Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

TRĂN TRỞ MỘT VÙNG QUÊ bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SỐ THÁNG 9 NĂM 2003






                                                                                                
          Cũng là công nhân viên chức Nhà nước như nhau, vậy mà thứ bảy người ta được nghỉ đi chơi với bạn bè, vợ con, còn chúng  tôi lại vẫn phải cặm cụi, miệt mài công việc cơ quan tám tiếng trong giờ hành chính và nhiều khi còn hơn thế. Ngày nghỉ cuối tuần hầu như nó tồn tại ở một hành tinh nào khác chứ đâu phải ở ngành giáo dục Việt Nam chúng ta: Buồn thật !
          Tháng năm, khi mùa mưa ào ạt kéo về Tây Nguyên cũng là tháng quan trọng nhất đối với một năm học vì thầy cô phải hoàn tất hồ sơ, tổ chức thi hết cấp, thi vào đại học cho các em. Giáo viên phải gồng mình lên chạy đua với thời gian, cố gắng củng cố kiến thức - bước cuối cùng trước khi đám học trò “vượt vũ môn quan” rời ghế nhà trường. Vất vả là vậy nhưng chế độ giành cho những viên chức Nhà nước nghỉ ngày thứ bảy cuối tuần cũng không được hưởng, chẳng lẽ những người công tác trực tiếp trong các trường học không phải công chức?!
          -Chào thầy !
          Bỗng có tiếng chào, cắt đứt dòng suy nghĩ, tôi giật mình nhìn lên thấy Hải Bình  phóng viên đài truyền thanh, truyền hình huyện Eakar đứng ở cửa.
          -Vào đi em .
          -Dạ! Thầy ơi, hôm nay thứ bảy em muốn mời thầy vào buôn Eaknốp chơi, ở đó có mấy gia đình có hoàn cảnh đặc biệt lắm .
          -Chờ thầy một chút.
          Tôi xắp xếp giấy tờ, hộp dấu bỏ vào tủ và chợt nghĩ: dân Việt Nam mình hay thật, lúc nào cũng ràng buộc nhau bằng lễ giáo bất thành văn. Như cậu Hải Bình đây, mười sáu năm trước là học trò của mình, giờ đã trở thành một phóng viên truyền hình nổi tiếng, không ngại va chạm, bất chấp khó khăn bảo vệ lẽ phải, kiên quyết chống tiêu cực qua hàng loạt phóng sự , bình luận góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, vậy mà khi đứng trước thầy giáo cũ vẫn ngượng ngập.
          Hai Thầy trò vào buôn Ea Knốp, đây là buôn dân tộc Ê Đê duy nhất sinh sống trên địa bàn xã EaTý, Huyện Eakar , Tỉnh Đắc Lắc, nằm bên đường quốc lộ 26A - Con đường huyết mạch nối thành phố Buôn Ma Thuột - Thủ phủ Tây Nguyên –Với dải đất duyên hải Miền Trung đến thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa. Cột mốc đánh dấu khoảng cách từ thành phố Buôn Mê Thuột  đi thành phố Nha Trang  đến chính giữa buôn tròn 67km. Xét về mặt địa lý  Buôn Eaknốp có vị trí thuận lợi phát triển  kinh tế và văn hoá , vì không chỉ nằm bên đường quố lộ 26A, mà còn chung địa giới với thị trấn công nghiệp Eaknốp, đông đúc, trù phú .
          Chúng tôi dừng xe bên một căn nhà sàn dài chắc phải gần 40m mái lợp ngói, xung quanh thưng ván được cưa, đục khá cầu kì; vợ chồng chủ nhà vội vã chạy ùa xuống chắp tay chào :
          -Chào thầy!
          Tôi ngạc nhiên  nhìn đôi vợ chồng chắc tuổi đã ngấp nghé tứ tuần, nét mặt tỏ ra phấn khởi vui mừng. Người phụ nữ to cao, hơi mập có dáng dấp của một vận động viên bóng rổ, nước da bánh mật, mặt tròn, nhìn có nét quen quen. Người chồng nhỏ hơn vợ một chút, nước da trắng mang dáng dấp của một công chức hơn là người làm nông .
          -Thầy không nhận ra vợ chồng em sao ? Người phụ nữ cầm lấy tay tôi, hỏi.
          -Giới thiệu với thầy đây là AMí H Nhất và AmaH  Nhất ! Hải Bình đỡ lời .
          -À hai bạn đây là AMa  - AMí của H Nhất, sinh viên trường Đại học Tây Nguyên  phải không ?
          -Dạ phải, nhưng em và vợ là học trò cũ của thầy đấy ạ. Mời thầy lên nhà.
          Người chồng hồ hởi nói, vừa nắm chặt tay tôi đưa lên cầu thang vào nhà.
          -Thầy có nhớ chúng em không ? Năm 1978 vợ chồng em học trường nội trú Huyện MĐRắc đấy.
          -A, HLan ! Thầy nhớ ra rồi.
          -Dạ, còn chồng em tên Y Din.
          Giờ thì tôi đã nhớ, và nhớ tất cả những kỉ niệm vui buồn của một thời trai trẻ trong hoàn cảnh đất nước còn cực kỳ khó khăn lúc đó. Năm 1977 Trường nội trú MĐRắc  được thành lập, dành cho con em dân tộc ít người, đặt tại buôn Dắk Xã CưMTa. Số học sinh lúc ấy mới chỉ có hơn 100 em  phải ở nhờ nhà dân. Tình hình an ninh không được ổn, bọn thổ phỉ Fun Rô hoành hành với hàng loạt tội ác dã man nhằm vào dân thường và trường học. Bọn chúng đặt đội ngũ giáo viên mang cái chữ đến cho con em đồng bào ngang hàng với công an – những người nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Tôi nhớ không nhầm, đêm 26 tháng 2 năm 1978 vào khoảng 21 giờ đêm, khi các em học sinh đang quây quần quanh ngọn đèn dầu học bài, còn thầy cô giáo đang tập trung tại nhà thầy Hồng Hải – hiệu trưởng để hội ý – Bỗng nhiên có tiếng quát lớn. Ai !
          Kèm liền ngay sau đó tiếng nổ chát chúa của đạn M79, rồi AR15, M72 kéo cái đuôi lửa khổng lồ dội xuống buôn Dắk. Nhà riêng thầy hiệu trưởng Hồng Hải lóe sáng như có tia chớp giáng xuống kèm theo một tiếng nổ inh tai, cây đòn nóc sập xuống như cánh tay bị gãy xương, bùng lên ngọn lửa khét lẹt.
          -Về vị trí.
Tiếng thầy Y Lăng phó hiệu trưởng nhà trường hét to át cả tiếng súng, các thầy cô lao qua cửa lăn xuống hào giao thông đã chuẩn bị sẵn. Tiếng súng AK rộ lên từng loạt kịp thời đẩy lui bọn thổ phỉ phun rô về phía bên kia đường quốc lộ 21A (tên gọi quốc lộ 26 bây giờ). Bọn chúng điên cuồng dùng súng phóng lựu M79 xả bừa bãi vào nhà dân. Buôn Dắk thành một biển lửa, nhà nào cũng bị chúng bắn đạn M72 – M79 vào đốt cháy, hơn ba chục học sinh và dân thường bị thương, thầy Hồng Hải, vợ thầy và cả thầy Y Lăng cũng bị dính đạn M79. Trận tập kích kéo dài khoảng 15 phút, 15 phút ấy sao mà dài đến thế, cuối cùng bọn Phun rô cũng phải bỏ chạy vào rừng. Nhưng chúng đã kịp giết chết một sỹ quan Công an, một bộ đội và thiêu trụi toàn bộ buôn Dắk nơi học sinh của trường nội trú MDRẮC ở nhờ.
          Đến hôm nay, những thầy cô tham dự trận đánh ấy người còn, người mất. Có lẽ tội nhất là vợ chồng thầy Y Lăng phó hiệu trưởng nhà trường – người học trò nhỏ được đào tạo từ trường thiếu sinh quân Quế Lâm – Trung Quốc dưới thời thầy Y Ngông Niê Kđăm làm hiệu trưởng đã không còn nữa, vợ chồng thầy vĩnh viễn ra đi khi tài năng đang độ chín, để lại hai đứa con thơ dại, tuổi nhi đồng. Các thầy cô giáo khác như Vũ Hữu Nhân, Lê Đình Điềm, Lê Cảnh Truật, Nguyễn Thị Bắc… vẫn bám trụ kiên cường ở huyện MDRắk và trở thàng những vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ, UBND huyện MDRắk cũng như ngành giáo dục.
          Mới đó đã 25 năm trôi qua; Cô học trò nhỏ H Lan ngày nào nay đã là một bà mẹ và nếu cô con gái rượu H Nhất không tiếp tục theo học có khi đã lên ngoại rồi cũng nên.
          -Mời thầy !
          Ché rượu cần được buộc giữa nhà, Y Din vít cần mời tôi uống trước. Những giọt rượu thơm thơm, ngọt ngọt đượm một hương vị riêng làm con người thêm sảng khoái. Phải công nhận rượu ngon. Có lẽ cái ngon đã được nhân đôi khi nhìn căn nhà sạch sẽ, gọn gàng với đồ dùng sang trọng chứng tỏ chủ nhân có cuộc sống khá giả.
          -Chào Thầy, chào Anh !
          Bóng đèn neon chạy bằng bình ác quy soi rõ một đám người nữa kéo vào cùng vây quanh ché rượu với chúng tôi; trong số đó tôi nhận ra Ma Tin buôn trưởng.
          -Ma Tin à, tại sao ở đây không có điện lưới.
          -Chỉ mới có bốn nhà được thắp thôi, còn lại phải chờ.
          -Chờ cái gì ?
          -Mình cũng không biết ?
          Quả thực tôi rất ngạc nhiên khi những người dân ở những thôn xung quanh buôn Eakanốp đã được kéo điện từ lâu, còn ở đây nơi có đường dây điện hạ thế kéo qua mái nhà, nhưng người dân tộc tại chỗ của buôn Eakanốp lại không được hưởng ánh sáng điện của Đảng và Nhà nước mang tới. Cái buôn nhỏ bé chỉ có năm bảy hộ với 326 khẩu này như bị bỏ quên. Trước 1975 bọn Mỹ – Ngụy càn đi, quét lại biết bao máu và nước mắt của dân đã đổ xuống, song họ vẫn một lòng nghĩ về Đảng, về Bác, đi theo bộ đội cụ Hồ. Vậy mà giờ đây…
          Có lẽ do bệnh nghề nghiệp nổi lên, tôi nhờ Mí Nhất dẫn đi tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Nhìn chung đời sống có nhiều đổi thay trong thời kỳ đổi mới; số gia đình có nhà xây, nhà sàn truyền thống xây dựng bằng chất liệu quý chiếm quá nửa buôn; còn hộ nghèo đếm được trên đầu ngón tay. Cả buôn có bốn nhà khá giả đào được bốn cái giếng, còn một số hộ vẫn phải lấy nước ăn, tắm giặt ở bến nước của buôn. Bến nước buôn Ea ka nốp chỉ là một hố nước nông choèn, gần như hình  tròn, nhìn qua có thể nhầm đó là một vũng trâu đầm, chiều ngang chỗ rộng nhất dài hơn một mét, sâu cỡ đến đầu gối người lớn; xung quanh bờ dầy đặc vết chân heo, dấu heo ủi, mùa khô còn đỡ, mùa mưa đủ thứ rác rưởi, phân heo, bò từ trên đường tràn xuống, vậy mà người ta phải dùng. Nhìn bến nước tôi lắc đầu ngao ngán:
          -Tại sao người ta không đào giếng lấy nước dùng ?
          -Thầy không biết rồi; bến nước là nơi linh thiêng của buôn đó; việc đào giếng không phải ai cũng có tiền để đào đâu, buôn ta nhiều người nghèo lắm.
          -Làm thế nào em giàu vậy ?
          -Em chưa giàu đâu, chỉ mới đủ ăn thôi.
          Qua câu chuyện của của H Lan, tôi biết được nhà em có bò một đàn gần ba mươi con; heo, gà đầy sân, kinh tế có phần dư dật do biết phá bỏ thói thâm canh cũ chỉ trông chờ trời để trồng tỉa lúa, ngô, khoai mỳ; nay trồng thêm cây mía, bán được nhiều tiền hơn. Ngoài ra ngày nông nhàn thuê người nhặt phân bò góp lại bán cho dân trồng cà phê. Do biết hạch toán chi ly, bố trí công việc hợp lý nên kinh tế gia đình ngày một phát triển, đời sống tinh thần được nâng cao. HLan còn khoe tập giấy khen của bốn người con đang theo học từ cấp một đến Đại học. Một cặp vợ chồng trẻ, nhà cửa đàng hoàng, con cái học hành tiến bộ quả thật rất đáng mừng; nhưng còn mừng hơn khi thấy bên căn nhà sàn có giếng nước, nhà tắm xây dựng kiên cố, khác xa phong tục xưa kia, cởi trần tắm ở bến nước của buôn. Vui với các em, tôi hỏi thêm:
          -Buôn ta còn có người nghèo không ?
          -Có người khổ nữa cơ, Thầy đến nhà bà H Tang sẽ rõ.
          Nhà bà H Tang K Sơn hai gian lợp ngói, đứng trên những cây cột bằng gỗ tạm bị mưa gặm nham nhở, nên nó hơi chúi về phía đông. Đứng trước căn nhà có cảm giác như mấy cây cột đang phải gồng mình quá sức đỡ mái ngói. Hai đầu hồi được vá víu bằng đủ các vật liệu che mưa như: ván, bao tải, bao li lông, chèn chống lung tung, có lẽ nó sắp đổ tới nơi. Trong nhà mỗi gian đặt một chiếc giường, choáng gần hết diện tích; phía sau được kéo dài một chút dùng làm bếp. Căn nhà tuỳnh toàng không có gì đáng tiền ngoài mấy bộ quần áo và chăn màn cũ. Bà H Tang chủ căn nhà trạc 60 tuổi người gầy đét, mặc chiếc áo xanh cũ và tấm váy màu đen đã có vài miếng vá, ngượng ngập khi thấy tôi vào vì không biết phải mời ngồi vào đâu. Trên chiếc giường đặt giữa cửa ra vào một bà mẹ trẻ đang ủ đứa con đỏ hỏn, còn chiếc giường phía trong có một người thanh niên quấn chăn ngồi thất thần. Mí Nhất nhanh nhẩu giới thiệu tôi bằng tiếng Ê Đê và kéo chiếc ghế nhựa bên bếp để tôi ngồi tạm. Bà H Tang K Sơn sinh năm 1945 ở xã K’ Rôngzo Huyện Mđrắk là vợ liệt sỹ Y Thưng A Lê hi sinh năm 1975. Người con trai ngồi trên giường là Y Chư là con trai của bà. Anh sinh năm 1975 có một vợ hai con, trong đó cháu bé mới sinh đang được mẹ nó ủ ngủ trên giường. Do ảnh hưởng của chiến tranh, nhiều lúc thần kinh anh Y Chư không bình thường, có lúc tỉnh lúc quên. Gánh nặng kinh tế gia đình đều trông cả vào bàn tay người mẹ già làm rẫy và nhặt phân bò bán kiếm sống hàng ngày, cộng với số tiền tuất ít ỏi được Nhà nước cấp hàng tháng. Mí Nhất cho biết, bà ấy khổ lắm, rẫy ít, lại yếu, không có người làm nên thu chẳng được bao nhiêu. Em thương lắm mà không biết phải làm gì.
          Còn bà H Tang, khuôn mặt đã già vì tuổi tác lại càng già hơn khi gánh thêm sự thiếu thốn về kinh tế. Mắt bà chợt sáng lên khi nói đến người chồng quá cố sinh ở E Ba, Huyện Tây Sơn Tỉnh Phú Yên tham gia cách mạng từ nhỏ, đã bỏ lại mẹ con bà bơ vơ từ năm 1975, ông ấy hy sinh ở đâu không ai cho bà rõ, mãi năm 1996 bà mới nhận được giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ cấp ngày 18 tháng 01 năm 1996, còn bằng Tổ quốc ghi công thì … mưa gió cướp mất rồi. Có lẽ đây là nhà nghèo nhất trong những nhà nghèo, ngay con vật gần gũi nhất của người nông dân như: Trâu, bò, heo bà cũng không có để nuôi. Tôi hỏi:
- Gia đình mình thuộc diện chính sách, vậy trước khó khăn hiện nay về kinh tế bà có muốn kiến nghị gì không ?
          Thật bất ngờ người phụ nữ không biết chữ, nói chưa thạo tiếng Kinh vậy đã trả lời: “Chồng mình chết rồi, nó đã hy sinh cho đất nước thống nhất. Mình tự hào không muốn đòi hỏi gì đâu, làm thế hắn buồn. Mình chỉ mong Nhà nước cho mình lại tấm bằng Tổ quốc ghi công khác để treo và có thể thì tìm hộ nơi chôn chồng mình”.
          Có lẽ bà là vợ liệt sỹ nên chỉ nghĩ đến cái chung, cái cao thượng và chấp nhận khó khăn của cuộc sống đời thường và xem đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Còn chúng ta thế hệ những người đi sau, được thành quả của lớp cha anh đi trước để lại phải làm gì để xứng đáng với người đã khuất cũng như người đang sống.
          Rời nhà bà H Tang K Sơn lòng tôi chĩu nặng với bao câu hỏi còn chưa có câu trả lời. Tại sao tất cả các thôn của xã Ea Tý đều có điện lưới, còn buôn Ea ka nốp lại không ? Tại sao người vợ liệt sỹ cô đơn sống với người con tâm thần không có được một mái nhà lành lặn để ở khi đời đã vào cảnh xế chiều ? Tại sao chương trình nước sạch vẫn không về đến buôn Ea ka nốp ? Tại sao và tại sao vẫn còn nhiều lắm ai sẽ trả lời đây ? trong cơ chế thị trường hiện nay mọi người chỉ toan tính lợi nhuận, làm giàu và có ai ngoảnh nhìn lại quá khứ hào hùng đã qua để có thể “nhón tay làm phúc” giúp cho bà vợ liệt sỹ kia có một mái nhà tươm tất không? xin gửi lời khẩn cầu này đến tất cả những tấm lòng nhân hậu gần xa và hy vọng.

Tháng 7 năm 2003


4 nhận xét:

  1. “Liệu cơm gắp mắm”, các ông in ít trang thôi, dồn hai ba tháng lại một số, chết ai. Thôi cứ vậy nhé!
    Cái ông này điên chắc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn sự chia sẻ của bác HẠT CÁT, Chúc bác ngày chủ nhật vui vẻ!

      Xóa
  2. Chán nhỉ ! Gặp mấy ông "Thôi cứ vậy nhé ! " thế này thì mọi người chết dở, cuối cùng vụ này xoay sở làm sao hả bác Hồng Chiến ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đành phải báo cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy để... xin thôi, Khổ vậy đấy SOC NAU ạ!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI