi trên đất Tây Nguyên này sẽ làm một việc tốt để kể cho chú bác ngoài ấy biết; như thế được không amí?
- Con đã nghĩ đúng rồi đấy!
- Cảm ơn amí nhé!
Y Mi ôm hôn mẹ rồi chạy vụt ra cửa như cánh chim chơ rao.

2 nhận xét:

  1. Xin chia buồn cùng gia đình và bạn bè của anh Nguyễn Phi Trinh!
    Đời như chiếc lá, bóng câu
    Vụt bay qua cửa, úa màu... nhẹ rơi

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI